Chiêu hồn Khổng Tử!

10:29 CH @ Thứ Ba - 24 Tháng Sáu, 2014

Chỉ nửa tháng sau Hội nghị Trung ương 3 đảng Cộng sản Trung Quốc - sự kiện được coi là mở đầu cho công cuộc cải tổ lần thứ hai - Tổng bí thư đảng kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã làm một việc hiếm thấy ở những người trước ông: đi viếng đền thờ Khổng Tử ở Khúc Phụ nhân chuyến làm việc năm ngày ở tỉnh Sơn Đông. Tân Hoa Xã ngày 26-11-2013 tường thuật từ Khúc Phụ: “Chủ tịch Tập kêu gọi phát triển đạo đức trong toàn xã hội, tiếp thu những điều ích lợi trong tiêu chuẩn đạo đức truyền thống, xóa bỏ những điều độc hại”. “Đất nước chúng ta sẽ ngập tràn hy vọng chừng nào sự theo đuổi các giá trị đạo đức cao đẹp của người Trung Hoa còn được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”, ông Tập nói.

Cuộc hành hương của ông Tập nằm trong chuỗi sự kiện thể hiện một chủ trương mới của lãnh đạo Trung Quốc. Theo báo South China Morning Post (SCMP) ngày 1-10-2013, ngay từ khi lên nắm quyền lãnh đạo tối cao tại Đại hội 17 đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 12-2012, ông Tập đã bày tỏ mong muốn khôi phục các tiêu chuẩn luân lý đạo đức cổ truyền để “lấp đầy khoảng trống tinh thần sinh ra từ sự tăng trưởng chóng mặt và làn sóng đổ xô làm giàu” đang lan rộng trong xã hội. Báo SCMP dẫn ba nguồn tin độc lập thân cận với giới lãnh đạo cấp cao để đưa ra nhận định, ông Tập tin rằng xã hội Trung Quốc đã đánh mất “cái la bàn đạo đức” và ông rất đỗi phiền muộn khi nhìn thấy luân lý suy đồi, con người chạy theo đồng tiền, chà đạp lên lương tâm, trách nhiệm và những tiêu chuẩn đạo đức căn bản nhất.

Trong những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, Trung Quốc tuy nghèo nhưng tỷ lệ tội phạm rất thấp, tham nhũng lại càng hiếm. Nhưng khi Trung Quốc cải cách mở cửa, của cải tăng lên thì tội phạm cũng tăng theo: từ năm 2008-2012 đã có khoảng 143.000 quan chức chính quyền các cấp bị cáo buộc tham nhũng hoặc lạm dụng quyền lực, bình quân mỗi ngày có 78 trường hợp, theo báo cáo mà Tòa án Tối cao gửi lên Quốc hội Trung Quốc. Trong khi đó, trên các mạng xã hội, người Trung Quốc không ngừng tranh luận về tình trạng “vô cảm, phi nhân” của con người hiện đại thể hiện trong các hành vi tàn độc như sản xuất dược phẩm giả, sữa bột giả, thực phẩm độc hại, hay vô số tội ác dã man như vụ gần đây một bà cô đã móc mắt đứa cháu 6 tuổi để trả thù cha mẹ nó...

Ông Tập đã phát động một chiến dịch bài trừ tham nhũng rộng khắp “diệt ruồi diệt hổ” và đã mang lại những kết quả cụ thể, nhưng hãng tin Reuters dẫn một nguồn tin thân cận với ông cho biết: “Ông Tập hiểu rằng, chiến dịch chống tham nhũng chỉ có thể giải quyết triệu chứng bề nổi, để trừ tận gốc bệnh tham nhũng và tình trạng xã hội suy đồi thì bên cạnh cải cách chính trị phải xây dựng lại nền tảng đạo đức”. Hồi đầu tháng 10-2013, ông Tập đã chỉ thị cho các cơ quan đảng và Chính phủ Trung Quốc phải “bao dung hơn” với việc người dân thực hành các tín ngưỡng cổ truyền Nho, Phật, Lão... với hy vọng “văn hóa cổ truyền” sẽ giúp con người hướng tới những giá trị cao đẹp hơn, nhân bản hơn thay vì chỉ cắm cúi kiếm tiền và tìm mọi cơ hội để tham nhũng. Và để làm gương, ông Tập đã đi về quê hương Khổng Tử, tại đó ông đã triệu tập các học giả bàn cách nghiên cứu và vận dụng lời truyền dạy của Khổng Tử về luân lý đạo đức, điều hành xã hội và xây dựng cuộc sống đoan chính, theo Tân Hoa Xã.

Tượng Khổng Tử tại quảng trường Thiên An Môn (Bắc Kinh)

* * *

Ông Đặng Tiểu Bình tiến hành cải tổ Trung Quốc với phương châm bất hủ: “Mèo trắng mèo đen không quan trọng, bắt được chuột là tốt”. Cái triết lý duy lợi cực đoan đó, phát triển trên nền một xã hội Trung Hoa nghèo khó, lạc hậu và vô thần mà Chủ tịch Mao để lại đã gỡ bỏ mọi ràng buộc, thúc giục người Trung Quốc lao tới làm giàu bằng mọi cách, mọi giá, bất chấp đạo lý, bất chấp lương tâm, miễn sao có tiền là tốt. Tình trạng băng hoại về mọi mặt của xã hội Trung Quốc hiện nay có phần là hậu quả của triết lý phát triển từ thời Mao-Đặng, xói mòn niềm tin của người dân vào tính chính danh của đảng cầm quyền.

Trong hoàn cảnh đó, “khai quật” lại Khổng Tử và học thuyết của ông, giới lãnh đạo Trung Quốc hy vọng tìm được phương thuốc chữa bệnh suy đồi của con người Trung Hoa hiện đại và sâu xa hơn nữa là củng cố cái trật tự xã hội trong đó người dân phục tùng sự cai trị của những bậc “minh quân” đã được trời trao cho sứ mệnh lãnh đạo đất nước. Khổng Tử còn là một trong những biểu trưng xuất sắc nhất của nền văn minh Trung Hoa lâu đời mà Trung Quốc cần tự hào, cần quảng bá để thu phục sự kính trọng của các dân tộc khác; 440 Viện Khổng Tử được Chính phủ Trung Quốc đầu tư thành lập khắp thế giới nhằm mục đích như vậy. Tại cuộc gặp các học giả ở quê hương Khổng Tử, Chủ tịch Tập nói: “Đất nước Trung Hoa có truyền thống văn hóa sâu xa trong lịch sử và chắc chắn truyền thống đó sẽ tạo ra những vinh quang mới cho văn hóa Trung Hoa”, theo Tân Hoa Xã.

Không ai hoài nghi tư tưởng của Khổng Tử lấy đạo đức làm nền tảng của quan hệ xã hội, đề cao gia đình, khuyến khích tu thân... đã có những tác động tích cực đến lối sống, văn hóa của dân tộc Trung Hoa và rộng ra ở các dân tộc láng giềng như Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam. Nhưng học thuyết của Khổng Tử có rất nhiều mặt cực đoan và tiêu cực, phản dân chủ khi tuyệt đối hóa tôn ti trật tự, phản nhân văn khi loại trừ quyền tự do cá nhân để đề cao tập thể, phản tiến bộ khi thủ cựu đến mù quáng triệt tiêu mọi ý tưởng sáng tạo và cố chấp tới mức không chấp nhận ý kiến khác... Đại văn hào Trung Quốc Lỗ Tấn từng phê phán sự tồn tại dai dẳng các khuôn mẫu đạo đức phi tự nhiên của Khổng giáo đã tạo ra tình trạng giả dối, lừa đảo, “ngụy quân tử” tràn lan và tinh vi trong xã hội Trung Hoa. Trong tác phẩm Nhật ký người điên, Lỗ Tấn mô tả sách thánh hiền chép toàn những điều nhân nghĩa nhưng người đọc chỉ thấy lấp loáng giữa các trang sách ba chữ “ăn thịt người”!

Chủ tịch Mao Trạch Đông có lý khi cho rằng Khổng giáo là thế lực phong kiến bảo thủ, triệt tiêu sự tiến bộ. Trước Khổng Tử, dân tộc Trung Hoa từng có bước phát triển rực rỡ, là dân tộc đầu tiên phát minh ra giấy, la bàn, kỹ thuật in ấn và thuốc súng. Giáo sư chính trị học Francis Fukuyama coi Trung Hoa cổ đại là một “ngoại lệ” của lịch sử: trong khi phần lớn thế giới vẫn còn trong chế độ bộ lạc tăm tối thì người Trung Hoa đã xây dựng nhà nước tập quyền đầu tiên mang dáng dấp của nhà nước hiện đại. Ấy thế nhưng lịch sử Trung Quốc dường như dừng lại ở đầu Công nguyên, chỉ còn những cuộc chiến tranh đẫm máu tranh giành quyền lực và lãnh thổ, trong khi phương Tây liên tục tiến tới và đạt thành tựu rực rỡ cả về văn hóa, khoa học và công nghệ. Sự trì trệ suốt hai ngàn năm qua của Trung Quốc có phần đóng góp của Khổng giáo với tư cách hệ ý thức thống trị!


* * *

Vào giữa thế kỷ 19, các nước theo Khổng giáo ở phương Đông đứng trước sự lựa chọn sinh tử trong cuộc chạm trán với phương Tây. Nhật Bản dưới thời Minh Trị Thiên hoàng đã dứt khoát từ bỏ Khổng giáo để tiến hành dân chủ hóa đất nước và kết quả là nước Nhật ngày nay không chỉ phát triển về kinh tế, khoa học - công nghệ mà truyền thống văn hóa - đạo đức của người Nhật vẫn được bảo tồn và phát huy, là tấm gương sáng cho nhiều dân tộc khác. Trung Hoa, Việt Nam, Triều Tiên... trung thành với Khổng giáo thủ cựu, đã đánh mất cơ hội lịch sử và phải trả giá đắt. Hoàng đế Tự Đức của triều Nguyễn đã bác bỏ báo cáo của Phạm Phú Thứ về đèn điện, về máy bơm nước mà ông này ghi nhận trong chuyến Pháp du chỉ vì nhà vua chỉ tin vào lời dạy của “thánh hiền”: “Thủy nhuận hạ, hỏa viêm thượng” (nước thì phải chảy xuống, lửa thì phải cháy lên), không chấp nhận điều ngược lại, nói gì đến những đề nghị duy tân, cải cách được các bậc thức giả thời ấy như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch liên tục trình lên với tấm lòng thương dân thương nước!

Trung Quốc hiện đã là nền kinh tế có quy mô lớn thứ hai thế giới nhưng đang đối mặt với nhiều vấn đề như nạn tham nhũng tràn lan, văn hóa suy đồi, đạo đức xuống cấp, môi trường băng hoại. Nhà lãnh đạo như ông Tập tất nhiên phải phiền muộn, phải tìm mọi cách thức hợp lý để đưa đất nước tiến lên, nhưng việc quay lại với một hệ giá trị đã hơn hai ngàn năm trăm năm tuổi không phải là lựa chọn lý tưởng. Học thuyết của Khổng Tử là căn bản tinh thần của một xã hội bình yên trong một thế giới không bao giờ thay đổi, nhưng nó không thể là phương thuốc hiệu nghiệm cho Trung Quốc trong thế kỷ 21 đầy biến động và cạnh tranh quyết liệt này.

Không rõ việc chiêu hồn Khổng Tử có thể giúp Trung Quốc chấn hưng văn hóa, khôi phục nền tảng đạo đức xã hội hay không, có giúp cho đảng Cộng sản Trung Quốc lấy lại niềm tin của người dân vào tôn ti trật tự hiện hành hay không, song có thể nói chắc rằng học thuyết đó, hệ giá trị đó chẳng có ích gì cho việc phát huy dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền và giải phóng năng lực sáng tạo của hàng tỉ người Trung Hoa nếu không nói rằng có nguy cơ Khổng Tử sẽ tiếp tục giam hãm Trung Quốc trong vòng lạc hậu về chính trị và tinh thần, không thể hòa đồng cùng nhân loại, cho dù người Trung Quốc có thể đặt chân lên mặt trăng trong tương lai không xa.

Khổng Tử, tên thật là Khổng Khâu, tự Trọng Ni, sống vào khoảng năm 551-479 trước Công nguyên, người nước Lỗ, tức tỉnh Sơn Đông ngày nay, được coi là người đặt nền tảng cho Khổng giáo, hay Nho giáo phổ biến rộng rãi ở Trung Quốc, nhiều nước Đông Á và Việt Nam. Học thuyết của Khổng Tử nhấn mạnh vào việc tu dưỡng đạo đức của cá nhân và của chính quyền, từ đó điều chỉnh các quan hệ xã hội, tạo dựng công lý. Khổng giáo thực chất không phải là một tôn giáo mà là một học thuyết chính trị về tổ chức xã hội, tổ chức chính quyền trên căn bản đạo đức (đức trị), trong đó đề cao vai trò của gia đình, của tôn ti trật tự lên trên vai trò của cá nhân. Con người trong xã hội Khổng giáo bị ràng buộc bởi các mối quan hệ “tam cương” (quân-thần, phụ-tử, phu-phụ), thể hiện trong các quy chuẩn ứng xử “ngũ thường”(nhân, nghĩa, lễ, trí, tín), làm dân thì phải “trung”, làm con thì phải “hiếu”, phụ nữ thì phải giữ “tiết”, người quân tử phải trọng “nghĩa”... Cốt lõi của hệ giá trị này là tôn ti trật tự, kẻ dưới phải tuân phục bề trên, trẻ phải kính già, đời nay phải tuân phục đời xưa... không thể thay đổi vì nếu thay đổi sẽ loạn.

Sinh thời, Khổng Tử không được trọng dụng, không có điều kiện triển khai học thuyết của mình. Nhưng sau khi ông qua đời, các triều đại phong kiến Trung Quốc đã tìm thấy ở Khổng Tử cơ sở lý luận cần thiết và quý báu để duy trì chế độ độc tài chuyên chế trên đầu trên cổ muôn dân. Chỉ trừ triều đại nhà Tần ngắn ngủi (221-206 trước Công nguyên) theo Pháp gia lấy chủ trương “pháp trị” làm tôn chỉ, các vương triều từ nhà Hán trở về sau đều ra sức xiển dương Khổng giáo, coi đây là quốc giáo, tôn Khổng Tử làm “vạn thế sư biểu”.

Thế nhưng hai ngàn năm sau “ông thầy mẫu mực của muôn đời” họ Khổng đã bị hạ bệ khi đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền và thành lập nước CHND Trung Hoa năm 1949. Chủ tịch Mao Trạch Đông coi Khổng Tử và Nho giáo là “tàn dư độc hại” của chủ nghĩa phong kiến bảo thủ cần phải xóa bỏ. Vài năm sau đó Trung Quốc làm Cách mạng Văn hóa; sách vở của Khổng bị đốt, đền miếu thờ Khổng bị biến thành kho chứa phân hoặc chuồng gia súc của các công xã.

Nội dung liên quan

  • Nho giáo, ảnh hưởng của nó

    17/03/2017Trần Đình HượuỞ nước ta, Nho giáo đã có lịch sử rất lâu đời. Từ khi nước ta bị xâm lược và sáp nhập vào Trung Quốc, từ đời Hán (206 trước Công nguyên đến 220 sau Công nguyên), Nho giáo đã được du nhập vào Việt Nam. Sĩ Nhiếp (thế kỷ thứ II sau công nguyên) đã được coi là An Nam học tổ, người mở đầu cho Nho học ở nước ta. Trong thời kỳ tự chủ, từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV, Nho giáo cùng với Phật giáo và Đạo giáo có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần nước ta. Cuối thế kỷ XIV, Nho giáo giành được ưu thế so với Phật giáo, chi phối đời sống tinh thần nước ta...
  • Nho giáo trong lịch sử tư tưởng văn hóa Việt Nam

    07/04/2016Cao Huy ĐỉnhTừ xưa Nho giáo đã có mặt trong lịch sử Việt Nam, đã trở thành một mặt của văn hóa Việt Nam. Nhưng Nho giáo chỉ trở thành hệ ý thức phong kiến Việt Nam khi giai cấp phong kiến Việt Nam đã trưởng thành “cho nó” và chế độ phong kiến Việt Nam được xác lập rõ rệt với đầy đủ những đặc trưng cơ bản của nó. Nho học Việt Nam gắn liền thành một bộ phận hữu cơ của chế độ phong kiến Việt Nam.
  • Đọc lại Khổng Tử để hiểu con người hiện đại

    13/11/2015Vương Trí NhànNhiều năm làm nghề phê bình văn học, song mấy năm nay, mỗi lần cầm trên tay một sáng tác, dù văn hay thơ, tôi đều rất ngại. Đọc vào cứ thấy tức tức. Hoặc đây không phải văn chương, hoặc cảm quan văn học mình bị hỏng...
  • Một số đặc trưng cơ bản của Nho giáo Việt Nam

    06/01/2015Nguyễn Tài ThưHiện có nhiều ý kiến khác nhau về đặc trưng của Nho giáo ở Việt Nam, như vấn đề ứng dụng trong thực tế, sáng tạo trong hành động, giản đơn trong lập luận, rập khuôn, giáo điều trong tư duy, v.v.. Vậy, đặc trưng của Nho giáo Việt Nam trong lịch sử là gì và vì sao lại có đặc trưng đó? Đó là những vấn đề hiện vẫn mang tính cấp bách và cần được nghiên cứu sâu hơn.
  • Nho giáo và sự phát triển của Việt Nam (Phần 2)

    24/06/2014Trần KhuêTrước khi có hiện tượng 5 con rồng thì tình hình các nước ở vùng Châu Á – Thái Bình Dương là sàn sàn nhau, nghĩa là cùng trì trệ và lạc hậu ngang nhau; chỉ riêng có Nhật Bản từ năm 1867 dưới triều Minh Trị đã biết mở cửa sớm để giao lưu với phương Tây nên phát triển sớm hơn. Đáng tiếc họ lại đi theo con đường quân phiệt hoá nên hầu như bị phá sản và kiệt quệ sau Thế chiến thứ hai. Chỉ khoảng vài chục năm trở lại đây, Nhật Bản rồi tiếp theo là Hongkong, Đài Loan, Hàn Quốc và Singapore đã làm những chuyện thần kỳ về kinh tế khiến thế giới kinh ngạc.
  • Nho giáo và sự phát triển của Việt Nam (Phần 1)

    24/06/2014Trần KhuêKhổng Tử đã từng dạy “Ôn cố tri tân”. Và chính các bậc hậu nho cũng luôn nhắc nhở điều này. Thế nhưng không hiểu các vị học giả hiện nay lại hình như quên mất cái “cổ” (cái gốc cũ) của đạo Nho, làm như đây là một học thuyết vạn năng...
  • Nho giáo Việt Nam

    07/12/2011Mười thế kỷ đầu công nguyên, Nho học Việt Nam chưa thịnh, chưa hình thành tầng lớp Nho sĩ nắm vai trò quan trọng trong xã hội. Thành phần trí thức ưu tú bấy giờ là
    những nhà tu, đặc biệt là các cao tăng. Thông qua việc học chữ Nho để đọc kinh Phật, các sư tiếp thu luôn Nho học...
  • “Khổng Tử bị xua đuổi vì không có hộ khẩu Bắc Kinh”

    15/05/2011Nguyễn Hải Hoành
    Ngày 11/1 năm nay, Nhà Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc long trọng làm lễ khánh thành tượng đài Khổng Tử trên quảng trường Thiên An Môn. Việc này đã gây ra một cuộc tranh cãi om xòm trong dư luận cả nước; đó là do quảng trường này là nơi linh thiêng nhất trong lòng dân Trung Quốc, xưa nay chưa hề có bất cứ tượng đài nào (trừ các bức tượng đặt trong nhà), từ năm 1949 trở đi chỉ có duy nhất một bức ảnh khổ lớn Chủ tịch Mao Trạch Đông “độc quyền” ngự trị trên thành lầu Cổng Thiên An.
  • Trao đổi với ông Phan Ngọc về vấn đề Nho giáo

    01/05/2011Trần KhuêGần đây vấn đề Nho giáo được bùng lên như một vấn đề thời sự về học thuật ở nước ta và lôi cuốn khá đông các nhà nghiên cứu tham gia: Phan Ngọc, Trần Đình Hượu, Trần Văn Giàu, Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Kiến Giang, Huỳnh Minh Đức, Phan Văn Các, Cao Tự Thanh, Mai Quốc Liên, Tạ Ngọc Liễn... Trong những bài nghiên cứu đó, chúng tôi thấy có nhiều ý kiến đúng rất đáng tham khảo và cũng không ít ý kiến sai cần trao đổi để tránh sự ngộ nhận...
  • Tu thân của Nho giáo và vấn đề đối thoại văn hóa

    23/07/2010ThS Trần Tuấn PhongTừ sự “tu thân” mang tính chất đạo đức trong cuốn “Đại học” của Nho giáo, bài viết so sánh khái niệm đó với khái niệm “tính thể” của triết học phương Tây cận hiện đại. Và từ đó, bài viết bàn về mối quan hệ giữa tu thân với đối thoại văn hóa. Rằng, tu thân là cơ sở bền vững để thiết lập những đối thoại văn hóa không những giữa các cộng đồng trong một quốc gia, mà còn giữa các nền văn hóa khác nhau. Và, tu thân chính là tiến trình biện chứng giữa tiếp nhận và phát triển văn hóa.
  • Nho giáo và văn hóa Việt Nam

    24/11/2009Trần Quốc VượngKhi tiếp xúc cưỡng bức với văn minh Pháp dưới dạng thực dân ở cuối thế kỷ XIX, nền văn minh Việt Nam truyền thông - mà “sợi dây liên kết” (để dùng lại một từ và một ý niệm của Ăng-ghen) là nhà nước quân chủ Nho giáo - đã tỏ ra bất lực. Thực ra, nói như Ức Trai:
  • Nền giáo dục theo tinh thần nho giáo

    09/11/2009Gs. Đặng Đức SiêuKhổng Tử - ông tổ của Nho gia, sống và hoạt động ở thời Xuân thu (1) một thờ đại lịch sử mà các nhà Nho sau này đã phê phán là thời “đời suy đạo hỏng”, “vua không ra vua, tôi không ra tôi, cha không ra cha, con không ra con” đạo lý cương thường đảo ngược, thiên hạ đại loạn.
  • Nho giáo và kinh tế

    03/11/2009Trần Đình HượuNho giáo coi buôn bán là nghề của kẻ hèn hạ (tiện trượng phu). Trong tứ dân thương nhân bị xếp vào hạng bét, và về sau nhiều chính sách ức thương khác được ban hành. Mạnh tử đã bàn về vấn đề phân công, vấn đề trao đổi, vấn đề giá cả, chính sách thu thuế chợ, thuế đường...
  • Khổng tử và Khổng giáo

    11/08/2009Phạm QuỳnhDường như lúc này đây là giai đoạn khó khăn nhất trên con đường dài kể từ sau ngày từ giã cõi trần của vị hiền triết già Châu Á. Trong suốt gần hai nghìn năm trăm năm ông ngự trị trên tâm trí và lương tri của bộ phận đông đúc và dày đặc nhất của nhân loại - tôi có hơi phân vân khi nói là trên trái tim họ, chưa bao giờ ông bị đem ra tranh cãi, phê phán ác liệt như những ngày này, ngay cả so với thời Trang Tử và các học giả của trường phái Lão giáo chĩa vào ông những mũi tên gay gắt nhất.
  • Mẫu người quân tử - con người toàn thiện trong “luận ngữ” của Khổng Tử

    27/11/2006Nguyễn Thị Kim ChungBốntác phẩm kinh điển nổi tiếng của Nho giáo mà bất kỳ người nào nghiên cứu học thuyết này cũng đều biết đến là Đạihọc, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử,được nhà triết học nổi tiếng đời Tống là Chu Hy (1130 - 1200) sắp xếp, kế thừa cách chú giải của các nhà tư tưởng Tống Nho đi trước, cũng như chú giải của chính ông thành bộ sách có tên chung là Tứ thư tậpchú, trong đó Luận ngữđược xem là một trong những tác phẩm khởi đầu quan trọng cho một nền Nho học Trung Hoa do Khổng Tử sáng lập.
  • “Nhân” trong luận ngữ của Khổng Tử

    17/08/2006Lê Ngọc AnhNho giáo ra đời vào thế kỷ VI trước công nguyên do Khổng Tử là người sáng lập. Tại quê hương của Nho giáo đã từng có lúc rộ lên "Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng", nhưng thực tế đã chứng minh, cuối cùng thì Nho giáo vẫn là học thuyết có sức sống lâu bền nhất...
  • xem toàn bộ