Con đường rút ngắn khoảng cách phát triển

Đại Học Waseda - Tokyo
02:53 CH @ Thứ Tư - 13 Tháng Tư, 2016

Đầu thập niên 1990 lãnh đạo Việt Nam nói đến 4 nguy cơ. Trong các nguy cơ đó, thủ tướng đương thời Võ Văn Kiệt nhấn mạnh nguy cơ tụt hậu, chủ trương cần cải cách mạnh và nhanh để rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước chung quanh. Quan tâm của dư luận lúc đó là Khoảng cách phát triển của Việt Nam đối với các nước chung quanh, cụ thể là Thái Lan, nên được đánh giá như thế nào, ta tụt hậu bao nhiêu so với Thái Lan, và Làm thế nào để rút ngắn khoảng cách đó? Tôi đã thử phân tích để trả lời hai câu hỏi trên trong bài viết đăng trên báo Tết năm 1995 của Thời báo kinh tế Saigon. Bài nầy được viết lại vào năm 2006 ( chủ yếu làm mới các tư liệu thống kê) để đăng trong Kỷ yếu mừng Giáo sư Đặng Đình Áng tròn 80 tuổi. Bài giới thiệu dưới đây là nội dung của bài đăng trong kỷ yếu nầy.

Gần đây, một số người chỉ dựa trên khoảng cách GDP đầu người giữa Việt Nam với các nước lân cận và tốc độ phát triển dự đoán cho tương lai của các nước để đưa ra kết luận bi quan về số năm quá dài để Việt Nam có thể theo kịp các nước lân cận. Như sẽ thấy trong bài dưới đây, chất lượng phát triển phải được chú trọng và phải được xét đến trong khi so sánh khoảng cách giữa các nước. Ngoài ra những người tính toán về số lượng còn quên một yếu tố quan trọng là tỉ giá của đồng tiền sẽ thay đổi lớn trong quá trình phát triển. Khi Việt Nam phát triển nhanh hơn, sức cạnh tranh quốc tế mạnh hơn, đồng tiền Việt Nam sẽ mạnh hơn ( sẽ cần ít tiền đồng Việt Nam hơn để mua hoặc quy đổi một đồng đô la ). Chính yếu tố nầy sẽ đẩy nhanh quá trình rút ngắn khoảng cách phát triển tính bằng tiền đô la. Nếu đồng yen của Nhật vẫn duy trì mức 360 yen trên một đô la ( như trong giai đoạn trước 1970 ) thì còn rất lâu Nhật mới theo kịp Mỹ và các nước Tây phương.

Kinh tế Việt Nam gần đây phát triển khá cao, tăng trung bình mỗi năm 7,5%. GDP (tổng sản phẩm trong nước) trên đầu người tăng liên tục, từ trên dưới 300 USD năm 1995 lên 400 năm 2000 và 640 USD năm 2005. Tuy nhiên nhiều người đang băn khoăn về hai vấn đề lớn. Một là chất lượng phát triển: Đồng thời với tốc độ phát triển tương đối cao, sự phân hoá giàu nghèo trong xã hội và sự xuống cấp môi trường sống ngày càng trầm trọng. Hai là nguy cơ tụt hậu so với các nước chung quanh: Tuy Việt Nam ngày nay đã tiến một bước khá dài so với chính mình ngày hôm qua nhưng so với các nước chung quanh ta vẫn còn ở một vị trí thấp. Điểm đáng nói ở đây không phải là Việt Nam phải tăng tốc phát triển hơn nữa để theo kịp các nước chung quanh bằng bất cứ giá nào (vì như vậy có thể sẽ mâu thuẫn với chất lượng phát triển), nhưng cái băn khoăn chính đáng ở đây là trong khi nhiều nước chung quanh tận dụng mọi cơ hội quốc tế, động viên mọi nguồn lực trong nước để tiếp tục phát triển thì chúng ta đang để lãng phí nguồn nhân lực và chậm cải cách về hành chánh, về giáo dục, về khoa học, công nghệ, v.v.., tạo ra khả năng kéo dài nguy cơ tụt hậu trên bản đồ kinh tế khu vực và thế giới. Ngoài ra, nhiều người còn bức xúc khi thấy sau hơn 30 năm hoà bình, thống nhất, Việt Nam vẫn còn là một nước thu nhập thấp mặc dù tiềm năng của ta không nhỏ.

Bài viết so sánh trình độ phát triển của kinh tế Việt Nam với vài nước ở Đông Á, chủ yếu là Thái Lan, và đưa ra một cách tiếp cận vấn đề rút ngắn khoảng cách phát triển giữa Việt Nam với các nước trong khu vực.

I. Thử so sánh Việt Nam với Thái Lan :

So với các nước chung quanh, trình độ phát triển của kinh tế Việt Nam hiện nay nằm ở đâu ? Sau đây ta thử so sánh Việt Nam với Thái Lan, hai nước có số dân không khác nhau nhiều ( vào năm 1990 dân số Việt Nam 66 triệu, Thái Lan 56 triệu ), có cấu tạo tài nguyên gần giống nhau, và nhất là vào thập niên 1950, hai nước hầu như có cùng trình độ phát triển.

Việc so sánh trình độ phát triển của nước này với nước khác không phải dễ vì khó có một chỉ tiêu tổng hợp nào có thể biểu diễn tổng quát trình độ phát triển của một nước. Tuy nhiên, khảo sát một nhóm các chỉ tiêu cơ bản ta cũng có thể có một hình dung tương đối đầy đủ. Một chỉ tiêu thường được đem so sánh là tổng thu nhập quốc dân (GNI) hoặc tổng sản phẩm trong nước (GDP) tính trên đầu người. Theo tư liệu của Ngân hàng thế giới, vào năm 2004, GNI đầu người ở Việt Nam là 550 USD, ở Thái Lan là 2.540 USD ( Trung Quốc là 1.290 USD ). Tuy nhiên, những con số nầy không phản ảnh mức sống của dân chúng vì sức mua của đồng đô-la khác nhau giữa nước này với nước khác. Để so sánh chính xác hơn phải dùng GNI hoặc GDP tính theo tỉ giá so sánh ngang sức mua (PPP). Cũng theo tư liệu của Ngân hàng thế giới, vào năm 2004, GNI trên đầu người theo PPP của Việt Nam là 2.700 USD, xấp xỉ bằng 1/2 của Trung Quốc, và người Thái Lan với 8.020 USD có mức sống cao hơn người Việt Nam độ 3 lần.

Tuy nhiên ở đây còn hai vấn đề nữa. Thứ nhất là vấn đề phân phối. Nếu việc phân phối lợi tức quá bất bình đẳng thì ý nghĩa của việc tăng tổng sản phẩm trên đầu người bị giảm đi. Vấn đề thứ hai liên quan đến môi sinh, môi trường, điều kiện làm việc. Hai nước dù có cùng thu nhập trên đầu người (trên cơ sở PPP) nhưng khác nhau ở mặt này thì rõ ràng là chất lượng cuộc sống của dân chúng không giống nhau. Tóm lại, nếu ta phát triển công bằng hơn và trong điều kiện môi trường, môi sinh tốt hơn thì không cần phải đạt 8.000 USD mới bằng mức sống của Thái Lan hiện nay.

Một cụm các chỉ tiêu khác chỉ trình độ phát triển của một nước liên quan đến trình độ chuyển dịch cơ cấu của một nền kinh tế. Những nước có mật độ dân số đông và xuất phát từ nền nông nghiệp lạc hậu phải qua con đường công nghiệp hoá mới phát triển được và mới hiện đại hoá được bản thân nền nông nghiệp. Thống kê của Ngân hàng thế giới cho thấy vào năm 1994, tỉ trọng của công nghiệp trong GDP của Việt Nam độ 22%, xấp xỉ trình độ của Thái Lan vào khoảng năm 1980. Theo tính toán của Vũ Quang Việt (1994), chuyên viên cao cấp về thống kê của Liên Hiệp Quốc, thì vào năm 1993, tỉ lệ nầy của Việt Nam chỉ có 15%. Trong cuốn sách xuất bản 9 năm trước, chúng tôi căn cứ trên con số nầy và đánh giá là tỉ lệ của khu vực công nghiệp trong GDP của Việt Nam tương đương với Thái Lan vào năm 1970 ( Trần Văn Thọ 1997, Chương 15 ). Dĩ nhiên sau năm 1993, công nghiệp của Việt Nam phát triển nhanh và vào thời điểm gần đây, theo World Development Indicators của Ngân hàng thế giới, tỉ lệ ấy của Việt Nam đã vượt quá 20%, tương đương với Thái Lan vào đầu thập niên 1980 (Thái Lan vào năm 2001 là 32%).

Về tỉ lệ của hàng công nghiệp trong tổng xuất khẩu, vào năm 2005 Việt Nam đã đạt mức 60%, tương đương với Thái Lan vào giữa thập niên 1980. Kết hợp với thống kê về tỉ lệ sản xuất công nghiệp trong GDP, có thể nói tiến trình công nghiệp hoá của Việt Nam đi chậm hơn Thái Lan độ 20 năm.

Tổng hợp hai chỉ tiêu công nghiệp hoá và với vài phân tích bổ sung, ta có thể kết luận là vào đầu thế kỷ 21, Việt Nam đi sau Thái Lan độ 20 năm. Chín năm trước, căn cứ trên thống kê năm 1993 hoặc 1994, tôi đã cho rằng Việt Nam đi chậm hơn Thái Lan độ 25 năm (TVT 1997, Chương 15). Hai con số 25 năm và 20 năm vào hai thời điểm 1997 và 2004 (hoặc 2005) nên được đánh giá như thế nào ? Việt Nam đã phát triển nhanh hơn Thái Lan trong giai đoạn sau năm 1993 nên vào thời điểm gần đây, khoảng cách giữa Việt Nam và Thái Lan phải ngắn hơn khoảng cách 25 năm. Đây là lãnh vực khó có sự chính xác nhưng qua những phân tích trên đây ta có thể hình dung một khoảng cách phát triển giữa hai nước dựa trên những cơ sở có thể chấp nhận được.

II. Chiến lược rút ngắn khoảng cách phát triển

Phân tích trong phần trên cho thấy một cách khái quát là hiện nay Việt Nam đi chậm hơn Thái Lan độ 20 năm. Tuy nhiên ở đây không có nghĩa là ta phải cần một thời gian như vậy mới bằng mức của Thái Lan bây giờ. Các nước đi sau nếu có chính sách đúng đắn có thể đốt giai đoạn và đây là khuynh hướng chung đã thấy trong trường hợp của Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác. Thêm vào đó, như đã nói ở trên, nếu ta phát triển trong sự phân phối đồng đều hơn, và trong điều kiện môi sinh, môi trường tốt hơn, nghĩa là chất lượng phát triển tốt hơn, thì ta có thể đạt được mức sống bằng Thái Lan bây giờ với mức lợi tức đầu người thấp hơn.

So với Thái Lan, Việt Nam hiện nay có một số lợi thế, nhất là về mặt nhân lực. Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tổng kết các chỉ tiêu về giáo dục, y tế, thu nhập, đã đưa ra một chỉ số tổng hợp về việc phát triển nhân lực (human development index) của 177 nước. Theo Human Development Report 2005 (UNDP), chỉ số nầy vào năm 2003 cho thấy Việt Nam xếp thứ 108 và Thái Lan thứ 73, Trung Quốc thứ 85. Nếu xếp hạng theo bình quân đầu người của GDP tính theo PPP thì Việt Nam đứng thứ 124, Thái Lan 66 và Trung Quốc 96. Các thống kê nầy cho thấy so với GDP đầu người, Việt Nam có trình độ về nguồn nhân lực tương đối cao. Nếu nhìn các chỉ tiêu về nguồn nhân lực ở một số khía cạnh hẹp hơn như tỉ lệ người lớn biết chữ, ta thấy Việt Nam xấp xỉ Trung Quốc và không thua kém bao nhiêu so với Thái Lan. Mặc dù tình hình giáo dục xuống cấp ở Việt Nam hiện nay đương làm nhiều người lo ngại, nhưng nhìn vấn đề ở một góc độ khác, có thể nói nếu những vấn đề giáo dục hiện nay được quan tâm giải quyết triệt để thì trình độ về nguồn nhân lực của Việt Nam sẽ được nâng cao hơn nữa và nếu lợi thế này được phát huy, khả năng rút ngắn khoảng cách với các nước chung quanh sẽ rất lớn.

Một thuận lợi khác của Việt Nam là vị trí địa lý với bờ biển dài tiếp cận dễ dàng với các nước phát triển trong khu vực. Yếu tố nầy cùng với sự ổn định về chính trị. xã hội và tiềm năng về con người nói trên đã làm cho xí nghiệp nước ngoài quan tâm nhiều đến Việt Nam từ đầu thập niên 1990. Nếu môi trường đầu tư được cải thiện, ta sẽ không thiếu tư bản, công nghệ và tri thức kinh doanh cần thiết để đuổi theo các nước chung quanh trong quá trình phát triển.

Thuận lợi thứ ba là, so với Thái Lan, cách bài trí các thành phố, các trung tâm kinh tế trong cả nước, tương đối hài hoà. Nếu có kế hoạch từ bây giờ, dân số và hoạt động kinh tế sẽ được phân tán rộng khắp cả nước, tránh tình trạng ô nhiễm môi trường và ngăn ngừa sự chênh lệch quá lớn về lợi tức giữa các tầng lớp dân chúng và giữa các khu vực. Đây là điều kiện để nâng cao chất lượng của việc phát triển.

Tuy nhiên, những thuận lợi vừa nói chỉ là tiềm năng. Phải khơi dậy các tiềm năng nầy để kinh tế phát triển với tốc độ cao và bền vững. Nếu có quyết tâm vì sự nghiệp phát triển đất nước và từ đó ưu tiên tạo ra các cơ chế khơi dậy tiềm năng và tập trung trí tuệ đặt ra chiến lược phát triển đúng đắn, Việt Nam có thể phát triển bình quân trên dưới 9% năm ( GDP đầu người bình quân tăng độ 7-8% năm ) trong 20 năm đầu của thế kỷ 21. Thực hiện được mục tiêu nầy thì cứ 10 năm mức sống của người Việt Nam sẽ tăng gấp đôi. Để kinh tế phát triển với tốc độ cao và bền vững trong thời gian dài như vậy phải vừa đẩy nhanh quá trình tích luỹ tư bản vừa tạo điều kiện để kinh tế phát triển có hiệu suất. Ta thử bàn thêm hai điểm này.

Thứ nhất, vấn đề tích luỹ tư bản. Vấn đề hiện nay của Việt Nam là phải tạo môi trường thuận lợi để kích thích tư bản trong nước và nước ngoài tích cực đầu tư. Giữa những năm 1990, tỉ lệ của tổng đầu tư trong GDP tăng nhanh, đạt mức 27-28% nhưng sau đó giảm mạnh. Điều nầy một phần do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Á châu nhưng phần quan trọng là do bộ máy hành chánh kém hiệu suất làm cho phí tổn hành chánh trong hoạt động đầu tư quá cao. Phương châm, đường lối về việc phát triển nền kinh tế nhiều thành phần đã có nhưng trên thực tế, thành phần phi quốc doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn, trong việc tiếp cận với thông tin về cơ hội đầu tư, về thị truờng. Việc định hướng chiến lược công nghiệp hoá không rõ ràng và phương châm, chính sách hay thay đổi làm cho độ rủi ro của các dự án đầu tư quá cao. Từ năm 2002 tỉ lệ của tổng đầu tư trong GDP tăng trở lại đạt đến gần 34% vào năm 2003, nhưng ngược lại đó là do hiệu quả của việc chạy đua trong việc lập dự án đầu tư của các bộ ngành, của các địa phương chứ không phải là hiện tượng tích luỹ tư bản lành mạnh. Điều nầy thể hiện trong việc giảm sút hiệu quả của đồng vốn đầu tư, phản ảnh trong khuynh hướng gia tăng hệ số ICOR.

Để tích luỹ tư bản nhanh và có hiệu quả cần tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Sau một thời gian dài trì trệ, FDI đã tăng trở lại từ năm 2004 và hiện nay (cuối năm 2006), công ty nước ngoài đang đặc biệt quan tâm đến Việt Nam vì muốn tránh tập trung quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, hơn nữa, nhiều nơi khác đang có bất ổn về chính trị, xã hội. Tuy nhiên để tận dụng được thời cơ nầy, Việt Nam giải quyết nhiều vấn đề như cải cách triệt để bộ máy quản lý để giảm thì giờ và phí tổn hành chánh của doanh nghiệp, tổ chức việc định cư của người lao động, tăng cường đào tạo lực lượng lao động có trình độ cao, và đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng ở những nơi xa trung tâm các thành phố lớn. Để rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước chung quanh, phải quan tâm hơn đến vai trò của FDI.

Thứ hai là vấn đề phát triển có hiệu suất. Cùng với việc đẩy mạnh tích luỹ tư bản, phát triển có hiệu suất là biện pháp hữu hiệu nhất để rút ngắn khoảng cách với các nước chung quanh. Tích luỹ tư bản dù được đẩy mạnh cũng không thể vượt qua một giới hạn vì vấn đề môi trường và những hạn chế về vốn, về công nghệ và thị truờng, v.v.. Do đó với cùng một tốc độ về tích luỹ tư bản nhưng nước nào phát triển có hiệu suất thì nền kinh tế sẽ phát triển với tốc độ cao hơn. Nhiêu nghiên cứu gần đây cho thấy các nước, các nền kinh tế như Trung Quốc, Thái Lan, Ma-lai-xia, Đài Loan và Hàn Quốc trong giai đoạn 1960-1994, tích luỹ tư bản đóng vai trò rất lớn, lớn hơn cả Nhật Bản trong giai đoạn 1950-1973 là giai đoạn phát triển thần kỳ của nước nầy, nhưng Nhật Bản phát triển có hiệu suất hơn nhiều nên tốc độ tăng trưởng của kinh tế Nhật cao hơn.

Điểm nầy có nhiều gợi ý đối với Việt Nam. Để phát triển có hiệu suất, Việt Nam cần phải làm gì? Tôi đã có dịp phân tích trong cuốn sách xuất bản 9 năm trước (TVT 1997, Chương 2), ở đây chỉ tóm tăt (và bổ sung) một vài điểm sau: Thứ nhất, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh ( giữa các thành phần kinh tế ) và hội nhập tích cực vào thị truờng thế giới để tư bản và các yếu tố sản xuất khác được sử dụng một cách có hiệu quả nhất. Thứ hai, có kế hoạch dài hạn trong việc xây dựng nguồn nhân lực đồng thời tạo cơ chế để nhân tài được xử dụng đúng chỗ. Thứ ba, tạo môi trường để khoa học và công nghệ ứng dụng rộng rãi tại Việt Nam, tri thức về công nghệ và quản lý, kinh doanh được lan rộng ra khắp nước. Thứ tư, bộ máy hành chánh cần phải được cải cách nhanh (quy rõ trách nhiệm và quyền hạn các cấp để có thể phân cấp quản lý) và tạo cơ chế để người tài giỏi và có phẩm chất đạo đức ra giữ những chức vụ quản lý nhà nước. Bộ máy hành chánh như hiện nay vừa làm tăng phí tổn hành chánh của xí nghiệp vừa làm nãy sinh những hiện tượng tiêu cực. Trong trạng thái đó, xí nghiệp sẽ tìm cách tạo quan hệ không chính đáng với quan chức quản lý mà kinh tế học phát triển gọi là mưu tìm đặc lợi (rent-seeking) thay vì nỗ lực tìm kiếm thị trường, cải tiến công nghệ để giảm giá thành và tăng phẩm chất hàng sản xuất. Một nước phát triển nhanh và có hiệu suất khi các xí nghiệp hăng hái, nỗ lực trong việc mưu tìm lợi nhuận (prrofit-seeking) chân chính hơn là mưu tìm đặc lợi.

Vài lời kết

Trong nửa sau thế kỷ 20, dòng thác công nghiệp đã lan nhanh cả bề sâu và bề rộng tại vùng Đông Á và các nước trong vùng nầy nối đuôi nhau trong quá trình phát triển. Vì điều kiện lịch sử, Việt Nam đã mất phần lớn của nửa sau thế kỷ nầy về phương diện phát triển kinh tế. Công cuộc đổi mới đã đưa Việt Nam hội nhập vào làn sóng công nghiệp tại khu vực nầy từ đầu thập niên 1990 nhưng vào đầu thế kỷ nầy, giữa Việt Nam và các nước lân cận còn một khoảng cách lớn về trình độ phát triển mà đại biểu là khoảng cách độ 20 năm giữa Việt Nam và Thái Lan.

Trong vài thập niên tới, với lợi thế về nguồn nhân lực và lợi thế của nước đi sau trong một vùng mà công nghệ, tư bản và tri thức kinh doanh đương di chuyển nhộn nhịp, Việt Nam hoàn toàn có khả năng rút ngắn khoảng cách với các nước trong khu vực. Tuy nhiên đó mới chỉ là tiềm năng và cơ hội. Trong cái nhìn hẹp và ngắn hạn, trước mắt Việt Nam cần mạnh dạn đổi mới hơn nữa, đổi mới để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế và tích cực thu hút tư bản và công nghệ nước ngoài. Đó là những yếu tố quan trọng để tư bản tích luỹ nhanh và kinh tế phát triển có hiệu suất, hai điều kiện tiên quyết để có tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, tạo khả năng đuổi kịp các nước chung quanh. Trong tầm nhìn dài hạn và rộng hơn, giới lãnh đạo chính trị phải có quyết tâm vì mục tiêu thoát khỏi nguy cơ tụt hậu mà mạnh dạn thay đổi cơ chế, chấn hưng giáo dục, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, bảo đảm cơ hội bình đẳng cho người tài phát huy khả năng.

Trong bài viết “Nhật Bản khác ta những gì?”, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (2006) bức xúc: “Nước ta có 83 triệu người, đứng thứ 13 trong 200 nước trên thế giới, kể cả Việt kiều là 87 triệu người..(lược một câu). Như vậy chắc chắn không phải là nước nhỏ. Chúng ta có một lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đã đánh bại chiến tranh xâm lược của hầu hết các cường quốc trên thế giới. Chắc chắn không phải là nước yếu. Thế hệ trẻ Việt Nam vứt vào môi trường đại học nào ở nước ngoài đều học giỏi và rất nhiều người gốc Việt đang giữ các trọng trách tại các trung tâm khoa học và công nghệ tiên tiến ở các nước phát triển. Chắc chắn trí tuệ dân mình chẳng chịu thua ai khi có điều kiện phát huy. Nhưng chúng ta là nước nghèo và kém phát triển so với rất nhiều nước trên thế giới”. Cuối cùng câu hỏi được đặt ra là: Tại sao như vậy ? Đây có lẽ cũng là bức xúc chung của hầu hết chúng ta hiện nay.

Để trả lời câu hỏi nầy một cách đầy đủ phải cần nhiều bài viết, thậm chí cần cả một hoặc vài cuốn sách. Tuy nhiên có thể có một câu trả lời ngắn gọn: Tại các cơ chế ở Việt Nam chưa cho phép mọi tiềm lực được phát huy tích cực. Một đất nước muốn phát triển nhanh và có hiệu suất phải cần một sức mạnh tổng hợp được gọi là năng lực xã hội (social capacity). Năng lực nầy bao gồm các thành phần như chính trị gia, quan chức nhà nước, nhà doanh nghiệp, giới trí thức và đội ngũ lao động ngày càng được nâng cao về chất. Trong đó vai trò quan trọng nhất là nhà lãnh đạo chính trị. Nhà lãnh đạo chính trị phải là những người phải yêu nước thật sự mới biết dùng người tài và mới tạo ra các cơ chế để các thành phần khác hăng hái tăng cường năng lực của chính mình và sẵn sàng phát huy khả năng để góp phần phát triển đất nước.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tư duy địa kinh tế - địa chính trị

    23/05/2016Nguyễn Trần BạtGần 30 năm trôi qua kể từ khi chiến tranh kết thúc, khoảng thời gian đủ dài để một đất nước phát triển tới tầm cao mới về chất, nhưng Việt Nam vẫn không thể phát triển, trái lại vẫn mắc kẹt trong những tình thế kinh tế - chính trị bất lợi. Nguyên nhân của tình trạng này có phần rất lớn thuộc về trách nhiệm của công tác hoạch định chiến lược phát triển kinh tế...
  • Cơ hội thứ tư - toàn cầu hóa

    18/04/2004Nguyễn Trần BạtMỗi một dân tộc đều tranh luận với các dân tộc khác về hệ thống giá trị, về định nghĩa con người của mình mà không dịch chuyển đến cái ngưỡng của nó. Từ những năm cuối thế kỷ XX đến nay, trên thế giới xuất hiện một trào lưu mới, một hiện tượng văn hóa mới và rộng lớn, đó là hiện tượng toàn cầu hoá. Hiện tượng này đã phá vỡ từng mảng một sự cát cứ về tinh thần trên toàn thế giới...
  • Không có sự phát triển nào đi trước tự do

    16/11/2010Nguyễn Trần BạtNếu không hiểu bản chất của sự phát triển, chúng ta không thể hiểu được giá trị của tự do và công nghệ sử dụng tự do. Tại sao chúng ta lại cần tự do? Và tự do có phải là một thứ xa xỉ không? Đấy là một vấn đề cần phải được thảo luận rất nghiêm túc.
  • Những biến đổi quan trọng giai đoạn 2011 - 2020 và vấn đề xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam

    05/11/2009GS, TS. Trần Ngọc HiênSự hình thành và phát triển đội ngũ trí thức luôn gắn liền với những điều kiện lịch sử của dân tộc và thời đại. Đội ngũ đó phải là sản phẩm của giai đoạn phát triển của dân tộc và thời đại. Vì vậy, nghiên cứu vấn đề xây dựng đội ngũ trí thức nước ta giai đoạn 2011 - 2020 cần chú ý đến giai đoạn ấy có thể có những biến đổi gì trong sự phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, phát triển kinh tế và xã hội. Đó là những biến đổi hình thành môi trường hoạt động và phát triển của trí thức.
  • Phát triển đất nước ta khỏi nghèo nàn lạc hậu

    20/05/2009Thu San Nguyễn Thế HùngNếu có một trường nghề dạy cho sinh viên hiểu về ba cụm từ "phát triển", "kĩ thuật" và "công nghệ" thì cơ hồ chỉ bằng những máy móc trung bình chúng ta có thể biến đổi tạo tác ra những sản phẩm có chất lượng rất cao, mà lại đạt qui mô rất lớn, số lượng rất nhiều nữa. Đó chính là phát triển nhanh và bền vững. Chứ nhất quyết không thể dùng phép đi tắt đón đầu để phát triển. Và chúng ta sẽ không những đuổi kịp mà còn sánh vai, rồi vượt lên hàng đầu nữa.
  • Rồng, hổ Đông Á và vấn đề sử dụng bài học kinh nghiệm về nhân tố văn hóa và con người

    22/04/2009PGS.TS. Hồ Sĩ QuýViệt Nam đang cất cánh và vẫn chưa mất cơ hội để hóa rồng. Việc lựa chọn những quyết sách, phương thức và bước đi trong phát triển trên cơ sở học tập kinh nghiệm thành công của mô hình Đông Á, như lời tư vấn nhiệt thành của các chuyên gia Harvard, rõ ràng là có ý nghĩa quyết định. Tuy nhiên, kinh nghiệm dù hay đến mấy cũng mới chỉ là hành trang để phát triển. Chỉ riêng hành trang chưa đủ giúp người tìm đường tới được cái đích mà anh ta cần đến.
  • Sự phát triển đuổi kịp các nước tiên tiến

    20/06/2008Nguyễn Bình GiangMơ hồ về tính chất khốc liệt và tàn bạo của cuộc chiến tranh kinh tế sẽ phải trả một giá rất đắt, trong đó phải kể đến các cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội, sự mất mát các tài sản quốc gia, sự phá sản hàng loạt các doanh nghiệp trong đất nước, và quan trọng hơn là mất quyền điều hành kinh tế siêu vĩ mô của nước đó...
  • Đảm bảo tính đồng bộ của các cuộc cải cách

    14/04/2008Nguyễn Trần BạtBản chất của việc xây dựng chương trình cải cách thể hiện về mặt hình thức ở chính tính đồng bộ của cải cách. Sự đồng bộ của các cuộc cải cách không có nghĩa là đồng thời, vì các cuộc cải cách này có quan hệ chặt chẽ, tác động và hỗ trợ lẫn nhau, làm tiền đề hoặc bảo trợ cho nhau trong một chương trình cải cách tổng thể...
  • Xây dựng thể chế cho phát triển

    13/04/2008Nguyễn Trần BạtMột thể chế lạc hậu chắc chắn sẽ kìm hãm sự phát triển. Thế giới thứ ba với thể chế chính trị lạc hậu đang phải đối mặt với bài toán xây dựng thể chế. Vậy thể chế nào là tối ưu cho sự phát triển của thế giới thứ ba?
  • Cải cách và phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa

    13/04/2008Nguyễn Trần BạtMột khi coi cải cách là công cụ phát triển chủ động của con người cũng tức là đòi hỏi con người phải nhận thức được giới hạn của cải cách. Nghiên cứu về cải cách hay cơ sở lý luận của cải cách có ý nghĩa vô cùng quan trọng, vì nó chứng minh sự cần thiết phải tiến hành cải cách thường xuyên và liên tục...
  • Phát triển bền vững: Tiền đề lịch sử và nội dung khái niệm

    24/01/2007Nguyễn Đức ChiệnDựa vào nguồn tư liệu thu thập được, với cách tiếp cận xã hội học, bài viết này trước tiên tổng quan sơ lược tiền đề lịch sử ra đời thuật ngữ "Phát triển bền vững" sau đó đề cập khái niệm "Phát triển bền vững" theo Brundtland, và cuối cùng bàn về khái niệm này qua một số nghiên cứu ở Việt Nam gần đây....
  • Việt Nam đổi mới và phát triển

    11/10/2005Nguyễn Hồng PhongNhận thức tương lai qua những mầm mống dạng nảy sinh trong xã hội hiện tại. Các công trình dự báo tương lai đều là những công trình xã hội học và sử học về xã hội đương đại, phân tích các "sự kiện còn đang nhảy múa", tóm bắt nó, gọi nó đúng với cái tên của nó, từ đó nhận thức sự biến chuyển. Học tập phương pháp của các nhà tương lai học, trong công trình này chúng tôi trình bày viễn cảnh của văn minh Việt Nam bằng sự phân tích công cuộc đổi mới có tính lịch sử ở nước Việt Nam hôm nay...
  • xem toàn bộ