Kỷ vật cho muôn đời

10:36 SA @ Thứ Bảy - 16 Tháng Năm, 2009

Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam, năm 1990, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã được khánh thành đúng ngày 19/05 tại Thủ đô Hà Nội. Bảo tàng Hồ Chí Minh cùng với lăng và khu di tích lịch sử tại Phủ Chủ tịch ngày nay đã trở thành một trung tâm tưởng niệm, nghiên cứu và giới thiệu về người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Tại Bảo tàng hiện đang lưu giữ nhiều sưu tập hiện vật có liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Hồ Chủ tịch. Là một lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, song Bác Hồ rất giản dị trong cuộc sống, bộ sưu tập “Đồ dùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”là một trong những sưu tập hiện vật quý. Đó là những hiện vật liên quan trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của Bác ở trong nước cũng như nước ngoài.

Đồng hồ quả quýt Longines:

Đồng hồ quả quýt hiệu Longines là hiện vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc đó tên gọi là Nguyễn Ái Quốc) đã dùng từ năm 1931 đến năm 19451 trong thời gian Người sống và hoạt động ở nước ngoài. Chiếc đồng hồ này được sản xuất tại Thụy Sĩ do Tổ chức Quốc tế “Cứu Tế Đỏ” tặng Bác đã giữ nó bên người trong suốt thời gian bị cầm tù tại Quảng Tây, Trung Quốc. Mặc dù phải sống những ngày tháng vô cùng khổ cực chịu đói khát, xiềng xích trong ngục tù, nhưng Bác vẫn gìn giữ chiếc đồng hồ này cho đến khi Việt Nam giành được độc lập, đây là một hiện vật vô giá thể hiện tình cảm của Quốc tế đối với Bác.

Chiếc quạt lá cọ

Những hiện vật nói lên cuộc sống giản dị của vị Chủ tịch nước vẫn còn được lưu giữ tại khu di tích Phủ Chủ tịch. Một trong số đó là chiếc quạt làm bằng lá cọ mà Bác đã sử dụng từ năm 1960 cho đến những năm tháng cuối cùng cửa mình tại Phủ Chủ tịch. Chiếc quạt này do một đồng chỉ bảo vệ của Bác làm từ tàu lá cọ trong vườn Phủ Chủ tịch, cành cọ được cắt ngắn, phơi khô và ép lại thành một chiếc quạt. Bác rất thích chiếc quạt này và thường để nó ở đầu giường khi thời tiết nóng bức. Hiện vật tuy đơn sơ nhưng đã thể hiện rõ tình cảm của những người phục vụ được sống bên cạnh Bác.

Đôi dép cao su của Bác

Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng còn lưu giữ dược đôi dép cao su của Bác dùng khi sinh thời. Đôi dép này làm bằng săm lốp ô tô Bác dùng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (thời Bác còn ở chiến khu) cho đến khi Người qua đời. Đôi dép cao su của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện vật quý, nó thể hiện sự giản dị của Người.

Bộ đồ rèn luyện thân thể của bác

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Phải biết quí trọng sức người, đó là vốn quí nhất. Chúng ta cần hết lòng chăm sóc sức khỏe và sử dụng thật hợp lý sức lao động của nhân dân ta.” Người đã nêu một tấm gương về rèn luyện thân thể để mọi người noi theo. Hàng ngày, Bác đều dành thời gian cho việc luyện tập thể dục và thái cực quyền, Bác tập rất đều đặn, ngày mưa cũng như ngày nắng, mùa hè cũng như mùa đông và ngày càng làm cho việc tập luyện thêm phong phú. Không chỉ là những động tác của bài thể dục thông thường mà Bác còn tập tạ tập dây chun, khí công, quyền thuật, đi bộ, chạy... Bộ đồ tập thể dục của Bác là quả bóng ten nít để Bác tập ném, quả chùy gỗ để luyện thân thể, quả tạ tay để bác luyện giữ cho hai bàn tay hoạt động khỏe, dẻo dai và bộ dây kéo cũng dùng để luyện tập hai tay hàng ngày.

Bộ quần áo kaki

Một hiện vật quí trong tư trang của Bác để lại là bộ quần áo kaki màu vàng đậm, do Xưởng may 10 thuộc Tổng cục Hậu cần may. Bộ quần áo này trông rất giản dị nhưng nó gắn liền với các hoạt động của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Bác đã mặc nó trong những buổi tiếp khách trong nước và quốc tế, đi thăm hữu nghị các nước cũng như thăm các địa phương, dự các Hội nghị Quốc tế và các cuộc họp của Bộ chính trị Trung ương.

Chiếc đài bán dẫn Zenith

Chiếc đài Zenith Bác vẫn dùng ở Phủ Chủ tịch là chiến lợi phẩm của một đơn vị quân giải phóng miền Nam thu được trong trận đánh Phước Thành ngày 18/9/1961 do giáo sư Nguyễn Văn Hiếu (lúc đó là Bộ trưởng Bộ Văn hóa) chuyển lên biếu Bác năm 1962. Hồ Chủ tịch thường xuyên nghe đài vào lúc sáng sớm, buổi trưa lúc ăn cơm và buổi tối để nắm bắt tình hình chiến sự ở miền Bắc, miền Nam và chương trình thời sự Quốc tế. Chiếc đài đã cùng Bác đón nhận bao tin vui về những chiến thắng của các chiến sĩ giải phóng Miền Nam cho đến những ngày cuối cùng của cuộc đời.

Chiếc quạt giấy Canh Hoạch

Năm 1946, nhân kỷ niệm 56 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thanh niên làng Canh Hoạch - Hà Đông đã gửi tặng Người một chiếc quạt giấy có chiều dài gần một mét. Hình dáng chiếc quạt giấy này cũng như bao chiếc quạt giấy bình thường khác, chỉ có kích thước của nó khá lớn: quạt dài 0,76m, gồm 16 nan bằng tre, hai xương ngoài làm bằng sừng. Điểm độc đáo của nó ở chỗ: trên hai mặt của quạt có châm kim nhiều bài thơ và hoa văn rất đẹp.

Mặt trước của quạt: Phía chính giữa có hàng chữ bằng tiếng Hán: Hồ Chí Minh vạn tuế. Trên mép quạt có hàng chữ: Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Bên trái là khổ thơ tiếng Việt:

Gió xuân hây hẩy ba kỳ mát
Muỗi cỏ vo ve, phẩy một tan
Gia Cát quạt lông, Hồ quạt giấy
Trước sau quét sạch lũ tham tàn

Bên phải là khổ thơ đối:

Ra tay quạt gió xua nồng
Cho dân bức bối thỏa lòng ước mong
Quạt hồng Nam Bắc Tây Đông
Quạt cho hòa khí xuân phong gió về

Đây là hiện vật quí có ý nghĩa lịch sử sâu sắc và có giá trị nghệ thuật. Tuy nhiên điểm đặc biệt của chiếc quạt này không chỉ dừng lại ở kỹ thuật tạo dáng, nghệ thuật châm kim hoa văn mà còn thể hiện ở nội dung các khổ thơ trên hai mặt của quạt. Năm 19481 trong buổi gặp mặt Ban vận động thi đua ái quốc Trung ương, Bác đã tặng chiếc quạt này cho đồng chí Hoàng Đạo Thúy - Tổng thư ký của Ban vận động và nói: “Chú dùng cái quạt này để quạt cho phong trào lớn mạnh lên”. Chiếc quạt trở thành hiện vật minh chứng cho một sự kiện lịch sử của dân tộc ta - một giai đoạn ra đời và phát triển của phong trào thi đua ái quốc mà chủ tịch Hồ Chí Minh là người khởi xướng, vun đắp và nuôi dưỡng.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bác Hồ và người gánh nước đêm giao thừa

    09/01/2011Bùi Dũng"Một Đảng cầm quyền mà để người dân mình nghèo hết còn chỗ để nghèo thì đó là lỗi của Đảng với nhân dân..." - điều Bác Hồ nói vào mùa Xuân cách đây 45 năm đến nay còn thấm thía...
  • Bình thường mà vĩ đại

    14/10/2008Nguyễn Thị Thùy DươngKhi những chú cá được sinh ra trên đời, chú thường hỏi mẹ chú rằng: “Nước là gì hả mẹ. Sao con không biết nước là gì cả”. Mẹ chú không biết giải thích cho chú thế nào, đành nhờ sóng hất chú lên bờ. Khi nằm dãy dụa trên bờ chú cá nhỏ mới hiểu thế nào là nước, nước chính là sự sống của chú, điều tưởng chừng bình thường nhất đó, lại có ảnh hưởng đến sự sống của chính mình...
  • Tích hợp và tự sinh trong văn hóa Hồ Chí Minh

    19/05/2007Phan Công KhanhNhân loại không thiếu những anh hùng dân tộc, những đanh nhân văn hóa có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với sự phát triển của đất nước họ, sự vận động chung của lịch sử nhân loại. HồChíMinh là hiện thân của nhiều giá trị, đặc sắc về tính dân tộc nhưng vẫn bao hàm những yếu tố phổ quát của nhân loại...
  • Tổng kết thực tiễn: Một bài học của Bác Hồ

    03/02/2006Thái DuyThành công hoặc thất bại, Bác Hồ đòi hỏi trước hết lãnh đạo các cấp phải xác định trách nhiệm cá nhân của mình thì mới tổng kết thành công...
  • Sửa đổi lối làm việc

    01/10/2005Bùi Quang MinhTác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bút danh X.Y.Z, viết xong tháng 10 năm 1947. Đây là tác phẩm quan trọng về xây dựng Đảng, một tài liệu học tập của cán bộ để tu dưỡng tư tưởng, đạo đức và tác phong làm việc…