Đọc sách Đạo Cao Đài và Victor Hugo của TS. Trần Thu Dung

06:08 CH @ Thứ Tư - 16 Tháng Ba, 2016

Victor Hugo là một nhà văn lớn, nhà chính trị Cộng hòa Pháp, chống lại Đế Chế Napoléon III, từng phải lưu vong xa nước 17 năm. Ông qua đời năm 1885 tại Paris, được chính phủ Đệ Tam Cộng Hòa Pháp vinh danh, quan tài quàn tại Khải Hoàn Môn đưa thẳng vào Điện Panthéon, một ngôi nhà thờ mới xây cất được biến thành nơi an nghỉ các vĩ nhân có công với nền Cộng hòa nước Pháp. 38 năm sau ông lại xuất hiện trong một buổi cầu cơ ở môt nơi gần biên giới Việt Nam và Campuchia với vai trò Chưởng đạo Linh thiêng Hội Thánh Cao Đài. Ngày nay khách du lịch đến thăm Toà Thánh Cao Đài tại Tây Ninh cũng như tại một số nơi khác, không khỏi ngạc nhiên trước bức tranh hoành tráng vẽ trên tường ba vị thánh Victor Hugo, Tôn Dật Tiên và Nguyễn Bỉnh Khiêm, hướng về hình tượng một con mắt, biểu tượng của Hội Tam Điểm nhiều người quỳ xuống tỏ lòng tôn kính. “Victor Hugo, nhà văn vĩ đại Pháp”.

Sự hiện diện một nhà văn Pháp được phong thánh tại Việt Nam mang tên Chưởng Đạo Nguyệt Tâm Victor Hugo là một điều bí ẩn, đối với người Pháp cũng như người Việt Nam. Một tôn giáo mới thành lập trong một thời gian ngắn, chưa đến trăm năm đã có 5 triệu tín đồ khắp Việt Nam và hải ngoại.

Tiến trình thần thánh hóa một nhân vật, một nhà văn và sự hình thành tôn giáo đáng cho nghiên cứu : Vì sao? Từ đâu? Sự hình thành tôn giáo trong điều kiện dân trí như thế nào? Trình độ học vấn những người sáng lập tôn giáo ra sao, họ chịu những ảnh hưởng gì? nói theo ngôn ngữ điện toán ngày nay họ “cắt, dán” từ những mãnh kiến thức nào để tạo lại thành “bức tranh lập thể”? Những lời tuyên bố, và thi ca của Victor Hugo trong các buổi cầu cơ thế nào, do ai viết? Vai trò Hội Tam Điểm Đông Dương trong việc hình thành Đạo Cao Đài như thế nào? Grabriel Gobron, tác giả đầu tiên quyển Lịch sử Cao Đài bằng tiếng Pháp xuất bản năm 1949 là ai mà được phong làm Ngài Tiếp Dẫn Đạo Nhơn. Victor Hugo có phải là tác giả những lời kinh cầu nguyện của Đạo Cao Đài, cuốn Kinh Lễ cẩm nang của đạo Cao Đài? Những lời giải thích thần bí, Chưởng Đạo Nguyệt Tâm khi đầu thai bên Pháp thành Victor Hugo khi đầu thai tai Việt Nam thành Nguyễn Du? Phối sư Trần Quang Vinh (Hiển Trung) là hóa thân Charles François con trai của Victor Hugo? Đặng Trung Trữ hóa thân Charles một con trai khác của Victor Hugo? Vai trò của Louis Vidal, lãnh đạo Hội Tam Điểm FB3, chồng của Phạm Thị Tốt con gái Hộ Pháp Phạm Công Tắc, giáo chủ Đạo Cao Đài như thế nào?

Tiến sĩ Trần Thu Dung qua công trình nghiên cứu Đạo Cao Đài và Victor Hugo, nguyên là một luận án Tiến sĩ đệ trình năm 1996 tại Viện Đại Học Paris VII , đã gỡ giùm chúng ta đống dây rối rắm, từ văn chương Pháp đến tôn giáo Cao Đài tại Việt Nam, xuyên qua một thời đại thuộc địa, dành độc lập với nhiều biến động chính trị, tranh chấp. Đây không phải là công trình nghiên cứu một khán giả xem phần trình diễn trên sân khấu, mà của một nhà khoa học nghiên cứu trong hậu trường, xem xét cách tổ chức, đạo diễn, dàn dựng kịch bản, phân công đào kép, nhân công kéo màn, trang điểm ..

Tìm hiểu một tôn giáo có năm triệu người theo, là một điều tế nhị, không thể đơn giản phủ nhận toàn diện, mà nên tìm hiểu đâu là những chủ tâm tốt của người sáng lập: nhằm thiết lập lại đạo đức xã hội, dựa trên sự tổng hợp các tôn giáo và kiến thức họ có được trong thời thuộc địa và đâu là lớp vỏ bọc đường, thần thánh, huyền thoại họ tạo ra, tưởng tượng ra để thuyết phục giới bình dân, trình độ tri thức hạn hẹp .

Tôn giáo không cùng ngôn ngữ với khoa học. Ngôn ngữ tôn giáo gần gũi với thi ca, thần thoại văn chương. Văn phong tôn giáo đầy những ẩn dụ, biểu tượng để chuyên chỡ đạo lý, làm cho xã hội ngày một trong sạch hơn, đạo đức hơn, người lầm lẫn có thể sa vào mê tín, ngu muội, tưởng lầm biểu tượng ẩn dụ ấy là sự thật. Sự sống lại của Chúa, sự đồng trinh của Đức Mẹ, sự đầu thai các tiền thân Đức Phật, nghiệp chướng và luân hồi, nói cách khác là sự lập lại của vô thức trong tâm lý học là những ví dụ cụ thể ngôn ngữ của tôn giáo để truyền đạt: Mười điều răn Chúa Trời, hay Tam Quy Ngũ giới, Thập giới nhà Phật. Các nhà làm luật hiện đại có thể tiếp cận dễ dàng những chương hình luật đã có trong các tôn giáo: Không giết người, Không trộm cắp, Không nói dối, Không tà hạnh, không lấy vợ hay chồng người khác, Không rượu chè ma túy. Thương kính phụng dưỡng cha mẹ, Thương yêu loài vật, cây cỏ.. Khác với pháp luật hay pháp trị , tôn giáo không trừng trị kẻ phạm tội bằng những cực hình hiện tại, mà bằng số phận kẻ phạm tội trong tương lai bên kia kiếp người, hay chịu những trừng phạt tâm lý trong mỗi người, trong thiên đường, địa ngục.. tôn giáo đóng vai trò giáo dục và ngăn ngừa phòng bệnh. Tôn giáo xuất phát từ sự thương yêu muốn cứu giúp đời: lòng từ bi của Đức Phật, lòng nhân của Khổng Tử, lòng yêu thương thiên nhiên đạo Lão, lòng bác ái của Chúa Jésus.. những đấng giáo chủ không chủ tâm sáng lập tôn giáo với hình thức nghi lễ như ngày nay, nhưng hoàn cảnh lịch sử, xã hội đưa đẩy, các môn đệ, tín đồ sùng bái.. đã hình thành ra một giáo phái rồi tách rời cộng đồng nguyên thủy, trở thành một tôn giáo hoàn cầu. Lòng thương yêu con người, thiên nhiên và vật, sự sùng kính tăng dần đời này sang đời khác, đã khiến tôn giáo tồn tại lâu dài và được nhân loại gìn giữ. Tôn giáo lấy căn bản là lòng yêu thương, điều này khác biệt đối nghịch những chủ trương lấy hận thù làm căn bản: hận thù chủng tộc, hận thù giai cấp, hận thù giữa các dân tộc, giữa người và người.. không thể tồn tại được lâu dài. Trong lịch sử nhân loại, tôn giáo hợp tác với các thế lực chính trị trần thế để hoàn thiện xã hội. Không có tôn giáo, các nhà chính trị từ quân chủ đến dân chủ hiện đại phải xây thêm bao nhiêu nhà tù, dùng bao nhiêu hình phạt cực kỳ tàn bạo và đào tạo thêm bao nhiêu cai tù để xã hội được cai trị cải thiện, đạo đức?

Nhưng đứng trước sự tiến hóa của nhân loại, dân trí nhân loại ngày một nâng cao thời đại tin học, những mây mù huyền thoại tôn giáo được vén lên. Khoa học các ngành soi rọi tận cùng mọi lãnh vực. Thượng đế : một khái niệm chỉ sức mạnh siêu hình, ảnh hưởng đến đời sống con người trong lịch sử nhân loại ngày càng lùi xa: từ thần linh trong từng cây đa, dòng sông, mưa gió, một triều đình thần thánh phản ảnh một triều đình trần thế trên đỉnh núi Olympe, núi Thái Sơn, núi Méru (Linh Thứu hay Linh Sơn), Núi Ngọc Hoàng.. thời đại khoa học bắt đầu các triết gia Aristote Hy Lạp tìm kiếm một hành tinh thứ 10 trong Thái Dương hệ, thế giới thần linh và ngày nay thần linh lùi đến một trận Big Bang, vụ nổ lớn để hình thành vũ trụ, một Thượng Đế Đồng Hồ? .Thượng Đế được thờ kính, nhưng cũng có khi gọi là Trẻ tạo hóa, đối với con người như trẻ con đối với con kiến, như cụ Nguyễn Gia Thiều: “Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán, chết đuối người trên cạn mà chơi”. Trong Sử thi Iliade của thi hào Homère các thần cõi Olympe, chia làm hai phe, chỉ huy, xúi dục người trần thế đánh nhau trong chiến cuộc thành Troie, chẳng khác nào các cường quốc trong chiến tranh lạnh, đánh nhau qua cuộc chiến hai phe nước nhược tiểu..

Tôn giáo lại cần thiết đối với nhân loại: con người không chỉ sống với ánh sáng mặt trời chân lý chói chang, mà cần đến mây mù râm mát, và cũng cần đến bóng tối để yên nghỉ. Không thờ thần linh người ta thờ bò vàng, tiền tài đô la, uy quyền, dục vọng.. không chiến tranh tôn giáo, con người lại chiến tranh kinh tế, chiến tranh quyền lực, lãnh thổ, giai cấp.. Có người chỉ nói toàn điều thiện, điều tốt nhưng hành động cực đoan thì trở thành điều ác. Thiện ác có mặt trong mỗi con người. Thiên thần và ác quỷ có mặt trên trần gian có khi tạo nên những cơn lốc lớn như Đức Quốc Xã giết sáu triệu người Do Thái, bao nhiêu nhà khoa học lớn của Đức đã cộng tác trong cuộc giết người này? như Cách Mạng Văn hóa Trung Quốc 35 triệu người chết đói, trí thức, người tài giỏi Trung Quốc ở đâu? như ba triệu người Cam Bốt chết vì tay những lãnh tụ Khmer Đỏ có đủ bằng cấp Tiến sĩ, nào phải là kẻ ngu dốt? …

Tôn giáo, Religion của Tây Phương có nghĩa là mối quan hệ giữa Thượng Đế, đấng hằng hữu, đấng tự sinh mình ra và sinh ra vũ trụ, muôn vật và con người. Nhưng ở các tôn giáo Đông phương, tôn giáo có nghĩa là tôn kính và giáo dục. Một đấng giáo chủ sáng lập ra tôn giáo, đáng tôn kính là thầy các bậc thầy: “vạn thế sư biểu”, dạy dỗ và giáo dục xã hội, nhân loại. Tôn giáo bắt nguồn từ nỗi sợ hãi của con người : ta chết rồi sẽ đi về đâu? Ta từ đâu tới? Nhân loại đi tìm kiếm sự bất tử cho con người: từ sự đầu thai hóa kiếp đi từ kiếp này sang kiếp khác. Sự phục sinh, sống lại của Jésus báo Tin Mừng, con người chết sẽ được phục sinh? Sự trở về với thiên nhiên thành thần tiên, luyện thuốc trường sinh, thành bất tử? Khác với loài vật con người làm nghi lễ chôn cất, hay thiêu xác chết, ướp xác hay xẻ xác cho chim ăn để linh hồn người chết được siêu thoát về cõi thiên đàng hay niết bàn, tịnh độ..

Thượng Đế sáng tạo ra loài người, lúc đó chẳng có ai có mặt để biết, Thượng Đế sáng tạo như thế nào? Người giàu trí tưởng tượng phát minh ra một huyền thoại để cắt nghĩa sự hiện diện vũ trụ, người đời sau thêu dệt, khi có chữ viết họ viết thành Kinh thánh Sáng thế. Mỗi một dân tộc, tùy theo hoàn cảnh xã hội, tưởng tượng sự sáng tạo Thượng Đế một cách khác nhau, có khi dân tộc này vay mượn thần thánh từ một dân tộc khác. Thần Cú Vọ Ai Cập đến Hy Lạp chỉ còn đôi mắt cú vọ của thần nữ Athéné. Tại Hy Lạp, thần Zeus cai trị cõi trời cõi người, thần Poséidon cai trị biển cả, thần Hadès cai trị cõi âm phủ. Zeus là nguồn gốc chữ Dieu, Trời của Tây Phương.

Tại Trung Quốc, Thiên đính là phản ảnh một triều đình nơi kinh đô Trường An, Ngọc Hoàng Thượng Đế có một triều đình Nam Tào, Bắc Đẩu, Thái Bạch, Kim Tinh.. là những vì sao. Tại Ai Cập các vị Vua được thần thánh hóa được biểu tượng vòng tròn thần Mặt Trời, và có thời đại Pharaon Toutenkamon, Thần Mặt Trời trở thành thần duy nhất. Tại Ấn Độ Brahman sinh từ một quả trứng, nứt ra làm hai phần trên là bầu trời, phần dưới là đất. Tại Do Thái, Yavhé, Đức Chúa Trời có nguồn gốc là một lãnh tụ bộ tộc Do Thái, dân chúng nhớ ơn, khi có điều gì nguy cấp các tiên tri lên đồng cầu khấn, Đức Chúa Trời qua miệng các tiên tri hiện ra phán xét.. do nhu cầu thống nhất hai nước Do Thái và 12 bộ tộc, Yavhé trở thành thần duy nhất cho dân tộc Do Thái, được huyền thoại hóa thành Đức Chúa Trời sáng tạo ra vũ trụ.

Người Việt Nam tự cho mình có nguồn gốc: con Rồng cháu Tiên. Tên vua Hùng Vương chỉ có nghĩa là người có sức mạnh được dân chúng tôn sùng làm lãnh tụ, không ai biết nhớ tên là gì, vì thời thượng cổ con người chưa có tên có họ, đời sau mới lấy tên một loại hoa, loài thú.. làm tên mình, lấy địa danh, giòng suối, cây cầu hay nghề nghiệp làm họ mình. Hùng Vương người có sức mạnh này nối tiếp người có sức mạnh khác làm tù trưởng cai trị một vùng gồm nhiều làng mạc vài chục ngàn dân, đời này nối đời khác kéo dài hàng ngàn năm, 18 đời chỉ là tượng trưng, vì thời ấy tổ tiên ta đếm bằng thắt nút, có sợi dây nào giữ được nút thắt đến ngàn năm? lúc ấy người Việt kết lông chim làm áo mặc như Mỵ Châu mặc áo lông ngỗng, như trên trống đồng Ngọc Lũ, có khi chỉ đóng cái khố như Chữ Đồng Tử, tuổi thọ trung bình của con người thời ấy chỉ khoảng 30 tuổi..

Quan niệm con người sáng tạo ra Thượng Đế và thần linh có thể, nghiên cứu, quan sát được, nhất là ở một tôn giáo mới thành lập ngày 7 tháng 10 năm 1926 tại Tây Ninh, xưa thuộc Cochinchine, thuộc địa Pháp.

Tôn giáo có nhiều cái phi lý : Nhưng cái lý và cái phi lý đi song hành với nhau như âm và dương: trắng và đen. Có ánh sáng thì có bóng tối. Khi ở trong vũ trụ chuyển động, thay đổi, người ta mơ ước một cái gì vĩnh viễn, hằng hữu. Nhưng có lẽ khi ở cõi vĩnh viễn, hằng hữu người ta lại mơ ước cõi đời đầy biến chuyển.

Thi hào Homère trong truyện thơ Odyssée Hy Lạp, truyện thơ vĩ đại của nhân loại, đã đặt cho anh hùng Ulysse một chọn lựa: Cuộc sống bên tiên nữ Calypso, tuổi thanh xuân bất tử và trở về trần gian quê hương Ithaque với vợ hiền Pénélope và con Télémaque, phải vượt qua bão tố biển cả, đi vào một cuộc chiến đấu đầy gian khổ chống bọn cầu hôn, giữ ngôi báu, vợ con. Trên cõi thiên đường ăn ngon, mặc đẹp, đầy sơn hào hải vị, người tình tiên nữ xinh đẹp “cơm no bò cỡi” đầy đủ, dục vọng thỏa mãn, nhưng chiều chiều người anh hùng Ulysse buồn chán ra bờ biển Rampla ngồi than khóc. Người anh hùng đầy mưu trí thành Troie, trở thành món đồ chơi trong tay một tiên nữ đầy quyền lực chỉ khao khát có một tấm chồng, Ulysse đã chọn lựa dấn thân vào bão tố sống chết gần kề, vào cuộc chiến chờ đợi một còn một mất và cõi trần gian ngắn ngủi. (Xem Nhất Uyên Phạm Trọng Chánh, Truyện thơ Odyssée thi hào Homère, Bản dịch 12110 câu thơ lục bát. Khuê Văn Paris xb 2005). Homère đã đi ngược lại hoàn toàn thiên đường của Thiên Chúa giáo.

Trong Sử thi Iliade thi hào Homère đặt cho Achille, người anh hùng trăm trận trăm thắng, một chọn lựa qua lời tiên tri của người mẹ tiên nữ : hoặc sống lên ngôi làm vua có vợ con đời sống hạnh phúc, tuổi thọ dài lâu hoặc tham gia chuộc chiến thành Troie, sẽ chết trong tuổi thanh xuân nhưng tên tuổi bất tử đến muôn đời sau. Achille đã chọn lựa tham dự cuộc chiến thành Troie, người anh hùng trăm trận trăm thắng, gần như bất tử, cuộc đời ngắn ngũi chỉ vì một mũi tên trúng gót chân.(Xem Nhất Uyên Phạm Trọng Chánh, Sử thi Iliade thi hào Homère bản dịch thơ lục bát 16933 câu. Khuê Văn Paris 2010).

Tín ngưỡng có từ khi con người biết định cư trồng trọt con người bắt đầu thờ dương vật, và âm hộ hai biểu tượng sinh sản, phong phú.. Để tránh hạn hán, mất mùa phải cầu thần Mây, Mưa, thần Sấm, thần Chớp. Ở Ai Cập từ hàng trăm thần họ tiến đến thống nhất còn một thần Mặt Trời. . Tại Ấn Độ có ba thần chính: một vị thần Brahma sáng tạo vũ trụ, Vishnu vị thần bảo hộ, và Shiva thần hủy diệt. Các thần hoá kiếp thành nhiều thần kiếp khác nhau, các thần có vợ có chồng nhớ hết tên cũng mệt nhỉ, riêng thần Kali hằng năm phải giết 24 người để cúng tế. Xã hội phân chia nhiều giai cấp dưới sự thống trị giai cấp Bà La Môn. Đức Phật đã làm một cuộc cách mạng chủ trương bằng sự giác ngộ của chính mình, hoàn thiện đạo đức bằng con đường Bát Chánh Đạo để thoát khổ, đặt thần thánh, chư thiên vào một bên chỉ để chứng giám sự thành tựu của người đạt được giác ngộ, giải thoát, và bãi bỏ đẳng cấp Bà La Môn thế mà một ngàn năm sau, Đức Phật bị Ấn Độ Giáo biến thành kiếp thứ 9 của thần Vishnu, được thờ cúng, thế là Đạo Phật bị diệt ngay tại xã hội Ấn Độ. Đức Khổng Phu Tử san định lại kinh điển, thần thánh nên kính và tránh xa, ngài đặt trọng tâm vào chính trị, đặt con người vào riềng mối: Quân, Sư, Phụ. Và con đường của người quân tử: cách vật, trí tri, thành ý, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Đức Lão Tử, chỉ để lại đời quyển Đạo Đức Kinh và trở về với thiên nhiên, người đời hiểu Đạo Đức Kinh thì ít nhưng lầm lẫn vào chuyện thần tiên, bà chúa Liễu Hạnh, lên núi tìm thuốc trường sinh.

Đạo Phật có mặt tại Việt Nam từ thời Hùng Vương, Tiên Dung Công Chúa và Chữ Đồng Tử học Phật với nhà sư Phật Quang, họ lập ra Phố Hiến. Thế Kỷ thứ hai Trung Quốc loạn lạc thời Tam Quốc, Giao Châu trở thành một tụ điểm, kinh đô Luy Lâu, Bắc Ninh là nơi các nhà sư đến dịch kinh, chùa chiền san sát. Nghề làm giấy và in kinh phát triển. Thế kỷ thứ 7, người Việt Nam dã dành độc lập, lập nên nhà nước Vạn Xuân, nhà vua Lý Phật Tử, nối tiếp vua Lý Bí cai trị 30 năm. Chùa chiền trở thành nơi học tập: học văn hóa, học võ nghệ. Lý Công Uẩn một vị tướng quân xuất thân từ nhà chùa đã lập nên một thời đại cực thịnh Việt Nam: nhà Lý từng phá Tống, bình Chiêm, và nối tiếp là nhà Trần, vị Vua Phật Trần Nhân Tôn, ba lần chỉ huy đánh thắng quân Mông Cổ.. Tuy nhiên Phật Giáo không nắm giữ vai trò độc tôn mà nâng Khổng Giáo và Lão Giáo lên ngang hàng thành Tam giáo đồng nguyên, làm nền tảng giáo dục Việt Nam. Thời Pháp thuộc tôn giáo, đạo lý Việt Nam suy đồi : Các nhà văn hóa lớn Việt Nam đương thời như Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim.. đã có những nghiên cứu Phật Giáo, Khổng Giáo bằng chữ quốc ngữ.

Đạo Cao Đài bắt đầu từ một chủ tâm tốt của những người có học trung học Pháp, xuất thân từ trường Chasseloup Laubat, trường Trung học Pháp duy nhất tại miền Nam, xứ Cochinchine thuộc địa trực thuộc Pháp, con nhà địa chủ. Nhưng khác với Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Hồ Tá Khanh, Hồ Văn Ngà, Trần Văn Thạch, Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai , Trần Văn Giàu.. đi du học sang Pháp và trở về hoạt động chính trị. Các lãnh tụ Cao Đài phần lớn, sau khi học Trung học trở thành công chức trong guồng máy hành chính người Pháp mới thành lập. Giáo chủ Phạm Công Tắc học ba năm trường Chasseloup Laubat rồi bỏ học tham gia phong trào Đông Du cụ Phan Bội Châu nhưng thất bại. Trong thoái trào của những chủ trương dành độc lập bằng bạo lực thất bại : Những cuộc khởi nghĩa của Trần Thiện Chánh, Nguyễn Trung Trực, Thiên Hộ Dương.. bị dìm trong máu lửa. Thế hệ các nhà nho Nam Kỳ: Nguyễn Thông, Trần Thiện Chánh dời mộ thầy Võ Trường Toản từ Sài Gòn về Bến Tre xong thì Pháp chiếm nốt các tỉnh miền Tây, phải đi tị địa lập Đồng Châu Xã tại Bình Thuận ,còn đất triều đình.


Hình tam thánh ký hòa ước trước đền thánh

Các thế hệ sau sớm nhận thức không thể dùng chủ trương bạo động máu lửa để chống Pháp, mà tìm cách tiếp cận học hỏi những tiến bộ văn minh Âu Tây. Họ mò mẫm những con đường đi khác nhau: Khác với thế hệ trước nhìn người Tây Phương như “bạch quỷ”, các thế hệ về sau qua trường Pháp Việt hay trường Pháp có dịp tiếp xúc với văn minh, giáo dục Tây Phương: Người thì tiếp xúc với chủ nghĩa xã hội, đệ nhị, đệ tam, hay đệ tứ mong tìm kiếm những bạn cùng giai cấp tại Tây Phương ủng hộ việc dành độc lập. Người thì vào đạo Thiên Chúa mong tìm kiếm một nhân tố tiến bộ xã hội nhưng tại chính quốc, nước Pháp làm Cách Mạng 1789 lật đổ cả giới quý tộc lẫn nhà thờ, Giáo Hội bị tách rời ra khỏi nhà nước.. Trong cuộc tiếp xúc với người Pháp, giới trí thức Việt Nam đương thời lại nhận ra không phải người Pháp nào cũng là thực dân. Từ phong trào Duy Tân cụ Phan Chu Trinh tại Bình Thuận kết hợp giới nho sĩ và giới thông ngôn được Công Sứ Garnier ủng hộ, phong trào thành công, phát triển vững mạnh vào Nam, trong khi tại các tỉnh khác bị đàn áp tan rã. Các nhà cách mạng Việt Nam từ Phan Chu Trinh, Hồ Tá Bang, Huỳnh Đình Điển, Trần Chánh Chiếu.. nhận ra: các toàn quyền Đông Dương và giới lãnh đạo mẫu quốc và thuộc địa có trong một tổ chức bí mật: Hội Tam Điểm (Franc Maçon) , tổ chức này tại Đông Dương, nửa kín nửa hở, có trụ sở, đang kết nạp những nhân vật tên tuổi người bản xứ: Từ Nguyễn Văn Vĩnh, đến Phạm Quỳnh, đến Trần Trọng Kim..

Hội Tam Điểm có nguồn gốc từ những thợ Cả kiến trúc sứ xây dựng nhà thờ lâu đài, do tài năng họ được ưu đãi, dần dần họ hình thành một tổ chức kết nạp những người tài năng, những lãnh tụ, họ có mặt trong các tổ chức chính trị khác nhau, trở thành một thế lực mạnh tại các nước Tây Phương.

Đọc tiểu sử các vị sáng lập đạo Cao Đài : Ngô Văn Chiêu (1878-1932), Phạm Công Tắc (1890-1959) Lê Văn Trung(1875-1934) Nguyễn Ngọc Tương (1881-1951).. ta thấy có những điểm tương đồng:

- Con nhà địa chủ khá giả miền Nam

- Học sinh trường Chasseloup-Laubat (nay là trường Lê Quý Đôn)

- Công chức: Ngô Văn Chiêu, huyện trưởng Tân An Nam năm 1917, phụ trách hành chính đảo Phú Quốc. Phạm Công Tắc, Thư Ký sở Thương Chánh.. Lê Văn Trung, Nghị viên Hội đồng Thượng nghị viện Đông Dương. Nguyễn Ngọc Tương Huyện trưởng Châu Thành Cần Thơ, huyện trưởng Cần Giuộc.

- Là Hội viên Tam Điểm hay có một mối quan hệ mật thiết với Hội Tam Điểm. Ngô Văn Chiêu, Giáo Tông thành viên Hội Tam Điểm năm 1919 thuộc chi nhánh Eleusis. Lê Văn Trung, Cao Triều Phát là Hội viên Hội Tam Điểm, Phạm Văn Màng, Bùi Ái Thoại hai nhân vật được ghi ngày thờ cúng trong Kinh Lễ in năm 1992 là Hội Viên Hội Tam Điểm. Phạm Công Tắc có con rễ Louis Vidal, chồng Phạm Thị Tốt chức sắc Đầu Sư, cao cấp nhất nữ giới đạo Cao Đài là một nhân vật quan trọng Hội Tam Điểm Đông Dương đứng đầu tổ chức Free Brothers (Huynh đệ tự do, FB3) người trực tiếp giúp đỡ Ngô Văn Chiêu sau là người thân cận Phạm Công Tắc trong việc thành lập đạo Cao Đài. Phạm Thị Tốt vừa là thành viên FB3, vừa là Đầu Sư Đạo Cao Đài, chức vụ cao nhất nữ giới. Trong thời điểm Nhật chiếm đóng Đông Dương Phạm Thị Tốt cùng Vidal tập họp nhiều trí thức Việt Nam giỏi (trong đó có Diệp Văn Kỳ, Dương Văn Giáo, Hồ Văn Ngà.. với mục đích “Giải phóng thực dân ở Đông Dương và chống đế quốc Nhật”, họ tiếp xúc với nhóm người Pháp kháng chiến thân De Gaule, chính vì thế mà sau khi Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc bị toàn quyền Decoux thuộc chính phủ Pétain, Vichy thân Đức, bắt đi đày tại Madagascar, bà Phạm Thị Tốt cũng bị bắt giam, Hai vị đứng đầu quân đội Cao Đài (Trần Quang Vinh, Nguyễn Văn Thành) là thành viên Hội Tam Điểm.

Có thể nói, Hội Tam Điểm là cha đẻ, là người anh đỡ đầu khai sinh đạo Cao Đài. Đạo Cao Đài là hình thức khác của hội Tam Điểm bản địa lập ra dưới hình thức tôn giáo để dễ bề thu hút tín đồ.


Di ảnh Đức hộ pháp Phạm Công Tắc

Ngày 7-10-1926 28 người đã gửi thư đến Thống Đốc Nam Kỳ xin khai đạo Cao Đài:

Từ xưa đã tồn tại tam giáo (Phật, Lão, Khổng) ở Đông Dương. Tổ tiên chúng tôi đã tu hành theo giáo lý tam giáo và sống hạnh phúc nhờ tuân theo nghiêm ngặt những lời dạy tốt lành của đạo Tổ. Thời đó, dân chúng tôi sống vô tư đến độ ngủ không cần đóng cửa và không màng nhặt của rơi ngoài đường, đó là câu đã ghi trong sách sử chúng tôi.

Than ôi, Thời đại tốt đẹp đó không còn nữa, vì những lý do sau: Tín đồ các tôn giáo tìm cách chia rẽ trong khi mục đích của vạn giáo đều đồng nhất: làm lành tránh dữ, thành tâm thờ Đấng tạo hóa. Họ đã làm sai lệch hoàn toàn ý nghĩa thiêng liêng và quý giá của các tư tưởng tôn giáo này. Sự đua theo bả vinh hoa, phú quý, lỏng tham vọng của con người, tất cả là những nguyên nhân chính dẫn đến sự bất đồng tư tưởng hiện nay. Người Việt bây giờ đã từ bỏ hoàn toàn những thuần phong mỹ tục truyền thống.

Đau lòng trước những tình cảnh này, một nhóm người Việt có nhiệt tâm với truyền thống và việc tu hành đã nghiên cứu canh tân tất cả các tôn giáo này và hợp nhất thành đạo Cao Đài hay Đại Đạo.

Việc khai đạo đã được Toàn Quyền Đông Dương, nhanh chóng cho phép. Từ năm 1926 đến 1940 chỉ trong 14 năm đạo Cao Đài đã xây được Toà Thánh hoành tráng ở Tây Ninh, Phnom Pênh và ở một số tỉnh khác. Theo Gobron Gabriel bia tưởng niệm bằng đá cẩm thạch khắc tên những người có công với đạo trong đó có những nhân vật nổi tiếng trong giới cầm quyền Pháp đa số là Hội viên Tam Điểm.

Năm người Pháp được sắc phong đầu tiên Gobron được phong ngay chức thứ hai sau Hộ Pháp Phạm Công Tắc, ba người là hội viên Tam Điểm và hai người còn lại là vợ của hai hội viên Tam Điểm.

Trong sách chị Trần Thu Dung đã không định nghĩa và cắt nghĩa hai chữ Cao Đài, và các tài liệu tôn giáo đạo Cao Đài viết rất mơ hồ cho Cao Đài là nơi Thượng Đế ngự trị, theo thần thoại Hy Lạp, núi Olympe là nơi Thần Zeus và thiên đình ngự trị cõi trời, cõi người, theo tôi, hai chữ Cao Đài, là một sự hổn hợp từ nhiều nguồn gốc từ điển tích Trung Quốc : Cao Đường, nơi vua Sở Trang Vương nằm mơ thấy giao hoan Thần nữ Vu Sơn. Các chức sắc thành lập đạo lại cho rằng đó là nơi họ cầu cơ gặp cửu nương, 9 nàng muses, các nhà sáng lập đạo Cao Đài đã Việt dịch từ Mont Parnasse là Cao Đài là nơi chín nàng Muses: Calliope, Clio, Erato, Euterpe, Malpomène, Pothymnie, Terpsichore, Thalie và Uranie. Theo thần thoại Thần Zeus đắm say ân ái với nữ thần Ký Ức suốt chín đêm, sau đó nữ thần sinh ra chín quả trứng, sinh chín nàng Muses, được Zeus trao nhiệm vụ cùng với thần Apollon chăm lo đời sống tinh thần của thế giới Olympe và thế giới loài người. Các nàng Muses thường ca múa trong buổi tiệc các Thần. Năm nàng cai quản văn thơ là Calliope cầm đàn lire truyền thi hứng cho sử thi, anh hùng ca, truyện thơ, thơ tự sự và diễn thuyết. Nàng Erato cầm đàn cithare truyền thi hứng cho thơ mỹ tình dục. Nàng Euterpe cầm sáo truyền thi hứng cho thơ trữ tình. Nàng Pothymnie trầm tư mặc tưởng truyền thi hứng cho thơ tán mỹ (hymne), nhã ca và kịch câm. Nàng Thalie cầm cây gậy cong mục đồng và chiếc mặt nạ truyền thi hứng cho thơ trào phúng, thơ du mục, ca dao và hài kịch. Nàng Terpsichore cầm đàn lyre truyền thi hứng cho nghệ thuật ca múa. Nàng Clio cầm tấm thẻ truyền hứng cho sử học. Nàng Melpomène cầm mặt nạ Héraclès truyền hứng cho bi kịch. Nàng Uranie cầm quả địa cầu truyền hứng cho Thiên Văn Học.

Phạm Công Tắc và các nhà sáng lập đạo Cao Đài rất yêu thơ nhạc, do tiếp xúc với một người bạn Pháp thích cầu cơ, chỉ dẫn. Ông sử dụng bàn quay cầu cơ Tây Phương để xướng họa cùng Cửu nương theo thần thoại Hy Lạp ông chủ xướng thành lập đạo Cao Đài. Yêu thơ và khâm phục tài năng thi ca của Lý Bạch và Victor Hugo, các chức sắc Cao Đài đã phong thánh cho hai nhà thơ đại diện cho văn hóa phương Đông và phương Tây.

Chị Trần Thu Dung đã khám phá Vidal là người đã đưa Víctor Hugo vào đạo Cao Đài : Hôm trước lễ khánh thành Thánh Thất Cao Đài ở Campuchia, Vidal đã bắt bỏ vật thờ Svavikas của Ấn Độ thay vào đó chân dung Victor Hugo, các chức sắc không đồng ý, cuối cùng họp lại, đám đông đã phục tùng ý kiến tay Tam Điểm trẻ Vidal.

Trước những nhà sáng lập đạo Cao Đài, Phạm Quỳnh nhà trí thức lớn Việt Nam đương thời chủ bút báo Nam Phong, Thượng Thư Bộ Học, hội viên Tam Điểm là một trong những nhà văn giới thiệu Victor Hugo và đưa vào chương trình giảng dạy. Hội Tam Điểm tuy hoàn toàn khác với Đảng Cộng Sản Pháp nhưng cùng một lý tưởng thế giới đại đồng và phong trào chống thực dân. Hội Tam Điểm với mục đích xây dựng một “trật tự thế giới mới “ trên cơ sở huynh đệ công bằng, bác ái. Tháng giêng năm 1933. 350 người tham dự Đại hội đại biểu Tam Điểm Pháp nhân dịp này cùng nhau ký tên một bản kháng nghị vì những người Đông Dương bị giam cầm. Họ cùng đề nghị khai hóa văn minh thuộc địa bằng cách cho phép con em bản xứ đến trường.

So sánh thơ Victor Hugo và Thánh ngôn của Nguyệt Tâm Chân nhân hai văn phong khác nhau, tuy có vài điểm tương đồng. Xuyên suốt tác phẩm của Victor Hugo là tình yêu, nhân đạo, công lý và sức mạnh siêu việt của Thượng đế. Tình yêu là chủ đề chính thấm đẫm trong tác phẩm nhà văn vĩ đại này, “Tất cả đều chia động từ yêu”.

Một vài thông điệp của Nguyệt Tâm Chân Nhân cũng tương tự, nhưng mộc mạc, không hình ảnh sinh động như trong thơ Victor Hugo. Qua so sánh văn bản Ts Trần Thu Dung khẳng định: những thánh ngôn Nguyệt Tâm Chân Nhân không phải là Victor Hugo do sự khác nhau hoàn toàn về phong cách thơ và tính cách hai nhân vật. Những thánh ngôn này sáng tác bởi các đồng tử cầu cơ đạo Cao Đài, mà chính xác hơn là Phạm Công Tắc, đồng tử âm chủ yếu có nhiều cơ duyên gặp “ vong linh Victor Hugo” Phạm Công Tắc làm thế để tạo sư thiêng liêng huyền bí của đạo Cao Đài. Nhưng nó thể hiện sự ngưỡng mộ tuyệt đối của ông với nhà thơ vĩ đại Pháp. Điều này thể hiện khát vọng hòa hợp văn hóa Đông Tây giữa thế giới siêu hình và thế giới thực, giữa vô hình và hữu hình.

Đạo Cao Đài và Victor Hugo của Tiến sĩ Trần Thu Dung, không phải là một quyển sách giới thiệu về toàn bộ Đạo Cao Đài. Không bàn hết các tôn giáo mâu thuẫn nhau trong đạo Cao Đài như Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo, Lão Giáo và Khổng Giáo.. hay các nhân vật Cao Đài phong thánh: Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà cách mạng Trung Quốc Tôn Dật Tiên, nhà thơ Lý Bạch, mà chỉ tập trung vào nhân vật nhà văn Victor Hugo. Chị sưu tập tất cả những bài kinh gọi là của Victor Hugo truyền giảng qua các buổi cầu cơ của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc.

Sách có vài khuyết điểm nhỏ như cho rằng Victor Hugo, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tôn Dật Tiên là bức tranh treo trên tường, tôi có đến Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh năm 2011, thì đây là bức họa vẽ thẳng trên vách tường. Các diễn tiến sự kiện phân hóa Đạo Cao Đài giữa các thành viên sáng lập chỉ được kể sơ lược. Sự tiếp xúc giữa chính quyền quân sự Nhật và giới lãnh đạo Cao Đài. Mối quan hệ Cao Đài và nhóm Tam Điểm phe De Gaule, sự đàn áp của Toàn quyền Decoux, thuộc chính phủ Pétain không được phân định rõ ràng mà chỉ nói chung là người Pháp.. Sự hình thành tổ chức Quân đội Cao Đài, mối quan hệ với Quốc Trưởng Bảo Đại, sự phân hóa và thanh trừng của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm, thời kỳ Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc tị nạn tại Cam Pu chia .. không nằm trong đề tài quyển sách này.

Tuy nhiên, công trình nghiên cứu của chị Trần Thu Dung đáng cho chúng ta đọc và suy gẫm về sự tiếp nối của tinh thần Tam Giáo Đồng Nguyên, cha ông ta từ những kiến thức hạn hẹp thời thuộc địa, đã cố gắng kết hợp những gì họ hiểu biết, cố gắng dung hòa và tạo nên một sức mạnh. Gần một thế kỷ qua Đạo Cao Đài vẫn tồn tại với năm triệu tín đồ và 500 cơ sở thờ tự, công trình xây dựng tổ chức quy mô Thánh địa Châu Thành Tây Ninh thật đáng chú ý, công trình do một người không phải là kiến trúc sư, mà do nhà sáng lập tôn giáo Phạm Công Tắc. Ngôi thánh thất Cao Đài kiến trúc kiểu nhà thờ Tây Phương pha trộn với rồng phượng màu sắc Á Đông, các buổi lễ đọc kinh bằng thơ lục bát, tín đồ chức sắc ngồi chỉnh tề quy củ : lớp áo đỏ, áo xanh, áo vàng, áo trắng.. Đạo Cao Đài trở thành một bản sắc sinh động trong Văn Hóa Du Lịch Việt Nam. Tuy nhiên ngày nay, tôn trọng luật quốc tế về văn bản, bản quyền không thể xem những lời kinh lễ Đạo Cao Đài là của Victor Hugo, mà chỉ có thể xem đó là sáng tác của cụ Phạm Công Tắc cảm hứng từ Victor Hugo.

Paris 3-10-2014

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thử bàn về biểu hiện của tôn giáo

    24/10/2014Đặng Nghiêm VạnLà sản phẩm của xã hội, tôn giáo tồn tại và thay đổi với xã hội loài người. Con người có nhu cầu vật chất, cũng có nhu cầu tinh thần trong đó có nhu cầu tôn giáo. Đã có một thời, mỗi một thị tộc, bộ lạc, một dân tộc đều có tôn giáo riêng của mình. Về sau, qua sự giao lưu văn hoá trong từng khu vực hoặc trên khắp toàn cần, bằng phương pháp hoà bình hay vũ lực, nảy sinh hiện tượng có nhiều tôn giáo phổ cập trên toàn cầu hoặc trong từng khu vực trên nhiều quốc gia, ngược lại có hiện tượng một quốc gia có nhiều tôn giáo...
  • Hội Tam Điểm

    30/07/2014Phạm Trọng ChánhHội Tam Điểm là gì ? Nó có một vai trò gì trong lịch sử đấu tranh dành độc lập ? Tại sao những nhân vật Việt Nam ưu tú trong lịch sử cận đại tham gia ? Lần đầu tiên một quyển sách bằng tiếng Việt do chị Trần Thu Dung, Tiến sĩ văn học Pháp Viện Đại Học Tổng Hợp Paris VII, đã mở ra cho chúng ta cánh cửa bí mật của Hội Tam Điểm của thế giới, của Pháp và Việt Nam..
  • Nguồn gốc hội Tam Điểm

    12/09/2013Thomas PaineHội Tam điểm bắt nguồn từ một tôn giáo nào đó rất cổ, hoàn toàn độc lập và không liên hệ gì với Kinh thánh cả. Hội Tam điểm bắt nguồn và là di duệ từ tôn giáo của người Druids cổ đại…Thiên chúa giáo và Tam điểm có một nguồn gốc chung: Cả hai đều bắt nguồn từ tục thờ cúng thần mặt trời...
  • Tôn giáo và dân tộc

    02/08/2009Đinh Thị Loan (thực hiện)“Ý định của tôi khi viết cuốn sách này là tìm hiểu lịch sử nhận thức về vấn đề tôn giáo của người mácxít và của Đảng ta. Cuốn sách cũng còn mục tiêu khác nữa là nêu bật quá trình đổi mới nhận thức về tôn giáo và chính sách tôn giáo, đặc biệt từ năm 1990 trở lại đây”...
  • Nhìn nhận về sự tác động của toàn cầu hóa tới đời sống tôn giáo ở nước ta hiện nay

    10/11/2006Vũ Văn HậuNghiên cứu về tácđộng của toàn cầu hóa đến đời sống xãhội, bài viết tập trung làmrõ tácđộng của quá trình toàncầu hoáđối với đời sống xã hội nói chung và đời sống tôn giáo nói riêng, chỉ ra nhữngxu thế chủ yếucủa đời sống tôn giáo hiện nay.Đó là cácxu thế thếtục hoá tôn giáo, hiện đại hoá tôn giáo,đa dạng hoá tôn giáo, sự xuất hiện hiện tượng tôn giáo mới...