Thế nào là xây dựng một nền Lý luận văn học Việt Nam hiện đại?

02:31 CH @ Thứ Tư - 04 Tháng Ba, 2009

Chúng ta đang nói nhiều về việc xây dựng “một nền lý luận văn học Việt Nam hiện đại”, về những phương châm, phương hướng, con đường và giải pháp cho một nền lý luận văn học của Việt Nam trong thế kỷ XXI. Điều này thể hiện sự bức xúc của giới sáng tác và lý luận - phê bình về tình trạng lạc hậu và trì trệ của việc nghiên cứu văn học nói chung và của lý luận văn học nói riêng. Tuy nhiên có một cau hỏi đầu tiên cần phải trả lời đó là nên hiểu thế nào về khái niệm “Lý luận văn học Việt Nam” và thế nào là “Xây dựng một nền Lý luận văn học Việt Nam hiện đại”. Làm rõ những vấn đề này liên quan đến việc làm sáng tỏ một số vấn đề quan trọng của nghiên cứu lý luận văn học hiện nay ở nước ta.

Có hay không “một nền lý luận văn học Việt Nam”?

Ở đây có thể có nhiều cách hiểu khác nhau. Trước hết, Lý luận văn học là một bộ môn khoa học, cũng giống như Ngữ âm học, Tu từ học, Văn bản học, Hình học, Giải tích học v.v... Với tư cách là một khoa học, Lý luận văn học cũng như tất cả các khoa học khác, chứa đựng những khái niệm, thuật ngữ xác định, có đối tượng nghiên cứu riêng, được giảng dạy tương đối thống nhất ở các nước khác nhau trên thế giới. Theo nghĩa đó, không thể có Lý luận văn học Việt Nam hay Lý luận văn học Pháp, Lý luận văn học Nga, Lý luận văn học Mỹ ... mà chỉ có Lý luận văn học ở Việt Nam, Lý luận văn học ở Pháp, ở Nga, ở Mỹ… Lâu nay trong thực tiễn ngôn ngữ, khi nói Lý luận văn học Pháp, Lý luận văn học Trung Quốc thường là người ta hiểu theo nghĩa thứ hai, tức là tình hình Lý luận văn học, những khuynh hướng nghiên cứu lý luận văn học ở Pháp, ở Trung Quốc trong giai đoạn nào đó, chứ ít khi hiểu đó là một ngành khoa học, một bộ môn khoa học riêng của Pháp, kiểu Pháp hay riêng của Trung Quốc, kiểu Trung Quốc hoặc giả hiểu theo nghĩa đó là một nền Lý luận văn học thống nhất, độc đáo, mang đậm sắc thái địa phương, dân tộc.

Vậy thế nào là “Xây dựng một nền Lý luận văn học Việt Nam”? Nếu chúng ta hiểu đây là nguyện vọng muốn các nhà nghiên cứu Việt Nam cố gắng phát minh, đề xuất những phạm trù mới, khái niệm mới hay điều chỉnh đối tượng nghiên cứu của ngành khoa học này để đóng góp vào ngành Lý luận văn học nói chung, thì ở ta hiện nay may ra có lẽ chỉ có vài người dám nghĩ đến, chứ phần đông thì cho rằng đó là việc quá sức mình, thậm chí là ảo tưởng. Còn nếu chúng ta hiểu việc “Xây dựng một nền Lý luận văn học Việt Nam” như kiến tạo một hệ thống những quan điểm, những phạm trù, thuật ngữ đặc thù, rút ra từ thực tiễn nghiên cứu văn học Việt Nam hoặc chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động sáng tác và phê bình văn học ở Việt Nam, thì ở đây có một số vấn đề cần làm rõ.

Trước tiên phải nói rằng khẩu hiệu “Xây dựng một nền Lý luận văn học Việt Nam hiện đại”thường gợi cho người ta nghĩ đến yêu cầu hình thành và phát triển một nền Lý luận văn học thống nhất, đặt cơ sở trên một hệ tư tưởng, một phương pháp luận nhất định. Nhất là khi cách đặt vấn đề này thường đi liền với lời kêu gọi “Quán triệt tinh thần đổi mới lý luận văn nghệ Mác - Lênin và đường lối văn nghệ của Đảng”. “Xây dựng một nền Lý luận văn học Việt Nam hiện đại” là cách nói dễ dẫn đến thói quen nhìn sự vật theo quan điểm nhất nguyên, căn cứ vào thực tế sáng tác và Lý luận - Phê bình ở ta lâu nay chỉ dựa trên một nền tảng tư tưởng - mỹ học duy nhất và được tổ chức, lãnh đạo một cách chặt chẽ.

Tuy nhiên rõ ràng cách nghĩ này ngày nay đã không còn phù hợp với thực tiễn cuộc sống đang diễn ra. Bây giờ mọi thứ đều đã đa nguyên. Kinh tế là cái quan trọng nhất thì cũng đã đa nguyên, đã thành kinh tế nhiều thành phần, không còn chỉ công hữu nữa. Triết học - tư tưởng không chỉ còn duy vật và vô thần, các tôn giáo cùng nhau phát triển. Trong lĩnh vực giáo dục, bên cạnh trường công đã có trường tư, thậm chí cả trường nước ngoài 100% vốn. Văn hóa, Thông tin lại càng đa dạng hơn nữa, đặc biệt là với sự lan rộng của mạng Internet, sự xuất hiện của các blogs cá nhân.

Trong bối cảnh đó hoạt động nghiên cứu Lý luận văn học ở Việt Nam hiện nay không thể chỉ bó hẹp trong việc “đổi mới Lý luận văn nghệ Mác - Lênin và đường lối văn nghệ của Đảng” và dựa vào đó để “đối thoại có hấp thu” lý luận văn học Mácxit phương Tây, lý luận văn học Hậu Hiện đại, hay kế thừa tinh hoa lý luận văn học cổ điển phương Đông và di sản lý luận văn học dân tộc, mà phải xây dựng và phát triển một nền Lý luận văn học hiện đại, đa dạng, nhiều trường phái, có tác dụng soi sáng cho việc tìm hiểu, đánh giá văn học dân tộc và thúc đẩy sáng tạo của các nghệ sĩ ngôn từ. Đó không phải là một nền lý luận văn học thống nhất, đặt cơ sở trên một quan điểm, một lập trường, một phương pháp luận duy nhất mà bao gồm những khuynh hướng, những quan niệm, những tư tưởng triết học - mỹ học khác nhau, chấp nhận đối thoại và không ngừng thay đổi.

Ngày nay trên thế giới trừ một vài trường hợp đặc biệt có lẽ không có quốc gia no còn có ý định lãnh đạo văn nghệ theo kiểu áp đặt cho nó một khuôn mẫu tư tưởng - nghệ thuật để người ta theo đó nghiên cứu và sáng tạo. Đã và đang có rất nhiều trường phái, khuynh hướng trong lý luận - phê bình văn học hiện đại - hậu hiện đại: Chủ nghĩa hình thức Nga, Phê bình mới, Hiện tượng học, Chủ nghĩa cấu trúc và Hậu cấu trúc, Giải cấu trúc, Lý luận Nữ quyền, Phân tâm học, Chủ nghĩa duy vật Văn hóa hay Tân Duy Sử, Lý luận Hậu thực dân, Diễn ngôn Thiểu số, Lý luận Đồng giới ... Lý luận văn học Mácxit chỉ là một trong những khuynh hướng nói trên, một trong những cách tiếp cận đối với văn học. Các trào lưu, khuynh hướng này mỗi cái đều có chỗ mạnh riêng mà bất kỳ mọi “sự lãnh đạo” nào, mọi “đường lối văn nghệ” nào (nếu quả thực phải có “sự lãnh đạo” hay có “một đường lối văn nghệ” như vậy) cũng phải tính đến, nghiên cứu, tiếp thu chứ không phải chỉ có phê phán và loại bỏ. Lãnh đạo, nếu có, là lãnh đạo để văn học nghệ thuật nói chung và Lý luận văn học nói riêng phát triển tự do, đa dạng chứ không phải để gò nó vào một khuôn mẫu, giáo điều. Đường lối, nếu có, phải là một đường lối cởi mở, rộng rãi, phù hợp với vận động của cuộc sống chứ không phải là một đường lối cứng nhắc, cục bộ và khép kín.

Trên đây là một cách hiểu có thể có về chủ trương “Xây dựng một nền Lý luận văn học Việt Nam hiện đại”. Tạm gọi đó là cách hiểu tiêu cực. Rất tiếc nó lại là cách hiểu khá phổ biến ở ta hiện nay.

Tuy nhiên cũng còn một cách hiểu khác, cách hiểu tích cực. Ở đây “xây dựng một nền lý luận văn học Việt Nam” đồng nghĩa với sự phát triển những hoạt động và công trình nghiên cứu bám sát thực tiễn văn học dân tộc, xuất phát từ chính hoàn cảnh cụ thể lịch sử này để đúc kết, nêu lên những vấn đề có tính chất độc đáo dân tộc hay tương đồng với các dân tộc khác. Chẳng hạn thơ lục bát là một thể thơ thuần túy Việt. Nghiên cứu về câu thơ lục bát có thể được xem là “lý luận Việt Nam” về câu thơ, một dạng thi pháp Việt Nam về câu thơ. Những công trình như vậy nếu sâu sắc, có tầm cỡ và dựa trên phương pháp nghiên cứu tiên tiến sẽ tạo thành một mảng lớn, làm cho lý luận văn học mang một vài nét nào đó có tính chất Việt Nam. Càng nhiều những công trình như vậy, càng có cơ sở để nói đến một nền lý luận văn học Việt Nam. Tuy nhiên triển vọng để có một nền lý luận văn học Việt Nam như vậy hiện nay vẫn còn khá xa vời, nó phụ thuộc không chỉ vào trình độ của các công trình nghiên cứu lý luận mà còn vào phẩm chất và tính độc đáo của bản thân hoạt động sáng tạo văn học, vào tầm cỡ của các tác phẩm nghệ thuật ngôn từ.

Muốn đạt tới nền lý luận văn học ấy, phương châm tốt nhất hiện nay không phải là “Dân tộc”, “Âu hóa” hay “vừa Dân tộc vừa Hiện đại” mà là Hiện đại. Phải hiện đại hóa hoạt động nghiên cứu lý luận ở ta trên nhiều bình diện, trước hết là về phương pháp luận, về cách tiếp cận và tiếp theo đó là về phương pháp, về tri thức, hệ thống thuật ngữ, các giáo trình Lý luận văn học giảng dạy ở đại học. Để hiện đại hóa đầu tiên có thể là bắt chước. Chúng ta thường thành kiến với bắt chước, điều đó không công bằng. Thật ra bắt chước là hình thức ban đầu của sự du nhập cái mới. Khi chưa có ai biết thì bắt chước cái mới đòi hỏi phải có sự thông minh, nhanh nhạy và phần nào dũng cảm nữa. Đối với những nước còn lạc hậu về kinh tế và khoa học như nước ta thì bắt chước cho giỏi, cho thành thục có khi còn tốt hơn tự chế, tự mày mò cái mà người ta đã từng tìm ra và làm tốt hơn rất nhiều từ lâu! Bắt chước chỉ đáng chê trách trong trường hợp nó được tôn vinh như cái hoàn toàn mới, được đánh giá như sự phát minh hoặc giả nó là sự rập khuôn máy móc, áp dụng vào thực tiễn một cách cứng nhắc, không tính đến những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Sau khi bắt chước những cách nghĩ, phương pháp và công cụ nghiên cứu tiên tiến của ngành nghiên cứu văn học thế giới, các nhà lý luận văn học Việt Nam phải rà soát lại, làm mới lại nhận thức và phương pháp nghiên cứu của mình và trên cơ sở đó vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo những cái mới ấy vào việc giải quyết những vấn đề đang đặt ra với lý luận văn học cũng như thực tiễn văn học nước nhà. Đó chính là nội dung của yêu cầu hiện đại hóa lý luận văn học Việt Nam hiện nay. Nó thiết thực và cụ thể hơn phương châm “Dân tộc và Hiện đại” là cái thoạt nghe có vẻ đầy đủ, toàn diện nhưng lại có dáng dấp một khẩu hiệu chính trị hơn là học thuật và thực ra xuất phát từ một lối tư duy cũ, từ tâm lý duy ý chí, cầu toàn, cái gì cũng muốn có nhưng rốt cuộc không cái nào ra cái nào, mỗi thứ một chút, cái này kiềm chế cái kia, dân tộc không ra dân tộc, hiện đại không ra hiện đại.

Chúng ta kêu gọi “Đổi mới Lý luận văn học”. Nhưng phải chăng hôm nay điều đó có còn đúng nữa? “Đổi mới” thực chất là sửa lại cái đang có, cái cũ một cách từ từ, là thay đổi dần dần. Đó là sách lược của sự chuyển đổi, một giải pháp nhằm tránh những bước ngoặt đột ngột. Ở Việt Nam, “đổi mới” đã được thực thi hơn hai mươi năm, xã hội đã dần dần thay đổi và đi đến những chuyển biến cơ bản. Nền kinh tế đã được công nhận là kinh tế thị trường và Việt Nam đã được gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Rõ ràng quá trình chuyển đổi đã bước sang một giai đoạn mới. Đây là thời điểm không thể cứ tiếp tục đổi mới dài dài, dần dần, ít một như trước nữa mà đã đến lúc phải làm mới, làm lại một cách căn bản, phải có sự thay đổi đáng kể về chất sau một thời gian dài thay đổi về lượng(1). Nhiệm vụ của Lý luận văn học ở Việt Nam hôm nay không phải chỉ đóng khung trong việc “đổi mới lý luận văn nghệ Mác - Lênin và đường lối văn nghệ của Đảng” mà phải xây dựng lại một hệ thống lý thuyết mới đặt cơ sở trên việc tiếp thu những tư tưởng lý luận văn học hiện đại của các nước trên thế giới và tư tưởng lý luận văn học cổ điển phương Đông cũng như trên cơ sở kết quả nghiên cứu kỹ lưỡng di sản văn học quá khứ và thực tiễn sáng tạo nghệ thuật hiện nay của dân tộc. Hệ thống lý luận văn học mới không phải là cái hoàn toàn xa lạ. Nó không phủ nhận hoặc loại bỏ hoàn toàn những yếu tố của lý luận văn học tồn tại lâu nay. Đó là một sự tổng hợp mới, khái quát mới. Trong hệ thống mới này, cái cũ nếu hợp lý vẫn sẽ có mặt, vẫn tồn tại.

Nhưng trước hết, để có những công trình lý luận văn học “khó và hiếm” thì cần phải có những tài năng, mà tài năng thì bao giờ cũng hiếm. Và tài năng dẫu bẩm sinh cũng cần có đất để phát triển. Một không khí xã hội tự do và dân chủ, một môi trường học thuật lành mạnh chính là điều kiện thuận lợi để phát triển tài năng, không làm tắt đi cảm hứng sáng tạo và thui chột những ý tưởng mới mẻ, tạo tiền đề cho sự nảy sinh những tác phẩm có giá trị, có tầm cỡ và trên cái nền ấy sẽ hình thành một đời sống lý luận - phê bình văn học phong phú, sôi nổi, sẽ xuất hiện một nền lý luận văn học có cá tính hay như vẫn thường nói, “một nền lý luận văn học Việt Nam” mà chúng ta mong đợi.


(1)Liên Xô (cũ) lựa chọn con đường biến đổi bước ngoặt, chấp nhận đổ vỡ để thay đổi nên khẩu hiệu lúc đó không phải là Đổi mới - obnovlenie mà là LÀM LẠI, XÂY DỰNG LẠI - perestroika (epectpoka).
(2) L.N.Tolstoy. Về văn học. Moscow, 1955, trang 136 (tiếng Nga).

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Con đường văn học

    01/05/2008Nhà văn Nguyễn Huy ThiệpKhi tôi nhận ra rằng văn học là một thế giới hoang tưởng của người viết thì không có nghĩa là tôi hạ thấp giá trị văn học. Tôi chỉ vạch ra khía cạnh vô bổ, vô nghĩa của văn học mà thôi. Tôi cũng đã cảnh tỉnh để người viết dè chừng khả năng bị tha hóa về mặt tinh thần, đạo đức khi cầm bút viết...
  • Văn chương - văn học năm 2006, chuyển dịch trong sự “nhiễu loạn”?

    04/02/2007Nguyễn HòaTới năm 2006, với những sự kiện - hiện tượng phong phú và đa dạng của nó, tôi lại thấy văn chương - văn học nước nhà như đang phát lộ một vài dấu hiệu chuyển mình. Và vì thế, dường như đâu đó ở cuối con đường, đã le lói một niềm hy vọng?
  • Lý luận - phê bình văn học và các “vấn nạn”

    27/03/2006vài năm trở lại đây tình trạng “khủng hoảng” của lý luận - phê bình đang trở thành nỗi trăn trở của nhiều người, nhiều báo chí đã đề cập một cách trực tiếp và về mặt tổ chức, một số hội thảo, hội nghị do Hội Nhà văn, Viện Văn học… đã được tiến hành để mọi người cùng bàn thảo tìm cách tháo gỡ. Các động thái ấy mang lại một niềm tin vì đây chính là thể hiện của ý thức trách nhiệm...
  • Văn chương 2005 - tín hiệu vui và “giấc mộng bất thành”

    19/01/2006Nguyễn Hòa (nhà phê bình văn học)Văn chương năm 2005 còn nhiều chuyện để bàn và một cá nhân khó lòng bao quát hết. Hướng đi mới có sớm được xác định hay không, chắc chắn đây không phải là công việc của một người hay một nhóm người, đấy là công việc của số đông.
  • Trực diện với Văn học Việt Nam thế kỷ XX

    01/12/2005Nguyễn HoàBị hấp dẫn bởi tên gọi Văn học Việt Nam thế kỷ XX, tôi đã đọc cuốn sách với hy vọng được mở mang tầm nhìn, được bổ sung tri thức, được giúp lý giải các hiện tượng, các vấn đề lý luận - thực tiễn của văn chương - văn học dân tộc trong thế kỷ XX. Tiếc thay càng đọc thì nỗi thất vọng lại càng lớn dần...
  • Văn học thời đổi mới

    23/11/2005Lê Quý Kỳ
  • xem toàn bộ