Thái độ khác cho khai trí

11:21 SA @ Thứ Năm - 05 Tháng Năm, 2016

Năm 1993, Đài truyền hình Việt Nam chính thức sử dụng thương hiệu VTV. Năm ấy, có nhiều khán giả chưa chấp nhận được cái mới, viết thư hỏi rằng tại sao lại sử dụng một từ viết tắt tiếng Anh cho cơ quan của nước nhà, có phải là sính ngoại không?

Đài trả lời trên sóng: VTV là chữ viết tắt của “Vô tuyến truyền hình Việt Nam”.

Có cán bộ kỳ cựu của đài kể lại rằng thời đó vì dư luận, họ đã phải tường trình với cấp trên về cái tên mới này. Bây giờ thì ai cũng biết VTV là Vietnam Television, đài cũng đã sử dụng cụm từ viết tắt ấy một cách công khai.

Cách lý giải cũ bây giờ nghe lại giống một biện pháp tình thế. Bởi vì sau những năm dài hội nhập thì có lẽ ai cũng ý thức được rằng việc sử dụng một thương hiệu súc tích bằng tiếng Anh, thứ ngôn ngữ đại chúng nhất hành tinh, tốt cho việc quảng bá hình ảnh không chỉ của đài mà còn của cả quốc gia.

Đó chỉ là một ví dụ rất nhỏ để nói rằng những điều mới mẻ sẽ luôn gặp trở lực từ những thói quen tư duy cũ. Người ta phán xét bằng kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm vốn được xây dựng bằng những kiến thức cũ và rất dễ xung đột với cái mới.

Lịch sử đã chứng kiến những giai đoạn mà văn hóa phương Tây - hay là những giá trị mới mẻ nói chung, vấp phải một thái độ cảnh giác mạnh mẽ, một bản nhạc hay một phong cách thời trang cũng có thể khiến người ta bị coi là vong bản, vọng ngoại, là một cái “tội” không bé.

Nhiều phán xét của quá khứ, bây giờ đọc lại nhận ra rằng hóa ra đã có thể có một thái độ tiếp cận khác để tiến lên nhanh hơn trên con đường khai trí. Rất nhiều nghệ sĩ, học giả, hay cả những người dân thường đã không thể “giải trình” thành công lựa chọn của mình như VTV, và phải từ bỏ nó.

Lịch sử đã chỉ ra rằng việc khai trí gắn liền với tự do tư tưởng. A Dục Vương (Ashoka), một trong những vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử Ấn Độ (trên cờ Ấn Độ bây giờ có họa tiết từ các cột đá do A Dục Vương xây dựng), được ghi nhận là người đầu tiên khái niệm hóa điều đó.

Xây dựng đế quốc trong một thời đại của những cuộc chiến tranh tôn giáo đẫm máu, trên một mảnh đất Ấn Độ vốn rất đa dạng về tôn giáo, mang trong mình niềm ham muốn lớn lao về truyền bá Phật giáo, nhưng thay vì sử dụng cường quyền để áp đặt tư tưởng, ông đã viết lên những cột đá huyền thoại của mình: “Mọi tôn giáo đều nên được tồn tại ở bất cứ đâu” và quan trọng hơn: “Mỗi người nên lắng nghe và tôn trọng các học thuyết của người khác”.

Nghĩ đến việc tận hôm nay chiến tranh tôn giáo và việc áp đặt tư tưởng vẫn còn được thực hiện triền miên, mới thấy A Dục Vương sáng suốt.

Từ “tuyên ngôn tự do tư tưởng” khắc trên đá đầu tiên của A Dục Vương, rất nhiều nhà triết học, khoa học và chính trị gia vĩ đại của thế giới sau này đã ra sức bồi đắp và truyền bá sự tự do tư tưởng. Có thể kể ra ở đây Voltaire, Locke, Vinet... Họ ý thức được rằng để khai trí - truyền bá và thúc đẩy tri thức trong mỗi con người - thì sự tự do là quan trọng.

Thời đại chúng ta đang sống là thời đại tri thức bùng nổ tới mức cái đúng và cái sai, cái hợp lý và bất cập đều nhiều tới mức không thể “lọc” chúng bằng những tấm lưới của định kiến. Trong một cuộc lan tỏa tự do, cơ chế tự đào thải sẽ phát huy giá trị của nó.

Không biết có ngây thơ không khi tin rằng khai trí là một quá trình truyền bá và tiếp nhận hết sức tự do, sau đó mỗi cá nhân sẽ tự sàng lọc điều đúng đắn như cách nhân loại đã làm được ngàn đời? Hôm nay người ta có thể tin rằng bộ phim này, cuốn sách kia, phong trào nọ “không phù hợp” theo một quy chuẩn nào đó nhưng rất có thể đó là một phán xét thuần túy cảm tính và nhanh chóng lạc hậu.

Lại kể một ví dụ nhỏ nữa: Một thủ lĩnh phong trào flashmob - nôm na là nhảy tập thể giữa một không gian công cộng - kể rằng những ngày đầu tiên cô đưa thú chơi này về Hà Nội nhiều năm trước thì việc một nhóm thanh niên tụ tập ở công viên khiến các nhà chức trách phản ứng rất dữ dội. Họ giải tán đám đông vì một nỗi lo lắng nào đó. Bây giờ thì flashmob lại được chấp nhận và xuất hiện khắp mọi nơi, được cả trường học hay Đoàn thanh niên tổ chức như một phương pháp cổ vũ và sinh hoạt văn hóa thú vị.

Trí óc con người chỉ có thể được mở ra bằng thái độ niềm nở. Thái độ của chính họ và những người chịu trách nhiệm định hướng cho họ, dù là nhà quản lý hay học giả, nghệ sĩ, là quan trọng. Tiếc rằng vẫn còn quá nhiều người tin rằng cái đúng của họ là duy nhất. Không ai có được thái độ của A Dục Vương, điều về sau được Voltaire diễn đạt rất hay: “Tôi có thể không đồng tình với điều anh nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ đến chết quyền được nói của anh”.

Vấn đề lớn nhất của khai trí giờ này có lẽ không phải là năng lực, mà là thái độ.

Nội dung liên quan

  • “Khai dân trí” phải đi liền với “chấn dân khí”

    05/12/2017Cát Khuê ghiTrước hiện trạng truyền thông mạng đang nhiễu loạn với các thông tin lá cải tràn ngập, soi mói đời tư, gián tiếp và trực tiếp xúc phạm đến con người (loạt bài “Truyền thông: những chuyện không tử tế” Tuổi Trẻ), TS Bùi Văn Nam Sơn chia sẻ thêm với Tuổi Trẻ...
  • Dân trí và Dân khí

    22/03/2016Trần Đình HượuTrong giới lãnh đạo và giới hiểu biết ở ta hiện nay thường nói đến “dân trí”, coi đó là một giải pháp cơ bản để giải quyết tình hình. Cách nhìn nhận thực tế và hình dung cách giải quyết tuy khác nhau, nhưng đều xuất phát từ một cơ sở thực tế. Quy trách nhiệm cho “dân trí” và coi chìa khoá để giải quyết khó khăn là “khai dân trí” cũng là chỗ được nhất trí rộng rãi...
  • Dân trí và sức phát triển của một dân tộc

    09/10/2015Nguyễn Tất ThịnhTôi cứ suy nghĩ mãi về lời một người bạn nước ngoài khi anh ta nói với tôi rằng : Ai cũng biết sau Thế chiến thứ hai, Nước Đức ở Phương Tây và nước Nhật ở Phương Đông chỉ còn có hai thứ : đó là những đống đổ nát tro tàn, và còn lại những con người với nền văn hóa vĩ đại của họ...
  • Đôi điều góp thêm về dân trí nước nhà

    14/07/2014TS Trần Hồng LưuGần đây, khi đọc tờ ANTG thứ bảy, số 730, ra ngày 16/2/2008, của tác giả Hồng Hạc, về "Phát huy dân trí như thế nào?", tôi rất tâm đắc và muốn góp thêm một số ý tưởng nhằm cụ thể hóa hơn diện mạo dân trí nước ta và một vài giải pháp để chấn chỉnh diện mạo đó...
  • Sách "chấn hưng dân trí" bị ghẻ lạnh như thế nào?

    19/05/2013Hồ Hương GiangNhững đầu sách được đánh giá là tinh hoa và "chấn hưng dân trí" cũng chỉ bán được chừng 2000 bản.
  • Nghĩ về nâng cao dân trí!

    14/06/2012Thành LuậnCó những sự việc xảy ra gần đây khiến nhiều người không khỏi nghĩ về dân trí và nâng cao dân trí...
  • Dân trí và quan trí

    14/07/2010Bá KiênLâu nay, chúng ta vẫn hô hào phải nâng cao dân trí, thậm chí đã có nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được đưa ra nhằm mục đích nâng cao dân trí. Tuy nhiên, ít ai bàn đến việc phải nâng cao quan trí. Nhân chuyện Quốc hội sôi nổi bàn luận trách nhiệm của bộ trưởng này, đề cập việc bỏ phiếu tín nhiệm, có người đặt vấn đề đã đến lúc phải nâng cao cả quan trí...
  • Dân chủ và dân trí

    03/03/2010Lê Quý HiềnNgày nay, hai từ "dân chủ" đang được nhắc đến nhiều trong xã hội. Không ít người nghĩ dân chủ là sự thoải mái đóng góp ý kiến, bàn bạc của bất kỳ người dân nào. Trí tuệ của tập thể, của cộng đồng là cần thiết song nói như Lênin: "Chân lý không phải bao giờ cũng thuộc về số đông". Không thể có dân chủ đứng một mình mà đi kèm theo nó phải là dân trí để thành một đôi chân bước trên đường dài, vượt qua những khó khăn, cản trở phía trước.
  • “Người ta hèn là do dân trí thấp”

    07/01/2010Đoan Trang (thực hiện)Xuất thân từ một thanh niên nghèo ở Hà Tĩnh, lận đận kiếm sống bao năm, nhưng anh lại dốc hết tâm sức vào một việc rất có vẻ “vác tù và hàng tổng” - đưa sách về nông thôn - với niềm tin mãnh liệt: Dân tộc mình muốn 50 năm nữa tiến bộ thì bây giờ phải biết đọc sách.
  • Dân trí trong phát triển xã hội

    26/03/2008Trần Sĩ ChươngDân có giàu thì nước với mạnh. Dân có giàu thì dân mới có được tính độc lập và có cái thế để tạo nên lực, từ đó mới thể hiện được quyền dân chủ của mình. Lực của quan và dân có tương đối cân bằng thì Nhà nước với nhân dân mới có thể cùng phấn đấu cho mục tiêu phát triển chung của đất nước...
  • Dân trí và Dân khí

    03/10/2005GS. Trần Đình HượuHiện nay chứng ta thường nói đến việc nâng cao " dân trí", là một trong những giải pháp cơ bản đế giải quyết những tệ nạn trong xã hội , tình trạng nghèo nàn lạc hậu, khoảng cách ngày càng xa với các nước... Về mặt chiến lược lâu dài thì dân trí là một trong những khâu quan trọng nhất. Còn trước mắt biện pháp tình thế là gì? Dân trí hay dân khí?
  • Lỗi của dân trí?

    11/11/2003Thư HoàiXả rác, phóng uế bừa bãi nơi công cộng, đi lại lộn xộn trên đường phố, đeo bám quấy nhiễu du khách, mở nhạc to hết cỡ làm náo động cả xóm trong đêm... Lý giải những thói xấu đó nhiều người cho là tại dân trí còn thấp, cần nhắc nhở giáo dục. Nhưng ở đây, có thật là do dân trí thấp?
  • Lỗi của dân trí hay của nền giáo dục?

    19/04/2003Xả rác, phóng uế bừa bãi nơi công cộng, đi lại lộn xộn trên đường phố, đeo bám quấy nhiễu du khách, mở nhạc to hết cỡ làm náo động cả xóm trong đêm... Lý giải những thói xấu đó nhiều người cho là tại dân trí còn thấp, cần nhắc nhở giáo dục. Nhưng ở đây, có thật là do dân trí thấp hay do nền giáo dục?
  • xem toàn bộ