Bàn về hiện tượng Donald Trump

08:20 CH @ Thứ Năm - 05 Tháng Giêng, 2017

Hỏi: Hiện nay có một sự kiện đang được đặc biệt chú ý trên chính trường quốc tế, đó là kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ. Trong bối cảnh xã hội Mỹ chia rẽ, nền dân chủ Mỹ suy thoái, kinh tế bị xói mòn, với khẩu hiệu làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, tỷ phú Donald Trump đã chiến thằng, trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Nhân buổi gặp gỡ này, chúng tôi muốn trao đổi với ông về hiện tượng Donald Trump. Với những khẩu hiệu, tuyên bố của ông ấy thì dư luận thế giới và cả nước Mỹ hiện nay đang bối rối và bàn luận rất nhiều.

Trả lời: Lâu lắm rồi thế giới mới có những thay đổi. Những thay đổi này phù hợp với phán đoán của tôi về tình hình thế giới. Tôi cho rằng sau khi Liên Xô sụp đổ, để giải quyết bài toán động học của sự phát triển thì chắc chắn là nước Mỹ sẽ sụp đổ. Thế giới hí hửng về sự sụp đổ của Liên Xô mà không biết rằng sự cân bằng của thế giới được neo vào các vị trí cố định thông qua sự tồn tại của Liên Xô. Không có Liên Xô, thế giới mất cân bằng. Từ dạo ấy đến giờ, thế giới đang trượt dần dần mà không biết. Tổng thống Ronald Reagan và Thủ tướng Margaret Thatcher là những người lạc quan và tranh thủ được cơ hội sử dụng lý thuyết “Tân tự do” làm cho nước Mỹ phát triển một cách tự do từ năm 1991 cho đến bây giờ. Nhưng đến giai đoạn này chính sách ấy đã hết thời. Đã có những nhận định trên thế giới cho rằng sự thất bại của Hillary Clinton như là một biểu hiện của việc chấm dứt kỷ nguyên của chủ nghĩa Tân tự do.

Xét trên khía cạnh lý luận kinh tế, từ khi Liên Xô sụp đổ, nước Mỹ đã đi qua ba cuộc khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng thứ nhất là khủng hoảng tiền tệ châu Á, bởi vì số lượng đầu tư vốn liếng của người Mỹ ở châu Á rất nhiều, người Mỹ hứng chịu khoảng 30% hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. (Trong cuộc khủng hoảng này, người Nhật chịu ảnh hưởng lớn nhất, chính vì thế người Nhật mới trở thành cường quốc kinh tế số ba.) Cuộc khủng hoảng thứ hai là khủng hoảng kinh tế và tài chính năm 2008. Người Mỹ cố gắng gọi cuộc khủng hoảng ấy là khủng hoảng tài chính (khủng hoảng tài chính là đã lớn hơn khủng hoảng tiền tệ một bậc), nhưng tôi cho rằng đó là cuộc khủng hoảng kinh tế. Và lần bầu cử này với sự thắng cử của Donald Trump và sự thất bại của Hillary Clinton là lần khủng hoảng thứ ba, khủng hoảng chính trị Mỹ. Về mặt kinh tế đây cũng là lần khủng hoảng thứ ba, khủng hoảng lý thuyết kinh tế, tức là tư tưởng “Tân tự do” đã thất bại hoàn toàn. Nói cách khác, đây là không phải là Trump thắng mà là Hillary Clinton và Obama đã thất bại cùng với chủ nghĩa “Tân tự do” về kinh tế.

Hỏi: Có lẽ thế giới hiện đang có những biến đổi mang tính chất toàn diện, ảnh hưởng đến những giá trị cốt lõi, xuất phát từ hiện tượng Brexit đến hiện tượng Donald Trump trúng cử tổng thống Mỹ. Theo ông, tại sao thế giới văn minh lại sẵn sàng chối bỏ những giá trị của mình để bỏ phiếu cho những lợi ích trước mắt như vậy?

Trả lời: Một trong những thuật ngữ nghiệt ngã đầu tiên mà thế giới dành để mô tả tầng lớp thành đạt của những năm đầu thế kỷ XXI là tầng lớp Davos (Davos class). Đấy là những người dùng sự có học của mình chiếm được hầu hết các lợi ích trên thế giới trong quá trình toàn cầu hóa. Nước Mỹ là tâm điểm của hiện tượng này. “Nước Mỹ New York” đi theo hướng của mình, còn “Nước Mỹ nhà quê” bị bỏ mặc. Cuối những năm 1990, khi đến Philadelphia, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy cả thành phố công nghiệp đó trở nên hoang vắng.

Những dấu hiệu đi tìm thủ lĩnh chính trị mới ở một số quốc gia phương Tây là biểu hiện lâm sàng của những căn bệnh liên quan đến sự đấu tranh giữa tầng lớp nghèo và tầng lớp thượng lưu trong xã hội. Tôi có nói với một số người, đó là cuộc đấu tranh giữa cái đầu và cái đuôi. Với một giới thượng lưu phát triển trong quá trình toàn cầu hóa, nước Mỹ trở thành một người mắc bệnh đầu to. Vì cái đầu to quá nên họ quên mất cái đuôi của mình.

Hỏi: Có lẽ trong trường hợp này tách rời văn hóa ra thì không lý giải được tại sao văn hóa Mỹ lại chấp nhận một con người như Trump. Với một nền dân chủ tồn tại 200-300 năm như Mỹ nó phải hình thành những giá trị và những đặc tính nhất định của nó. Vậy những đặc tính nào khiến nước Mỹ sẵn sàng chấp nhận một yếu tố mới như Donald Trump?

Trả lời: Tám năm trước đây tôi cũng nghĩ như thế, nhưng đến thời điểm người Mỹ bầu ông Obama làm Tổng thống tôi mới thấy rất khó để nói về các đặc điểm văn hóa của người Mỹ. Mọi thứ khác về nước Mỹ rất dễ nói rõ, nhưng riêng văn hóa thì không. Trước đây Giáo sư Hữu Ngọc tỏ ra ngờ vực và gần như kết luận nước Mỹ không có văn hóa. Tôi không đồng ý lắm với ý kiến của giáo sư Hữu Ngọc, vì theo quan niệm của tôi hễ ở đâu có con người thì ở đấy có vết văn hóa của nó. Nếu áp những tiêu chuẩn văn hóa hạn hẹp mà người Việt Nam quen dùng thì rất nhiều quốc gia không có văn hóa. Tuy nhiên, ở trường hợp của Hoa Kỳ, tôi thấy để nói về các tiêu chuẩn văn hóa của họ là rất khó vì nó rất lỏng lẻo. Sở dĩ có sự lỏng lẻo là vì nó phát triển nhanh. Người chạy nhanh, nói nhanh, nói nhiều cũng ít văn hóa. Tôi có viết một bài về sự phát triển trong im lặng của văn hóa, giống như phù sa lặng lẽ lắng dần xuống. Những vấn đề như thế có lẽ 30-40 năm nữa, khi người Việt Nam trưởng thành hơn, người ta mới thật sự chú ý.

Hỏi: Phong trào toàn cầu hóa diễn ra ở cả những nước kém phát triển lẫn những nước tư bản phát triển. Mấy chục năm trước các nước tư bản cướp được thuộc địa, cướp được thị trường và hân hoan với chiến thắng của mình. Còn bây giờ khi phải đối chọi với các thế lực mới, cũng bạo liệt, gian manh thì họ bắt đầu co lại, vì cảm thấy miếng bánh bắt đầu bị bé lại. Từ biểu hiện bên ngoài ấy, lần đến bản chất bên trong của nó có thể thấy điều gì?

Trả lời: Nếu chỉ nói về quyền lợi đơn giản thì chúng ta sẽ không nhìn thấy những phản ứng khốc liệt hơn nhiều. Ví dụ, nhìn một cách thống kê thì đời sống của người Mỹ không giảm đi, nước Mỹ không đi xuống. Joseph Stiglitz khẳng định về mặt khoa học kinh tế nước Mỹ không đi xuống, nhưng ông ta không mô tả được sự mất công ăn việc làm tuy không làm kinh tế nước Mỹ đi xuống, nhưng đi cùng với nó là sự chênh lệch quá lớn trong phân bố thu nhập, làm cho rất nhiều người Mỹ bỗng nhiên mất thế lực, mất địa vị. Ở mức thông thường của đời sống người ta chịu đựng được, nhưng đến khi mất địa vị xã hội thì người ta bắt đầu nổi điên. Trump là người phát hiện được mâu thuẫn ấy.

Hỏi: Qua những thể hiện của Donald Trump, ông thấy có điểm gì tích cực không và liệu điểm tích cực ấy có lan sang các quốc gia khác?

Trả lời: Có điểm tích cực và nó sẽ lan sang các quốc gia khác. Đó là sự đòi hỏi thế giới của những người hoạt động chính trị không được quên tầng lớp lao động. Nếu ông Trump có một bộ máy tài ba đủ sức để chèo chống thì ông ta sẽ trở thành thủ lĩnh của phong trào giải phóng người nghèo lần thứ hai. Ông ta nhìn những nhà chính trị thất bại của đảng Dân chủ như những kẻ phản bội người nghèo và chính sự vụ lợi, thiển cận đã làm họ nhường những người nghèo cho Trump.

Trong thế giới này có lẽ không có nhà chính trị nào không ý thức được về việc phải lôi kéo tầng lớp nghèo bằng những khẩu hiệu vì người nghèo, nhưng nhớ một điều là người nghèo hiện đại khác với người nghèo theo nghĩa mà chúng ta hiểu thời kỳ những năm 1950, trong cải cách ruộng đất. Bây giờ không lôi kéo người nghèo theo kiểu cũ được nữa, cách thức bây giờ phải khác.

Hỏi: Dựa trên bảng phân tích của báo chí thì những người nghèo rõ ràng không phải những người đói ăn. Thực chất họ là những người có ô tô, có nhà ở, nhưng trong hội nhập họ có cảm giác bị gạt ra rìa?

Trả lời: Sự chênh lệch phát triển làm cho rất nhiều khái niệm bị méo. Tôi đã nhìn thấy những thành phố bỏ hoang ở nước Mỹ toàn nhà lầu, còn ô tô là phương tiện đi lại thông thường của họ, giống như ở đây chúng ta đi lại bằng xe máy. Ô tô và nhà lầu không còn là dấu hiệu để phân biệt giàu nghèo ở phương Tây, mà cái chính là lợi tức. Anh phải có một lợi tức đồng niên nào đó để duy trì ổn định đời sống của anh. Độ lớn của các lợi tức ấy quy định anh thuộc về tầng lớp xã hội nào.

Hỏi: Tôi đồng ý là vẫn phải chăm lo tầng lớp dưới, tuy nhiên, những động lực phát triển nhất thì thường ở phía trên, để duy trì động lực ấy vẫn phải đảm bảo cho họ một lợi ích nhất định. Vậy có cách nào để vẫn duy trì động lực, nhưng vẫn thu hẹp được khoảng cách để mỗi nhóm đều có lợi ích của mình?

Trả lời: Tất cả mọi cái đều phải cân bằng. Tại sao người ta thích toàn cầu hóa? Vì toàn cầu hóa làm dài thêm các đường chạy. Một đường chạy càng dài thì sự phân hóa giàu nghèo càng lớn. Quan sát cuộc thi maraton các anh sẽ thấy, đến đích chỉ có một vài người, phần lớn rớt lại dọc đường. Lực lượng rớt lại ấy là những người không đủ năng lực để theo cuộc đua. Sự phát triển của toàn cầu hóa đòi hỏi các quốc gia lấy tăng trưởng GDP làm mục tiêu chính, từ đó tạo ra động lực để kéo dài các cuộc chạy. Và các nhà tổ chức vì mải để ý những người đến đích mà dần dần quên không tính những người bị rớt dọc đường. Những người rớt dọc đường rải rác như vậy đã bắt đầu tạo ra một giai cấp, có lẽ bây giờ không gọi là giai cấp vô sản được mà phải gọi là giai cấp thua thiệt do thiếu trí tuệ. Ai đó đưa ra khái niệm tầng lớp Davos là người nắm rất rõ đặc điểm phân hóa giai cấp trong thời đại này. Đến đây lý thuyết của Marx không còn đủ để giải quyết nữa. Marx dùng công cụ sản xuất và tư liệu sản xuất làm tiêu chuẩn phân hóa giai cấp, nhưng ở giai đoạn hiện nay người ta đo bằng trí tuệ, học vấn. Có thể đi đến kết luận, dấu hiệu cơ bản để nhận biết sự phân hóa giai cấp trong giai đoạn hiện nay là điều kiện học vấn. Điều đó được bộc lộ thông qua phân tích thành phần những người bầu cho Donald Trump.

Hỏi: Nếu Trump thực hiện đúng theo những gì đã tuyên bố trong cương lĩnh tranh cử, liệu chủ nghĩa bảo hộ có xuất hiện trở lại? Nếu có, điều này sẽ ảnh hưởng gì đến Việt Nam trong cơn say hội nhập và Việt Nam sẽ phải gánh chịu hậu quả gì?

Trả lời: Chính phủ Việt Nam hội nhập chứ người Việt Nam chưa hội nhập. Vấn đề này Chính phủ Mỹ cũng vấp phải chứ không phải chỉ có Chính phủ Việt Nam. Vẫn có nhiều người Mỹ, thậm chí cả các nghị sĩ không có hộ chiếu. Tôi từng mời một nhóm quan chức cảnh sát đến đây mở một lớp huấn luyện về nghiệp vụ kiểm soát quyền tác giả, một lĩnh vực hẹp về mặt luật học. Trong nhóm giảng viên có một ông là cảnh sát trưởng thành phố Westminster. Sau khi học xong, tôi mời họ đi ăn tối. Trong lúc nói chuyện, ông ấy khóc. Bà trưởng đoàn là giám đốc cơ quan Interpol tại Bangkok an ủi ông ấy. Ông ấy bảo “tôi khóc vì trước khi sang Việt Nam vợ con tiễn tôi đi và lo sợ tôi sẽ không về”. Sở dĩ ông ấy nói vậy vì ấn tượng về chiến tranh Việt Nam với họ vẫn còn rất lớn. Ông ấy bảo “đến đây tôi thấy không những không làm sao mà còn được đón tiếp rất chu đáo cho nên tôi khóc”. Người Mỹ là như thế, người Mỹ không hội nhập như Chính phủ Mỹ tưởng. Mọi người tưởng rằng thế giới đã dịch chuyển lộn xộn, không phải vậy, thế giới đang dịch chuyển thông qua miệng của các nhà tuyên truyền là chính. Ở nhiều nơi, hội nhập không liên quan gì đến các hành vi cụ thể của con người.

Hỏi: Có lẽ người Mỹ không cần phải hội nhập vì trong họ đã có đặc tính riêng mang tính chất cường quốc, họ không phải hội nhập mà bắt kẻ khác phải theo họ?

Trả lời: Không phải như anh nói. Không phải người Mỹ ai cũng đến New York. Tôi có một ông cậu vợ sống ở Santa Ana. Khi tôi đến Los Angeles để dự hội nghị, tôi ở khách sạn Hyde Park, ông cụ đến thăm tôi và bảo “tại sao cháu lại ở khách sạn như thế này, tốn lắm”. Tôi trả lời “cháu sang đây làm ăn, cần phải tiếp khách, cần phải gặp gỡ khách hàng, nếu ở khách sạn rẻ tiền thì họ sẽ không tìm đến”. Santa Ana chỉ cách Los Angeles có hơn 1 giờ ô tô. Bây giờ tôi mới sực tỉnh ra mình mới là triệu phú mà đã quan liêu hơn tỷ phú Donald Trump. Ông ấy xứng đáng làm tổng thống, bởi ông ấy hiểu được tâm lý của những người nghèo.

Ở Công ty tôi có bữa ăn trưa, tôi bắt buộc mọi người phải ăn cùng với tôi chỉ đơn giản là tôi không muốn mất liên lạc với các hoàn cảnh thông thường của anh em, vì khi đó tôi sẽ mất đi năng lực cảm thông với người lao động trong công ty. Không bao giờ được gián đoạn liên lạc với những người có hoàn cảnh thấp hơn mình. Nếu không làm như thế, chúng ta sẽ mất đi năng lực cảm thông với những bộ phận khác của xã hội.

Hỏi: Vậy Trump cảm thông thật hay cảm thông theo tính cách của một chính khách?

Trả lời: Tất cả các nhà chính trị đều cảm thông bằng sự thông minh của mình. Sự cảm thông thông thường không tạo ra chính trị, sự yêu thương con người vặt vãnh cũng không tạo ra sáng kiến chính trị. Sự thông hiểu, có thể lội bộ vào trong tâm hồn con người mới tạo ra sáng kiến chính trị. Chiến thắng của Trump là tất yếu ở thời điểm hệ thống chính trị Hoa Kỳ có vấn đề, toàn bộ quan niệm đạo đức của hệ thống chính trị đều xuất hiện vấn đề. Dần dần, khi Trump bắt đầu có những hoạt động thực tế đảo lộn nhiều thứ, chúng ta sẽ thấy nước Mỹ tái cấu trúc như thế nào.

Hỏi: Theo ông, cuộc tái cấu trúc của nước Mỹ có dẫn đến chấm dứt toàn cầu hóa không?

Trả lời: Không, toàn cầu hóa là một xu thế không đảo ngược được. Toàn cầu hóa vẫn tiếp tục diễn ra chín chắn hơn và sâu sắc hơn. Tôi lấy ví dụ, không thể lôi kéo một cách bản năng tất cả công ăn việc làm đơn giản đến Trung Quốc để biến nơi đó thành công xưởng của thế giới và biến toàn bộ nước Mỹ trở thành New York. Người Mỹ nhìn vào thống kê, nhìn vào các chỉ số chứng khoán và nghĩ rằng tổng thu nhập của nước Mỹ tăng lên, nhưng Trump nhìn thấy sự mất mát công ăn việc làm trên quy mô toàn quốc làm cho người Mỹ mất hạnh phúc.

Hỏi: Sau Mỹ, những quốc gia nào tiếp theo sẽ có biến động, theo quan điểm của ông?

Trả lời: Có lẽ châu Âu sẽ mấp mé sự tan rã. Thực ra châu Âu tan rã ngay nếu không có NATO. Tất nhiên nói bây giờ là hơi sớm. Bởi vì một người quyền biến như Donald Trump thì rất khó nói trước, lường trước được điều gì.

Cần phải quan sát xem liệu hiện tượng tầng lớp lao động ở Mỹ thắng một cách ngoạn mục và gây ngạc nhiên trên toàn thế giới như thế này có trở thành thói quen của thế giới không. Các trí thức của tầng lớp lao động cấp thấp ở nước Mỹ có tổng kết thành một kinh nghiệm để nhân giống các cuộc cách mạng kiểu này không? Và liệu có ai đó âm mưu liên hệ giữa cuộc cách mạng của Trump với cuộc cách mạng màu không? Đấy là những vấn đề xã hội học thực sự phải nghiên cứu. Phải xây dựng được hệ thống logic để giải mã câu chuyện quốc tế này.

Hỏi: Từ “cách mạng” được ông dùng rất hay. Bởi vì vị trí tổng thống Mỹ là module thuộc hệ điều hành rất quan trọng. Mặc dù Mỹ có hệ điều hành về chính trị khá ổn định, khi tầng dưới có vấn đề gì họ đều khắc phục được. Nhưng lần này vấn đề lại xảy ra ở tầng trên. Nếu tầng trên thay đổi thì các module ở phía dưới cũng sẽ thay đổi hết. Mà sự thay đổi này chúng ta lại chưa hiểu biết về nó. Vỏ của nó là cuộc bầu cử bình thường, nhưng cái ruột lại bị xáo trộn để sinh ra tầng điều khiển mới. Nếu không cẩn thận Trump có thể sinh ra đảng cộng hòa phiên bản mới của chính ông ta, bởi vì ông ta thắng không phải do đảng Cộng hòa nữa.

Trả lời: Giá trị cách mạng của Trump là chỗ ấy. Tức là không dựa vào thế lực truyền thống, đạp đổ thế lực truyền thống. Khi người Pháp biểu tình chống lại vua Louis XIV, thiếu tướng Bonaparte đứng bên cạnh thấy vua Louis dọa nếu những người biểu tình không rút thì ông ta sẽ bắn. Kết quả là nhà vua không dám bắn. Bonaparte nhủ thầm với mình rằng cái thằng hèn, nhưng bọn nổi loạn này chính là tương lai của nước Pháp. Và sau đó nước Pháp đã chứng kiến cuộc đảo chính của Bonaparte. Cho nên, nhìn thấy phút nổi loạn của quần chúng chính là nhìn thấy mầm mống quan trọng nhất của cuộc cách mạng.

Hỏi: Theo ông, trong sự kiện này có phải do Hillary Clinton chủ quan nên thua?

Trả lời: Hillary định nghĩa chính trị một kiểu, Trump định nghĩa chính trị kiểu khác. Trump giả vờ cãi nhau với Hillary ở tầng trên của đời sống chính trị, tạo cho Hillary một cảm giác có thể coi thường người này và khinh bỉ vì ông ta dốt quá. Nhưng ở tầng dưới Trump đã điều khiển nền chính trị Hoa Kỳ và thổi phù một cái khiến cho toàn bộ hệ thống chính trị của Hillary Clinton bay. Cho nên Đảng cầm quyền mà không cẩn thận trong việc đưa ra các định nghĩa thì sẽ dẫn đến hậu quả là anh quản lý một đằng mà chính trị đi một nẻo.

Hỏi: Theo ông, từ biến động của nước Mỹ, những quốc gia như chúng ta cần học gì?

Trả lời: Sự phát triển đã dẫn đến một thực tế là khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn. Giáo sư Ngô Bảo Châu có đến thăm và trò chuyện với tôi. Tôi nói bài toán chênh lệch khoảng cách giàu nghèo do sự phát triển có thể là bài toán toàn cầu. Với tư cách là một nhà toán học, anh Châu nên nghiên cứu một mô hình toán học về hiện tượng khoảng cách giàu nghèo và giải nó, để các nhà chính trị có thể tìm ra giải pháp trong ấy. Tôi gọi đó là bài toán giữa sự va chạm của cái đầu và cái đuôi trong một cộng đồng xã hội. Trong một bài viết, tôi có nói rằng đôi khi chúng ta vội vã đóng cửa mà không để ý nên cái đuôi là một bộ phận đông đảo nhân dân lao động sẽ bị kẹt ngoài cửa. Tôi nói như vậy nhân dịp Việt Nam tuyên bố đã đạt được mức thu nhập trung bình, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc cai ODA. Không để ý đến cái đuôi dài ấy là chúng ta lãnh đủ. Trong một quyển sách đã xuất bản, tôi nói rằng, chúng ta đang sống trong một thời đại mà các mâu thuẫn về kinh tế sẽ không qua giai đoạn xã hội hóa nữa mà chuyển ngay thành mâu thuẫn chính trị. Chúng ta đều đã thấy thái độ của nhân dân, của cả các cán bộ, đảng viên lão thành bức xúc như thế nào xung quanh vụ việc Trịnh Xuân Thanh - Vũ Huy Hoàng.

Tôi nghĩ Đảng ta cần chú ý đến việc đối phó với hiện tượng này. Các cơ quan nghiên cứu của Đảng nên coi đây là đối tượng cần nghiên cứu kỹ. Thực ra, Donald Trump mới chỉ mô tả khoảng cách giữa tầng lớp thượng lưu với tầng lớp trung lưu. Nếu là một nhà chính trị cánh tả, ông ấy sẽ mô tả sự chênh lệch từ đầu đến đuôi, tức là đến tận tầng lớp đáy xã hội. Nhưng ông ấy mới chỉ mô tả từ đầu đến cổ, đến vai. Tức là giải pháp của Trump là giải pháp đối phó giữa cái đầu và cái cổ, còn Đảng ta phải giải quyết quan hệ giữa cái đầu và cái đuôi. Trump không phải là nhà chính trị cánh tả, tài của Trump cũng chỉ giải quyết đến đoạn ấy mà thôi. Việc giải quyết sự cân bằng thu nhập trong toàn bộ cấu trúc xã hội là bài toán thuộc về những người cộng sản. Những người cộng sản đã tổ chức ra cuộc cách mạng vĩ đại cả một thế kỷ để giải quyết vấn đề ấy mà vẫn chưa giải quyết được. Giờ đây, họ nên học cách cắt khúc bài toán khoảng cách giàu nghèo để giải quyết từng đoạn một.

Hỏi: Người dân Mỹ được gọi là văn minh, học thức nhất thế giới nhưng hình như không quan tâm, không hiểu nổi những lý tưởng siêu cường Mỹ, hay trên những vấn đề toàn cầu mà giới chính trị Mỹ theo đuổi?

Trả lời: Mọi người hiểu sai nước Mỹ. Nước Mỹ là một quốc gia hấp dẫn, cho nên tất cả những kẻ có học trên thế giới đều muốn đến đấy. Người Mỹ không học nhiều như mọi người tưởng. Tỷ lệ tốt nghiệp đại học của Mỹ chỉ ngang Việt Nam. Người Mỹ không tham gia chính trị. Số liệu của US Elections Project cho thấy chỉ khoảng 120 triệu cử tri Mỹ đi bỏ phiếu trong năm nay (trong tổng số 231 triệu cử tri), tức là chỉ có 56% dân số Mỹ đi bầu cử. Hillary Clinton thua một phần cũng vì khá nhiều cử tri đảng Dân chủ không đi bỏ phiếu.

Hỏi: Trở lại việc Trump tuyên bố sẽ cho TPP vào ngăn kéo. Việt Nam đang chờ xem ông ấy có làm như đã nói không. Ông có lời khuyên nào cho Việt Nam trong bối cảnh Nhật đã đưa ra Quốc hội thông qua TPP rồi?

Trả lời: Đấy là một câu hỏi khó. Về thực chất TPP không có giá trị chính trị nếu không có Mỹ. Bất kì một hiệp định nào không có giá trị chính trị thì đối với Việt Nam nó cũng không có giá trị gì. Các cơ quan nghiên cứu của Đảng nên nghiên cứu xem nó có lợi gì và có hại gì. Bây giờ phải tập phân tích lợi và hại, sau đó cân đối, không có gì chỉ tuyệt đối có lợi hoặc có hại.

Việt Nam trên thực tế không có công nghiệp, cho nên, tôi cũng chưa thấy chúng ta có thể hưởng lợi gì. Việt Nam chỉ có mỗi một món quà mà TPP mang đến là phải có công đoàn độc lập. Nếu không thận trọng với công đoàn độc lập thì tại sao lại phải thận trọng với luật về hội. Để một hội trở thành vũ khí chính trị khó hơn nhiều so với việc một tổ chức công đoàn độc lập trở thành một tổ chức đối lập chính trị. Bởi vì công đoàn độc lập là kẻ đối lập chính trị có nội dung, còn các hội để lập ra các nội dung đối lập với đảng cầm quyền còn rất lâu. Nếu phải cảnh giác, tôi nghĩ Đảng ta phải cảnh giác với công đoàn độc lập hơn nhiều so với các hội.

Việt Nam chưa chịu sức ép của một nền kinh tế công nghiệp chuyên nghiệp bao giờ. Vì thế chúng ta cần xây dựng nền kinh tế đã. Tôi có phát biểu trên báo là chúng ta phải đặt ra chuỗi câu hỏi, đó là chúng ta nói tái cấu trúc thì thực chất là đi từ đâu đến đâu, bằng cái gì và được cái gì? Tái cấu trúc phải trả lời từng ấy câu hỏi. Khi nào nghiên cứu được vấn đề ấy rồi, chúng ta sẽ trả lời được câu hỏi vào TPP để làm gì.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Lá thư cũ của Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ gửi những ai ‘không có thời gian đọc sách’

    03/01/2017Thiện Tâm biên dịchSau đây chúng ta cùng xem lại lá thư khá nổi tiếng của vị Tân Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ gửi những ai “quá bận rộn không có thời gian đọc sách” vào năm 2004...
  • "Gạo và Sạn" của Nguyễn Trần Bạt

    22/12/2016Nguyễn Trần Bạt là một luật gia, một doanh nhân khá thành đạt. Ông là tác giả đang làm hết sức mình để có thêm nhiều tác phẩm "giải độc cho thế hệ trẻ" và ý tưởng cải cách đất nước để phát triển. "Gạo và sạn" là đầu sách thứ 9 của ông vừa ra mắt dịp Noel tháng 12/2016...
  • Tùy bút về bầu cử tổng thống Mỹ

    10/11/2016Nguyễn Tất ThịnhVề cuộc bầu cử ở Mĩ ngày 9/11 hôm qua mà kết cục dành cho D Trump trở thành Tổng Thống thứ 45 cho tôi nhớ một câu trong ngạn ngữ Do Thái : 'con người cứ làm, cứ đoán, còn Thượng Đế chỉ cười' !
  • Hỏi chuyện người Mỹ về bầu cử Tổng thống Mỹ

    05/11/2016Nguyễn Tất ThịnhBầu cử Tổng Thống Mĩ: thực sẽ ảnh hưởng đến nhiều Quốc gia, thậm chí gia đình chúng ta... hơn nữa thêm hiểu hơn về cách của một Đất nước chọn ra người 'số Một' như thế nào.
  • Tranh luận mở để dân lựa chọn lãnh đạo tối cao của đất nước

    28/09/2016Hoài HươngMàn tranh luận đối đầu trực diện này được đánh giá là đóng vai trò then chốt trong chặng nước rút cuộc đua vào chiếc ghế quyền lực nhất Nhà Trắng và là cuộc quyết đấu lịch sử với số lượng khán giả ước tính lên tới 100 triệu người trên khắp thế giới...