"Ngày gia đình Việt Nam" nhìn từ góc... chuyển động!

09:56 SA @ Chủ Nhật - 28 Tháng Sáu, 2009

Không phải ai cũng có thể được sống với "nửa cuộc đời" của mình. Không phải ai cũng dễ dàng tạo dựng được một hình ảnh gia đình trọn vẹn theo nghĩa thông thường. Nhưng họ vẫn có thể làm nên những tế bào hoàn hảo cho xã hội theo cách lựa chọn riêng của mình.

Định nghĩa về "Gia đình"?

Ngày hôm nay, truyền thông đã không quên nhắc tới một cụm từ được tôn vinh trong mấy năm trở lại đây: "Ngày gia đình Việt Nam".

Sự tôn vinh đến mức nhiều phụ nữ thường mỏi mòn trước những mâm cơm chờ chồng cảm thấy được an ủi: Rằng khó có điều gì thay thế được hình ảnh sự bền vững của gia đình truyền thống. Rằng khó có thể nói khác đi với những định nghĩa cũ xưa và bền bỉ: "Gia đình là tế bào của xã hội".

Sự tôn vinh ngày gia đình Việt Nam với hình ảnh phổ biến là hai vợ chồng cười tươi vui dắt đứa con nhỏ chạy tung tăng có lẽ cũng khiến nhiều cô gái qua tuổi 20 từ lâu hốt hoảng... Cũng có những người đơn côi vì nhiều lý do cảm thấy chạnh lòng trong cái ngày này...

Niềm vui, nỗi buồn hay sự ái ngại này đều xuất phát từ thói quen nghĩ theo một chiều: đã là gia đình thì phải đủ vợ + chồng + con cái. Đã là gia đình thì phải chung nhau nhiều thứ, nhất là bữa cơm gia đình.

Tôi có một cách quan niệm khác: gia đình là cuộc sống riêng tư của mỗi người - ngoài giờ làm việc, là mái nhà mà ở đó mỗi người cảm thấy thoải mái và hợp lý nhất (trong sự tương thích với đời sống xã hội và văn hoá cộng đồng).

Thói quen ứng xử?

Nếu đã như vậy, liệu có thể nói rằng một người đàn ông (hoặc một phụ nữ) chỉ ăn cơm sáng và chiều với một con chó hoặc con mèo không có cuộc sống gia đình? Hoặc ai đó bị cầm tù suốt đời trong những bữa cơm lạnh ngắt và những câu hỏi han vô cảm - nhạt nhẽo so với một người chung sống trong những tiếng cười rổn rảng với chục đứa con mồ côi mà mình nuôi dưỡng, thì không biết ai bất hạnh hơn? Ai trong số họ thực sự đang có một gia đình hạnh phúc?

Người Việt từ bao đời này thường nhìn những người độc thân với ánh mắt thương hại. Thường coi những người không con cái là quá tội nghiệp. Nhưng tôi cho rằng, quan niệm này sẽ không thể đứng vững nữa khi chứng kiến những người cha, người mẹ chỉ ao ước "Giá mà mình đừng sinh nó ra, cái đứa con nghiện ngập, phá gia chi tử ấy!". Hoặc giả người bị mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh nan y - khó có tuổi thọ, hoặc không có khả năng đảm bảo để xây dựng gia đình là một tế bào tốt của xã hội thì "sự cố gắng cho bằng chị, bằng em" của họ sẽ đem lại gánh nặng cho cộng đồng!

Ai trong cuộc đời này chẳng mong muốn sự hoàn hảo, vợ chồng sánh đôi, con cái thành đạt. Nhưng khi người ta phải đứng trước nhiều sự lựa chọn xấu - hoặc bất khả kháng - thì cách tốt nhất là hãy nhìn sự việc một cách cởi mở và bớt tính áp đặt hơn!

Truyền thống của gia đình phương Đông thường đề cao "tứ đại đồng đường". Nhưng một cuộc sống chung nhiều thế hệ đôi khi lại đem lại sự khó chịu cho tất cả thành viên. Một gia đình hai thế hệ đôi khi còn bất hoà chỉ vì xem ti vi chung. Chữ hiếu nghĩa, sự hoà hợp trong gia đình thời nay cũng đã có cắt nghĩa khác.

Tôi rất ngạc nhiên khi nhiều người tỏ ra hốt hoảng cho rằng: hình ảnh gia đình truyền thống đang bị mai một chỉ vì những biểu hiện của những cá nhân tỏ ra tôn trọng cảm xúc cá nhân và ý thích riêng tư. Chúng ta không còn chung nhau bát nước chấm trong mâm cơm, nhưng đâu phải vì thế mà hình ảnh gia đình Việt đang bị biến dạng.

Sự lựa chọn không "đồng thanh"?

Sự chuyển động theo chiều hướng mở của đời sống kinh tế xã hội sẽ kéo theo những biến đổi của từng tế bào trong đó là gia đình và mỗi cá nhân. Xã hội hiện đại có xu hướng tôn trọng bản sắc cá nhân. Nếu từng cá nhân biết làm tốt mình và lựa chọn cách ứng phó những biến động của đời sống một cách bản lĩnh và điềm tĩnh thì sẽ khiến cho nền tảng gia đình khó bị lung lay.

Tôi càng củng cố ý nghĩ đó của mình qua cuộc trò chuyện mới đây với nhạc sĩ Lê Phi Phi - con trai nhạc sĩ Hoàng Vân. Anh đang ở xa Tổ Quốc, mỗi tháng anh gọi điện về cho gia đình ở Hà Nội một lần. Thế nhưng không khí gia đình vẫn ngự trị trong gia đình lớn nhiều thế hệ ấy. Và họ rất hiểu nhau, gần gũi nhau trong cách nghĩ và ứng xử. Văn hoá gia đình đó không hẳn ai cũng hiểu và cũng có.

Không phải ai cũng có thể được sống với "nửa cuộc đời" của mình. Không phải ai cũng dễ dàng tạo dựng được một hình ảnh gia đình trọn vẹn theo nghĩa thông thường. Nhưng họ vẫn có thể làm nên những tế bào hoàn hảo cho xã hội theo cách lựa chọn riêng của mình. Đồng thời với sự tôn vinh "Ngày gia đình" truyền thống, chúng ta cũng nên tôn trọng sự lựa chọn riêng của mỗi người trong cách ứng xử với hạnh phúc và gia đình - miễn là sự lựa chọn đó không làm trái pháp luật và không làm tổn thương niềm tin của người khác.

Để kết thúc cho bài viết này, tôi muốn nhớ lại câu hát của Trịnh Công Sơn: "Vẫn biết bên đời còn có nhau"....

Nhà văn Võ Thị Hảo: “Gia đình, cũng như tạo hoá sinh ta không hoàn hảo...”

- Thưa chị, chị nghĩ sao, nếu thấy một người đàn ông hoặc một người đàn bà không kết hôn với ai và sống trọn đời với một con chó hoặc một con mèo nhỏ?

- Đó là Gia Đình - Mái ấm của họ. Mỗi người trong chúng ta có quyền lựa chọn các kiểu gia đình để tồn tại trên đời này và có quyền được vui hưởng sự lựa chọn đó, miễn là không làm tổn hại đến ai.

- Ngày càng có nhiều người ly hôn. Thậm chí có người ly hôn ba, bốn lần. Vậy theo chị, họ có đang đi ngược lại những quan niệm và đạo đức gia đình không?

- Không. Ly hôn cũng như kết hôn, đó là những hành vi không liên quan gì đến đạo đức. Đạo đức nằm ở nguyên nhân và thái độ dẫn đến cuộc ly hôn hay kết hôn đó. Mỗi người trong chúng ta đều rất có thể nhầm lẫn nhiều lần trong đời về lựa chọn người cộng sự hoặc lựa chọn ngừi tình, đương nhiên, có thể nhầm lẫn nhiều lần về lựa chọn bạn đời. Người nhầm lẫn là nạn nhân, chẳng ai muốn bị nhầm lẫn cả. Vậy sao ta tự cho mình quyền lên án, chê bai họ nhỉ?

Nếu quả thực những cuộc hôn nhân không hạnh phúc và cái địa ngục gia đình đã vượt quá sức chịu đựng của ai đó, họ có quyền ly hôn. Thái độ ứng xử, trách nhiệm với nhau, đặc biệt là với những đứa con. Quan trọng nhất là trách nhiệm kinh tế với con cái. Trẻ em cần phải được bảo vệ bởi luật pháp, tình yêu thưong của cha mẹ và cả tiền bạc từ cha mẹ chúng. Nếu cha hoặc mẹ vô trách nhiệm với con, thì điều đó không những vi phạm đạo đức, mà còn là phạm pháp. Các nước văn minh bảo vệ trẻ em bằng cách dùng các biện pháp cưỡng chế hoặc hình sự đối với những vị cha mẹ vô trách nhiệm.

- Theo chị, thế nào là một gia đình hoàn hảo?

- Không có gia đình hoàn hảo. Cũng như tạo hoá sinh ra mỗi chúng ta đều không hoàn hảo. Cũng đừng mong tình yêu nồng nàn gắn kết hai con người, hai cuộc đời. Chất keo để gắn kết gia đình là thái độ ứng xử văn minh, trách nhiệm và ân nghĩa. Tình yêu dễ vỡ như bong bóng xà phòng. Nhưng ân tình, trách nhiệm và văn minh thì đủ dùng cho một đời người.

- Quan niệm truyền thống về gia đình hiện nay có còn phù hợp không, thưa chị?

- Vẫn còn giá trị, nhưng không hoàn toàn phù hợp. Tôi nghĩ rằng nội hàm của khái niệm gia đình hiện nay có nghĩa rất uyển chuyển. Nếu chúng ta cứ khư khư giữ những quan niệm cũ, sẽ là thiếu cập nhật và thất bại trong việc củng cố gia đình. Có rất nhiều kiểu gia đình. Có những gia đình đồng tính thì sao? Không cổ vũ họ. Nhưng đó là quyền con người, Không thể phủ nhận họ và đừng làm họ thêm đau khổ vì những “tiên thiên bất túc”...

Nguồn:VietNamNet
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bóng dáng tần tảo trong gian nhà thân thuộc

    19/10/2018Hải SựCái mạch nguồn chảy mãi, xuyên suốt trong nếp sống gia đình người Việt Nam đó là trong mỗi gian nhà Việt đều luôn ẩn hiện bóng dáng của những người vợ, người mẹ tần tảo, lo toan và hy sinh nữa.
  • Giáo dục gia đình - những thách đố mới

    13/03/2017Nguyễn KiênKhông thể có sự hình thành và phát triển nhân cách một cách đầy đủ và vững bền nếu không có một môi trường giáo dục gia đình thuận lợi. Bởi vì gia đình là thể chế đầu tiên quan trọng nhất in dấu lên nhân cách đang hình thành vào lứa tuổi còn non dại, khi trẻ em chưa có ý thức rõ về điều đó...
  • 6 bước để có gia đình bền vững

    25/11/2016Lê NgânMọi vinh quang của cá nhân sẽ không thể được nói là trọn vẹn nếu đằng sau đó không phải là một “hậu phương” vững chắc. Hơn hết thảy, xây dựng một gia đình bền vững vẫn nên là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của mỗi người.
  • 10 bí quyết cân bằng công việc và gia đình

    20/09/2013Ths Bùi Quang VĩnhNhiều người cho rằng, đàn ông thành công trong sự nghiệp hơn phụ nữ vì họ không vướng bận việc tề gia nội trợ và làm mẹ. Điều này không hẳn đúng: Làm thế nào để vừa là một doanh nhân thành đạt vừa là một người cha, người chồng tốt, một "cái nóc" vững chắc cho ngôi nhà của mình là điều không phải ai cũng làm được. Các nhà tâm lý và quản trị đã đưa ra 10 bí quyết cân bằng giữa công việc và gia đình dành cho doanh nhân.
  • Giáo dục văn hoá cho con cái

    16/09/2013Quế PhươngNgày nay trong rất nhiều gia đình, nếu các nếu các vấn đề học tập, ăn mặc, vui chơi, giải trí của con cái đều được chú trọng thì hầu như việc giáo dục văn hoá chưa được quan tâm đúng mức, mặc dù co khi nó vẫn diễn ra một cách tự phát. Thậm chí có những bậc cha mẹ cho rằng chính nhà trường và xã hội chịu trách nhiệm về giáo dục văn hoá còn gia đình hoàn toàn không làm gì được trong lĩnh vực này. Nhận định này không chính xác vì thật ra gia đình là môi trường tốt nhất cho việc giáo dục văn hoá và cần phải bắt đầu áp dụng càng sớm càng tốt một cách có ý thức.
  • 7 thói quen để có một gia đình hạnh phúc

    01/11/2012Bùi Quang MinhCovey là một nhà triết gia hiện đại đại tài. Cất giọng lên và những giai thoại về vợ và những đứa con của ông ấy với sự truyền cảm và những câu chuyện có thật, những bài học, và những chuyện ngụ ngôn của chính ông ấy, ông đã viết nên một quyển sách với những điều dành cho tất cả các bậc phụ huynh mà thực sự muốn nâng cao sức mạnh và cái đẹp của chính gia đình họ...
  • Văn hóa gia đình

    28/06/2009Phóng viên O2TV thực hiệnGia đình là một khái niệm động, gia đình không phải là những bữa ăn đầm ấm, gia đình không phải là những buổi picnic hấp dẫn đối với người xem. Nếu gia đình là một vở kịch để người khác xem cho đẹp mắt thì gia đình ấy chắc chắn không bền vững và không hữu ích.
  • Không gì bằng bàn tay vợ

    27/06/2008Tuệ ThưNgười phụ nữ hiện đại không còn bị ràng buộc quá khắt khe công việc tề gia nội trợ mà có quyền bình đẳng nam giới trong mọi vị trí, công tác xã hội. Chính vì thế thuê người giúp việc gia đình chính là một giải pháp hữu hiệu giúp người phụ nữ có thời gian chuyên tâm hơn phấn đấu cho sự nghiệp bản thân...
  • Để gia đình mãi mãi là nguồn hạnh phúc

    28/11/2007Văn TúCho dù công việc của bạn có bận đến đâu cũng nên dành một khoảng thời gian nhất định cho gia đình của bạn. Hãy thể hiện tình cảm của bạn đối với mọi người trong gia đình bằng những lời nói, cử chỉ cụ thể...
  • Đạo đức gia đình trong nền kinh tế thị trường

    22/05/2007Nguyễn Thị KhoaĐạo đức gia đình là toàn bộ những quan niệm về giá trị và quy phạm về hành vi của con người trong vấn đề hôn nhân và gia đình. Mọi cử chỉ, hành vi, thái độ của mỗi người về hôn nhân và gia đình vừa thể hiện bản chất đạo đức cá nhân, vừa cho biết bản chất đạo đức của mối quan hệ trong gia đình. Sự hình thành đạo đức gia đình không chỉ dựa trên những quy định của pháp luật, của phong tục tập quán và truyền thống dân tộc, mà còn dựa trên niềm tin và dư luận xã hội.
  • Gia đình thời @

    16/09/2006Thủy Hương
  • Quy mô gia đình ở Việt Nam đang thu nhỏ

    29/07/2006Trình độ kinh tế xã hội phát triển, sự giao thoa hội nhập với nhiều nền văn hoá khác nhau trên thế giới, cùng với nhịp độ của công cuộc hiện đại hoá, công nghịêp hoá đất nước ngày càng nhanh chóng đã và đang tác động đến quy mô và nếp sống của gia đình Việt Nam...
  • Phỏng vấn một vị “trụ cột gia đình”

    18/03/2006Ba BêDù phụ nữ đã được coi là bình đẳng với nam giới và rất nhiều chị em thành đạt, nhưng các đấng mày râu cũng như toàn xã hội vẫn coi đàn ông - tức người chồng, người cha là “trụ cột gia đình"...
  • Vai trò lịch sử của gia đình

    08/03/2006Trong các thời đại và nơi chốn khác nhau thì gia đình conngười rất khác nhau về tổ chức, điều hành, và vai trò xã hội của nó. Nhưng luôn luôn và ở đâu nó cũng thực hiện một chức năng cơ bản – sinh sản và nuôi dưỡng bọn trẻ. Đây là mục đích và nền tảng tự nhiên của gia đình...
  • Tư tưởng nho giáo về gia đình và việc xây dựng gia đình mới ở Việt Nam hiện nay

    21/12/2005Minh Anh...kế thừa những tư tưởng tích cực của Nho giáo về gia đình trong việc xây dựng gia đình mới ở Việt Nam hiện nay nhằm thực hiện thành công xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là việc làm cần thiết...
  • Mối quan hệ cá nhân - gia đình trong bối cảnh Việt Nam đi vào toàn cầu hóa

    19/07/2005Lê ThiĐi vào hội nhập và toàn cầu hóa, xã hội Việt Nam đang chịu những tác động tích cực và tiêu cực, cả về mặt kinh tế và văn hóa xã hội. Gia đình, tế bào cơ sở của xã hội, tất yếu có những biến động khi xã hội đang thay đổi, có những đổi mới trong quan hệ giữa các thành viên gia đình, giữa cá nhân và gia đình. Vậy cần giữ gìn, phát huy vai trò gia đình như thế nào trong điều kiện mới?
  • Gia đình trên hết - Kế hoạch từng bước tạo dựng một gia đình hoàn hảo

    04/07/2005Một gia đình thực sự là gì? Với Tiến sĩ Philip Mc Graw, ông tin rằng gia đình phải là trung tâm, là giá trị quan trọng nhất trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Trong cuốn sách "Gia đình trên hết - Kế hoạch từng bước tạo dựng một gia đình hoàn hảo", ông sẽ chỉ ra cho chúng ta những vấn đề phức tạp của cuộc sống gia đình, những vấn đề mà có thể chúng ta đã chưa bao giờ nhận thức được một cách rõ ràng...
  • xem toàn bộ