Văn hóa đọc làm thay đổi người Việt

03:19 CH @ Thứ Tư - 10 Tháng Năm, 2017

Sách không thiếu và đôi khi không tốn tiền mua, nhưng điều quan trọng, bạn có muốn đọc hay không?

LTS: Nhân ngày Ngày Sách Việt Nam 21/4, thầy giáo Nguyễn Văn Lự chia sẻ với bạn đọc về văn hóa đọc của người Việt hiện nay.

Tác giả nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đọc sách, của việc giáo dục con cái thông qua việc đọc sách.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.



Văn hóa đọc, một hoạt động tiếp nhận văn học cần thiết nhất, đang bị người Việt dần bỏ rơi giữa thời hội nhập văn hóa Âu Mỹ.

Những trang sách quý giá của nhân loại, của cha ông trơ trẽn trên giá không chỉ tại nội dung xa vời, cũng không phải do giá tiền cao ngất mà đơn giản vì con người hiện đại bây giờ ghẻ lạnh, thờ ơ với chúng.

Văn hóa truyện tranh, văn hóa nghe nhìn cùng với sự lên ngôi của điện thoại thông minh, của Internet, của các tạp chí đã thôi miên giới trẻ, làm họ ngại đọc, chán đọc các loại sách tốt trong và ngoài nước, kể cả sách bắt buộc dùng trong nhà trường.

Ở gia đình, cửa hàng hay thư viện, chúng ta nhận ra thiếu vắng người tìm sách và say sưa đọc, say sưa tìm kiếm tri thức cho cuộc sống.

Nhiều người quan tâm đến những sách “cẩm nang”, sách tra cứu học tập, sách kỹ thuật, đọc ngấu nghiến cho mục đích cần làm ngay, hiệu quả ngay.

Thời chưa có điện thoại thông minh, sách quan trọng với nhiều người lắm. Từ cô bán hàng tạp hóa, đến người nghỉ hưu, từ thầy cô giáo đến học sinh, từ chị công nhân nghỉ ca đến bác lái xe, bảo vệ.

Người ta đón đợi sách, báo để đọc như chờ bạn đến chơi, học sinh đợi cuối tuần để có sách đọc và mượn sách của nhau, kể cho nhau về cuốn nào hay…

Thời công nghệ số, thời @, không ai phủ nhận tiện ích và sự đa dụng của mạng internet. Người ta có thể mau chóng truy cập và thỏa mãn nhu cầu tra cứu, tìm tòi, học hỏi và giải trí thư giãn.

Người ta cũng thừa nhận, chỉ một cú nhấp chuột, mọi thứ đã sẵn sàng nhanh chóng đến không ngờ và cũng dễ dàng làm họ lạc hướng và dần dần thành nghiện đọc xem nhiều thứ ngoài luồng mong muốn ban đầu.

Sách báo in truyền thống sẽ chết từ từ trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 nhưng người đọc sách báo điện tử thì vẫn rất đông đảo.

Đọc sách báo như thế nào để đúng nghĩa đọc có văn hóa?

Người ham mê đọc sách, báo in ngày càng thưa vắng (khoảng 30% dân số nước ta đọc) trong khi người đọc báo điện tử, chìm trong trang xã hội hay các trò chơi game ảo để đốt thời gian nhàn dỗi lại tăng nhanh!

Với họ, biết thêm một thông tin có thể quan trọng nhưng không thể hấp dẫn bằng giải trí trên công nghệ hiện đại.

Nét đẹp của văn hóa đọc, vì thế, mai một dần như một khúc ca buồn của tư duy sống bùng nổ kỹ thuật số, nhất là trong nhà trường, nơi thầy trò cần đọc nhiều sách báo nhất.

Văn hóa đọc là khái niệm chỉ quá trình đọc hiểu, tiếp nhận, xử lý và trải nghiệm các tri thức của nhân loại trong các giá trị của sách, báo nói chung và của văn chương nói riêng.

Đó là cách ứng xử, giá trị và chuẩn mực từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của nhà nước đến xuất bản, lưu hành đến thói quen, sở thích và cách thức đọc của cá nhân.

Văn hóa nghe nhìn thời nay có phần lấn át văn hoá đọc. Nhiều người không cóthói quen đọc sách; nhà trường không dạy học sinh đọc sách; gia đình bố mẹ, anh chị cũng không đọc sách để làm gương cho con cháu noi theo.

Việc tuyên truyền hay tổ chức các cuộc vận động đọc sách hầu như chỉ dừng lại ở việc cổ vũ mua sách để xếp cao vút trên tủ sách gia đình hay thư viện.

Lứa tuổi cần tiếp xúc với tri thức nhân loại lại chưa được quan tâm đúng mức và có giải pháp hiệu quả cho việc đọc và suy ngẫm.

Nhà trường đầu tư tiền của xây thư viện rất bề thế và mua thật nhiều sách các loại nhưng hiếm thấy thầy cô và học sinh mượn và đọc sách.

Mỗi ngày hàng chục tờ báo, tạp chí (mua bằng tiền cơ quan) còn nguyên nếp gấp chồng lên nhau rồi bán đồng nát. Người đọc sách nhiều nhất bây giờ là người có nhiều thời gian nhàn rỗi (nhân viên bảo vệ, lái xe).

Sách báo các loại vô cùng quan trọng với người học và người dạy nhưng lại bị chính đối tượng đó thờ ơ, bỏ quên.

Hoạt động của thư viện trường học ít hiệu quả, cán bộ thư viện rất nhàn. Khi nào cần báo cáo hay quay phóng sự, các “diễn viên” vào đóng thế, nếu tinh ý, chỉ nhìn bụi trên giá sách tiền triệu ta hiểu ngay.

Văn hóa đọc không chỉ là thói quen đọc mà quan trọng hơn là cách chọn sách và kỹ năng đọc.

Với tuổi học sinh, nhà trường cần quan tâm định hướng chọn sách và cách đọc sách như thế nào phù hợp tâm sinh lý, sở thích và mục đích đọc. Cho mượn sách hay đọc tại thư viện là cách giúp người đọc tiết kiệm thời gian đọc.

Tổ chức các hoạt động truyền thông, ngoại khóa về văn hóa đọc, giới thiệu sách, thi tìm hiểu sách cần được làm thường xuyên, nghiêm túc trong mỗi nhà trường và xã hội.

Không ít cơ sở giáo dục tổ chức Ngày sách Việt Nam, giới thiệu sách hay mời các tác giả uy tín nói chuyện về sách… đã tạo dư luận tích cực cổ vũ cho văn hóa đọc hiện nay.

Nhưng xem ra, người lớn không cầm cuốn sách, ở gia đình bố mẹ không đọc sách, ở trường thầy cô dị ứng với đọc sách thì rất khó yêu cầu giới trẻ đọc sách!

Ngày Sách Việt Nam 21/4/2017, việc tạm đóng cửa nhà xuất bản Hội Nhà văn phải chăng là một dấu lặng của bản đàn xô bồ do nhạc trưởng không thể chỉ huy đồng bộ và hiệu quả việc quản lý, xuất bản, phát hành và độc giả của phông văn hóa đọc người Việt hôm nay?

Ngoại khóa "Văn hóa đọc" ở Trường trung học phổ thông Vĩnh Yên tháng 12 /2016. (Ảnh Văn Lự)

.

Đọc sách chẳng nhưng giúp chúng ta thư giãn, tích tụ tri thức và mở rộng tư duy; đọc sách còn để hiểu cuộc sống, hiểu mình, hiểu người và để biết sống đúng, sống đẹp.

Có phải giới trẻ không muốn đọc, lười đọc sách hay không biết chọn sách phù hợp nên chán đọc?

Có phải giới trẻ khó cưỡng lại ma lực của cuộc sống số hay họ mơ hồ về giá trị các cuốn sách đủ loại và đủ lĩnh vực đời sống?

Gia đình và thầy cô đã bao giờ hướng dẫn con em cách tìm và đọc một cuốn sách hay?

Thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc chính là ba nội dung quan trọng của văn hóa đọc hiện đại chưa được giảng dạy bài bản ở nước ta, dù nó đã phát triển vượt bậc mấy chục năm nay.

Văn hóa đọc của người Việt sẽ đi về đâu, nếu chúng ta không có giải pháp thống nhất và hiệu quả từ nhà trường và gia đình, đến xã hội; từ các ngành đến chủ trương, chính sách của Nhà nước và hành động đọc sách của toàn dân.

Trong mục tiêu đào tạo con người của Dự thảo Chương trình giáo dục mới 2017, cần chỉ rõ nhiệm vụ và giải pháp đưa văn hóa đọc vào nhà trường như một nội dung trải nghiệm bắt buộc với thời gian hợp lý.

Môn Ngữ văn cần dành nhiều tiết đọc sách và phát biểu tiếp nhận nghiêm túc suốt 12 năm phổ thông.

Thiếu nghiêm túc đọc sách hoặc không thấy hết tầm quan trọng của đọc sách của xã hội nói chung và ở nhà trường đều là sai lầm.

Trong thời đại số hóa, khi những nền giáo dục hiện đại các nước rất đầu tư dạy học sinh thói quen đọc và chọn sách từ bé thì các bậc phụ huynh và thầy cô giáo Việt Nam lại đưa cho con điện thoại hay máy tính thông minh hoặc chiều con mua hàng trăm truyện tranh.

Hậu quả tai hại kép trực tiếp và lâu dài (tiếp xúc màn hình, sóng điện từ và hình ảnh nhỏ, nội dung trò chơi…) khi người lớn dúi điện thoại cho con trẻ để rảnh tay làm việc hay cho con ăn bắt nguồn từ nhận thức sai về văn hóa nghe nhìn.

Giáo dục Việt Nam 2017 và các nhà quản lý xã hội chưa thoát khỏi hỏa mù thành tích để bỏ rơi văn hóa đọc khỏi tư duy, khỏi chính sách và giải pháp giáo dục học tập cộng đồng.

Văn hóa đọc tự mai một và đến nguy cơ giới hạn đỏ, kéo theo những thế hệ người Việt đói về văn hóa, nghèo tâm hồn và sống vô ý thức kỷ luật, hành xử theo kiểu vô cảm và bạo lực.

Sách là người bạn lớn, là cuốn cẩm nang bách khoa. Đọc sách cũng là trò chuyện với người bạn, để tìm hiểu về vũ trụ và con người, để tìm hiểu bản thân, để có cách hiểu và suy nghĩ hợp lý, để biết sống và hành động khôn ngoan và hạn chế bớt rủi ro.

Văn hóa đọc như biểu hiện của phẩm chất năng lực và hiểu biết; trình độ tư duy và tâm hồn tình cảm con người.

Văn hóa đọc còn như một tác động trực tiếp và quan trọng hình thành nhân cách và thế giới quan con người. Tiếp nhận ứng xử, các giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh tùy thuộc nhận thức, tâm lý, trình độ và lứa tuổi người đọc.

Đọc sách có tác dụng biến đổi và hoàn thiện tư duy con người, ảnh hưởng rất lớn đến hành vi, đến thế giới nội tâm, đến trình độ văn hóa, đến hoạt động xã hội của người đọc. Văn hóa đọc có thể làm thay đổi một con người và xã hội!

Đọc sách là một sự liên hệ qua lại giữa người đọc và tác giả: “Đọc những cuốn sách hay khác nào đàm đạo với những bậc hiền nhân quân tử”, giúp chúng ta suy ngẫm những ý tưởng cao siêu, những chân lý vĩ đại.

Suy ngẫm trong quá trình đọc sách sẽ bồi dưỡng trí nhớ và tư duy, mở mang kiến thức và hình thành thế giới quan cho người đọc.

Khơi dậy nhận thức, thói quen đọc và chọn sách trong sự lôi cuốn của văn hóa nghe nhìn vô cùng hấp dẫn là trách nhiệm của mỗi người, mỗi gia đình, nhà trường và của nhà nước.

Muốn phát triển nền văn hoá đọc phải phát triển ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của các nhà trường và cơ quan quản lý nhà nước, của cộng đồng xã hội và của mỗi cá nhân và gia đình trong xã hội hiện đại hôm nay.

Thế giới phẳng ngày nay đang bùng nổ thông tin và số lượng sách khổng lồ in ra và cung ứng trên mạng Internet đặt ra yêu cầu cấp thiết cho việc lựa chọn, xử lý và đọc một cách khoa học và khôn ngoan.

Đảng và Nhà nước ta đang nỗ lực xây dựng xã hội học tập, xã hội ham đọc nhưng còn thiếu chủ trương và chính sách đồng bộ giữa sáng tác, biên tập phát hành và định hướng đọc hiệu quả, chưa quan tâm đúng mức việc đọc của người Việt Nam.

Văn hóa đọc chỉ phát triển tốt khi có những giải pháp thống nhất liên ngành, hợp lực các ngành các giới trong xã hội.

Sách không thiếu và đôi khi không tốn tiền mua, nhưng điều quan trọng, bạn có muốn đọc hay không? Cho dù là đọc hay nghe nhìn, mỗi người cần chọn lọc để tiếp thu, để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá người Việt Nam.

Tôn vinh giá trị của sách, người đọc sách và những người sưu tầm, lưu giữ, sáng tác, xuất bản, quảng bá sách trong Ngày Sách Việt Nam 21/4 hàng năm sẽ góp phần củng cố nhận thức và tình yêu sách, niềm đam mê đọc sách của người Việt.

Hãy đọc mỗi ngày một trang sách quý, bắt đầu từ tôi và bạn!

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • 9 sai lầm của văn hóa đọc

    19/04/2019Thiên MinhChữ là thứ có thể thờ, chơi, xin, cho, ăn cắp, mua bán, khoe khoang, khinh rẻ, nát (chữ dùng của nhà văn Nguyễn Việt Hà) hay đơn giản là dùng - tất cả phụ thuộc vào thái độ của người đọc...
  • Thảm họa văn hóa đọc và những bệnh tật của người Việt Nam thời “A còng”

    19/04/2019Sông HànMạng xã hội đặc biệt là facebook với những Status – lối viết ngắn, nhanh, đơn giản đã vô hình chung biến thành thảm họa của văn hóa đọc đối với người Việt Nam...
  • Những sai lầm trong văn hóa đọc của người Việt

    19/04/2019Nguyễn Long tổng hợpVăn hóa đọc của chúng ta đang đi xuống một cách đáng báo động, việc con số thống kê số sách bình quân người Việt đọc một năm chưa đến 01 cuốn. Văn hóa đọc đang vấp phải những sai lầm gì?
  • Văn hóa đọc ở Việt Nam, cần dựng lại từ nền móng

    21/11/2017Phạm TăngLật lại một vấn đề không mới tại một hội thảo có tính "chiến lược quốc gia", mới nhận ra rằng lâu nay chúng ta chưa hề có văn hóa đọc theo đúng nghĩa...
  • Thư viện, văn hóa đọc và đẳng cấp quốc gia

    21/04/2017Nguyễn Quang ThạchĐẳng cấp của một quốc gia được đo bằng các sản phẩm khoa học, sức mạnh kinh tế và quân sự được thừa nhận. Chẳng hạn, thế kỷ 19, khi Jame Watt chế tạo ra máy hơi nước, mở đường cho công nghiệp nặng và chinh phục đại dương, nước Anh trở thành cường quốc hàng hải và xâm chiếm thuộc địa...
  • Sách & văn hóa đọc trong đời sống hôm nay

    21/04/2017Nguyễn Công HoanXuất phát từ vị trí, vai trò, tác dụng của sách báo và nhằm tôn vinh văn hoá đọc mà Tổ chức UNESCO trong phiên họp Đại hội đồng lần thứ 28 (1995) đã quyết định chọn ngày 23/4 hàng năm làm “Ngày Sách và bản quyền thế giới".
  • Văn hóa đọc phải bắt đầu từ gia đình

    21/04/2017Tuấn Kiệt thực hiệnPV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân về vấn đề văn hóa đọc trong cuộc sống hôm nay...
  • Internet sẽ tiêu diệt văn hóa đọc?

    02/07/2016Minh TuấnInternet là phát minh vĩ đại của nhân loại. Song, nó cũng tác động không nhỏ đến văn hóa đọc truyền thống. Liệu sách, báo in sẽ tồn tại?
  • Văn hóa đọc của người Việt

    03/05/2016Trần Quang ĐứcNgười Việt hiện đại luôn tự hào có chữ Quốc Ngữ. Ít nhất, so với văn tự Hán Nôm, chữ Quốc Ngữ dễ đọc, dễ viết, dễ phổ cập giáo dục hơn nhiều. Đáng lý, người Việt hiện đại phải sớm hình thành cho mình văn hóa đọc...
  • Giới trẻ Việt Nam và tình trạng văn hóa đọc đang xuống cấp

    27/10/2015Song ChiViệc đại đa số giới trẻ VN lười đọc sách hoặc chỉ đọc những thứ dễ đọc như truyện tranh, truyện tình cảm nhẹ nhàng của các tác giả VN, TQ thuộc thế hệ 7X, 8X, hay các tác phẩm theo trào lưu là một thực tế không mới...
  • Sành điệu Internet - “Bầy đàn” & Văn hóa đọc

    17/11/2014Nguyễn MinhVăn hóa đọc xem ra là vấn đề có vẻ trầm trọng, kéo theo nhiều băn khoăn, phiền não của những người tâm huyết với sách. Người ta mở biết bao nhiêu Hội thảo, diễn đàn trên báo bay trong... hội trường để bàn về việc làm sao cho sách in, báo in "trụ” được trong cuộc cạnh tranh dữ dội với lnternet. Tràn ngập trong những cuộc hội họp ấy là lời than phiền về tương lai của sách và luận điểm người ta đưa ra nhiều nhất là: Internet sẽ “nuốt chửng" sách in truyền thống, thật đáng lo ngại!
  • Văn hóa đọc trên mạng: Vàng thau lẫn lộn

    20/07/2014Tường Vân - Yên NgọcVăn hóa đọc có lúc tưởng như đã nhường bước cho các loại văn hóa nghe nhìn trong thời buổi công nghệ điện tử nghe nhìn phát triển đến tốc độ chóng mặt. Việc xuất hiện hình thức sách đọc trên mạng cũng là điều tất yếu...
  • Văn hóa đọc và nhận thức của xã hội

    15/07/2014Cẩm TúSách giúp người ta thoát được những ràng buộc về không gian, thời gian, những điều kiện cụ thể để bước vào một thế giới khác. Thế nên mới có văn để tải đạo, cũng có văn để đọc chơi...
  • Từ chiếc bookmark nghĩ về văn hóa đọc

    19/05/2014Minh PhướcMột lần, tôi cần mua vài chiếc bookmark, đi khắp các hiệu sách và cửa hàng đồ lưu niệm nhưng không tìm đâu ra loại bookmark đẹp, xứng đáng dùng làm quà tặng một cách trân trọng. Chỉ có những miếng bìa vẽ sơ sài hình tháp Rùa hồ Gươm, hoặc hình các cô gái mặc trang phục dân tộc. Thật khác xa với những chiếc bookmark bằng da, mạ vàng hoặc khắc gỗ tinh xảo tôi từng được thấy trong bộ sưu tập của một người bạn. Chuyện tuy nhỏ nhưng có thể thấy, nếu tìm những dụng cụ hỗ trợ sách căn bản còn khó khăn, thì chúng ta chưa có những hiệu sách hoàn thiện.
  • Người Việt có “văn hóa đọc”?

    14/05/2014Yên HàNhìn lại tình hình sách in quá khiêm tốn của chúng ta hiện nay, người thì cho là lỗi của xã hội thờ ơ với sách, người thì gán tội cho người viết không thể sáng tạo ra những đứa con tinh thần xinh đẹp để người đọc phải đổ xô đi tìm, người thì đổ lỗi cho sự bành trướng của báo trí, truyền hình, Internet…
  • Cần thực tâm đưa văn hóa đọc lên tầm cao

    20/04/2014Trà Giang thực hiệnCần tìm mọi cách nâng cao văn hóa đọc của dân chúng, nhất là bạn đọc trẻ hay cần bằng mọi giá chạy theo nhu cầu thị hiếu của họ? Trả lời vế đầu là trách nhiệm của giới lãnh đạo, còn lơ là với vế đầu mà dốc sức giải đáp vế sau là thái độ của những kẻ hám lợi nhưng luôn nhân danh văn hóa đọc...
  • Văn hóa đọc

    16/03/2014Đặng Huy GiangSách được đọc thường xuyên hơn, có thị phần bán ra ổn định hơn, có lẽ là sách giải trí và sách công cụ. Và độc giả của máng sách này thường là những người trẻ tuổi. Mảng sách này rất thực tế, không có giá trị văn hoá, văn chương, chỉ có giá trị thư giãn đầu óc hoặc cung cấp kiến thức dưới dạng bách khoa thư...
  • Những cuốn sách kinh điển và văn hóa đọc hiện nay

    27/08/2006Như Bìnhd“Muốn có văn hóa thì phải được giáo dục, định hướng, bồi dưỡng nhưng bạn đọc của ta hiện nay phần nhiều bối rối, bất lực và lạc lối giữa biển sách đủ loại, đủ màu sắc, hay-dở, tốt-xấu, thật -giả lẫn lộn”, dịch giả Đoàn Tử Huyến nói...
  • xem toàn bộ