Ông Hiến đã hóa người hiền

10:19 SA @ Thứ Tư - 26 Tháng Giêng, 2011

“Cái nước mình nó thế!”, câu nói này từ khi được phát ra ở một người là thành ra được truyền tụng. Người nói ra câu đó phải là người rất dân gian và trí tuệ để phát đi một câu cửa miệng quen thuộc, ai cũng nói và hay nói, nhưng từ khi người đó nói ra thì lập tức thành ấn tượng, thành phổ biến, thành đúc kết kiểu châm ngôn và được dùng như một câu có bản quyền, thường để chốt lại như một nhận định, một suy tư, chứ không bình thường là một câu đùa cảm thán nữa.

Vậy là người nói đó lại phải có một từ trường tư duy mạnh, một lực đúc kết, khái quát hóa cao khiến một câu nói quen thuộc, bình thường, phát ra từ trong từ trường đó chinh phục được người nghe, tìm được sự đồng thuận cao và được đám đông nhất trí sử dụng theo hàm nghĩa mới.

Người nói “Cái nước mình nó thế” là ông Hoàng Ngọc Hiến. Ông Hiến là ai mà phát ngôn được vậy? Ông Hiến trước hết là một nhà nghiên cứu văn học. Ông sinh năm 1930, quê Hà Tĩnh, đi Liên Xô làm tiến sĩ ngữ văn về thơ Maiakovsky từ đầu thập niên 1960, về nước dạy học và bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu của mình, trước là về văn học, sau là mở rộng sang văn hóa mà thực chất hướng nghiên cứu của ông là những vấn đề văn hóa - tư tưởng ở bình diện triết lý, triết học.

Đi vào cái nghề chữ nghĩa văn chương văn hóa này ông xác định rõ cách thức mình làm bằng hai chữ: đích đáng. Người nghiên cứu là người biết tìm ra vấn đề đích đáng, gọi tên nó ra bằng những từ đích đáng, viết về nó một cách đích đáng để tác động đến người nhận với hiệu quả đích đáng. Và ông đã làm được thế, nổi danh vì thế và cũng khổ sở do thế.

Năm 1979, trong một bài viết trên báo Văn Nghệ, ông đưa ra cụm từ “chủ nghĩa hiện thực phải đạo” để chỉ một đặc điểm của văn học nghệ thuật nước nhà trong giai đoạn trước đó. Bài viết rất sắc sảo và thẳng thắn, và tên gọi định danh một giai đoạn “chủ nghĩa hiện thực phải đạo” hay quá, đúng quá, lập tức lan rộng truyền sâu trong giới văn chương học thuật trong và ngoài nước.

Cũng lập tức ông bị phê phán quyết liệt, bị đấu tranh dữ dội. Nhưng thời gian đã chứng minh sức sống và giá trị cái tên gọi ông đưa ra cũng như thực chất hiện tượng ông gọi tên.

Hoàng Ngọc Hiến quả biết đúc kết đích đáng các hiện tượng, sự vật để nắm bắt chính xác bản chất của chúng và giúp găm chúng vào đầu người. Ông nói về người quê mình: “Dân Nghệ cái gì cũng biết, trừ hạnh phúc”. Ông nói về một kiểu nhà nghiên cứu nhai lại: “Con tằm ăn dâu nhả ra tơ, anh ta ăn dâu lại nhả ra dâu”. Từ nay ông không còn nhưng các câu nói đó còn lại cho ông mãi.

Còn lại mãi cho Hoàng Ngọc Hiến nữa là Trường viết văn Nguyễn Du. Ngôi trường do ông vạch đề án thành lập, phác thảo chương trình giảng dạy và trực tiếp làm hiệu trưởng từ năm đầu thành lập (1979) đã là cái nôi, cái lò ấp cho nhiều lứa nhà văn học tập và trưởng thành để hiện nay vẫn đang là lực lượng nòng cốt cho văn học nước nhà.

Vào Trường viết văn Nguyễn Du học văn hóa, học kiến văn, học tri thức, nhưng trên hết, và trước hết người thầy Hoàng Ngọc Hiến muốn truyền tải và trao gửi cho các nhà văn tinh thần sáng tạo chủ động, độc lập, niềm khao khát được học và được viết hết mình. 30 năm trôi qua, nhiều tên tuổi văn chương từ ngôi trường viết văn đã tỏa sáng trên bầu trời văn chương đất nước, với họ thầy Hiến luôn là người thầy, người đồng nghiệp biết sẻ chia và gắn bó trên con đường chữ nghĩa dằng dặc, cam go.

Bây giờ ngôi trường ấy đã thu lại thành một khoa trong Đại học Văn hóa Hà Nội, nhưng dù là quy mô khoa hay trường, tên tuổi thầy Hoàng Ngọc Hiến vẫn là niềm tự hào và biết ơn cho các lớp học trò đã học ông và dẫu không còn được học ông. Ông mất nhưng sự nghiệp trồng người của ông ở các thế hệ nhà văn đã và đang tỏa cành xanh lá.

Tuổi 80, ông Hiến không chịu đựng nổi một cơn mổ nặng và sau gần một tháng hôn mê, ông im lặng về cõi vĩnh hằng để lại dang dở những nghĩ suy về một Minh triết Việt Nam mà ông mới bắt tay vào nghiên cứu. Trí tuệ ông là vậy, luôn ham mê cái mới, luôn vận động tìm kiếm, luôn đặt ra câu hỏi và thử đưa ra câu trả lời.

Người biết hỏi là người biết sống với hiện tại. Tôi tin là khi thốt lên “Cái nước mình nó thế” là ông đau đớn, xót thương nhiều lắm cho xứ sở mình, là ông mong mỏi, ước muốn nhiều lắm cho nhân dân mình. Câu nói đó từ khi mang bản quyền ông là đã mang theo cả tinh chất và tính chất Hoàng Ngọc Hiến. Như thế, ông vẫn đồng hành cùng chúng ta trong cuộc sống này của đất nước mình. Ông Hiến đã hóa người hiền trong cõi nhân thế Việt Nam.

Ông ấy đem theo phê bình văn học Việt Nam đi rồi. Còn ai thao thức với văn chương nước nhà nữa đây. Khổ thân quá. Thế là lão bắt đầu làm chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội bằng sự kiện cái chết của một người bạn lớn. Liệu mà làm đấy, gã đầu bạc. Không được phải đạo!” - nhà nghiên cứu phê bình Nguyễn Thị Minh Thái đã nhắn tin cho tôi như vậy khi biết tin ông Hoàng Ngọc Hiến qua đời.


Thầy Hiến với học trò
(Nguyễn Thụy Kha, Tiền Phong)

Vào giờ Tý (23 giờ ngày 24-1-2011) đầu ngày 22 tháng Chạp âm lịch năm Canh Dần, thầy Hoàng Ngọc Hiến - nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Hữu Nghị sau ít ngày phát hiện ra căn bệnh ung thư đường ruột, thọ 81 tuổi. Hà Nội những ngày giáp Tết buốt lạnh lại càng thêm buốt lạnh hơn.

Ai đó đã từng nói: “Muốn hiểu về người thầy hãy nhìn học trò của anh ta”. Học trò của thầy Hiến không chỉ có nghĩa với thầy mà còn không làm thầy phải hổ thẹn..

Là một người học trò nhỏ của thầy, người em và người bạn vong niên của thầy, tôi không thể kìm được nỗi tiếc thương trước mất mát này. Và kỷ niệm về những năm tháng thầy trò tại khóa I Đại học viết văn Nguyễn Du lại tràn về.

Trong 12 con giáp mà con người cầm tinh, có bốn con luôn là thầy của con người. Đó là bộ tứ: Tý - Ngọ - Mão - Dậu. Trong bốn con này, có con ngựa (Ngọ) là đặc biệt hơn. Ngựa vừa là thầy ở chỗ mang con người đi xa hơn nhiều lần đi bộ, nhưng lại vừa là người bạn đường tri kỷ. Con ngựa Xích Thố với Quan Công là một dẫn chứng đầy thuyết phục.

Không biết những người mang tuổi Canh Ngọ 1930 như thầy Hiến có nhiều người như thầy hay không? Nhưng đối với riêng thầy Hiến, cái tư cách đưa các học trò đi xa trong sự nghiệp, vừa là thầy, vừa là bạn thì có lẽ thầy là một điển hình thú vị. Nhờ những điều thầy làm cho trò như nói trên, thầy đã được các học trò đền đáp lại như một nghĩa cử hết sức nhân văn.

Khi thầy Hiến đang dạy học ở khu Bốn, một đêm có một người đội nón xùm xụp đến nhà tìm thầy. Anh nói nhỏ với thầy: “Em đã là học trò của thầy. Em vừa được nhận chức đội trưởng cải cách ruộng đất. Xem ra gia cảnh nhà thầy, nếu còn ở đây chắc chắn sẽ bị quy là địa chủ. Thầy nên bàn với gia đình rời khỏi đây, đến nơi nào đã làm xong cải cách ruộng đất thì định cư để bảo toàn gia đình”. Nhờ lời khuyên đó, gia đình và thầy đã được bảo toàn.

Cũng lại một học trò khác khi ấy làm Trưởng phòng tổ chức Bộ Giáo dục. Lúc xem lý lịch thầy Hiến khai để xét duyệt đi nước ngoài làm nghiên cứu sinh, đã phát hiện ra thầy khai hơi đơn giản về cái chết của cha mình - ông thân sinh ra thầy mất năm 1954. Nếu không khai rõ chết vì điều gì thì lý lịch sẽ bị đánh dấu hỏi rằng chết vì sao? Người học trò đã yêu cầu thầy mở ngoặc: “Ốm chết”. Thầy Hiến sau đó đã được sang Mátxcơva làm nghiên cứu sinh và trở về với tư cách “nhà nghiên cứu Maiakovsky”. Có lẽ, nhờ những người học trò ấy, thầy Hiến ngoài việc quan tâm đến học trò như những người thầy khác, còn có thêm một tình cảm khác thường hơn.

Năm 1979, cùng với bài viết về văn học hiện thực phải đạo, thầy Hiến còn là linh hồn mở ra trường Viết văn Nguyễn Du khóa đầu tiên. Ngoài việc lên lớp về triết học với những nhận định sắc bén về Mác – A ngghen, về Frớt, về Jung... thầy còn mời về trường bao người thầy xuất sắc như Trần Quốc Vượng, Hồ Ngọc Đại, Đặng Nghiêm Vạn ... Hồi ấy nghèo lắm mà sao vui quá. Chúng tôi - những người cầm bút từ chiến trường, từ công xưởng, từ ruộng nương về nhập học như đồng hạn gặp mưa. Những cơn mưa kiến thức mà các thầy cùng thầy Hiến ban tặng cho chúng tôi đã làm nên những vụ mùa văn học thời hậu chiến.

Theo trí nhớ không đầy đủ thì ngay trong khi đang học, tôi và Nguyễn Tùng Linh đã đoạt giải (nhì và ba) cuộc thi thơ Báo Văn Nghệ 1981 - 1982. Hai nhà thơ đoạt giải nhất là Trần Đăng Khoa và Nguyễn Đình Chiến trở thành học trò khóa sau của trường.

Rất nhiều những tác phẩm nổi tiếng của Hữu Thỉnh, Thái Bá Lợi, Chu Lai, Trung Trung Đỉnh, Lâm Thị Mỹ Dạ... đã được viết ra khi còn học ở trường. Mười năm sau thì văn học Việt Nam lại chứng kiến sự đăng quang của Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Tường) cũng đều là học sinh các khóa của trường.

Không chỉ chia sẻ với học trò khi đang còn theo học, thầy Hiến còn dõi theo sự phát triển của chúng tôi sau khi tốt nghiệp. Thầy mãi là người thầy của chúng tôi từ đó đến nay đã 30 năm và chắc chắn còn dài lâu. Không chỉ truyền cho học trò kiến thức uyên bác của mình, thầy Hiến còn đưa ra những nhận định về xu hướng văn học qua các thời kỳ biến động của đất nước.

Không chỉ dõi theo các học trò, thầy Hiến còn dõi theo những hiện tượng văn học cùng thế hệ chúng tôi như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Việt Hà ... Có lẽ cũng là số phận của người tuổi Ngọ như thầy, thứ nữ Hoàng Tố Mai của thầy đã chọn một học trò của thầy là nhà thơ Nguyễn Bình Phương làm phu quân.

Năm 2007, sau khi cùng các anh Nguyên Ngọc, Đào Hùng dịch các bộ sách triết học của nhà triết học Pháp Francois Jullion, một hôm thầy nói với tôi: “Có lẽ chủ nghĩa hậu hiện đại đã xác lập và khép lại đỉnh cao của nó. Đã xuất hiện một chủ nghĩa mới là chủ nghĩa cổ điển tự nhiên. Các cậu nên cùng tôi sang Mỹ để gặp một trong những người khởi xướng”.

Thế là thầy đưa tôi và nhà thơ Hoàng Trần Cương sang gặp giáo sư Frederik Turner tại Đại học Dallas. Vừa trao đổi với giáo sư Mỹ, thầy vừa dịch cho chúng tôi hiểu được cốt lõi căn bản của chủ thuyết này. Sự thuyết phục của thầy đã khiến giáo sư Mỹ phải lần đầu tiên đến Việt Nam vào mùa hè 2009 để tiếp tục bàn luận về chủ nghĩa này. Chuyến đi thú vị ấy đã được Frederik Turner viết khá dài trong tạp chí “American Art” - một tạp chí danh giá ở New York. Với chúng tôi, thầy Hiến không chỉ là thầy trong khi học mà còn là người thầy suốt đời.

Mới đây thôi, tại hội thảo “Văn học nghệ thuật phản ánh hiện thực hôm nay” do Hội đồng Lý luận văn học nghệ thuật Trung ương đề xướng, thầy Hiến tuy đã yếu nhưng vẫn hùng hồn, tâm huyết và đầy thuyết phục trong tham luận về cái tiêu cực và cách thức quản lý nó.

Không chỉ học kiến thức ở thầy, chúng tôi còn nhiều chia sẻ với sự hồn nhiên của thầy trong đời sống. Sự hồn nhiên đã giúp thầy ở ngoài những vướng bận thường ngày, tập trung sức lực vào những điều lớn lao nhưng không bị già cỗi, trì trệ như nhiều đồng niên. Bởi vậy, nên những điều thầy truyền cho chúng tôi đâu chỉ riêng kiến thức mà còn cách học làm người.

Bài viết mà tôi thích nhất trong cuốn Tác phẩm chọn lọc của thầy là bài Hồi ức về triết gia Trần Đức Thảo. Bài viết đã đề cao tính vị tha của nhà triết gia lớn lao này. Thời Nhân Văn – Giai Phẩm, thầy Hiến đã từng có bài viết rất nặng về Trần Đức Thảo. Nhưng sự vị tha của nhà triết gia bằng những ứng xử tuyệt vời sau đấy đã làm trắc ẩn tâm hồn thầy Hiến. Có lẽ vì thế nên thầy Hiến luôn luôn dạy và cũng luôn luôn học ở đời mọi bài học làm người. Học cả ở học trò.

Thầy Hiến ra đi, để lại nền nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học Việt Nam một khoảng trống lớn lao khó có thể bù đắp. Mong những dòng ngắn ngủi này như một nén hương tiếc thương trước anh linh của thầy.

Nguồn:Tuổi Trẻ
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • GS. Hoàng Ngọc Hiến vừa tạ thế

    25/01/2011Tin buồn: GS Hoàng Ngọc Hiến - lý luận phê bình, dịch giả văn học Việt Nam đương đại, người nằm trong danh sách Tác giả được chungta.com giới thiệu vừa tạ thế vào hồi 23 giờ ngày 24/1/2011.
    Thật buồn khi những nhà văn hóa, trí thức Việt lớn, những khuôn mặt đã dẫn dắt tinh thần cho nhiều thế hệ người Việt vươn lên... dần đi xa và thưa vắng dần...
  • Tiếp cận Hoàng Ngọc Hiến ngoài văn bản

    25/01/2011Xin được thanh minh trước, cái đầu đề văn vẻ này thực ra là để che dấu sự ít học, ít đọc của tác giả. Tròn 60 năm về trước, để thoát vùng bị chiếm của Pháp ở quê nhà Quảng Trị, lũ trẻ con em cán bộ kháng chiến được đưa ra vùng tự do khu Bốn Thanh Nghệ Tĩnh để khỏi thất học...
  • Hoàng Ngọc Hiến như tôi đã biết…

    25/01/2011Phan Hồng GiangĐời người trôi qua thật nhanh. Mới ngày nào chiều chiều còn mải mê chạy theo trái bóng cùng bạn bè và anh Hiến trên bãi cỏ đồi Lênin bên dòng sông Maxcơva đến nay đã gần nửa thế kỷ. Lúc ấy cả cuộc đời gần như còn mở ra phía trước chúng tôi và bây giờ là… sắp khép lại! Dạo đó chúng tôi ở lứa tuổi 20, còn anh Hiến ngoài 30. Và hôm nay - mừng anh thượng thọ 80!