Sách để bày và sách để đọc
Tặng sách là một hành vi văn hoá rất đáng trân trọng và nên khuyến khích. Vì sách là sản phẩm của tri thức, của trí tuệ... được văn bản hoá, lưu truyền mãi mãi. Nhưng như lời nhà văn Anh Bernard Shaw đã nói: "Thường thì sách tặng người ta ít đọc". Phải chăng là không bỏ tiền ra mua thì người ta không thấy quý sách và không thích đọc nó hay sao?
Bày sách và… chơi sách
Một vị lãnh đạo nọ rất hay đi họp hành, hội nghị, hội thảo Hội thảo Tây Tàu ông đều đi cả. Trong đống quà tặng đủ loại ông mang về (cặp da, túi xách, đồng hồ, phù điêu… ) có khá nhiều gói là sách. Một quyển đày hoặc vài quyển vừa vừa, đều được bọc rất đẹp bằng giấy gói loại sang, lấp lánh dây kim tuyến. Nhưng có khi nó vẫn nằm im lìm, thậm chí "ngủ quên" để mạng nhện chăng đầy ở góc nhà. Ông chủ thậm chí mải công việc đến mức không buồn giở ra xem chứ nói gì đến đọc (và suy ngẫm?)...
Có thể là ông ta quá bận. Mà ông bận thật. Năm thì mười họa, thường là thư thả cuối năm, năm hết tết đến, ông hì hụi cắt dây buộc các gói sách. Chà sách đẹp quá. Bìa cứng láng bóng, giấy tốt, chắc nịch, cầm mát cả tay. Ngay lập tức chúng được bày lên giá sách to cao đồ sộ trong phòng khách. Ai nhìn vào cũng phải lác mắt, có cảm giác như lạc vào một thư viện mini vậy. Trong căn phòng sang trọng, ấm cúng, toả ánh sáng xanh dịu, những chồng sách đẹp mới, lịch sự thẳng hàng, tầng tầng lớp lớp... như một lời giới thiệu rất rõ ràng: chủ nhà là một người có học, ham hiểu biết và chắc hẳn là uyên bác. "Người có tri thức là người mạnh nhất" (M.Gorki). Chà, đáng nể ghê!
Cũng có người, bỏ tiền ra mua sách cả đống, về trang điểm, “làm sang" cho ngôi nhà của mình. "Đấy các bác xem, nhà em có gì đâu, toàn sách là sách". Sách dĩ nhiên thường lúc nào cũng đắt. Bây giờ còn đắt hơn nhiều. Song với các đại gia lắm tiền, việc sắm cho mình một tủ sách gia đình cỡ vài ngàn cuốn, chắc cũng không khó khăn gì. Vài chục triệu ư? OK! Chỉ bằng tiền xăng xe đưa đón, bia bọt khao quân... một năm chơi tennis là cùng. Hoặc bớt tí chút từ "lộc rơi lộc vãi" cũng thừa sức trong vài ngày "tân trang" lại thư viện nhà ta. Tôi đảm bảo là có nhiều cuốn chưa được giở ra trang nào. Có trang quên dọc vẫn còn nguyên. Thật tội nghiệp cho các “tiểu thư" xinh đẹp cứ im lìm nằm mãi trên giá, để hoài phí tuổi xuân xanh trôi đi cho bụi bám vàng. Trong khi ấy, ông chủ "com lê, cà vạt" vẫn đi lướt qua và ngày ngày nhìn ngắm qua cặp kính trắng hững hờ. Và rồi lại với dáng vẻ hững hờ, ông tiếp tục lướt qua.
Muốn biết đọc phải ham đọc
Nguyễn Tuân đã có lần nói "Muốn thành nhà văn ư? Phải biết đọc, biết viết”. Dù là câu nói đùa nhưng cụm từ "biết đọc biết viết" mà ông dùng có một hàm ý vô cùng sâu xa. Bởi đọc nhiều, chúi mắt chúi mũi vào sách, đâu đã phải là người sành đọc? Và ối người đọc đêm đọc ngày mà đi thi vẫn kém điểm bạn cùng lớp đọc ít hơn đấy. Hoặc có nhà văn khoe mình đã có tới vài chục đầu sách nhưng một tác phẩm thực sự (đáng để độc giả nhớ) thì chưa có. Hiển nhiên viết nhiều, đọc nhiều rất là tốt. Nó là tiền đề để người đọc tích luỹ, trau dồi, hệ thống... để hoàn thiện tri thức. Và nói chung, muốn đọc giỏi trước hết phải ham đọc đã giống như một đầu bếp giỏi phải thực sự sành ăn thì người đó phải kinh qua một chặng đường đài tích luỹ kinh nghiệm nấu nướng (một món lạ, chưa nấu bao giờ, chưa ăn bao giờ, mới nếm một lần rồi "phán như thánh" sao gọi là sành ăn được?).
Vì vậy khi độc giả rút tiền ra mua sách, thì có nghĩa là họ đã có một nhu cầu thực sự. Sinh viên mua sách để học, để trả thi. Nhà phê bình mua sách người khác đọc rồi để mà... phê (cho đích đáng). Nhà khoa học mua sách để nghiên cứu xem thiên hạ đã làm việc này đến đâu. Người khác mua sách vì ham thích, và nghe đâu đó thiên hạ kháo nhau là cuốn sách này có vấn đề, hình như nhằm vào ông A (hay bà B) đang dính vào một xì căng đan to lắm đấy... Dù có nhu cầu chính đáng, dù hiếu kì, thì việc quyết định rút hầu bao cũng là một cử chỉ rất ý nghĩa. Cuốn sách sẽ "đến tay bạn đọc" theo đúng nghĩa của nó.
Cũng khó mà trách "sếp" nọ không đọc hết sách mình được tặng. Người ta chỉ muốn đọc khi ấn phẩm đó đáp ứng nhu cầu tìm hiểu hay nằm trong vùng đang quan tâm thôi. Hơi sức đâu mà đọc "cả thế giới" bây giờ. Quỹ thời gian eo hẹp và ngày càng eo hẹp. Các nguồn thông tin lại đa dạng (tivi, Intemet phim ảnh...) cũng chiếm khá nhiều thời lượng hiện có. Những lúc ấy, cần lắm, ham lắm thì người ta mới có thể chú tâm đọc sách. Do vậy, nếu sách in dày quá, nhiều tập quá, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới năng lực đọc và chất lượng đọc. Có người đọc một đêm hết veo một cuốn tiểu thuyết. Họ có bí quyết gì chăng? Không phải! Họ đọc theo kiểu "nhảy cóc". Mỗi chương đọc một đoạn. Chỗ nào hay đọc kĩ hơn. Không hay, bỏ. Ngay cả luận án Tiến sĩ bây giờ, nhiều nhà phản biện cũng chỉ đọc những phần, những chương chính thôi. Làm sao nắm được ý tưởng và cách thức triển khai của tác giả là được. Chứ cứ nghê nga ngồi đọc "từ A đến Z" có mà hết hơi. Mà thời gian đâu cho phép? Một tuần đã phải viết xong nhận xét nghiêm chỉnh nộp hội đồng thì có "ba đầu sáu tay" cũng phải vắt chân lên cổ mà chạy mới kịp. Đọc như vậy khó có thể nói là chất lượng được.
Vậy nên, muốn đọc được thực sự cũng phải thực hiện phương pháp "vận trù học". Tức là phải thu xếp thời gian, phải định hướng và phải biết... tranh thủ. Nếu không, rất khó có cơ hội đọc hết những thứ mình cần. Mà chân lý cứ như "nước trôi qua cầu”, không nắm bắt kịp là mất cơ hội. Mất cơ hội là rất có thể, người khác sẽ vượt lên mình.
Tôi phải thừa nhận một điều, bản thân tôi ngày xưa cũng có thói quen đọc "lung tung" theo kiểu tạp pí lù. Vớ cuốn gì cho là hay là đọc lấy đọc để. Tôi đã mất khá nhiều thời gian, có lúc phải trả giá (như học kém, thi lại, hiểu chưa sâu...). Dần dần, sự từng trải cộng với bản thân công việc đã giúp tôi định hướng cho mình nên đọc gì và đọc như thế nào. Quỹ thời gian đâu có nhiều. Mà công việc đòi hỏi phải biết "khoanh vùng" thông tin cần quan sát. Tôi nghiệm ra một điều rằng, cùng với việc đọc rộng (đọc nhiều sách) còn phải biết đọc sâu (đọc nhiều lần một số cuốn sách cơ bản). Là dân ngôn ngữ, tôi đã đọc giáo trình ngôn ngữ học đại cương của Ferdinand de Saussure ít nhất ba lần, vào ba thời kì khác nhau (sinh viên, cao học và nghiên cứu sinh). Mỗi một lần, tôi lại phát hiện ra những điều cần hiểu trong luận điểm của Saussure. Nhìn lại thấy mình có lúc còn ấu trĩ, ngô nghê quá. Chính là vì, ở mỗi một giai đoạn/ tôi lại có thêm vốn kiến thức để hiểu đúng vấn đề hơn.
Vậy cho nên, cầm Tạp chí Xuất bản Việt Nam trong tay, bao giờ tôi cũng dò tìm mục sách mới in ở cuối (chắc chắn là đầy đủ các sách của tất cả các Nxb, nộp lưu chiểu trong tháng) để tìm ra những cuốn sách mình cần. Sau đó, hoặc là hỏi mượn (nếu xin được thì tuyệt quá), hoặc là vào thư viện, hoặc là phải di mua (nếu thật cần). Đấy là kinh nghiệm của tôi. Không biết là mọi người thế nào, chứ riêng tôi, cũng không mất quá nhiều tiền để mua và quá nhiều thời gian để đọc những cuốn sách mình ưa thích. Khi đã muốn đi thì chặng đường cần đến sẽ ngắn hơn.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức Phương"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015