Hiện tượng "Đại gia"
Hỏi: Hiện nay dư luận rất xôn xao về sự kiện nữ đại gia ở miền Tây hỏi mượn máy bay bầu Đức để rước dâu, đồng thời việc người nông dân nghèo ở Hương Sơn cũng rất xôn xao về việc rước dâu của một nữ đại gia với chi phí lên tới 50 tỷ đồng và hồi môn cho con là ngôi nhà ở Hà Nội là 130 tỷ. Là một doanh nhân thành đạt ông có nhận xét gì về hiện tượng này?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Tôi không muốn phát biểu với tư cách là một doanh nhân thành đạt, tôi cũng không phải là một doanh nhân thành đạt theo bất kỳ một định nghĩa nào. Bởi suy ra cho cùng thuật ngữ doanh nhân thành đạt là thuật ngữ của báo chí, không phải thuật ngữ của giới kinh doanh. Báo chí đã vẽ ra một đội ngũ doanh nhân và một số tiêu chuẩn để hình thành ra họ, cho nên mới có một sự chú ý đến mức không tỉnh táo đến các hiện tượng giống như bạn vừa nói. Doanh nhân là doanh nhân, doanh nhân là một người lính ngoài mặt trận, có thể thành anh hùng và có thể thành liệt sĩ. Khi chúng ta để ý đến họ với tư cách là một người có thể thành anh hùng thì đôi khi chúng ta nhìn thấy trước hình ảnh anh hùng của họ. Nhưng nếu chúng ta quan tâm đến họ với tư cách là người rất có thể trở thành liệt sĩ thì chúng ta sẽ thấy bao nhiêu rủi ro xung quanh họ. Cho nên hiện tượng chơi ngông hoặc làm ầm ĩ của một vài người nó không phải và không thuộc về giới doanh nhân. Bởi kinh doanh trong điều kiện của nền kinh tế thế giới vào giai đoạn này để sống sót được đã khó. Báo chí đã đưa ra rất nhiều con số thống kê về mấy chục ngàn doanh nghiệp buộc phải đóng cửa. Ngay từ đầu năm đến giờ Hà Nội cũng có mấy trăm công ty phải đóng cửa. Không nên gán cho giới doanh nhân những phẩm hạnh hoặc những hành vi thỉnh thoảng mới có mà xã hội cho là xấu. Doanh nhân hơn ai hết biết rất rõ sự vất vả của việc kiếm tiền, biết rõ giá trị của đồng tiền, và không có một người kinh doanh chân chính nào có được tiền một cách dễ dàng để phung phí cả.
Hỏi: Theo ông đâu là sự khác nhau giữa trọc phú và đại gia thực sự?
Trả lời: Chúng ta chưa có những đại gia thực sự, và nếu có những người tự nhận mình là đại gia thì họ không phải là doanh nhân. Bởi kinh doanh chân chính thì không thể có tiền nhiều như thế được trong điều kiện của xã hội chúng ta. Tôi rất buồn về việc báo chí, dư luận ghép vào trong đội ngũ những người kinh doanh thông thường những trường hợp mà các bạn gọi là đại gia. Rất khó để trở thành đại gia. Đại gia là những thiên tài, mà trong xã hội của chúng ta thì khó có thể tìm thấy thiên tài nào như vậy. Các "đại gia" mà dư luận và báo chí vẫn gọi hiện nay là kết quả của một phương pháp khác, một loại hình khác, không thể gọi là kinh doanh được.
Hỏi: Theo ông đại gia thực sự là như thế nào?
Trả lời: Đại gia thực sự là những người kinh doanh thành công, những người từng bước cùng với thời gian, cùng với xã hội xây dựng nên những nền công nghiệp, những đế chế kinh doanh khổng lồ, đem lại một lợi ích rất khó đo đếm cho xã hội.
Hỏi: Ông có thể phân tích rõ hơn đại gia thực sự của thời nay khác với trọc phú là như thế nào?
Trả lời: Đại gia và trọc phú là hai khái niệm khác nhau. Trọc phú là một đặc điểm, còn đại gia là một con người tạo ra một sự nghiệp lớn. Hai cái đó nó không có gì để so sánh. Xã hội đang mất quá nhiều thì giờ để nghĩ đến những chuyện như thế. Có lẽ chúng ta đang nuông chiều một thói quen vô công rồi nghề của xã hội khi để ý đến những chuyện như vậy. Chúng ta xoáy vào câu chuyện này, chúng ta bật đèn pha lên, phóng to nó lên và tưởng rằng chúng ta đang phê phán, nhưng thực ra là chúng ta biểu dương. Vô tình chúng ta hướng dẫn dư luận để ý đến những mặt xấu và biến dư luận, biến số đông trở thành những kẻ xấu khi làm cho họ chú ý đến những trường hợp như vậy. Tôi nghĩ tất cả những chuyện ấy là những chuyện đau lòng của cuộc sống, đấy là những ví dụ hư hỏng mà cuộc sống của chúng ta có.
Hỏi: Ông có thể phân tích hành động mượn máy bay rước dâu hoặc chi cho con những ngôi nhà hơn một trăm tỷ? Họ là đại gia thực sự hay chơi nổi?
Trả lời: Chỉ có công an mới trả lời được câu hỏi ấy của bạn. Câu hỏi bạn đề nghị tôi trả lời liên quan đến sự yên ổn cá nhân của hai trường hợp. Tôi rất không muốn trả lời về hai trường hợp cụ thể này, bởi tôi không thể dành cho những trường hợp này sự chú ý đặc biệt nào. Vì không có sự chú ý nên trả lời về họ sẽ vô tình đem lại những sự thiệt thòi mà đáng ra không nên có. Tôi không thích chuyện ấy, và tôi cũng không thích báo chí quá chú ý đến những trường hợp như thế. Chúng ta có rất nhiều tấm gương tốt, chúng ta có những doanh nhân rất vất vả, có những sự nghiệp rất chắc chắn, đã bắt đầu có những sản phẩm có giá trị phục vụ và có giá trị để tạo ra một nền kinh tế Việt Nam tử tế. Chúng ta nên chú ý đến những chuyện ấy.
Đừng để ý đến số tiền vì số tiền không phản ánh sự giàu có. Người ta có thể đi vay để tiêu. Tôi tin chắc là không có một thanh niên nào thấy hạnh phúc khi ở trong một căn nhà mà họ biết rõ nguồn gốc của nó là bất minh đối với tất cả các tiêu chuẩn đạo đức. Còn nếu họ cảm thấy hạnh phúc thì càng không nên để ý nữa. Tôi khuyên báo chí không nên để ý đến những chuyện này. Chúng ta đừng tiếp tay cho những kẻ ngông nghênh như vậy để biểu dương trước dư luận xã hội về một sự ngông nghênh không nên có.
Hạnh phúc trong những căn nhà tiện nghi. Hình minh họa
Hỏi: Tại sao ông lại nói đấy là một sự biểu dương?
Trả lời: Bạn tưởng chỉ có những lời khen mới là biểu dương? Các cụ có câu để chê người thô lỗ là “vai u, thịt bắp, mồ hôi dầu”. Nhưng bây giờ chúng ta có cả một nền công nghiệp thể hình để biểu diễn tính vai u thịt bắp đấy thôi. Khi làm truyền thông chúng ta phải hiểu rất rõ rằng tác động của chúng ta nó có thể dẫn đến những hậu quả gì.
Hỏi: Từ thói chơi ngông hay việc tiêu tiền như vậy phản ánh thực tế gì trong xã hội?
Trả lời: Đấy là một thực tế mà Đảng ta đang phải dựng ra cả một nghị quyết vĩ đại để khắc phục hậu quả, đó là Nghị quyết Trung ương IV.
Hỏi: Theo ông một đại gia thực sự là như thế nào?
Trả lời: Là người không hề để ý đến mình, họ không có mục tiêu để trở thành đại gia. Còn một người thiết kế kích thước đại gia của mình trước khi trở thành đại gia thì đấy lại là chuyện khác. Tức là anh muốn có kích thước. Nếu là một người thông thường, lành mạnh thì đều có bạn bè, có cộng đồng của mình. Kẻ bay lên trên đầu cộng đồng của mình, kẻ nhảy múa bên trên thân phận của bạn hữu của mình liệu có lành mạnh không? Không ai tự nhận mình là người có đạo đức nếu sống trong những điều kiện vượt quá sức chịu đựng của xã hội xung quanh mình. Một món quà mà mình tiêu, một bữa ăn mà mình trả tiền nó lớn bằng mức sống hàng tháng của cả một gia đình hoặc thậm chí hàng năm chẳng hạn, những thứ đó được gọi là vô nhân đạo. Chúng ta không nên mất thì giờ để bình luận về những trường hợp mà nó vượt ra khỏi ranh giới con người, khỏi khuôn khổ con người. Tôi không xem những hành vi chơi trội ghê gớm như vậy là hành vi của con người, đó là hành vi phi con người, thậm chí là hành vi chống lại con người.
Hỏi: Theo ông chống lại con người là như thế nào?
Trả lời: Chống lại con người là làm cho con người xấu đi, làm cho con người nhỏ bé đi, trở nên quằn quại trước các chi tiêu của mình, khiếp nhược trước sự giàu có và hoang phí của mình. Những cái đó làm cho con người bé tí đi, làm cho con người run sợ, không tự tin, không dám hành động, đặc biệt là không cố gắng được nữa, bởi cố mấy cũng không thể bằng nó. Tất cả những ai sống trên con người, sống một cách đe nẹt, sống một cách đè bẹp những trạng thái yên ổn của con người là kẻ vi phạm nhân quyền. Người ta không bắt kẻ đó vào tù được, nhưng người ta có thể căm ghét kẻ đó. Tất cả những người lành mạnh đều phải cố gắng sống sao cho không tạo ra sự căm ghét như vậy của những người xung quanh mình. Những bài báo của các bạn đang chiếu cho thiên hạ thấy thêm rằng họ sống đến mức gặt hái được sự căm ghét của toàn xã hội. Tôi rất ghê sợ những chuyện như thế này vì nó rất phi con người.
Trong một buổi giao lưu với sinh viên của trường đại học Kinh tế, khi trả lời câu hỏi của sinh viên tôi đã nói: Chúng ta phấn đấu sống và làm việc như thế nào để tiền là sản phẩm phụ của cuộc sống của chúng ta. Chúng ta phải làm ăn như thế nào để tiền là một tất yếu phụ chứ không phải là một tất yếu chính. Tôi nghĩ rằng con người nếu sống có lý tưởng, có phẩm hạnh thì nên cố gắng sống như thế. Cho chất độc vào trong sữa, dùng những hóa chất độc hại để làm tươi thức ăn, để làm nạc hóa đàn lợn, tất cả những chuyện như thế đang diễn ra hàng ngày trên thế giới và nó bị lên án một cách toàn cầu. Những sản phẩm độc hại ấy từ đâu ra? Từ chỗ anh làm tiền bằng mọi giá. Nếu con người có một đòi hỏi có tiền bằng mọi giá và có nhiều tiền bằng mọi giá, cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền, tức là mua mọi thứ bằng mọi giá thì xã hội chúng ta có phải xã hội con người nữa không? Và chúng ta còn hứng thú để sống một cách có lý tưởng, sống một cách có tâm hồn, sống một cách có giá trị tinh thần nữa không? Những kẻ chơi ngông như vậy đang đập chết cảm hứng sống của hàng chục triệu con người.
Những kẻ làm tiền bằng mọi giá đang đầu độc nhân loại và làm mất đi sự thanh thản khi uống khi ăn, bởi vì tiềm ẩn trong tất cả những cái có thể uống, có thể ăn là sự độc hại do động cơ làm tiền bằng mọi giá. Chúng ta ngây thơ, chúng ta đơn giản, chúng ta không có thì giờ để để ý, để suy nghĩ, chúng ta không ngẫm nghĩ và vô tình chúng ta nuốt vào trong người mình, khoác lên cơ thể mình những thứ độc hại là sản phẩm của những kẻ làm tiền bằng mọi giá. Chỉ có những kẻ như vậy mới kiếm ra tiền một cách dễ dãi trong điều kiện khó khăn hiện nay của nền kinh tế thế giới cũng như nền kinh tế của đất nước mình. Những kẻ đó đang đầu độc không chỉ cả các điều kiện sống mà cả các điều kiện tinh thần của cuộc sống. Những cô gái ngây thơ có thể lác mắt về xe pháo, về quần áo của một kẻ lắm tiền, và điều đó đã bẻ gãy rất nhiều những tình yêu vốn dĩ đáng ra phải lành mạnh. Sự kích động những tâm lý không lành mạnh bẻ gãy một cách toàn diện các điều kiện sống. Bạn bỗng nhiên thấy cậu bạn trai của mình, một người hiền lành lao động chân chính, bất lực trước việc có tiền để đánh đu với những kẻ đi bằng trực thăng. Nếu bạn là một người tốt thì bạn bỗng nhiên thấy thương hại người bạn trai nghèo khổ hoặc không giàu có của mình. Và như vậy chính là những kẻ chơi trội ấy đã nhét thuốc độc vào tình yêu của bạn.
Hỏi: Những kẻ mà ông phân tích như vậy thì phông văn hóa của họ như thế nào?
Trả lời: Tôi không bàn đến phông văn hóa của họ, bởi vì phông văn hóa của một con người chính là nhân tính của hành vi của họ, hay là tính nhân văn trong đời sống tinh thần của họ, mà sống như thế thì chắc chắn không có tính nhân văn của đời sống. Thế thì bàn đến phông văn hóa làm gì? Có lẽ họ cũng không quan tâm đến phông văn hóa của họ. Họ thay thế phông văn hóa như một phương tiện để tổ chức mối giao lưu, quan hệ sống giữa con người với nhau bằng những phương tiện có thể đe nẹt, có thể bắt nạt, có thể đè bẹp các giá trị tinh thần của con người.
Hỏi: Có trường hợp ở Hà Tĩnh tiêu tốn nhiều tiền mời ca sĩ trong ngoài nước về hát trong đám cưới của con và nói rằng vì thương miền quê nghèo của người ta quanh năm không có sự hưởng thụ nào. Ông lý giải thế nào?
Trả lời: Miền quê nghèo ở Hà Tĩnh ấy đã đẻ ra Nguyễn Du vĩ đại, đẻ ra những anh hùng như Phan Đình Phùng, gần đây là Hà Huy Tập, Trần Phú. Đừng lấy bất kỳ cái gì để giải thích cho những hiện tượng như vậy. Miền tây Nam Bộ như trường hợp thứ nhất và miền tây Hà Tĩnh như trường hợp thứ hai, nơi ấy đẻ ra những bằng chứng, những con người vĩ đại lắm, đừng làm nhục miền quê ấy bằng cách dùng nó để giải thích cho những hành vi như thế.
“Đám cưới hoàng gia” của thiếu gia Nguyễn Huy Hoàng tại phố núi Hương Sơn, Hà Tĩnh với dàn siêu xe, xe sang trong đó có chiếc Ferrari California biển số 30A-388.88
Hỏi: Ông có tự nhận mình là một đại gia không?
Trả lời: Tôi chưa bao giờ tự nhận mình là một doanh nhân chứ chưa nói chuyện là một đại gia. Tôi chưa bao giờ nhận tôi là một nhà kinh doanh. Tôi kinh doanh vì cuộc sống của cá nhân tôi, của vợ tôi, con tôi, và khi có tiền rồi thì tôi kinh doanh tiếp tục vì còn nhiều đồng nghiệp của tôi chưa có nhà cửa, chưa có xe pháo. Kinh doanh là phương tiện để cấu tạo ra các điều kiện để sống chứ không phải là cuộc sống. Tôi không xem kinh doanh là cuộc sống.
Tôi không quan tâm đến khái niệm đại gia. Đương nhiên tôi cũng có những phương tiện tối thiểu để phục vụ cho công việc của tôi, nhà cửa để vợ con tôi sống, trụ sở để cán bộ tôi làm việc, những cái đó thì tôi có, nếu ai gọi đó là đại gia thì cứ gọi, còn tôi thì không quan tâm đến chuyện tôi có phải đại gia không. Tôi là một con người, dù làm bất cứ điều gì, tiến hành bất cứ loại hành vi gì và trở thành một thứ gì trong những chặng khác nhau của cuộc đời thì tôi đều vì con người cả. Không phải vì con người với tư cách là phấn đấu vì một đối tượng bên ngoài tôi, mà là giữ gìn phẩm hạnh của tôi như một con người. Con người có nghĩa vụ trước hết với mình là giữ cho mình nguyên vẹn là một con người. Đấy là thẩm mỹ chính trị của tôi về cái gọi là kinh doanh hoặc bất kỳ cái gì.
Hỏi: Ông tự nhận mình là tổng tư lệnh của những điều khác biệt?
Trả lời: Đấy cũng là thuật ngữ của báo chí. Cái đấy không phải là tôi tự nhận, nhưng tôi không thể lên án một tờ báo, một bài báo hay một nhà báo khi họ đặt cho tôi những chuyện như vậy. Những người quý mến tôi cũng gọi tôi là thế nọ thế kia thì tôi không thể làm buồn họ bằng cách chỉ trích cái chính họ gọi tôi được, nhưng tôi không hoan nghênh. Tôi không là tổng tư lệnh của bất kỳ cái gì cả. Có lẽ tôi có nói ở đâu đó rằng mỗi một hành động trong một chuỗi hành động con người cần phải có sự quyết đoán như một vị tổng tư lệnh. Sự quyết đoán của con người có chất lượng tổng tư lệnh thì khác với vị tổng tư lệnh. Cho nên người ta gọi thì cứ gọi, tôi không chỉ trích cũng không hoan hỉ.
Hỏi: Với cương vị là tổng giám đốc của một công ty lớn, chắc chắn ông có rất nhiều tiền. Vậy thì cách chơi hay cách tiêu tiền của ông, ông quan niệm như thế nào?
Trả lời: Tôi có thể có nhiều tiền, nhưng tôi có một thứ tương đương với nó, đó chính là trách nhiệm của tôi. Tiền của tôi chưa nhiều hơn trách nhiệm mà tôi có, vì thế cho nên tiền tôi đang có trừ đi trách nhiệm tôi phải làm bây giờ bằng xấp xỉ không.
Hỏi: Liệu có phải những kẻ kiếm nhiều tiền bằng mọi giá như ông phân tích sẽ tạo ra cho xã hội chúng ta một nền kinh tế không vững chắc không?
Trả lời: Những người nhiều tiền không có tội gì cả, chỉ có những người tiêu tiền một cách bừa bãi và những người kiếm được nhiều tiền bằng những cách không tử tế, không minh bạch thì gây khó khăn cho xã hội chúng ta. Sự chơi bời, mua sắm một cách bừa bãi tạo ra hiện tượng phá giá, nhưng nghiêm trọng hơn cả là hiện tượng phá hoại các tiêu chuẩn sống. Giá cả của cuộc sống phù hợp với năng lực để tạo ra sự yên ổn, khi anh làm quá lên thì anh làm nhiễu loạn hệ thống giá trị, và anh làm cho xã hội phân vân về những cái mình đang có và con người buộc phải phá vỡ sự yên tĩnh để đi tìm một giá trị mà chắc chắn 100% là năng lực của họ không thể tìm được. Bạn thấy bạn của mình có một cái áo đắt tiền, lập tức bạn phân vân, bạn đang tìm những vấn đề của mình mà chen ngang, bị ngăn chặn bởi việc đi tìm một vài thứ không phù hợp với năng lực của mình. Nếu bạn đi kiếm tiền để thỏa mãn ý thích phụ của mình bằng cách khác thì tôi không nói, nhưng nếu bạn đi tìm món tiền ấy bằng chính nghề báo thì tức là bạn tự phá hoại nghề nghiệp của mình và phá hoại nền báo chí. Tội ác của những thứ chơi ngông ấy kinh khủng lắm, nó không đơn giản là chúng ta cười rồi chế giễu đâu. Nó buộc phải được lên án về mặt đạo đức một cách chuyên nghiệp chứ không phải bằng việc đưa các tin lá cải.
Hỏi: Ông vừa nói lên án đạo đức một cách chuyên nghiệp?
Trả lời: Tức là phải phân tích khoa học về thói xấu ấy, về tác động xấu ấy đối với xã hội. Những người đó có kiếm được bao nhiêu tiền, tiêu bao nhiêu tiền, đốt cháy bao nhiêu tiền đi nữa thì họ cũng không có thêm giá trị đối với bất kỳ người nào có giá trị. Những người có tiêu chuẩn, những người biết rõ giá trị họ không bị lung lạc bởi những thứ chơi ngông ấy. Những người như vậy chỉ tập hợp xung quanh mình hai thứ: những thứ đố kỵ, tầm thường mà mỗi người có một chút, và sự trầm trồ của những kẻ hư hỏng và sẵn lòng hư hỏng như họ.
Hỏi: Ông có nhắc đến Nghị quyết Trung ương IV, vậy ông có tin tưởng vào Nghị quyết Trung ương IV khi xã hội ta xuất hiện những chuyện như vậy.
Trả lời: Tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi giống như thế này. Tôi không đặt ra vấn đề tin tưởng hay không tin tưởng Nghị quyết Trung ương IV, mà tôi xem Nghị quyết Trung ương IV là một cuộc chiến đấu rất gian khổ của những người lãnh đạo của chúng ta để giúp xã hội thoát ra khỏi tất cả các tình trạng vô tổ chức, vô kỷ luật, suy thoái, hư hỏng như thế này. Đấy là một cuộc chiến đấu đáng ca ngợi, đáng vỗ tay, và rất đáng khen về lòng dũng cảm và động cơ đạo đức đằng sau đó. Tôi cảm động về chuyện ấy hơn là đánh giá nó. Tôi không xem cuộc chiến đấu này của những người lãnh đạo đất nước chúng ta như một trò chơi để đặt cọc hay kỳ vọng vào đó hay quan sát nó như là một trò chơi, một cuộc đấu để tin tưởng hay không tin tưởng. Tôi phải xem tôi và xã hội được hưởng lợi gì từ cuộc đấu tranh ấy và tôi thấy rằng đấy là một cuộc chiến đấu rất đáng kính trọng, và với tư cách là một con người thì đáng cảm động.
Hỏi: Đó có thể được coi là quyết tâm của Đảng ta trong việc giữ gìn sự trong sạch của Đảng?
Trả lời: Ngay cả việc diễn đạt đấy là quyết tâm của Đảng ta trong việc giữ gìn sự trong sạch của Đảng là một cách giải thích sai. Nếu chỉ có đảng không thôi hoặc nếu đảng cố gắng chỉ để làm trong sạch chính mình thì tôi không quan tâm. Nhưng cuộc sống chính trị của một đảng chính trị cầm quyền là chính cuộc sống mà tất cả mọi người trong xã hội đều tham gia vào đấy. Giá trị xã hội của Nghị quyết Trung ương IV không chỉ ở chỗ làm trong sạch Đảng, mà là giúp xã hội làm trong sạch những yếu tố cấu tạo ra tương lai cuộc sống của chúng ta. Các nhà lãnh đạo của chúng ta buộc phải làm cái gì đấy và đây là việc làm kịp thời, lúc xã hội đã bắt đầu căng thẳng và bức xúc về những thói hư tật xấu mà nói cho cùng do sự quản lý yếu kém tạo ra, và lúc mà mầm mống của một số thói quen xấu bắt đầu hình thành, bắt đầu sừng sộ bắt nạt cuộc sống thông thường. Đây là sự ngăn chặn rất đúng lúc và đây là một cuộc chiến đấu dũng cảm.
Tôi cho rằng luôn luôn phải giúp con người, kể cả những người đã trót dại có những hành vi ngông nghênh. Họ cũng có những tội nghiệp riêng của họ. Bạn đã nói với tôi về phông văn hóa, đấy cũng là một cái tội nghiệp, bởi vì trong khi thừa cái này thì họ thiếu cái khác. Thừa cái này và thiếu cái kia sẽ tạo ra các hành vi ngông nghênh như vậy, bởi vì các hành vi xuất hiện một cách tổng hòa giữa cái thừa và cái thiếu trong những yếu tố cấu tạo ra giá trị tinh thần của một con người.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn