Thiên tài và đa tài

09:37 SA @ Thứ Bảy - 29 Tháng Tám, 2009

Đã là thiên tài, dẫu chỉ ở một lĩnh vực nghệ thuật, tác phẩm của họ cũng đủ để thắp sáng chân trời của bao thế kỷ trôi qua. Song, ở một số nghệ sĩ hiếm hoi, trời lại phú cho họ không chỉ một tài năng đặc biệt. Có lẽ điều này lại khiến cho người nghệ sĩ ấy bị thiệt thòi: ánh sáng của một thiên hướng đã át mất những sáng tạo khác của họ. Giá như có thể "chia" bớt cái phần "phụ" cho một ai đó, thì biết đâu nhân loại đã có thêm một nghệ sĩ tài hoa nữa?

Thời Phục hưng ở châu Âu được gọi là "thời đại của những người khổng lồ" có lẽ cũng một phần do sự xuất hiện của những thiên tài như vậy. Và một gương mặt kiệt xuất vẫn ám ảnh những thế kỷ hiện đại, đó là Leonardo da Vinci (1452 - 1519). Sau cái tên ấy, ở những cuốn từ điển lớn hiện nay, ghi chú đầu tiên là: "Họa sĩ và nhà bác học".

Chỉ riêng lối vẽ với kỹ thuật "sfumato" tạo một khoảng không gian, cảm giác bồng bềnh nhạt nhoà của không trung đã đủ tạo nên bộ mặt có một không hai của ông trong hội họa. Còn có thể nói gì thêm về thiên tài ấy, khi ta ngước lên trần, lên đỉnh vòm một số nhà thờ và cung điện nổi tiếng nhất ở Pháp, Ý, rồi bao quanh những nơi ấy, ta cũng chỉ thấy tranh vẽ, phù điêu và tượng đài của Leonardo? Bởi không chỉ là họa sĩ, là nhà điêu khắc, ông còn quan tâm tới kiến trúc. Thiên tài luôn đặt ra những câu hỏi cho hậu thế.

Chỉ riêng mảng hội họa, người ta vẫn không ngừng phát hiện và tranh cãi về những tầng, những lớp - trước hết theo nghĩa đen - đã sơn phủ lên một số bức tranh ông. Sau nữa, là phát hiện những lớp nghĩa, những "mã" bí mật gửi gắm qua đó về triết lý, tôn giáo (mà cuốn tiểu thuyết Da Vinci Code của Dan Brown đã thể hiện bằng hư cấu một cách giải mã huyễn hoặc hết cỡ). Tưởng như chừng ấy đã đủ chứng tỏ Leonardo là một huyền thoại.

Vậy nhưng ngay ở thế kỷ XXI, mỗi lần có dịp, các thông tin, tranh luận về thiên tài đã mất trước đây gần sáu thế kỷ ấy lại nóng lên, ngay ở những tài "phụ" của ông. Chỉ riêng những sổ tay của Leonardo, với lối viết từ phải sang trái, và nhất là những nội dung của nhiều trang, đã là những câu đố đủ làm nên bao cuộc tranh luận.

Sức hấp dẫn đến từ cả những tác phẩm khoa học không được hoàn thành (giống như các tranh vẽ của ông) và tạo nên sức hấp dẫn mà người ta gọi là "khác lạ" ở ông. Ví dụ, để đáp ứng đơn đặt hàng làm một lá chắn xua chim muông, Leonardo đã hình dung ra một tác phẩm ghê rợn hơn cả quái vật Méduse của huyền thoại.

Ông tập hợp lại trong một gian phòng đủ các con vật quái dị nhất để làm "người mẫu": thằn lằn, rắn, dơi, v.v… Trong quá trình làm việc, mùi hôi thối từ các con thú và xác chết của chúng khiến ông không chịu nổi nhưng "vì yêu nghệ thuật, ông đã quên hết" - một chuyên gia về Leonardo đã nói vậy. Có lẽ đây là một dạng "nghệ thuật sắp đặt" chỉ mới khai sinh ra ở cuối thế kỷ XX - mà cho tới nay, chẳng ai dám lặp lại? Một số tác phẩm khoa học của ông bị chết từ trong trứng nước, lại thuộc về khoa học viễn tưởng.

Với dự án mở một kênh đào nối sông Arno của Florence thông ra biển, Leonardo quên hết cả bút vẽ, sơn màu, mấy tháng trời chạy dọc ngang để vẽ địa hình ruộng đồng đồi núi vùng Toscane và đề xuất mấy bản đồ về công trình này, trong đó có đường hầm xuyên qua đèo.

Ông còn tính cả tiền công nhật của thợ. Dự án không được thực hiện ở đây, nhưng sau đó được Machiavel (lại một triết gia khổng lồ của thời Phục hưng!) vận dụng để chuyển dòng chảy của sông Arno, phá nguồn nước của đô thị thù địch (Pise), và Vinci phải miễn cưỡng nhận chức kỹ sư cố vấn. Song công trình vẫn bị bỏ dở vì thiếu thợ đào đất và các đợt đột kích của kẻ thù.

Có điều, ngày nay đã có đường hầm xuyên đèo đúng ở chỗ Leonardo đã vẽ, nhưng dùng cho đường cao tốc! Vị thần Hercule của thời Phục hưng này còn gửi đi một bản dự án về một cây cầu khổng lồ (tầm cỡ 350 mét, trong đó phần nổi là 240 mét) bắc qua vùng vịnh Istambul tới Pera bằng đá, kèm theo các cối xay gió, một cái bơm máy tiết kiệm sức cho tàu thuyền vì không cần cây cầu rút mà những thuyền lớn nhất vẫn có thể dựng hết buồm chui qua! Nhưng đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối dự án của "tên dị giáo"! Năm 1952, đúng 450 năm sau, người ta đã tìm thấy bản dịch những dự án ấy sang tiếng Thổ ở kho lưu trữ nước này. Phải chăng đó chính là viễn tưởng của kênh đào Suez?

Còn có một công trình rất liên quan đến người Việt Nam hiện đại trước thời của xe máy. Đó là bản phác thảo về chiếc xe đạp của Leonardo từ năm 1493 nhưng tới thế kỷ 20 mới tình cờ được tìm thấy ở Milan. Nó đã có cả pê đan và dây xích, giống hệt bây giờ! Có lẽ vì sĩ diện, vào cuối thế kỷ XX, một đồng hương của vị bá tước Đức từng sáng chế ra chiếc xe đạp cổ (năm 1816), cố tung tin đồn rằng phác thảo của Leonardo bị làm rởm, nhưng chẳng ai nghe theo ý kiến ấy vì nó không có chút cơ sở khoa học nào…

Thế kỷ Ánh sáng ở Pháp cũng làm xuất hiện những con người kiệt xuất và một trong những nghệ sĩ đa tài thường được nhắc đến, đó là J.J.Rousseau (1712 - 1778). Tài năng của ông phát lộ rất muộn, vào độ tuổi 40, và tất cả sáng tác cũng chỉ tập trung trong khoảng mười hai năm. Ngày nay, để tóm tắt về sự nghiệp Rousseau, người ta đã coi ông là "sứ giả của tự do và bình đẳng, nhà tiên tri của Cách mạng Pháp, người cảm hứng cho lối giáo dục chủ động, người đi tiên phong trong chủ nghĩa lãng mạn".

Nói một cách khác, thiên tài của Rousseau không chỉ dừng ở sự bao quát nhiều lĩnh vực khác nhau mà "ở mọi lĩnh vực từng được đề cập tới, ông đã đứng ở một vị thế kiên quyết cách tân, nếu không nói là cách mạng" (B. Gagnebin). Tuy nhiên, Rousseau còn là người có thiên hướng về nhạc từ thuở nhỏ. Thời mà các bản nhạc còn phải chép tay, ông đã tìm ra một cách ký hiệu bằng chữ số.

Trong 6 năm, ông ký hiệu được trên 6000 trang! Đó là cách để tốc ký những bản nhạc trong những đêm lễ hội, những khúc thánh ca của đám đông và các dàn giao hưởng ở nhà thờ, trên đường ông phiêu lưu qua các nước châu Âu. Bảo tàng ở quê hương của Rousseau vẫn còn giữ lại mảnh giấy (trước đây hơn 200 năm!) chép tay bằng ký hiệu số độc đáo ấy một bản nhạc có tên "Khúc hát da đen"

Không chỉ dừng ở đó, vào lúc đã 55 tuổi, theo lời ông kể lại, vở nhạc kịch Người thầy bói nông thôn "rút cục đã biến tôi trở thành thời thượng và không có ai được thiên hạ săn tìm bằng tôi ở Paris (…). Ngay sau cảnh thứ nhất, quả là vẻ hồn nhiên đã làm nao lòng người, tôi nghe thấy từ các lô khán đài tiếng rì rào, ngạc nhiên và khen ngợi, vốn chưa từng thấy khi diễn loại kịch này (…). Tới cảnh hai nhân vật bình dân xuất hiện, hiệu quả lên tới cực điểm. Người ta không được phép vỗ tay trước mặt nhà vua; điều này khiến mọi người nghe rõ hết tất cả…".

Quả là đêm công diễn ấy có vua và hoàng hậu Pháp đến xem, mà thời đó, vỗ tay trước các bậc đế vương là phạm thượng, dẫu vở kịch có hay đến mấy! Ngoài một vở nhạc kịch nữa là Daphnis và Chloé, ông còn sáng tác khoảng một trăm bản nhạc thuộc những thể loại khác, đặc biệt là ca khúc với phần đệm bằng phong cầm, thụ cầm, viôlông…

Một thiên hướng khác của Rousseau, nhà "tiền lãng mạn", là suốt đời đắm đuối với thiên nhiên. Không chỉ trong văn chương, thiên hướng này còn khiến tên tuổi của ông được ghi lại như một "nhà sưu tầm cỏ" đầu tiên. Bộ sưu tầm cây cỏ tuyệt đẹp của ông - ngày nay vẫn còn được bảo tồn - không chỉ là một công trình nghệ thuật để giải toả nỗi cô đơn cuối đời, mà còn là một công trình khoa học. Ông đã "len lỏi đi theo từng cây cỏ, từng loại thảo mộc (…) để quan sát tổ chức thực vật… tìm ra quy luật chung, lý do và mục đích của cấu trúc khác nhau ở chúng…", rồi chú thích, xếp sắp thành từng loại.

Và nơi chôn cất ông, hòn đảo Bạch Dương, không phải ngẫu nhiên, lại nằm giữa vùng bao quanh là nước non, rừng cây, nơi nhà "môi trường học" tiên phong ấy hái nhặt "cây cỏ như những ngôi sao trên trời (…), mời gọi ta, bởi sức hấp dẫn của khoái cảm và trí tò mò muốn nghiên cứu thiên nhiên".

Ở thế kỷ XIX, thế kỷ lên ngôi của giai cấp tư sản, Victor Hugo (1802 - 1885) nổi bật bởi nhiều khả năng thiên bẩm. Sự nghiệp thơ văn của ông bất tử đã đành, kịch của ông từng làm chấn động sân khấu nửa đầu thế kỷ XIX, rồi tiểu luận phê bình, diễn văn chính trị, đến cả sách hướng dẫn du lịch của ông cũng được coi như kiệt tác.

Nhà chính trị chống lại cường quyền, nhà tiên phong đấu tranh cho hoà bình của thế giới, nhà hoạt động từ thiện, tất cả đã khiến ông được thế giới hiện đại kỷ niệm như một "danh nhân" văn hoá. Song ở Việt Nam, chúng ta vẫn không biết đến Hugo như một tác giả của vài ngàn bức tranh có phong cách khá hiện đại.

Và ta lại càng không biết rằng cái đầu óc bách khoa, luôn sục sạo hàng ngày ở các thư viện ấy đã khiến ông có thể là thiên tài đầu tiên đã viết về Việt Nam qua lời kể về một nhân vật tiểu thuyết: "Ông từng thấy tên cướp biển chanh-thong-quan-larh-Quoi ở Trung Hoa bị tùng xẻo do đã giết chết viên âp của một làng. Tại Thu Dau Mot ông từng thấy sư tử cắp đi một bà già ngay giữa chợ tỉnh. Ông từng chứng kiến đám rước đại mãng xà từ Quảng Đông tới Sai Gon vào chùa Cho Lon, ông từng chiêm ngưỡng vị Dai Quan Su ở xứ Moi…". (Những chữ chúng tôi in nghiêng giữ lại nguyên văn lối phiên âm - có những chữ sai - của Hugo nhưng ta vẫn đoán được những tên tuổi địa danh. Song hiện nay, nhiều người không biết rằng thời Hugo, người Pháp gọi vùng Tây Nguyên là "xứ Mọi").

Ở phương Tây, các hình thức nghệ thuật thường phát triển trong sự xâm nhập, ảnh hưởng lẫn nhau. Điều này khiến nếu ta theo dõi một thiên tài tưởng như chỉ sống và chết vì hội họa như Van Gogh (1853 - 1890), ta sẽ phải ngạc nhiên về những thiên hướng khác của ông. Ông được đánh giá là có "một khả năng thiên bẩm khác thường về ngoại ngữ".

Trong lúc tuyệt vọng vì mối tình đầu, chú thợ học việc ấy cứ tối tối lại xả stress bằng cách… dịch Kinh Thánh tiếng Hà Lan sang tiếng Anh, Pháp, Đức. Ông còn đọc tác phẩm của Michelet (sử gia Pháp) để rồi vẽ khá nhiều phác thảo về Đại Cách mạng Pháp. Tiến hoá luận của Darwin ám ảnh ông, cũng như tư tưởng triết lý mà ông "đọc" được ở tranh Nhật Bản. Thơ là nguồn cảm hứng cho hội họa: Van Gogh cũng rất say mê thơ.

Để trang trí cho Ngôi nhà của nghệ sĩ (nơi sẽ xảy ra vụ xô xát với Gauguin), Van Gogh đã "hoàn toàn hình dung được rằng khu vườn là nơi các thi sĩ của thời Phục hưng, Dante, Pétrarque, Boccace dạo chơi giữa các lùm cây, trên thảm cỏ điểm hoa". Tập Nhánh cỏ của Walt Witman, nhà thơ Mỹ, đối với Van Gogh là một kiệt tác. Do đó, chúng ta lại được chiêm ngưỡng những kiệt tác tương ứng của Van Gogh trong hội họa như bức Trảng cỏ và bướm ở khu vườn, y viện Saint - Paul (y viện này là nơi ông được chở đến trên một chiếc xe bò vì cơn điên tái phát, vài tháng trước khi tự sát). Đối với ông, các bậc triết gia chẳng có đủ thời gian để đi sâu vào điều gì quá lớn, bởi "cuộc đời quá ngắn".

Nên cũng như Witman, ông nghĩ rằng "một nhánh cỏ không phải là không quan trọng bằng nhiệm vụ thường nhật của các ngôi sao". Không chỉ có thơ, Van Gogh cũng từng vẽ tranh tĩnh vật về các cuốn tiểu thuyết mà ông xếp ngổn ngang trên bàn. Dickens, Daudet, Goncourt, Zola… phù hợp với cảm hứng hướng tới những kẻ bị ruồng bỏ, những cô gái điếm, người nghèo khổ.

Và thật bất ngờ, ông được đánh giá như "một kiểu Kafka trước khi có Kafka" với tranh vẽ những hành lang sâu hun hút không lối thoát, những bức tường bưng bít, những cánh cổng chỉ chực đóng lại trước mặt ta, tạo nên một phối cảnh âm u như một mê cung… Van Gogh cũng tạo một giao cảm với nhạc Wagner trong hội họa, bởi ông chiêm ngưỡng những âm hưởng "cuồng phong" trong đó, nên trong tranh, cần phải "gia tăng cường độ của sắc màu".

Ở Việt Nam, thời nay, tư liệu về các nghệ sĩ quá ít được bảo tồn và phát hiện. Chắc hẳn một nghệ sĩ như Văn Cao chưa hề được thẩm định một cách xứng đáng về hội họa và thơ. Chỉ một câu thơ như:

"Có lúc

nước mắt không thể chảy ra ngoài được "

đã là cả một ám ảnh đọng lại mãi trong lòng người. Tôi cảm thấy, ít nhất, những người thuộc thế hệ chúng tôi còn mắc nợ với một thiên tài của đất nước như Văn Cao

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Giáo dục Mỹ với những trẻ em có tài

    27/05/2013Đan Thi (Tổng hợp)Thomas L. Friedman, người khởi xướng một lý thuyết hay được nhắc đến là lý thuyết “Thế giới phẳng”luôn cho rằng, dù cuộc chiến bất tận với bọn khủng bố có nặng nề đến mấy, thì mối e ngại thực sự cho nước Mỹ vẫn không phải là những người Hồi giáo rậm râu, mà là “những thanh thiếu niên chưa có một cọng râu” từ các nước thuộc thế giới thứ ba....
  • Nhân tài và sử dụng nhân tài

    18/04/2007Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult GroupTrước khi bàn về việc làm thế nào để phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng nhân tài, cần xem xét lại quan niệm về nhân tài...
  • Những thiên tài của thế kỷ 21

    30/03/2007Hoàng An (theo Thế giới của những điều kỳ diệu)Ngày nay, mỗi phát hiện là một bước tiến. Nhưng kể cả khi nó nổi tiếng, thì nó cũng chỉ là một viên gạch trên bức tường cao. Những thiên tài như Einstein làm hơi khác: họ lấy ra từ bức tường cũ vài viên gạch, quan sát kỹ rồi xây dựng tòa nhà mới...
  • Đôi lời bàn về Lực – Trí – Tài - Quyền - Thế - Đạo

    27/10/2006Nguyễn Tất Thịnh...cái Tổ chức đó phải có vị thế đẳng cấp trong một xã hội rộng lớn hơn chính nó, để Lực – Tâm – Trí – Tài - Quyền của mỗi thành viên trong đó được lan toả khả năng và sức ảnh hưởng để có thể khẳng định mình và cống hiến, phát triển trên thế thượng phong...
  • Nhân tài tiềm ẩn đang chờ con mắt tinh đời của người lãnh đạo

    25/09/2006Nguyễn Văn ChiểnNgày xưa có chuyện LưuBị ba lần đến cầu Khổng Minh ra giúp mình xây dựng cơ đồ. Đó là chuyện người lãnh đạo cấp cao tìm đến người tài để giúp cho sự nghiệp của mình. Bên ta NguyễnTrãi đã rời Đông quan vào rừng núi Lam Sơn giúp Lợi xây dựng nghiệp lớn, đó là bước đi ngược lại: người tài tìm đến minh chủ. Cách đây đúng 60 năm, Hồ Chí Minh đã trao việc xây dựng đội quân cách mạng cho một trí thức trẻ mới ngoài 30 tuổi: người đã nhắm đúng người, trao đúng việc, con mắt tinh đời của Người đã tạo nên một nhân tài quân sự kiệt xuất của nước nhà, sánh ngang với Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuán và Quang Trung…
  • Người tài bị đố kỵ và không được trọng dụng

    12/02/2006Nguyễn TrungNgười tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí suy thường báo hiệu thời mạt vận sắp đến. Sự "cố thủ" của một số người sẽ triệt tiêu cơ hội cho những người tài - với nghĩa là cả đức và tài - được thể hiện mình trên cương vị chèo lái con thuyền quốc gia.
  • Chúng ta đang bỏ phí nhân tài ?!

    18/11/2003Hiện nay, về số lượng người có học hàm học vị cao, Việt Nam đứng đầu ở khu vực Đông Nam Á. Song vì sao các trường đại học (ĐH) tốt nhất của ta lại được xếp loại thấp hơn khoảng 50 bậc so với Thái Lan, còn khoa học công nghệ (KHCN) của ta tụt hậu so với Thái Lan khoảng 30 năm? Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ, "thực" - "ảo" trong khoa học vẫn còn lẫn lộn; các nhà khoa học thực sự chưa được nhìn nhận đúng và chưa được tạo điều kiện tốt nhất có thể để làm việc; trong khi đó, các nhà lãnh đạo lại chưa tỏ rõ quyết tâm trọng dụng người tài...
  • xem toàn bộ