Văn học Việt Nam đang... đi ngang

06:35 CH @ Chủ Nhật - 24 Tháng Sáu, 2018

Việc lạm dụng các ngôn từ đại loại như “tuyệt tác”, “tuyệt vời”, “bất hủ”, “vi diệu”,… của truyền thông có thể biến tác phẩm bình thường thành “phi thường”, biến sở thích của một nhóm xã hội thành sở thích của số đông, quảng bá giá trị không chứa đựng trong tác phẩm… Thậm chí là có trường hợp, truyền thông không ngại đánh cược cả uy tín vào điều tầm phào.- Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hòa

Hồng Thanh Quang:Cũng có thể do tôi đang già đi nên ngày một thoái hóa trong cảm nhận hiện tại, nhưng thực sự là tôi thấy trong những năm gần đây, không chỉ ở riêng nước ta mà ngay cả trên thế giới, các sự kiện văn học, nghệ thuật mang tầm cỡ lớn đang ít dần. Vì thế cứ mỗi khi một năm nữa lại kết thúc, nhìn lại bức tranh toàn cảnh vừa qua trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, rất khó nêu ra những điểm sáng nổi bật. Có đúng vậy không anh?

Nguyễn Hòa:Tôi và anh đang cùng ở vào thời kỳ khả năng nhận thức bắt đầu suy giảm. Trong khi đó cuộc sống thì vẫn vận động, những vấn đề mới vẫn nảy sinh,… và tình trạng suy giảm tự nhiên có thể làm cho chúng ta khó cảm nhận, khó theo kịp biến chuyển của thực tiễn. Song nếu vẫn nắm bắt được quy luật của sự vận động cuộc sống, cố gắng tỉnh táo để nhận biết, thì chưa chắc chúng ta đã lạc hậu. Như tình trạng các sự kiện văn học, nghệ thuật tầm cỡ đang có dấu hiệu ít dần chẳng hạn, không nên coi kết luận này là sản phẩm “thoái hóa trong cảm nhận hiện tại” vì tuổi tác, mà cần khẳng định đó là một sự thật.

Năm qua, các sự kiện nghệ thuật được truyền thông quốc tế quan tâm nhất thường thuộc lĩnh vực giải trí, mua vui cùng lắm chỉ vài trống canh. Nhưng hào quang sặc sỡ và âm thanh ầm ĩ của chúng có vẻ như làm lu mờ những tác phẩm văn học, nghệ thuật nghiêm túc và có giá trị dài lâu. Trong một “thế giới phẳng” thì xu hướng cào bằng các giá trị có vẻ như đang trở thành chủ đạo. Đó phải chăng là “gót chân Achille” của xã hội loài người trong thời kỳ hiện tại?

- Ngày nay, thường thì khi xuất hiện trước công chúng, tác phẩm văn học, nghệ thuật chịu sự chi phối mạnh mẽ của truyền thông. Đọc, xem xét các tương quan, tôi ngờ rằng không ít trường hợp tác phẩm văn học, nghệ thuật đã được truyền thông đề cập như là hàng hóa hơn là sản phẩm văn hóa; nói cách khác thì truyền thông tham gia vào việc kinh doanh hơn là cổ vũ những giá trị tư tưởng - thẩm mỹ đích thực? Việc lạm dụng các ngôn từ đại loại như “tuyệt tác”, “tuyệt vời”, “bất hủ”, “vi diệu”,… của truyền thông có thể biến tác phẩm bình thường thành “phi thường”, biến sở thích của một nhóm xã hội thành sở thích của số đông, quảng bá giá trị không chứa đựng trong tác phẩm… Thậm chí là có trường hợp, truyền thông không ngại đánh cược cả uy tín vào điều tầm phào. Rồi nữa, dường như vì quá chuyên chú đáp ứng yêu cầu cập nhật, nên truyền thông thường bị cuốn vào đề tài thời sự, sao nhãng đề tài xuyên thời gian; quá chú mục tác phẩm có khả năng đáp ứng nhu cầu tức thời mà bỏ qua nhu cầu của muôn đời, để rồi cái gọi “tuyệt tác”, “tuyệt vời”, “bất hủ”, “vi diệu” chỉ tương ứng với điều như Nguyễn Du viết: “Mua vui cũng được một vài trống canh”! Tôi nghĩ, nếu coi đó là “gót chân Achille” của xã hội hiện tại thì không phải là tất yếu khách quan, mà là hệ lụy trực tiếp từ quan niệm phiến diện, hời hợt của con người khi quá quan tâm tới cuộc sống từ góc độ kinh tế.

Cá nhân anh chẳng hạn, anh có quan tâm tới những tác giả được nhận giải Nobel văn chương trong những năm gần đây không? Chẳng phải muốn đánh đố gì đâu, nhưng nếu tôi hỏi anh về ba tác giả được trao giải Nobel văn chương ba năm gần đây thì anh có thể nói gì về họ? Thực sự sau khi hay tin họ được trao giải Nobel, anh có tìm được thêm những tác phẩm của họ hay không? Thí dụ như về nhà văn người Anh gốc Nhật Bản Kazuo Ishiguro, giải Nobel văn chương năm 2017?

- Tôi đọc Mãi đừng xa tôi (bản dịch của Trần Tiễn Cao Đăng) lâu rồi và thú thực đã quên tên tác giả. Sau đó được biết Kazuo Ishiguro nhận giải Nobel Văn học 2017, tôi nhớ tác phẩm này. Chuyện giả tưởng của Mãi đừng xa tôi khá độc đáo, khó có thể đọc một lèo, đọc xong dễ hoảng sợ khi nghĩ về thân phận xã hội. Hiến tạng, chăm sóc người hiến tạng là hành vi nhân văn, nhưng ba con người được “sản xuất” từ nhân bản vô tính với vai trò duy nhất là hiến tạng, chăm sóc người hiến tạng lại hoàn toàn khác, vì giá trị con người của họ trở nên vô nghĩa, họ chỉ là hàng hóa. Chưa đọc nhiều tác phẩm của Kazuo Ishiguro, nên tôi không mạo muội nhận xét, tuy nhiên tôi không đánh giá cao Mãi đừng xa tôi. Vì đề tài tác phẩm không mới, đó là cảnh báo thành tựu khoa học có thể đẩy tới hệ lụy phi nhân tính, chí ít từ thế kỷ XVI, F. Rabelais đã cho rằng: “Khoa học mà không có lương tâm chỉ là sự tàn lụi của tâm hồn”. Cừu Dolly qua đời năm 2003, cũng từ đó nhân loại dấy lên lời cảnh báo về khả năng lạm dụng thành tựu khoa học này, Mãi đừng xa tôi xuất bản năm 2005, dường như tác phẩm cũng để đáp ứng một đề tài thời sự?

Thế còn ca sĩ, nhạc sĩ Bob Dylan, nhà thơ giải Nobel văn chương năm 2016? Tất nhiên, trong quá khứ đã từng có chính trị gia được trao Nobel văn chương nhờ hồi ký của mình, như ông thủ tướng Anh Winston Churchill chẳng hạn. Nhưng anh có thấy lạ không khi Viện Hàn lâm Thụy Điển lại chọn một nghệ sĩ biểu diễn như Bob Dilan để trao giải Nobel văn chương?

- Đọc điều bà Sara Danius - Thư ký thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển, giải thích lý do khiến Bob Dylan được trao Nobel Văn học là “chất thi ca trong tác phẩm của ông” tôi hơi ngạc nhiên. Ngạc nhiên rồi tự giải thích có lẽ ở Viện Hàn lâm Thụy Điển có quan niệm riêng về tác phẩm văn học chăng? Về phần mình tôi nghĩ, chất thi ca trong tác phẩm âm nhạc có xuất sắc đến mức nào thì đó vẫn không phải là tác phẩm văn học, hơn nữa nếu tách ca từ ra khỏi giai điệu âm nhạc vốn có, liệu ca từ có thể sinh tồn độc lập như bài thơ hay không, người trao giải cho Bob Dylan có ngâm ngợi ca từ này như ngẫm ngợi bài thơ? Dù thế nào thì văn học vẫn là nghệ thuật ngôn từ, không phải là nghệ thuật âm thanh. Tôi nghĩ không phải vô cớ trên New York Times lại viết rằng “Bob Dylan không cần đến một giải Nobel Văn học, nhưng văn học cần có một giải Nobel”!

Và nữ văn sĩ người Belarus, Svetlana Aleksevich, giải Nobel văn chương năm 2015 nữa, anh có đọc sách của bà không và anh có nhận xét gì về khuynh hướng sáng tác của bà?

- Tôi đã đọc Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ cách đây gần 30 năm. Tôi đã chứng kiến, đã đọc nhiều tác phẩm về sự hy sinh, về nỗi thống khổ phụ nữ phải chịu đựng trong chiến tranh, và tôi kính trọng các mẹ, các chị… Tôi đọc Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ để biết phụ nữ Xô viết đã hy sinh, chịu đựng nỗi thống khổ như thế nào. Giờ Svetlana Aleksevich được trao giải Nobel Văn học với các tác phẩm như vậy tôi không hào hứng lắm. Xét cho cùng, trước hết Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ là phóng sự báo chí, nên có phần khôi hài khi ai đó cho rằng với việc trao giải Nobel văn học cho bà: “Viện Hàn lâm Thụy Điển đã làm một cuộc cách mạng: họ đánh đổ một thành kiến tồn tại hàng nhiều trăm năm rằng chỉ có văn học hư cấu mới có giá trị”! Thêm nữa, người lương thiện không ai đồng tình, thích thú chiến tranh, nhưng không thể vì tính phi nhân của chiến tranh mà đánh đồng mục đích hành động của con người. Anh thử hình dung, giả sử không có sự hy sinh, chịu đựng của những người lính và phụ nữ ở Liên Xô, Pháp, Anh,… thì chủ nghĩa phát-xít có bị ngăn chặn, điều gì sẽ xảy ra nếu chủ nghĩa phát-xít thống trị chí ít là ở châu Âu?

Tôi cũng hiểu rằng, văn học là nhân học, văn học không thể bị tách rời ra khỏi các lĩnh vực hoạt động khác của xã hội loài người. Thế nhưng, có lẽ các giải thưởng văn chương sẽ có lý hơn khi được trao cho các tác giả có thành tựu văn học chứ không nên quá thiên sang phần các cống hiến xã hội hay nhân thân người viết. Anh nghĩ sao về quan điểm này?

- Câu hỏi của anh gợi nhớ đến Stephen Metcalf, bày tỏ phản ứng trước việc Bob Dylan được trao giải Nobel, nhà phê bình nghệ thuật này đã viết trên tạp chí Slate: “Bạn không đến cửa hàng bán đồ điện để mua cam, cũng như khi muốn tìm thơ ca, bạn không tìm đến Bob Dylan”! Giải thưởng cao quý mà trao nhầm người, không phù hợp lĩnh vực giải thưởng, trao cho nhân thân của người có tác phẩm hơn là tác phẩm,... thì chỉ làm suy giảm uy tín của giải thưởng mà thôi. Cứ đà này, liệu rồi đây Nobel Văn học có được trao cho họa sĩ A vì có tác phẩm tạo hình đậm chất thơ, hoặc trao cho nhà vật lý B vì phát minh có ánh sáng đẹp lung linh?!

Với tư cách một nhà nghiên cứu văn hóa, một nhà phê bình văn học, anh đánh giá thế nào về đời sống văn học nước nhà trong năm qua? Những tác giả nào, theo anh, cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa?

- Cũng lâu rồi, từ khảo sát cá nhân, tôi nhận xét văn học Việt Nam không “đi lên”, chẳng “đi xuống” mà là... “đi ngang”! Tới hiện tại tôi thấy nhận xét này vẫn nguyên giá trị. Một cái gì đó khó hình dung, song bình bình, đều đều đang diễn ra trong đời sống văn học Việt Nam. Văn đàn thiếu vắng tác phẩm nổi trội, thiếu vắng tên tuổi thành danh, thi thoảng trên báo chí xuất hiện hàng chục bài viết “sinh sản vô tính” từ thông cáo báo chí toàn một màu ca ngợi tác phẩm nào đó, rồi tất cả lại im lìm. Nhận xét như vậy nhưng tôi vẫn đặt niềm tin vào một số tác giả và khích lệ, động viên qua điện thoại hoặc bên ly café, tôi không muốn đề cập tên tuổi họ ở đây, vì tôi muốn “để yên” cho họ viết.

Có một điều lạ là dường như hiện nay các tác phẩm viết thời trẻ của các nhà văn lớn tuổi, vì những lý do khác nhau chưa được xuất bản đúng thời của chúng và chỉ được ra mắt độc giả vào ngày hôm nay thì lại thu hút được sự chú ý nhiều hơn, có tiếng vang lan tỏa sâu rộng hơn so với tác phẩm của những người viết trẻ. Có thể lấy một ví dụ như thế từ nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Hay một ví dụ khác là nhà thơ Việt Phương. Dường như những bài thơ trước đây của ông, ở thời của chúng đã bị hạn chế lưu truyền thì bây giờ, đặc biệt là sau khi ông qua đời, lại có một sức sống mới trong tiếp nhận của độc giả…

- Trong trường hợp này, nhận xét của tôi hơi khác anh, vì chưa thấy “tiếng vang lan tỏa sâu rộng” của loại tác phẩm được anh đề cập. Thời tôi chưa biết về văn học, một hôm anh rể đưa cha tôi một cuốn vở và thì thào “Sách cấm đó Ông ạ!”, làm tôi rất tò mò. Rình lúc cha không để ý, tôi lấy xem. Đó là tập thơ chép tay, tên là Cửa mở (Về sau trả lời phỏng vấn, nhà thơ Việt Phương cho biết tập thơ “chưa bao giờ bị cấm và thu hồi”). Cha tôi không thích thơ nên chỉ xem sơ qua. Hôm khác anh rể về, không biết là cao hứng thế nào, anh đem thơ ra phân tích. Nghe anh bảo bài thơ có tên “Nơi gừ” là do tác giả tháo dỡ chữ “n-g-ừ-ơ-i” rồi lắp lại thành “Nơi gừ”, tức là “nơi người với người gầm gừ”, tôi cũng khoái. Lớn lên, đọc một số bài trong Cửa mở, tôi rất thích. Trong sổ tay hồi mới nhập ngũ, tôi có chép mấy bài thơ của Việt Phương, giờ tôi vẫn nhớ: “Ta đi yêu người ta yêu nhau - Người ta cũng là ta khác đâu - Ta yêu tình yêu người ta lắm - Say đắm bao nhiêu cái hôn đầu…” (Trên đường Thanh Niên). Theo xu hướng ngẫm ngợi thế sự nên thơ Việt Phương rất giàu chất suy tưởng. Đây là điểm mạnh và cũng là điểm yếu của thơ ông, vì thiếu đa dạng, sinh động nên đọc nhiều thì dễ chán. Và tôi đã đọc Trư cuồng của Nguyễn Xuân Khánh trước khi được xuất bản với tên là Chuyện ngõ nghèo. Thú vị khi tiếp xúc với suy tư nhân tính của tác giả thể hiện trong tác phẩm, nhưng tôi vẫn nghĩ thời của Chuyện ngõ nghèo qua rồi. Tác phẩm được xuất bản ngay lúc nó ra đời có thể sẽ để lại dấu ấn trong một giai đoạn văn học.

Văn học Việt Nam đang... đi ngang

Một điều rất rõ ràng là xã hội chúng ta đang càng ngày càng cởi mở và thẳng thắn hơn trong những tiếp nhận giá trị văn học, nghệ thuật khác nhau. Và cả trong việc tiếp nhận những người viết khác nhau. Nhìn từ góc độ này thì chỉ có thể hoan hỉ khi chứng kiến cuốn sách “Phê bình văn học thế kỷ XX” của Thụy Khuê, một người sống và làm việc ở Paris, cuối cùng cũng được xuất bản tại Việt Nam. Đây là tác phẩm mà bà Thụy Khuê coi là quan trọng nhất của đời bà. Anh đã đọc cuốn sách này chưa?

- Tôi đọc Phê bình văn học thế kỷ XX của Thụy Khuê từ lúc được công bố nhiều kỳ trên internet, trước khi xuất bản ở Việt Nam.

Anh suy nghĩ thế nào về những điều mà bà Thụy Khuê trình bày trong tác phẩm công phu của mình?

- Nghiên cứu, giới thiệu, bình luận, đánh giá,… phê bình văn học suốt một thế kỷ là đề tài rất đồ sộ, thông thường đó là công việc của một tập thể tác giả. Thụy Khuê độc lập tiến hành quả là một kỳ công, chí ít về tư liệu, khảo sát các liên hệ, liên tục cắt nghĩa theo hai chiều lịch đại - đồng đại của phê bình văn học ở một quốc gia, một nhóm quốc gia… Một người thực hiện có thể còn hạn chế, bị phụ thuộc vào góc độ tiếp cận riêng, có thể chưa đủ tư liệu,… nhưng cũng là một chấm phá toàn cảnh. Điều tôi tâm đắc là Thụy Khuê chỉ ra lối tiếp nhận có tính “hái ngọn” đối với một số lý thuyết nước ngoài trong phê bình văn học ở Việt Nam. Như bà trả lời phỏng vấn: “Sau khi đọc một số sách về lý luận phê bình văn học đã xuất bản trong nước, tôi nhận thấy phần lớn các sách ấy đều trình bày những lý thuyết phê bình thế giới theo lối: hoặc dịch hay chia các lý thuyết ra thành từng mảnh rời rạc, hoặc không đi đến tận cùng một vấn đề, hoặc đưa vấn đề ra một cách phiến diện, có thể gây hiểu lầm. Chưa kể chúng ta còn có thói quen không tiếp cận thẳng tác phẩm, mà thường đọc qua nhà nghiên cứu này, nhà phê bình kia của phương Tây, mà những “ông phương Tây” được chọn nhiều khi lại không phải là chuyên gia về vấn đề đó, hoặc có những sai lầm trầm trọng”. Đó là điều từ lâu rồi, dù không đọc được nhiều, tôi vẫn dự cảm và cảnh báo, nhưng có người lại bảo tôi là bảo thủ, chối từ thành tựu của nhân loại!

Việc bà Thụy Khuê không sống và làm việc ở Việt Nam có phải là lý do chính khiến bà tìm được cách viết khác lạ so với những đồng nghiệp ở trong nước không, theo anh?

- Cách viết của Thụy Khuê trong Phê bình văn học thế kỷ XX không khác lạ nhiều lắm. Cũng như Đoàn Cầm Thi, bà tâm huyết với văn học trong nước. Vấn đề là ở chỗ Thụy Khuê có điều kiện được tiếp xúc với nguồn tư liệu phong phú, có khả năng khảo sát, xem xét một cách hệ thống. Tôi nghĩ cùng với Đọc tôi bên bến lạ (NXB Hội Nhà văn, 2016) của Đoàn Cầm Thi, Phê bình văn học thế kỷ XX là cuốn sách không dễ tiếp cận với nhà phê bình quen viết theo lối “ăn xổi”. Không bàn tới hay hoặc dở, đúng hoặc sai,… tôi chỉ xin nói rằng cần tham khảo những thao tác có tính chuyên nghiệp của hai tác giả.


Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hòa.
.

Anh có nghĩ rằng ở Việt Nam hiện nay, phê bình văn học vẫn tiếp tục là một công việc bạc bẽo và cũng là một công việc chưa mang lại cho xã hội những lợi ích nhân văn như cần phải có? Không nhiều trí tuệ nghiêm túc dành tâm và sức cho lĩnh vực này. Và phổ biến trên báo chí hiện nay chủ yếu vẫn là những bài viết tuy thuộc dòng phê bình văn học nhưng lại mang nặng tinh thần thù tạc, cánh hẩu, hay nói theo thuật ngữ đang thịnh hành, có tính “lợi ích nhóm”?

- Đến hôm nay, người viết phê bình văn học ở Việt Nam chủ yếu làm “nghề tay trái”, vì họ trước hết là giảng viên đại học, làm việc tại viện nghiên cứu hoặc tòa soạn báo… Nếu họ chểnh mảng với công việc này thì cũng chẳng ai trách cả. Về kinh tế, quả khó có thể hào hứng khi bỏ công đọc vài trăm trang sách, lật dọc lật ngang tìm giá trị của tác phẩm, rồi cậm cạch “gõ” một bài phê bình để nhận nhuận bút vài trăm nghìn đồng! Trong khi đó, phê bình thẳng thắn khiến ai đó không vừa ý là họ liền xông lên internet “chửi” búa xua, nên tốt nhất là không viết, hoặc viết thì ve vuốt cho yên chuyện. Dần dà “phê bình thù tạc”, “phê bình cánh hẩu”, “phê bình lợi ích nhóm” cứ thế nối nhau ra đời. Phê bình kiểu này chỉ cần sử dụng nhiều ngôn từ rổn rảng, tỏ vẻ uyên thâm, huy động vài ba lý thuyết phương Tây kèm theo trích dẫn ông Giôn ông Smit nào đó là xong, nên người viết chẳng cần chiều sâu trí tuệ, chẳng cần dựa trên nền tảng tri thức phong phú mang tính bản chất. Nên đừng hy vọng vào sự đóng góp của phê bình văn học nếu người làm việc trong lĩnh vực này không tự rũ bỏ một số thói quen dường như đang trở nên “thâm căn cố đế”?!

Những câu chuyện lùm xùm xung quanh các giải thưởng văn học ở Hôi Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh nói lên điều gì, thưa anh?

- Tôi coi đó là dấu chỉ cho thấy văn chương nước nhà đang rơi vào “quẻ bĩ” và thiếu tác phẩm xứng đáng để trao giải. Hơn nữa, một số tổ chức nghề nghiệp của văn học cũng đang có dấu hiệu khủng hoảng. Hình như vào lúc cuộc sống đã vận động lên phía trước, thì các tổ chức này vẫn vận hành theo lối cũ?

Cách ứng xử của những người cùng làm một nghề vẫn được coi là cao quý hiện nay có vấn đề gì chăng?

- Lâu rồi, vì quá ngán ngẩm với sinh hoạt nghề nghiệp đã trở nên rất nhàm chán, ngán ngẩm với ứng xử của một số đồng nghiệp mà hầu như tôi đứng ngoài làng văn, nên xin phép không trả lời câu hỏi này.

Có câu nói là, nhà văn chỉ cần độc giả, chứ không cần đồng nghiệp. Anh nghĩ sao?

- Đó chỉ là cách nói ra vẻ bất cần nhằm đề cao cái “tôi” của nhà văn. Mà cái “tôi” đó lớn hay bé chỉ cần đọc, nghe các phát ngôn là biết.

Phải chăng câu nói của người xưa vẫn đúng, phàm đã là người làm công việc chữ nghĩa thì đừng nên cầu danh, cầu lợi quá? Lập thân tối hạ thị văn chương!

- Danh, lợi can dự vào bất kỳ hành động nào của con người đều có thể đẩy mục đích hành động theo hướng tiêu cực, hậu quả là khôn lường, và hành động trong văn học không phải là ngoại lệ.

Văn học Việt Nam đang... đi ngang

Đang có nhiều hồi chuông báo động được rung lên về nhân cách và vai trò của người sáng tạo nói riêng và của giới trí thức nói chung khi họ nhập thế trong cơ chế thị trường hiện nay. Có đúng là cần phải như thế không anh?

-Tôi nghĩ hồi chuông như thế rung lên từ lâu rồi, song người liên quan có nghe hay không, nghe rồi sẽ làm gì vẫn là bài toán chưa có lời giải. Một cách tự nhiên, chúng ta đã và đang coi trí thức là người có chức danh, học vị. Cũng một cách tự nhiên, sau khi có chức danh, học vị rồi mà một số vị vẫn không cần biết lao động trí tuệ là gì, thậm chí bằng cấp bị biến thành công cụ để cầu danh, cầu lợi. Cứ so sánh sự chênh lệch giữa hàng vạn chức danh, học vị với sản phẩm trí tuệ thuần Việt đã được sáng tạo là có thể hiểu đôi chút về năng lực thực sự của giới trí thức nước nhà. Còn bảo họ “nhập thế trong cơ chế thị trường” ư, tôi nghĩ đó là diễn đạt quá sang trọng với một số người nhân danh trí thức để xông cuộc sống nhằm kiếm chác, cầu danh, cầu lợi, hoặc huênh hoang tự thấy mình như là “cái rốn của vũ trụ”!

Những trí thức tự trọng thường rất thận trọng khi nói tới thành công của mình trong điều kiện xã hội hiện nay. Anh có thể lý giải được là vì sao không?

- Theo tôi đó là những người có khả năng tự ý thức về mình, họ biết thế nào là tự trọng, họ biết mình là ai giữa nhân quần.

Như tôi nhận thấy, trên cả quy mô thế giới hiện nay, phong thái dân túy theo kiểu showbiz đang lan rộng không gì cản nổi, kể cả trong lĩnh vực hoạt động trí tuệ. Và những người trí thức thực sự nghiêm túc không phải lúc nào cũng hòa đồng được với cái phổ cập và đó chính là lý do khiến họ dễ bị trở thành đối tượng để “ném đá” trong mắt một số cá nhân nào đấy. Và dường như họ khó có thể tìm ra phương thức tự bảo vệ. Anh nghĩ thế nào về vấn đề này?

-Có thể là phiến diện nhưng tôi vẫn đưa ra nhận xét có tính giả thuyết rằng, hình như người lao động trí tuệ đích thực thường ngơ ngác giữa cuộc đời? Đắm mình quá nhiều vào thế giới của tư duy, suy nghĩ, khám phá, sáng tạo,… họ khó hòa nhập cuộc đời, thiếu kinh nghiệm sống, thiếu khả năng dự báo các mưu mô có thể xảy ra… Hồn nhiên nói điều mình nghĩ, họ không quan tâm phù hợp hoặc không phù hợp, không lường trước hệ lụy từ phát ngôn trung thực, thẳng thắn. Để khi bị “ném đá” thì họ loay hoay không biết cần tự bảo vệ thế nào. Đó là bi kịch, chỉ người có bản lĩnh mới vượt qua được!

Tôi hiểu, anh là người theo chủ nghĩa lạc quan, trong bất cứ trường hợp nào. Tuy nhiên, tôi muốn biết, khi nhìn vào thực trạng của nền văn học Việt hiện nay, anh cảm thấy có điều gì cần phải lo lắng nhất?

- Nói tôi “theo chủ nghĩa lạc quan” thì hơi to tát, vì tôi chỉ là một người có bản tính lạc quan. Lạc quan, vì tôi luôn trông mong điều tốt đẹp, luôn hy vọng mọi người biết tự điều chỉnh để bản thân trở nên hữu ích. Từ thực trạng văn học xứ sở, tôi cảm thấy một số người làm văn học như đang tỏ ra còn thiếu khả năng phân biệt đâu là lao động nghệ thuật nghiêm túc với đâu là hoạt động nghệ thuật dễ dãi, tùy tiện. Nên điều tôi lo lắng nhất là sự thiếu hụt khả năng tự ý thức rằng trải nghiệm, học hỏi, trau dồi tri thức luôn là một quá trình không ngừng nghỉ, và lo lắng nữa là sự thiếu hụt tinh thần tự trọng trí thức,

Xin cảm ơn anh!

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cần đọc cả sách văn học và khoa học

    29/10/2019Việt HàNhà vật lý thiên văn nổi tiếng cho rằng sách văn học giúp ta hiểu con người còn sách thiên văn giúp ta hiểu vũ trụ, nên cần đọc cả hai...
  • Nếu chỉ có sách giải trí, văn học đi vào con đường tự sát

    19/07/2018Nhà phê bình Nguyễn HòaĐể viết sách giải trí, yếu tố kỹ thuật là yếu tố hạng hai và ý tưởng là một thứ xa xỉ. Một người chỉ viết như thế, sẽ khó trở thành nhà văn. Một nền văn học chỉ có tác phẩm như thế, sẽ là một nền văn học đang đi trên con đường tự sát…
  • Đề xuất loại ‘Chí Phèo’ ra khỏi SGK: ‘Anh Sóng Hiền nên về nước học lại văn học’

    16/12/2017Lưu LyTS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng nghiên cứu sinh Nguyễn Sóng Hiền không hiểu về văn học Việt Nam, về hình tượng văn học và nên về nước học lại...
  • Tại sao văn học Việt Nam tụt hậu?

    30/12/2016Triệu Từ TruyềnVai trò nhà cầm quyền rất lớn để tạo ra môi trường cho văn thi sĩ sáng tạo. Ngay dưới chế độ phong kiến hà khắc, cũng có nhiều vị hoàng đế ý thức được chính sách này. Dưới thời Napoléon đệ tam, Victor Hugo quyết liệt chống hoàng đế với những lời lẽ miệt thị cùng cực, nhưng ông vẫn được Napoléon III ân xá, dù dứt khoát không thoả hiệp, khi mất Victor Hugo vẫn được tổ chức quốc tang trong điện Panthéon. Rõ ràng chưa có chế độ nào vì chủ trương tự do sáng tác mà bị suy yếu, hay sụp đổ…
  • Tại sao văn học Việt Nam không có tác phẩm đỉnh cao?

    25/04/2014Hiền Hương thực hiệnNhân dịp đầu năm mới Giáp Ngọ- 2014, phóng viên Dân trí có cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ (chị cũng tuổi Bính Ngọ) về đời sống văn học Việt Nam đương đại, về cả nỗi cô độc của người nghệ sỹ, của chính nhà văn- Nguyễn Thị Thu Huệ.
  • "Văn học Việt Nam đang phải trả giá"

    23/09/2013Nguyễn Trâm Anh (Thực hiện)Ngô Bảo Châu được giải Fields thì bạn có nghĩ rằng toán học Việt Nam có thành tựu hay không? Giả sử như văn học Việt Nam, anh Nguyễn Huy Thiệp được giải Nobel thì bạn cảm thấy như thế nào? Theo tôi, giải thưởng không có nhiều ý nghĩa. Giải Nobel văn học chỉ trao cho tác phẩm, tác giả chứ không phải là thước đo để đánh giá một nền văn học. Vì thế tôi nghĩ có đoạt giải Nobel hay không cũng không phản ánh đúng thực chất của nền văn học Việt Nam.
  • Thế nào là xây dựng một nền Lý luận văn học Việt Nam hiện đại?

    04/03/2009Lê Ngọc TràChúng ta đang nói nhiều về việc xây dựng “một nền lý luận văn học Việt Nam hiện đại”, về những phương châm, phương hướng, con đường và giải pháp cho một nền lý luận văn học của Việt Nam trong thế kỷ XXI. Điều này thể hiện sự bức xúc của giới sáng tác và lý luận - phê bình về tình trạng lạc hậu và trì trệ của việc nghiên cứu văn học nói chung và của lý luận văn học nói riêng. Tuy nhiên có một câu hỏi đầu tiên cần phải trả lời đó là nên hiểu thế nào về khái niệm “Lý luận văn học Việt Nam” và thế nào là “Xây dựng một nền Lý luận văn học Việt Nam hiện đại”.
  • Đặc điểm phê bình văn học Việt Nam - nhìn từ gốc độ tiếp nhận

    18/11/2006Đỗ Lai ThúyXã hội Việt Nam đã và đang hiện đại hóa, nên văn học Việt Nam không thể dẫm chân mãi trong vũng cổ truyền mà không hiện đại hóa. Và, thực tế, hơn một thế kỷ qua, nó cũng đã và đang hiện đại hóa...
  • Trực diện với Văn học Việt Nam thế kỷ XX

    01/12/2005Nguyễn HoàBị hấp dẫn bởi tên gọi Văn học Việt Nam thế kỷ XX, tôi đã đọc cuốn sách với hy vọng được mở mang tầm nhìn, được bổ sung tri thức, được giúp lý giải các hiện tượng, các vấn đề lý luận - thực tiễn của văn chương - văn học dân tộc trong thế kỷ XX. Tiếc thay càng đọc thì nỗi thất vọng lại càng lớn dần...
  • xem toàn bộ