Ảo tưởng tôn giáo và nhiệm vụ của lịch sử

06:38 SA @ Thứ Sáu - 28 Tháng Tám, 2009

Đối với nước Đức thì việc phê phán tôn giáo, về thực chất, đã kết thúc và việc phê phán tôn giáo là tiền đề của mọi sự phê phán khác. Sự tồn tại trần tục của lầm lạc đã bị mất uy tín, sau khi sự oratio pro aris et focis1trên thượng giới của nó đã bị bác bỏ. Người nào đã đi tìm một tồn tại siêu nhân nào đó trong tính hiện thực ảo tưởng trên thượng giới mà chỉ tìm thấy có sự phản ánh của chính bản thân mình, thì người đó không còn mong muốn chỉ tìm thấy cái bề ngoài của bản thân mình, cái không-phải-là-con-người, ở nơi mà người đó đang tìm mà phải tìm tính hiện thực chân chính của mình.

Căn cứ của sự phê phán chống tôn giáo là: con người sáng tạo ra tôn giáo, chứ tôn giáo không sáng tạo ra con người. Cụ thể là: tôn giáo là sự tự ý thức và tự cảm giác của con người chưa tìm được bản thân mình hoặc đã lại để mất bản thân mình một lần nữa. Nhưng con người không phải là một sinh vật trừu tượng, ẩn náu đâu đó ngoài thế giới. Con người chính là thêm giới con người, là nhà nước, là xã hội. Nhà nước ấy, xã hội ấy sản sinh ra tôn giáo, một thế giới quan đảo ngược, vì bản thân chúng là thế giới đảo ngược. Tôn giáo là lý luận chung của thế giới ấy, là cương yếu bách khoa, là lô gích dưới hình thức phổ biến, là point d'honneur2 duy linh, là sự chuẩn y về mặt đạo đức, là sự bổ sung trang nghiêm của nó, là căn cứ phổ quát mà nó dựa vào để an ủi và biện hộ. Tôn giáo là tính hiện thực ảo tưởng của bản chất con người, vì bản chất con người không có tính hiện thực thật sự. Do đó, đấu tranh chống tôn giáo là gián tiếp đấu tranh chống một thế giới mà lạc thú tinh thần của nó là tôn giáo.

Sự khổ đau mang tính tôn giáo đồng thời vừa là biểu hiện của khổ đau trong hiện thực, vừa là sự chống lại khổ đau ấy. Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng giống như nó là tinh thần của những tình cảnh không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân.

Để có hạnh phúc thực sự của nhân dân, đòi hỏi việc xoá bỏ tôn giáo, hạnh phúc ảo tưởng của họ. Yêu cầu từ bỏ những ảo tưởng về hoàn cảnh của mình cũng là yêu cầu từ bỏ-cái hoàn cảnh đang cần có ảo tưởng. Do đó, việc phê phán tôn giáo là hình thức manh nha của sự phê phán cuộc sống khổ ải mà tôn giáo là vòng hào quang thần thánh của nó.

Sự phê phán đã vặt bỏ những bông hoa tưởng tượng khỏi xiềng xích, không phải để loài người cứ tiếp tục mang những xiềng xích ấy dưới một hình thức chẳng vui thích và thú vị gì, mà để loài người vứt bỏ chúng đi và giơ tay hái lấy bông hoa thật. Việc phê phán tôn giáo đang làm cho con người thoát khỏi niềm tin vào ảo tưởng, để con người suy nghĩ, hành động, xây dựng tính hiện thực của mình với tư cách là con người thoát khỏi ảo tưởng, trở nên có lý tính; để con người xoay quanh bản thân mình và mặt trời thật sự của mình. Tôn giáo chỉ là mặt trời ảo tưởng xoay quanh con người chừng nào con người chưa bắt đầu xoay quanh bản thân mình.

Do đó, nhiệm vụ của lịch sử, sau khi thế giới không thực biến mất, là xác lập chân lý của thế giới thực. Khi hình tượng thần thánh của sự tự tha hoá của con người đã bị bóc trần thì nhiệm vụ cấp thiết của triết học đang phục vụ lịch sử là bóc trần sự tự tha hoá trong những hình tượng không thần thánh của nó. Như vậy, phê phán thượng giới biến thành phê phán cõi trần, phê phán tôn giáo biến thành phê phán pháp quyền, phê phán thần học biến thành phê phán chính trị...

Vũ khí của sự phê phán cố nhiên không thể thay thế được sự phê phán của vũ khí, lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất; nhưng lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất một khi nó thâm nhập vào quần chúng. Lý luận có thể xâm nhập vào quần chúng ngay khi nó chứng minh ad hominem và nó chứng minh ad hominem khi nó trở thành triệt để. Triệt để có nghĩa là nắm bắt được sự vật đến tận gốc rễ của nó. Nhưng gốc rễ của con người chính là bản thân con người. Bằng chứng rõ rệt cho tính triệt để của lý luận Đức và năng lực thực tiễn của nó, là ở chỗ, điểm xuất phát của nó là việc xoá bỏ tôn giáo một cách kiên quyết và tích cực. Việc phê phán tôn giáo dẫn đến học thuyết cho rằng người là bản chất tối cao đối với con người, do đó, dẫn đến mệnh lệnh tuyệt đối đòi phải lật đổ tất cả những quan hệ trong đó con người là một sinh vật bị làm nhục, bị nô dịch, bất lực, bị khinh rẻ, những quan hệ mà không gì có thể diễn tả hay hơn lời nói của một người Pháp về dự án thuế nuôi chó: "Những con chó tội nghiệp kia? Người ta muốn đối xử với chúng mày như đối xử với con người!"

Thậm chí khi xét theo quan điểm lịch sử thì sự giải phóng về mặt lý luận, đối với nước Đức, cũng có một ý nghĩa đặc biệt thực tiễn. Vì quá khứ cách mạng của nước Đức là có tính lý luận, nên đây thực sự là Cải cách. Trước đây cách mạng bắt đầu trong đầu óc người tu sĩ, cũng giống như bây giờ cách mạng bắt đầu trong đầu óc nhà triết học.

Thật ra, Luther2 đã chiến thắng sự trói buộc về mặt lòng ngoan đạo chỉ bằng cách thay sự trói buộc ấy bằng sự trói buộc về mặt tín niệm. Ông phá vỡ lòng tin vào quyền uy vì đã khôi phục quyền uy của lòng tin. Ông biến tu sĩ thành người trần tục, vì người trần tục thành tu sĩ. Ông giải phóng con người khỏi tính tôn giáo bên ngoài vì tôn giáo thành thế giới bên trong của con người. Ông giải phóng thể xác khỏi xiềng xích, bởi ông đã quàng xiềng xích lên tâm hồn con người.

Nếu đạo Tin lành đã không giải quyết đúng đắn vấn đề thì nó cũng đã đặt vấn đề một cách đúng đắn. Giờ đây, vấn đề không còn là cuộc đấu tranh của người trần tục chống người tu sĩ ở bên ngoài anh ta nữa, mà là cuộc đấu tranh chống người tu sĩ bên trong bản thân mình, chống cái bản chất tu sĩ của mình. Và nếu việc đạo Tin lành biến người Đức trần tục thành tu sĩ đã giải phóng những giáo hoàng trần tục những vua chúa, cùng với tất cả những thủ hạ của họ, những kẻ có đặc quyền và những kẻ vô học, thì việc triết học biến người Đức đã thấm sâu tinh thần tu sĩ thành con người, sẽ là sự giải phóng của nhân dân. Sự hoàn tục tài sản không dừng lại ở việc đoạt lấy tài sản của giáo hội, một việc nhà nước Phổ giả nhân giả nghĩa đã thực hiện trước tất cả mọi người cũng giống như việc giải phóng không phải chỉ dừng lại ở những vua chúa. Cuộc chiến tranh nông dân, một sự kiện triệt để nhất của lịch sử nước Đức, đã thất bại vì vấp phải thần học. Ngày nay, khi thần học đã bị đập nát thì biểu hiện gay gắt nhất của tình trạng không tự do trong lịch sử nước Đức, tức là cái hiện trạng của chúng ta cũng bị tan vỡ vì vấp phải triết học. Trước cải cách tôn giáo, nhà nước Đức là một tên nô lệ ngoan ngoãn nhất của La Mã. Trước ngày nổ ra cuộc cách mạng của nó, nó là tên nô lệ ngoan ngoãn của một kẻ nhỏ hơn La Mã, nô lệ của Phổ và của áo, của bọn địa chủ quý tộc và bọn vô học đã chai sạn rồi.

Thế nhưng, dường như có một khó khăn to lớn đang gây trở ngại cho cuộc cách mạng triệt để của nước Đức.

Vấn đề là các cuộc cách mạng đều cần đến nhân tố thụ động, đến cơ sở vật chất. ở mỗi dân tộc, lý luận bao giờ cũng chỉ được thực hiện khi nó đáp ứng những nhu cầu của dân tộc ấy. Nhưng sự khác biệt vô lý giữa những nhu cầu của tư tưởng Đức với những đáp ứng của hiện thực Đức đối với những nhu cầu đó, liệu có nhất trí với sự khác biệt giữa xã hội công dân với nhà nước và với bản thân xã hội công dân hay không? Những nhu cầu lý luận liệu có trực tiếp trở thành những nhu cầu thực tiễn hay không? Tư tưởng cố sức biến thành hiện thực vẫn chưa đủ; bản thân hiện thực cũng phải cố sức hướng tới tư tưởng.

Nước Đức đã bước lên những nấc trung gian của sự giải phóng chính trị không cùng một lúc với các dân tộc hiện đại. Ngay cả những nấc mà nó đã vượt qua được về mặt lý luận, thì nó cũng chưa đạt tới về mặt thực tiễn. Vậy làm sao nó có thể chỉ bằng một cái nhảy lộn mà không những vượt qua được những chướng ngại của chính nó, đồng thời còn vượt qua cả những chướng ngại đang ở trước mặt các dân tộc hiện đại, qua những chướng ngại mà trên thực tế nó phải coi là một sự giải phóng khỏi những chướng ngại thực tế của chính nó và là mục đích nó phải vươn tới? Cuộc cách mạng triệt để chỉ có thể là cuộc cách mạng của những nhu cầu triệt để, nhưng để sản sinh ra những nhu cầu này thì dường như chưa có cả tiền đề lẫn cơ sở cần thiết.

Nhưng nếu nước Đức chỉ bước theo sự phát triển của các dân tộc hiện đại bằng hoạt động tư duy trừu tượng mà không tích cực tham dự những cuộc chiến đấu thực tế của sự phát triển ấy, thì mặt khác, nó đã chia sẻ những nỗi đau khổ của sự phát triển ấy, mà không chia sẻ những niềm vui sướng, sự thoả mãn cục bộ của sự phát triển ấy. Tương ứng với hoạt động trừu tượng ở mặt này, là sự đau khổ trừu tượng ở mặt kia. Vì vậy, nước Đức một ngày kia sẽ ở vào mức suy sụp của châu âu, nhưng lại chưa bao giờ ở vào cái mức giải phóng của châu âu Người ta có thể so sánh nước Đức với một người thờ cúng ngẫu tượng bị héo hon tàn tạ vì những chứng bệnh của Kitô giáo.

(Đức Hạnh hiệu đính từ: Marx, Karl. 1969 [1844]. "Religious Illusion and the Task of History" trong Sociology and Religion: A Book ofReadings. Norman Birnbaum and Gertrud Lenzer chủ biên. Englewood Cliffs, N. J.: Prentice-Hall. Trang 93-95).


Chú thích của người hiệu đính:

Phong trào tôn giáo ở châu Âu thế kỷ 16 nhằm cải cách nhà thờ Công giáo.
2 Martin Luther (1483-1546), nhà thần học Tin lành người Đức đã đưa ra 95 tiểu luận phê phán giáo lý và thực hành của nhà thờ Công giáo năm 1517 , được coi là sự kiện mở đầu phong trào Cải cách.

3Lập luận bằng cách lấy lý lẽ hoặc hành động của một người để phản bác lại chính người đó.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tín ngưỡng

    07/08/2017Nguyễn Trần BạtLà một vấn đề vô cùng phức tạp, thực ra tín ngưỡng không phải là hiện tượng mê tín thuần tuý theo cách hiểu thông thường. Lịch sử cho thấy rằng các loại tín ngưỡng khác nhau có sức sống dai dẳng và ảnh hưởng lâu dài mà khó có hệ tư tưởng nào sánh được...
  • Thử bàn về biểu hiện của tôn giáo

    24/10/2014Đặng Nghiêm VạnLà sản phẩm của xã hội, tôn giáo tồn tại và thay đổi với xã hội loài người. Con người có nhu cầu vật chất, cũng có nhu cầu tinh thần trong đó có nhu cầu tôn giáo. Đã có một thời, mỗi một thị tộc, bộ lạc, một dân tộc đều có tôn giáo riêng của mình. Về sau, qua sự giao lưu văn hoá trong từng khu vực hoặc trên khắp toàn cần, bằng phương pháp hoà bình hay vũ lực, nảy sinh hiện tượng có nhiều tôn giáo phổ cập trên toàn cầu hoặc trong từng khu vực trên nhiều quốc gia, ngược lại có hiện tượng một quốc gia có nhiều tôn giáo...
  • Tôn giáo và khoa học tự nhiên

    05/05/2014Max PlanckBài thuyết trình được lấy từ tuyển tập "Tự truyện khoa học và những bài báo khác" (Scientific autobiography and other papers) của Max Planck. Bản dịch này được thực hiện từ bản tiếng Anh (Great Books of the Western World, Encyclopedia Britanica, 1994), được Nguyễn Xuân Xanh đối chiếu với nguyên bản tiếng Đức và Bùi Văn Nam Sơn xem lại.
  • Triết lý tôn giáo

    15/08/2009William S. Sahakan & Mabel. Sahakan- Thanh Chân dịchCông việc của các triết gia là đánh giá mọi sự kiện kinh nghiệm. Theo đó, triết lý tôn giáo quan tâm đánh giá mọi sự kiện liên quan đến kinh nghiệm tín ngưỡng, trong đó chủ yếu phải kể đến các vấn đề về : Thượng Đế, linh hồn, sự bất tử và bản chất của Thiện và Ác...

  • Tôn giáo và dân tộc

    02/08/2009Đinh Thị Loan (thực hiện)“Ý định của tôi khi viết cuốn sách này là tìm hiểu lịch sử nhận thức về vấn đề tôn giáo của người mácxít và của Đảng ta. Cuốn sách cũng còn mục tiêu khác nữa là nêu bật quá trình đổi mới nhận thức về tôn giáo và chính sách tôn giáo, đặc biệt từ năm 1990 trở lại đây”...
  • Đạo đức tin lành và tinh thần chủ nghĩa Tư bản của Max Weber

    23/07/2009Trần Hữu Quang - Bùi Văn Nam SơnQuyển sách mà độc giả đang cầm trên tay bao gồm công trình chính là "Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản" mà Max Weber viết vào năm 1904-1905 (in trong "Archiv für Sozialwissenschaft und Sozialpolitik", tập XX, 1904, quyển 1, tr. 1-54, và tập XXI, 1905, quyển 1, tr. 1-110), và có sửa chữa, bổ sung vào năm 1920.
  • Tôn giáo của khoa học

    11/06/2009M. Scott PeckTin vào Thượng Đế có phải là một chứng bệnh không? Phải chăng đó là biểu hiện của sự chuyển dịch - một quan niệm của bố mẹ, xuất phát từ vũ trụ vi mô, được chiếu một cách không thích hợp vào vũ trụ vĩ mô. Hay nói cách khác, một niềm tin như thế phải chăng là một dạng suy nghĩ sơ khai hoặc ấu trĩ mà chúng ta phải vượt ra khỏi để tìm kiếm những trình độ cao hơn về nhận thức và trưởng thành?
  • Thế giới quan và tôn giáo

    08/06/2009M. Scott PeckCon người càng lớn lên trong kỷ luật, trong tình yêu và trong kinh nghiệm sống thì hiểu biết của con người về thế giới và về vị trí của mình trong thế giới đó càng tự nhiên phát triển nhanh. Trái lại, con người càng không lớn lên được trong kỷ luật, trong tình yêu và trong kinh nghiệm sống thì hiểu biết của con người càng không phát triển được. Do đó, giữa những thành viên của loài người có một sự biến thiên lạ thường về bề rộng và độ phức tạp của hiểu biết của chúng ta về bản chất của cuộc đời.
  • Mối quan hệ giữa các nền văn hóa

    08/02/2009Nguyễn Tấn HùngTrong bài viết này, khi chỉ ra bản chất của những mâu thuẫn giữa các nền văn hoá, văn minh, sự khác nhau giữa tôn giáo và văn minh, nguyên nhân của sự xung đột giữa các tôn giáo, sắc tộc giữa các cộng đồng dân tộc, tác giả đã đi đến khẳng định rằng, sự phát triển của văn hoá, văn minh không những không làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa các cộng đồng xã hội, mà trái lại, còn là điều kiện để các dân tộc xích lại gần nhau hơn...
  • Một số vấn đề về tôn giáo và nhu cầu tôn giáo hiện nay

    07/11/2008Lê Tuấn ĐạtNgày 16/10/1999, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 24 về Công tác Tôn giáo trong tình hình mới, xác định: "Tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điểm phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới".
  • Tôn giáo trước ngưỡng cửa khoa học

    02/01/2007Đức PhườngThuyết Sáng thế và Vũ trụ học không đơn thuần chỉ là quá trình tiến hóa sinh học đã đặt ra những thách thức trong quan điểm Thiên chúa giáo truyền thống. Những hiểu biết khoa học về quá trình tiến hóa của vũ trụ đã làm suy giảm đức tin tâm linh của con người...
  • Triết học tôn giáo phương Tây hiện đại

    31/10/2006Đỗ Minh HợpTriết học với một nghĩa nào đó là sự phản tư đối với văn hoá thời đại, Triết học tôn giáo không phải là một ngoại lệ, nó là sự phản tư đối với tôn giáo với tư cách một bộ phận, một hình thức của văn hoá. Cùng với chủ nghĩa thực chứng và chủ nghĩa phi duy lý, triết học tôn giáo tạo thành một trong ba khuynh hướng cơ bản của triết học phương Tây hiện đại. Chính vì vậy mà chúng tôi cố gắng giới thiệu những nét cơ bản của triết học tôn giáo hiện đại...
  • Con người và tâm linh

    27/01/2006Phan QuangTết đến, xuân về. Phần đông gia đình người Việt, trong việc "sắm Tết", hầu như chẳng mấy ai không nghĩ đến dăm bông hoa, vài nén hương lễ gia tiên. Đó là cách hành xử văn hóa thể hiện mối quan hệ truyền thống mang tính dân tộc đối với thế giới tâm linh...
  • Triết học Tôn giáo

    12/12/2005TS. Trần Nguyên ViệtBộ môn triết học tôn giáo đã có bề dày lịch sử hai thế kỷ. Trong kho tàng tư liệu triết học thế giới, cho đến nay, đã có rất nhiều công trình thuộc tôn giáo học được công bố và bổ sung; song ở nước ta, có lẽ cuốn Triết học giáo của tác giả Mel Thomson, do TS. Đỗ Minh Hợp từ bản tiếng Nga, là công trình đầu tiên về môn triết này...
  • Cái thiêng tôn giáo

    29/11/2005Hồ LiênÝ tưởng về sự thiêng liêng đã xuất hiện khá sớm trong bước chuyển từ con người động vật thành con người xã hội. Ý tưởng ấy là sản phẩm của đời sống xã hội, khi nhu cầu gắn kết các thành viên của cộng đồng đòi hỏi một đức tín về nguồn gốc thánh thần và ý nghĩa cao quý của cuộc sống con người.
  • Khoa học và tôn giáo phụ thuộc lẫn nhau

    15/07/2005Đây là bản lược dịch bài Science & Religion are interdependent của nhà bác học Albert Einstein. Nó cũng đồng thời phản ánh rõ nhất quan điểm của nhà bác học về vấn đề Tôn giáo...
  • xem toàn bộ