Lưu Quang Vũ - Dòng mưa ánh sáng

03:35 CH @ Thứ Năm - 18 Tháng Mười, 2018

Từ cái tên của nhà văn: Lưu Quang Vũ, người viết bài này xuyên qua những tác phẩm của ông trên nhiều thể loại để đi tìm và phân tích một ý niệm và cảm giác, còn rất mơ hồ nảy sinh trong mình, rằng: văn chương Lưu Quang Vũ như một dòng mưa chảy trên đất nước chúng ta những ngày nắng dữ. Dòng mưa ấy có lúc trầm buồn như tiếng than dài, có lúc ào ạt như thác đổ. Nửa thế kỷ nay, cơn mưa lành Lưu Quang Vũ đã gội rửa không thôi bụi bặm và rác rưởi của cõi đời ô trọc. Khả năng thanh lọc và tính truyền cảm lạ lùng của nỗi buồn, cũng như niềm giận dữ của cơn mưa văn chương anh không du người ta vào bóng tối mà đưa người ta đến một miền ánh sáng.


Lưu Quang Vũ (1948-1988)

.

Bài viết hình thành từ việc lần lượt hoặc luân phiên trả lời những câu hỏi sau: Vì sao nhan đề bài viết là “Lưu Quang Vũ, dòng mưa ánh sáng” mà không là “Văn chương Lưu Quang Vũ, dòng mưa ánh sáng?” Vì sao là mưa mà không là gì khác? Mưa ánh sáng là gì? Dòng mưa ánh sáng Lưu Quang Vũ như thế nào? Nó mang lại những gì cho chúng ta?

1. Thế kỷ XX nhiều lý thuyết văn học nói với chúng ta rằng nhà văn và văn bản của ông ta là hai thực thể không trùng khít. Nhưng có lẽ bất kỳ một khái quát nào cũng có thể không bao trùm hết mọi hiện tượng. Đôi khi ta bắt gặp những trường hợp mà nhà văn và văn bản hòa quyện vào nhau thành một khối không rời. Đó là những thiên tài mà văn chương là lá cành hoa quả bừng nở đến sững sờ trên thân cây là cuộc đời thoáng chốc giữa trần ai của họ. Với cái tên “Lưu Quang Vũ, dòng mưa ánh sáng”, bài viết này muốn chạm đến một chân dung nghệ sĩ mà kích thước của ông không dừng lại ở quy chiếu thông thường của cõi người. Người viết nghĩ rằng càng nhìn trên góc độ tự nhiên, bản mệnh và cá tính sáng tạo của Lưu Quang Vũ càng tỏ lộ. Toàn bộ văn bản đã công bố của anh sẽ được đọc và phân tích theo trình tự thời gian và theo hệ vấn đề gồm các thể loại: thơ, văn xuôi, kịch bản, phê bình, phỏng vấn, nhật ký. Ở đó, sắc thái mưalà điểm tựa.

  1. Mưa là một hiện tượng tự nhiên thể hiện sự nối kết chặt chẽ liên hoàn giữa đất và trời, giữa khí và nước. Khi mắt ta nhìn thấy mưa thì đó là lúc nước từ trời rơi xuống. Dòng nước này mang lại sự sống còn, sinh sôi của đất. Trong tâm thức của nhân loại, mưa “còn là sự phong nhiêu của tinh thần, ánh sáng và các tác động tâm linh” và hơn nữa: “Đức hiền minh cao cả nhất trong bản chất của một con người có thể ví với mưa” (Huệ Năng)([1]). Vậy thì đến với Lưu Quang Vũ, khởi đầu ý niệm mưa chỉ đơn giản là bắt nguồn từ cái tên: Vũ. Đó là cái tên thiêng, vì người mang tên ấy đã thể hiện đúng bản chất và sứ mệnh mà nhân loại nhìn thấy ở mưa qua trang viết. Hơn nữa, kết hợp với họ “Lưu” và chữ lót “Quang”, cái tên như là một biểu thị rõ rành của thiên mệnh.

Việt Nam nhiệt đới gió mùa nông nghiệp cần mưa: “Lạy trời mưa xuống. Lấy nước tôi uống. Lấy ruộng tôi cày…” đó là mưa trời. Việt Nam, nơi và thời Lưu Quang Vũ sống, và cho đến hôm nay, rất cần mưa: hạn hán đã đến và kéo dài, từ khi con người khước từ tất cả, chỉ duy trì nơi mình cái tôi chính trị và mục tiêu chiến thắng quân thù. Đời sống rắn lại trong một thế giới lý tính và ý chí. Thời sợ xao lãng mục tiêu, sợ yếu mềm vì mơ mộng, vì niềm riêng, vì nỗi buồn: cái hạn hán của xã hội đó cần những cơn mưa từ con người. Cơn mưa đó không chỉ là hình ảnh mưa xuất hiện với tần số khá cao trong thơ Lưu Quang Vũ, và có lúc là biểu tượng sống động, mà là toàn bộ những gì anh trao gửi cho chúng ta qua trang giấy. Mưa ánh sáng không còn là cơn mưa tự nhiên mà là biểu tượng về cái sáng suốt của tự nhiên. Đó là cái hiền minh tự nhiên trong trang viết của Lưu Quang Vũ, một thời bỡ ngỡ, một thời lạc loài, một thời chinh phục…

  1. Đời của anh ngắn ngủi nhưng dòng mưa của anh thì dài. Sẽ phải tái hiện từ các chặng đời của anh, và cả những chặng đời của việc tiếp nhận anh. Ở đó, có hạt mầm xanh của mưa. Ở đó có diễn trình và luân hồi của mưa. Ở đó có sắc thái của mưa.

Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh (ảnh Tư liệu)

.

Mưa, một thời bỡ ngỡ. Mưa, dòng nước mát thuở ban sơ

Lưu Quang Vũ bước vào thế giới văn chương nghệ thuật rất sớm và rất tự nhiên, là xác tín không chỉ của riêng anh mà còn là của gia đình. Tài năng và kiến thức của anh đến từ gia đình, từ đời sống trực tiếp hơn là từ trường lớp. Ngay từ những bài thơ đầu tiên, phong cách thơ anh đã hình thành: Về cảm hứng, thiên nhiên tràn ngập; về kỹ thuật, câu thơ thường dài (7, 8 chữ, có khi thơ tự do); nhịp điệu và âm điệu hoàn toàn nương theo cảm xúc, không hề gò bó. Có một nốt nhạc, một cái tứ nào ngân lên từ trong sâu thẳm trái tim anh và bài thơ tuôn ra tiếng rì rào của một dòng mưa ấm. Thôn Chu Hưng (1964) là bài tiêu biểu. Đó là niềm hoài cảm từ Hà Nội xa xôi, ký ức gọi về tất cả[2]. Bài thơ ứ đầy các sinh thể của tự nhiên, để rồi Lưu Quang Vũ biết chắc, một lần cho tất cả, ngọn nguồn nuôi dưỡng hồn anh và thơ anh là từ đâu ([3]).

Từ rất sớm, Lưu Quang Vũ đã biết quan sát, lắng nghe tự nhiên và lòng mình. Có vẻ như anh tương thông với tự nhiên dễ dàng hơn là tương thông với con người. Có vẻ như anh đã nhận ra là mình khác với mọi người. Về sau này, nhiều lần anh nói lên cảm giác ấy trong thơ và trong nhật ký. Nhưng cảm giác ấy không ngăn anh bước vào đời lính, nơi phải khoác vào mình đồng phục, nơi cần khép mình vào kỷ luật. Bởi không khí hào hùng của những ngày kháng chiến chống Pháp mà gia đình anh đã trải qua thúc giục anh, cũng như không gian hoang sơ miền Phú Thọ đã nuôi dưỡng tâm hồn anh, để rồi hai nguồn cảm hứng xuất hiện: Tự nhiênNgười lính. Cả đời văn của anh, tự nhiên chưa bao giờ vắng mặt. Còn người lính, có mặt trong giai đoạn văn thơ đầu đời, sẽ chuyển qua thành Người công dân lương thiện ở giai đoạn sau. Tình yêu của anh đối với Đất nước và Con người bắt nguồn từ những điều cụ thể và luôn cụ thể.

Dòng mưa thơ Lưu Quang Vũ thuở đầu đời như tên gọi: Hương cây([4]), nhẹ bay trong không trung và loáng ướt một lớp màu tươi tắn. Vũ trụ thì sống động với bút pháp tranh sơn dầu[5] trong khi đó con người thấp thoáng bằng các nét phác như tranh ký họa. Mẹ, những người línhvà người em bé nhỏ của tình yêu đầu đời, in dấu, nhẹ nhàng, chan chứa yêu thương và lòng biết ơn[6].

Quan niệm nghệ thuật của Lưu Quang Vũ đã hình thành rất sớm, anh không đề cao óc tưởng tượng: “quan trọng nhất là cuộc sống và tình cảm của người viết”, cần nuôi dưỡng cái “bát ngát, dạt dào”([7]). Tác phẩm của Lưu Quang Vũ trước sau chính là cuộc sống và tình cảm của anh, ở đó, cái bát ngát và dạt dào chưa bao giờ vắng bóng, ngay cả những ngày tâm hồn anh âm u nhất[8]. Những truyện ngắn được anh viết trong thời gian này cũng tràn đầy chất thơ. Thị trấn ven sôngphảng phất truyện ngắn hiện đại Nga. Mạch truyện tự nhiên, bình thản, chậm rãi, nhiều chi tiết của thiên nhiên và đời sống rất gợi. Trong khung cảnh thị trấn vắng vẻ miền cao, những người trẻ lặng lẽ tham gia vào nhịp sống đơn sơ và hy vọng.


Chương trình Dấu ấn Lưu Quang Vũ được phát sóng trên VTV1

.

Mưa, một thời lạc loài. Mưa, nỗi buồn nhân thế

Trong không gian miền Bắc những năm chiến tranh, Lưu Quang Vũ là nhà thơ lạc loài, và trang viết của anh nhiều năm liền phải chìm trong bóng tối. Về sau này, khi xã hội cởi mở hơn, thơ anh lần lượt được xuất hiện công khai, nhiều bài nghiên cứu đã cắt nghĩa nỗi buồn trong thơ anh bằng bi kịch cá nhân của tuổi hai mươi: sau khi giải ngũ, Lưu Quang Vũ thất nghiệp và hôn nhân tan vỡ. Chúng tôi đã đọc kỹ những trang nhật ký trong Di cảo Lưu Quang Vũ để nhận ra rằng, nỗi buồn và ý thức phản kháng đã xuất hiện trong anh từ ngày anh còn đi học. Từ mười lăm tuổi, anh đã nói lên những “cái không chịu được” trong nhà trường và xã hội([9]). Cái “tầm thường”, “rẻ tiền”, thậm chí “man rợ”mà anh chạm phải, làm anh mất đi niềm vui, làm anh chán ngán([10]).Nhưng khát vọng sống là làm được điều gì đó tốt đẹp cho cộng đồng nơi Lưu Quang Vũ chưa bao giờ nhạt. Những cảm giác “ngột ngạt” “chán lớp đến cùng cực”([11]) ấy ngày một lớn, làm thành một khắc khoải, bất bình không ngớt trong anh, cho đến ngày anh rời bỏ ghế nhà trường. Những biểu hiện không hòa đồng và cực đoan của anh bị một số bạn bè cho là thái độ “khinh người” và sau này một số nhà nghiên cứu cho là nông nổi và lầm lạc, thiếu sự phải chăng. Trước những phản ứng như vậy đã có nhiều ngày, anh tự trách mình. Đã có lúc anh tìm về Phú Thọ như để lấy lại bình an đã mất và nạp lại năng lượng. Phải chăng là anh có lỗi? Không, đọc hết các trang viết của Lưu Quang Vũ sẽ nhận ra, anh chưa bao giờ cho mình là kẻ đứng trên, kiêu ngạo: anh yêu mến cả những điều nhỏ nhoi nhất của thế giới này. Anh cũng không cực đoan theo nghĩa lý tính hay là có xu hướng nhìn vào mặt xấu của con người. Anh chỉ không chịu nổi sự tầm thường, công thức, giả dối và bạo lực([12]). Từ 1964, Lưu Quang Vũ chấp nhận nỗi buồn trong mình như một lẽ tự nhiên: “mày sinh ra đời không phải để vui tươi mà để suy nghĩ”([13]). Anh gọi tên nó: “cái ánh sáng đầy hạnh phúc và cay đắng”([14]), anh hiểu đó là ánh sáng bất tận của cuộc đời mà anh mang vác. Nhưng đó là cuộc đời-giữa-con người. Còn có một cuộc đời khác lặng lẽ, khiêm nhường, đền bù cho anh những khi có thể, đó là cuộc đời-giữa-tự nhiên([15]). Tuổi mười sáu, anh đã có những ngày vùng vẫy để tự bảo vệ, để nuôi dưỡng tâm hồn chan chứa yêu thương của mình([16]). Và như vậy, trong những ngày tưởng như bế tắc nhất, Lưu Quang Vũ cũng chưa bao giờ hết yêu thương, chưa bao giờ buông xuôi, anh đã biến tất cả thành nhiên liệu của thơ ca, để không phải chỉ vì thơ ca mà còn vì một thế giới tự do, bình an, trong sạch.

Vào bộ đội, tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ là một lý tưởng lớn của rất nhiều thanh niên miền Bắc lúc bấy giờ, Lưu Quang Vũ cũng không là ngoại lệ. Năm năm trong cuộc đời quân ngũ, anh được gặp nhiều “con người đẹp đẽ” cũng như “những con người tầm thường”. Nhưng ngay sau đó đã có hai giọt rượu lớn làm tràn đầy ly rượu đời cay đắng trong anh. Cùng một lúc, anh chạm phải hai thực tại mà anh đã đặt vào đấy rất nhiều kỳ vọng: đời quân ngũ và cuộc sống hôn nhân. Cảm giác lạc loài hiện rõ: “Bị xếp vào loại thiếu gương mẫu trong đơn vị”; “phải làm kiểm điểm và hứa trước đơn vị là “từ nay không làm thơ nữa”; “bị coi như một người có “vấn đề” trong tư tưởng”([17]). Cảm giác có lỗi và bất lực hiện rõ: Người bạn đời rời bỏ anh, đứa con trai còn quá bé bỏng. Bị giạt ra khỏi hai không gian mà mình chọn lựa với bao chờ mong, hăm hở, tin yêu, con người biết làm gì? Mà đó là con người ở tuổi đôi mươi chỉ có một khả năng rõ ràng là yêu thương và viết? Mà đó là thời những chọn lựa chỉ được phép loay hoay trong một cộng đồng xem tiếng nói tập thể là chính xác, xem sinh hoạt bao cấp là lý tưởng?

Trong tình thế ấy, Lưu Quang Vũ đã đi vào đời sống, không từ nan những mưu sinh khó nhọc. Đời sống, những nơi đã đi qua lại lấp lánh, lại được chạm khắc trong thơ anh. Trạng thái trống rỗng và khủng hoảng nội tâm đi vào thơ anh. Để không bị nhấn chìm, lấm láp hay tuyệt vọng, buông xuôi, anh đã từng ngày tự nhắc: “Làm việc, làm việc để chiến thắng thời gian và bóng tối”. Với tình yêu đã mất, chỉ là niềm thương xót. Với xã hội, là một dự cảm buồn: “Phố ngoài kia ngột ngạt những toa tàu”.

Có thể nói, những bài thơ hay nhất của Lưu Quang Vũ ra đời trong thời lạc loài, đặc biệt là 1971-1972. Cây giờ không chỉ tỏa hương, cây đã hóa nên trầm. Chưa bao giờ mà cảm thức về đời sống và tình yêu lại quyện chặt trong thơ anh đến thế. Ngày trong quân ngũ, có những đôi mắt soi vào trang viết của anh. Ngày rơi xuống đáy của nỗi buồn, có những ánh nhìn rọi vào tình yêu của anh. “Cửa sổ” của anh, “mưa” của anh, “làn sương” của anh: hết thảy đã biến màu, tan nát. Chỉ còn sừng sững núi đá. Khi anh đứng giữa dòng đời, mưa đã không còn mơ hồ mà tàn nhẫn từng cơn([18]). Những bài thơ thời lạc loài đã âm thầm kết thành một dòng mưa dài chứa chất một tiếng nói bất tận về nỗi đau. Là nỗi đau xác thực mà anh nếm trải. Những nỗi đau đến từ đâu?

Đó là nỗi đau từ chiến tranh. Có thể nói, Lưu Quang Vũ là nhà văn miền Bắc nói lên “nỗi buồn chiến tranh” sớm hơn tất cả. Nhiều bài thơ dài đầy chất tự sự của anh đã khắc họa rõ rành một khuôn mặt chiến tranh tàn khốc[19]. Từ trước đến sau, hình ảnh người lính trong trang viết của anh vẫn là hình ảnh đẹp, nhưng cái hào khí của chiến tranh đã mất đi rồi. Chỉ còn phơi ra một thực tại kinh hoàng([20]). Mơ mộng mà luôn quan tâm đến những vấn đề xã hội, Lưu Quang Vũ là nhà văn dấn thân, bởi cách nhìn và tiếng nói của anh một thời khác với mọi người. Thời sự in dấu trong nhật ký, trong thơ văn anh từ rất sớm(Hồ sơ mùa hạ 1972). Những mưu toan, những tráo trở trên trường chính trị đã đi vào thơ anh ([21]), cũng như vào truyện ngắn (Một chuyện ở biên giới,Người đưa thư).

Ngày xưa, khi mẹ kể chuyện người chết trong chiến tranh, Lưu Quang Vũ không chịu nổi, phải chạy ra ngoài([22]), giờ đây, cái bạo tàn của chiến tranh dội vào anh, làm anh choáng váng. Anh tái hiện lại một Khâm Thiên tan hoang trong câu hỏi day dứt vì sao và nỗi ám ảnh không rời đau nhói([23]). Chiến tranh tất yếu sẽ dẫn đến hành động sát nhân. Nhưng ai sẽ chết? Từ năm 1968, anh đã ý thức về bi kịch của cuộc chiến tranh Nam Bắc ([24]) và ngày càng rõ([25]). Những ngày trong cái lò lửa hủy diệt ấy, chỉ có người chiến binh mới biết mình đã trải qua những gì([26]) và cái đọng lại nơi họ là lòng ăn năn không dứt:“ các anh ơi, đừng trách chúng tôi/ các bà mạ, tha thứ chúng tôi/ chúng tôi chẳng thể làm khác được”(Những đứa trẻ buồn). Chiến tranh như vậy là một “quá khứ nặng nề” cần phải quên đi, vì mỗi vinh danh là một lần nhắc lại nỗi đau họ từng nếm trải, là sống lại những cơn mộng dữ đẫm máu người([27]).

Đó còn là nỗi đau từ những suy tư về đất nước. Lưu Quang Vũ có những bài thơ dài như cơn mưa tự nghìn xưa đổ về nhắc lại hành trình dân tộc[28]. Trong Đất nước đàn bầu, nhân vật tôi ở đây trò chuyện với ai? Có lúc người đàn ông Lạc Việt da vàng nói với toàn nhân loại. Có lúc đứa cháu bé nhỏ nói với người bà đã khuất. Có lúc chàng trai nói với người yêu… Tuyệt tác này là kết tinh cao nhất của khả năng chạm khắc, hòa âm và biểu cảm nơi Lưu Quang Vũ, như hồn nước đã nhập vào anh: “Tôi nhận hết, tôi là người tiếp nối/ Là dĩ vãng nhưng chẳng là bóng tối/ Nước mắt tôi ướt đẫm những dây đàn”. Nhưng rõ ràng thay, hồn nước không chỉ là lịch sử, văn hóa, mà còn là khí thiêng của tự nhiên: “Quả bầu khô là tâm sự của vườn/ Mặt đàn gỗ là của rừng xanh thẳm/ Điệu bát ngát là của đồng của đất/ Lời vụng về là tha thiết lòng tôi”. Người nghệ sĩ độc đáo Lưu Quang Vũ khiêm nhường trong dào dạt yêu thương và gắn bó với cộng đồng: “Hồn dân tộc dạy ta làm thi sĩ/ Quá khứ nhiều mà ta chẳng già nua”([29]). Quá khứ ấy được dệt nên bởi những con người vô danh siêng năng làm lụng (Người cùng tôi). Quá khứ ấy là một kết tinh tự nhiên qua hàng ngàn năm lịch sử, có khi hôm nay cho ta còn được niềm hy vọng. Từ đó, “Những câu thơ âm thầm/ Muốn nói hết sự thực/ Về đất nước của mình”([30]). Sự thực nào về đất nước? - Ly tán, hận thù, mê cuồng học thuyết? Như một số nhà tư tưởng phương Tây từng nói về nền văn minh lạc lối, Lưu Quang Vũ kêu gọi sự thức tỉnh để trở về. Anh nói đến một ngày đoàn viên không phân ngôi thứ, bờ ranh([31]). Một ước mơ đau đáu được nói thành lời: “cái làng mới ta xây/ ở đó mọi người có quyền nói lên tất cả/ ở đó không ai làm phiền đến một con dế nhỏ” (Tìm về). Dù hiểu là thời hậu chiến, mọi điều không đơn giản: “biển bao la sau trận mưa dài/ sắp tới là những ngày khónhất”, nhưng nhà thơ hy vọng: “những người tốt không được quyền vô dụng” và mạnh mẽ khuyến cáo: “hãy im đi lời bịp bợm dối lừa/ lũ nước ngoài xảo quyệt cút ngay ra/ máu con người không phải thứ bán mua/ cái bánh vẽ không no lòng ai được/ bài học lớn của một thời đau xót/ trên hận thù nóng bỏng tàn tro”([32]).

Sự thực nào nữa về đất nước? Những điều trông thấy nhói lòng anh: đói nghèo, trì trệ, những kiếp đời nhọc nhằn…([33]). Anh chán ngán những trang viết “Như phường bát âm thánh thót (…)/ chạy theo những biển hàng ngắn ngủi/ Những khuôn phép những trang in những hư danh một buổi”([34]). Anh đau đớn trước sự tàn lụi, tha hóa của con người([35]).Anh kinh hoàng trước cuộc sống mọi giá trị đảo lộn([36]). Anh nhấn mạnh vai trò “người báo hiệu” trong dòng lịch sử([37]). Anh kêu gọi sự thức tỉnh để đổi thay: “Những điều hôm qua tưởng tuyệt vời tốt đẹp/ Đến nay thành không đủ nữa rồi”.Anh muốn thơ dấn mình hành động:“Chúng ta đi mở những cánh cửa/ Chúng ta suốt đời đi mở những cánh cửa”([38]). Như vậy, cùng với “nỗi buồn chiến tranh”, cảm hứng thế sự và đời tư cũng xuất hiện sớm trong tác phẩm Lưu Quang Vũ, so với các tác giả cùng thời. Bên cạnh thơ ca, một số truyện ngắn của anh([39]), bằng cách viết rất nhẹ và thoáng, đã chạm đến những vấn đề của con người và xã hội mà hôm nay chúng ta phải đối mặt như là căn bệnh trầm kha: lối giáo dục gò ép phi tự nhiên vì sĩ diện hão (Nhà thơ); hiện tượng người đóng vai, rồi vĩnh viễn bị giam cầm trong lốt ấy (Người kép đóng hổ); người trí thức đọc nhiều, nói hay mà ruồng rẫy vợ và vô cảm với con (Con anh Mậu); người lính tha hóa trong hòa bình (Người bạn cũ, Những người bạn); kẻ khôn lỏi, không có chuyên môn, thường khinh bạc, lượn lờ trong công việc và tỏ ra cao đạo, hoài nghi (Anh Y); người mơ mộng, luôn muốn mang đến cái mới cho thế giới này nhưng tàn lụi vì hoàn cảnh (Anh Thình); người thành thực, có khát vọng cao cả, có tài năng, nhưng “cô đơn vì không được người đời hiểu” (Mùa hè đang đến)... Truyện ngắn Lưu Quang Vũ thường phác ra những tình huống và những tính cách và dừng lại ở những cái kết lửng lơ. Từ khá sớm, Lưu Quang Vũ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ chế và pháp luật([40]). Phong cách và ý tưởng này sẽ được phát triển rõ ràng và mạnh mẽ hơn trong kịch.

Không chỉ suy tư về dân tộc mình, Lưu Quang Vũ còn nói đến Trung Hoa trong bài thơ tự do với những nét khắc gọn, sâu, một Trung Hoa nghịch lý đầy ám ảnh. “Sáng suốt và tối tăm/ Uyên thâm và nhẹ dạ/ Cái người Tàu kỳ lạ/ Ngồi dầm củ cải giữa đêm khuya…” Ở đấy, ánh sáng trong anh nói rằng văn hóa và chính trị là khác nhau, nhân dân và triều đại có khi cách biệt. Từ đấy, anh đã vượt qua những hận thù quá khứ giữa hai dân tộc, nhưng anh băn khoăn về một biến động lở trời long đất: “Dưới liễu xanh, lũ quỷ đổi thay màu/ Tiếng chiêng trống, tiếng loa gào thét/ Chín trăm triệu người ồn ào mà nín lặng/ Trung Hoa muốn gì/Nhân dân đi về đâu?”. Những vần thơ này ra đời năm 1974; với cái nhìn thấu suốt vấn đề, anh dẫn lại Tư Mã Thiên, lời cảnh báo xuyên qua trùng trùng năm tháng: “Hồn bạo chúa nghiến răng trong bụi cát/ Mọi ngai vàng, theo lửa hóa tro than…” (Trung Hoa)([41]).

Mưa, kết tinh của Đất và Trời, của Khí và Nước, như người ta yêu nhau

Yêu thương là thiên tính của Lưu Quang Vũ, ngay cả khi anh cất lời phê phán xã hội hay kể lể về nỗi buồn trong trang viết của mình. Những khuôn mặt nữ làm anh xúc động, dù thoáng chốc hay lâu dài, cũng đều là nguồn sống của thơ anh. Lưu Quang Vũ có những duyên tình đẹp, tất cả đã trở thành vĩnh cửu nhờ thơ ca. Anh đã gặp được những người nữ thấu hiểu anh, lắng nghe anh, cả cảm xúc sáng tạo lẫn những trầm tư đời sống. Tình yêu của Lưu Quang Vũ chưa bao giờ thu lại trong vũ trụ kỳ ảo của hai người, tình yêu ấy cứ xao xác “nghĩ về đất nước nghĩ về em”[42] và điều đặc biệt nữa là không nhuốm mùi thân xác như lẽ thông thường. Tình yêu với anh, dù có những cung bậc khác nhau, nhưng luôn trong trẻo vì nó bắt nguồn từ một tương thông tinh thần bạn bè tri kỷ hơn là sự đam mê trai gái bình thường. Tuổi mười lăm mười tám, những rộn ràng của trái tim thơ dại đã in vào trang viết Lưu Quang Vũ những vần thơ đẹp. Có những bài thơ vui mà kỹ thuật và ý tứ già dặn đến ngạc nhiên[43]. Em thoáng qua và đất trời tràn ngập, nhưng từ đó đã len vào những lo âu thấp thỏm[44]. Rồi nỗi đau đầu đời của duyên tình đổ vỡ đã đến, ướp vào thơ anh hương vị cay đắng[45]. Nhưng khắc khoải nhất là khi người ta bị hút vào nhau như tri âm, tri kỷ “Như hai kẻ lạc loài nay nhận ra nhau” mà tuyệt vọng vì không thể. Vẻ đẹp của một tình yêu không toại lại càng lung linh và những dòng thơ lại càng ám ảnh: “hai ta hãy là giấc mộng của nhau thôi”([46]). Những gặp gỡ thoáng chốc, cũng làm người thơ sững sờ xao xuyến[47]. Cuối cùng một tình yêu lớn, viên mãn, trọn mười lăm năm đã là bệ phóng cho tài năng Lưu Quang Vũ. Tình yêu ấy đã làm phục sinh con người: “Có em, anh hiểu lại cuộc đời/ Có em, anh bắt đầu tất cả”; “Anh lại có sự tươi bền của đất. Nói với thời gian bằng sắc cỏ xanh rờn”([48]); Tình yêu mang lại bình yên, cảm giác được nương tựa, chở che([49]). Trong niềm vui mừng và biết ơn ấy, có một ước nguyện đến nao lòng ít thấy ở người đàn ông: “Muốn trao em gương mặt đến tâm hồn/ Đều trong trắng, tràn đầy, thuần khiết nhất”. Cómột tôn vinh đặc biệt: người nữ được yêu trở nên lớn như đất trời: “Em như đất của con người”,“Trời rộng của anh ơi” và là người thầy khai sáng([50]). Lạ thay, ngay cả trong những thời khắc hạnh phúc nhất, cảm giác về bất trắc luôn đến giữa những dòng thơ Lưu Quang Vũ và sự dự báo ngày một rõ ràng hơn([51]).

Lưu Quang Vũ không thi hóa tình yêu, anh nói cả những thói đời trần tục, và nỗi khổ từng ngày len vào hạnh phúc[52], nhưng anh yêu thiết tha cái tâm hồn đồng điệu của người bạn tình ấy, cái dáng vẻ thân ái ấy. Yêu “cái cùng khổ cùng vui ấy”. Trong mắt anh, người tình và người bạn đời vừa có cái thăm thẳm của bầu trời, vừa có cái nhỏ nhoi cụ thể thân quen của mỗi ngày nhìn thấy. Cảm giác về khoảng trống người rời đi và cảm giác ngóng đợi người trở về đã làm nên nhiều trang thơ tình yêu mang dáng vẻ một tấm lụa đơn sơ mà màu sắc cứ lấp lánh biến ảo theo từng khoảnh khắc (Em vắng): đó là thời gian mà chàng thường ở nhà và nàng thường ra đi, đểsóngbờ hoán đổi vị trí cho nhau trong thơ Xuân Quỳnh (Sóng).

Thơ Lưu Quang Vũ tràn đầy chi tiết, nhưng là chi tiết được liên kết bởi mạch nền tự sự nội tâm nên khi mỗi khi câu thơ tràn bờ thì thơ anh ám ảnh chúng ta. Vũ Quần Phương và nhiều người gọi anh là hồn thơ “đắm đuối”. Tôi nghĩ sắc thái ấy có lẽ chỉ dành cho thơ tình Lưu Quang Vũ: những giòng mưa xói đất trắng trời, trút hết cơn bão lòng của chia xa, của nhận ra nhau mà không đến được. Nhưng trên toàn thể, thơ Lưu Quang Vũ là nhịp đập dào dạt miên man của đời trong mọi dáng vẻ và trong mọi sinh thể tự nhiên: nó như tiếng rì rào của lá, tiếng trầm trầm của mưa, tiếng rộn rã của người… mà anh bắt được. Tần số của đời vô biên thì tần số của thơ anh không dừng lại. Chưa bao giờ nhân hóa tự nhiên hay quy chiếu mọi cái theo lăng kính của mình, Lưu Quang Vũ là người có tâm hồn chan hòa rộng rãi. Anh luôn tìm thấy những nhịp cầu ở muôn nơi để: “Nối hạt cát với ngôi sao/ Bánh ăn và giấc mộng/ Đưa tôi tới những bến bờ chưa tới được/ Vượt khỏi mình, tôi nhập với trăm phương/ Nói lời riêng mà thấu triệu tâm hồn”([53]).

Rất nhất quán trong quan niệm về nghệ thuật, những xác tín trước sau của Lưu Quang Vũ có thể tìm thấy trong thơ, truyện ngắn và kịch, có khi là những tuyên ngôn trực tiếp([54]), có khi là những mạch ngầm. Dạt dào cảm xúc và hình ảnh nhưng cũng tràn đầy biểu tượng, chi chít những tự sự riêng chung nhưng cũng ẩn nén nhiều trầm tư văn hóa, nhiều bài thơ của Lưu Quang Vũ được cấu trúc theo một logic khác, làm thành mê cung nội tâm trong vọng âm của ngoại cảnh([55]). Đọc thơ Lưu Quang Vũ thuở ban đầu, Hoài Thanh đã nhận ra là thơ anh đôi khi có nhiều đứt gãy([56]). Theo thiển ý, đó là một phong cách, nó như lớp lớp sóng dồn của một trái tim yêu thương nồng cháy, bật ra thành dòng ngôn ngữ chồng chất dung nham. Đất nước đàn bầuBầy ong trong đêm sâu là những bài tiêu biểu của loại logic khác này. Nó đòi hỏi người ta phải đọc rất lâu mà chưa hẳn đã lần ra hết ý nghĩa.

Mưa, thời chinh phục. Những cơn mưa xối xả trắng trời hậu chiến

Nếu Phú Thọ mang đến cho Lưu Quang Vũ ngôi nhà bình an của tự nhiên thì Hà Nội đưa anh vào thế giới của văn hóa, với những sinh hoạt thị dân, trong đó không gian nhà hát có một vai trò không nhỏ. Nhật ký của anh cho thấy trong một quãng đời ngắn ngủi, Lưu Quang Vũ sống gấp nhiều lần người khác ở một nhịp điệu suy tưởng và sinh hoạt dồn nén và đa dạng. Một ngày trôi qua không làm được gì, không viết được dòng chữ nào, đối với anh là có lỗi. Tuổi mười lăm anh đã hình thành quan niệm: “Đời người ta tốt đẹp không phải là vì sống nhiều năm mà là làm nhiều việc”([57]). Những đêm theo cha vào nhà hát, Lưu Quang Vũ đã bước vào thế giới của sân khấu, không chỉ như một khán giả([58]). Năm 1963, Lưu Quang Vũ đã thử viết một kịch bản ngắn:Trên sân ga, vở kịch đã có những nét của phong cách kịch Lưu Quang Vũ sau này: ít nhân vật; không gian, tình huống quan trọng hơn xung đột; cái kết lửng lơ cho niềm hy vọng; điểm nhấn là vẻ đẹp của những cái thoáng qua, một lần thành mãi mãi; không khí buồn man mác và cảm thức về mùa rất rõ. Năm 1980, Lưu Quang Vũ có bài thơ Em có nghe, dự báo một chặng mới của đời mình. Đó là chặng đời huy hoàng với kịch và những bài thơ ấm áp của một tài năng được đón nhận dưới ánh mặt trời.

Từ nền tảng tinh thần là tôn vinh những điều tự nhiên, sự hài hòa và ngợi ca cái đẹp, Lưu Quang Vũ không mặn mà lắm với xung đột và không say mê những tính cách quá phức tạp. Trong khi phê phán trực diện những hiện tượng tiêu cực trong xã hội Việt Nam thời hậu chiến, kịch Lưu Quang Vũ thổi vào lòng người xem một niềm hy vọng về khả năng biến cải môi trường của con người. Được xây dựng trên những không gian gọn, những tình huống nhanh, những nhân vật không quá ác, thế mạnh của kịch Lưu Quang Vũ là chủ đề, ngôn ngữ đối thoại, chất thơ và sự hòa quyện giữa tính xã hội và tính văn hóa.

Hệ chủ đề của kịch Lưu Quang Vũ là những gì? Là hệ quả của cơ chế bao cấp (Tôi và chúng ta, Nếu anh không đốt lửa); là bi kịch của sự chắp vá, kết hợp phi tự nhiên, là độ chênh giữa lý tưởng/ lý thuyết và thực tại/ hiện thực, là sự phân ly giữa tâm và thân, là sự đối lập giữa duy tâm và duy vật (Hồn Trương Ba da hàng thịt)([59]); là sự thất bại về ảo tưởng tạo ra những con người máy theo ý mình (Bông cúc xanh trên đầm lầy); là quyền làm người (Quyền được hạnh phúc); là nạn cường hào ở nông thôn và hành động của người lính trẻ (Lời thề thứ chín); là những oan sai đau đớn từ lỗ hổng trong quản lý xã hội (Trái tim trong trắng); là nạn mua bán đề thi trong nhà trường, chạy theo thành tích (Mùa hạ cuối cùng, Bệnh sĩ); là bước vấp của những người trẻ khi mới vào đời (Tin ở hoa hồng); là niềm tin vào những giá trị thiêng liêng (Điều không thể mất); là chọn lựa sáng suốt của những nhân vật lịch sử (Ngọc Hân công chúa);… Quả thật, đó là những chủ đề có một tầm vóc lớn, kết tinh từ những suy tư dài về đất nước, dân tộc, con người, của Lưu Quang Vũ qua bao năm tháng, chúng góp phần lay tỉnh chúng ta, và dư vang của chúng sẽ còn lại rất lâu.

Ngôn ngữ đối thoại trong kịch Lưu Quang Vũ cực kỳ đa dạng: nghiêm trang, xúc động, hài hước, châm biếm, cay đắng… gắn kết rất tự nhiên với từng vai nhân vật. Người lao động thì nói lên khát vọng bằng những cách diễn đạt mang tính hình tượng cụ thể, người lãnh đạo thì đúc kết hiện trạng bằng những lời súc tích, mang tính xác quyết. Đặc biệt, ở đấy tác giả để cho nhân vật quần chúng đối thoại cùng những nhân vật quan chức trong những tư thế rất là bình đẳng.

Chất thơ tràn ngập trong kịch Lưu Quang Vũ([60]), từ nhan đề cho đến không khí lạc quan, những nhân vật không thôi hy vọng và các quan hệ tình cảm đẹp đẽ. Chính yếu tố này đã làm cho các vở kịch của Lưu Quang Vũ, dù chuyển tải những thông điệp lớn về xã hội và con người, vẫn không tạo nên cảm giác nặng nề, gay gắt trong cảm hứng phê phán như nhiều tác phẩm đương thời. Cực kỳ nhạy bén với những bất ổn trong xã hội nhưng lại có một niềm tin chất ngất vào con người, bút pháp Lưu Quang Vũ thiên về xu hướng lãng mạn, nó lay tỉnh và thổi vào công chúng một ý thức công dân mạnh mẽ, một tâm thế tích cực trong mọi tình huống, một hy vọng vào tương lai và lẽ đời tốt đẹp.

Kịch Lưu Quang Vũ mang đến những thông điệp xã hội lớn, góp phần mở đầu cho một thời kỳ mới trong văn học Việt Nam. Luôn đứng giữa dòng, những tác phẩm của anh mang tính thời sự cao. Được xây dựng theo nguyên tắc thông tục, tính thời sự này dễ dàng nhận được sự cộng hưởng của công chúng và gây được hiệu ứng tức thì trong đời sống thực tiễn. Nhưng kịch Lưu Quang Vũ còn có một tầng vỉa khác, sâu xa hơn, đó là những thông điệp văn hóa. Tiếp tục thơ ca, anh tra vấn về tình thế của đất nước, về giá trị của cộng đồng, về lẽ sống của cá nhân, với những suy tư trong chiều kích của dân tộc và của nhân loại.

  1. Mưa bản chất là tự nhiên. Mưa Lưu Quang Vũ, từ kết tinh tự nhiên của riêng anh, đã âm thầm, rồi bùng vỡ, tưới tắm một khoảng đời của văn học Việt. Những dòng thơ văn của Lưu Quang Vũ miên man miên man trong nỗi đau trộn lẫn niềm hy vọng về một cõi thế an hòa, cũng như mưa, dòng nối tiếp dòng, từ cao rơi xuống thấm nhuần trong đất. Dòng mưa Lưu Quang Vũ lắm khi buồn bã nhưng đó là nỗi buồn của sự tỉnh thức, nó có khả năng giúp chúng ta nhận ra sớm những điều phản lại con người, cũng như mưa thường mang lại những âm trầm nhưng mưa đã gội rửa đất trời, nuôi cây cối xanh tươi, giúp tâm hồn con người lắng lại.

Dòng mưa Lưu Quang Vũ đã mang lại cái nguồn ánh sáng của lẽ tự nhiên, của một vẻ đẹp tinh thần mà dân tộc Việt hàng ngàn năm dày công nuôi dưỡng, vậy mà có lúc dòng mưa ấy phải âm thầm, giấu giếm và sau đó bị xem như một lầm lỗi cần được bao dung. Nhưng phải chăng rồi cái tự nhiên sẽ phải trở về? Phải chăng sự có mặt của dòng mưa Lưu Quang Vũ nói với chúng ta là trong văn học Việt bao giờ cũng có những ngoại lệ, bao giờ cũng có tiếng nói lẻ loi tách khỏi bầy đàn? Và bầy đàn không phải bao giờ cũng đúng. Và cái tôi chính trị, cái tôi xã hội chỉ là một phần rất nhỏ trong mỗi người. Và đừng xem thường trực giác của người nghệ sĩ.

Lưu Quang Vũ là một trong số ít những nghệ sĩ Việt có khả năng vượt thoát và khả năng tiên cảm trong một hoàn cảnh xã hội đặc thù. Có thể nói, qua thơ, truyện ngắn và kịch, Lưu Quang Vũ đã đi đến cùng trong việc thực hiện tâm nguyện và quan niệm của một người nghệ sĩ dấn thân. Di sản mà Lưu Quang Vũ để lại cho chúng ta hôm nay cần được tiếp nhận và quảng bá một cách rộng rãi hơn. Kịch của anh đã bước ra thế giới và tạo được tiếng vang([61]), nhưng còn thơ của anh? Tôi nghĩ, nếu được chuyển ngữ, chắc chắn thơ Lưu Quang Vũ sẽ góp vào ngôi nhà chung của nhân loại một nét đẹp mới đến từ xứ sở hình chữ S “bên bờ biển bão”([62]).


KỊCH BẢN SÂN KHẤU CỦA LƯU QUANG VŨ:
Kịch Dài
1. Đôi bạn quê hương (1966)
2. Sống mãi tuổi 17 (1979)
3. T.15 về đâu (1980)
4. Mùa hạ cuối cùng (1981)
5. Cô gái đội mũ nồi xám (1981)
6. Người con gái trở về (Trời xanh trên mái phố) (1981)
7. Những ngày đang sống (1981)
8. Thủ phạm là ai? (1982)
9. Cây ngọc lan của Huyền (1982)
10. Nữ ký giả (1983)
11. Dạ khúc tình yêu (1983)
12. Nàng Sita (1981)
13. Ngôi sao màu lá xanh (Giòng máu trắng) (1983)
14. Hẹn ngày trở lại (1984)
15. Nguồn sáng trong đời (1984)
16. Bên sông Thu Bồn (1984)
17. Tôi và chúng ta (1984)
18. Người trong cõi nhớ (1982)
19. Vách đá nóng bỏng (1983)
20. Đường bay (1984)
21. Hoa xuyến chi (1982)
22. Hồn Trương Ba, da hàng thịt (1984)
23. Người tốt nhà số 5 (1984)
24. Ngọc Hân công chúa (1984)
25. Lời nói dối cuối cùng (Cuội và Bờm) (1985)
26. Đất sống của người (1985)
27. Vi khuẩn Han-Xen (Hạnh phúc của người bất hạnh) (1985)
28. Đôi dòng sữa mẹ (Hai giọt máu) (1985)
29. Ông vua hóa hổ (1985)
30. Khoảnh khắc và vô tận (1986)
31. Tin ở hoa hồng (1986)
32. Nếu anh không đốt lửa (1986)
33. Hoa cúc xanh trên đầm lầy
34. Muối mặn của đời em
35. Đam San
36. Chết cho điều chưa có
37. Quyền được hạnh phúc (1987)
38. Đôi đũa Kim Giao
39. Ông không phải bố tôi (1988)
40. Linh hồn của đá
41. Bênh sĩ (1988)
42. Lời thề thứ chín
43. Trái tim trong trắng (Vụ án hai ngàn ngày) (1988)
44. Điều không thể mất (1988)
45. Người bạn già (1984)
46. Chim Sâm Cầm không chết (1988)
Kịch Ngắn:
47. Juliet không trẻ mãi
48. Sống giả chết giả
49. Con tò he
50. Tẩy, bút chì và thước kẻ
51. Ngọn gió vô hình
52. Đoàn thanh tra tới
53. Câu chuyện chiều cuối năm

Chú thích:

[1] Jean Chevalier - Alain Gheerbrant: Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, (Nhiều người dịch). Trường Viết văn Nguyễn Du & Nxb. Đà Nẵng, 1997, tr.608.

[2]Thôn Chu Hưng trăng sao rơi đầy giếng/ Nằm giữa bốn bề rừng rậm nứa lao xao/ Đường ven suối quả vả vàng chín rụng/ Cọ xanh rờn lấp loáng nước sông Thao”.

[3]Tôi đã có biển, có sông, nhưng con suối nhỏ vẫn là nơi yêu quý nhất” (Lưu Quang Vũ: Di cảo Lưu Quang Vũ, (Lưu Khánh Thơ tuyển soạn). Nxb. Trẻ, Tp.HCM., 2018, tr.38.

[4] Lưu Quang Vũ, Bằng Việt: Hương cây - Bếp lửa, Nxb. Văn học, H., 1968.

[5]Áo, Thôn Chu Hưng, Phố Huyện,Mùa xuân lên núi, Phố ta, Lá bưởi, lá chanh, Mùa xoài chín

[6]Gửi tới các anh, Phủ Lý tháng Hai, Đêm hành quân, Những bông hoa không chết

[7] Lưu Quang Vũ: Di cảo, Sđd., tr.24.

[8]Có những lúc, Những chữ…, Tôi chẳng muốn kỷ niệm về tôi là một điệu hát buồn, Giấc mộng đêm, Nơi tận cùng, Những ngọn nến...

[9] Nhật ký 29-5-1963 (Lưu Quang Vũ: Di cảo, Sđd., tr.20).

[10] “lòng vẫn cứ buồn, nhìn lại lớp thấy chán quá!” (Lưu Quang Vũ: Di cảo, Sđd., tr.51).

[11] Lưu Quang Vũ: Di cảo, Sđd., tr.169.

[12] “mình không thể gò bó, nhất là phải giả dối và uốn mình nữa. Không! Tâm hồn mình không cho phép thế, thơ văn mình không cho phép thế” (Lưu Quang Vũ: Di cảo, Sđd., tr.82).

[13]Lưu Quang Vũ: Di cảo, Sđd., tr.76.

[14]Nhật ký 1964, 4-4 (Lưu Quang Vũ: Di cảo, Sđd., tr.85).

[15] “Ta đã đau khổ vô cùng vì những trò của người đời”; “Ta thật là lạ và khác mọi người, chỉ vì một việc nhỏ cũng đủ làm cho ta đau đớn ghê gớm và chỉ vì một màu xanh của luống rau cũng có thể làm cho ta vui suốt cả ngày trời” (Lưu Quang Vũ: Di cảo, Sđd., tr. 85, 86).

[16] “Đừng để những chuyện đốn mạt của phố phường Hà Nội che lấp tâm hồn mày đi” (Lưu Quang Vũ: Di cảo, Sđd., tr.120).

[17] Vũ Thị Khánh: “Lưu Quang Vũ, cuộc đời và năm tháng”, trong Lưu Khánh Thơ (biên soạn): Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ…, Sđd., tr.258-259.

[18]Ta lớn lên cửa sổ thay màu (…)/ Giữa chiến tranh hiểu đời thực hơn nhiều/ Rách tan cả những làn sương đẹp phủ/ Chỉ còn lại nỗi buồn trơ núi đá/ Điều em tin là nhảm nhí mà thôi (Gửi một người bạn gái). Lưu Quang Vũ: Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, Nhã Nam & Nxb. Hội Nhà văn, H., 2010, tr.46-47.

[19]Ghi vội một đêm 1972, Em, Khâm Thiên, Cơn bão, Những đứa trẻ buồn,...

[20]thời bạo tàn lửa cháy khắp nơi/ những thây người gục ngã/ những nhịp cầu sụp đổ/những toa tàu rỗng không (…)/ thù hận mênh mông mặt đất bùn lầy” (Em). Lưu Quang Vũ: Di cảo, Sđd., tr. 247.

[21]khi người ta mặc cả máu người/ thay tình nghĩa như thay áo lót” (Em (I). Lưu Quang Vũ: Di cảo, Sđd., tr. 278-282.

[22] Lưu Quang Vũ: Di cảo, Sđd., tr.163.

[23]đêm qua tôi đã chết/ với hàng ngàn mạng người/ từ than bụi tôi hiện hình trở lại/ mang đau thương đến trọn cuộc đời…(Khâm Thiên). Lưu Quang Vũ: Di cảo, Sđd., tr.347.

[24]Bạn cùng làng mỗi đứa một phương/ Kẻ lính ngụy, người thành quân giải phóng” (Mùa xoài chín). Lưu Quang Vũ: Di cảo, Sđd., tr.39.

[25]một bên là con trai Thanh Hóa, Thái Bình/ một bên là con những bà mẹ Thừa Thiên, Phan Thiết/ những sinh viên Sài Gòn/ những sĩ quan Đà Lạt/ những đội quân mang tên dã thú/ những tiểu đoàn không còn sót một ai/ những mô đất con đổi bằng mạng trăm người” (Cơn bão). Lưu Quang Vũ: Di cảo, Sđd., tr. 332.

[26]heo may cỏ lạnh rừng chiều/ ngàn lau rụng trắng/ những đứa trẻ buồn ướt lạnh/ đường dài mặt trận nối nhau đi (…)/ lòng chỉ muốn yêu thương/ mà cứ phải suốt đời căm giận”; “bên kia đồi gianh khét lẹt/ quân thù cháy giữa vòng vây/ mấy gã tù binh ngồi khóc/ run run những cánh tay gầy”; “nỗi buồn trĩu nặng/ dâng lên như đá trên mồ” (Những đứa trẻ buồn). Lưu Quang Vũ: Di cảo, Sđd., tr. 334-337.

[27]hãy quên chúng tôi đi/ để chúng tôi được yên lặng trở về/ để chúng tôi được hóa thành bụi đất/ thành mưa rào trên xứ sở yêu thương” (Cơn bão). Lưu Quang Vũ: Di cảo, Sđd., tr. 333.

[28]Đất nước đàn bầu, Bài ca trên bán đảo, Sông Hồng, Sông Hồng - hồi ức của một nghĩa binh già, Sông Hồng - năm mẹ sinh em, Sông Hồng - lời từ giã của Trung đoàn Thủ đô,

[29]Đất nước đàn bầu. Lưu Quang Vũ: Mây trắng của đời tôi,Sđd., tr. 35-36.

[30]Liên tưởng tháng Hai. Lưu Quang Vũ: Bầy ong trong đêm sâu, Sđd., tr.85.

[31]cùng làng chẳng nhận ra nhau/ thờ những vị thần xứ khác/ nghe lời kẻ ác/ súng đạn người bắn thịt xương ta/ đào huyệt hận thù/ chia miền cắt đất/ tin những chữ không hồn trong sách/ tìm kiếm mãi đâu xa/ nào hay mình có một làng quê”; “hôm nay tất cả hãy về/ lối cũ bờ đê/ những mắt bàng hoàng sau kính trắng/ những binh lính áo quần vằn vện/ những tướng già tóc bạc/ những kẻ lãng du những hồn uất hận/ anh em ruột thịt cầm tay/ lạy mẹ lạy thầy/ chúng con hư để thầy mẹ khổ/ từ nay chẳng tham lam mê muội nữa/ súng đạn người ném trả/ oán thùđổ xuống ao sâu”. Lưu Quang Vũ: Di cảo, Sđd., tr. 350, 351.

[32]Những đám mây ban sớm. Lưu Quang Vũ: Di cảo, Sđd., tr. 357, 358.

[33]Ngã tư tháng Chạp, Những tuổi thơ, Ghi vội một đêm1972,Viết lại một bài thơ Hà Nội, Những người bạn khuân vác, Việt Nam ơi. Lưu Quang Vũ: Bầy ong trong đêm sâu,Sđd., tr. 19-20, 24-25, 26-27, 28-31, 90-92.

[34]Nói với mình và các bạn. Lưu Quang Vũ: Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, Sđd., tr.102, 104.

[35]Nhà văn xưa tôi yêu mến mê say/ Nay lão già được chính quyền sủng ái/Lưng còng xuống quên cả lời mình nói/Phản bội những điều trong cuốn sách thiêng liêng” (Hoa Tigôn). Lưu Quang Vũ: Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, Sđd., tr.223.

[36]Mọi chuyện thiêng liêng thành nhảm nhí/ Khắp nơi trí trá lọc lừa nhau” (Đêm đông chí, uống rượu với bác Lâm và bác Khánh, nói về những cuộc chia tay thời loạn). Lưu Quang Vũ: Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, Sđd.,tr. 134.

[37]Người báo hiệu. Lưu Quang Vũ: Di cảo, Sđd., tr.256, 257.

[38]Liên tưởng tháng Hai. Lưu Quang Vũ: Bầy ong trong đêm sâu,Sđd.,tr.86.

[39] Lưu Quang Vũ: 15 truyện ngắn, (Lưu Quang Hiệp sưu tầm, thực hiện). Nxb. Hội Nhà văn, H., 1994.

[40]Cả một thế hệ nhiệt thành, cả một dân tộc nhiệt thành, như sóng biển dâng lên ào ạt. Nhưng sau đó khi sự nghiệp đã thành đạt, để đừng xảy ra những hỗn loạn lại là việc của cơ chế. Phải có pháp luật, đúng thế, phải có pháp luật nghiêm minh…” (Những người bạn). Lưu Quang Vũ: 15 truyện ngắn, Sđd., tr.198.

[41] Lưu Quang Vũ: Mây trắng của đời tôi,Sđd., tr. 56.

[42]Mùa xuân lên núi, Chiều, Vườn trong phố, Em (I), Cho Quỳnh những ngày xa.

[43]Bài thơ khó hiểu về em, Chiều,Vườn trong phố.

[44]Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa.

[45]Từ biệt, Anh chẳng còn gì nữa…, Ngã tư tháng Chạp.

[46] Qua những bài thơ: Gửi Hiền mùa đông, Thơ tình viết về một người đàn bà không có tên (I), (II), (III); Vẫn thơ tình viết về một người đàn bà không có tên; Không đề; Lá thu; Quả dưa vàng; Gửi; Em - tình yêu những năm đau xót và hy vọng…

[47] Trong những bài thơ: Ngọn lửa đen, Dù cỏ lãng quên, Phút em đến.

[48]Chiều chuyển gióNửa đêm nỗi nhớ. Lưu Quang Vũ: Mây trắng của đời tôi, Sđd., tr.19, 48.

[49]Và anh tồn tại. Lưu Quang Vũ: Mây trắng của đời tôi, Sđd., tr.25-26.

[50]Em dạy anh cái nhìn thật của đời”, “Em dạy cho anh biết mơ ước biết tin” “Em trả lại cho anh hơi thở, dáng hình (…) Em giải thoát cho anh khỏi cô đơn lầm lỗi” (Những ngày chưa có em…).Lưu Quang Vũ: Bầy ong trong đêm sâu,Sđd., tr. 100-101.

[51]Phút cuối cùngtay vẫn ở trong tay/ Ta đã có những ngày vui sướng nhất/ Đã uống cả men nồng và rượu chát/Đã đi qua cùng tận của con đường/ Sau vô biên dẫu chỉ có vô biên: Buồm đã tới và lúa đồng đã gặt” (Bài hát ấy vẫn còn là dang dở…). Lưu Quang Vũ: Mây trắng của đời tôi, Sđd., tr.83.

[52] Qua Nhà chật, Những ngày hè cuối, Một bài thơ.

[53] Lưu Quang Vũ: Mây trắng của đời tôi, Sđd., tr.86.

[54]Mọi người quanh ta mang nỗi khổ oằn vai/ Ngực đất nước tai ương xé rách/ Ta viết mãi những điều vô ích(…)/ Tôi không muốn viết những lời như thế (…)/ Tôi viết những bài thơ chống lại chính tôi/ Chống lại bóng đêm trì trệ của đời (…)/ Thơ phải dạy ta nhìn bằng con mắt thật/ Đập vào ngực ta không cho ta cúi mặt/ Không cho ta lảng tránh/ Đập cửa mọi nhà/ Đứng ở mọi ngã ba” (Nói với mình và các bạn). Lưu Quang Vũ: Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi,Sđd., tr. 102, 103.

[55]Những ngọn nến, Bài hát trong một cuốn phim cũ, Cuốn sách xếp nhầm trang, Chiều cuối, Cầu nguyện, Móng tay trên đá, Những chiếc lá rơi,Hoa cẩm chướng trong mưa.

[56] Hoài Thanh: “Một cây bút trẻ nhiều triển vọng. Tạp chí Văn học, số 12, (12/1966), tr.39-47.

[57] Lưu Quang Vũ: Di cảo,Sđd., tr.50.

[58] Năm 1963, trong nhật ký, anh ghi: 1963: xem chèo đã thích. Xem kịch, nhận ra tình yêu và nhan sắc là hai cảm hứng lớn cho kịch (Lưu Quang Vũ: Di cảo,Sđd., tr.17).

[59] Phạm Vĩnh Cư đã phân tích những tầng nghĩa, rất chi tiết và rất hay (xem Phạm Vĩnh Cư: “Lưu Quang Vũ, Bi hùng kịch và bi hài kịch”, trong Lưu Quang Vũ – Về tác gia và tác phẩm, Sđd., tr.272-273).

[60]Chính Lưu Quang Vũ đã nói lên điều này qua bài phỏng vấn “Chất thơ là linh hồn của kịch”, rất xác quyết và súc tích (xem Lưu Quang Vũ – Về tác gia và tác phẩm, Sđd., tr.503-504).

[61]Hồn Trương Ba, da hàng thịtdự liên hoan sân khấu Liên Xô, năm 1990, được đánh giá xuất sắc; năm 1998, diễn ở Mỹ; năm 2002 được dựng lại và công diễn ở Anh với tên "The Butcher's Skin".

[62] Lưu Quang Vũ: Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi,Sđd., tr.166.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Lưu Quang Vũ – nhà thơ khát khao hòa bình *)

    24/08/2018Giang NamNhà phê bình Phạm Xuân Nguyên vẽ ra một Dáng đứng Lưu Quang Vũ “Người nổi gió. Người đập cửa. Người mở cửa”. Anh là nhà thơ nhân dân, nhà thơ yêu nước – danh hiệu cao quý nhất chỉ dành cho rất ít người...
  • Kịch Lưu Quang Vũ - Những vấn đề của đời sống

    17/04/2018Cao MinhNhà viết kịch đầy tài năng Lưu Quang Vũ (1948 - 1988) ra đi đã tròn 25 năm. Sân khấu Việt Nam cho đến hôm nay vẫn chưa có một tác giả nào có
    thể lấp được khoảng trống Lưu Quang Vũ để lại...
  • Tạ Đình Đề và nỗi ám ảnh của Lưu Quang Vũ

    01/05/2018PGS. TS. Lưu Khánh ThơThời gian làm việc tuy không dài, nhưng tính cách, những suy nghĩ và việc làm mới mẻ của huyền thoại mang nhiều màu sắc ly kỳ -ông Tạ Đình Đề - đã để lại những ấn tượng đậm nét trong lòng Lưu Quang Vũ...
  • Những dòng nhật ký của Lưu Quang Vũ trước lúc nhập ngũ

    17/04/2018Lưu Quang VũLưu Quang Vũ khi đó mới 17 tuổi, đang là học sinh lớp 10H (hệ 10 năm) viết đơn tình nguyện xin nhập ngũ. Lúc đầu anh bị từ chối vì chưa đủ 18 tuổi. Sau thấy anh quyết tâm quá, chú ruột tôi là nhà thơ Lưu Trùng Dương đang công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội phải trực tiếp đến nơi tuyển quân xin mãi mới được chấp nhận...
  • Trăm năm nữa chưa có Lưu Quang Vũ thứ hai

    29/08/2019Tống Thu Thảo tổng hợpRất lâu nữa đất nước Việt nam mới có những tác phẩm để đời như của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, nhiều người dân Việt Nam luôn yêu mến và nhớ đến anh vì anh đã mang lại cho nền văn hoá nghệ thuật Việt Nam những bước đột phá mới...
  • Tính thời sự và ý nghĩa nhân văn trong "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" của Lưu Quang Vũ

    14/10/2018Đỗ Hải NinhHoa cúc xanh trên đầm lầy là vở kịch độc đáo của Lưu Quang Vũ bởi yếu tố giả tưởng chi phối cốt truyện. Tác phẩm được xây dựng trên nền hiện thực nhưng có những nhân tố của truyện khoa học viễn tưởng như: phát minh ra loại robot mới chưa từng có; câu chuyện tình yêu, cuộc sống và hành trình trốn chạy của các robot đó khỏi thế giới loài người...
  • Lưu Quang Vũ bi hùng kịch và bi hài kịch

    30/07/2018Phạm Vĩnh CưTrong bối cảnh mới, được ấn định bởi nhiều nhân tố nội tại và ngoại lai, thể loại bi kịch sống lại dưới nhiều biến thể đôi khi khó nhận ra. Không đề cập đến vấn đề có hay không tiểu thuyết - bi kịch trong văn xuôi Việt Nam đương đại, bài viết này chỉ tập trung nói về những biến thái của bi kịch trong sáng tác của kịch tác gia tiêu biểu Lưu Quang Vũ...
  • Thi sĩ Lưu Quang Vũ: Những câu thơ tiên tri

    17/04/2018Nguyễn Việt ChiếnLưu Quang Vũ là một tài năng thơ bẩm sinh rất đặc biệt và độc đáo. Những đóng góp của Lưu Quang Vũ cho sự phát triển của thơ hiện đại là khá đa dạng. Nó không chỉ nằm ở bình diện phát hiện các vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ mà sự đóng góp ấy còn thể hiện ở việc khắc họa chiều sâu những rung động suy tư của tâm trạng con người trong đời sống hiện đại.
  • Lưu Quang Vũ - Sống trong chiều không gian khác

    27/10/2017NSND Đào Trọng KhánhCó lần Lưu Quang Vũ nói với tôi: “Không có cái chết. Đám ma chỉ là một cuộc diễu hành, đi qua cánh cổng của chiều không gian khác. Sống như đang còn sống, mình sẽ ở bên nhau”...
  • Lưu Quang Vũ - Những chuyện ít người biết

    07/07/2016Cao MinhTôi may mắn được quen Lưu Quang Vũ ấy là khi làm phóng viên viết về lĩnh vực sân khấu. Trong lần đến Nhà hát Kịch Trung ương, giám đốc nhà hát lúc ấy là NSND Mạnh Linh bảo viết về sân khấu thì nên gặp Lưu Quang Vũ, hiện đang là tác giả tung hoành sân khấu từ Bắc vào Nam...
  • Một bức phù điêu cho Lưu Quang Vũ

    17/04/2016Trần KỳNgười viết những dòng chữ này đã từng được đến xem Nhà hát vũ kịch do Pháp xây dựng ở Pê-trô-grat, ở Sô-phi-a. Hình thức và nội thất của nhà hát đó giống y Nhà hát lớn Hà Nội. Ở trên cao, giữa khung sàn diễn có bức phù điêu của kịch gia Mô-li-e. Nên chăng, các nhà hát của ta cũng có một bức phù điêu như thế cho Lưu Quang Vũ?
  • Lưu Quang Vũ và một quãng đời, một quãng thơ thường bị bỏ quên

    15/05/2015Vương Trí NhànTrước khi vùng vẫy tung hoành trên sân khấu, Lưu Quang Vũ đã được biết tới như một người làm thơ. Ấy là một nhà thơ thuộc loại bẩm sinh, dễ dàng giãi bày mọi vui buồn của mình trên trang giấy. Những lúc mở lòng ra chan hoà tâm tình với người thân, với bè bạn, với cuộc đời, anh đã có thơ; những lúc buồn bã quay về một mình đơn độc, anh lại cũng chỉ có cách tìm tới thơ để tự an ủi. ..
  • Đọc lại một bài thơ của Lưu Quang Vũ

    02/05/2015Đỗ Quang NghĩaBài thơ được Vũ viết từ những năm đầu thập kỷ 70, nhưng chỉ sau khi Vũ mất khá lâu, khi trên thế giới này, cuộc đấu tranh ‘ai thắng ai’ chỉ còn có một bên muốn làm chiến sĩ, bài thơ mới được in ra nhờ tấm lòng của những người chí tình với thơ và với Vũ...
  • Ký ức về những lần kiểm duyệt kịch Lưu Quang Vũ

    30/08/2014Hà LinhGiá trị phát hiện và phơi bày thực trạng xã hội trong kịch Lưu Quang Vũ đã khiến các đạo diễn "trầy vi tróc vẩy" với những quy chụp nói xấu chế độ ở cái thời "ai cũng có quyền kiểm duyệt"...
  • Nhớ thơ tình Lưu Quang Vũ...

    02/11/2012TS. Nguyễn Thị Minh TháiTrong sáng tạo của con người tài hoa Lưu Quang Vũ, thơ là hồn cốt thâm hậu, chứ không phải kịch nghệ, báo chí, văn xuôi hay hội họa. Thơ là nơi ẩn náu cuối chót của chàng thi sĩ buồn này.
  • Lưu Quang Vũ tâm hồn trở gió

    11/08/2011Phạm Xuân NguyênĐây là bài viết dịp kỷ niệm 10 năm mất anh chị Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh. Nay lại cộng thêm 10 năm nữa vào ngày mất của hai nhà thơ tài tình và tài hoa của đất Việt...
  • xem toàn bộ