“Ông cụ non” là có tội?

05:53 CH @ Thứ Sáu - 04 Tháng Mười Một, 2005

Một HS lớp 10 như em mà lý luận vậy sao? Em nên học lại ngôn ngữ trong sáng học trò, đừng nhiễm tư tưởng “dạy đời” của các giáo sư, tiến sĩ nữa”. Cậu học trò trường chuyên đã bị một cú sốc mạnh mẽ khi bài tập làm văn của mình chỉ được 4,5 điểm cùng với lời phê như thế...

Đề bài: “Để khuyên bảo nhau về lòng biết ơn, ông bà ta thường dùng câu tục ngữ: “Uống nước nhớ nguồn”. Em hãy bình luận câu tục ngữ trên, qua đó nói lên bài học thiết thực cho bản thân”. Bài văn của N. được trình bày rõ ràng với ba phần đúng theo thể loại văn bình luận.

Không những thế, N. còn đưa ra nhiều câu tục ngữ khác có ý nghĩa tương đương để minh họa cho nội dung chính; không những trình bày kiến thức theo kiểu sách vở được học trong nhà trường, N. còn trình bày cả những kiến thức thu thập được từ thực tế.

Thế nhưng trong giờ trả bài kiểm tra trước tập thể lớp, cô giáo đã đọc một số đoạn văn trong bài của N. mà cô cho là “cao siêu, thuyết giảng” rồi tuyên bố: “Đáng ra cô cho 5 điểm nhưng cô đã sửa lại 4,5 điểm”. N. đứng lên thanh minh: “Đó là ý của em chứ không phải ai khác...” nhưng cô giáo đã gạt phăng, không cho HS giải thích: “Nếu lần sau em làm như vậy nữa, cô sẽ cho 2 điểm!”.

Câu chuyện về bài văn “bị nhiễm tư tưởng của giáo sư, tiến sĩ” còn được cô giáo mang ra kể lại, mổ xẻ ở nhiều lớp khác trong trường. N. thật sự hoang mang và trở nên thụ động. Cậu tâm sự với mẹ: “Cô không tin đó là ý của con, nhưng các bạn tin con”.

Vị phụ huynh tỏ ra băn khoăn: “Con tôi rất mê đọc sách, báo... Ngay từ nhỏ cháu đã được gia đình đặt cho biệt danh N. “lý sự” vì cách nói chuyện và suy nghĩ hơi người lớn. Cho nên, bài văn có đôi chỗ già dặn như vậy có gì sai?”.

Bà mẹ xốn xang: “Con tôi phải học văn như thế nào để cháu thật sự yêu văn và thoải mái khi đối diện với tiết học văn của cô giáo chứ không sợ hãi nữa?”.

Chúng tôi đã mang câu chuyện trên kể cho TS Nguyễn Thị Hồng Hà (giảng viên phương pháp giảng dạy môn văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nghe. Sau khi đọc bài văn của N., TS Hà nhận xét: “Nếu được chấm, tôi sẽ cho bài văn này 7 điểm. Ngoài những kiến thức được học chính khóa, HS còn thể hiện khả năng quan sát cuộc sống, khả năng tích lũy kiến thức từ nhiều phía”.

Theo TS Nguyễn Thị Hồng Hà, “bài văn được GV chấm rất kỹ và phê cũng rất kỹ (ngoài lời phê chung cho cả bài văn còn có lời phê riêng cho từng đoạn văn). Điều đó cho thấy GV dường như có thiện ý muốn uốn nắn học trò. Thế nhưng trong cách hành xử lại thiếu tính sư phạm. Nếu không đồng ý, GV có thể gặp riêng HS để trao đổi đồng thời tạo điều kiện cho HS trình bày ý kiến của mình chứ không nên “phê” trước lớp một cách áp đặt như thế”.

Bình luận về một vấn đề đạo đức thì tại sao HS không được thuyết giảng? Tại sao làm văn HS không được quyền trình bày suy nghĩ một cách thoải mái theo cách riêng của mình?

Việc đem giáo sư, tiến sĩ ra để mạt sát lại càng phản sư phạm, gây ảnh hưởng xấu đến chí hướng và con đường tiến bộ của HS. Đích hướng tới của những HS đam mê học tập luôn là tri thức. Dĩ nhiên không phải tất cả những người có học hàm, học vị đều uyên bác nhưng học hàm, học vị là một trong những căn cứ cho thấy họ đạt được những thành tựu nhất định trong khoa học. Nói như GV thì HS còn biết đâu là giá trị sống nữa, các em sẽ vươn lên như thế nào”.

TS Hà cũng nhìn nhận: “HS suy nghĩ hơi già dặn, cách lý luận có vẻ “ông cụ non”, bài viết cũng có một số từ chưa thích hợp. Nhưng suy nghĩ “ông cụ non” vẫn tốt hơn nhiều so với một HS thụ động, thiếu tính độc lập trong tư duy, chỉ biết nói theo người khác”.

TS Hà đúc kết: “Văn rất cần để HS tự do cảm nhận, không nên ép HS phải nói theo một khuôn mẫu nào đó. Già dặn không phải một cái tội, người lớn không thể quyết định được suy nghĩ của trẻ con - nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay”.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Học vẹt

    28/10/2005TS. Lê Ngọc TràTrong trường hợp không thích học mà lại phải làm bài, phải thi thì các em sẽ dễ chọn cách học vẹt, học thuộc mặt dù không biết nó là gì, hễ thầy giáo khen hay thì cũng khen hay, thầy chê cứ xem là dở. Tình trạng này nếu kéo dài, lâu dần sẽ làm mòn khả năng suy nghĩ độc lập của học sinh. Rồi từ nhà trường các em sẽ bước ra xã hội... Từ lối học biến thành lối nghĩ, lối làm. Nếu không kịp sửa chữa lối học vẹt trong nhà trường sẽ có nguy cơ biến thành căn bệnh trong xã hội...
  • Từ “Bài văn lạ” đến “Bài văn điểm 10”

    26/10/2005Thanh LanMô phạm, khuôn mẫu là điều quan trọng và cần phải có nhưng đến một giai đoạn nào đó cũng cần phải hạn chế khu vực khuôn mẫu lại, không nên để khuôn mẫu trùm hết cả ý kiến cá nhân, cần mở một “vùng tự do" để học sinh có thể thoải mái bày tỏ chính kiến, thể hiện cái tôi của mình...
  • Nhồi vịt

    13/10/2005Nguyễn Quang ThânCác bà buôn vịt, trước khi đưa chúng ra chợ bán, thường mua bánh đúc ngô về cắt thành miếng rồi nhồi đẫy diều mấy con vật tội nghiệp. Việc học hành của con em hiện nay làm tôi liên tưởng tới thuật "nhồi vịt" không mấy lương thiện đó của các bà buôn...
  • Cũng vì quá tải!

    23/08/2005TSKH BÙI MẠNH NHỊChuyện HS khẳng định không thích tác phẩm văn học mà đề thi yêu cầu đã phản ánh phần nào thực trạng dạy và học văn hiện nay ở các trường phổ thông. Tôi thấy tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là một tác phẩm hay và mang tầm thời đại, vấn đề là thầy dạy làm sao cho HS cảm nhận được, “thấu” được cái hay, cái đẹp của tác phẩm.
  • Học như vẹt!

    02/07/2005Lê Vương Kiều TrangVới cái nhìn của một người trong cuộc đang trực tiếp giảng dạy môn lịch sử ở nhà trường phổ thông, tôi cho rằng học sinh bây giờ không nhớ, không hiểu sử và không thích học môn lịch sử là kết quả tất yếu của cách dạy - học - thi cử hiện nay.
  • Thầy - trò thản nhiên gian dối trong học tập, thi cử

    26/12/2003Nhiều năm qua, nạn gian dối trong thi cử ngày một phổ biến, không chỉ ở học sinh mà cả giáo viên và các cán bộ giáo dục, không chỉ ở trẻ em mà cả người lớn. Điều đáng nói là tất cả đều thản nhiên như không khi bị bắt gặp có hành vi “quay cóp” hay “bố trí giúp đỡ” thí sinh...
  • xem toàn bộ