Đọc sách thời... công nghiệp

03:51 CH @ Chủ Nhật - 16 Tháng Tám, 2009

Một nhà doanh nghiệp, bạn tôi tâm sự: “Hồi nhỏ tôi là một con mọt sách. Tôi đọc ngấu nghiến mọi quyển sách tôi vớ được. Anh có tin không? Có khi mỗi ngày tôi nuốt trọn một quyển sách dày 200 trang. Tôi đọc đủ thứ, từ chuyện cổ tích, truyện Tàu đến tiểu thuyết ta, tiểu thuyết Tây, cả đến kinh Phật và kinh Thánh. Còn bây giờ thú thật với anh, tôi không còn thì giờ để đọc sách. Nói xin lỗi anh đừng cười, tôi chỉ còn thời gian đọc lơ mơ vài trang sách trước khi đi ngủ. Có khi chưa đọc được một trang sách đã ngủ thiếp đi rồi....” Và anh than thở :”Hồi trẻ, trong đầu mình còn có tư tưởng, chứ bây giờ ... nó chỉ còn có những con số thôi, anh ạ!”...

Có thể anh bạn doanh nhân của tôi không phải là một trường hợp cá biệt. Có được bao nhiêu nhà doanh nghiệp có thời giờ để đọc sách, và hơn nữa, đọc sách như là một thú tiêu khiển? Trong thời đại bùng nổ thông tin, các doanh nhân bị buộc phải chọn lựa cái giới hạn trong những cái giới hạn: giới hạn về thời gian, giới hạn về khả năng tiếp nhận thông tin, giới hạn về khả năng sử dụng thông tin.

Đọc sách đối với họ trở thành một thứ xa xỉ, hơn nữa là một sự lãng phí. Nói như thế không có nghĩa là họ không đọc. Một điều gần như chắc chắn là, các giám đốc các công ty lớn hầu hết đều bố trí một nhân viên chuyên làm nhiệm vụ là cắt các mẩu tin quan trọng, có liên quan – hay ít nhất là các mẩu tin mà chính người nhân viên đó cho là quan trọng có liên quan đến hoạt động của công ty – và tập hợp chúng lại để trình cho “sếp’ xem vào mỗi buổi sáng. Vậy mà nhiều khi sếp cũng không xem hết nổi.

Các nhà quản trị, các doanh nhân thế kỷ 21 luôn luôn có nỗi khát khao nắm bắt thông tin. Họ có một niềm tin chắc chắn rằng, trong thời đại thông tin, ai kiểm soát được thông tin, người ấy sẽ chiến thắng. Nhưng đó là những thông tin gì? Tất cả đều tập trung vào một mục tiêu: lợi nhuận của doanh nghiệp. Hãy xem một trang web giới thiệu cho doanh nhân Mỹ một quyển sách mà họ nên đọc. Đó là quyển Think and Grow Rich (Tư duy và Làm giàu) của tác giả Napoleon Hill do nhà Wilshire Book Co xuất bản. Một độc giả say mê quyển sách đó viết :”Tôi đã đọc quyển sách này nhiều lần và tôi tham chiếu nó nhiều đến nỗi quyển sách của tôi bị nhàu và dòng nào cũng bị gạch dưới. Nó nhắc nhở tôi phải phấn đấu. Nhiều lần tôi tưởng đã đầu hàng, nhưng các chương trong quyển sáhc đã giúp tôi vững bước. Quyển Tư duy và Làm giàu đã nhắc nhở tôi rằng, những thất bại tạm thời thật sự chỉ là tạm thời”.

Doanh nhân ngày nay là những nhà chuyên nghiệp, theo nghĩa họ là những đơn vị thông tin chiều sâu trong lĩnh vực nghề nghiệp của họ và được lập trình hướng về mục tiêu vụ lợi. Họ phải như thế nếu không muốn bị thất bại. Kiến thức tổng quát trở thành một thứ không chuyên nghiệp và vì không chuyên nghiệp nó bị xếp vào loại xa xỉ. Những sách viết về kiến thức tổng quát ít khi được tìm đọc, chúng được thay thế bởi những nguồn thông tin khác cô đọng hơn, mất ít thì giờ để tiếp cận hơn, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu giao tế trong các buổi tiếp tân chiêu đãi. Chẳng hạn các nhà doanh nghiệp của chúng ta có thể dành 2 giờ đi xem phim Tomb Raider II, The Cradle of Life do Angelina Jolie thủ vai chính, nhưng không thể dành 2 ngày để đọc quyển tiểu thuyết viết về Lara Croft, The Cradle of Life của tác giả Dave Stern. Hình tượng Lara Croft đối với họ không phải là một Lara Croft dũng cảm, nhân hậu như mô tả của Dave Stern mà là một Angelina Jolie xinh đẹp, gợi cảm đang bất hoà với cha vì ông này mô tả con mình như một cô gái tâm thân, co xu hướng huỷ hoại thân thể để kích thích tình dục. Một lần nọ, tình cờ trên chuyến bay đi Hà Nội, tôi có dịp ngồi cạnh một người nước ngoài đứng tuổi, có vẻ là một thương gia. Ông say sưa đọc quyển Harry Potter, The Chamber of Secrets. Tôi hơi ngạc nhiên vì đó là một quyển sách dành cho lứa tuổi thiếu niên. Khi hỏi ra mới biết ông đang làm cho một công ty sản xuất đồ chơi trẻ em. Tôi không biết ông ta đọc sách để tiêu khiển hay để phục vụ nhu cầu nghề nghiệp.

Các công ty lớn có thể bổ sung cho khiếm khuyết về kiến thức tổng quát bằng việc thuê một nhóm chuyên viên hoạt động như bộ não chiến lược, gọi là think tank. Nhưng có bao nhiêu công ty có đủ khả năng tài chánh để làm điều đó? Trong khi chờ đợi, chúng ta đang chứng kiến một hiện tượng đáng suy nghĩ: trong một nền kinh tế đang được xem là có chiều hướng trở thành cái gọi là nền kinh tế dựa vào tri thức, nhưng chỉ có các tri thức chuyên nghiệp và vụ lợi là phát triển mạnh mẽ, còn tri thức tổng quát và vô vị lợi lại đang dần dần mai một. Chúng mai một vì không ai buồn đọc, không ai buồn tiếp thu.

Ở thế kỷ 18, 19 từ Đông sang Tây đều có những văn đàn, những nơi mà những tao nhân mặc khách đến đàm đạo chuyện văn chương, triết học. Nhờ thế, nền văn chương, thi ca và triết học đã bùng phát mạnh mẽ đến cực thịnh trong hai thế kỷ này. Còn hiện nay, người ta chỉ có những buổi làm việc có tính động não của các chuyên viên, các nhà quản trị chuyên nghiệp nhằm tìm ra những giải pháp chiến thắng trên thương trường. Ngày xưa, Quý Trát vì lời hứa tặng gươm mà đã mang gươm ra treo trước phần mộ tặng người đã chết. Đó là một chữ tín vô vị lợi. Ngày nay, chữ tín trên thương trường được xem trọng chỉ vì nó có thể mang lại những điều lợi lớn hơn về sau. Xã hội con người ở thế kỷ 21 có thể trở thành một xã hội vị kỷ, thực dụng, không thi ca. Con người tự phụ muốn chiến thắng hiện tại và chinh phục tương lai bằng kiến thức chuyên nghiệp của mình, quên đi những sự không ngoan minh triết về một nền tảng đạo đức thuần khiết vô vị lợi được tích luỹ cho nó từ hàng ngàn năm trước. Nó đã quên đi chỉ vì nó không muốn đọc lại.

Do đó, tôi thật sự hết sức ngạc nhiên khi mới đây nghe một anh bạn khác, cũng là một doanh nhân thứ thiệt, nói rằng anh đã có thể dành thì giờ để tiêu khiển với thú đọc sách. Tôi tin là anh nói thật vì thứ sách mà anh chọn để đọc không dính dáng gì đến chuyện của anh làm. Anh làm trong ngành vận tải đường biển và loại sách anh say mê là loại sách kiếm hiệp của Kim Dung.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: