Xây dựng thể chế cho phát triển

Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group
08:06 CH @ Chủ Nhật - 13 Tháng Tư, 2008
Một thể chế lạc hậu chắc chắn sẽ kìm hãm sự phát triển. Thế giới thứ ba với thể chế chính trị lạc hậu đang phải đối mặt với bài toán xây dựng thể chế. Vậy thể chế nào là tối ưu cho sự phát triển của thế giới thứ ba?

Thực tiễn phát triển ở nhiều quốc gia đã chứng minh rằng, thể chế dân chủ là phương thức quản lý duy nhất có thể tạo ra sự phát triển theo đúng nghĩa. Sẽ có người đặt câu hỏi, tại sao một số thể chế khác, thậm chí độc tài, vẫn có khả năng tạo ra sự phát triển. Thực ra, những gì mà các thể chế phi dân chủ tạo ra chỉ là sự tăng trưởng về kinh tế, chứ xét từ góc độ con người, không có sự phát triển theo đúng nghĩa. Tăng trưởng chỉ thuần tuý là sự gia tăng vật chất trong khi phát triển là sự hoàn thiện của cả đời sống vật chất lẫn đời sống tinh thần. Theo logic này, tăng trưởng không đảm bảo sự phát triển của con người và như thế có nghĩa là tiềm ẩn rủi ro. Chúng ta không có bất kỳ giải pháp nào để phát triển thực thụ ngoài việc xây dựng thể chế dân chủ.

Việc dùng thêm những mỹ từ để miêu tả thể chế dân chủ là không cần thiết bởi nền dân chủ đã tự nó chứng minh những điểm ưu việt của mình bằng sự phát triển của phương Tây - nơi đã đón nhận những tư tưởng của Montesquyeu, Diderot hay Voltaire về tự do, dân chủ.

Trong quan điểm của chúng tôi, sở dĩ nền dân chủ trở thành một trong những giá trị phổ quát của nhân loại là bởi ba lý do: thứ nhất, nó là tiền đề để xây dựng nhà nước pháp quyền, ở nơi đó pháp luật giữ địa vị thống trị; thứ hai, nó biến tiến trình phát triển trở thành một đối tượng hoàn toàn có thể tiên lượng và thứ ba, nó là không gian duy nhất của những sự thay thế hòa bình.

Thể chế dân chủ - Tiền đề để xây dựng nhà nước pháp quyền

Trước tiên, cần phải hiểu thế nào là nhà nước pháp quyền. Một trong những cách hiểu về nhà nước pháp quyền được thừa nhận rộng rãi là nhà nước là một đối tượng được điều chỉnh bởi pháp luật, tức là nhà nước được làm những gì mà pháp luật cho phép còn người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm. Một xã hội được coi là lý tưởng khi nó được điều hành bằng pháp luật với bản chất là các khế ước xã hội hay nói cách khác, pháp luật là các quy tắc tối cao chi phối toàn bộ đời sống xã hội. Phải khẳng định rằng, nhà nước dân chủ là nhà nước duy nhất có pháp luật như là các khế ước xã hội, bởi ở đó, con người có quyền thảo luận một cách bình đẳng về các quy tắc điều phối cuộc sống của mình.

Sự khác biệt quan trọng nhất giữa pháp luật của nhà nước dân chủ và pháp luật của các nhà nước phi dân chủ là ở chỗ, pháp luật của nhà nước dân chủ bảo vệ các quyền con người, còn pháp luật của các nhà nước phi dân chủ chỉ bảo vệ quyền của người đại diện, tức là bảo vệ quyền của nhà nước. Việc bảo vệ quyền của người đại diện khác về bản chất so với việc bảo vệ các quyền công dân. Rõ ràng là chỉ khi nào các quyền công dân được bảo đảm thì mới có xã hội dân sự. Xã hội dân sự là biểu hiện bên ngoài của quá trình dân chủ. Chỉ có quá trình dân chủ mới tạo ra được xã hội dân sự và chỉ có xã hội dân sự mới tạo ra được sự yên tĩnh tự nhiên của con người với đầy đủ các quyền thuộc về nó. Trong xã hội dân sự, mọi đối tượng đều được điều chỉnh bởi pháp luật. Nói cách khác, pháp luật là môi trường sống của con người trong xã hội dân sự, ở đó điều kiện tiên quyết là các quyền sở hữu, các quyền bất khả xâm phạm về thân thể, các quyền bất khả xâm phạm về tự do, các quyền bất khả xâm phạm về chính trị, các quyền bất khả xâm phạm về địa vị làm chủ xã hội và chủ sở hữu hệ thống pháp luật. Nếu không làm được như vậy thì không có xã hội dân chủ và càng không có đời sống chính trị phát triển. Đời sống chính trị không phát triển thì con người không được huy động một cách hợp lý và do đó, xã hội sẽ không thể phát triển.

Thể chế dân chủ - Cơ chế kiểm soát rủi ro trong tiến trình phát triển

Phát triển là một hàm số rất phức tạp, nó bao gồm rất nhiều yếu tố như các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các yếu tố lao động, các cộng đồng dân cư và các yếu tố khác như con người, văn hoá, tự nhiên, lịch sử... Các yếu tố ấy phải được tổ chức, phối hợp với nhau để tạo ra thể chế và đến lượt mình, thể chế ấy sẽ tạo ra sự phát triển. Thể chế dân chủ tạo điều kiện bình đẳng cho mỗi cá nhân tham gia vào tiến trình phát triển và biến sự đóng góp của các cá nhân khác nhau trở thành những tham số mang tính chất dự báo. Cũng chính nó sẽ thẩm định một cách khách quan yếu tố nào hỗ trợ sự phát triển. Bản chất của thể chế dân chủ là tạo ra tính chừng mực hay tính hợp lý của sự phát triển. Những thành tích giả tạo không phải là thước đo tốt để khảo sát tính hợp lý của sự phát triển và chính nó tạo ra tư tưởng phát triển bằng mọi giá nhằm thỏa mãn đòi hỏi chủ quan của nhà chính trị.

Thể chế dân chủ - Không gian của những thay đổi hòa bình

Một trong những ưu điểm của thể chế dân chủ là tạo điều kiện để nhân dân điều chỉnh khuynh hướng chính trị hay chất lượng chính trị của xã hội thông qua việc lựa chọn các chính quyền. Đến lượt mình, chính quyền sẽ là những người thực hiện các chính sách để điều chỉnh xã hội theo khuynh hướng mà nhân dân đã lựa chọn. Do đó, người dân trở thành thước đo chính xác nhất tính hợp lý chính trị của nhà cầm quyền. Nếu lựa chọn sai lầm những người đại diện và đảm bảo quyền lợi cho mình, họ có thể tiến hành một sự lựa chọn khác. Điều này tạo ra sự thay đổi chính phủ. Nhiệm kỳ chính là cách thức thay đổi hòa bình nhất. Trong trường hợp chính phủ rơi vào bế tắc, thể chế dân chủ có cách thức thay đổi bằng cách chấm dứt các nhiệm kỳ một cách bình thường hoặc bất thường. Đó cũng chính là ưu điểm của nền dân chủ - nơi các sai lầm chính trị không bị kéo dài, tức là cả quyền lực lẫn rủi ro đều được kiểm soát một cách hợp lý và xã hội không phải trả giá cho những sai lầm của cá nhân hoặc một nhóm người.

Sự thay thế của chính phủ là một hiện tượng bình thường và thậm chí, rất đúng với quy luật phát triển bởi bất kỳ sự phát triển nào cũng đòi hỏi một quá trình sàng lọc và thải hồi dần những yếu tố không còn phù hợp. Tuy nhiên, để sự thay đổi không gây ra những tổn thất nghiêm trọng, người ta phải có cách thức tổ chức để tránh sự tan rã của cộng đồng hay sự tan rã của dân tộc. Cần nhấn mạnh rằng, một kịch bản thay thế hòa bình chỉ có thể được thiết kế dựa trên tính đa dạng của đời sống phát triển. Điều này đã được khẳng định trong nhiều học thuyết quan trọng, trong đó có học thuyết của Marx, nhất là triết học Marx với các phân tích về quy luật phát triển biện chứng.

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà dân chủ ngày càng đóng vai trò như một khuynh hướng chính trị chủ đạo. Vì lý do đó, để trở thành một phần của thế giới, để phát triển một cách lành mạnh, để thành công trong việc kiểm soát rủi ro trong tiến trình phát triển và xây dựng những kịch bản thay thế hòa bình, các quốc gia sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ của mình.
Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: