Giờ đây mấy ai không muốn rải thảm đỏ mời Kim Jong Un! (Kỳ cuối)

08:58 CH @ Thứ Hai - 09 Tháng Bảy, 2018

Kỳ trước:

.

Lần lượt tất cả các quốc gia trên thế giới sẽ nhận ra tầm quan trọng của cuộc gặp Mỹ- Triều và nhà lãnh đạo Kim Jong Un sẽ trở thành khách mời của tất cả các nguyên thủ quốc gia. Hay nói một cách khác, giờ đây mấy ai không muốn rải thảm đỏ mời Kim Jong Un?


TT Trump và Chủ tịch Kim Jong Un

.

Cần trân trọng đối với cuộc gặp gỡ Mỹ- Triều

Bản chất của sự kiện Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên là gì ?

- Tổ chức một sự kiện như thế là việc phải làm của những người chịu trách nhiệm giải bài toán tồn tại của lịch sử chính trị khu vực và thế giới. Chiến tranh của người Mỹ ở bán đảo Triều Tiên vào những năm 1950 là một cuộc chiến tranh lớn. Nó là dư âm của cuộc chiến tranh trước đó giữa người Trung Quốc và người Mỹ mà kết quả là Tưởng Giới Thạch bị đẩy ra Đài Loan.

Đây là công việc nối tiếp của lịch sử, đây là hai nhân vật có đủ điều kiện để có thể nói chuyện trực tiếp với nhau, những điều kiện họ có bây giờ thế hệ trước không có, còn tương lai thế nào thì lệ thuộc vào chất lượng của cuộc nói chuyện giữa hai nhân vật chính, nhân loại chỉ có cách theo dõi và quan sát.

Chớ bao giờ đưa ra các phán đoán vội vàng về câu chuyện này, bởi vì đây là bài toán của hai hệ thống chính trị, của hai dân tộc. Người Mỹ vẫn chưa yên khi chưa giải quyết được vấn đề bán đảo Triều Tiên cho nên mới xuất hiện vai trò của Donald Trump, còn người Triều Tiên cũng phải chịu đựng những tồn tại của cuộc chiến tranh Triều Tiên ở trên đất của mình, cho nên Kim Jong Un phải tìm đến người Mỹ để xử lý những hậu quả lịch sử ấy.

Đây là công việc đáng trân trọng. Tôi nghĩ nhân loại cần có thái độ trân trọng đối với cuộc gặp gỡ này, không nên đưa ra các phán đoán vụ lợi mà hãy cầu chúc cho hai nhà lãnh đạo dẫn câu chuyện đến những gì có lợi cho hòa bình.

Chủ tịch Kim Jong Un thị sát tình hình

.

Dân tộc bé về kích thước vẫn có thể thành dân tộc đáng kính

Tờ Maeil Business Newspaper có trụ sở tại Seoul cho biết, ông Kim Jong Un đã nói trong một hội nghị thượng đỉnh với Hàn Quốc rằng, ông đã nhìn thấy tương lai Triều Tiên “giống với Việt Nam” thời mở cửa và muốn học tập mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam?

-Tôi nghĩ đấy là một câu nói ngẫu nhiên thôi, bởi vì Việt Nam là một ví dụ lịch sử có tính đồng dạng đối với người Triều Tiên, nhưng Việt Nam có phải là ví dụ lịch sử về thành công kinh tế để người Triều Tiên bắt chước không thì còn phải bàn.

Chúng ta cầu chúc cho hòa bình, nhưng cũng phải cầu chúc cho chính đất nước của chúng ta nữa. Theo ông, liệu sẽ một ngày đẹp trời nào đó chúng ta có những thời điểm và sự kiện ngoại giao hào sảng? Ngoái lại lịch sử một chút, có lẽ thiên hạ cũng từng nhìn ông Lê Đức Thọ và bà Nguyễn Thị Bình ở Paris như thế?

-Anh nhầm. Ngày đẹp trời đã có đấy thôi. Đó là sự kiện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm cách đây hơn 1 năm, khi ông bước chân vào Nhà trắng. Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã thừa nhận nước Mỹ như một đối tác để thảo luận những việc quan trọng.

Còn thời điểm mùa xuân 1973 kết thúc Hội đàm Paris, lúc đấy chưa xong chiến tranh, lúc đấy chúng ta chưa thắng. Người ra trận và người đứng trên đài chiến thắng là hai người khác nhau và người sau quan trọng hơn người trước. Tất cả các giai đoạn trước đây, thậm chí cả giai đoạn đổi mới năm 1986, cho đến giai đoạn khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có mặt ở Washington là giai đoạn chúng ta làm quen dần với phương Tây, tập chịu đựng phương Tây, tập nén sự khó chịu đối với phương Tây.

Khi Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam đến nước Mỹ, vào Nhà trắng ngồi tức là chúng ta đã thừa nhận « chúng tôi hiểu các anh, tôn trọng các anh và các giá trị của các anh". Nếu không có thái độ tự tin như thế thì chúng ta chưa bước vào chính trị thật sự.

Trở lại chuyện của Triều Tiên, tôi nghĩ một người trẻ tuổi như nhà lãnh đạo Kim Jong Un mà biết nói chuyện chính trị, biết hành động như thế thì phải nói là ông ấy có một lòng dũng cảm khổng lồ. Vượt qua cái yếm thế của người đại diện cho một dân tộc bé, ông ấy đã làm được những việc ngoạn mục. Dân tộc bé về kích thước vẫn có thể thành dân tộc đáng kính nể khi họ có ý chí vĩ đại. Nhân loại lâu lâu mới có những ví dụ vĩ đại, cuộc gặp gỡ này là một ví dụ vĩ đại.


Chủ tịch Kim và Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình

.

Dường như đang lấp ló ánh nhìn thiện cảm từ Moscova với sự kiện mà ông nói là vĩ đại này?

- Nga là một người hùn vốn chính trị quan trọng của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên. Nga và Trung Quốc có những lúc tham gia một cách khác nhau, có những đóng góp khác nhau, nhưng họ là kẻ góp vốn chính trị cho chính phủ của nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành, cho nên người Nga có địa vị quan trọng một cách tự nhiên trong vấn đề này.

Người Nga bây giờ không phải thay mặt Liên Xô trở thành kẻ lãnh đạo cuộc chiến tranh lạnh nữa, không phải đối mặt một cách trực tiếp với người Mỹ nữa, nhưng về mặt văn hóa thì phương Tây vẫn dị ứng với người Nga giống như không mấy thiện cảm Liên Xô cũ. Chuyện này có lợi cho người Nga, bởi vì các nguyên thủ thế giới sẽ thấy nếu không đạt được những tiêu chuẩn nhận thức tới hạn nào đó thì không hiểu thế giới được.

Lần lượt tất cả các quốc gia trên thế giới sẽ nhận ra tầm quan trọng của sự kiện này và nhà lãnh đạo Kim Jong Un sẽ trở thành khách mời của tất cả các nguyên thủ quốc gia. Nếu câu chuyện này có một giải pháp hợp lý thì tôi nghĩ rằng sẽ có giải Nobel cho hai người này. Về cuộc chơi này, xét về mặt kỹ thuật chính trị thì Kim Jong Un đã thắng, Donald Trump càng thắng to hơn, bởi vì cái thắng của Donald Trump là thắng trong một nền chính trị có điều kiện để thể hiện và vai của ông ấy là vai Tổng thống Hoa Kỳ.

Trật tự thế giới sẽ thay đổi?

Sự kiện hay ví dụ vĩ đại như ông vừa nói này ảnh hưởng như thế nào đối với khu vực? Những ngày gần đây truyền thông liên tục nhắc về những nỗ lực của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong việc sắp xếp cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong Un…

- Tất cả các nhà chính trị có tầm nhìn không đủ rộng về quốc tế và khu vực đều lo lắng rằng vai chính của mình bị tước đi khi Kim Jong Un trở thành nhân vật chính về chính trị của khu vực này. Nếu người Mỹ rút khỏi Hàn Quốc thì người Mỹ cũng sẽ nghĩ đến chuyện rút khỏi Nhật Bản. Người Nhật đã lâu lắm rồi quen sống bằng sự bảo trợ hạt nhân của Mỹ để làm ăn kinh tế, cho nên người Nhật rất lo lắng nếu không còn Mỹ nữa họ sẽ đối phó với người Trung Quốc như thế nào.

Tất cả nỗi lo lắng của khu vực này chính là lo lắng về Trung Quốc. Nếu Kim Jong Un mạnh lên mà không thực sự thuộc về phương Tây thì ông ấy sẽ mạnh lên như sự lớn lên của khẩu súng mà Trung Quốc có. Tất cả nỗi lo lắng ấy đều có, nó đúng đến mức nào, chính xác đến mức nào thì còn phải quan sát.

Tất cả mọi sự khôn ngoan của nhân loại đều hiện lên dần dần và từ từ, cho nên chúng ta cứ quan sát và sẽ thấy được nỗi lo lắng của ShinzoAbe như thế nào, sẽ thấy sự thay đổi thái độ của Duterte như thế nào, sẽ thấy Hun Sen ra sao, hoặc chúng ta sẽ thấy Trung Quốc rút kinh nghiệm và co về tình trạng hợp lý trong các quan hệ, trong đó có quan hệ với chúng ta. Tất cả những khả năng như vậy đều có thể xảy ra. Sự xuất hiện của Kim Jong Un là một sự xuất hiện lớn, như là giá trị vốn có của nước Triều Tiên mà bây giờ nó mới thể hiện.

Chủ tịch Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in

Xin lỗi ông Bạt, nói cho vui chút nhá, chả phải thấy “người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”, mà bảo là lẩn thẩn cũng được rằng trong sâu thẳm có bao giờ ông nghĩ Việt Nam sẽ sở hữu được một thứ đồ chơi khủng như Bắc Hàn…

- (Cười) Chúng ta cũng đã từng tự hào có một số nhà vật lý hạt nhân, nhưng chúng ta chẳng có quả pháo nào. Trong khi đó, người Triều Tiên làm được bom ngay trước mũi những dân tộc có học và những dân tộc hùng mạnh về kinh tế.

Chả phải từ sâu thẳm ý nghĩ nào cả mà tôi từng trực tiếp hỏi một nhà vật lý nổi tiếng là tại sao chúng ta không có bom thì nhà vật lý trả lời thế này. Có một lần, các nhà lãnh đạo cũng đã hỏi ông ấy như vậy, nhưng nhà vật lý ấy đã không ủng hộ! Tôi hỏi ông ấy, thế cuối cùng thì có ai ủng hộ không? Ông ấy bảo có một người đã nói rằng: người ta có thì mình cũng nên có.

Tức là các học giả vĩ đại của chúng ta về lĩnh vực này đều trả lời một cách “lươn lẹo” để các nhà chính trị phải chịu trách nhiệm một mình. Các nhà chính trị không mấy thân thiện với giới trí thức có lẽ là bởi vì họ khôn quá. Dân tộc chúng ta khó mạnh được, dân tộc chúng ta chỉ kiên nhẫn thôi. Chúng ta có một nhân dân mạnh nhưng các kết cấu khác của chúng ta không mạnh, cho nên mọi cái liên quan đến ưu điểm của người Việt đều gắn với nhân dân.

Cảm ơn học giả Nguyễn Trần Bạt về cuộc trò chuyện không biết lần thứ mấy nhưng chưa có triệu chứng đặt dấu chấm hết này.

Nguồn:Tiền Phong
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan