Quan hệ con người - lá bài úp ngược và hộp chocolate

09:10 SA @ Chủ Nhật - 16 Tháng Bảy, 2017

Những dòng viết đầy suy tư về những mối quan hệ, tương tác đời sống trong xã hội hiện đại. Nó được tung lên blog như một gợi ý để những người trẻ cùng ngẫm ngợi, không bị trôi tuột đi bởi xu thế sống thực dụng.

Tác giả là một cô gái 17 tuổi, bút danh Mộc Thư, sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, hiện là du học sinh trung học – lớp 11 – tại Mỹ.

***

Tôi có một cái tật khá lạ kỳ, tôi luôn đếm mình sẽ phải nói bao nhiêu lần tạm biệt để đổi lại một lời xin chào. Kết quả cuối cùng tôi có được và rút gọn đi là tỷ lệ 2:1; cứ hai lần tạm biệt thì sẽ có một lời chào. Tôi lập tức hiểu rằng, chúng ta luôn phải để cho một ai đó trong cuộc đời của chính mình – ra đi mà không có hy vọng là người ấy sẽ quay về.

Tôi cũng tập cho mình dần quen với những xa cách, thiết nghĩ sẽ có một ai đó đến và ở lại, trong hy vọng mong manh.

Tôi có những mối quan hệ, kiệm lời đến khó hiểu, đến bạc bẽo, đến hời hợt. Tôi để những người ấy vào nhóm “viên chức đương thời”, dựa theo ý tưởng củaĂn phở rất khó thấy ngon (tập tản văn Nguyễn Trương Quý – NXB Trẻ, 2008).

Ngoài ra, cũng có những mối quan hệ khác cũng ít nói và thậm chí là chẳng biết nói gì với nhau như nhóm “viên chức đương thời” trên; nhưng một khi đã tìm đến, thì sẽ phải nói rất nhiều. Đào đào, xới xới, moi moi từ thời xưa như trái đất, từ những ngày đầu, từ tuổi thơ, quá khứ đến cả tương lai, cả những gì chưa biết.

Có những người tôi quen lâu; nhưng chỉ thi thoảng mới nói, dù biết chỉ cần động vào một số đề tài nào đó là có thể cùng nhau xâu xé 12 con số trên đồng hồ luôn thay đổi từng milimet một.

Không phải vì không tìm ra được sự liên hệ giữa nhau để thấy lạc lõng trong từng lời nói, không phải vì khoảng cách giữa cuộc sống của tôi và cuộc sống của họ. Nói thế nào nhỉ, một niềm tin vững chắc vào sức mạnh của họ? Có lẽ thế.

Có lẽ tôi tin rằng họ sẽ chẳng bao giờ ngã thẳng xuống tận đáy, sâu đến mức mọi thứ họ nghĩ đến là tua thẳng mọi thứ đến điểm cuối cùng kèm theo tờ giấy với vài dòng nguệch ngoạc với con chữ và cảm xúc.

Cũng có nhiều người biết một số thứ đủ để kiếm chuyện làm quà hay kiếm chút hứng thú để đàm đạo những gì khác biệt so với hằng ngày một chút. Cái chính những người như vậy, thường là tôi không tìm đến bao giờ.

Không phải vì họ không có khả năng hiểu ý của tôi, không phải vì đã có chuyện không hay ho xảy ra giữa tôi và họ; mà những gì họ đang có và sẽ có trong cuộc sống bên đấy, không bao giờ thuộc về tôi; cũng như tôi không bao giờ thuộc về nó.

Tôi nghĩ con người ta cảm thấy đồng điệu không phải chỉ thuộc ở những cái gọi cao xa là lý tưởng, là triết lý, là lẽ sống cùng một hướng nhìn với tôi; mà còn là những gì họ phải tiếp xúc và trải nghiệm hằng ngày, môi trường và hoàn cảnh.

Như người Hà Nội vào Sài Gòn hít thở cái không khí náo nhiệt vậy, thở được nhưng chưa chắc là họ sẽ yêu thích cái bầu trời Sài Gòn đấy.

Tôi không sở hữu các mối quan hệ lâu năm là mấy, đến trên đầu bàn tay năm ngón mà còn thấy quá nhiều. Tôi có ba mối quan hệ lâu dài nhất mà tôi còn có thể giữ đến tận bây giờ, tuy rằng hết cả hai dạo này chẳng thấy mặt nhau đâu; cũng một kiểu thân thân nhưng xa mặt cách lòng, cách nửa vòng trái đất và cách sáu tiếng đồng hồ bay cũng khiến cho nó bấp bênh giữa xã giao và gần gũi.

Mối quan hệ còn lại thì tới nay đã là bảy năm ròng rã; là người khiến tôi trưởng thành rất nhiều nhờ vào cái con nít vốn không bao giờ thay đổi của người bạn ấy.

Điều khiến tôi luôn ngạc nhiên là bất kể mọi chuyện gì xảy ra, cách giải quyết của bạn thân tôi luôn ngắn gọn và thẳng thừng, bất cần và ích kỷ, đơn giản và thật đến sợ hãi.

– Mày nghĩ sao nếu điều tao sắp làm sẽ vô cùng ngu ngốc?
– Mày có muốn làm việc đó không?
– Có.
– Mày có cảm thấy ngu ngốc sau đó không?
– Không.
– Tao nghĩ mày nên làm đi.

Mày ạ, bảy năm mà tao vẫn chưa hiểu hết một câu nói đầy tự do của mày. Mày nhớ không: “Làm tự do, quyết định ích kỷ”.

Mày ạ, cho là ích kỷ là yếu tố làm nên những quyết định đơn giản và đúng đắn, có phải những gì tao phải nhận lấy sau đó, dù muốn hay không thì cuộc đời này cũng sẽ lấy chúng đi từ tao không?

Nếu như đằng nào cũng mất, cũng không giữ lại được hoặc cũng sẽ phải bỏ lại ở đằng sau để tiếp tục quyết định một cái khác để nhận lấy những thứ mới mẻ thì đúng là không có gì phải lo lắng thật.

Cũng có những mối quan hệ, tôi không biết dùng từ nào để tả, cũng không biết dùng cái gì để nói. Chỉ biết khi đối mặt nhau thì chắc chắn là chỉ biết nhìn nhau, nếu không cảm thấy ngại ngùng im lặng. Chắc là vài câu hỏi thăm nhau, vài chục phút nói những gì biết ở quá khứ và thuộc về khoảng thời gian xưa cũ là nhiều lắm rồi.

Tôi tìm thấy ở những người này, tôi và họ chỉ có thể nói nhiều khi họ có cái gì để tìm đến tôi. Như kiểu quan hệ lợi dụng và ký sinh, cần thì đến, không thì sẽ bỏ mặc nhau ở xó và lắm khi còn coi nhau như dế.

Có lúc tôi nghĩ không biết đâu đó, họ có bôi xấu tôi cái gì không. Và nếu có thì tôi muốn được biết, để cảm ơn và khuyến khích, động viên hãy ghét tôi nhiều hơn đi, ghét đến tận xương tuỷ càng khiến tôi thật hạnh phúc. Thậm chí là đứng trước mặt tôi chửi “Tao hận/ghét mày”, “I hate you!”,”Je te deteste!”, “Ich hasse sie!”. Càng khoái.

Tóm lại, quan hệ nào cũng thế, cũng phải có một khoảng trống không bao giờ lấp đầy được, để chúng ta có thể luôn tìm thấy hứng thú với những gì mình chưa biết. Quan hệ nào cũng chỉ có thể là những người khách trong một bữa tiệc.

Chúng ta gặp nhau, chào nhau, nói chuyện, hỏi thăm; có thể qua một đêm ở cùng nhau và chẳng ai biết đến sáng mai, khi mỗi người đã về lại nơi của mình, sẽ có còn gặp lại nhau hay không

Quan hệ giữa người và người, có thể tình cờ và đầy hồi hộp như chúng ta đoán lá bài đang úp mặt xuống hoặc một hộp chocolate – chúng ta không biết được mùi vị bên trong nhân sau khi ăn.

Quan hệ giữa chúng ta và thế giới, mỏng manh như sợi chỉ, đầy đủ hỉ nộ ái ố, bi ai, hài hước; đầy thất vọng và kỳ vọng, đầy trớ trêu và thường tình.

Thế giới thì rộng lớn và đầy tình cờ, tôi vẫn chưa hiểu hết lý do của việc hai người gặp nhau và thấy hứng thú ở nhau. Chắc chắn phải có cái gì thú vị hơn là bề ngoài và sở thích.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Không gian tinh thần

    15/08/2017Nguyễn Trần BạtNgày nay chúng ta không thể chỉ bàn đến tự do như là quyền tự nhiên cổ xưa nữa, tự do hiện đại phải được khẳng định là các quyền chính trị, các quyền xã hội, các quyền văn hóa, các quyền kinh tế. Quyền con người bao giờ cũng được thể hiện trên cơ sở những khía cạnh như vậy. Không có kinh tế tự do, không được buôn bán làm ăn một cách tự do thì không có quyền tự do kinh tế. Không có các quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do cư trú thì con người không có các quyền tự do xã hội.
  • Quan niệm về con người trong triết học L.Feuerbach

    22/01/2007Lê Cộng SựTiếp thu những giá trị tư tưởng trong nhân bản học của Kant, đồng thời dựa trên những thành tựu mới của khoa học tự nhiên đương thời, L. Feuerbach (1804-1872) có tham vọng vươn tới việc thiết lập một nền triết học mới - triết học tương lai, lấy con người và đời sống tâm - sinh lý của nó làm đối tượng nghiên cứu cơ bản...
  • Về sự biến đổi mối quan hệ giữa cá nhân - xã hội và những suy nghĩ xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn mới

    06/01/2007Vũ Văn HạcBước vào thế kỷ XXI, vai trò của con người đối với sự phát triển lại càng chiếm vị trí nổi trội. Trong khuôn khổ của bài viết này, bước đầu, chúng tôi đề cập tới nội dung "con người" khi là thành viên xã hội, tức cá nhân, đặc biệt chú ý tới mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội...
  • Mối quan hệ cá nhân - gia đình trong bối cảnh Việt Nam đi vào toàn cầu hóa

    19/07/2005Lê ThiĐi vào hội nhập và toàn cầu hóa, xã hội Việt Nam đang chịu những tác động tích cực và tiêu cực, cả về mặt kinh tế và văn hóa xã hội. Gia đình, tế bào cơ sở của xã hội, tất yếu có những biến động khi xã hội đang thay đổi, có những đổi mới trong quan hệ giữa các thành viên gia đình, giữa cá nhân và gia đình. Vậy cần giữ gìn, phát huy vai trò gia đình như thế nào trong điều kiện mới?