Sống nhàn thời kết nối

09:19 SA @ Thứ Sáu - 12 Tháng Ba, 2010

Thời xưa, các cụ phẩy tay áo bỏ chốn lao xao về sống ẩn chỉ cần cầm trong tay “một cuốc, một cần câu”. Ngày nay, chúng ta về sống ẩn thì nhớ cầm theo điện thoại di động và một cái laptop nối mạng. Thêm trong ba lô vài đĩa nhạc, vài cuốn sách hay thì càng tốt…

Ông bạn già sống ẩn

Một gian lều cỏ nằm khuất trong rừng. Tôi tìm đến lúc choạng vạng tối. Chủ nhà là một kiến trúc sư từng nhiều năm lăn lộn ở Sài Gòn, miền tây Nam Bộ, tác giả của tròm trèm vài mươi công trình lớn nhỏ. Khi về rừng sống ở ẩn, ông vẽ cho xứ đạo lân cận vài ngôi nhà thờ sáng sủa và “bản sắc” đến độ du khách đi qua đây không nhớ cây cỏ và con người (vì tất cả đều cằn khô, hốc hác trước cái nóng rêm trời!) mà chỉ nhớ những giáo đường đậm nét kiến trúc phương Đông.

Ông kiến trúc sư tóc bạc phơ và dáng người gầy gò ngồi rót rượu nói chuyện với khách trong sự vo ve của muỗi mòng, trong tiếng giậm chân, quất đuôi của đàn bà bên chuồng, trong tiếng tắc kè núi kêu báo hiệu một cơn bão xa. Nhưng những câu chuyện kiến trúc ngỡ như bị lạc lõng giữa không gian núi rừng ấy. Ông say sưa nói về bản vẽ thiết kế, những công trình lớn từ nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành ở Sài Gòn đến tháp nghiêng bên Ý, thành Vạn Lý bên Tàu, hoặc câu chuyện về những kiến trúc sư hiện đại lẫy lừng tận bên Tây và những lý thuyết phong thủy hay khí động học… Đầu óc ba chớp ba nháng nghe chuyện giữa rừng đêm, khi rượu đã mềm môi, tôi tự hỏi: Phải chăng ngày nay quan niệm sống ẩn đã khác? Ông bạn già không tách rời chiếc máy tính nối mạng dù đó là chiếc những ngày nối ngày mưa núi mù mịt hay những đêm dài côn trùng rỉ rả. Ông không ngừng cập nhật những đĩa hình, những quyển sách cập nhật những lý thuyết mới, bản nguyên tắc tiếng Pháp tiếng Anh chất đầy trên kệ.

Không cắt đứt hoàn toàn với thế giới, ông chỉ cất giữ thế giới trong một lều cỏ bình yên để ngắm và có thời gian chạm đến từng… sợi tóc của nó?

Được đứng ngoài thời gian mà ngắm những chuyển động vần xoay cũng là một bản lĩnh chỉ có ở những con người thực sự tự do nội tâm. Và ông bạn tôi là thế. Một người đứng bên kia dốc cuộc đời, muốn xóa tên mình trên những công trình và trong các bài viết của bạn bè. Đơn giản, chỉ vì chọn chiếc võng và cuốn sách, chọn cách sống ẩn dật và tận hưởng thời gian. Ngày tết, bạn bè chỉ thấy bóng dáng ông thư nhàn đạp xe chở người mẹ già đến chợ hoa…

Tiết giảm để mà hưởng thụ

Ngày thường, công nghệ số đã và đang lấp đầy khoảng trống của những người trẻ tuổi. Trên đường đến cơ quan, tôi tranh thủ gắn tai nghe để “đốt cháy” một đoạn đường người xe chen chúc. Trong lúc nghe nhạc, có thể điện thoại rung. Trong khi nói chuyện điện thoại thì tôi liếc qua tờ nhật báo và lập tức tò mò bởi những dàn âm thanh công nghệ mới chất lượng cao giá cực rẻ, những đĩa phim đang “hot” về doanh thu ở nước ngoài. Và ngay khi lẽ ra phải tận hưởng một ly cà phê pha phin của buổi sáng thứ bảy thì tôi lại chọn một ly đá đen pha sẵn và tranh thủ bật laptop để check mail, làm việc… Mọi thứ đều bị xén ngang, chồng chéo. Công nghệ tiện ích đang nêm chặt đời sống tinh thần của giới trẻ. Và thậm chí nó bị đẩy thái quá đan trở thành một thứ mốt. Mốt bận rộn. Thời gian tưởng chừng chẳng bao giờ đủ cho những “ tranh thủ” phương tiện.

Biết cách dùng phương tiện số để làm giàu cho đời sống tinh thần của mình mà không bị nô dịch bởi nó là điều khó với người trẻ năng động và thích nghi nhanh. Nhưng không có nghĩa là cứ quay cuồng bị nô dịch bởi mobile, iPod, máy ảnh số, laptop, internet…

Ngày tết thay vì lăng quăng xun xoe mua sắm, nhiều người chọn lấy cách dọn dẹp căn phòng mình thật tinh tươm và nằm trước dàn âm thanh vòng màn hình phẳng để xem trọn một bộ phim hay mà năm qua mình chưa kịp thưởng thức. Cũng có thể người ta chọn lựa cách tạm thời tắt điện thoại, ung dung ra phố với chiếc iPod, nghe bản Happy New Year với một tâm cảnh, xúc cảm mới, không bị nhiễu loạn bởi tiếng xe máy ồn ào, khói bụi ngờm ngợp ngày thường…

Cứ gì phải nhận vào mình quá nhiều thứ để rồi chỉ chỉ đem đến vẻ mệt mỏi và căng thẳng phải sắp xếp, chuẩn bị.

Có những người sắm một dàn máy tốt trong nội thất, sắm rạp chiếu phim tại gia nhưng rồi chẳng dành được thời gian mà tịnh tâm thưởng thức. Công nghệ trở thành… khô khốc và khiến người ta chạy tít mù để sở hữu. Bị nô dịch công nghệ, đến một lúc nào đó, mọi phương tiện đã đổ vào mình, cái cảm giác quá tải, tự dưng bạn nghĩ rằng, hóa ra mọi thứ cũng chẳng phải cứ chất đầy, nhận vào, mà cần có những lúc biết cách tiết giảm hợp lý.

Cảm nhận cuống rốn

Tôi có thói quen chụp ảnh gia đình vào mỗi sớm mùng hai tết, đó là giờ khắc đem lại nhiều xúc cảm hạnh phúc nhất trong những ngày đầu năm. Ở đó có sự sum vầy và những nụ cười và những nụ cười được lưu giữ lại. Ở đó, có sự vắng thiếu hay đủ đầy của đời sống gia đình sau một năm nhiều biến động. Những bức ảnh số sẽ lưu lại chi tiết nhất từng nếp nhăn trên khuôn mặt ba mẹ tôi, sự rạng rỡ trên khuôn mặt em tôi. Những thay đổi ấy là niềm vui. Và nỗi buồn ngậm ngùi giấu kín. Để suốt một năm xa nhà, mỗi khi bật máy tính lên làm việc, nhìn vào bức ảnh, tôi được sống lại những sáng mùng hai ấm cúng. Đó cũng là cách tận hưởng kỷ niệm tuyệt vời vào một thời khắc sum họp hiếm hoi của năm.


Tối ba mươi, những đứa con xa vẫn nghe giọng nói khản đặc của cha mình, nhìn thấy từng thành viên gia đình qua webcam. Và giờ khắc ấy, tết hiện diện thực sự không bằng bánh mứt mà bằng tâm thức con người ta hướng về nhau, giao hòa những miền thời gian- kỷ niệm của hôm qua, bồi hồi của hôm nay và ước vọng ngày mai.

Tôi hình dung đến ông bạn già sống ẩn đang đứng trâm ngâm ở bãi chợ quê nhìn gánh hoa của người mẹ móm mém. Tôi nhớ những người trẻ đeo iPod đi thảnh thơi trên phố Sài Gòn buổi sáng 30. Và tôi nhớ anh bạn độc thân dùng mấy ngày tết vào việc tận hưởng những bộ phim hay mà suốt một năm ròng trăm thứ bận rộn làm cho anh thấy thời gian bị xé vụn, chưa một giờ yên để tận hưởng. Ngày tết, thời gian của chúng ta trở nên nguyên khối. Và mọi dự định, sắp xếp đều như thừa thãi.

Ngày tết trong thời công nghiệp số cũng là lúc ta cảm nhận rõ nhất điều này: ngay cả khi muốn chọn “invisible” (chế độ ẩn) thì cuống rốn chúng ta nối với thế giới bên ngoài vẫn không thể bị đứt lìa. Và tôi tin rằng, đến cả người xưa khi vác trên vai một cuốc một cần câu cũng mong chốn ruộng nương, ao bèo nào đó hãy còn bóng dáng tha nhân để cho những câu thơ “xuất thế, hưởng nhàn” hãy còn tìm thấy được sự chia sẻ, đồng cảm.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Về vấn đề mưu cầu hạnh phúc cá nhân và ý nghĩa của nó đối với xã hội ta hiện nay

    03/05/2014PGS, PTS. Nguyễn Tấn HùngHạnh phúc và mưu cầu hạnh phúc cá nhân là vấn đề luôn được quan tâm trong lịch sử triết học. Bài viết điểm qua các quan niệm trong lịch sử triết học - cả phương Đông và phương Tây - về vấn đề quan trọng này. Thông qua cách nhìn mácxít về hạnh phúc, bài viết xác định một vài vấn đề đang đặt ra trong xã hội ta hiện nay...
  • Sốt ruột

    30/10/2009Quỳnh YênCó lẽ chưa bao giờ như ở kỳ họp này, nhiều đại biểu Quốc hội lại thẳng thắn bày tỏ sự sốt ruột như vậy về một số vấn đề lớn trong nhận định tình hình và phương hướng phát triển kinh tế xã hội hiện nay và sắp tới.
  • Phương tiện truyền thông mới và những thay đổi văn hóa xã hội ở Việt Nam

    08/08/2008Bùi Hoài SơnCó thể nói rằng, các phương tiện truyền thông mới như điện thoại di động và Internet đã làm thay đổi thế giới và cách tư duy của con người đến mức bản thân chúng ta cũng không thể hết khả năng vô cùng của nó. Trong một thời gian tương đối ngắn, những tác động của các phương tiện truyền thông mới đã tạo ra những biến đổi về văn hóa - xã hội sâu sắc ở mọi ngõ ngách của trái đất nơi chúng ta đang sống...