Công thức của sự suy tàn quốc gia
Khi chính quyền nắm đặc quyền ban phát ân huệ cho các doanh nghiệp, các doanh nghiệp có động cơ mạnh mẽ đầu tư nguồn lực rất lớn vào việc tìm kiếm những ân huệ đó, cả qua đường chính thức và mờ ám. Đó là một vòng xoáy kéo quốc gia xuống vực thẳm...
Các doanh nghiệp tăng lợi nhuận thông qua ân huệ từ nhà nước, và đổi lại họ ủng hộ các chính trị gia ban phát cho họ những ân huệ đó, thông qua vận động chính trị, đóng góp công khai cho bầu cử, hay thậm chí là hối lộ trực tiếp. Mối quan hệ như thế được gọi là tư bản thân hữu.
Lợi ích từ việc tìm kiếm đặc lợi, giới chủ tư bản hưởng hết, nhưng không tạo ra thêm mấy giá trị cho nền kinh tế. Những hành vi lặp đi lặp lại như thế có tác động mang tính hệ thống, chứ không chỉ là sự lãng phí nguồn lực riêng rẽ.
Anne Krueger, trong nghiên cứu “Kinh tế chính trị của các xã hội tìm kiếm đặc lợi”, chỉ ra: “Rất nhiều những người Ấn Độ tài giỏi và sáng láng nhất không tham gia vào sản xuất ra bất kỳ thứ gì hay tạo ra thêm giá trị cho nền kinh tế, mà được tuyển dụng để luồn lách đưa công ty của họ vượt qua những rào cản quy định của chính quyền để có được những nguồn lực đặc biệt hoặc hạn chế sự tham gia của các công ty khác”. Mất mát xã hội, vì thế, có tính lan tỏa.
Độ lớn của nhà nước
Đáng chú ý, tư bản thân hữu xuất hiện thường bởi sự can dự quá sâu của chính quyền vào những vấn đề kinh doanh thuần túy, chứ không nhất thiết vì các doanh nhân có ý đồ xấu xa hay thiếu đạo đức. Ngay cả ở những nước phát triển, tư bản thân hữu cũng phổ biến, dù tinh vi hơn, và không dễ kiểm soát.
Cũng Krueger, trong một nghiên cứu khác - “Kinh tế chính trị của sự kiểm soát: Ngành mía đường Mỹ” - mô tả sự thay đổi của chương trình hạn chế nhập khẩu nhằm bảo hộ sản xuất trong nước của ngành mía đường. Lúc đầu, chương trình này được thiết kế để bảo vệ những chủ Mỹ của các nông trại mía ở Cuba, nhưng dù các nông trại đó không còn nữa sau cuộc cách mạng Cuba 1959, chương trình vẫn được duy trì qua các hiệp hội trồng mía tới tận ngày nay.
Năm 2010 chẳng hạn, ngành mía đường ở Mỹ đã đóng góp 5 triệu USD cho các hoạt động chính trị và 7 triệu USD nữa để vận động hành lang duy trì chương trình hạn chế nhập khẩu. Bài học rút ra là một khi chính sách đã được ban bố từ nhà nước, nó sẽ tạo ra những nhóm lợi ích, và những nhóm lợi ích này có động cơ trục lợi từ chính sách đó.
Lập luận trên dẫn chúng ta tới thuyết “khống chế” của George Stigler. Kinh tế gia Mỹ được giải Nobel này lập luận rằng các quy định có thể được ban hành với ý định thúc đẩy lợi ích chung, nhưng khi các cơ quan thực thi được thành lập, họ thường bị khống chế bởi giới doanh nghiệp mà họ được lập ra để giám sát vì có lợi ích gần với nhau.
Những doanh nhân và quan chức trong cùng lĩnh vực có nhiều thông tin hơn và theo dõi thông tin kỹ lưỡng hơn bất kỳ người nào khác, một “lợi thế” nữa của họ khiến tư bản thân hữu dễ dàng nảy sinh.
Quá trình tương tác giữa người quản lý nhà nước và doanh nghiệp dần tạo ra những mối quan hệ cá nhân với những lợi ích trao đổi, công khai hoặc ngấm ngầm, ngay tức thì hoặc có tính hứa hẹn. Vì rất nhiều lý do, những người có quyền theo thời gian sẽ dần ưu ái những doanh nghiệp bị quản lý thay vì lợi ích chung.
Trong một phân tích rất sáng suốt, Mancur Olson, trong cuốn “Sự nổi lên và suy tàn của các quốc gia”, lập luận rằng các quốc gia suy tàn khi những nhóm lợi ích thiết lập được chỗ đứng vững chắc trong tiến trình chính trị tới mức họ giành được nhiều lợi lộc từ các mối quan hệ chính trị hơn là các hoạt động kinh tế thuần túy.
Ông chỉ ra các nền chính trị non trẻ hoặc các nền kinh tế vừa chuyển đổi sẽ có các nhóm lợi ích còn yếu vì quan hệ chính trị và vốn tư bản cần sự tích lũy qua thời gian. Ở thời điểm đó, các doanh nhân vẫn còn động lực tham gia vào hoạt động kinh tế thị trường tự do, điều dẫn tới tăng trưởng. Đây là khi các quốc gia vươn lên.
Nhưng theo thời gian, các nhóm lợi ích bắt đầu lớn mạnh, củng cố vị thế, và thiết lập quan hệ ngày càng chặt chẽ với quyền lực chính trị, càng thành công trong việc trục lợi từ quan hệ chính trị của họ. Khi lợi ích từ quan hệ kiểu đó vượt qua lợi ích của việc kinh doanh, các quốc gia sẽ rơi vào vòng xoáy kinh khủng của tư bản thân hữu ở quy mô cả nền kinh tế.
Quan sát của Olson, dễ hiểu, dẫn tới ý tưởng rằng về cơ bản các hoạt động kinh doanh - khởi nghiệp - kiến tạo là giống nhau ở mọi xã hội, nhưng ở một số nơi, các khung định chế được tổ chức để hoạt động kinh tế thị trường tự do mang lại nhiều lợi ích hơn việc tìm kiếm đặc lợi qua quan hệ chính trị. Những xã hội làm được điều đó sẽ thịnh vượng.
Ở các nước làm ngược lại thì không. Và tăng trưởng không phải là tất yếu. Một số quốc gia không bao giờ đạt được tới mức độ thịnh vượng như họ mong đợi.
Đặc điểm kết nối mọi lập luận và lý thuyết về chủ nghĩa tư bản thân hữu là nó sinh ra trước hết từ quyền lực của chính quyền: chính quyền càng lớn, càng can dự nhiều vào nền kinh tế, sở hữu càng nhiều quyền lực bất hợp lý, thì khả năng sinh ra tư bản thân hữu và mức độ nghiêm trọng càng lớn. Một chính quyền có quyền định đoạt với một tỉ lệ quá lớn thu nhập và các nguồn lực quốc gia cũng có khả năng phân phát chúng bất công nhiều hơn.
Ngay cả những khoản chi tiêu công “thuần túy” như cho an ninh, quốc phòng, hạ tầng, giáo dục, y tế, cũng có thể khuyến khích chủ nghĩa tư bản thân hữu nếu không được minh bạch hóa. Đường sá chẳng hạn, là hàng hóa công, nhưng sẽ có người được nhận hợp đồng xây dựng, và lựa chọn các tuyến đường mới có thể mang lại những lợi ích lớn cho các nhóm hoàn toàn tư nhân, có đầy đủ động lực và phương tiện để theo đuổi những lợi ích đó.
Mọi chính quyền đều đứng trước nguy cơ bị các nhóm lợi ích thao túng. Ảnh: prageru.com
Dân chủ và tư bản thân hữu Các nền dân chủ phương Tây hiện đại không vận hành trên nguyên lý chính quyền làm bất kỳ điều gì mà đa số cử tri muốn. Thay vì thế, chính quyền bị hiến pháp hạn chế. Hiến pháp Mỹ là một ví dụ tốt. Ngoài ra còn có sự phân chia quyền lực trong chính quyền. Những điều đó hạn chế các quyền hành pháp, và cả các đòi hỏi có thể là vô lý của cử tri, ngay cả khi họ chiếm đa số. Các nhóm lợi ích tư bản thân hữu, trong khi đó, tìm cách len vào những “khoảng trống” giữa các mối quan hệ quyền lực nói trên. Một nghịch lý: khi áp lực kiếm phiếu ảnh hưởng ngày càng lớn hơn tới các quyết định của chính quyền - tức theo một nghĩa nào đó, chính quyền dân chủ hơn - thì nền kinh tế cũng trở nên dễ tổn thương hơn trước tư bản thân hữu. Tức có thể nói rằng sự phồn vinh ở phương Tây không chỉ là một sản phẩm của chính quyền dân chủ, nó còn phải dựa trên những ràng buộc hiến pháp giới hạn quyền lực của chính quyền đó. Ý nghĩa của điều này: Sự ủy nhiệm, ngay cả ủy nhiệm từ tuyệt đại đa số người dân, không phải là quyền lực tuyệt đối. |
Không có lựa chọn?
Ngoài các nguồn lực và thu nhập kiểm soát, tầm với chế tài của chính quyền cũng là một yếu tố quyết định mức độ tư bản thân hữu. Nếu nhà nước có quyền khiến một số công ty được hưởng lợi hơn một số công ty khác, thì mọi công ty đều sẽ có động cơ tham gia “mua bán” các chính trị gia.
Có một thực tế đương nhiên là chính quyền cũng bao gồm các cá nhân luôn tính toán tới lợi ích của riêng mình, khiến ngay cả những quy định được cho là vì cái chung nhất cũng có thể bị “khống chế” vì lợi ích riêng. Đó là chưa kể những trường hợp nhà lãnh đạo chính trị hành động hoàn toàn vì lợi ích bản thân.
Tệ hơn, sự can thiệp quá sâu từ chính quyền không chỉ hướng các nguồn lực sang việc “chạy chọt”, mà rất nhiều khi, không cho doanh nghiệp lựa chọn nào khác ngoài việc phải đi cửa sau, không chỉ để tìm kiếm lợi ích, mà đôi khi chỉ là để bảo vệ chính mình!
Fred McChesney, tác giả cuốn “Trả tiền để chẳng được gì”, viết rằng chính quyền thường xuyên đe dọa giới làm ăn với các sắc thuế, các khoản đóng góp, các luật lệ mới, buộc ngay cả những công ty không thích tham gia vào chính trị cũng phải bắt đầu vận động để tự vệ. Đáng nói hơn, những đe dọa này đôi khi tới từ các tay tư bản thân hữu muốn loại bỏ đối thủ của mình.
Trong một nền kinh tế mà tư bản thân hữu đã trở thành đặc điểm không thể tách rời, như Olson nhận định, các doanh nghiệp không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tham gia “cuộc chơi”.
Nói tất cả những điều đó không phải là để hạ thấp vai trò của chính quyền. Chúng ta vẫn cần nhà nước để kiểm soát những thái quá rất kinh khủng của chủ nghĩa tư bản, sửa chữa các thất bại thị trường và quản lý xã hội vì lợi ích chung. Nhưng việc quyền lực chính trị cho phép một số nhóm lợi ích cụ thể dồn gánh nặng kinh tế lên vai những người khác (nhiều khi là cả xã hội) là một thực tế có lẽ mang tính cố hữu của mọi nền kinh tế - chính trị.
Ngoài ra, không phải mọi chính quyền nhiều nguồn lực đều trở nên băng hoại. Một ví dụ tốt là các nước Bắc Âu, nơi chi tiêu công chiếm một tỉ lệ lớn hơn nhiều trong GDP so với nhiều nước châu Phi và Nam Mỹ nghèo hơn hẳn.
Ở các nước Scandinavia này, bí quyết là sự minh bạch và một cấu trúc tài chính nhà nước chặt chẽ, hạn chế những vùng tối, những mờ ám và giao dịch cửa sau của quyền lực chính trị. Như thế, bất chấp việc mang tiếng là những “nhà nước phúc lợi”, các nước Bắc Âu vẫn có những định chế thân thiện với thị trường.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015