Thuật dùng người và sức cảm hóa kỳ diệu

Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội. Sở VHTT HN. 1990
11:47 SA @ Thứ Ba - 18 Tháng Năm, 2010

Bác Hồlà một con người khoan dung, độ lượng, không định kiến với quá khứ, Bác nhìn nhận từng con người cụ thể, dám sử dụng cả các quan lại cũ, khai thác những tiềm năng nhỏ nhất ở họ. Mục đích của Bác là nhằm mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc, làm sao có lợi cho sự nghiệp chung.

Xem thêm:


Giáo sư Hoàng Minh Giám đã kể lại rằng: Sau ngày Tuyên ngôn độc lập, Bác đã hỏi tôi: Chú có quen cụ Trần Trọng Kimvà biết cụ ở đâu không? Ai cũng biết cụ Trần là nhà học giả đứng đầu Chính phủ do Nhật dựng lên sau cuộc đảo chính Pháp ở Đông Dương ngày 9/3/945. Tôi ít gặp nhưng có quen, vì trước cùng là nhà giáo, mặc dù ông nhiều tuổi hơn tôi.

Bác hỏi tiếp: Nhà cụ ấy có ngõ để xe ôtô vào không?

Tôi xin Bác để đi trực tiếp đến đó xem sao. Tôi hiểu Bác muốn có một cuộc gặp kín đáo với ông Trần để tránh mọi sự hiểu lầm hoặc để bọn phản động phá rối về sau. Tôi đến phố Nhà Rượu quan sát, về báo cáo với Bác nhà ấy không có cổng cho xe vào.

Ít lâu sau, có tin ông Trần biến khỏi Hà Nội rồi mất âm thầm ở xứ lạ quê người. Rất tiếc, ông đã không có cơ may gặp Bác.

Lúc đó, Bác còn chủ động gặp cả Ngô Đình Diệm ra ẩn náu ở Hà Nội để bàn chuyện hợp tác chung lo việc nước. Nhưng họ Ngô nuôi đầu óc chống cộng kịch liệt đã từ chối.

Bác Hồ với Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ảnh: Tư liệu

Tháng 2/1946, Bác mời cụ Huỳnh Thúc Kháng ra Hà Nội tham gia Chính phủ. Cụ Huỳnh cũng ra nhưng chỉ cốt để xem Nguyễn Ái Quốc, con người nổi tiếng ấy như thế nào, chứ không có ý định nhận chức vụ gì. Thế rồi, chỉ sau vài lần trao đổi, cụ Huỳnh đã bị Cụ Hồ cảm hóa. Cụ Huỳnh nói: “Chí thành năng động, tấm lòng thành của Cụ Hồ làm đá cũng phải chuyển, huống là tôi!”. Cho nên, ngày 2/3/1946, tại buổi họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ta thấy cụ Huỳnh đứng cạnh Cụ Hồ với tư cách Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Ngày Bác Hồ sang Pháp, Người đã giao quyền điều hành đất nước cho cụ Huỳnh và cụ Huỳnh đã không phụ lòng tin của Bác, kiên quyết chỉ đạo phá án vụ âm mưu đảo chính và bắt cóc giết hại người của bọn Quốc dân đảng phản động, tháng 7/1946.

Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Bác Hồ đã cử Chánh Văn phòng Chính phủ Phan Mỹ về Đường Lâm đón ông Phan Kế Toại, nguyên Khâm sai đại thần của Chính phủ Nam Triều, mời ra làm việc. Ông Phan mừng lắm và đi theo kháng chiến đến ngày thắng lợi. Trở về giữ chức Phó Thủ tướng nhiều năm.

Cũng vì cảm phục nhân cách lớn của Bác mà các nhà trí thức Việt Nam sang Pháp du học, được người Pháp trọng dụng, đã từ bỏ cuộc sống giàu sang để theo Bác về nước tham gia kháng chiến, phục vụ Tổ quốc như kỹ sư vũ khí Trần Đại Nghĩa, kỹ sư luyện kim Võ Quý Huân, bác sĩ Trần Hữu Tước...


Hồ Chí Minh trong chuyến đi Fontainebleau, Pháp năm 1946

Tham gia Chính phủ lâm thời do Cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch có nhiều trí thức trẻ, trong đó có tiến sĩ văn khoa - cử nhân luật Nguyễn Văn Huyên được cử giữ chức Tổng Giám đốc Đại học vụ (sau là Bộ trưởng Bộ Giáo dục) lúc ấy mới 37 tuổi.

Ông Huyên đã phụ trách việc “diệt giặc dốt”, tìm mọi biện pháp, giữ quyết mọi khó khăn, vận động đông đảo mọi người tham gia dạy học và đi học. Chỉ trong một thời gian ngắn, 90% người không biết chữ ở nước ta đã có khá đông đọc được, viết được. Bác Hồ rất hài lòng về người đã được Bác giới thiệu vào Chính phủ.

Thế mà, một lần ông Huyên đến xin Bác từ chức Bộ trưởng, chỉ vì ông không phải là đảng viên.

Bác Hồ đã gặp và nói với Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên.

- “Không cốt là đảng viên cộng sản hay không đảng, mà cốt là làm việc có tốt hay kém, có hiệu quả hay không hiệu quả, điều đó mới quan trọng”.

Nghe lời khuyên của Cụ Chủ tịch, ông Huyên tiếp tục làm việc, và giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho đến cuối đời. Năm 1960, chi bộ Văn phòng Bộ Giáo dục đề nghị kết nạp ông. Trung ương cũng đã đồng ý, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh lại góp ý kiến: - “Để chú Huyên ở ngoài Đảng có lợi hơn là ở trong Đảng”. Ông Huyên rất xúc động vì thấy Cụ Hồ rất hiểu những trí thức như ông, dù không là đảng viên nhưng suốt đời vì dân, vì nước.

Trong thư gửi đồng bào Nam Bộ (6/1946), Bác đã viết “… năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người, cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng, đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc... ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang”.


Tài chiêu hiền đãi sĩ của Bác Hồ

(GS. Nguyễn Hoa Thịnh*)

Nhân cách và ứng xử của Bác Hồ không chỉ thu hút trí thức kiều bào về nước xây dựng quê hương mà còn động viên họ một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc.

Cách sử dụng nhân tài của Bác Hồ là một bài học sâu sắc đối với những người và cơ quan quản lý sử dụng cán bộ, công chức trong hiện tại và cả tương lai.

'‘Dụng nhân như dụng mộc"

Những ngày đầu cách mạng, Bác đã mời về nước nhiều trí thức Việt Nam ở nước ngoài. Họ có chung ba đặc điểm: yêu nước kiên trung, có kiến thức uyên thâm và có cống hiến đích thực, đã được kiểm nghiệm qua thực tế.

Thế hệ trí thức Việt Nam đầu tiên sau Cách mạng Tháng tám được lịch sử ghi nhận như Vũ Đình Hoè, Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng... đều là nhân tài Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài, trở về nước góp sức xây dựng đất nước.

Cách sử dụng nhân tài của Bác là một kinh nghiệm luôn mới đối với thực tế hiện nay. Có người Bác mời về nước làm việc ngay, nhưng cũng có người Bác chờ họ học tiếp rồi mới mời về.

Nhân cách của Hồ Chủ tịch luôn là tấm gương sáng để các thế hệ noi theo


Bác cũng dành những công việc phù hợp cho từng “hiền sĩ”. Người giao cho giáo sư Tạ Quang Bửu nhiều trọng trách ở Bộ Quốc phòng và trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, giáo sư Trần Đại Nghĩa phụ trách ngành quân giới Việt Nam và nhiều trọng trách khác, giáo sư Nguyễn Văn Huyên phụ trách ngành giáo dục, giáo sư Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di… thì tiếp tục cống hiến và dìu dắt các thế hệ ngành y phục vụ kháng chiến, kiến quốc.

Nếu nhân cách của Bác thu hút các học giả thời bấy giờ về đóng góp cho quê hương một cách tự nguyện thì cách hành xử và tri thức của Người khiến họ một dạ dốc tâm dốc sức cho Tổ quốc. Và thực tế, sự phát triển rất nhanh chóng về mọi mặt của đất nước những ngày đầu giành độc lập sau hàng thế kỷ bị nô lệ là một bằng chứng sống động về tài “chiêu hiền đãi sĩ” của Người.

Tôi nhớ một câu nói về Bác, đại ý, ở Nguyễn Ái Quốc toả ra ánh sáng của một nền văn hoá, không phải của châu Âu mà có lẽ là nền văn hoá của tương lai. “Con mắt tương lai” của Hồ Chủ tịch khiến chúng ta nể phục.

Dõi vào thực tế hiện nay, đâu đó vẫn còn tồn tại cách đánh giá người tài theo hệ thống “chức quyền”. Trong khi đó, người trí thức muốn cống hiến phải dành toàn tâm, toàn sức và thời gian cho nghiên cứu, không thể phân tâm làm những công việc hành chính. Vì lẽ đó, vô hình trung, những người làm khoa học thường có vị trí không cao trong xã hội.

Bác Hồ đã nói: “Dụng nhân như dụng mộc”, dùng người như dùng gỗ, gỗ tốt phải làm đồ quý. Những người trí thức theo Bác về xây dựng đất nước trong những buổi đầu đã nổi danh về tài, trí, hơn thế là lòng yêu nước sắt son. Chính Bác và dân tộc khi đó đã thổi vào lòng họ những tình cảm và sự trân trọng vô song với đất nước, làm bùng lên khát khao cống hiến cho nước nhà. Đối với các nhà khoa học, vốn là những tinh hoa của khoa học thế giới chứ không riêng gì Việt Nam, “đồng lương” tinh thần ấy có giá trị gấp nhiều lần ưu đãi về vật chất.

Cơ hội cũng là thách thức với nhà khoa học trẻ

Các nhà khoa học thời chúng tôi, có thể nói, có nhiều thuận lợi hơn bây giờ. Chúng tôi được bao cấp hoàn toàn khi đi học và không phải lo nghĩ về chuyện xin việc khi học xong, vì đã có Nhà nước phân công công tác. Tuy vậy, chúng tôi không bao giờ thoả mãn học đến đâu là đủ.

Hiện, như chúng ta đã biết, khoa học đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Nếu trước kia, từ lúc có phát minh khoa học đến lúc áp dụng vào thực tiễn phải mất nhiều năm, thậm chí mất hàng thế kỷ thì ngày nay, khoảng cách đó đã rút ngắn lại, đến mức gần như không còn ranh giới, nghĩa là nhất thể hóa khoa học và sản xuất. Đó là cơ hội lớn cho các nhà khoa học trẻ, nhưng cũng là thách thức cho họ. Nếu họ bằng lòng với những cái đã có thì họ rất nhanh sẽ trở nên lạc hậu. Vì thế, hơn bao giờ hết, các nhà khoa học trẻ cần ghi nhớ lời Bác dạy: luôn phải gắn chặt giữa lý luận và thực tiễn.

Những nhà khoa học trẻ hiện rất nhanh nhạy và khá thực tiễn. Họ chỉ cần được chỉ dẫn đúng hướng, Nhà nước quan tâm thì sẽ tiến rất xa. Sự quan tâm của Nhà nước thể hiện bằng hệ thống giáo dục, khoa học công nghệ và sản xuất cùng những chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài...

*)Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, trung tướng Nguyễn Hoa Thịnh nguyên là giám đốc Học viện kỹ thuật quân sự, chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam, giám đốc Trung tâm (Viện) Khoa học và Công nghệ quân sự, hiện là chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Phát triển công nghệ, truyền thông và hỗ trợ cộng đồng.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nhân tài và sử dụng nhân tài

    18/04/2007Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult GroupTrước khi bàn về việc làm thế nào để phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng nhân tài, cần xem xét lại quan niệm về nhân tài...
  • Nhân tài tiềm ẩn đang chờ con mắt tinh đời của người lãnh đạo

    25/09/2006Nguyễn Văn ChiểnNgày xưa có chuyện LưuBị ba lần đến cầu Khổng Minh ra giúp mình xây dựng cơ đồ. Đó là chuyện người lãnh đạo cấp cao tìm đến người tài để giúp cho sự nghiệp của mình. Bên ta NguyễnTrãi đã rời Đông quan vào rừng núi Lam Sơn giúp Lợi xây dựng nghiệp lớn, đó là bước đi ngược lại: người tài tìm đến minh chủ. Cách đây đúng 60 năm, Hồ Chí Minh đã trao việc xây dựng đội quân cách mạng cho một trí thức trẻ mới ngoài 30 tuổi: người đã nhắm đúng người, trao đúng việc, con mắt tinh đời của Người đã tạo nên một nhân tài quân sự kiệt xuất của nước nhà, sánh ngang với Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuán và Quang Trung…
  • Đôi điều về trọng dụng nhân tài

    25/07/2006Ánh HồngHiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyênkhí mạnh thì nước thịnh,nguyên khí yếu thì nước suy" bởi thế các bậc thánh đế, minh vương xưa nay không ai là người không lo chăm sóc, vunxới…” Trích văn bia Quốc Tử Giám.
  • Nhân tài nhìn từ hai phía

    09/01/2006Nhà báo Phan Quang...khi đi tìm minh chúa để phò, những người có tài không chỉ vì muốn thi thố tài năng, mà còn muốn được vinh hiển, có quyền cao chức trọng. Nghĩa khí không loại trừ nhu cầu vật chất. Đãi ngộ vật chất rất quan trọng song chưa hẳn là điều kiện tiên quyết trong việc sử dụng nhân tài
  • Nhân tài trong thời đại mới

    23/12/2005Chu HảoChưa có thời đại nào chúng ta lại cần có nhiều nhân tài và phải trọng dụng nhân tài như ở thời đại này. Bởi vì chính họ, những nhân tài là những cỗ máy cái quan trọng nhất sản xuất ra tri thức và biển tri thức thành của cải vật chất và tinh thần cho toàn xã hội. Chỉ có họ mới có năng lực vượt trội trong việc sử dụng tri thức cho phát triển...