Chất trí tuệ của nhân nghĩa Hồ Chí Minh

09:22 CH @ Thứ Sáu - 01 Tháng Năm, 2009

Hơn ai hết, Nguyễn Ái Quốc, người thủy thủ yêu nước họ Nguyễn ham học vì đi "chu du" khắp các nước lớn Âu Mỹ đã từng làm cách mạng dân tộc dân chủ, đồng thời chống cường quốc áp bức nên đã thấy rõ chất trí tuệ của nhân nghĩa cộng với ý chí quật cường là động lực phi thường làm xoay chuyển trời đất.

Bởi vậy, rất dễ hiểu là tại sao sau khi cuộc đàm phán hòa bình Fontainebleau thất bại, rất nhiều Việt kiều yêu nước trên đất Pháp muốn theo Bác về nước, tham gia chiến đấu, và Người đã nhận "mang về" mấy cái đầu "đầy chữ": Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước, Lê Văn Thiêm... Trong nước thì Bác chú ý đến những cái "đầu" như Nguyễn Văn Huyên, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Phan Anh, Hoàng Xuân Hãn... (hai ông sau mặc dầu trước đây là làm việc cho triều đình thân Nhật). Ngay cả đối với Phạm Quỳnh bị coi là đầy tớ trung thành của thực dân Pháp, mà Bác Hồ mới về thủ đô còn không quên nghĩ đến sử dụng nếu ông ta còn sống. Hơn thế, ngay cả đối với Ngô Đình Diệm, anh Vũ Đình Huỳnh, thư ký riêng của Bác (hồi 1945-1946) kể câu chuyện lý thú rằng: Cuối tháng 8-1945, vừa ở chiến khu về, Người bảo anh Huỳnh đi gọi Lê Giản (ông trùm công an) đến để dẫn Bác vào nhà lao Hà Nội. Bác lướt qua các buồm giam, rồi gia lệnh mở cửa tha cho mấy tù nhân mới bị bắt, trong đó có Ngô Đình Diệm. Được tin, Bùi Lâm (cũng nguyên là thủy thủ, bạn chí thân của Bác) đùng đùng đến Bắc Bộ phủ "xông" vào phòng Bác đang làm việc, kêu bô bô với giọng bốc lửa:

- Anh Quốc! Anh thả Ngô Đình Diệm à! Thế anh không thấy nguy hiểm sao? Gọi là thời thế mà thay đổi, thì nó "thịt" anh trước tiên đấy!

Bác cười, mời ông Lâm ngồi xuống, thủng thẳng hỏi:

- Thế Bùi Lâm quên câu ca dao của nhân dân ở Huế à?

Bùi Lâm quên thật, nên đi tìm bạn hỏi rõ, thì được nghe nhắc lại câu ca dao:

"Đày vua không Khả(1)
Đào mả không Bài"

Đấy là những gia đình nhà Nho có nghĩa khí. Tôi đoán ý của bác là thế - một biểu hiện của lòng Nhân cổ truyền.


Bác Hồ và phái đoàn Chính phủ Việt Nam đàm phán
tại Fontainebleau (Pháp) năm 1946.

Hồ Chủ tịch đánh giá cao vai trò của trí thức trong Cách mạng. Ta nhớ, sau hội nghị Fontainebleau thất bại, phái đoàn ta trở về nước trước Bác thì điều quan trọng nhất Bác dặn anh Tô là phải khẩn trương giúp anh em trí thức lập Đảng Xã hội Việt Nam. Bác tin tưởng ở trí thức... Nhưng không phải vì thế Bác bỏ qua những tật xấu của chúng tôi, mà thường xuyên để ý uốn nắn một cách nhẹ nhàng, lịch sự nữa! Được cái, họ cũng tinh ý (trí thức Parisien mà!), hiểu nhanh nên vui vẻ nhận ra khuyết điểm, và cũng thấm thía sự lố lăng của mình để thành thực thay đổi nếp sống văn minh rởm. Chẳng hạn Phan Anh đấy, trong hoàn cảnh Hà Nội mới qua Tổng khởi nghĩa, mà ông Bộ trưởng Quốc phòng vừa được phong chức đã "diện" bộ quân phục tướng Tây giả để ra tiếp viên tướng Tây thật Le Clerc, thì quả là khó coi thật! Được Bác nhắc nhẹ, nhưng khá đau: "con nhà lính mà tính nhà quan". Phan Anh tỉnh ra tức thì, và sau hàng chục năm nghĩ lại anh còn thấy thèn thẹn.

Bác đặc biệt chăm sóc "Lớp chỉnh huấn Trung ương cho trí thức". Bài giảng vỡ lòng vẫn là bài "Thiện Ác giao tranh" của Bác và Bác thân hành đến giảng. Thời gian lớp đang tiến hành "đấu tranh tự phê, phê" Bác đến thăm, động viên thêm, gặp gỡ hỏi han số anh em nào có vấn đề mắc mứu. Rồi đến buổi giải đáp (thắc mắc) cuối cùng Bác cùng với tôi cũng đến thăm và sinh hoạt một ngày với tổ anh em Dân chủ.

Bác tươi cười nói:

" Trí thức vốn thích độc lập suy nghĩ, "tự do tư tưởng", thì chính các cô, các chú đăng được tha hồ phê, tự phê, thoải mái, miễn là thành thực với mình, với bạn để phấn đấu tiến lên và giúp bạn tiến lên. Thời gian qua trong quan hệ giữa chính trị và chuyên môn có nhiều trục trặc. Lỗi ở cả hai bên: anh chính trị thì hẹp hòi hay chụp mũ, tả khuynh, tư tưởng công thần; anh chuyên môn thì thái độ khinh khỉnh
, còn tư tưởng thì lại rụt rè, ngại đấu tranh, đối với địch thì đôi khi thiếu kiên quyết".

Bác nhấn mạnh
:
- Mình đấu với mình! Có phải không nào? Đây có cụ Bùi (cụ Phó bảng Bùi Kỷ), tôi nói thế này khí không phải, xin lỗi Cụ trước:
(Ở dưới cử tọa có tiếng cụ Bùi vang lên: - Không dám ạ: thưa Cụ, xin mời Cụ cứ dạy bảo).

Hồ Chủ tịch nói tiếp:

- Hôm qua ở trong Tổ, Cụ đã tự phân tích lỗi lầm xưa rất hay, rất cảm động, anh em phản ánh cho tôi thế: Cụ đã dạy Văn - Sử ở các trường - trung học, đại học dưới thời Pháp thuộc, được hàng mấy chục khóa học sinh, sinh viên. Ngay hồi đó Cụ đã cảm thấy nhục nhã khi phải nói về công ơn khai hóa của Nhà nước Bảo hộ. Như thế là Cụ đã gây dựng được hàng mấy chục khóa thanh niên nô lệ cho thực dân Pháp. Cụ đã tự nhận thế. Đúng đó, rất hoan nghênh lời tự phê phán đó của Cụ. Xin phép góp ý thêm: Suốt thời đó, Cụ còn nhát nhát quá chưa nói thêm được điều gì kín đáo giúp cho học trò cụ suy nghĩ. Vì Cụ sợ Tây nó "đá đít"! (cả Hội trường cười ồ). Thế là Cụ có tội với nhân dân, có tội với dân cày ngay ở quê Cụ. Họ đã nai lưng nộp thóc, nộp thuế để nuôi Cụ! Có phải thế không ạ?

Cụ Bùi đứng dậy, vui vẻ, khiêm tốn trả lời:
- Quả đúng như thế ạ. Còn "hèn" nữa cơ ạ, vì đã không dám nói thẳng ra như thế ngay trong lớp học này!

- Vâng (Bác nói), để khẳng định sâu sắc quyết tâm phản đế, phản phong trong cuộc giao tranh nay mai. Mục đích của chỉnh huấn lần này, chính là để trong tư tưởng ta phải dứt khoát đoạn tuyệt với cái Ác, làm cho cái Thiện hoàn toàn thắng.

Hội trường hoan hô, mừng rỡ, hoan hô cả hai Cụ - Đại Nho, mà rất giàu tư tưởng Dân chủ Mới, hừng hực nhiệt tình chiến đấu như thanh niên.

*
* *

Ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên thệ trước Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất ngày 2-3-1946

Lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước Quốc hội khóa I, kỳ họp thứ hai, ngày 31-10-1946, sau khi được giao trách nhiệm thành lập Chính phủ mới

"Lần này là lần thứ hai Quốc hội giao phó cho tôi phụ trách Chính phủ một lần nữa. VN chưa được độc lập, chưa được thống nhất thì bất kỳ Quốc hội ủy cho tôi hay cho ai cũng phải gắng mà làm. Tôi xin nhận.

Giờ tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới rằng: Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng quan phát tài.

Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái.

Tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân, trước thế giới: Tôi chỉ có một Đảng, Đảng VN.

Tuy trong quyết nghị không nói đến, không nêu lên hai chữ liêm khiết, tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới: Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết.

Theo lời quyết nghị của Quốc hội, Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ biết làm việc, có gan góc, quyết tâm đi vào mục đích trong thì kiến thiết, ngoài thì tranh thủ độc lập và thống nhất của nước nhà.

Anh em trong Chính phủ mới sẽ dựa vào sức của Quốc hội và quốc dân, dầu nguy hiểm mấy cũng đi vào mục đích mà quốc dân và Quốc hội trao cho..."

Nhân nói đến chí khí nhà Nho, ai không biết vị đại cựu Nho Hồ Chí Minh - Nguyễn Ái Quốc, đại trí thức mới luôn luôn nuôi trong óc một thần tượng về Độc lập - Tự do, đó là nhà đại Nho, đại chí sĩ Phan Bội Châu, ngôi sao Bắc đẩu của phong trài yêu nước đầu thế kỷ XX. Chính vị bạn thâm giao đàn anh này đã cùng ký với Nguyễn Ái Quốc (và Phan Chu Trinh) vào bản "Lời hô hoán" gửi đi ngày 30.6.1926 từ Paris cho hội Vạn Quốc đòi "phải trả quyền độc lập hoàn toàn, tự khắc cho dân tộc Việt Nam. Nếu không thì chẳng bao lâu nữa "Dân chúng tôi sẽ khởi nghĩa". Dáng dấp một "tối hậu thư"!

Tôi mạnh dạn nghĩ rằng sự kiện trên minh chứng sự gắn bó máu thịt của hai luồn tư tưởng yêu nước thuộc hai thế hệ cách mạng già - trẻ và sẽ chuyển giao trách nhiệm cho nhau của hai lớp người chí sĩ cách mạng dân tộc, dân chủ ở Việt Nam, hai lớp sĩ phu yêu nước cùng kiên cường chủ trương giành Độc lập - Tự do nhưng bằng hai phương lược đã có lúc khác nhau, cuối cùng thống nhất, được một cách tự nhiên, nhờ ở chất trí tuệ của cả đôi bên, trong tư tưởng yêu nước.

Sự thống nhất về tư tưởng yêu nước và đấu tranh giành tự do đó lại được thế hệ thanh niên, trí thức thứ ba tiếp nối, mà theo tôi nghĩ một gương mặt tiêu biểu là Nguyễn Văn Huyên(2).

Theo nhà nghiên cứu giáo dục học Nguyễn Sĩ Tỳ, thì đã có lúc (1950) Nguyễn Văn Huyên xin với Hồ Chủ tịch được thôi chức Bộ trưởng Giáo dục. Không phải là đảng viên Cộng sản, nên cảm thấy "khó" làm việc lắm. Nhưng Bác Hồ cứ thuyết phục anh, để anh yên lòng phụ trách. Anh vâng lời, và suốt 25 năm sau đó, cho đến khi mất, anh chấp hành tích cực đường lối chính sách giáo dục của Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, hết sức chăm lo diệt nạn mù chữ, gây dựng và mở mang nền bổ túc văn hóa quần chúng công nông, chăm lo mở các trường thực nghiệp, chuyên nghiệp, để sửa chữa cái tật lệch lạc mà Bác Hồ ân cần uốn nắn: "Dạy và học như các chú chỉ tạo nên những cái hòm chữ, những cái bồ chữ, chứ không phải là đào tạo nên những con người kháng chiến kiến quốc".

Đến khi miền Bắc từ 1960 chuyển mạnh lên Chủ nghĩa xã hội, vấn đề xây dựng nền giáo dục xã hội chủ nghĩa đã đặt nhiệm vụ trung tâm là phải đề cao đến tuyệt đỉnh tư tưởng Mác - Lênin. Nguyễn Văn Huyên tán thành nhiệt liệt. Tuy nhiên cũng với tất cả sự chân thành, anh lại mạnh dạn nêu lên (trong Tổ Lý luận giáo dục của Tiểu ban văn hóa giáo dục Trung ương, họp vào ngày 23-6-1969) vấn đề... "cần đi sâu để hiểu biết vai trò của ông Đồ trong xã hội phong kiến Việt Nam. Có thể nói xã hội phong kiến Việt nam mấy nghìn năm giữ được rường mối, trong đó vai trò của ông Đồ rất lớn. Thường thì nhà trường của chế độ phong kiến rất phản khoa học. Nhưng nhà trường phong kiến Việt Nam chưa hẳn là hoàn toàn như thế. Bởi vì: vai trò của những ông Đồ Việt Nam trong công cuộc chống ngoại xâm cũng rất lớn...".

Chúng ta có thể nhận thấy rõ nhà trí thức Nguyễn Văn Huyên đã thấm nhuần tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh: trồng con người mới Việt Nam trên miếng đất màu mỡ của Tổ tiên đã tưới bón bằng mấy ngàn năm văn hiến, bằng trí tuệ tích lũy hàng trăm đời, chắt lọc, chưng cất từ nhiều nguồn mà cốt tủy vẫn là Lạc Việt để trở thành cái chân Nhân Nghĩa trong sáng, đậm đà, thắm thiết của tâm hồn con người Việt Nam.


*)Vũ Đình Hòe (sinh 1912) là luật gia, nhà báo, Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục, sau đó là Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hiện ông là một trong hai Bộ trưởng trong Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn sống (người thứ hai là Đại tướng Võ Nguyên Giáp).

Ông là một trong các sáng lập viên của Đảng Dân chủ Việt Nam (1944), về sau Đảng Dân chủ tham gia vào Mặt trận Việt Minh.

1)Ngô Đình Khả là bố Ngô Đình Diệm, đại thần đầu triều, đã từ chối không ký kèm với toàn quyền Đông Dương lệnh đưa Thành Thái đi đày. Bài (Nguyễn Hữu Bài) sau này cũng chống lại Khâm sứ trong việc cho phép làm đường mà đào cả mả nhà vua.

2)Nguyễn Văn Huyên (1908-1975) - Giáo sư, tiến sỹ, nhà sử học, nhà dân tộc học, nhà giáo dục Việt Nam. Ông học và đỗ cử nhân Luật năm 1931 tại Đại học Sorbonne, và là người Việt đầu tiên bảo vệ tiến sĩ văn khoa tại Pháp. Năm 1935, ông về nước dạy học tại Trường Bưởi, Hà Nội. Năm 1938, ông giúp thành lập bộ môn Lịch sử văn minh Việt Nam tại trường Đại học Luật Hà Nội. Sau cách mạng tháng Tám, ông được cử giữ chức Giám đốc đại học vụ, Bộ Quốc gia giáo dục kiêm Giám đốc Viện Bác cổ. Dù không phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, ông 29 năm giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho đến lúc mất.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bác Hồ và người gánh nước đêm giao thừa

    09/01/2011Bùi Dũng"Một Đảng cầm quyền mà để người dân mình nghèo hết còn chỗ để nghèo thì đó là lỗi của Đảng với nhân dân..." - điều Bác Hồ nói vào mùa Xuân cách đây 45 năm đến nay còn thấm thía...
  • Tầm nhìn

    30/04/2009Dương Quang MinhTheo sự hướng dẫn của Bác Hồ, chúng ta đã giải quyết tốt vấn đề PAO và MIA, đã trải thảm đỏ đón tổng thống B.Clinton và tổng thống G.Bush đến thăm Việt Nam, đã và đang thực hiện nhiều đề án hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Hữu ích biết bao việc chúng ta làm theo những lời dạy mang tầm nhìn xa của Bác.
  • Hồ Chí Minh với tiến trình lịch sử dân tộc

    03/04/2009ThS. Phạm Ngọc HàHồ Chí Minh là một nhân vật lịch sử lỗi lạc không chỉ của dân tộc Việt Nam, mà còn của nhân dân tiến bộ trên thế giới trong thế kỷ XX. Cuộc đời và sự nghiệp của Người gắn liền với cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội của nhân dân Việt Nam và của nhiều nước khác. Góp phần vào việc thiết thực hơn nữa cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia đã cho ra mắt cuốn sách Hồ Chí Minh với tiến trình lịch sử dân tộc của GS.TS, Nhà giáo nhân dân Phan Ngọc Liên.
  • Hồ Chí Minh với vấn đề con người

    06/12/2008Nguyễn KiênBắt đầu hoạt động cách mạng với những khái niệm “con người”, “quyền con người”, Hồ Chí Minh cũng khép lại cuộc đời mình với khái niệm “con người”, tuy với những nội dung có khác nhau…
  • "Chung rượu đào" của Bác Hồ

    30/04/2008GS. Tương LaiKể từ lúc khúc hùng ca "như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" cất lên trong ngày vui hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho đến nay cũng đã 33 năm, một phần ba thế kỷ...
  • Tích hợp và tự sinh trong văn hóa Hồ Chí Minh

    19/05/2007Phan Công KhanhNhân loại không thiếu những anh hùng dân tộc, những đanh nhân văn hóa có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với sự phát triển của đất nước họ, sự vận động chung của lịch sử nhân loại. HồChíMinh là hiện thân của nhiều giá trị, đặc sắc về tính dân tộc nhưng vẫn bao hàm những yếu tố phổ quát của nhân loại...
  • Đọc bài "Quốc hội ta vĩ đại thật" của chủ tịch Hồ Chí Minh

    31/03/2007Trần Lưu Sơn (Sở Tư Pháp Tỉnh Hà Nam)Với bút danh T.L chủ tịch Hồ chí Minh viết bài”quốc hội ta vĩ đại thật” đăng trên Báo Nhân dân, số 2304, ngày 10-7-1960. Trong không khí chuẩn bị cho ngày bầu cử quốc hội khoá XII chúng ta cùng đọc lại bài viết của người...
  • Triết lý hành động Hồ Chí Minh

    04/03/2007PGS, TS Nguyễn Hùng HậuTriết lý hành động Hồ Chí Minh không chỉ kế thừa những tinh hoa của triết học Đông Tây kim cổ mà còn kế thừa những điểm tinh tuý của triết học Mác và đưa triết lý hành động lên tầm cao mới trong đó triết lý và hành động, nói và làm, lý luận và thực tiễn không tách rời nhau, tạo nên một khối thống nhất...
  • Tổng kết thực tiễn: Một bài học của Bác Hồ

    03/02/2006Thái DuyThành công hoặc thất bại, Bác Hồ đòi hỏi trước hết lãnh đạo các cấp phải xác định trách nhiệm cá nhân của mình thì mới tổng kết thành công...
  • xem toàn bộ