Tản mạn đầu năm với Nguyễn Trần Bạt

02:36 CH @ Thứ Năm - 13 Tháng Hai, 2014

Định bụng hỏi một vấn đề “nóng” nhưng chuyên gia Nguyễn Trần Bạt bảo chưa nên bàn vào lúc này, vậy nên, câu chuyện giữa chúng tôi ngẫu nhiên lái sang một vài sự kiện đã qua nhưng dưới góc nhìn của ông thì không cũ. Và, cũng ngẫu nhiên, những câu chuyện ấy đều buồn. Nhưng, ở đời, trong nỗi buồn bao giờ cũng thấy những niềm vui...

Lời nhắn đến phu nhân tướng Giáp

Hỏi: - Trong năm 2013 có sự kiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. Ông đánh giá thế nào khi rất đông người dân kiên nhẫn xếp hàng vào viếng, thương tiếc Đại tướng một cách thành kính và trang nghiêm như thế?

Nguyễn Trần Bạt: Trước hết phải nói đến uy tín của cá nhân Tướng Võ Nguyên Giáp và sự gắn bó của ông đối với sự nghiệp quan trọng nhất của Đảng. Có lẽ cho đến nay thành tựu quan trọng nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam chính là tổ chức cuộc kháng chiến giành lại độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Những thành tựu khác về mặt chất lượng chưa thể so sánh với sự nghiệp đấu tranh bảo vệ và thống nhất đất nước.

Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp có một địa vị vô cùng quan trọng trong câu chuyện lịch sử này. Tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với thành tựu quan trọng của nhân dân Việt Nam, của Đảng Cộng sản Việt Nam, vì thế nhân dân, nhất là các đảng viên thể hiện một làn sóng tình cảm đối với cá nhân Đại tướng trong dịp ông mất.

Thời gian qua, rất ít nhà chính trị của chúng ta có được một chân dung quốc tế phản ánh đầy đủ phẩm giá của người Việt Nam, phản ánh đầy đủ phẩm giá của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tướng Võ Nguyên Giáp bằng sự nghiệp của cá nhân mình gắn liền với sự nghiệp của Đảng là nhà chính trị có các giá trị được quốc tế hóa một cách rộng rãi nhất.

Đấy là một biểu tượng quốc tế của các thành tựu chính trị của người Việt. Không chỉ người dân Việt Nam mà toàn thế giới để ý đến sự ra đi của Tướng Võ Nguyên Giáp. Đấy là một điểm chúng ta phải khai thác và sử dụng để làm cho mọi người trên thế giới này nếu có hiểu về Việt Nam thì phải biết cách tôn trọng nó, phải biết cách hiểu nó và phải biết cách hợp tác với nó. Hay nói cách khác, Tướng Võ Nguyên Giáp là một yếu tố rất thuận lợi cho quan hệ quốc tế của Việt Nam, quan hệ quốc tế với một sự tự trọng rất cao, với một thế rất cao, làm cho người Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào về dân tộc của mình và về hệ thống Nhà nước của mình thông qua nhân cách cũng như những thành tựu của ông.

Nếu có thể, tôi muốn qua các anh gửi lời nhắn đến phu nhân Tướng Võ Nguyên Giáp rằng thượng đế đã gắn ông với Đảng, với đất nước, sự vĩ đại của ông và nhiều đồng chí của ông là điều không thể tranh cãi.

Phải tự tin, không cầu may

Hỏi: - Ông có thể nói gì về sức mạnh tinh thần của người dân?

Nguyễn Trần Bạt: Về sức mạnh tinh thần người dân, trước hết tôi nói rằng, gần đây tôi thấy một số nhà lãnh đạo sa đà vào những chuyện tâm linh. Với tư cách là một nhà nghiên cứu tôi không thích hiện tượng ấy.

Chúng ta phải tự tin, chúng ta không cầu may. Chúng ta hoàn toàn có thể tôn trọng tất cả những tiêu chuẩn, những giá trị tinh thần của các tôn giáo, của những người tiền bối hay của các vị tu sĩ ở mọi tôn giáo khác nhau có trên lãnh thổ của chúng ta, nhưng chúng ta không cầu xin, không lệ thuộc vào đấy.

Hỏi: - Theo ông vì sao một số quan chức lại phải nương nhờ vào những điều như thế?

Nguyễn Trần Bạt: Bởi chúng ta không tự tin. Chúng ta không tin vào mình vì chúng ta không thật có cái của mình. Chúng ta có thể có quyền lực mà mình nhặt được, chúng ta có thể có uy thế của tổ chức, nhưng chúng ta không có giá trị của bản thân.

Mọi nhà chính trị đều phải có giá trị của bản thân mình, không lệ thuộc vào may rủi trong quá trình tiến hành công việc của một người lãnh đạo, một người quản trị xã hội.

Hỏi: - Hiện nay, một trong những điều mà không ít người tỏ ra lo ngại là sự sợ hãi và vô cảm. Năm rồi, ầm ĩ quanh vụ việc “hôi bia” ở Đồng Nai và nhiều vụ việc khác tương tự, ông đánh giá về vấn đề xã hội này?

Nguyễn Trần Bạt: Tôi không thích bàn đến chuyện này. Ở đâu cũng có việc hôi của. Nếu chuyện đó xảy ra ở Mỹ chắc người ta cũng làm thế. Khi bão Katrina diễn ra ở bang Louisiana của Mỹ thì cũng vẫn có hôi của, cảnh sát vẫn phải làm nhiệm vụ giữ gìn tài sản khi nhân dân đã đi sơ tán. Sự thổi lên một vài hiện tượng tiêu cực chưa phổ biến là lỗi lầm của hệ thống truyền thông, trong đó có báo chí.

Nguyễn Trần Bạt sinh năm 1946 ở huyện Hưng Nguyên, Nghệ An.

Ông được biết đến với vai trò làm một doanh nhân, luật sư, nhà tư vấn, học giả, nhà sáng lập InvestConsult Group (Cty tư vấn chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam về đầu tư và kinh doanh). Hiện nay, ông đang là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Cty này.

Ông là các giả của nhiều cuốn sách như: Suy tưởng, Cải cách và sự phát triển, Văn hoá và Con người, Cội nguồn cảm hứng, Đối thoại với tương lai, Vượt qua những giới hạn.

Xem trang tác giả...

Còn sợ hãi thì sao?

Nguyễn Trần Bạt: Sợ hãi là bản năng, ở đâu cũng có sợ hãi, cả thế giới đều sợ hãi. Sợ hãi là cái con người cần có, bởi sợ hãi là một bản năng tự vệ của con người. Từ sự sợ hãi người ta bắt đầu do dự, bắt đầu toan tính, bắt đầu cân nhắc, không có gì đáng lên án.

Hỏi: - Nhưng sợ hãi trước những cái xấu, tham ô, tham nhũng... thì sao?

Nguyễn Trần Bạt: Các luật để điều chỉnh quan hệ giữa người bị bắt cóc với bọn khủng bố yêu cầu phải thỏa mãn một cách chặt chẽ tất cả đòi hỏi của bọn bắt cóc, bọn khủng bố để tránh thất thiệt trước mắt. Cho nên sợ hãi không phải là một tâm lý nên lên án.

Chúng ta tưởng rằng chúng ta có một truyền thống không sợ hãi trong chiến tranh nhưng không phải. Tôi là một người lính. Trước khi đánh trận tôi rất sợ hãi, khi trận đánh diễn ra rồi thì tôi không sợ hãi nữa bởi tất cả mọi người mải mê thực hiện các nhiệm vụ trước mắt của mình và người ta không thể hiện sự sợ hãi.

Người này không thể hiện sự sợ hãi thì cổ vũ người khác, do đó tâm trạng tập thể về sự không sợ hãi trong chiến tranh là có thật, nhưng không phải là không có sự sợ hãi ở bên trong nó. Tôi nghĩ sợ hãi là một hiện tượng tâm lý thông thường và không nên lên án. Nói tâm lý sợ hãi đang khống chế người Việt cho nên người Việt không dám đấu tranh, không dám nói thẳng với các hiện tượng tiêu cực nói chung hay hiện tượng tiêu cực thuộc về nhà cầm quyền thì phải coi chừng đấy là một sự cổ vũ cách mạng.

Tôi không ca ngợi sự sợ hãi mà tôi nói sợ hãi là một tâm lý, một bản năng có thật của con người và phải xử lý nó tinh tế chứ không phải nói về nó như một sự lên án.

Xem phim Mỹ, chúng ta thấy có khi chỉ có hai kẻ cầm hai khẩu súng ở trên một cái máy bay chứa khoảng 300 người, nhưng tất cả mọi người đều bất động, cái đấy không chỉ là tâm lý sợ hãi của số đông mà còn liên quan đến luật chống manh động.

Xã hội đã chuyên nghiệp thì mọi hoạt động cần thiết phải được tiến hành bởi những lực lượng chuyên nghiệp. Khi bàn về tâm lý sợ hãi chúng ta buộc phải rất thận trọng.

Phải hiểu nhân dân cho kỹ

Hỏi: - Năm rồi, vụ án Đoàn Văn Vươn được đem ra xét xử, góc nhìn của ông về sự việc này?

Nguyễn Trần Bạt: Tôi nghĩ xét về mặt tổng thể vụ Đoàn Văn Vươn xử lý tốt, cái gì cần xử lý thì xử lý, công ra công tội ra tội. Quyền tự nhiên của một công dân, quyền kinh tế của công dân cần xử lý thế nào để nó tương đối đảm bảo, tôi nghĩ xử lý tốt.

Tất cả cái có vẻ có lý kiểu Ngô Tất Tố phản ánh trong “Chị Dậu” nó không đúng trong trường hợp này. Ở Đoàn Văn Vươn có màu sắc của chị Dậu, nhưng cái đó là phản xạ bản năng, phản xạ ấy không pháp luật và không chính trị, cho nên không thể cổ vũ Đoàn Văn Vươn.

Hỏi: - Nếu được đóng góp, chia sẻ cách xử lý, theo ông phải giải quyết thêm những vấn đề nào nữa?

Nguyễn Trần Bạt: Tôi nghĩ rằng cần phải rõ ràng hơn, ngay thẳng hơn, không mẹo mực. Ở đây màu sắc mẹo mực, thủ đoạn nhiều quá. Các bên tham gia vào làm dân sự hóa một sự kiện của đời sống bằng các thủ đoạn có màu sắc nghiệp vụ, đấy chính là lỗi về mặt văn hóa.

Hỏi: - Cũng đã có ý kiến lo ngại sẽ có những Đoàn Văn Vươn khác. Vậy phải làm gì để điều lo ngại ấy không xảy ra?

Nguyễn Trần Bạt: Tôi nghĩ là Nhà nước phải biết kiềm chế. Kiềm chế trong việc xây dựng chính sách, kiềm chế trong việc sử dụng và kiểm soát các lực lượng cấp dưới của mình khi tiến hành các hành động quản lý nhà nước.

Cho nên cần phải giải thích sâu sắc hơn, đầy đủ hơn, chi tiết hơn để cho người ta thấy cái đạo lý của chính sách. Ở đây chính sách không thể hiện cái lý và cũng không thể hiện đạo lý của nó.

Đừng tưởng Dương Chí Dũng bé

Hỏi: - Nói về vấn đề tham nhũng thì có một chuyện gây chấn động mới đây, đó là lời khai của Dương Chí Dũng trước tòa. Nhiều người dân thấy sốc, cá nhân ông thấy thế nào?

Nguyễn Trần Bạt: Tôi không thấy sốc gì cả. Các anh tưởng Dương Chí Dũng là bé à? Tôi không ngạc nhiên bởi vì Dương Chí Dũng không phải là nhân vật bé, anh ta quản lý cả một hệ thống cơ sở vật chất khổng lồ.

Người ta tưởng rằng một ông tướng thì to hơn Dương Chí Dũng, nhưng tôi không nghĩ thế. Bởi vì trong một xã hội mà tiền bạc xâm nhập vào rồi thì phải coi chừng tiền bạc có thể làm cho một anh như Thuyết “buôn vua” trở thành một người thân cận với nhiều nhà lãnh đạo, gõ cửa, xuất hiện bên cạnh nhiều nhà lãnh đạo.

Hỏi: - Gợi lại những câu chuyện buồn trong dịp đầu năm mới, cá nhân ông suy tư và kỳ vọng gì không?

Nguyễn Trần Bạt: Những vụ án như vậy không phải là để bắt hay xử một con người mà là cứu xã hội. Giải quyết các vụ án ấy là giải quyết các ung nhọt đang tồn tại trong lòng một xã hội gồm 90 triệu con người.

Mọi vụ án cần phải tiến hành một cách tích cực hơn, một cách bình tĩnh, chặt chẽ hơn, một cách khoa học hơn, khéo léo hơn và một cách chính trị hơn nữa. Chúng ta vẫn nói đến những vụ án độc lập về mặt pháp luật, nhưng cuộc sống là bài toán chính trị phức tạp, mọi khái niệm độc lập đều là tương đối.

Cho nên phải xử lý một cách chính trị hơn nữa để đảm bảo nó không gây thất thiệt cho hệ thống chính trị sau khi đã góp phần làm trong sạch hệ thống ấy.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Mục tiêu “nhỏ” để năm mới thành công to

    01/01/2015HR Vietnam/Carl MuellerĐến hẹn lại lên, những ngày cuối cùng của năm cũ luôn là khoản thời gian lý tưởng để chúng ta nghiền ngẫm về những điều đã qua và bắt đầu suy nghĩ về những mục tiêu cụ thể cho sự nghiệp trong năm mới....