Không gian tinh thần

Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group
08:40 CH @ Thứ Ba - 15 Tháng Tám, 2017

Khi nghiên cứu về sự phát triển của con người, tôi đã rút ra kết luận rằng sự phát triển của con người lệ thuộc vào hai yếu tố.

- Yếu tố thứ nhất mà từ xưa đến nay chúng ta vẫn bàn là hoàn cảnh khách quan, được thể hiện tập trung bằng thể chế và luật pháp. Những yếu tố đó vừa kiểm soát, vừa hạn chế, vừa xúc tiến con người phát triển thông qua cấu trúc các quyền con người. Quyền con người chính là vỏ vật chất, vỏ pháp chế của tự do. Ngày nay chúng ta không thể chỉ bàn đến tự do như là quyền tự nhiên cổ xưa nữa, tự do hiện đại phải được khẳng định là các quyền chính trị, các quyền xã hội, các quyền văn hóa, các quyền kinh tế. Quyền con người bao giờ cũng được thể hiện trên cơ sở những khía cạnh như vậy. Không có kinh tế tự do, không được buôn bán làm ăn một cách tự do thì không có quyền tự do kinh tế. Không có các quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do cư trú thì con người không có các quyền tự do xã hội. Sống trong một môi trường mà ở đấy con người không bị trừng phạt về mặt luật pháp nhưng bị chất vấn và níu kéo bởi các yếu tố văn hoá lạc hậu thì con người không tự do về văn hóa. Do đó, nhân quyền là sự chi tiết hóa các quyền tự do của con người. Một không gian khách quan thuận lợi cho sự phát triển của con người là không gian mà các quyền con người được khẳng định một cách đầy đủ nhất.

- Yếu tố thứ hai là trạng thái tự do bên trong của mỗi con người. Nghiên cứu các quy luật của tự do diễn ra trong đời sống tinh thần của con người là một nửa nhiệm vụ của nghiên cứu khoa học về tự do. Khi tìm hiểu về một trong những cuộc cách mạng vĩ đại nhất của con người là phong trào "Khai sáng" ở thế kỷ XVI, XVII, tôi nghĩ rằng có lẽ từ "Khai sáng" không thật đúng lắm với bản chất của cuộc cách mạng này. "Khai sáng"là hoạt động khai mở về nhận thức của đối tượng này với đối tượng kia nhưng xét theo những gì mà cuộc cách mạng ấy đem lại cho nhân loại thì nên gọi đó làthời kỳ "Thức tỉnh"mới đúng, bởi vì nhờ có phong trào ấy mà mỗi con người bỗng nhận ra mình là một cá nhân. Tuy nhiên, rất đáng tiếc rằng cho đến bây giờ một bộ phận lớn của nhân loại vẫn chưa nhận ra mình là ai, có nhiều người được giáo dục rất cẩn thận cũng không nhận ra mình là ai và có nhiều dân tộc vẫn chưa thức tỉnh một thực tế, một chân lý, một sự thật vô cùng hệ trọng đối với tiến trình phát triển của nhân loại là: mỗi chúng ta là một cá nhân.

Tôi cho rằng, cần phải đặt ra vấn đề nghiên cứu quy luật hình thành các cá nhân, cấu trúc không gian tinh thần của một cá nhân và các điều kiện cần thiết cho việc hình thành các giá trị cá nhân, hình thành cấu trúc tinh thần lành mạnh của một cá nhân. Đó là những nhận thức rất cần thiết, bởi vì, mỗi con người muốn trở thành một cá thể phát triển nhất thiết phải ý thức được rằng mỗi người đều có không gian tinh thần của riêng họ và họ phải biết rõ không gian tinh thần ấy, đồng thời để thể hiện ra bên ngoài thì họ phải có những không gian vật chất tối thiểu nào để có những điều kiện bình đẳng đối thoại theo những tiêu chuẩn thông thường. Hơn nữa con người cũng cần hiểu rằng, khi những qui luật của tự do bên trong và bên ngoài đời sống tinh thần của con người bị phá vỡ thì nó sẽ gây ra những hỏng hóc phổ biến nào và mỗi người phải làm gì để giữ gìn sự lành mạnh của chính mình. Đó là những mục đích chính của nghiên cứu này.

I. KHÁI NIỆM KHÔNG GIAN TINH THẦN

1. Cái tôi là hạt nhân cơ bản của cấu trúc đời sống tinh thần

Phân tích cái Tôi là điểm xuất phát của toàn bộ việc nhận thức lại cuộc sống và con người. Bản chất của nghiên cứu cái Tôi là nghiên cứu giá trị cá nhân.Cái tôi là hạt nhân cơ bản trong cấu trúc đời sống tinh thần của con người. Nếu không tôn trọng cái Tôi, không tôn trọng cá nhân thì chúng ta đã phá vỡ ngôi nhà tinh thần chứa đựng những nội dung cao quý của cuộc sống. Cái Tôi là một không gian phức hợp, bao gồm tất cả từ cái Tôi vật chất, cái Tôi tinh thần, cái Tôi trách nhiệm, cái Tôi quyền lực đến cái Tôi quyền lợi, cái Tôi hưởng thụ... Nghiên cứu cấu trúc của cái Tôi chính là nghiên cứu cấu trúc nền tảng tâm lý, nền tảng tự nhiên của các quyền cá nhân hay nghiên cứu triết học của nhân quyền. Cái Tôi là một từ biểu hiện tập trung nhất, cô đọng nhất nội dung của khái niệm gọi là nhân quyền. Nhân quyền là quyền của con người mà không có con người thì không thể có quyền của con người. Nếu không hiểu được cấu trúc tinh thần, cấu trúc nội dung của cái Tôi thì chúng ta sẽ không hiểu con người và mọi nghiên cứu còn lại đều không có ý nghĩa. Nghiên cứu quy luật hình thành cái Tôi, nghiên cứu nội dung cấu trúc của cái Tôi, không gian của cái Tôi... là nghiên cứu điểm xuất phát tạo ra các chính sách hay lý thuyết chính trị để tạo ra một xã hội lành mạnh và phát triển.

Cái Tôi là một không gian tinh thần trong đó không gian đầu tiên là không gian quyền lợi, đây là không gian có liên quan đến các giá trị vật chất như nhà cửa, xe cộ... Điều đó có nghĩa là khi nói đến cái Tôi phải nói đến sở hữu của cái Tôi. Sở hữu vật chất là một trong những nội dung dễ nhận biết nhất liên quan đến quyền con người. Nếu không làm rõ khái niệm sở hữu liên quan đến một con người thì tức là chúng ta tước bỏ một phần quan trọng để con người có thể có kinh nghiệm ban đầu về các quyền của mình. Suy cho cùng, khi người ta lên án cái Tôi chủ yếu muốn nói đến khía cạnh vật chất của cái Tôi. Chính cái Tôi vật chất này nếu không được tôn trọng, không được thể hiện trong nội dung của cá quyền con người thì nó sẽ trở thành xuất phát điểm của các hiện tượng tiêu cực như tham nhũng. Nếu chúng ta không giải quyết thoả đáng tất cả các quy tắc để cấu tạo nên cái Tôi chính đáng thì cái chúng ta gặt hái sẽ là hiện tượng tham nhũng mà các nước chậm phát triển đang phải đương đầu.

Không gian thứ hai quan trọng hơn và thường dễ bị tha hoá hơn là cái Tôi tinh thần. Nó bao gồm không gian quyền lực, không gian trách nhiệm, không gian nghĩa vụ, những trạng thái tâm lý, những năng lực, những giá trị tinh thần... để phân biệt cái Tôi này với cái Tôi khác. Ranh giới của con người này với con người kia chính là ranh giới của sự khác nhau về mặt nội dung của không gian này. Dấu hiệu cá nhân thể hiện ở cái khác ấy. Sự khác nhau của con người hay sự tồn tại của các cá nhân chính là một trong những tố chất mỹ học quan trọng nhất để cấu tạo nên nhân loại.

2. Cái Tôi và cái Chúng ta

Một trong những nội dung quan trọng của cái Tôi là cái Chúng ta. Chúng ta là một trạng thái phát triển của cái Tôi, một trạng thái cá biệt của cái Tôi. Chúng ta và Tôi không phải là hai không gian độc lập khác nhau. Cái Tôi là trên hết, là nguồn gốc của mọi thứ còn lại, trong đó có cái Chúng ta. Nhiều người vẫn luôn cho rằng cái Chúng ta bao trùm lên cái Tôi nhưng không phải thế, cái Tôi chứa tất cả mọi thứ. Khi nào cái Chúng ta ở bên ngoài cái Tôi, bao lên cái Tôi thì đó là trái tự nhiên.

Nếu đặt cái Chúng ta lên trên cái Tôi sẽ làm phá vỡ định nghĩa quan trọng nhất về con người. Tự do sinh ra con người, con người là chủ thể của sự đàm phán và tạo ra các khế ước. Cái Chúng ta tồn tại được là nhờ những thoả thuận mà không có những cái Tôi thì không thể có thoả thuận. Tóm lại, cái Tôi có trước, cái Tôi chứa đựng mọi thứ, cái Tôi là điểm bắt đầu của mọi quá trình xã hội. Nếu cái Tôi là cái bánh thì cái Chúng ta là yếu tố tạo ra nhân của cái bánh. Cái Chúng ta là một trong những nội dung quan trọng nhất, thể hiện tầm vóc của cái Tôi, nhưng nó không thể thay thế cái Tôi được. Nếu không có cái Chúng ta trong cái Tôi thì anh là một người xấu, nhưng nếu không có cái Tôi thì anh không thành con người.

Nghiên cứu về nội dung Chúng ta sẽ giúp làm rõ không gian nghĩa vụ và trách nhiệm trong cái Tôi. Cái Tôi biến thành cái Chúng ta thông qua không gian trách nhiệm, không gian nghĩa vụ. Không gian nghĩa vụ và trách nhiệm tạo ra phần Chúng ta trong cái Tôi, tức tạo ra tâm lý đại diện. Do đó, cái Chúng ta chính là cơ sở của lý thuyết đại diện. Nếu một người tự nhận là đại diện mà không ý thức được nghĩa vụ và trách nhiệm của mình thì người đó đại diện cho ai và hy sinh cái gì? Kẻ muốn làm đại diện thì phải biết ta đại diện cho ai, ta phải mất cái gì để thực hiện quyền đại diện, ta phải có những năng lực nào để hoàn tất nghĩa vụ đại diện. Tuy nhiên, nếu dừng ở mức độ hoàn tất nghĩa vụ thì mới chỉ đủ cho sự tồn tại của xã hội chứ chưa đủ cho sự phát triển. Có những nghĩa vụ bắt buộc và có cả những nghĩa vụ không phải là bắt buộc mà là sứ mệnh. Ví dụ, không phải ai cũng buộc phải có trách nhiệm hy sinh thân mình vì Tổ quốc nhưng có những người làm như thế. Như vậy, con người vẫn luôn có những hành vi vượt ra ngoài nghĩa vụ và trách nhiệm. Cần phải nghiên cứu cả hiện tượng này vì đó là cấu trúc Siêu Chúng ta. Cái Siêu Chúng ta là trạng thái phát triển cao của cái Tôi. Không gian Siêu Chúng ta là nơi con người tiến hành những hành động bên ngoài nghĩa vụ và trách nhiệm. Đó là những hành vi có ý nghĩa phục vụ sự phát triển của nhân loại. Nếu chúng ta không lý giải được các hiện tượng như vậy thì không tìm ra được lối thoát để phát triển nhân loại. Nhân loại tồn tại bằng ý thức trách nhiệm và tinh thần nghĩa vụ nhưng nhân loại phát triển bằng tinh thần siêu nghĩa vụ, siêu trách nhiệm, tinh thần sứ mệnh. Ý thức nghĩa vụ và tinh thần trách nhiệm là những phẩm chất cần và đủ để từng cái tôi tham gia vào tiến trình phát triển, và thứ lãnh đạo chương trình phát triển ấy chính là cái Siêu Chúng ta.

Có những cái Tôi có thể biến thành cái Siêu chúng ta, nhưng cũng có những cá thể chỉ có thể phát triển thành cái Chúng ta, thậm chí có những cá thể không phát triển thành cái Chúng ta được. Cái Chúng ta tạo ra trạng thái thông thường, đó là sự tụ họp hay sự phản ánh quan hệ của những cá thể thông thường. Còn cái Siêu Chúng ta là sự tụ họp hay phản ánh của những mối quan hệ không thông thường. Cá thể không thông thường ấy cũng là kết quả của cả hai quy luật: quy luật tự nhiên và quy luật tự do. Anh có những điều kiện tự do đến mức anh trở thành người thủ lĩnh, nhưng anh có những ràng buộc tự nhiên để có điều kiện thực hiện các ý nghĩ siêu Chúng ta. Những ai ý thứcđược về cái Chúng ta thì trở thành người đại diện còn ý thức được về sứ mệnh, về cái Siêu Chúng ta thì trở thành nhà lãnh đạo, trở thành yếu tố lãnh đạo.

Những xã hội không phát triển là xã hội mà ai cũng muốn làm to nhưng không đủ năng lực và trí tuệ để làm bất kỳ cái gì vừa vừa, tức là họ không có cái Chúng ta, họ không nghĩ đến nghĩa vụ và sứ mệnh của người đại diện. Đó là sự chiếm đoạt của những con thú lớn chứ không phải là sự thực thi nhiệm vụ của người ý thức được về nghĩa vụ và sứ mệnh. Tôi không phê phán cái Tôi mà chỉ phê phán cái Tôi không có nhân. Chúng ta vẫn thường nghe thấy những khẩu hiệu như "Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người". Nghe thì rất có lý nhưng nếu ngẫm kỹ thì rất vô trách nhiệm. Đúng ra là mỗi cá nhân hãy lo cho mình trước rồi sẽ thấy cái chúng ta ở trong mình. Một con người mà không biết yêu mình thì sẽ không yêu người khác. Ví dụ, tôi yêu công ty của tôi, tôi yêu những thành viên đã tạo ra công ty đó. Để công ty của tôi làm ăn được tôi phải yêu cái xã hội đó. Nếu anh yêu anh một cách có trách nhiệm thì anh sẽ có Chúng ta trong anh. Nếu anh không yêu anh thật thì anh sẽ hành động theo nhu cầu nhằm thoả mãn anh, tức thoả mãn cái chết tinh thần của anh.

3. Sự đa dạng của đời sống tinh thần

Mỗi một cái Tôi có những giá trị phổ biến và có cả những giá trị riêng của nó. Giá trị phổ biến của cái Tôi tạo ra nhân loại, giá trị riêng của cái Tôi tạo ra sự đa dạng của nhân loại. Nếu như nội dung phổ biến của cái tôi tạo ra sự giống nhau của con người, tạo ra cái chúng ta, tạo ra xã hội loài người thì cái khác nhau của cái Tôi tạo ra tính đa dạng. Loài người mà không đa dạng thì không còn là loài người nữa và con người có nhận ra mình là một cá nhân cũng không còn ý nghĩa nữa. Sự khác biệt của những cái Tôi hay tính đa dạng của xã hội loài người là một khách quan. Sự đa dạng tồn tại khách quan và là một thuộc tính của cuộc sống, nó là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng để cuộc sống được cân bằng. Sự đa dạng tinh thần phản ánh sự tôn trọng tính đa dạng tự nhiên của cuộc sống, nó làm tăng thêm sự đa dạng của những vật thể sống trong đời sống tự nhiên. Ở đâu cuộc sống tốt đẹp thì sự đa dạng về tinh thần được đảm bảo, không chỉ được đảm bảo trên thực tế mà còn được đảm bảo bằng thể chế. Sự bền vững của tính đa dạng chính là sự bền vững của sự phát triển.

Ở xã hội phương Đông, con người chưa kịp tự giác để trở thành một cá nhân thì nó đã bị bọc lại bởi cái bao của chủ nghĩa tập thể, thậm chí còn trước đó. Chủ nghĩa tập thể đã có từ trong truyền thuyết, đấy là nhược điểm trong nhận thức khởi đầu của đa số các dân tộc ở phương Đông, do đó chúng ta không phát triển được. Chúng ta bao gồm các cá thể yếu phải nương tựa vào nhau thành chủ nghĩa tập thể. Chúng ta không dám xẻ đàn ra. Trong truyền thuyết chúng ta duy nhất chỉ có sự xẻ đàn khi 50 người lên núi, 50 người xuống biển nhưng phải đi kèm với ông bố và bà mẹ. Truyền thuyết này thể hiện rất rõ rệt về cái gọi là chủ nghĩa tập thể và sự yếu kém của các cá thể. Chúng ta phải đi với nhau và phải đi với bố hoặc mẹ, nghĩa là chúng ta phải có nhau, tức không có cái Tôi mà chỉ có cái Chúng ta, có người lãnh đạo là bố và mẹ. Yếu tố Chúng ta ấy tố giác một điều rất quan trọng đó là chúng ta gồm những cá thể yếu mà những cá thể yếu thì không có hoặc ít có cái Tôi, và một cá thể yếu thì không xúc tiến sự phát triển được. Lịch sử dân tộc do đó luôn là lịch sử đấu tranh để giữ gìn đoàn kết, tức giữ gìn cái Chúng ta và đấu tranh để trung thành với sự lãnh đạo của ai đó. Làm như vậy chính là duy trì trạng thái chậm phát triển để bảo tồn các yếu tố phục vụ cho sự tồn tại hay đấu tranh để tồn tại chứ không phải đấu tranh để phát triển. Một xã hội văn minh là một xã hội có các cá thể trọn vẹn, tức là một cộng đồng có tính cá thể. Một cộng đồng mà không có tính cá thể hay chất lượng cá thể không trọn vẹn thì sẽ tan rã, bởi con người ai cũng sợ nhất sự giống nhau và trên thực tế con người tồn tại trên nguyên lý của sự khác nhau. Hãy thử tưởng tượng nếu con người không còn năng lực để nhận ra nhau như một cá thể nữa thì khủng khiếp như thế nào.

Tính đa dạng tinh thần của cuộc sống chính là năng lực hưởng ứng và hiểu biết của cuộc sống đối với các chương trình chủ quan của nhà cầm quyền. Rất nhiều chính phủ tưởng rằng sự đa dạng tinh thần ngăn cản sự phát triển chính trị, ngăn cản sự phát triển kinh tế, ngăn cản sự phát triển xã hội. Đó là sai lầm hoàn toàn. Sự đa dạng của cuộc sống làm cho cuộc sống có những năng lực đánh giá một cách khách quan và đúng đắn giá trị của các cố gắng chính trị của các chính phủ. Đương nhiên nó cũng có mặt ngược lại là người ta cũng đánh giá cả những mặt tiêu cực một cách cực kỳ nhạy cảm và chính vì sợ những đánh giá tiêu cực của các tiến trình chính trị cho nên người ta phải đã tiêu diệt tính đa dạng của cuộc sống, tức là về bản chất là tiêu diệt cuộc sống. Làm như vậy giống như bắt cuộc sống thở theo yêu cầu chính trị mà không được thở theo đòi hỏi tự nhiên của nó. Tính đa dạng vô cùng quan trọng, đó chính là biểu hiện năng lực sống của xã hội. Xã hội mà không được thở theo nhu cầu của nó thì xã hội sẽ héo hon, đơn điệu và xã hội thoái hoá.

4. Các tầng của đời sống tinh thần

Cái tôi là hạt nhân cơ bản trong cấu trúc không gian tinh thần của mỗi con người, vậy cái tôi ấy vận động như thế nào trong đời sống tinh thần? Để hiểu được điều đó có lẽ chúng ta cần phải có những mường tượng rõ hơn về các không gian hình thành trong đời sống tinh thần của nhân loại mà tôi gọi là các tầng của đời sống tinh thần.

Tầng phổ biến nhất trong đời sống hàng ngày chính là Tầng Thực dụng. Để tồn tại, con người phải sống ở tầng thực dụng, phải lặn lội trong tầng thực dụng, phải giành giật trong tầng thực dụng. Nhưng nếu cho rằng con người chỉ có tầng thực dụng thôi và xem đấu tranh giai cấp là quy luật chi phối chủ yếu sự phát triển của loài người thì lại là sai lầm và sai lầm này đã được chứng minh trên thực tế. Để tồn tại, con người phải giải quyết các mâu thuẫn của tầng thứ nhất, tức là tầng thực dụng, tầng sinh tồn. Nhưng con người không chỉ sống ở tầng thực dụng mà còn sống cả ở Tầng Tư tưởng nữa. Công cụ tư tưởng hình thành bên ngoài đời sống thực dụng để duy trì những thói quen tinh thần của con người tức là làm cho những nét căn bản của con người trong văn hóa và tư tưởng không bị biến mất. Nó là công cụ để tập hợp, để hướng dẫn trong những hoạt động phi thực tế của con người. Như vậy, đời sống tư tưởng là đời sống có sự hướng dẫn của hệ tư tưởng hoặc là văn hóa, nó nằm bên trên, tách bạch ra khỏi đời sống thực dụng của con người. Đời sống tư tưởng là đời sống hưởng thụ của con người đối với những kinh nghiệm đã được khái quát hoá từ đời sống thực dụng, do đó, giống như trạng thái thực dụng của con người, trạng thái tư tưởng cũng là một trạng thái có thực.

Nhưng đời sống tư tưởng cũng không phải là chặng cuối cùng của con người vì con người còn phải trở nên cao thượng. Tư tưởng chỉ làm cho con người trở nên tự giác chứ chưa làm con người trở nên cao thượng. Ngay cả ở trong tầng tư tưởng, con người vẫn có những cuộc tranh giành ảnh hưởng, vẫn tiếp tục có những mâu thuẫn không giải quyết nổi, con người vẫn không thống nhất được, do đó con người vẫn có bất hạnh. Và con người đã tìm cách khắc phục cái bất hạnh trong tầng tư tưởng của đời sống bằng Tầng lý tưởng. Cái khiến con người trở nên cao thượng chính là các giá trị lý tưởng. Tầng lý tưởng là nơi con người trở thành thần thánh hay là nơi con người gặp trạng thái thần thánh của chính mình. Cái đó có thật không? Chắc chắn là có thật. Nếu không có tầng thần thánh thì làm sao có thần thánh. Tầng thần thánh của đời sống tinh thần con người tạo ra các thần thánh, bởi vì thần thánh cũng vẫn là sản phẩm của con người. Đó là trạng thái siêu thoát, trạng thái lý tưởng của con người. Đấy là nơi con người thu xếp với nhau. Ở đó con người không đấu tranh với nhau, con người hưởng thụ tất cả cái tinh khôi của đời sống tinh thần, tất cả sự cao quý của đời sống tinh thần. Trong đời sống thật của con người tồn tại cả ba tầng như vậy và con người luôn tự cân bằng giữa ba tầng ấy. Con người vừa là con người tích cực tức là thực dụng, vừa chủ động tức là tư tưởng, vừa hướng thiện tức là lý tưởng. Ba trạng thái ấy chính là ba trạng thái phát triển của các phẩm chất của con người. Đấy là lối thoát tinh thần của con người. Đấy là công nghệ sống của con người và đấy chính là hình ảnh trọn vẹn của sự phân bố các quyền tự do lên đời sống tinh thần của con người.

Để duy trì được trạng thái cân bằng giữa các tầng của đời sống tinh thần, điều kiện quan trọng nhất, có vai trò quyết định nhất mà con người cần có là Tự do. Tự do có giá trị như là một thứ dung môi tạo ra sự dịch chuyển tự nhiên của con người giữa các tầng khác nhau của đời sống tinh thần. Tự do tạo ra sự luân chuyển một cách duyên dáng các trạng thái khác nhau của đời sống tinh thần phù hợp với đòi hỏi của đời sống cá nhân. Đó là một trong những vai trò cực kỳ quan trọng của tự do. Tự do là một chất dầu bôi trơn để tạo ra sự trôi nổi tự nhiên của cái Tôi ở những trạng thái khác nhau từ thực dụng đến thần thánh trong đời sống tinh thần của con người. Nó tạo cho con người trạng thái cực kỳ đáng yêu, làm cho con người không có những nỗi ngượng vu vơ, hoặc là vẫn giữ được sự e lệ cần thiết của đời sống tinh thần. Con người nhiều khi có những nỗi ngượng ngăn chặn, bóp chết rất nhiều cảm hứng, nhưng con người bằng sự thực dụng thái quá cũng làm mất đi sự e lệ để tạo ra vẻ đẹp cần thiết của đời sống tinh thần. Tự do tạo ra sự dịch chuyển, sự xuất hiện một cách duyên dáng, một cách dễ chịu, một cách kịp thời những trạng thái phù hợp với đòi hỏi của đời sống. Nếu trong con người khô cứng, thiếu dầu bôi trơn thì nó không ở trạng thái dễ dịch chuyển, do đó, con người rất khó vận hành để lôi ra từ trong ký ức của mình những trạng thái tinh thần phù hợp với đòi hỏi tức thời của cuộc sống, trong trạng thái ấy, con người rất dễ mất cân bằng.

II. TRẠNG THÁI THIẾU TỰ DO VÀ SỰ MẤT CÂN BẰNG CỦA ĐỜI SỐNG TINH THẦN

Ở một bộ phận lớn của thế giới là khu vực chậm phát triển, hiện tượng cái Tôi bị thoái hoá xảy ra rất phổ biến. Đây là một vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu bởi nếu các cá nhân, tức là các viên gạch mà hỏng thì làm thế nào để thể xây dựng một xã hội lành mạnh, làm thế nào để thể thúc đẩy xã hội phát triển. Theo ý kiến của tôi, cái Tôi là hình ảnh của cuộc sống được phản ánh vào trong tinh thần của mỗi cá nhân. Bàn về sự tha hoá của cái Tôi là bàn về ảnh của cuộc sống được phản ánh vào trong con người. Cái ảnh ấy nếu bị hỏng tức là cá nhân ấy không chụp được một cách chính xác các cấu trúc của cuộc sống, anh ta có những dị tật mà vì nó anh ta đã nhận dạng cuộc sống một cách méo mó. Những dị tật ấy chỉ có thể là kết quả hoặc của sự mất cân bằng sinh học hoặc của sự mất cần bằng trong đời sống tinh thần. Ở đây, tôi chỉ phân tích những biểu hiện tha hoá của cái tôi như là biểu hiện của sự mất cân bằng trong đời sống tinh thần và mối quan hệ của nó với trạng thái thiếu tự do.

1. Mối quan hệ giữa trạng thái thiếu tự do và sự mất cân bằng của đời sống tinh thần

Tại sao đời sống tinh thần của con người lại trở nên mất cân bằng? Liệu có mối liên hệ nào giữa trạng thái thiếu tự do với sự mất cân bằng của đời sống tinh thần? Tôi cho rằng chính trạng thái thiếu tự do đã gây ra sự mất cân bằng trong đời sống tinh thần của con người. Tự do là nguồn gốc sự phát triển của con người. Nếu không có tự do thì không có tiền đề, không có không gian ban đầu, không có sự sạch sẽ tâm hồn để con người tiếp nhận tất cả các khả năng tìm kiếm lối thoát phát triển, tức là không có miền năng lực. Sự hạn chế của không gian tự do bên ngoài và bên trong đã làm cho cái tôi thoái hoá mà biểu hiện rõ rệt nhất là sự mất mát năng lực.

Có thể nói, trạng thái thiếu tự do là trạng thái phổ biến trên toàn thế giới. Nói một cách chính xác là đại bộ phận con người đang ở trong trạng thái thiếu tự do bởi vì họ không có tự do hoặc là nó bị kìm hãm không được quyền tiếp cận với tự do, họ được giáo dục để không hiểu hết các giới hạn mới của tự do. Điều quan trọng là họ không nhận ra rằng mình không phải là con người. Hàng ngày, người ta vẫn được hướng dẫn là phải đi theo con đường mà người này hay người kia chọn. Không mấy ai nhận thức được rằng họ có quyền chọn con đường mà họ thích chứ không phải con đường đã được chọn sẵn. Khi không có tự do về mặt tinh thần thì con người sẽ không sáng tạo được và không thể là chính mình và do đó cũng không thể tự chịu trách nhiệm về mình. Như vậy có nghĩa là sự mất cân bằng trong đời sống nhận thức do tác động từ bên ngoài là một nguyên nhân đẩy con người vào tình trạng mất năng lực.

Tình trạng thiếu tự do không chỉ tồn tại ở bên ngoài các các thể mà nó còn xảy ra ở bên trong mỗi cá thể, tức là trạng thái thiếu tự do còn tồn tại dưới một dạng khác, đó là con người không tự do đối với chính mình và con người không ý thức được sự tồn tại có thật của các tầng của đời sống tinh thần. Đây cũng là một nguyên nhân khiến con người mất năng lực. Chính sự thiếu tự do trong đời sống tinh thần khiến cho con người lạc vào một tầng cá biệt của đời sống tinh thần và ngộ nhận rằng đó là tầng duy nhất của cuộc sống. Sai lầm của con người thiếu tự do bên trong chính là người ta nghĩ rằng mỗi một tầng như vậy là cái duy nhất. Những người ở tầng trên khinh thường những hoạt động trong tầng dưới. Những kẻ ở tầng dưới khinh bỉ sự vu vơ của con người ở tầng trên. Con người chỉ không dám động chạm đến tầng thần thánh - tầng lý tưởng, vì đấy là sự trọn vẹn của con người mà con người không dám động đến. Nhưng sự khiếp sợ của con người đối với tầng lý tưởng cũng là một dấu hiệu tiêu cực, bởi vì con người không đến đấy, con người chỉ đứng ngoài đấy. Con người không đủ các phẩm hạnh tốt đẹp để có thể hưởng thụ cảm giác thần thánh mà mình tạo ra cho chính mình thì sẽ khiếp sợ, sẽ bị khuất phục, sẽ bị thôi miên bởi những chất lượng thần thánh của người khác. Và đấy cũng là một biểu hiện của sự mất cân đối trong đời sống tinh thần. Nhiều người cứ lạc mãi vào trong một tầng nào đó và không thoát ra được vì họ không có không gian tinh thần đủ tự do để lôi họ ra khỏi sự mê muội ấy. Con người phải đủ khả năng lên-xuống, vào-ra ở các miền khác nhau của đời sống tinh thần. Tức là con người phải được giáo dục để hiểu rằng đời sống tinh thần của con người bao gồm cả ba miền như vậy, con người phải có năng lực sáng tạo ở cả ba miền ấy, phải có đủ dũng cảm và tự tin để đi đến các miền khác nhau của đời sống, nếu không con người sẽ trở thành kẻ khiếp nhược và mất năng lực.

2. Sự mất mát năng lực - Hệ quả của sự mất cân bằng của đời sống tinh thần

Mất năng lực phản ánh sự thật

Năng lực đầu tiên mà con người nhận biết được là năng lực nhận thức và phản ánh cuộc sống trung thực như cuộc sống vốn có, đó là một năng lực mang chất lượng triết học. Cái Tôi chỉ có thể được coi là lành mạnh khi cuộc sống và cả những biến dạng của cuộc sống được phản ánh một cách chính xác trong nó. Do đó, ranh giới giữa cái Tôi lành mạnh và cái Tôi không lành mạnh được xác lập theo năng lực nhận thức cuộc sống hay năng lực phản ánh sự thật. Con người là một lăng kính đa diện, lăng kính đó có thể phóng to và thu nhỏ các mặt khác nhau của đời sống. Xét nghiệm hình ảnh cuộc sống trong cái Tôi sẽ hiểu được các dị tật hay khuyết tật của con người. Sự tha hoá của cái Tôi chính là sự biến dạng, sự mất cân đối của hình ảnh cuộc sống trong tâm hồn mỗi con người thông qua nhận thức.Sự tha hoá của cái Tôi một phần là do những nguyên nhân chủ động, đó là khi con người dối trá. Dối trá là sự tha hoá chủ động, có dụng ý của cái Tôi và con người bắt đầu mất đi sự trung thực, cũng chính là mất đi năng lực phản ánh sự thật.

Tuy nhiên, một nguyên nhân nữa đáng nói hơn vì nó nguy hiểm hơn, đó là việc nhận thức sai do sự áp đặt. Khi con người nhận thức chủ quan do sự áp đặt thì sẽ có những quyết định chủ quan. Ở một số quốc gia chậm phát triển, con người chìm đắm trong một luồng tư tưởng 50-60 năm về mặt chính trị, lúc nào cũng quanh quẩn với một loại tư tưởng và vì thế đã tự tiêu diệt năng lực nhận thức một cách chủ động của mình. Nhiệm vụ của mỗi con người phải là nhận biết cuộc sống nói gì nhưng người ta lại đào tạo rất nhiều trí thức mà những vấn đề họ nghiên cứu không phải là cuộc sống nói gì mà vẫn là những người vĩ đại ở thế kỷ trước nói gì. Nghĩa là họ nhận thức cuộc sống không phải qua chính nó mà qua ảnh của nó mà ảnh đấy được chụp từ thế kỷ trước. Ngay cả khi những người vĩ đại ấy có năng lực phản ánh đúng sự thật cuộc sống ở thời của họ thì những điều họ nói chưa chắc đã đúng trong thời nay. Thời của họ chưa có Internet, chưa có điện thoại... nên họ khó mà có thể hình dung ra cuộc sống thời nay. Là những thiên tài, họ có thể dự báo nhưng không thể hình dung được và cũng chỉ có thể dự báo định tính chứ không thể dự báo định lượng. Họ không thể dự báo được rằng có 2 hay 20 triệu điện thoại đang được sử dụng ở Đức hay ở Nga và cuộc sống có 20 triệu điện thoại khác xa, thậm chí đã khác về chất, so với cuộc sống chỉ có 2 triệu điện thoại. Nếu tiếp tục nhận thức quá khứ thay cho nhận thức cuộc sống hiện tại có nghĩa là tiếp tục duy trì định kiến hay giáo điều đối với mỗi cá nhân và đó là cách chắc chắn nhất dẫn đến những cái Tôi hỏng. Đời sống tinh thần khi đó trở nên mất cân bằng, cái Tôi không còn giá trị nhận thức nữa, thậm chí, cái Tôi bắt đầu gây tội ác. Cái Tôi khi nhận thức sai sẽ gây hại cho chính nó, bởi vì, về cơ bản con người nhận thức và hành động cho những lợi ích của mình, cho nên, khi con người nhận thức sai, chụp ảnh cuộc sống sai thì con người tự dẫn mình đến những chỗ sai và tạo ra sự thất thiệt cho chính mình. Khi nhận thức sai, con người sẽ mắc phải sai lầm trong quá trình tương tác với xã hội. Những sai lầm đó, đến lượt mình, sẽ tất yếu dẫn đến những thất thiệt cả về vật chất lẫn tinh thần. Đối diện với sự thất thiệt này, con người sẽ rơi vào cảm giác hoảng loạn vì bị mất mát quyền lợi. Cảm giác hoảng loạn đó là điểm bắt đầu của chu trình biến dạng của cái Tôi. Kết luận này cũng đúng đối với cái Tôi dân tộc. Do đó, nghiên cứu cái Tôi là nghiên cứu vai trò của nhận thức đối với hành động của một cá nhân cũng như với việc hoạch định chính sách của một dân tộc .

Mất năng lực xấp xỉ tương lai

Con người không có khả năng tưởng tượng ra những yếu tố mới cho sự phát triển thì có thể là do năng lực sinh học nhưng năng lực sinh học không phải là vấn đề nghiên cứu của bài viết này. Mục tiêu của tôi là nghiên cứu những hạn chế phổ biến của xã hội đối với năng lực hình dung ra tương lai của con người. Sự mất mát năng lực xấp xỉ tương lai sẽ khiến cho con người không còn là con người lành mạnh nữa. Nói cách khác, quá trình thoái hoá của cái Tôi chính là quá trình thoái hoá của năng lực xấp xỉ tương lai của mỗi một cá nhân. Cho nên, khi nghiên cứu sự lành mạnh của một xã hội, chúng ta phải nghiên cứu sự lành mạnh của quá trình hình dung hay xấp xỉ tương lai của các cá nhân trong xã hội.

Nhận thức là sự phản ánh của chủ thể nhận thức về đối tượng nhận thức và trên một bình diện rộng lớn thì đấy chính là cuộc sống. Nhưng thông thường, trình độ nhận thức của con người không đo được ngay tất cả các khía cạnh của cuộc sống hay các giai đoạn, các trạng thái khác nhau của cuộc sống. Có những giai đoạn có những thành tố xuất hiện mà với kinh nghiệm tại thời điểm quan sát, con người chưa đủ năng lực để đánh giá đúng. Cho nên, trong nhận thức có một giai đoạn suy tưởng, tức là dùng trí tưởng tượng để hình dung về những đối tượng mới, những thành tố mới. Đấy chính là quá trình xấp xỉ tương lai của mỗi cá nhân. Con người luôn luôn cố gắng nhận thức một cách gần đúng tương lai của mình nhưng con người không đoán được hết tương lai mà luôn xấp xỉ tương lai và tương lai của con người phụ thuộc rất nhiều vào năng lực xấp xỉ ấy. Nhận thức có thể là một quá trình cao hơn, chuyên nghiệp hơn nhưng ở đây, chúng ta nói đến nhận thức phổ biến, tức là những nhận thức tối thiểu, về những điều kiện cần và đủ tối thiểu để mỗi người nhận thức tương lai hay hình dung ra tương lai của mình. Ở những xã hội như Trung Quốc hay Nga, con người không hình dung ra tương lai của mình cho nên có những trường hợp trở thành tỷ phú đột ngột rồi lại rơi vào tình trạng nghèo khổ một cách đột ngột; thậm chí, có những nhà khoa học từng được xã hội kính trọng còn bán mình cho những thế lực đen tối, đó chính là những người bị mất cân bằng trong tương lai mà họ không có năng lực hình dung. Hoặc ví dụ như ở xã hội chúng ta, hầu hết mọi người đều không có năng lực xấp xỉ tương lai của mình. Từ năm 1986, chúng ta bắt đầu mở cửa và có tiền, nhưng cũng từ đó chúng ta có thêm tất cả các khuyết tật của việc tiêu tiền. Điều đó cho thấy khi không có năng lực xấp xỉ tương lai, con người sẽ bị mất thăng bằng trong tương lai mà họ không dự báo được.

Tương lai được cấu trúc từ trong quá khứ thì đấy chính là tha hoá. Thông thường, con người có những lúc nhớ đến quá khứ và có những kỷ niệm về quá khứ nhưng không quay lại quá khứ và sống bằng quá khứ, đấy là con người lành mạnh. Nhưng cũng có rất nhiều người không tìm thấy tương lai nên họ quay lại tìm chính bản thể của họ trong quá khứ và đi giật lùi đến tương lai, đấy chính là những con người không lành mạnh. Con người nào cũng cần phải nhìn thấy mình trong tương lai, khi con người không còn nhìn thấy mình nữa là con người đã chết về mặt tinh thần. Khi con người không có tương lai thì quá khứ trở thành hình mẫu của tương lai. Con người không có khả năng tưởng tượng hay không có khả năng sáng tạo, con người quanh quẩn với những hình mẫu cũ thì tức là con người không có năng lực phát triển. Quá trình phát triển của một cá nhân chính là tế bào mẫu của quá trình phát triển của xã hội, cho nên khi số đông nhìn thấy mình trong quá khứ thì xã hội không phát triển. Con người cần phải có năng lực hoạc định tương lai; tương lai ấy có cả bóng dáng của quá khứ, hay nói cách khác, một tương lai có sự kế thừa quá khứ một cách rõ ràng và đó chính là trạng thái lành mạnh nhất của con người khi hoạch định và vươn tới tương lai.

Cần tìm cách phá bỏ các hạn chế một cách phổ biến của xã hội đối với năng lực tiếp cận tương lai của con người. Tương lai không chỉ là lời hứa, tương lai là trạng thái ngày mai của con người và hôm nào con người cũng cần phải có ngày mai của mình. Con người phải hình dung tương lai một cách liên tục và đó chính là con người lành mạnh. Nói cách khác, dấu hiệu quan trọng chứng minh sự không thoái hoá của Cái Tôi là năng lực duy trì liên tục khả năng hình dung ra tương lai. Tương lai là quá trình duy nhất được gọi là cuộc sống, con người không hình dung ra tương lai nữa thì đối với con người cuộc sống đã dừng lại. Cũng như khi chúng ta tìm thấy một con người lạc vào trong rừng 20 năm, có nghĩa là cuộc sống và sự phát triển dừng lại với người đó từ ngày anh ta bị lạc vào trong rừng. Sự khác nhau giữa người không lạc vào trong rừng và người lạc vào trong rừng là ở chỗ người không lạc tham gia một cách liên tục vào cuộc sống kể từ ngày người kia bị lạc và không lạc hậu với các nhịp điệu cuộc sống. Một dân tộc đóng cửa, không liên lạc với thế giới bên ngoài, chỉ quanh quẩn với những vấn đề của mình, chỉ giữ gìn bản sắc của mình thì dân tộc ấy sẽ bị bỏ quên, bị "lạc" trong cuộc sống. Đó là lý do chúng ta phải cải cách văn hoá để có một nền văn hoá mở tạo ra một dung môi tinh thần để ở đấy con người không lạc hậu và có năng lực xấp xỉ, tưởng tượng ra tương lai của mình.

Mất năng lực hướng thiện

Một trong những năng lực cơ bản quan trọng của con người là hướng thiện. Cái thiện chính là tôn trọng các quy tắc nhân đạo. Hướng thiện thực chất là làm tăng chất lượng của lẽ phải tâm hồn con người, là tôn trọng các quy tắc để con người sống với nhau. Con người liên kết tất cả các lẽ phải thông qua tình cảm của mình. Tình cảm của con người vươn tới đâu, tạo ra mối liên kết tới đâu thì giá trị của con người hình thành đến đấy. Đấy chính là sự phát triển toàn thiện về cả nhân cách và trí tuệ.

Khi con người không có tự do thì con người không thể tự lập. Sự thiếu tự do đã làm cho con người mất mát những năng lực cơ bản và trở nên những sinh vật luôn phụ thuộc vào những nhận thức được áp đặt. Do đó mà họ cũng mất luôn cả lòng tự trọng. Khi con người không còn lòng tự trọng thì đương nhiên là họ cũng không có danh dự. Mặt khác, sự thiếu các điều kiện tự do bảo đảm cho sự phát triển và tồn tại của cái Tôi trong xã hội cũng khiến cho con người dần dần không còn cảm giác về danh dự của mình nữa. Danh dự là một cảm giác mang chất lượng sở hữu cá nhân. Khi nào danh dự trở thành sở hữu cá nhân thì đó chính là điểm phát triển cao nhất của ý thức hướng thiện. Trạng thái đóng góp của các danh dự cá nhân đôi lúc tạo ra danh dự tập thể, nhưng danh dự tập thể không phải là trạng thái thường xuyên mà ngay cả tập thể có danh dự thì nó cũng bị phân chia thành từng mẩu một và được chứa đựng trong từng cá nhân. Danh dự tập thể chính là cái Chúng ta mà cái Chúng ta là nội dung của cái Tôi. Khi cái Tôi không được bảo hộ hoặc bị tấn công hay hướng dẫn một cách bừa bãi thì nó sẽ bị phá hoại. Phá hoại cái Tôi chính là phá hoại những nhân tố cơ bản tạo ra xã hội. Tại sao xã hội trở nên lộn xộn? Đó là vì cái Tôi đã bị tiêu diệt. Ở một đất nước anh hùng nhưng không ai dám nói tôi là một cá nhân anh hùng trong tập thể anh hùng ấy thì có nghĩa là trong tâm hồn mỗi người không có niềm tự hào cụ thể, có nghĩa là con người không có danh dự cụ thể.

Con người không có cảm giác danh dự thì không phải là con người. Phải có danh dự thì mới biết thương yêu con người. Nếu tôi yêu một con người bằng danh dự của tôi thì tôi mới trở thành một con người được. Nhân cách của một con người phát triển cùng với tình yêu của người đó. Danh dự là một chỉ tiêu mang chất lượng tinh thần, không có sự cân bằng của đời sống tinh thần, không có sự nâng đỡ của tâm hồn thì con người không có danh dự và do đó không có lối thoát phát triển. Ở những quốc gia mà con người không có danh dự thì không thể có sự phát triển, bởi vì con người không có danh dự thì không thể đứng trước người khác được, nhất là người khác chủng tộc. Không đủ tự tin để đứng trước ai cả thì làm thế nào để trở thành con người và bằng cách nào để hình thành các năng lực được?

Không có cách gì để thiếu danh dự mà phát triển lành mạnh được. Người ta không thể làm cho xã hội trở nên tốt đẹp nếu thiếu danh dự. Nếu thiếu danh dự thì mọi sự phát triển đều biến thành sự phát triển của những yếu tố tiêu cực. Một dân tộc muốn trở thành dân tộc lành mạnh thì mỗi con người phải trở thành một con người hoàn chỉnh, cân bằng về mặt tinh thần. Mỗi một con người phải xác nhận giá trị của mình thì mới có giá trị đóng góp cho cuộc đời. Đấy chính là tự trọng. Tự trọng là nguồn gốc của cảm giác danh dự. Nếu không tự trọng thì không có cảm giác danh dự, mà không có danh dự thì con người không thể là con người lương thiện.

III. CÁC YẾU TỐ LÀM HẠN CHẾ TỰ DO

Qua các phân tích về sự tha hóa của cái tôi, chúng ta đã thấy được những ảnh hưởng của trạng thái thiếu tự do đối với chất ượng phát triển của con người. Vậy cái gì ngăn cản con người, cô lập con người khỏi tự do? Tôi cho rằng về cơ bản có hai loại nguyên nhân đến từ bên ngoài và phát sinh từ bên trong mỗi người.

1. Sự ngăn cản của các yếu tố bên ngoài.

Không gian vĩ mô bên ngoài là không gian có những tác động rất lớn đối với trạng thái tự do của con người. Theo quan điểm của tôi, sự thiếu tự do ở không gian bên ngoài chủ yếu là do sự kìm hãm của những yếu tố như Nhà nước, Hệ Tư tưởng, Văn hoá và sự Nghèo đói.

Nhà nước:Tự do bị kìm hãm phần lớn bởi chính quyền lợi của nhà nước, hay nói cách khác là nó bị ràng buộc bởi nhà nước. Hầu hết các trạng thái này thuộc về các nước chậm phát triển. Ở đó người ta sử dụng công cụ nhà nước như là một phương tiện để bảo vệ một nhóm lợi ích nhỏ và do đó vô tình tiêu diệt hoặc hạn chế tự do của người khác. Vậy điều đó diễn ra như thế nào?

Nhà nước là người điều hành, điều chỉnh toàn bộ cái gọi là khế ước xã hội. Khế ước xã hội chính là cái kho chứa đựng các quyền tự do cá thể khi nó được góp vào, còn nhà nước chính là người điều khiển và sử dụng cái kho tự do ấy. Nhà nước là một lực lượng xã hội bởi nếu thống kê chúng ta sẽ thấy số lượng công chức nhà nước cũng chiếm một tỷ lệ phần trăm dân số. Trong một chế độ chính trị mà nhà nước có đảng chính trị của nó, có quân đội của nó, có nền kinh tế của nó, thì nó là một lực lượng xã hội có những quyền lợi riêng, do đó có sự tranh chấp quyền lợi của nhà nước với xã hội. Sự tranh chấp quyền lợi giữa nhà nước với xã hội góp phần hạn chế tự do của con người. Những nhà nước như vậy là nhà nước phi dân chủ. Ở những nhà nước phi dân chủ, phần tự do do con người góp vốn không những không được sử dụng hiệu quả mà còn bị sử dụng như là công cụ để kìm hãm phần tự do còn lại của con người. Con người không có quyền thảo luận về các quyền của mình, con người bị kìm hãm bởi quyền lợi của nhà nước thì thực ra đó là cuộc sống có chất lượng nô lệ. Thế nhưng nhiều nhà nước vẫn cho rằng đó là thành tích của nhà nước, tức là lo cho dân. Suy cho cùng, giải phóng nô lệ không phải chỉ vì lòng nhân đạo đối với mỗi một con người. Sự hình thành của tất cả các hình thái nhà nước đều có nguồn gốc từ sự đòi hỏi phát triển, tức là một hình thái nhà nước biến mất và bị thay thế bởi một hình thái nhà nước khác tích cực hơn là do nhu cầu của con người về một chế độ chính trị ngày càng ưu việt. Chính vì thế, ở bất kỳ đâu mà nhà nước nói to về nghĩa vụ và thành tích của mình lo cho dân thì đó là bằng chứng không gì hùng hồn hơn để chứng minh sự lạc hậu về chính trị và sự chậm phát triển về kinh tế của quốc gia đó. Tất cả những nhà nước chân chính đều được sinh ra bởi nhân dân, đều là sản phẩm của xã hội, tức là nhân dân phải đóng thuế cho sự tồn tại của nhà nước chứ nhà nước không lo cho sự tồn tại của nhân dân. Cần phải lên án mạnh mẽ nếu các nhà nước vẫn tiếp tục “lo” cho dân theo những tiêu chuẩn của nhà nước vì đó là ràng buộc tự do của người dân. Con người không có quyền tự lo cho chính mình, không có quyền hoạch định tương lai của mình thì tức là không có con người, không có các quyền cá nhân. Tinh thần tự do của thời đại đòi hỏi rằng không ai có quyền nhân danh lo cho nhân dân yên ổn mà không chú ý đến các quyền cá nhân, quyền nhân thân cụ thể. Sự bảo hộ của nhà nước đối với đời sống của người dân càng lớn thì tức là con người không được tôn trọng, các quyền con người không được tôn trọng.

Nhà nước là một ranh giới nhân tạo có tính chất tất yếu của tự do. Nhưng điều cần lên án là những nhà nước phi dân chủ đã vượt qua cả giới hạn tất yếu đó để kìm hãm tự do của con người, trở thành lực lượng chèn ép cuộc sống. Đó là những nhà nước mà ở đó những quyền cơ bản của con người không được thảo luận và đảm bảo thực thi trên thực tế. Khi nào xã hội chưa được quyền thảo luận về quyền con người thì chưa thể phát triển được. Không có một chính phủ tiên tiến nào có thể tạo ra sự tiên tiến thật sự của quốc gia được nếu con người ở đó không nhận thức đầy đủ về các quyền con người của mình. Đấy là bài học của các nước châu Á. Chính phủ Triều Tiên tiên tiến nhưng không đồng nghĩa với xã hội Triều Tiên là xã hội phát triển, do đó phải trả giá bởi sự khủng hoảng. Malaysia là một nước có chính phủ tiên tiến, nhưng xã hội Malayxia cũng không phải là một xã hội tiên tiến, do đó Malaysia không đi xa được. Vì thế tự do chính trị là đòi hỏi không thể không chấp nhận được vì sự phát triển của từng cá nhân con người. Vấn đề quyền con người không phải là tiêu chí chính trị mà đó là một đòi hỏi của sự phát triển bền vững, sự phát triển trên nền tảng phát triển của từng cá nhân. Nếu nhà nước nào không được xây dựng trên cơ sở lý luận như vậy thì nó sẽ tiếp tục là một trong những nhân tố gây ra sự thiếu tự do của con người.

Tư tưởng:Hệ tư tưởng không phải là cái đích, không phải là mục tiêu của các dân tộc mà hệ tư tưởng là phương tiện của nhận thức. Vấn đề cần lên án chính là ở chỗ người ta áp đặt hệ tư tưởng lên trên nhận thức của con người và tiêu diệt khả năng tự do nhận thức, tự do tư tưởng, của con người. Đó là dấu hiệu nguy hiểm nhất của cái gọi là xây dựng cưỡng bức hệ tư tưởng. Hệ tư tưởng được xây dựng một cách cưỡng bức làm cho con người đi theo một cái rãnh, đi theo một trật tự logic được phổ biến, nó như con ngựa kéo xe được đóng vào một cái xe cụ thể và để cho chắc chắn, người ta còn bịt mắt hai bên để nó không thể rẽ. Có thể gọi đó là trạng thái bịt mắt con người có định hướng, khi bịt mắt con người có định hướng thì tức là con người chỉ có một khuynh hướng để lựa chọn. Khi đó hệ tư tưởng trở thành hệ bánh lái trói buộc con người vào một khuynh hướng. Vậy sự trói buộc con người vào một khuynh hướng là tốt hay không tốt? Trong những quá trình phát triển tự nhiên trong một giai đoạn cụ thể mà chúng ta có thể tiên lượng rằng xã hội cần phải nhất quán về mặt khuynh hướng để giải quyết một nhiệm vụ có chất lượng chiến lược của cuộc sống thì việc tạo ra các khuynh hướng nhất quán có thể có ích, tuy vậy vẫn trái với tự nhiên. Nhưng tới một thời điểm nào đó mà cuộc sống buộc phải rẽ thì những kẻ bị bịt mắt có định hướng không rẽ được và nó tạo ra rủi ro cho chính nó. Cho nên tự do về tư tưởng, không áp đặt về các hệ tư tưởng chính là tạo ra khả năng để con người chống lại sự rủi ro trong quá trình phát triển, trong quá trình diễn biến một cách hoàn toàn ngẫu nhiên, hoàn toàn tự nhiên của cuộc sống. Hay nói cách khác, chống lại việc trói buộc vào các tiêu chuẩn giáo điều hoặc nhất quán của một hệ tư tưởng là nâng cao năng lực chống lại rủi ro. Cần phải nâng cao năng lực chống lại rủi ro bằng việc trả lại cho con người sự đa dạng tinh thần vốn có và cần phải có. Khi con người định kiến, con người nói rằng gạo là thực phẩm duy nhất, ăn cơm là việc bắt buộc không chỉ do nhu cầu ăn mà còn là củng cố thêm truyền thống văn hóa của dân tộc, bởi chúng ta không ăn cơm nữa thì chúng ta không cần đũa. Khi dân tộc chúng ta mà không ăn đũa nữa thì tất cả các bản sắc văn hóa của chúng ta sẽ dần dần biến mất. Nếu một ngày nào đó mà người ta không ăn đũa nữa thì tất cả các bản sắc ấy mất đi cùng một lúc, đấy là nỗi lo của các nhà chính trị. Nhưng nếu chúng ta không trói buộc con người, không bắt con người buộc phải ăn một thứ là cơm thì con người sẽ hiểu rằng nếu không tìm được gạo thì có thể lấy những thứ gì thay thế, do đó tỷ lệ rủi ro là chết đói sẽ giảm xuống rất nhiều. Còn nếu như giáo dục con người là chỉ có gạo mới ăn được thì chỉ có một số kẻ còn giữ được ý chí tự do của mình là sống sót thôi, bởi nó ương bướng không chịu ăn theo chỉ dẫn nên nó biết có nhiều thứ khác có thể ăn được.

Cái sai lầm của con người là đã sử dụng đời sống tư tưởng để lãnh đạo đời sống thực dụng của con người. Toàn bộ tấn bi kịch của thế kỷ XX và một vài thế kỷ trước đó là người ta đã để cho đời sống tư tưởng lãnh đạo đời sống thực dụng và làm kìm hãm sự phát triển.Chúng ta có nhiều thế kỷ mà tư tưởng đã trở thành yếu tố thống trị không gian nội dung của sự phát triển, đến mức người ta có từ "chủ nghĩa",và người ta nghĩ rằng nếu không có một chủ nghĩa nào đó thì con người không phát triển được. Rất nhiều người vào giờ phút này không thể tưởng tượng được về cuộc sống không có công cụ lý luận hay không có công cụ tư tưởng và xem công cụ tư tưởng như là vũ khí duy nhất của sự phát triển. Nhưng thực tế đã chứng minh rằng những thứ được gọi là "chủ nghĩa" ấy đã làm xã hội đi giật lùi đến sự phát triển. Sự áp đặt tư tưởng làm con người thoái hoá trong đời sống tinh thần. Khi đó con người mất đi ý chí và sự dũng cảm vươn tới trạng thái tự do về mặt tinh thần để hưởng thụ, để hoạch định tương lai chủ động của mình. Sự tan rã về mặt tinh thần làm cho con người không thấy tương lai chứ không phải chỉ có sự nghèo khổ làm cho con người không thấy tương lai. Tương lai luôn luôn là một bộ phận của những phần lành mạnh trong đời sống tinh thần của con người, vì thế mỗi một con người cần phải có cuộc sống lành mạnh bên trong không gian tinh thần của mình, tức là có các gien của đời sống tương lai.

Một khía cạnh nữa cần lên án là tính quá đát của hệ tư tưởng như là kết quả của tính bảo thủ hay là tính lười biếng của con người. Con người thường có xu hướng bám chặt vào các nguyên lý mà mình nhận thức để làm tiêu chí, làm công nghệ cho hành động của mình. Do đó, con người không dám tiếp tục nhận thức chủ động mà vẫn bám giữ các hệ giá trị được xây dựng bởi hệ tư tưởng cũ và nó tạo ra tính lạc hậu của hệ tư tưởng đối với sự phát triển của đời sống. Điều này biến hệ tư tưởng trở thành một trong những tác nhân góp phần hạn chế sự phát triển thông qua việc kìm hãm nhận thức, kìm hãm tự do của con người.

Văn hoá:Văn hóa là tất cả những gì hình thành sau một chặng của sự phát triển có chất lượng lịch sử. Đó chính là môi trường tinh thần của con người, và môi trường này cũng có khả năng trói buộc con người, hạn chế tự do của con người. Sự ràng buộc về văn hóa cũng làm giảm khả năng tự do, giảm chất lượng tự do của con người và làm cho con người không đủ năng lực để thỏa mãn đòi hỏi của thời đại.

Nói đến sự kìm hãm của văn hoá đối với tự do của con người không thể không nói về sự đơn nguyên hoá về văn hoá, hệ quả của những áp đặt chính trị. Biểu hiện của sự đơn nguyên hoá về văn hoá là một nền văn hoá không lành mạnh và phi tự nhiên. Ở đâu các giá trị văn hoá được thể hiện dưới dạng đa nguyên hay các nguyên của đời sống con người được tôn trọng một cách công bằng thì ở đấy văn hoá được hình thành một cách lành mạnh hay hệ quả của nền văn hoá ấy là lành mạnh. Ngược lại, một nền văn hoá không lành mạnh là nền văn hoá mà ở đấy người ta sử dụng công cụ nhà nước để áp đặt một số giá trị và làm biến mất tất cả các giá trị khác. Ở không ít quốc gia, nhất là những quốc gia chậm phát triển, nền văn hoá bị biến thành công cụ chính trị và bị thao túng cho những mục đích chính trị và hậu quả là nền văn hoá trở nên lạc hậu, nền văn hoá đó không hỗ trợ sự phát triển. Các giá trị nội tại của một nền văn hoá luôn là chất xúc tác cho sự phát triển các giá trị cá nhân, tạo ra sự phát triển đa dạng của cộng đồng xã hội. Khi bị thao túng vì những động cơ chính trị khác nhau văn hóa sẽ trở thành vật cản cho sự phát triển đa dạng của cuộc sống, tức là ngăn cản tự do của con người. Những yếu tố cực đoan của văn hoá làm biến dạng sự hình thành của nhân cách và giá trị con người. Sự phong phú trong nhận thức của con người chính là vũ khí quan trọng nhất giúp con người ứng phó với cuộc sống. Khi những người cầm quyền, bằng sức mạnh chính trị của mình, cố gắng tiêu diệt tính đa dạng của văn hoá, họ đã không hiểu rằng chính họ đang tiêu diệt tính đa dạng của cuộc sống mà tiêu diệt tính đa dạng của cuộc sống chính là làm cho con người "chết" ngay cả khi họ đang sống.

Văn hóa là hệ thống thói quen, là không gian tinh thần để hỗ trợ cho các hành vi. Mỗi một nền văn hóa đều hỗ trợ tích cực cho một số loại hành vi nào đó. Nếu một nền văn hóa mà chỉ hỗ trợ một vài loại hành vi, không hỗ trợ, không khuyến khích và không thuận tiện cho các loại hành vi thì chính là giới hạn số lượng chủng loại các hành vi của con người. Mà con người bị giới hạn bởi một số lượng hẹp các hành vi thì nó sẽ bị giới hạn ở một số lượng hẹp các cơ hội. Con người càng ít năng lực để làm phong phú chủng loại hành vi của mình thì con người càng ít khả năng nhặt nhạnh cơ hội. Sự phong phú về hành vi tạo ra cơ hội và biến cơ hội trở thành có ích, cho nên nền văn hóa càng cởi mở càng hỗ trợ con người có nhiều chủng loại hành vi. Con người càng phong phú về chủng loại hành vi thì con người càng tiếp cận được với nhiều cơ hội, con người tiếp cận được với nhiều cơ hội thì dân tộc mà nó cấu tạo ra sẽ dễ phát triển hơn.

Sự nghèo đói:Sự nghèo đói cũng hạn chế không gian tinh thần, không gian tự do của con người. Ví dụ, một người muốn đến nước Mỹ thăm quan nhưng không có tiền nên không đi được. Sự không có tiền đã hạn chế tự do của họ đến nước Mỹ mặc dù không ai cấm họ. Nhà nước không cấm, văn hóa không cấm, hệ tư tưởng không cấm nhưng túi tiền của họ cấm. Sự hạn hẹp về các điều kiện vật chất được gọi là sự nghèo đói làm hạn chế tự do của con người, bởi dưới mức nghèo đói thì con người không còn là con người nữa, ở trạng thái đó con người không thể có tự do.

Ba yếu tố đầu là tất yếu nhân tạo còn cái cuối cùng là tất yếu tự nhiên. Khi đã hội tụ đủ điều kiện là con người không tự do về tư tưởng, nhà nước không phải sinh ra để phục vụ con người và văn hóa chỉ là công cụ tinh thần để bảo trợ một thể chế chính trị lạc hậu thì nghèo đói là một tất yếu tự nhiên. Sự nghèo đói là cách để duy trì trạng thái thiếu tự do của con người ở quy mô rộng lớn đến mức các nhà chính trị thường hay lợi dụng việc khắc phục nghèo đói để hạn chế tự do của con người. Họ tuyên truyền và làm cho con người tưởng rằng đó là biện pháp chính trị duy nhất đúng và cần thiết để thực thi quyền con người. Chỉ cần quyền không có nghèo đói là đủ, còn tự do báo chí, tự do này, tự do khác... là ngăn cản quá trình khắc phục hiện tượng nghèo đói. Tôi cho rằng hiện tượng nghèo đói là hệ quả tất yếu của sự thiếu tự do chính trị và nó đang được tận dụng để làm biến mất các quyền tự do chính trị. Chúng ta phải chứng minh rằng sự thiếu tự do chính trị, thiếu tự do tư tưởng, thiếu tự do văn hóa làm cho con người không ra khỏi quá khứ của mình, không ra khỏi các thói quen của mình. Đó là nguyên nhân của sự không phát triển của một cá thể và do đó là nguyên nhân nghèo đói của người đó. Nếu chứng minh được sự mất mát các quyền tự do chính trị, văn hóa và tư tưởng là cha đẻ của sự nghèo đói thì chúng ta đã chống lại được khuynh hướng sử dụng nghèo đói như là một lý do để khất lần các quyền con người.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chỉ cần giỡ bỏ sự kìm kẹp tự do của nhà nước là có thể giảm thiểu vai trò hạn chế tự do của ba yếu tố kia. Nhà nước không phải là tất cả bởi nếu con người không xác lập sự tự do tư tưởng của chính mình thì nhà nước mới trở thành nguy cơ duy nhất, nguy cơ có tính chất gốc. Con người càng chấp nhận tình trạng lệ thuộc về mặt chính trị, tư tưởng thì càng đẩy nhà nước đến chỗ lộng hành và áp đặt. Không một ai làm cho người ta hết nghèo đói được, con người phải tự tạo ra sự không nghèo đói của mình, phải tự khắc phục hiện tượng nghèo đói của mình. Con người muốn tự khắc phục được sự nghèo đói của mình thì con người phải được giải phóng ra khỏi đời sống tinh thần bị giam hãm và con người phải biết dịch chuyển một cách tự do bên trong đời sống tinh thần của mình.

2. Sự níu kéo từ bên trong không gian tinh thần của mỗi cá nhân

Trạng thái không ra khỏi quá khứ

Những yếu tố ngăn cản tự do của con người không chỉ đến từ môi trường khách quan bên ngoài mà nó còn nảy sinh từ bên trong không gian tinh thần của mỗi con người. Như đã nói ở phần đầu, con người phát triển được hay không còn phụ thuộc vào một yếu tố rất quan trọng, đó là tự do đối với chính họ. Hãy hình dung rằng mỗi một ngày, một giờ, thậm chí mỗi một phút, con người đi đến tương lai của mình. Nếu chúng ta nhìn sự dịch chuyển của con người và đánh dấu tọa độ tọa độ tinh thần của nó, chúng ta sẽ tìm được khuynh hướng dịch chuyển của nó. Khi các tọa độ tinh thần của con người không đi theo, không biến diễn theo những khuynh hướng mà xã hội xác nhận như những khuynh hướng tích cực thì chúng ta cần phải nghiên cứu về tự do bên trong của nó, tức là tự do thuộc về miền tinh thần của con người. Có rất nhiều lý do khiến con người trở nên không tự do với chính mình nhưng nhìn nhận một cách khái quát và khách quan thì những thành tố của quá khứ là những đối tượng dễ làm cho con người trở nên mất tự do nhất. Hiện tượng bị quá khứ hấp dẫn là hiện tượng phổ biến đối với nhân loại. Tất cả các dân tộc đều khó chia tay với quá khứ của mình, dân tộc nào cũng tập hợp những dấu hiệu đặc trưng cho quá khứ của mình. Ví dụ, người Nga có muối và bánh mì, có các Sa hoàng, có Giáo hội chính thống Nga. Người Nga vẫn rùng mình mỗi khi nói về Kremli, nói về Cung điện Mùa đông, Cung điện Mùa hè. Vậy thì cái gì trong quá khứ làm quá khứ trở nên hấp dẫn và quan trọng đối với con người như vậy? Sự hấp dẫn của quá khứ có phải là chính nó hay không hay là vì con người bất lực trước tương lai và con người kéo lê quá khứ đi cùng với mình?

Con người, cũng như toàn bộ thế giới, không thể tồn tại bên ngoài thời gian. Theo bản năng, con người thường hướng về tương lai thế nhưng trên thực tế thì tương lai và hiện tại đều do quá khứ chi phối. Con người luôn luôn đánh giá mọi sự vật, hiện tượng bằng những thước đo của quá khứ và họ cũng được đánh giá qua tất cả những gì họ làm trong quá khứ. Quá khứ là cơ sở xác định giá trị con người, không gian tinh thần của mỗi người với tất cả các thành tố của nó chính là toàn bộ quá khứ của người đó.

Định kiến

Nói đến trạng thái không tự do với quá khứ của con người không thể không nói về định kiến vì nó là một nguyên nhân quan trọng gây ra trạng thái thiếu tự do bên trong không gian tinh thần của con người. Như đã nói ở trên, cái Tôi là hình ảnh của cuộc sống được phản ánh vào một cá nhân, khi cuộc sống thay đổi mà cái ảnh của nó không thay đổi thì đó là định kiến.Định kiến là trạng thái tự thưởng thức một cách lười biếng các giá trị của nhận thức trong một khoảng thời gian lâu tới mức bất hợp lý. Định kiến được hình thành trong những thành tựu nhận thức, định kiến là thói quen tư tưởng, thói quen suy nghĩ, thói quen sử dụng một số chân lý phổ biến. Định kiến không phải là các nhận thức sai nhưng là sự lưu giữ sai thời hạn của một nhận thức, do đó, nó ngăn cản con người tiếp nhận những giá trị nhận thức mới.

Thông thường, con người sợ thay đổi. Cảm giác sợ thay đổi là một biểu hiện của định kiến. Tôi lấy ví dụ về việc làm kinh tế tư bản tư nhân. Bỏ qua những kẻ bất chính, bỏ qua những con người làm mà không có cân nhắc, suy nghĩ thì có nhiều người rất dị ứng với buôn bán thương mại. Có một thời kỳ rất dài tôi cũng bị căn bệnh ấy. Tôi không thích buôn bán, tôi thấy nó không trong sáng, nó không đẹp, nó không tạo cho tôi cảm giác thú vị và tôi né tránh việc buôn bán. Tôi ngồi một chỗ để chờ đợi cái gì hợp lý hơn, để chờ đợi chính tôi nhận ra những sự hợp lý khác để không phải buôn bán. Cuối cùng cái thay đổi trong tôi lại chính là buôn bán không phải là một việc xấu. Vậy cái gì ngăn trở tôi trở thành một thương nhân? Đấy chính là định kiến của tôi, là sự thiếu tự do của tôi trong việc dịch chuyển tôi từ một cán bộ thành một nhà buôn. Vậy tự do tinh thần của con người có cần không? Chính tự do tinh thần là nền tảng ban đầu để chuẩn bị các hành vi thích hợp. Vì có định kiến rằng thương nhân là những người lừa đảo, buôn bán là một hành vi lừa đảo nên tôi dậm chân trước cái điểm ấy, không ra khỏi được. Nói cách khác, tôi bị định kiến của mình về loại hành vi ấy trói buộc đến mức tôi không làm được mặc dù khi làm xong rồi thì mới thấy rằng nó cũng cao quý, nó cũng tích cực, nó cũng không kém gì những thứ mà tôi nghĩ trước đó.

Nói như vậy cũng không có nghĩa là phải xoá bỏ một cách hoàn toàn trạng thái định kiến của con người. Nhiều người lên án định kiến mà không biết rằng định kiến là một trong những khuyết tật tất yếu của đời sống tinh thần con người. Thực ra trong mỗi con người luôn luôn tồn tại trạng thái tiền định kiến và đó là một loại khả năng. Một con người mà không có khả năng để có định kiến thì tức là con người ấy không có khả năng để có ý kiến. Một kẻ không có năng lực có ý kiến độc lập và kiên định với ý kiến độc lập của mình tức là kẻ ấy ở trong trạng thái được gọi là trạng thái thiểu năng tinh thần của con người. Người không có năng lực để có định kiến sẽ không có năng lực để kiểm soát khuynh hướng hành động của mình trong tương lai và trở thành kẻ trôi dạt giữa ý kiến của những người khác. Vấn đề là giải quyết với con người như thế nào để con người không dùng một ý kiến để tác động lên hai đối tượng đòi hỏi những kiến giải hoàn toàn khác nhau. Nếu lý giải các sự việc một cách sai lạc con người sẽ tác động vào các đối tượng khác bằng các ý kiến sai lạc, bằng những ý kiến không phù hợp với các quy luật vận động của đối tượng mà mình tác động, tức là con người không tự do hành động trước những đối tượng đó. Rõ ràng đối với mỗi cá nhân thì tự do bên trong không gian tinh thần mất đi hàng ngày hàng giờ thông qua định kiến. Chính vì thế con người luôn luôn phải đo đạc lại độ chuẩn xác của các ý kiến của mình ngày hôm nay để ngày mai có được nhận thức đúng hơn, để có thể đi tiếp nếu không sẽ bị kéo giật lùi lại quá khứ. Mà để làm được như vậy thì con người phải tự do, không gian tinh thần của con người phải là một không gian tự do để cho con người có thể thay đổi ý nghĩ được, để giúp con người có thể nhẹ nhàng dịch chuyển từ nhận định này, nhận thức này, kết luận này sang nhận định khác, nhận thức khác và những kết luận khác.

Sự nuối tiếc

Con người không ra khỏi quá khứ một phần do tâm lý ngại thay đổi, vì vậy họ sẵn sàng thưởng thức một cách lười biếng các giá trị của quá khứ trong một khoảng thời gian lâu tới mức bất hợp lý. Nhưng không phải chỉ có thế, con người còn có một tâm lý phổ biến khác là tâm lý nuối tiếc. Chính vì sự nuối tiếc các thành tựu trong quá khứ mà con người cũng không ra khỏi quá khứ của mình. Con người không ra khỏi quá khứ của mình được vì cứ tưởng rằng cái chỗ mình vừa đạt được đến là quyền lợi, là hạnh phúc thật của mình. Do đó, con người ôm khư khư cái vật mà mình nhặt được trong các tiến trình hành động của mình mà không biết rằng đó có thể là rủi ro. Nuối tiếc là không tự do, nuối tiếc bộc lộ toàn bộ tính chất ngẫu nhiên của các thành tựu mà mình có.

Các thành tựu trong quá khứ là cơ sở của lòng tự hào của con người. Chỉ có lòng tự hào được xác lập trên những thành tựu của hoạt động trí tuệ, hoạt động đạo đức, hoạt động xã hội của một con người mới là lòng tự hào chân chính. Và lòng tự hào ấy là sức mạnh để con người đi đến tương lai. Còn lòng tự hào được xác lập bởi những thành tựu nhặt được thì luôn luôn níu kéo con người trở lại với quá khứ. Thành tựu mà con người có do nhặt được thì nó lệ thuộc vào địa điểm và trạng thái nơi họ nhặt được nó, chính vì thế mà họ không dám ra khỏi cái địa điểm ấy. Còn nếu như thành tựu ấy do họ tạo ra thì lòng tự hào ấy đi cùng với họ chứ nó không trói họ vào một địa điểm nào cả. Lòng tự hào là ảnh của thành tựu trong tâm hồn con người. Nếu con người không thật tạo ra thành tựu thì không có hình ảnh thành tựu trong đời sống tâm hồn của nó. Những hình ảnh được tô vẽ trên cửa miệng của một người có sự khác biệt về bản chất so với những hình ảnh sinh động trong đời sống tâm hồn con người. Thành tựu của con người là kết quả của tự do, kết quả của sáng tạo, cho nên ảnh của nó trong tâm hồn con người cũng tự do. Một con người không có các thành tựu là kết quả của chính mình thì ảnh của nó không tự do và miền tinh thần của của người đó là một miền đầy những thứ bịa đặt. Họ không dám động cựa, không dám dịch chuyển vì sợ mất đi ảo ảnh, giống như sợ khi thức dậy thì tan mất giấc mơ hạnh phúc.

Chính cái tâm lý nuối tiếc khiến con người nhặt nhạnh dọc đường tất cả những quả thực trong quá khứ để đi đến tương lai. Con người cần phải hiểu rằng họ không cần nhặt nhạnh cái gì trong quá khứ cả vì cái gì đã ở trong quá khứ thì nó đã tạo ra quá khứ rồi, giá trị quá khứ ấy theo con người trong tâm hồn chứ không phải trong cái ba lô của họ. Con người nhặt những quả thực trong quá khứ để đi đến tương lai thì con người không thể đi được. Kẻ tìm ra tương lai mà đã có kinh nghiệm hùng mạnh ở quá khứ sẽ biết rằng trong tương lai ấy có thể kiếm được cái gì mà không cần phải mang theo những hành trang có sẵn của quá khứ. Chỉ có những kẻ dò dẫm đến tương lai của người khác thì mới cần mang theo hành trang mà thôi. Hành trang để đi đến tương lai thật sự của con người nằm trong chính tâm hồn và kinh nghiệm của người ấy, không phải nhặt nhạnh gì cả. Kẻ nhặt nhạnh chính là kẻ không tạo ra quá khứ, không có ảnh của các thành tựu trong đời sống tâm hồn, đời sống trí tuệ của mình và đó là một trong những biểu hiện của trạng thái thiếu tự do tinh thần.

Chối bỏ là một hiện tượng tương tự. Chối bỏ chính là một động thái tinh thần để thể hiện sự từ chối những thất bại thuộc về trách nhiệm của mình. Cả chối bỏ lẫn nuối tiếc đều là hai cực của sự sai trái của con người về nhận thức, về vai trò chủ động của mình trong việc kiến tạo ra cuộc sống của mình. Người ta tưởng nhầm rằng đó là thất bại của mình cũng như người ta tưởng nhầm đó là thành tựu của mình. Cả chối bỏ lẫn nuối tiếc là những hiện tượng tinh thần có thật nhưng có thật trên sự nhầm lẫn của con người. Tuy nhiên con người có quyền nhầm lẫn, con người có quyền chối bỏ lẫn nuối tiếc. Chúng ta không công kích vào cả nuối tiếc lẫn chối bỏ, tức là không công kích vào sự nhầm lẫn của con người, bởi vì nhầm lẫn là đương nhiên, nhầm lẫn là một nội dung của đời sống con người, công kích vào nó thì sai, nhưng bảo cho họ biết rằng anh nhầm lẫn thì đúng. Cần phải giúp con người hiểu rằng cả nuối tiếc lẫn chối bỏ đều là kết quả của sự nhầm lẫn, là trạng thái thiếu tự do mà con người cần phải khắc phục để có thể có được một tương lai tốt đẹp.

IV. XÁC LẬP LẠI SỰ CÂN BẰNG CỦA ĐỜI SỐNG TINH THẦN

1. Bảo vệ sự đa dạng của đời sống tinh thần

Để giữ gìn sự cân bằng của đời sống tinh thần, trước hết con người phải tôn trọng và bảo vệ sự đa dạng của đời sống tinh thần. Sự đa dạng của đời sống tinh thần là nguồn gốc của tất cả mọi năng lực và triển vọng của con người, là nguyên lý quan trọng để mỗi người tổ chức cuộc sống. Cần phải chăm sóc và bảo vệ sự đa dạng tinh thần vì nó đảm bảo cho khả năng tương thích của con người đối với các điều kiện sống khác nhau.

Khi con người không có sự phong phú, đa dạng về mặt nhận thức thì sẽ rơi vào trạng thái đơn điệu về mặt nhận thức và năng lực ứng phó, năng lực thích nghi của con người sẽ giảm đi rất nhiều và do đó nguy cơ rủi ro dội xuống đầu con người cũng lớn hơn rất nhiều. Nếu không có sự đa dạng tinh thần thì con người có nguy cơ nghe theo những hướng dẫn phiến diện mà không đủ năng lực để nhận ra tính rủi ro của nó. Chẳng hạn, khi con người được hướng dẫn rằng tất cả những thứ bên phải đều đẹp thì tất cả mọi người khi ra đường đều nhìn về bên phải và những cơ hội ở bên trái sẽ bị bỏ qua. Thậm chí, con người đi giằng xé những cái đẹp ở bên phải và gây tắc nghẽn giao thông ở bên phải trong khi ở bên trái lại thưa thớt. Những hướng dẫn sai như vậy đã góp phần tạo ra dị tật phổ biến của con người. Nhiệm vụ của con người là phải biết chống và khắc phục sự hướng dẫn sai tạo ra dị tật phổ biến trong nhận thức của mình. Cuộc sống diễn biến khôn cùng, liên tục, do vậy, các quy tắc hướng dẫn đều có thể lạc hậu cùng với cuộc sống. Một cái đẹp năm nay có thể lạc hậu so với sang năm. Cho nên, phải tạo ra tính đa dạng để giúp con người không lúc nào bị lạc hậu, tức là con người luôn luôn có những phương án khác nhau, những cách thức khác nhau đủ phong phú để có thể thích nghi với những biến đổi của cuộc sống.

Đảm bảo sự đa dạng tinh thần là cách thức quan trọng nhất và duy nhất để chống lại sự thoái hoá của năng lực bởi vì sự đa dạng tinh thần chính là phương án nhận thức của con người và nhờ có nó mà con người trưởng thành trong quá trình phát triển của nhận thức. Nếu con người để cho mình phát triển một cách đa dạng thì con người sẽ có những năng lực tiềm ẩn để vào những lúc cần thiết, bằng tầm nhìn họ sẽ huấn luyện khả năng để chuẩn bị, để phá vỡ các ranh giới của tất yếu đối với loại năng lực đã có và tạo ra những ranh giới mới của tất yếu đối với những năng lực mới xuất hiện. Chính sự đa dạng các năng lực giúp con người tìm thấy các ranh giới mới, các triển vọng mới.

Sự phong phú của tinh thần con người chính là cái kho tiềm ẩn các giải pháp để để ứng phó với đời sống phát triển hay giúp con người chớp được thời cơ cho sự phát triển. Chính sự phong phú, đa dạng của các phôi kinh nghiệm tạo ra sự ứng phó với sự phát triển và nó tạo ra mầm mống của sự phát triển, giúp con người không bỏ lỡ cơ hội của sự phát triển. Nếu con người không phong phú thì con người không có các kinh nghiệm tình huống, con người không ứng xử đủ nhanh để tạo ra các giải pháp phát triển và do đó con người luôn lỡ nhịp trong sự phát triển. Cho nên việc chăm sóc, việc duy trì, việc phát triển cái sự đa dạng tinh thần của con người là một bài toán có chất lượng cách mạng đối với việc duy trì và phát triển sự sống

Sự đa dạng của đời sống tinh thần chỉ có thể được duy trì và phát huy tác dụng của nó trong điều kiện có tự do. Tự do để làm gì? Để cho các yếu tố khác nhau có cơ hội thay thế địa vị dẫn dắt xã hội phát triển. Nếu tiêu diệt tất cả các yếu tố ngoài yếu tố đang thống trị thì con người lấy gì làm công cụ thay thế vào những tình huống cần thiết? Sự lệ thuộc hoàn toàn vào một yếu tố lãnh đạo duy nhất là rủi ro lớn nhất của con người, nhất là khi nó trở nên thoái hoá bởi vì bất cứ sự vật, hiện tượng nào trong cuộc sống đều có thể bị thoái hoá. Nếu không có tự do thì người ta không thay thế những yếu tố khác nhau trở thành yếu tố chủ đạo được. Cho nên, sự đa dạng tinh thần đảm bảo mọi cái đều tồn tại và tự do đảm bảo cho mọi cái có thể thay thế nhau trở thành yếu tố chủ đạo lãnh đạo sự phát triển.

2.Khuyến khích năng lực tự giải phóng của cá nhân

Nghiên cứu về không gian tinh thần chính là nghiên cứu công nghệ để con người đạt đến trạng thái sung mãn trong năng lực sáng tạo cũng như năng lực thỏa mãn các đòi hỏi của cuộc sống hiện đại. Đó cũng chính là cách để giữ cho đời sống tinh thần của con người được cân bằng, để con người không rơi vào trạng thái tha hoá. Muốn đạt đến trạng thái đó, trước hết con người phải ý thức được về nghĩa vụ tự giải phóng của mình. Vậy con người giải phóng mình bằng cách nào?

Thứ nhất, con người phải chủ động phấn đấu để biến tự do thành năng lực của mình.Có những người có rất nhiều quyền tự do nhưng không tạo ra được cảm giác tự do ở bên trong là vì lười biếng. Họ không phấn đấu nên không thể biến tự do thành năng lực của mình. Không phấn đấu là không có năng lực. Biến các quyền tự do bên ngoài trở thành năng lực tự do bên trong chính là khởi đầu của quá trình sáng tạo của con người. Cho nên, nếu con người không phấn đấu để mình tự do, mình hưởng được, mình biến được các quyền tự do trở thành các quyền tinh thần, trở thành năng lực của mình thì có cho con người ấy tự do cũng chẳng có ích lợi gì. Điều quan trọng nhất đối với một con người là họ phải tự phát hiện ra mình là ai và mình có những thứ gì. Con người phải tự do đi tìm giá trị của mình, phát hiện ra các giá trị của mình và biết cách sử dụng các giá trị ấy.Khi con người có tự do và biết sử dụng công nghệ tự do thì tự nhiên con người sẽ hình thành một khả năng rất quan trọng đó là tự lập. Khi nào con người tự lập được thì sẽ xuất hiện một cái quan trọng hơn nhiều, đó là tự trọng. Tự do - Tự lập - Tự trọng là những đại lượng hết sức quan trọng để hình thành giá trị của con người.

Thứ hai, con người phải tự giải phóng mình khỏi sự ràng buộc của quá khứ.Nếu con người không ý thức được việc trước hết mình phải tự giải phóng mình ra khỏi quá khứ nhận thức của mình là những định kiến được neo vào hệ tư tưởng, vào sự ràng buộc của văn hoá lạc hậu thì con người không thể có tự do.Miền tinh thần của con người phải là một miền tự do để con người có thể dịch chuyển từ các hướng nhầm lẫn sang những hướng không nhầm lẫn, để đi tìm một lối thoát đúng đắn hơn cho các hành động của mình. Nếu con người không có tự do bên trong tâm hồn của mình tức là con người không ra khỏi những thói hư tật xấu hay những nhầm lẫn của mình. Nếu con người không có tự do trong không gian tinh thần của mình thì mọi hình ảnh của cuộc sống đều được phản ánh một cách lệch lạc, biến dạng trong nó.

Thời đại của chúng ta là thời đại mà ít nhất con người phải trở thành nhà tư tưởng của chính các hành động của mình. Khi con người trở thành nhà tư tưởng của chính mình thì con người không trở thành nô lệ của tư tưởng bởi vì con người không theo ai cả, con người theo chính những lẽ phải mà mình xác lập bằng công cụ tư tưởng. Tư tưởng là trạng thái giác ngộ của con người về những kinh nghiệm, là năng lực khái quát những kinh nghiệm thực dụng của mình trở thành những chỉ dẫn có giá trị tinh thần. Những giá trị tinh thần ấy rất gần với cuộc sống để hướng dẫn những hành động của con người và nó làm cho con người không định kiến. Bởi vì khi cuộc sống phát triển thì kinh nghiệm phát triển, kinh nghiệm phát triển thì tư tưởng phát triển. Mặt khác, để không định kiến, con người còn phải biết sử dụng văn hoá như một công cụ để xác lập tính phải chăng trong các hành vi của mình. Trong cuốn sách "Cải cách" tôi đã đưa ra kết luận: Cải cách văn hoá không phải là thay đổi cấu trúc của văn hoá mà thay đổi thái độ của con người về nghĩa vụ đóng góp của văn hoá đối với đời sống và sự phát triển; tức là con người phải biết khai thác văn hoá vào việc chống các hiện tượng tiêu cực hay hiện tượng quá ngưỡng của cái Tôi.

Con người không những phải ra khỏi quá khứ của mình mà còn cần ra khỏi quá khứ của dân tộc. Quá khứ của mỗi người là một tập hợp con của quá khứ xã hội, cho nên, để giúp con người ra khỏi miền quá khứ của cả dân tộc thì không phải khích lệ con người hãy ra khỏi quá khứ một cách chung chung mà phải khích lệ từng người ra khỏi quá khứ của chính mình. Từng người một phải làm việc của mình và nó tạo ra khả năng ra khỏi quá khứ của một cộng đồng dân tộc. Nhà nước không làm thay được. Nhà nước làm thay và tưởng rằng làm được, giống như việc bỏ qua thời kỳ tư bản chủ nghĩa và tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, nhưng thực tế đã chứng minh đó là một ảo tưởng. Hoặc như Ceasar đã từng đưa người Hy Lạp, đưa người La Mã đến tận Ai Cập, Ấn Độ và ông ta chôn vùi rất nhiều người.

Thứ ba, con người phải chủ động phấnđấu cho những năng lực triển vọng của mình.Như đã nói ở trên, con người lành mạnh là con người luôn hướng đến tương lai mà tương lai của một con người là khả năng đáp ứng những đòi hỏi của cuộc sống của nó ở mỗi một thời điểm khác nhau. Cho nên, muốn có tương lai thì con người phải phấn đấu cho những năng lực triển vọng, phải phấn đấu để đạt đến trạng thái tiên tiến trong miền triển vọng của chính mình. Thực ra miền triển vọng là kết quả của rất nhiều thứ nhưng đóng vai trò chủ đạo là năng lực thực tế và năng lực triển vọng. Năng lực thực tế cần cho việc tưởng tượng, thiết kế và chuẩn bị để đi đến miền triển vọng. Còn năng lực triển vọng là năng lực sống ở miền triển vọng, đáp ứng đòi hỏi của miền triển vọng. Con người chỉ có triển vọng bền vững khi nó tìm ra được lối thoát ra khỏi các ràng buộc của các tất yếu bằng những năng lực mới của nó, tức là nó sáng tạo ra chính nó. Năng lực sáng tạo ra chính nó chính là năng lực tìm ra các ranh giới mới của tất yếu, là năng lực nới rộng không gian tự do của mình. Bờ vực là tất yếu đối với con người nhưng không phải là tất yếu của con chim. Thế nhưng con người đã biết sáng tạo ra máy bay để vượt qua bờ vực. Tức là nếu con người tiên lượng được, con người để cho mình phát triển một cách đa dạng thì con người sẽ có những năng lực tiềm ẩn để vào những lúc cần thiết, bằng tầm nhìn họ sẽ huấn luyện khả năng để chuẩn bị, để phá vỡ các ranh giới của tất yếu đối với loại năng lực đã có và tạo ra những ranh giới mới của tất yếu đối với những năng lực mới xuất hiện. Chính sự đa dạng tinh thần giúp con người tìm thấy các ranh giới mới, các năng lực mới. Các miền triển vọng là tất yếu đối với con người, do đó con người phải phấn đấu cho những năng lực triển vọng để đến và sống hạnh phúc ở đó.

Miền triển vọng chính là miền tinh thần trong tương lai con người. Con người không thể biết chắc chắn đời sống tinh thần của mình trong tương lai nhưng hoàn toàn có thể dự báo, thậm chí còn linh cảm thấy nó. Con người có một năng lực bẩm sinh để chú ý đến triển vọng, linh cảm tới triển vọng của mình, phân tích và xây dựng hệ tiêu chuẩn cho miền triển vọng của mình. Đấy chính là khái niệm mà tôi vẫn nói là thiết kế ra tương lai. Con người phải chủ động đối với tương lai của mình, chủ động tìm kiếm và thiết kế ra tương lai của mình, nếu không tương lai của anh sẽ trở thành một bộ phận của tương lai của người khác.

3.Tạo ra sự phát triển hoà hợp của hai không gian tự do

Xin nhắc lại quan niệm về tự do mà tôi đã đưa ra trong các nghiên cứu trước, đó là "Tự do là sự dịch chuyển song song của ý nghĩ và hành vi." Điều đó có nghĩa là tự do bên trong không gian tinh thần của con người là điều kiện cực kỳ quan trọng để con người phát triển nhưng nếu không có không gian khách quan bên ngoài tự do thì con người không thể phát triển được. Phát triển là sự gặp gỡ một cách thuận lợi giữa các tiềm năng bên trong của con người với các điều kiện khách quan. Ở nơi nào có sự gặp gỡ một cách thuận lợi giữa không gian tự do bên trong và không gian tự do bên ngoài thì nơi đó có sự phát triển. Xưa nay người ta nói rằng sự kiểm soát bên ngoài mới là tự do, nhưng người ta không phân tích được rằng con người sẽ không có không gian ấy, không cần không gian ấy nếu không gian bên trong bằng không, tức là con người không có nhu cầu tự do. Không gian bên trong chính là động lực của tự do, còn không gian bên ngoài chính là điều kiện của tự do. Khi động lực phù hợp với điều kiện thì phát triển. Cho nên khi phấn đấu vì sự tự do của con người thì chúng ta phải phấn đấu vì sự nới rộng và phát triển của cả hai không gian ấy. Và lợi ích mà xã hội nhận được chính là sự phát triển.

Phát triển tự do chính là phát triển năng lực tồn tại của không gian tự do bên trong như là động lực thúc đẩy con người hành động, đòi hỏi phải được sử dụng một cách không lãng phí và có trách nhiệm không gian tự do ở bên ngoài. Các không gian cá thể, tức là không gian tinh thần của con người là rất khác nhau, do đó không gian bên ngoài phải là đường bao các đòi hỏi của các không gian bên trong. Không gian tự do ở bên ngoài tức là không gian điều kiện bao giờ cũng phải đủ lớn để thoã mãn sự đòi hỏi của số đông con người. Nếu không gian bên trong có chất lượng bản năng thì không gian bên ngoài hoàn toàn có chất lượng điều khiển. Vì là một không gian có chất lượng điều khiển, tức là một không gian nhân tạo cho nên không gian tự do bên ngoài phải luôn luôn được thể chế hoá, mà thể chế hoá tự do như là không gian điều kiện chính là nhà nước dân chủ. Nhà nước dân chủ là một hình thức nhà nước thể chế hoá các quyền của con người đối với tự do. Vậy, làm thế nào để vạch một đường biên hợp lý cho không gian quyền? Vấn đề đó phải được nghiên cứu một cách luật học, một cách văn hoá học, một cách nhân học và phương Tây đã làm việc này từ lâu rồi. Họ đã quy tự do thành không gian các quyền. Nhưng các nhà khoa học phương Tây cũng chưa chỉ ra được rằng tạo ra cảm giác tự do, tạo ra không gian bên trong chính là tạo ra sức ép, tạo ra quần chúng để gìn giữ sự hữu ích của không gian các quyền. Hiện nay, tỷ lệ đi bầu ở các nước phát triển cao như Hoa Kỳ, Anh... cũng chỉ chiếm 45 đến 50%, tức là có 50% số lượng nhân dân lãng phí không gian các quyền. Sự lãng phí ấy dẫn đến hiện tượng đôi lúc, trong nhiều khía cạnh quan trọng của đời sống các quyền bị các thể chế, bị các nhà nước lạm dụng, bởi vì xã hội không tập hợp đủ quần chúng tự giác về việc tạo ra sự đòi hỏi đảm bảo không gian quyền của mình, và chính vì vậy cũng không đảm bảo tính phổ biến của việc cần phải xây dựng ý chí cho mỗi cá thể để tạo ra nhu cầu, tạo ra năng lực khai thác hết không gian các quyền.

Con người với tư cách là một cá nhân là khái niệm cao nhất và quan trọng nhất để cấu tạo nên đời sống xã hội. Nhiệm vụ của khoa học khi nghiên cứu về không gian tinh thần của con người là giải phóng cá nhân con người. Để thực hiện được mục đích đó cần phải vạch rõ giá trị thiêng liêng của các quyền con người, giá trị phát triển, giá trị nhân văn của quyền con người và cổ vũ xã hội dân chủ như là xã hội duy nhất bảo vệ các quyền cá nhân, quyền con người. Một khi không ý thức được giá trị của các khái niệm ấy thì chỉ có thể cai trị chứ không lãnh đạo con người được.

V. KẾT LUẬN

Miền tinh thần của một cá thể phản ánh kích thước tự do bên trong của người đó thông qua phản ánh giá trị hay chất lượng con người. Mỗi cá thể đều có một không gian tinh thần của mình. Một người có đời sống tinh thần phong phú, đa dạng thì chắc chắn đó là một con người có không gian tinh thần tự do. Ngược lại nếu có đời sống tinh thần khô héo thì có nghĩa là tự do bên trong con người đó không đủ lớn để tạo ra động lực cho sự phát triển của chính người nó. Không ai thông báo với nhân loại rằng tôi có miền tinh thần này hay miền tinh thần kia, cũng không ai biết chắc chắn miền tinh thần của mình hình dạng ra sao. Nhưng mỗi người trước tiên phải làm chủ tự do bên trong không gian tinh thần của mình. Nghiên cứu về tự do chính là nghiên cứu về công nghệ tinh thần của con người để đạt đến trạng thái sung mãn trong năng lực sáng tạo cũng như năng lực thoả mãn các đòi hỏi của cuộc sống hiện đại.

Ở một mức độ cao hơn, con người còn cần có tự do trong việc phấn đấu vươn lên, con người phải hiểu được các giá trị và các quyền tiếp cận đến những không gian thánh thần của đời sống tinh thần. Tự do không còn đầy đủ ý nghĩa của nó nếu nó không tạo ra được các trạng thái thần thánh của con người. Trạng thái thần thánh của con người chính là trạng thái sáng tạo bậc cao. Các nhà triết học chỉ biến tự do trở thành khái niệm thần thánh của mình chứ không biến thành trạng thái thần thánh có thật trong cấu trúc tinh thần của con người. Nghiên cứu về tự do là nghiên cứu kinh nghiệm biến tự do thành phẩm hạnh để tạo ra những trạng thái phát triển của con người. Mà trạng thái phát triển bậc cao của con người chính là trạng thái thần thánh của các giá trị tinh thần của con người.

Kích hoạt sự phát triển trong đời sống tinh thần con người, hỗ trợ con người tạo ra những tiêu chuẩn có chất lượng lý tưởng để nó thiết kế và xây dựng miền tinh thần riêng của từng người chính là công việc vĩ đại nhất mà khoa học phải làm. Và muốn làm được việc ấy, muốn hoàn tất nghĩa vụ có tính chất sứ mạng ấy thì con người phải truyền bá tự do và dân chủ. Rõ ràng những phân tích về không gian tinh thần cho thấy trạng thái thiếu tự do gây ra sự thiếu hụt các yếu tố để trở thành con người phát triển và tôi đi đến kết luận rằng nếu không có tự do thì không có con đường nào để phát triển những xứ lạc hậu được.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đọc lại Mác về báo chí tự do

    03/05/2016Nguyễn Khắc MaiBáo chí nói chung là sự thực hiện tự do của con người. Do đó ở đâu có báo chí ở đó có tự do báo chí. Bản chất của báo chí tự do – đó là bản chất dũng cảm, có lý tính, có đạo đức của tự do. (Các Mác)
  • Đời sống tinh thần người Việt trong xã hội hiện đại

    04/04/2016Quỳnh Nhi thực hiệnĐời sống tinh thần người Việt trong xã hội hiện đại là một vấn đề đang thu hút sự chú ý của toàn xã hội, đặc biệt là các nhà văn, nhà thơ. Những năm gần đây, làn sóng toàn cầu hóa và xu thế hội nhập quốc tế đã khiến cho nhiều dân tộc, trong đó có người Việt chúng ta, đôi khi đứng trước những lựa chọn khá nan giải. Hình ảnh người Việt sẽ như thế nào sau vài ba chục năm nữa đi theo tiến trình toàn cầu hóa?
  • Tinh thần mở, tri thức mở

    31/01/2016TS. Ngô Quang Hưng (Giảng viên ĐH New York)Tinh thần mở chính là sự chuyển dịch mẫu hình của khoa học và công nghệ thế giới trong hơn 30 năm bùng nổ CNTT vừa qua. Tự do tí toáy đang dần san phẳng bao nhiêu rào cản. biên giới địa - chính trị, kinh tế, văn hóa tri thức… tạo nên một "thế giới phẳng"...
  • Tinh thần "khai sáng"

    15/01/2016Duy LinhTôi cho rằng cái mà tôi và nhiều bạn trẻ khác đang thiếu chính là một tinh thần “khai sáng”...
  • Bản chất và quy luật của đời sống tinh thần

    11/10/2014Đào Duy ThanhTrong lịch sử nhận thức của loài người, do các cách nhìn và cách tiếp cận khác nhau mà các trường phái triết học đưa ra những quan niệm khác nhau về khái niệm "Tinh thần". Phái duy tâm khách quan nhìn thấy yếu tố tinh thần từ bên ngoài con người, còn duy tâm chủ quan lại nhìn thấy yếu tố tinh thần từ trong chính bản thân con người...
  • Tự do - Sản phẩm của cải cách hay cách mạng?

    22/10/2010Nguyễn Trần BạtTự do luôn luôn là khởi nguồn của mọi sự phát triển, cải cách cũng hướng tới sự phát triển hay mục tiêu của cải cách là phát triển. Do đó, tự do là hạt nhân, là linh hồn của các cuộc cải cách. Trước hết, tự do không chỉ là điểm xuất phát mà còn là điểm mấu chốt của cải cách...
  • Tư duy tự do

    29/11/2006Lương Xuân HàKhó có thể chối cãi, ngôn ngữ là một trong những vấn đề xuất hiện ở tiền cảnh của đời sống văn hóa hiện đại. Ngôn từ là cái làm nên tính người. Nó là sản phẩm của con người. Nó quyết định cách con người nhìn, thụ cảm và lý giải thế giới. Nó vừa có tính xã hội, vừa có tính lịch sử và vì có tính lịch sử nên nó cũng có một chu trình sinh thành và già cỗi...
  • Vị trí, ý nghĩa của phạm trù đời sống tinh thần xã hội trong chủ nghĩa duy vật lịch sử

    02/10/2006Phùng ĐôngViệc vận dụng vấn đề cơ bản của triết học - mối quan hệ giữa tinh thần và tự nhiên, giữa ý thức và vật chất vào lĩnh vực xã hội không chỉ làm xuất hiện vấn đề mối quan hệ giữa ý thức xãhội và tồn tạixã hội, mà còn làm xuất hiện vấn đề mối quan hệ giữa đời sống tinh thần xã hộivà đời sống vật chất xã hội...

  • Triết lý của tự do

    05/09/2006Nguyễn Minh Tuấn, Khoa Luật Đại học quốc gia Hà NộiMontesquieu trong cuốn Tinh thần pháp luật đã định nghĩa “Tự do là quyền được làm tất cả những điều mà luật cho phép”. Vậy tự do là gì? Đối với mỗi cá nhân, tự do là sự nhận thức được qui luật và thực hiện theo qui luật. Không thể và không bao giờ con người có tự do tuyệt đối bởi lẽ về mặt khách quan, con người không thể sống không phụ thuộc vào tự nhiên và không trong mối liên hệ với cá nhân khác, về mặt chủ quan, con người cũng không ai có khả năng nhận thức được tất cả...
  • Định mệnh và tự do

    09/05/2006Đối với người Hy Lạp cổ, định mệnh là chuỗi các biến cố tất yếu và không lay chuyển được. Định mệnh ấn định cho mỗi người một phần số riêng. Ý niệm này được nhân cách hóa trong Ba Nữ thần Định mệnh, chia cho mỗi đứa trẻ sơ sinh phần sung sướng hay khổ sở. Đôi khi định mệnh được đồng hóa với ý chí của thần Zeus, Cha của các vị thần và loài người. ...
  • Tất yếu và tự do - một số vấn đề lý luận và thực tiễn

    30/03/2006TS. Vương Thị Bích ThủyTất yếu và tự do là những phạm trù triết học biểu hiện mối quan hệ qua lại giữa hoạt động của con người và các quy luật khách quan. Vì vậy, chúng là một trong những vấn đề được triết học quan tâm, nghiên cứu từ thời cổ đại cho đến nay và ở Việt Nam cũng đã có công trình mang tính chuyên khảo, hệ thống nghiên cứu lịch sử phát triển về tự do và tất yếu...
  • Hiện tượng luận của E. Husserl và sự tự sáng tạo của chủ thể tư duy

    26/02/2006Phạm Minh LăngHusserl là nhà triết học có công lớn trong việc đề ra một triết lý về hiện tượng có sức thuyết phục hơn cả. Lý thuyết của ông chỉ bàn đến mối quan hệ giữa mỗi con người với tư cách là chủ thể cá biệt với các hiện tượng bất kể là vật chất hay tinh thần đang diễn ra xung quanh một con người cá biệt nào đó...
  • Trường Đại học duy lý và ý tưởng tự trị Đại học

    19/02/2006Ngô Tự Lậpcha đẻ thực thụ của trường Đại học hiện đại chính là Immanuel Kant (1724 -1804), người đã kết hợp triết học duy lý (rationalism) của Descartes với triết học duy nghiệm (empiricism) của Bacon và mở đầu cho thời kỳ Khai Sáng...
  • Khái niệm Tự do trong triết học Hegen.

    28/11/2005TS. Đỗ Duy HợpNếu đề tài về con người là đề tài trung tâm của triết học, thì tự do là hạt nhân, là trung tâm tạo ra nguồn cảm hứng chủ yếu cho những tìm tòi triết học. Đề cập tới đề tài này, chúng ta không thể không trở lại với Hêgen, với quan niệm của ông về tự do. Bởi lẽ, quan niệm về tự do của ông đã để lại một dấu ấn quá sâu rộng trong những tìm tòi lời giải đáp cho vấn đề tự do...
  • Tự do - Điểm khởi đầu của mọi sự phát triển

    30/09/2005Nguyễn Trần BạtKhi nói tự do là linh hồn của mọi cuộc cải cách chính là nói đến tinh thần xuyên suốt các cuộc cải cách. Cải cách kinh tế nhằm tạo ra tự do kinh tế. Tự do kinh tế đi trước để con người được nếm các thành quả sự phát triển. Chừng nào cảm nhận được vị ngọt, cảm nhận được các thành quả thu được từ tự do kinh tế, con người sẽ nhận thức được giá trị của tự do chính trị, tức là cải cách kinh tế giúp con người nhận ra lợi ích của tự do chính trị...
  • Ý chí tự do và thuyết tất định

    31/08/2005Những người phủ nhận ý chí tự do thường làm thế vì họ giải thích mọi hiện tượng tự nhiên bằng một chuỗinhững nguyên nhân. Họ cho rằng bởi vì con người là một phần của tự nhiên, hắn không thể được miễn trừ khỏi chuỗi các nguyên nhân phổ quát này. Những người ủng hộ ý chí tự do thì thường phân biệt giữa hành vi con người và mọi hiện tượng tự nhiên khác. ...
  • Biện chứng của tự do

    21/07/2005Nguyễn Trần BạtTự do không phải là thuật ngữ xa lạ, càng không phải một phát hiện bởi nó gắn liền với con người như một công cụ để tồn tại, để sống và để phát triển. Tuy nhiên, đối với con người, tự do vẫn phần nào bí ẩn; chúng ta, dường như, chưa nhận thức trọn vẹn về nó, càng chưa biết khai thác và sử dụng nó như một công nghệ phát triển...
  • xem toàn bộ