29 năm tận tụy với sự nghiệp giáo dục Việt Nam

10:24 CH @ Thứ Tư - 08 Tháng Mười Hai, 2010
Nỗi lòng của 'ông nghè Tây học' làm Bộ trưởng Giáo dục

Trong những ngày tháng cam go đấu tranh ngoại giao tại Fontainebleau (Pháp) năm 1946, có một bức thư trĩu nặng tâm tư được gửi về gia đình của một "ông Nghè Tây học" xứ An Nam...

Bốn tháng sau đó, ông nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh để trở thành vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục của Việt Nam cho tới ngày đất nước hoàn toàn thống nhất...

Bức thư từ Fontainebleau

Fontainebleau 18 tháng Bảy năm 1946.

(Bây giờ hội nghị ở đây cách Paris 60 cây)

Em Ngọc,

Chị Hạnh, các chú Bích Hà, Nữ Hiếu, Huy,

Hôm trước Huyên nhận được thư của Ngọc lại càng nhớ nhà thêm (...) Huyên ra đi cũng thừa thấy là làm thiệt thòi cho vợ và các con nhiều. Song như Ngọc nói đây là dịp để Huyên thay mặt cho nhà mà đền nợ nước. Huyên cũng như bao nhiêu anh em sinh trưởng ở một nước nô lệ từ ngày hiểu biết tới nay ngoài hai chục năm thở vắn than dài, cố sức sửa mình để thoát khỏi vòng áp chế. Ngọc cũng cảm thấy là trong 10 năm, hai ta sống với nhau hoàn toàn trong cảnh lạm bợ mà thôi. Ngọc thấy Huyên không thiết gì ngoài cái tình thân mật trong gia đình, còn danh lợi thì dửng dưng không ham muốn; có thì dùng không bao giờ tự đi kiếm.

Mà Ngọc là người sinh trưởng trong một gia đình hào phú cũng có trí cao thượng không bo bo giữ cái lợi tức thời nên cũng trợ giúp Huyên tìm đường thoát ly khỏi cái vòng nô lệ.

Trong mấy năm tuy chúng ta lủi thủi cùng nhau như một đàn chim lạc nhưng trong lòng lúc nào cũng hy vọng có ngày lần tới được một cảnh rộng mà vẫy vùng. Ngọc ạ, lúc này mà chúng ta không tự hy sinh một chút lợi riêng thì còn lúc nào nữa nhỉ? Ngọc hiểu biết lắm nên Huyên mới nhảy vào vòng mà gỡ mối tơ vương. Tương lai là ở chúng ta cả, chúng ta phải cố. Xưa cổ nhân có tin là năm trăm năm rồng mới mở miệng một lần, tương lai của Tổ quốc chúng ta không biết bao giờ mới lại có dịp như ngày nay nữa nhỉ. Hai mươi năm lăn lộn sách đèn, một chục năm phiêu lưu chân giời góc bể mới có dịp giơ thẳng cánh tay. Chúng ta dắt tay nhau mà cố lên vậy. (...)

Cùng nhau ngậm hờn nuốt tủi trong bấy nhiêu năm, ngồi ăn những bữa cơm mà khách là kẻ cừu, chuyện trò với những kẻ tự cho những cái học danh của mình là danh thiên cổ. Nhưng Huyên thấy Ngọc cũng như Huyên chỉ nhún vai mỉm cười mà ở lòng Huyên trong bao năm chí hăng hái của tuổi trẻ không hề phai nhạt. Huyên cách biệt Ngọc và các con đến hôm nay đã ngoài 40 ngày rồi? Khi Ngọc nhận được thư này không biết công việc ở đây đã xong chưa. Nhưng chúng ta cũng can đảm mà tin ở tương lai. Việc rất khó, nhưng hy vọng vẫn còn chứa chan. Làm suốt ngày thâu tối, không hôm nào được đặt mình trước 12 giờ khuya. Lúc nào cũng cảm thấy mình trên bãi chiến trường, nhưng tính Huyên điềm tĩnh nên nhờ đấy mà khó đến đâu cũng không hề rối loạn. (...)

*Trích thư của Tổng Giám đốc Đại học vụ Nguyễn Văn Huyên gửi về cho vợ là Vi Kim Ngọc, cùng các con Nguyễn Kim Nữ Hạnh, Nguyễn Bích Hà, Nguyễn Kim Nữ Hiếu và Nguyễn Văn Huy.

Từ hai chữ "i tờ"...

"Lục cục lào cào, anh cuốc em cuốc, đá lở đất nhào… Đường dài ta xẻ sức trai ngại gì, Đường đi ngoắt ngoéo chữ chi. Hố ngang hố dọc chữ i chữ tờ…" - Bài hát "Phá đường"

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, với hơn 90% dân số mù chữ, nhà nước Việt Nam non trẻ đã ngay lập tức phải tuyên chiến với giặc dốt. Cuộc chiến chống giặc dốt trở thành cuộc vật lộn mà một bên là lãnh đạo và người dân, còn bên kia là việc-đánh-vần.

Với "bộ óc học viên là những người lớn tuổi suốt ngày lao động cực nhọc" thì việc đánh vần còn khổ hơn cả "đánh vật" theo cách ghép vần: vật-nhau-huỳnh-huỵch (u-y-n-h-uynh; h-u-y-n-h = huynh; huyền (`) = huỳnh/ u-y-c-h = uych, h-u-y-c-h = huých; nặng (.) huỵch). Vậy phải làm thế nào để thắng được con chữ đây?

Ngay lúc đó, Giáo sư Huyên đã gợi ý cách "chắp vần tài tình: i tờ - tờ i ti - đơn giản mà rất khoa học, vừa dễ nhớ, nhớ lâu, nhanh biết đọc biết viết hơn lối dạy trước đây nhiều, mà lại vui nữa chứ". "Sẽ càng vui nhộn nếu giáo viên Truyền bá Quốc ngữ khéo xen vào bài học vần Quốc ngữ, những mẩu văn tập đọc phỏng từ các câu ca dao, tục ngữ quen thuộc mà còn ý nghĩa:

"Nhiều điều phủ lấy giá gương...
Bầu ơi thương lấy bí cùng...
Lạy trời cho cả gió lên,
Cho manh chiếu rách trùm lên tàn vàng"

hoặc hóm hỉnh kiểu dân dã, gây cười, hồn nhiên:

"Chính chuyên lấy được "chín chồng"
Vê viên bỏ lọ gánh gồng đi chơi.
Không ngờ quang đứt lọ rơi
Bò ra lổm ngổm chín nơi chín chồng"

Nguyên Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên của Việt Nam - Giáo sư Vũ Đình Hòe - nghe Giáo sư Huyên trình bày phương pháp "i tờ" này mà thấy "sướng cái lỗ tai đã đành, nhưng còn thú vị vì lĩnh hội được phần nào thâm ý của vị diễn giả yêu nước".

Tới khi đọc bản luận án tiến sĩ của Giáo sư Huyên, ông Hòe không khỏi thốt lên rằng: "Thật đáng mến phục biết bao 'cái Ông Nghè Tây học' mà mang nặng lòng nước non như thế đấy".

Ban đầu, sáng kiến "i tờ - tờ i ti" này cho Giáo sư Hoàng Xuân Hãn khởi xướng. Với sự chung sức của hai nhà sử học, ngôn ngữ học Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Huyên ở Trường Bác cổ", phương pháp này đã được nhân rộng và nhờ đó, giặc dốt đã bị tiêu diệt.

... đến "Kiến trúc sư trưởng cho lâu đài giáo dục" Việt Nam

"Ông Nguyễn Văn Huyên là một conngười có những nét rất đáng quý, đáng khâm phục ở chỗ là rất hiền, rấttận tụy với công việc, làm hết mọi việc với tinh thần trách nhiệm caoquý và ý thức danh dự đầy đủ, đồng thời thuyết phục mọi người cùng mìnhlàm, làm tốt. Từ đó mà có uy tín lớn trong ngành, được mọi người quýtrọng.

Chỉ tiếc là ông mất sớm nên không cống hiến được nhiều hơn nữa. Nhưng tấm gương như thế thật đáng quý và cao đẹp"

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Mặc dù chỉ gặp "trong công việc thôi, chứ không có cơ hội quen thân về cá nhân, cho nên không mấy khi đi lại với nhau, thành không biết được nhiều về đời tư", nhưng với Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định: "đời công như vậy thì nó chứng tỏ là một con người trọn vẹn công tư và đối với mọi người thủy chung... Có thể nói ngay mấy việc lớn mà ông, với cương vị là Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong suốt 30 năm, đã làm được cho sự nghiệp giáo dục.

Thứ nhất là chống nạn mù chữ mà ông là người lãnh đạo, một người chiến sĩ xung kích.

Thứ hai là lãnh đạo việc dùng tiếng Việt trong sự nghiệp giáo dục, dùng ngay tiếng Việt chứ không phải dùng tiếng Pháp như ở nhiều nước khác.

Thứ ba là mặc dù kháng chiến nhưng vẫn xây dựng, giữ vững và phát triển hệ thống các trường học, nhất là các trường đại học trên chiến khu.

Thứ tư là động viên, khuyến khích các em học sinh đi học trong những hoàn cảnh rất khó khăn; lúc đầu cố nhiên Pháp chưa có máy bay oanh tạc như Mỹ nên còn dễ, sau dần nó cũng có. Đến kháng chiến chống Mỹ thì rất gian khổ, các em học sinh đi học phải đội mũ rơm, học dưới hầm, thiếu thốn đủ thứ nhưng vẫn tổ chức cho các thầy cô giáo dạy tốt và học sinh học tốt, học giỏi.

Hoàn thành các công việc này trong những hoàn cảnh khó khăn lạ lùng của các cuộc kháng chiến chứng tỏ ông là người có một ý thức trách nhiệm, lương tâm nhà nghề cực kỳ đẹp đẽ".

Vài nét về cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên

CốBộ trưởng Nguyễn Văn Huyên sinh năm 1905. Ông đỗ cử nhân Văn chươngkiêm cử nhân Luật tại Đại học Sorbonne năm 1931. Trong thời gian làmbằng Tiến sĩ ở Pháp ông dạy học tại Trường Ngôn ngữ Đông phương.

Ngày17/2/1934, ông trở thành người Việt Nam đầu tiên bảo vệ xuất sắc luậnán tiến sĩ văn khoa tại Đại học Sorbonne, Paris. Luận án chính là "Hátđối của nam nữ thanh niên ở Việt Nam" và luận án phụ là "Nhập mônnghiên cứu nhà sàn ở Đông Nam Á". Chủ tịch hội đồng chấm luận án, giáosư Vendryès, coi đó là “một sự kiện đáng ghi nhớ trong lịch sửSorbonne”.

Năm 1935 ông về nước làm giáo sư trường Bưởi (trườngBảo hộ) Ban Tú tài bản xứ, cùng dạy học với người bạn thân thiết làgiáo sư Nguyễn Mạnh Tường.

Năm 1938 sau thời Phan Bội Châu vàĐông Kinh Nghĩa Thục, ông từ bỏ nhiệm vụ dạy Sử - Địa Pháp cho lớp trẻViệt Nam và chuyển sang Trường Viễn Đông Bác cổ.

Năm 1938, ông giúp thành lập bộ môn lịch sử văn minh Việt Nam tại trường Đại học Luật Hà Nội.

Ôngđược Quốc hội cử giữ chức Bộ trưởng Giáo dục vào phiên họp tháng11/1946 và giữ trọng trách này trong 29 năm cho đến khi mất vào tháng10/1975. Được giải thưởng Hồ Chí Minh, huân chương độc lập hạng nhất,tên ông được đặt cho phố chạy ngang Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nơicon út Nguyễn Văn Huy từng làm giám đốc.

Cái tát 'trời giáng' của ông Bộ trưởng

Trong lúc họng súng của địch cách nơi ẩn nấp có vài mét, ông Bộ trưởng đã không nương tay giáng cho cậu con trai út của mình một cái tát "thật là đau". Nhờ đó, mạng sống của hơn chục con người và thành quả của cách mạng bảo toàn...

Ba chàng rể "giáo sư" của Tổng đốc tỉnh Thái Bình

Tổng đốc Vi Văn Định thuộc đời thứ 14 của họ Vi - một dòng họ được đất nước giao cho trọng trách "trấn ải biên cương" tại Lạng Sơn. Trong lịch sử giữ nước, các vùng biên cương luôn là một trong các mối quan tâm hàng đầu của các triều đại phong kiến. Bởi "đấy là địa bàn trọng yếu, kế cận với quốc gia láng giềng và là khu vực có mức 'ly tâm' rất lớn đối với sự kiểm soát của nhà nước trung ương, đó là điểm dễ bị các thế lực ngoại bang lợi dụng".


Gia đình Tổng đốc Vi Văn Định trong ngày cưới của con gái Vi Kim Ngọc với tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên.Ảnh: Tư liệu

Tới đời ông Vi Văn Định, Tây không cho ông làm quan trên biên giới nữa, mà điều ông xuống vùng xuôi. Đấy là kế "điệu hổ ly sơn" của thực dân Pháp. Tháng 8/1928, ông được thăng làm Tổng đốc về nhậm chức ở Thái Bình.

Ông Tổng đốc tỉnh Thái Bình có tiếng là chính trực, công tội nghiêm minh. "Đến đâu làm quan, ông cũng lo làm giàu cho địa phương mình cai trị, không để Tây khinh miệt". Cũng đã có lần, "Cộng sản" định ám sát ông, ông biết điều đó. Nhưng tới khi súng đã lên nòng, cuộc ám sát bất ngờ kết thúc với đôi lời của "sát thủ": "Tôi được lệnh ám sát ông, nhưng sau khi đối thoại, tôi hiểu ông".


Cô dâu Vi Kim Ngọc và chú rể Nguyễn Văn Huyên trong ngày cưới (1936). Ảnh: Tư liệu

Và không chỉ "Cộng sản" hiểu ông, mà cả giới trí thức thượng lưu đương thời cũng hiểu và tìm đến xin nhận ông làm... "nhạc phụ". Người đầu tiên là chàng công tước Hồ Đắc Di - một nhà trí thức trẻ sinh ra trong một danh gia vọng tộc ở cố đô Huế, một dòng họ có tới năm nàng dâu là công chúa, công nữ và số thượng thư, tổng đốc khó đếm hết.

Bác sĩ Hồ Đắc Di là người bản xứ đầu tiên và duy nhất - trước năm 1945 - trong toàn Đông Dương thuộc Pháp được toàn quyền Jean Decoux phong chức danh giáo sư đại học. Năm 1935, bác sĩ Hồ Đắc Di đã xin cưới con gái của Tổng đốc Vi Văn Định là tiểu thư Vi Kim Phú - lúc đó tròn 17 tuổi.

Chàng rể thứ hai của cụ Tổng đốc là tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên, lúc đó đang là ủy viên thường trực Trường Viễn Đông Bác Cổ. Ông là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ văn khoa tại Đại học Sorbonne của Pháp. Trở thành ông "Nghè Tây học", nhưng vị tiến sĩ trẻ tuổi không ra làm quan, chỉ làm những nghề "sạch sẽ" như dạy học, nghiên cứu khoa học. Sau một thời gian "tìm hiểu", ông xin cưới người chị gái của tiểu thư Kim Phú là Vi Kim Ngọc - khi đó tròn 20 tuổi. Cả hai chị em tiểu thư Kim Ngọc đều nổi tiếng là "sắc nước hương trời" trong vùng.

Chàng rể "giáo sư" thứ ba của ông Tổng đốc là bác sĩ Tôn Thất Tùng - người thuộc dòng dõi hoàng tộc, giảng viên đại học. Tính đến năm 1945, ông đã công bố 63 công trình trên các tạp chí y học của Pháp ở Paris và ở Viễn Đông. Ông được nhà cầm quyền Pháp bổ nhiệm làm trưởng khoa ngoại Trường đại học Y Hà Nội năm 1940, khi mới 28 tuổi. Bốn năm sau đó, ông làm rể cụ Tổng đốc khi kết hôn với cháu gái của cụ là tiểu thư Vi Nguyệt Hồ (15 tuổi).

Tới năm 1942, cụ Tổng đốc từ quan. Cả ba chàng rể của cụ đều từ bỏ cuộc sống vàng son trong chế độ thực dân phong kiến, dẫn gia đình đi theo cách mạng lên núi rừng Việt Bắc, cùng góp sức mình cho một nhà nước dân chủ cộng hòa mới.

Cái tát cứu nguy cho cách mạng

Năm 1947, gia đình của cả ba chàng rể cụ Vi cùng tản cư lên Chiêm Hóa theo yêu cầu của Cách mạng. Lúc này, tình hình chiến sự bắt đầu căng thẳng. Chiến tranh đã lan rộng. Thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi "anh Huyên - Bộ trưởng Bộ Giáo dục" và "anh Di - Giám đốc Đại học" lưu ý: "Pháp đã đi thông tất cả đường lớn. Sau đó, chúng sẽ cho bộ đội đi các đường tắt".

Một trong những mục đích then chốt của địch là "tiêu diệt phá hủy cơ quan" và "hại sức cán bộ". Do đó, chúng ra sức tiến hành các cuộc càn quét để lùng bắt hoặc sát hại các nhân vật chủ chốt nhằm làm thui chột thành quả của cách mạng.


Gia đình ba giáo sư: Nguyễn Văn Huyên, Hồ Đắc Di và Tôn Thất Tùng trong kháng chiến (1948). Ảnh: tư liệu

Trong một lần địch "càn quét" tại Tuyên Quang dữ quá, cả ba vị "giáo sư" Nguyễn Văn Huyên - Hồ Đắc Di - Tôn Thất Tùng và gia đình đều nằm trong tầm nguy hiểm và cùng nấp tại một chỗ! Nhỏ tuổi nhất trong đó là bé Huy - mới hơn 2 tuổi - con trai út của Bộ trưởng Huyên.

Địch nhảy dù và ráo riết sục sạo dấu vết của các "cán bộ cốt cán". Sự sống của hơn chục con người trong ba gia đình trí thức "rường cột" treo ngược trên sợi tóc khi họng súng của địch chỉ cách chỗ mọi người nấp có ... "mươi mười lăm mét".

Tình thế trở nên vô cùng hiểm nghèo. Và trong khoảng khắc, sợi tóc mong manh "treo" hơn chục sinh mệnh đó suýt nữa "đứt phựt" khi tiếng khóc của bé Huy chợt ré lên... Chừng đó con người nín lặng kinh hãi...

Bỗng, "một cái tát thật đau" giáng thẳng vào khuôn mặt đang mếu máo nước mắt của cậu con trai út Bộ trưởng Huyên. Bất thần trước cái tát không nương tay của bố, cậu bé Huy bỗng ... "nín thinh"...

Trong gang tấc, địch đã không phát hiện ra nơi ẩn nấp và cả ba gia đình trở thoát chết. "Đấy cũng là lần duy nhất 'cụ' sử dụng bạo lực với trẻ em. Nhưng, cái bạo lực đó là cần thiết".

Và, quan trọng hơn tất thảy, chính nhờ cái tát "hạ thủ không nương tình" đó của Bộ trưởng Huyên, đất nước đã tránh được tổn thất nặng nề... Bởi, nếu như cả ba vị lãnh đạo đầu ngành đó đều rơi vào tay địch, thì có lẽ những thành quả cách mạng khó có thể được nguyên vẹn như ngày hôm nay...

Đã 60 năm trôi qua kể từ ngày nhận cái tát "trời giáng", người con trai út của Bộ trưởng Huyên vẫn chưa hết ngạc nhiên là: tại sao trong lúc đó, mình lại không khóc to hơn...?


Ông Bộ trưởng 30 năm 'chưa vào Đảng'

Có học vấn uyên thâm đỉnh cao Việt Nam đầu thế kỷ XX, lại giữ chức vụ then chốt trong Chính phủ Việt Nam đương thời, suốt gần 30 năm tại nhiệm, ông Bộ trưởng "chưa vào Đảng" vẫn cống hiến tài năng và tâm sức của mình cho ngành giáo dục tới tận khi trút hơi thở cuối cùng.

"Bộ trưởng chỉ có hai bắp ngô thôi!"

Năm 1950, quân Pháp đổ bộ đánh chiếm các tỉnh tả ngạn sông Hồng. Lúc này, Giáo sư Hoàng Như Mai đang là Hiệu trưởng Trường Phan Thanh ở Thái Bình. Sau đó, ông lên làm việc ở Văn phòng Bộ Quốc gia Giáo dục (tức Bộ Giáo dục hiện nay) tại phòng III - phòng phụ trách các vấn đề chuyên môn. Nhờ đó, ông lại có dịp gặp lại và làm việc với thầy cũ của mình khi đó là Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên.


Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên (thứ hai, từ trái sang) trong phái đoàn Chính phủ Việt Nam đàm phán tại Fontainebleau (Pháp) năm 1946. Ảnh: Tư liệu

Ông trưởng phòng của GS. Mai vốn là một nhà giáo lâu năm, rất coi trọng tôn ti, trật tự. Do vậy, không ít lần ông bất bình mà nói với giáo sư Mai rằng: "Ông N. tự cho phép mình có những thái độ, cử chỉ quá tự do trước mặt Bộ trưởng". Còn GS. Mai lại quan sát thấy: "chính Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên thì lại xem là rất bình thường, tự nhiên, chẳng để ý gì cả".

Vào một buổi trưa theo chân Bộ trưởng đi công tác từ Phú Thọ sang Tuyên Quang, Bộ trưởng bảo với GS Mai: "Ta đến dưới bóng cây kia, ăn trưa, nghỉ một lát rồi đi tiếp". GS. Mai đưa nắm cơm vắt của mình ra, rồi dùng dao cắt từng miếng nhỏ, đặt lên tờ giấy: "Mời Bộ trưởng dùng cơm với tôi".

Bộ trưởng Huyên vui vẻ đáp lại: "Ông cứ ăn tự nhiên, tôi cũng có mang theo thức ăn đây". Nói đoạn, ông Bộ trưởng rút ra từ trong ba lô ra hai ... bắp ngô luộc!

Bữa ăn trưa đó khiến cho GS. Mai không khỏi "ngạc nhiên" rồi "kính phục". Ông Mai tự nhủ: "Nhà trí thức này ở Pháp nhiều năm, về nước làm công chức ngạch cao mà sao thích nghi với kháng chiến dễ dàng thoải mái như vậy!".

Khi kể về bữa trưa đó với các đồng sự trong Bộ, ông Mai "chêm" vào một câu nói vui: "Bộ trưởng không thể quan liêu hách dịch với tôi được, vì tôi còn sang trọng hơn Bộ trưởng, tôi còn có nắm cơm, Bộ trưởng chỉ có hai bắp ngô thôi!".

Làm Bộ trưởng 30 năm, nhưng "chưa vào Đảng"

"Thế nào là Đảng đoàn? Đã có Bộ trưởng, Thứ trưởng tại sao lại cần có Đảng đoàn? Đảng đoàn bao gồm tất cả các Thứ trưởng là Đảng viên, thêm 1 hay 2 thành viên khác phụ trách các Vụ quan trọng. Thế thì Đảng đoàn bàn những việc gì? Tại sao tôi là Bộ trưởng mà lại không được biết những gì Đảng đoàn bàn và quyết định...?" - Trước những câu hỏi dồn dập của Bộ trưởng Huyên, ông Dương Xuân Nghiêm - khi đó là Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ - đã lặng cả người.


Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự Quốc khánh Mông Cổ năm 1971. Ảnh: Tư liệu

Khi giữ chức Tổng Giám đốc Đại học vụ, tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên còn rất trẻ, mới có 37 tuổi. Một năm sau, ông được Chính phủ giao giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục). Với sự hăng hái của tuổi trẻ, sự nhiệt tình và tài năng của một trí thức có tư tưởng mới, vị lãnh đạo trẻ tuổi đó đã dẫn đắt phong trào bình dân học vụ ngày càng phát triển. Trước tác phong làm việc của ông Bộ trưởng năng nổ đó, Bác Hồ rất hài lòng và đã có lần nêu tên ông như một tấm gương cho mọi người noi theo.

Dẫu vậy, cái tiếng chưa phải là đảng viên của ông Bộ trưởng cũng không tránh khỏi lời "ì xèo" rằng: phải là đảng viên với có thể lãnh đạo được quần chúng. Nghe được những điều này, ông đã rất trăn trở và đi đến quyết định... xin thôi giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Lý do của ông là vì ... chưa phải là đảng viên nên có thể gặp khó khăn trong công tác chỉ đạo ngành, nên xin để người khác giữ chức vụ quan trọng này!

Biết chuyện, ngay lập tức, Bác Hồ đến gặp trực tiếp Bộ trưởng Huyên và ôn tồn nói: "Chú đã làm việc rất tốt, điều đó chứng tỏ không phải cứ phải là đảng viên thì mới làm việc hiệu quả. Vấn đề cốt yếu là có tư tưởng yêu nước thương dân, có phương pháp làm việc đúng, nhiệt tình và công tác tích cực thì sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chú có đủ những yếu tố đó, vì vậy Bác khuyên chú cứ tiếp tục giữ trọng trách mà Chính phủ giao. Đây cũng là chú làm việc vì dân vì nước".

Tới năm 1960, chi bộ văn phòng Bộ Giáo dục nhất trí giới thiệu và kết nạp ông Nguyễn Văn Huyên vào Đảng. Đề nghị kết nạp đã được Đảng uỷ cơ quan Bộ giáo dục và Đảng uỷ Văn phòng Trung ương đồng ý. Nhưng khi thông qua Ban Bí thư thì chính Bác Hồ đã góp ý: "Để chú Huyên ngoài Đảng sẽ có lợi hơn là trong Đảng”. Ý kiến của Bác mọi người đều hiểu và nhất trí, vì vậy việc kết nạp ông Huyên đã không tiến hành. Và theo chỉ thị của Trung ương, nhất thiết trong mọi quan hệ với Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, Đảng đoàn và Đảng ủy Bộ giáo dục phải nhìn nhận ông như "một đảng viên chưa vào Đảng".

Và, suốt gần 30 năm tại nhiệm, ông Bộ trưởng "chưa vào Đảng" đó vẫn cống hiến tài năng và tâm sức của mình cho ngành giáo dục tới tận khi trút hơi thở cuối cùng... Một Bộ trưởng "bác học uyên thâm" như vậy, nhưng tiếc thay, ông đã không bao giờ trả lời được câu hỏi của ông Hoàng Xuân Hãn: “Khi nào anh nghỉ hưu? Bao giờ nối lại công tác khảo cứu?”...
Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thử tìm hiểu tầng lớp trí thức Việt Nam

    04/03/2019TS Chu HảoỞ nước ta hiện nay có một số khá đông người được xã hội, hoặc tự mình, coi là trí thức. Nhưng “thế nào là một trí thức?” thì hình như chưa bao giờ được cắt nghĩa một cách rõ ràng. Có thể đã có nhiều cá nhân trí thức, nhưng những con người đơn lẻ ấy đã quy tụ lại thành một giai tầng của xã hội như là tầng lớp trí thức chưa?
  • Để có lớp trí thức xứng đáng

    12/05/2018Hoàng TụyThời thế tạo anh hùng thì cũng thời thế, cơ chế tạo ra phẩm chất người trí thức. Nói rõ hơn là hoàn cảnh chính trị xã hội, là bản lĩnh, tài năng các nhà lãnh đạo quốc gia, và một phần chính yếu, là môi trường giáo dục đương thời. Cho nên tôi rất tán thành hãy bắt đầu bằng vấn đề giáo dục để bàn chuyện xây dựng lớp trí thức mới.
  • Người thầy đại học đầu tiên của đời tôi

    19/11/2014GS.NGND Trần Thanh ĐạmĐó là cố Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường. Thầy không phải là giáo sư đại học đầu tiên duy nhất của tôi, bên cạnh các tên tuổi lớn khác: Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Cao Xuân Huy, Đào Duy Anh, Nguyễn Đức Chính, Trương Tửu... nhưng thầy là khuôn mặt độc đáo, đặc sắc trong số các vị đó để lại những kỷ niệm không bao giờ quên trong ký ức và trong cuộc đời tôi....
  • Chất trí tuệ của nhân nghĩa Hồ Chí Minh

    01/05/2009Vũ Đình Hòe (*)Hơn ai hết, Nguyễn Ái Quốc, người thủy thủ yêu nước họ Nguyễn ham học vì đi "chu du" khắp các nước lớn Âu Mỹ đã từng làm cách mạng dân tộc dân chủ, đồng thời chống cường quốc áp bức nên đã thấy rõ chất trí tuệ của nhân nghĩa cộng với ý chí quật cường là động lực phi thường làm xoay chuyển trời đất...
  • Chân trời có người bay

    08/12/2008Đỗ Lai ThúyĐây là tập tùy bút chân dung viết về các nhà nghiên cứu những người âm thầm làm việc trong bóng tối. Một công việc nặng nhọc, khổ sai. Những đóng góp học thuật của họ, dẫu có tác động tới hành trình tư duy dân tộc đi nữa, thì cũng ít được bạn đọc rộng rãi biết đến, hoặc hiểu đúng, kể cả trong giới hẹp...
  • Nghiên cứu con người Việt Nam qua các trước tác của Nguyễn Văn Huyên

    05/03/2006GS. TS. Phạm Minh HạcNgoài đóng góp to lớn của Nguyễn Văn Huyên với nền giáo dục và khoa học giáo dục của nước Việt Nam độc lập, ông đã đề cập nhiều đến vấn đề con người, nhân cách con người và cách hình thành, phát triển nhân cách con người thế hệ trẻ Việt Nam...
  • Tôi thấy giáo dục chưa thực sự được coi là quốc sách!

    03/11/2003Ý kiến về "Giải pháp cứu ngành giáo dục" của giáo sư Hoàng Tuỵ đăng trên Tạp chí Ngày Nay số 20 được đông đảo bạn đọc quan tâm và phản hồi ý kiến. Sau đây là ý kiến của Giáo sư-Tiến sĩ khoa học Nguyễn Cảnh Toàn, Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học London, nguyên Thứ trưởng Bộ giáo dục...
  • xem toàn bộ