Tôi bới những đống rác của đời sống để tìm ra những giá trị

Chủ tịch kiêm tổng giám đốc công ty Invest&Consult
04:12 CH @ Thứ Tư - 10 Tháng Chín, 2014

“Tôi thành công là tôi làm được cái mà tôi muốn.”

Thất bại và thành công và trải nghiệm?

Tôi không bao giờ xem cái gì là thất bại và cái gì là thành công, đấy là một hiện tượng tự nhiên, là thuộc tính của đời sống, của một người làm kinh doanh, cho nên không có gì vượt quá sức chịu đựng của tôi cả. Bởi vì lúc người ta căng thẳng quá, bất lực quá thì người ta xấu tính, mà xấu tính tức là người ta thất bại với tư cách một con người. Phải phấn đấu như thế nào để chúng ta không xấu tính được trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Phải biết chia sẻ lợi ích đến từng đồng một, trong những lúc chỉ có một đồng thì cũng phải chia sẻ từng hào, và nếu chỉ có một hào thì phải chia sẻ từng xu. Khi chúng ta làm được như thế thì trí tuệ của chúng ta bỗng trở nên lấp lánh, hay được chuẩn bị để lấp lánh vào những lúc còn lại.

Cho nên trên tổng thể, cuộc đời của tôi là một cuộc đời thành công, mặc dù đoạn thành công ngắn hơn rất nhiều so với đoạn tôi sống. Nhưng tôi truy lĩnh tất cả những sự thất thiệt có trong cuộc sống trước đó, nhưng từ khi kinh doanh đến giờ hành vi của tôi không thất bại, tôi thấy trước tất cả mọi sự thất bại, thất bại trong quan hệ con người, quan hệ kinh doanh.

Bác khởi nghiệp là một kỹ sư xây dựng, sau đó lại chuyển sang lĩnh vực tư vấn. Bác có nghĩ như vậy là bác đã thất bại trong việc thực hiện ước mơ ban đầu của mình?

Tôi không bị trói buộc vào ngành nghề, cho nên đi từ kỹ sư xây dựng sang luật sư, và trở thành một nhà khoa học về chính trị tôi đi những bước rất tự do. Tôi không mất đi bản năng của một anh kỹ sư, bởi vì trong tư duy chính trị của tôi có chất lượng của một anh kỹ sư. Đã vặn cái vít thì phải vặn cho chặt, đã khảo sát một khái niệm thì phải khảo sát cho đến đầu đến đũa, đã nói một chữ thì chữ đấy phải được trăn trở, phải được suy tư, phải được phân tích, phải được chẻ tư chẻ tám một cách cặn kẽ. Đấy là chất lượng kỹ sư trong tư duy chính trị hoặc tư duy khoa học của tôi.

Vậy sự thành đạt có mang lại hạnh phúc không?

Tôi nghĩ rằng như tuổi cuả tôi, làm cha và nếu có may mắn lên làm ông, tôi luôn luôn tìm kiếm những biểu hiện hạnh phúc trong đời sống của con cái mình. Còn thành đạt, với tư cách là một kẻ đã bước một hai chân vào sự thành đạt, tôi nghĩ rằng thành đạt không mang lại nhiều điều hạnh phúc lành mạnh cho một người, thành đạt chỉ mang lại niềm kiêu hãnh để trả đũa cuộc đời đã trót dại gây gổ với mình trong quá khứ thôi.

“Tôi là kẻ bới những đống rác của đời sống để tìm ra những thứ giá trị cần cho cuộc đời của mình.”

Bác nghĩ thế nào về quan niệm của giới trẻ bây giờ và cả xã hội nữa rằng vào đại học là tất cả mục tiêu của các bạn trẻ?

Sự học thì phải đặt câu hỏi học để làm gì? Học để thành công, học để có kiến thức dùng vào nhiều chỗ, nhiều lúc, nhiều tình huống. Học để tồn tại, học để thích nghi với điều kiện sống, học để thích nghi với các hoàn cảnh. Cho nên học hành là cả một cuộc đời, không phải chỉ là một cái bằng mà tôi đạt được. Trường đại học đầu tiên là nơi cung cấp cho mình một tiêu chuẩn để xác nhận là mình đủ năng lực để có một số phương pháp luận cơ bản. Tôi không nói đến việc học để có một nghề nghiệp, mà tôi nói đến học vấn. Tôi không trọng lắm những bằng cấp này nọ.

Thưa bác, theo bác giới trẻ nên học cái gì? Nên học như thế nào?

Đặt vấn đề với giới trẻ học cái gì là sai. Học tất cả mọi thứ, khi nào mình cảm thấy cần là có cái để lý giải, hay để thoát ra khỏi các bế tắc mà mình gặp phải trong cuộc sống. Vì thế tôi học khá nhiều, cho đến bây giờ tôi vẫn học.

Còn việc học như thế nào? Phải chuẩn bị cho mình một thái độ học không ngưng nghỉ, học như một thứ thư giãn, học trong sự êm thuận trong đời sống tinh thần. Không nên biến học hành thành những cuộc đua, bởi vì không ai đua suốt đời, nhưng người ta có thể đi suốt đời để dịch chuyển suốt đời, và khi không dịch chuyển nữa là chết. Phải xem học là sự dịch chuyển từ miền kiến thức này đến miền kiến thức khác. Từ giới hạn này đến giới hạn khác cao hơn của kiến thức. Nếu phảt hiện thấy mình có một thứ tài năng ở mức cao thì có thể mạnh dạn hiến thân cho chuyên môn mà mình theo đuổi để trở thành chuyên gia. Những chuyên gia đôi khi sẽ trở thành rất ngẩn ngơ trong các lĩnh vực khác của đời sống thông thường. Và chúng ta đánh giá một chuyên gia bằng độ sâu kiến thức của họ trong lĩnh vực họ là chuyên gia, chứ không phải đánh giá sự ngớ ngẩn của họ trong lĩnh vực khác. Tôi khuyên các cháu là đối với những người bình thường như chúng mình, Chúa không cho chúng ta tài năng như Ngô Bảo Châu, như Đặng Thái Sơn, (mà chúa cũng không cho nhiều người) thì chúng ta đành phải làm một con người độc lập, kể cả độc lập với chúa, bằng sự học hành. Chúng ta nhặt nhạnh từng mảnh vụn mà chúa đánh rơi ở ngoài đường thay vì chúa cho một cục như cho Ngô Bảo Châu hay Đặng Thái Sơn. Tôi là người biết rất rõ sự bình thường của mình, vì thế tôi khắc phục cái bình thường của tôi để tạo ra giá trị của tôi bằng cách nhặt nhạnh những mảnh vụn mà chúa đã cho người khác mà người khác không dùng vứt đi. Tôi là kẻ bới những đống rác của đời sống để tìm ra những thứ giá trị cần cho cuộc đời của mình.

Theo bác giới trẻ cần chuẩn bị những gì để vào đời?

Theo kinh nghiệm của tôi thì trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải giữ cho được sự lương thiện, trung thực và dũng cảm, đấy là tài sản quan trọng nhất của con người khi vào đời.

Ngoài việc học, các cháu phải tự do, việc đầu tiên là phải rất tự do trong ý thức của mình, trong tinh thần của mình. Có tất cả các rào cản, các rào cản ấy không phải là một thứ cố định mà nó xuất hiện vào một lúc nào đó mà mình không lường trước được. Phải rèn luyện cho mình một miền năng lực để ứng phó với các đòi hỏi khác nhau vào những lúc khác nhau, với những cường độ hoàn toàn khác nhau. Rèn luyện cho mình một thể chất có thể sống để ứng phó với mọi khó khăn, và đủ sức để kéo cơ hội xuống gần mình hơn. Có những người thể chất yếu không đủ sức để kéo cơ hội, có những người lãng phí cái gì cũng tưởng là cơ hội kéo cả ngày, cho đến khi cơ hội thật đến thì không đủ sức để kéo được nữa. Cho nên, con người phải đủ tỉnh táo, đủ tự nhiên để giữ gìn một cách bản năng sức lực của mình và chuẩn bị một cách tự nhiên các năng lực. Lúc nào cũng phải đi tìm bản thân mình, đừng nói giới trẻ nông nổi, giới trẻ mà không nông nổi thì còn đâu là giới trẻ nữa.

Cảm ơn bác!

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Học là công việc suốt đời

    12/02/2017Minh Hạnh thực hiệnĐặt vấn đề với giới trẻ học cái gì là sai. Học tất cả mọi thứ, khi nào mình cảm thấy cần là có cái để lý giải, hay để thoát ra khỏi các bế tắc mà mình gặp phải trong cuộc sống. Vì thế tôi không bị trói buộc vào ngành nghề, cho nên đi từ kỹ sư xây dựng sang luật sư, và trở thành một nhà khoa học về chính trị tôi đi những bước rất tự do...
  • Sáng suốt bằng sự tỉnh táo có tính số phận

    19/05/2014Cho rằng lần này Trung Quốc đã vượt qua thông lệ và làm ảnh hưởng một cách rất căn bản đến mối quan hệ thông thường vốn có, Luật sư Nguyễn Trần Bạt trong sự phân tích nhiều mặt đời sống kinh tế chính trị trong nước, đã thể hiện quan điểm: Người Việt ngoài tình cảm yêu nước còn có sự sáng suốt nữa nên nếu lúc nào đó cần phải hy sinh thì chúng ta sẽ hy sinh, nhưng nếu không cần phải làm việc ấy thì kiên quyết không làm...
  • Tản mạn đầu năm với Nguyễn Trần Bạt

    13/02/2014Định bụng hỏi một vấn đề “nóng” nhưng chuyên gia Nguyễn Trần Bạt bảo chưa nên bàn vào lúc này, vậy nên, câu chuyện giữa chúng tôi ngẫu nhiên lái sang một vài sự kiện đã qua nhưng dưới góc nhìn của ông thì không cũ...
  • Singapore - xây dựng chế độ học tập suốt đời

    26/10/2013Trong lễ khai trương Trung tâm phát triển kỹ năng của Singapore ngày 11-2-1999, Thủ tướng Singapore ông Goh Chok Tong đã tuyên bố: "Singapore sẽ lập ra chế độ học tập suốt đời trong nhân dân cả nước". Ông nói: dưới chế độ học tập suốt đời - còn được gọi là trường học suốt đời (School of Lifelong Learning), mọi công nhân viên chức, người lao động sẽ nhận được các nguồn thông tin liên quan đến việc tham gia học tập, huấn luyện kỹ năng nghề nghiệp, ...