Người Việt có quan tâm đến 'giáo dục thật'?

04:10 CH @ Thứ Tư - 14 Tháng Mười Hai, 2016

Do sự rắc rối, đa nghĩa của tiếng Việt, tôi đành phải viết như thế - "giáo dục thật" - để nói về một nền, kiểu, cách, loại giáo dục có chất lượng, phù hợp với xu thế, tiến bộ giáo dục của nhân loại.

Tôi không có ý hỏi người Việt có quan tâm đến giáo dục hay không, vì câu trả lời hiển nhiên là có. Trong một gia đình Việt Nam, không có chuyện nào được nói đến, được bàn bạc nhiều hơn chuyện học hành của con cái. Ngoài việc kiếm sống, không có việc nào chiếm nhiều thời gian của bố mẹ hơn chuyện học hành của con cái. Chi phí cho chuyện học hành có lẽ chỉ đứng sau chi phí ăn uống hàng ngày.

Cho nên, sự quan tâm đến giáo dục của người Việt là rất lớn và rõ ràng.

Tôi muốn hỏi là chúng ta, người Việt, quan tâm đến loại, kiểu giáo dục nào, đến những mục đích giáo dục nào, trong gia đình và trong nhà trường?

Tôi có cảm giác rằng, phần đông người Việt quan tâm đến mục tiêu giáo dục là để con cái sau này có cuộc sống an nhàn, làm những việc nhẹ nhàng mà dễ ra tiền, tốt nhất là được làm quan. Ít ai che giấu mục đích đó. Nó thậm chí còn được bày tỏ, thể hiện như tấm lòng, tình thương của bố mẹ. Con cái thường cũng biết như thế và vui thích với những gì được bố mẹ dành cho. Con cái cũng chẳng lạ với việc bố mẹ chạy trường, chạy lớp, với chuyện quà cáp, phong bì cho các thầy cô giáo để chúng vào được trường tốt, lớp tốt, được điểm cao.

Nhưng kết quả là gì?Kết quả là năng suất lao động xã hội của người Việt Nam chỉ bằng 1/5 Thái Lan, 1/15 Singapore. Kết quả là Việt Nam vẫn là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Thu nhập bình quân tính theo sức mua (PPP) của Việt Nam thua Singapore 28 lần.

Còn 6 năm trước mốc trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, câu hỏi khó được nêu ra ở nghị trường là tại sao Việt Nam không sản xuất nổi cái sạc pin, tai nghe, ốc vít cho điện thoại di động Samsung? Rồi tại sao không sản xuất nổi ốc vít cho cánh máy bay Boeing B777? Ốc vít chỉ là một thứ nhỏ, cụ thể, để nêu lên một câu hỏi rất lớn về khả năng nghiên cứu - phát triển, tổ chức sản xuất và phân phối các sản phẩm công nghiệp của nước ta. Khó nhớ ra được một sản phẩm công nghiệp chế tạo nào của Việt Nam trong suốt mấy chục năm nay sau xe công nông. Khó tìm được các sản phẩm công nghiệp tiêu dùng mang thương hiệu Việt tại các siêu thị điện máy. Các mặt hàng nông sản chế biến của ta cũng rất khó thấy ở các siêu thị nước ngoài.

Rõ ràng là "chất lượng người" của chúng ta có vấn đề, mặc dù người Việt quan tâm rất nhiều đến giáo dục và các gia đình chi rất nhiều công sức, tiền bạc cho giáo dục.

Vì thật ra chúng ta quan tâm đến loại, kiểu giáo dục không khoa học và tiến bộ. Chúng ta có những mục tiêu giáo dục không lành mạnh. Nếu nói nặng hơn, cả trong giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường, đã và đang tồn tại những thứ phản giáo dục.

Nhiều người muốn con cái được làm quan, nhưng trong bất kỳ xã hội nào, quan chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Xã hội càng phát triển, tỷ lệ quan càng giảm. Dù tấm lòng, mong ước của bố mẹ với đứa con của mình thế nào, cơ hội để nó trở thành quan rất nhỏ.

Nhiều người muốn con cái được an nhàn, làm những việc nhẹ nhàng mà dễ ra tiền. Ít có những cơ hội như thế trong cuộc sống thực và, nếu như có, thì cuộc cạnh tranh để chiếm được cơ hội cũng khốc liệt, người thắng thường là người có năng lực hơn. Xã hội càng phát triển, cạnh tranh trên thị trường lao động càng cao.

Vậy thì, cái quyết định tương lai của một đứa trẻ nằm ở "chất lượng người" của đứa trẻ; ở kiến thức, kỹ năng, bản lĩnh, đạo đức của đứa trẻ, hoàn toàn không nằm ở tấm lòng, tình cảm của bố mẹ dành cho nó, càng không phụ thuộc gì vào mong muốn của bố mẹ là nó sẽ trở thành ai, làm công việc gì trong tương lai.

Một điểm chung dễ nhận thấy trong sự phát triển mạnh mẽ của các nước Singapore, Hàn Quốc, Israel là chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Những gì một người học được ở môi trường quân đội khắc nghiệt rất tốt cho việc hoàn thiện, nâng cao "chất lượng người" ở các nước đó. Đó là tính kỷ luật; sự kết hợp giữa tính cụ thể và khả năng bao quát; khả năng, kỹ năng chịu đựng thách thức và giải quyết thách thức; tính đồng đội, khả năng chia sẻ, phối hợp, kỹ năng tổ chức nói chung... Quân đội là một trường học lớn. Những điều học được và những mối quan hệ gây dựng được trong quân đội rất có ích để một người thành công trong nhiều công việc, cuộc sống của mình.

Để con cái trong gia đình và học sinh trong nhà trường có được một sự giáo dục tiến bộ, cần thực sự thấm nhuần 4 mục đích học tập trụ cột của UNESCO: Học để biết; Học để làm; Học để chung sống; Học để tự lập.

Các mục đích học tập là như vậy. Còn giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường là công cụ để thực hiện các mục đích học tập đó. Không có mục đích nào là học để làm quan. Không có mục đích nào là học để an nhàn, để làm ít hưởng nhiều.

Trong những ngày này, một câu chuyện đang làm nóng dư luận là việc các gia đình ở xã Hương Bình, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh cho 600 con em (có nhiều em đi học mẫu giáo và tiểu học) hai tháng nay nghỉ học để phản đối quyết định sáp nhập trường cấp hai.

Khi những đứa trẻ còn chưa đầy 10 tuổi phải hy sinh quyền lợi đến trường, trở thành "con tin" cho cuộc đấu tranh của các bố mẹ, tôi trăn trở mãi với câu hỏi: Những người bố mẹ đó có hiểu đúng về giáo dục, có vì con cái mình một cách có hiểu biết không?

Thương con mà thiếu hiểu biết rất có thể làm hại con.

Kiến thức về "giáo dục thật" của nước ta đang ở đâu, trong dân và trong ngành giáo dục?

Nguồn:Vnexpress
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bộ phim “Nền giáo dục cấm đoán” – Chưa từng có những nền giáo dục tạo ra con người tự do

    21/10/2014Hà Thủy NguyênBộ phim “Nền giáo dục cấm đoán” (La Educacion Prohibida) được sản xuất năm 2012 tại Arghentina, bởi đạo diễn Germán Doin là một bộ phim tài liệu với cái nhìn thẳng thắn về bản chất của mọi nền giáo dục. Lấy bối cảnh của nền giáo dục Arghentina, nhưng vấn đề của các nhà làm phim đặt ra lại mang tính toàn cầu.
  • Từ tư tưởng giáo dục của Rousseau, nghĩ về giáo dục Việt Nam

    07/07/2015Nguyễn Khánh TrungHình ảnh nhân vật Emile, sản phẩm giáo dục theo hình dung của Rousseau, và một học sinh Việt Nam cùng độ tuổi, khác nhau rất nhiều theo hướng Emile trưởng thành, vững chãi, độc lập hơn trong tư duy, phán đoán và hành động. Đây chính là hệ quả của các quan điểm giáo dục và cách tổ chức giáo dục khác nhau...
  • 'Con người tự do' là đích đến của giáo dục

    15/06/2015Chi Mai thực hiệnMở trường trên mạng, TS Giáp Văn Dương theo đuổi triết lý "trên một mệnh đề duy nhất: Con người tự do là đích đến của giáo dục"...
  • Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước có nền giáo dục tụt hậu nhất ASEAN

    09/08/2014Phan DiệuCho rằng, nền giáo dục Việt Nam đang tụt hậu rất nhiều so với giáo dục thế giới, các đại biểu tham dự hội thảo cải cách giáo dục đại học cho rằng, phải cải cách lại giáo dục ngay từ cấp phổ thông chứ không riêng gì hệ đại học...
  • Làm sao cứu vãn thứ giáo dục phi chuẩn mực này?

    30/06/2014Vương Trí NhànTrong bài viết Làm sao cứu vãn nền giáo dục phi chuẩn mực này được? tôi đã nói tới tình trạng đang ngại nhất của nền giáo dục hiện nay – nó tiên thiên bất túc, bất thành nhân dạng do đó vô phương cứu chữa...
  • Canh tân giáo dục để canh tân đất nước

    25/06/2014Nguyễn Quang ThạchĐã đến lúc mọi công dân phải biết tự nhục khi nước hèn, nước bị bắt nạt, khi hàng triệu đứa trẻ đang sống trong nghèo đói, khi hàng chục triệu học sinh nông thôn không có sách đọc. Hãy xem những yếu khuyết nêu trên là một liều thuốc đắng dã tật cho chúng ta. Mỗi cá thể cần biết rằng xã hội, dân tộc, đất nước là ngôi nhà của chính mình...
  • Học gì trong nền giáo dục hiện tại?

    23/05/2014Phan Cẩm ThượngHọc hành vốn là thứ con người tưởng như có thể tự lựa chọn, hóa ra lại là không. Một đứa bé đến trường, nhà trường dạy gì nó tiếp thu nấy, hoặc tiếp thu tốt, hoặc tiếp thu tồi...
  • Giáo dục mầm non – gốc người bền vững

    30/04/2014Nguyễn Thu HươngChúng ta hô hào đổi mới giáo dục, chúng ta phản đối dự án hàng nghìn tỷ đô để viết lại sách giáo khoa các cấp đồng thời hoang mang không biết sự phản đối của chúng ta có làm thẳng được con đường “cong mềm mại”? Tôi đã lặng nghe thấy những tiếng thở hắt: chúng ta không thể sống với nhau tử tế được sao? Chúng ta không thể sống tử tế với con cháu chúng ta được sao?
  • Trong cuộc chơi hội nhập giáo dục, nước nào đứng ngoài sẽ bị tụt hậu

    24/03/2014Xuân Trung (lược ghi)“Trong cuộc chơi hội nhập giáo dục này, nước nào đứng ngoài sẽ bị tụt hậu và khó có cơ may tham gia vào việc hoạch định chính sách giáo dục quốc tế”...
  • Giáo dục, trước hai vấn đề cốt lõi

    23/01/2014Tống Văn CôngĐề án đổi mới  giáo dục lần này được dư luận đặc biệt chú ý ở  nội dung: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang  phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.” Và  xác định mục tiêu “Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả”...
  • Con người tự do, nhân ái là đích đến của giáo dục nhân cách

    22/01/2014Lại Nguyên ÂnCon người là sinh vật xã hội, mọi cá thể người được sinh ra đều cần được trải qua một quá trình "xã hội hóa" để trở thành sinh vật xã hội như những con người khác. Nhân cách là kết quả của quá trình ấy...
  • Việc chấn hưng giáo dục không thể chậm trễ

    22/08/2013GS. NGND Nguyễn Lân DũngGS. NGND Nguyễn Lân Dũng, Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn khoa học-giáo dục của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người gắn bó với nghề giáo hơn 50 năm chia sẻ cùng độc giả báo Tin Tức về việc làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam.
  • xem toàn bộ