Chí Phèo hiện thân bản ngã Việt?
Từ trước tới nay, con người luôn tìm kiếm những mẫu người lý tưởng bằng xương, bằng thịt, tồn tại trong đời sống thực để ký thác những giá trị tâm linh tiềm ẩn, những xung lực tâm lý sâu sắc, mà với những hoạt động thường nhật của nó không thể nào dung nạp được. Thay vì điều đó, nó đã sáng tạo ra các hình tượng chính trị, tôn giáo, đạo đức, văn học nghệ thuật... để thoả mãn cuồng vọng của mình.
Trong các loại trên chỉ có hình tượng văn học nghệ thuật, do tính chất đặc thù của lĩnh vực hoạt động sáng tạo này, cùng với hình thức phản ánh của nó luôn gắn liền với các biểu tượng cảm tính, các dạng thức và hành vi mang tính trực giác về con người, sự vật nên nó tồn tại trong tính bản thể đích thực của nó như chính những con người bằng xương bằng thịt, có thể sờ mó được, còn những hình tượng thuộc các loại hình tư duy khác thường là những định đề có sẵn và mang tính áp đặt. Đấy chính là những nét phân biệt về bản chất của văn học nghệ thuật và các hoạt động tinh thần khác.
Đương nhiên, do sự chế ngự của các điều kiện kinh tế, chính trị, lịch sử, xã hội và văn hoá, nên các hình tượng văn học nghệ thuật cũng thường bị các hình thức khoa học, tôn giáo, chính trị hoặc đạo đức làm cho nó lu mờ và méo mó đi. Không phải bất cứ dân tộc nào, thời đại nào cũng sản sinh được những hình tượng văn học nghệ thuật mang nội dung của mẫu người lý tưởng theo đúng nghĩa của nó, mặc dù các nỗ lực cá nhân và các tài năng không bao giờ thiếu. Điều đó được cắt nghĩa bởi chính các nhu cầu kinh tế, chính trị, lịch sử và xã hội khách quan trước mắt luôn đặt bản thân con người trên tư thế bệ phóng sẵn sàng lao lên phía trước để khẳng định sự tồn tại của chính mình. Song trạng thái bệ phóng cũng không thể nào tồn tại vĩnh cửu. Có nghĩa là con người không thể cứ lao lên phía trước mãi được. Vì trạng thái bệ phóng cũng chỉ là một trong trăm nghìn cách tồn tại khác nhau của con người trong thế giới vô cùng vô tận. Hoá ra sự tồn tại vĩnh hằng của con người và vũ trụ là sự đã xen, kết nối, hoà tan các trạng thái vận động thẳng tiến lên phía trước, giật lùi về phía sau, sang phải, sang trái, xoay tròn quanh mình và cả đứng im nữa.
Với quan điểm đó, chúng tôi cho rằng trong lịch sử văn học Việt Nam, Chí Phèo là một hình tượng văn học đích thực.
Nếu so sánh với các hình tượng văn học trước đó, Chí Phèo không giống các tướng lĩnh, các hiệp sĩ, các anh hùng hảo hán theo kiểu Lục Vân Tiên hay Từ Hải trong văn học cổ; các nho sĩ, thư sinh trong truyện nôm khuyết danh; hay các cậu ấm cô chiêu trong dòng văn học lãng mạn những năm đầu thế kỷ. Tất cả các hình tượng trên là sự minh họa cho những mẫu người sống theo những tôn chỉ chính trị và đạo đức nho giáo. Hay nói đúng hơn họ là những phương tiện để chở cái đạo theo quan niệm của nhà nho.
Trong văn học đương đại Chí Phèo càng xa lạ với hình tượng những người cán bộ kháng chiến, cán bộ phong trào trong Tầm nhìn xa, Hãy đi xa hơn nữa... Những người chiến sĩ năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt; máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn... Chí Phèo cũng không sống như một Dáng đứng Việt Nam, mà chỉ là một con người lừng lững đi giữa cuộc đời, không mong cầu, không oán trách, luôn luôn say mềm trong cái bản ngã vô can của chính mình. Đương nhiên tất cả các hình tuợng về những mẫu người lý tưởng trên đều đáng để cho chúng ta trân trọng và khâm phục một thời. Họ là những con người của một thời sống có mục đích, có lý tưởng, dù đó là lý tuởng chính trị, đạo đức hay tôn giáo. Họ dám xả thân cho một cái gì đó mà họ tin là có thật. Họ không cần giữ lại gì cho riêng mình, ngay cả một tấm hình, một dòng địa chỉ. Thực chất những con người bằng xương bằng thịt đó đã trở thành những hình tượng văn học phi ngã một thời. Họ đã sống cho người mà quên rằng trước hết cần phải sống cho mình.
Theo tôi, chỉ có Chí Phèo mới đích thực là hình tượng văn học theo đúng nội dung, bản chất của khái niệm. Bản thân hắn ta không mang trong mình bất cứ một định đề tôn giáo, chính trị, đạo đức nào có sẵn. Trước hết hắn ta tồn tại như bất cứ một sinh vật nào. Mọi hành vi của Chí Phèo dù lúc tỉnh hay lúc say, dù ở nhà mình, ở ngoài miếu, khi đi mua rượu chịu hay là đến xin đểu cha con Lý Cường... cũng chỉ là cái cách tồn tại của một Chí Phèo làng Vũ Đại. Hắn ta chưa bao giờ biết mình sinh ra để làm gì và có thực sự đang tồn tại trên thế gian này hay không.
Câu tuyên ngôn cuối cùng của Chí Phèo ở nhà Bá Kiến trước lúc hắn rút dao ra đâm chết lão Bá để rồi tự đưa mình về cõi vĩnh hằng của chúng sinh là Tao cần lương thiện. Thực ra Chí Phèo chưa bao giờ là kẻ ác, ngay cả khi hắn đi cướp giật hay xin đểu. Một người như Chí Phèo chẳng thể nào ác với ai được. Hắn ta không có mưu đồ hại người thì làm sao có thể làm được điều ác. Cái ác chỉ có thể có ở những kẻ mạnh tiền của, quyền lực và mưu mẹo. Những thứ đó Chí Phèo chưa bao giờ có. Sự trớ trêu của cuộc đời là người lương thiện đến như Chí Phèo lại luôn bị ám ảnh mình là kẻ bất lương. Còn những kẻ bất lương như gia đình lão Bá lại luôn nghĩ mình là người lương thiện, và luôn lấy làm đắc chí, hãnh diện về điều đó, mỗi khi họ cầm những đồng tiền bẩn thỉu do những mánh lới thâm độc hay cướp giật trắng trợn của dân nghèo mà có, dúi vào tay Chí Phèo như là của bố thí. Do đó hắn mới đòi lương thiện ở lão Bá. Nỗi ám ảnh của Chí Phèo là một đối trọng tất yếu của cơ sở kinh tế xã hội, các thiết chế chính trị và đạo đức đương thời. Nếu những kẻ như gia đình lão Bá là người thì những người như Chí Phèo là con giun, con dế và ngược lại. Nhưng dù là giun dế, sâu mọt hay là người thì trước hết vẫn phải tồn tại. Cuộc chiến giữa một bên là Năm Thọ, Binh Chức, Chí Phèo và bên kia là những Đội Tảo, Tư Đạm, Bát Tùng và cha con nhà lão Bá Kiến, không đơn giản chỉ là cuộc đấu tranh giai cấp như các nhà nghiên cứu trước đây thường nghĩ, mà theo tôi trước hết đó là cuộc vật lộn sinh tồn. Tính chất của cuộc vật lộn này gay gắt, quyết liệt và sâu sắc hơn nhiều những cuộc đấu tranh vì các quyền lợi chính trị, kinh tế và đạo đức. Trong cuộc chiến sinh tồn chưa hẳn kẻ có nhiều tiền của, quyền lực và lắm mưu mẹo lúc nào cũng thắng. Rõ ràng Chí Phèo luôn dồn cha con Bá Kiến vào thế chân tường, mặc dù thế và lực của họ luôn tỏ ra mạnh hơn hẳn. Họ luôn phải xuống thang từng bước để cuối cùng lão Bá nhận lấy cái chết giản đơn như là sự kết thúc tấn bi hài kịch của một loại thú hình nhân. Chí Phèo chống lại Bá Kiến không hẳn là vì những cái mà trước đây người ta vẫn cho rằng hắn là một công dân đang thực hiện nghĩa vụ của mình trong cuộc đấu tranh giai cấp nhằm lật đổ tầng lớp thống trị xã hội.
Không! Cần tiền uống rượu thì lão Bá đã cho, cần ruộng vườn nhà cửa thì cũng đã có. Các nhu cầu về kinh tế vật chất với hắn như vậy xem ra là đã thoả mãn. Vậy Chí Phèo còn cần gì nữa? Một mụ đàn bà để thực hiện hành vi tính dục mang tính sinh tồn nòi giống ư? Thì đã có Thị Nở đấy thôi! Cái duy nhất mà Chí Phèo cần là lương thiện.
Nhưng nếu lương thiện chỉ là những quan hệ giao hòa với đồng loại thì Chí Phèo đâu có thiếu. Hắn không chỉ đối xử tử tế với Thị Nở mà còn đem lại hạnh phúc cho Thị để đến khi hắn chết đi thị vẫn thầm biết ơn là mình đang mang trong người một hòn máu của Chí Phèo. Hắn cũng không phải là kẻ luôn gây sự với những người dân lành chỉ biết làm lụng kiếm ăn sinh sống.
Vậy cái lương thiện mà Chí Phèo đòi ở đây là gì? Chí Phèo không có ý thức xã hội nào cả, thì làm sao hắn có thể đứng ra đòi công bằng cho xã hội. Và như thế Chí Phèo cũng chưa bao giờ ý thức được rằng mình cần phải đấu tranh chống lại giai cấp thống trị như nhiều người vẫn lầm tưởng. Cũng cần phải nói rằng cách tiếp cận tác phẩm văn học theo kiểu xã hội học dung tục, đem các thước đo chính trị, đạo đức để thẩm định giá trị hình tượng nghệ thuật, cố tình bằng mọi cách để chứng minh cho các định đề tư tưởng và đạo đức có sẵn đã từng làm cho các hình tượng văn học trở nên méo mó, mất hẳn tính nhân bản của nó- cái làm nên giá trị đích thực và sâu sắc của hình tượng văn học. Chính kết quả những phương pháp nghiên cứu đó đã làm cho bao thế hệ công chúng, đặc biệt là các cháu học sinh đã hiểu sai hình tượng, tác phẩm văn học và tác giả.
Đã từ lâu người ta quy cho Chí Phèo đủ mọi thói hư tật xấu và kể cả những cái hay cái tốt mà hắn ta không hề có hoặc chí ít bản thân hình tuợng Chí Phèo của Nam Cao cũng không hề nói lên điều đó. Chẳng hạn, nhiều nhà nghiên cứu đã quy cho Chí Phèo là kẻ vô chính phủ, là hạng người dưới đáy xã hội, là kẻ méo mó về nhân cách, suốt đời lúc nào cũng say khướt,... hay Chí Phèo là kẻ đại diện cho những người nông dân thời kỳ trước cách mạng tháng Tám dám đứng lên đấu tranh chống lại Bá Kiến- kẻ đại diện cho giai cấp thống trị,... Những suy nghĩ như vậy thực chất là sự suy diễn và áp đặt vô lối. Chí Phèo không phải là kẻ vô chính phủ. Hắn không chống lại xã hội, cũng không chống lại giai cấp thống trị. Dưới con mặt của hắn, xã hội chỉ là một đám hỗn mang không có trên, không có dưới, không có trật tự kỷ cương, không có đúng, sai, phải, trái... không có người thống trị cũng không có kẻ bị trị, mà chỉ có các sinh thể đang tồn tại. Một người như Chí Phèo không cha, không mẹ, không người thân thích, không được giáo dục, học hành từ khi sinh ra cho đến lúc chết đi, làm sao có thể nhận thức được sự bất công và công bằng. Và hắn cũng không thể nào hiểu nổi cái khốn khổ, khốn nạn của mình và của người là do đâu. Thực ra Chí Phèo chưa bao giờ để tâm đến việc đó. Hắn chỉ đòi làm người đích thực, theo đúng nghĩa của nó. Hắn chưa hề sống theo một tôn chỉ đạo đức, chính trị hay tôn giáo nào. Khát thì uống. Uống rượu cũng chẳng sướng gì hơn uống nước lã. Rượu làm cho hắn say. Say thì chửi. Chửi chán rồi ngủ. Rồi làm tình với Thị Nở. Và cuối cùng là đâm chết Bá Kiến và tự kết liễu đời mình.
Chính Bá Kiến cho hắn tiền để uống rượu mới là mưu đồ của những kẻ bốn đời làm lý trưởng như y. Thực ra đấy là cách giết người của những kẻ ác tâm, nhiều tiền của, quyền lực và mưu chước nhưng lại mất hết tính người. Chí Phèo đâu có nghĩ được rằng cần phải chống lại Bá Kiến như những kẻ thống trị hắn, làm cho hắn khổ. Kể cả ý thức về sự sướng - khổ, hạnh phúc - bất hạnh,... cũng là những cái sau này người ta áp đặt cho hắn. Từ khi sinh ra cho đến lúc lìa khỏi cõi đời này, Chí Phèo luôn sống theo cái mình muốn- tức là sống theo bản năng tồn tại của chính hắn. Cái khổ của Chí Phèo không phải là thiếu các nhu cầu về vật chất và tinh thần như những con người bình thường, mà chính là cái khổ của kiếp người, của chúng sinh trên thế gian này.
Thử làm một phép so sánh giữa Chí Phèo và Bá Kiến xem ai sướng, khổ hơn ai. Giữa hai sinh thể này không có sự sướng- khổ, hay- dở, hạnh phúc- bất hạnh, mà chỉ có sự biểu hiện khác nhau của các quan niệm về vấn đề này mà thôi. Là người sinh ra trong một gia đình bốn đời làm lý trưởng như cha con Bá Kiến, cả làng xã, huyện phủ ai cũng kiềng mặt, chỉ trừ có Chí Phèo. Nhưng thử hỏi mấy ai tôn trọng quý mến họ. Là một người lương thiện điều đầu tiên cần phải biết là không nên ăn thịt đồng loại. Quy luật sinh tồn ăn miếng phải trả miếng không bằng cách nay thì bằng cách khác. Cái chết của Bá Kiến chứng tỏ hắn không đáng làm người, mà chỉ đáng làm một con vật mà thôi. Bá Kiến chết như một con chó bị cắt tiết không hơn không kém. Hỏi như vậy là sướng hay khổ? Còn Chí Phèo cảm thấy mình không là con người hay chí ít cũng là không được làm người, nên hắn đã tự hoá thân làm kiếp khác thì có gì là khó và khổ đâu.
Cái khổ của Chí Phèo không phải là ở kinh tế hay đạo đức, mà chính là sự dằn vặt của bản thể tồn tại trong tư cách người của hắn. Những mặc cảm về thân phận làm người luôn ám ảnh hắn. Một sự ám ảnh chìm sâu trong vô thức. Uống rượu, ăn vạ, làm tình, giết người và tự giết mình là một chuỗi kết nối các hành động vô thức. Chí Phèo ăn vạ không để đòi quyền lợi; uống không để thưởng thức rượu ngon; Cuộc làm tình mây mưa với Thị Nở dưới ánh trăng suông, ngoài vườn chuối không một cái gì ngăn cản nổi như là sự trỗi dậy của bản tính người trong hắn, đến mức những tàu chuối non cũng hứng tình giẫy lên đành đạch, thì hắn ta mới mơ hồ cảm thấy mình là một con người đang tồn tại đích thực mà thôi, chứ không hề để tìm kiếm một người con sau này nối nghiệp cha của hắn, và càng không phải để cải tạo cái xã hội ruỗng nát và đầy rẫy thối tha đã tồn tại từ bao đời nay, cũng không để chứng tỏ hắn và Thị yêu nhau, mà chỉ đơn thuần là hắn cần phải làm như vậy. Cuối cùng hành động giết Bá Kiến đối với hắn không nhằm mục đích trả thù cho gia đình, dòng họ hay chống lại sự bất công đòi quyền bình đẳng xã hội, đòi tiền bạc, quyền lực, bởi vì hắn làm gì có những thứ đó; chẳng qua bản ngã tồn tại của Chí Phèo bị dồn nén tích tụ trong vô thức đến mức hắn không thể làm khác được. Chính hành động ấy là con đường tất yếu khách quan đưa Chí Phèo đi giật lùi để trở về cái bản ngã vô can của hắn. Cần phải thấy rằng, nếu người nào đó có ý thức về các quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội, đạo đức và tôn giáo thì chắc chắn không thể nào có sức mạnh hành động như Chí Phèo. Đối với hắn không thể có một thế lực nào ngăn cản con đường khẳng định bản ngã của chính mình. Con đường rong ruổi đến cõi tự do tuyệt đối của Chí Phèo chỉ là một quá trình giải Stress, mà tiền kiếp đã ký thác vào thực thể người của hắn. Chí Phèo không phải là kẻ đại diện cho một đẳng cấp xã hội nào. Hắn ta chỉ mang trong mình thân phận làm người.
Trong văn học thế giới hình tượng Hamlet của Shakespeare, một hoàng tử nước Anh khi biết rõ người chú là kẻ giết cha mình để lấy mẹ, chàng luôn dằn vặt và đau khổ. Chàng luôn tự căn vặn To be or not to be. Nhưng đấy là sự dằn vặt về ý thức danh dự, lớp hào quang giả tạo mà giới quý tộc Anh thời bấy giờ đã khoác lên người chàng. Sự dằn vặt của Hamlet để tìm kiếm các giá trị đạo đức và chính trị đương thời, hơn là các giá trị nhân bản. Đấy là những vấn đề nhận thức các quan hệ xã hội, chứ không phải là vấn đề bản thể tồn tại của cái cá nhân tạo lập nên các quan hệ đó. Hamlet đã cho diễn lại vở kịch để nhận chân chính xác thủ phạm, rồi tìm cách trả thù cho cha chàng. Việc làm này không hề nhằm mục đích bảo vệ bản ngã của anh ta, mà là sự bảo tồn danh dự cho dòng họ, cho giới quý tộc nước Anh thời Phục hưng. Sự cảnh báo cuối cùng của Hamlet là loài người hãy hoài nghi tất cả. Đúng là như vậy. Trong thực trạng xã hội lúc bấy giờ Hamlet cần phải hoài nghi các định chế chính trị, tôn giáo và đạo đức phong kiến đã bộc lộ một cách đầy đủ tính chất phi ngã của nó. Âu đấy cũng là sự mong cầu mang ý nghĩa đạo đức hoặc cùng lắm cũng chỉ mang ý nghĩa nhận thức luận mà thôi.
Còn Chí Phèo không mưu chước, không mong cầu, đòi hỏi về đạo đức, danh dự cá nhân, gia đình, dòng họ. Hoàn toàn khác với Hamlet, người luôn luôn trăn trở về cái chết của cha mình như là một sự oan ức, trái với lẽ phải thông thường, một sự xuống cấp của đạo đức xã hội, Chí Phèo dằn vặt, trăn trở để được tồn tại như một sinh thể đích thực, chưa hề biết đến bất kỳ một quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội, đạo đức và tôn giáo nào cả. Hắn ta không căn vặn về việc không có cha mẹ, người thân, thậm chí cả miếng ăn để nuôi sống cái xác thịt đang lù lù ra đấy, hắn ta không hề bận tâm. Đói thì ăn. Khát thì uống. Uống đến chán, đến say, còn thì vứt bỏ, hết thì đi xin, không cần lo toan định liệu, không biết quá khứ, không cần tương lai, chỉ có hôm nay mới là hiện hữu. Thế thì hắn cần gì cái thứ đạo đức, nhân cách giả tạo do người khác bày đặt ra. Hắn làm gì có danh dự và phẩm giá để dằn vặt và đau khổ như những chàng công tử phong kiến. Ngay cả việc giản đơn là đi đúng đường thì dường như đối với Chí Phèo xem ra cũng là một cái gì đó xa vời, nằm ngoài ý thức của hắn. Kết cục hắn định đi đến nhà bà cô để tìm Thị Nở, kẻ duy nhất có thể làm thức dậy bản tính người trong hắn, thì bóng ma vô thức đã ám ảnh đưa hắn đến nhà Bá Kiến. Hành động đâm chết Bá Kiến của hắn là vô thức hay nói cách khác đấy chính là sự bừng tỉnh, một bước nhảy vĩ đại từ thế giới của cái vô thức sang thế giới của cái ý thức - ý thức về bản ngã tồn tại của chính mình. Chỉ có hành vi ấy mới trả lại cho Chí Phèo cái vốn có của hắn, hay đúng hơn hắn mới chính là hắn. Lão Bá làm gì có thù oán cá nhân với Chí Phèo, thậm chí lão Bá còn có thể là bố đẻ ra Chí Phèo như một số người đã nghĩ. Chí Phèo cũng không hề ý thức được lão Bá là kẻ bóc lột và đày ải hắn. Vậy là hành động giết người và tự giết mình của hắn là sự giải thoát khát vọng làm người đã dồn nén, tích tụ trong bản năng vô thức của hắn từ bao đời nay mà chưa thực hiện được!
Thị Nở cũng là một thực thể tồn tại đồng đẳng về mặt phẩm chất với Chí Phèo. Hai thực thể này cộng sinh với nhau đã làm bật dậy cái nhân bé xíu như một tín hiệu vô ngôn, khiến người đời có thể nhận ra họ là những thực thể đang tồn tại trên thế gian này. Đối với họ làm gì có tình yêu theo quan niệm của chúng ta bây giờ. Ngay cả sự ân ái, để rồi cuối cùng Chí Phèo ký thác giọt máu của mình vào Thị Nở cũng chỉ là một hành vi bộc lộ bản năng sinh tồn trong vô thức của hắn, chứ không hề bộc lộ những khía cạnh tâm lý và đạo đức như người ta vẫn tưởng. Thực chất những biểu hiện của quá trình bộc lộ tâm lý, tính cách của họ, mà độc giả đã nhận thấy là phần gia vị thêm vào món cháo triết học mà chỉ có thiên tài của Nam Cao mới tạo dựng nên được.
Toàn bộ tác phẩm, ngoài những câu chửi và những câu đòi lão Bá cho lương thiện, còn có một vài câu Chí Phèo nói với Thị Nở trong cái đêm ái ân của họ. Chính nhờ những câu nói ấy mà công chúng mới đón nhận được một Chí Phèo bằng xương bằng thịt, vừa gần gũi, vừa xa lạ với cái làng Vũ Đại - Việt Nam này. Nhưng cách tỏ tình ấy xem ra không phù hợp với logic phát triển nội tại của bản ngã Chí Phèo. Vì sức mạnh của hắn chính là vô ngôn.
Cách đi lùi để trở về bản ngã của Chí Phèo cũng là một con đường đắc dụng và độc đáo. Chí Phèo là hình tượng văn chương duy nhất về con người Việt Nam có thể đi lùi để trở về bản ngã. Xét cho cùng trong vũ trụ vô thường, thì tiến hay lùi cũng chỉ là các quy ước đầy tính chủ quan của con người. Những thước đo giá trị ấy là đúng, nhưng chỉ có thể áp dụng đối với người. Còn đối với bản thể vũ trụ nó hoàn toàn vô nghĩa. Nếu lấy con người hiện hữu làm mốc giới và bản thân con người hiện hữu ấy đã chứa sẵn phôi của bản thể vũ trụ, thì sự đạt tới bản ngã xét cho cùng chỉ là Một. Nếu có sự phân biệt nào đấy thì chỉ là các dạng thức và quá trình khác nhau tiến tới bản ngã mà thôi. Mọi con đường tiến tới bản ngã đều phải vượt qua những lẽ phải thông thường, vượt qua sự ràng buộc của các quan hệ chính trị, kinh tế, xã hội, đạo đức và tôn giáo; rũ bỏ tất thảy những nhiễu nhương thường nhật. Chí Phèo đạt tới sự thắng lợi của bản ngã tự nhiên lại mang tính chất cảnh báo về giới hạn của hai trạng thái: Tồn tại và ý thức về sự tồn tại đó. Cũng vì thế nó mang tính chất phổ quát, có giá trị triết học sâu sắc. Chúng ta biết rằng hình tượng tôn giáo, chính trị và đạo đức dù là viên mãn đến mấy cũng chỉ đạt đến sự thức tỉnh của ý thức về Chân - Thiện - Mỹ. Hay nói chính xác hơn nó cũng chỉ đạt đến sự ý thức về bản ngã. Còn hình tượng văn học viên mãn có thể tiếp cận tới bản ngã. Về khía cạnh này hình tượng văn học sâu sắc và đa chiều hơn các loại hình tượng khác, do tính chất đặc thù của phương thức tư duy nghệ thuật quy định cùng với năng lực thụ cảm đặc biệt của nhà nghệ sỹ thông qua những trải nghiệm cá nhân lắng đọng tự nhiên trong anh ta, tạo nên tính chất đa tầng của hình tượng nghệ thuật mà không thể bóc tách được bằng thước đo giá trị của xã hội, đạo đức và tôn giáo.
Như vậy, trong trò chơi ú tim săn tìm bản ngã, Chí Phèo là hình tượng duy nhất trong văn học Việt Nam đã làm được một việc phi thường là đi lùi để tự trở về với bản ngã chính mình. Cuối cùng cái lương thiện mà Chí Phèo đòi chính là bản ngã Việt đích thực, cái luôn tiềm ẩn và thường trực trong vô thức của hắn.
Phản biện:
Từ yêu say lý luận dẫn tới lạc bước suy diễn về hình tượng văn học "Chí Phèo"
- Trường Xuân Triệu -
Đọc tiểu luận "Chí Phèo - hiện thân bản ngã Việt" của anh Đỗ Ngọc Yên (ĐNY), tôi thấy những ý chính, nay xin nêu ra thứ tự:
- Quan điểm của anh khi "cho rằng trong lịch sử văn học Việt Nam, Chí Phèo là một hình tượng văn học đích thực. Chí Phèo là hiện thân của sự tồn tại vĩnh cửu của bản ngã Việt."
- Sự khác nhau giữa Chí Phèo với các hình tượng văn học cũ " với các hình tượng văn học trước đó, Chí Phèo không giống các hình tượng tướng lĩnh, các hiệp sĩ, các anh hùng hảo hán theo kiểu Lục Vân Tiên hay Từ Hải trong văn học cổ; các nho sĩ, thư sinh trong truyện nôm khuyết danh; hay các cậu ấm cô chiêu trong dòng văn học những năm đầu thế kỷ." Vì, " Tất cả các hình tượng trên là sự minh họa cho những mẫu người sống theo những tôn chỉ chính trị và đạo đức Nho giáo. Hay nói đúng hơn họ là những phương tiện để chở cái đạo theo quan niệm của nhà Nho."
- Đặc biệt, anh ĐNY còn dùng hình tượng Chí Phèo để phê nền "văn học minh họa" của đương thời: "Trong văn học đương đại Chí Phèo càng xa lạ với hình tượng những người cán bộ kháng chiến, cán bộ phong trào trong Tầm nhìn xa, Hãy đi xa hơn nữa; những người chiến sĩ "năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm,mưa dầm, cơm vắt; máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn"... Chí Phèo cũng không sống như một Dáng đứng Việt Nam, mà chỉ là một con người lừng lững đi giữa cuộc đời, không mong cầu, không oán trách luôn luôn say mềm trong cái bản ngã vô can của chính mình."
- Nêu ra sự thật phũ phàng của những người (một bộ phận dân tộc VN) đã xả thân cho hai cuộc kháng chiến chống Pháp- Mỹ, để đảng được một mình hưởng lợi: "Ngay cả những người vừa rút chân ra khỏi cuộc chiến, đại bộ phận đã không thể sống theo gương những vị chúa phi tôn giáo của thời chiến được. Họ buộc phải đem các vị lên bàn thờ hay cho vào viện bảo tàng vái ba vái để đi tìm đường cứu mình. Cứu nước là nhiệm vụ chung của cả cộng đồng, dân tộc. Còn cứu mình dường như là việc riêng của mỗi người. Có thể nói những mẫu người chiến đấu vì lý tưởng chung đã một thời ăn sâu vào máu thịt mỗi cá nhân và cả cộng đồng người Việt như cơm ăn, nước uống, thì nay nó chỉ được nhắc đến xuân thu nhị kỳ trong các dịp kỷ niệm, hoặc trong các trang sách học trò như những giáo điều tôn giáo. Cuộc sống bao giờ cũng khôn ngoan và láu cá hơn những điều người ta huyễn hoặc ra để áp đặt cho kẻ khác."
- Dám tấn công thẳng vào thiểu số quan chức đảng bảo thủ, tố chúng là " những kẻ chỉ biết sống theo những giáo lý áp đặt từ bên ngoài chỉ có một cách ứng xử duy nhất là tiến lên phía trước, tử vì đạo."
- Thẳng thắn định vị hành vi, tư tưởng của một bộ phận xã hội, của những mẫu người mang lý tưởng sống xả thân vì mọi người chỉ là những bầy tôi trong các học thuyết Nho giáo, là những con chiên ngoan đạo trong giáo lý Thiên Chúa giáo: " Nhưng những mẫu người loại này thực chất chỉ là sự biểu hiện của nhận thức chính trị, xã hội, đạo đức và tôn giáo. Họ không xa lạ mấy với những kẻ bầy tôi trong các học thuyết Nho giáo, những con chiên ngoan đạo trong giáo lý Thiên chúa giáo. Mới nghe qua, biết qua tưởng là một cái gì đó rất cao siêu, nhưng thực chất nó rất sơ lược, giản đơn và một chiều. Dường như nó được treo lơ lửng đâu đó giống như chúa Giê-su bị đóng đinh trên giá câu rút. Và cần phải thấy rằng những hình tượng chính trị, tôn giáo, đạo đức thực chất chỉ là những hình ảnh minh hoạ một cách thô thiển cho các học thuyết tư tưởng mang đầy tính chất chủ quan và áp đặt."
Tạm gác sang một bên những ưu điểm dễ thấy mà tôi đã nêu trên trong tiểu luận của anh Đỗ Ngọc Yên, thì thành thật mà nói khi mới đọc tựa bài viết "Chí Phèo - hiện thân bản ngã Việt" của anh tôi đã sửng sốt. Sửng sốt vì từ xưa tới nay tôi và hầu hết mọi người đều cho Chí Phèo là một anh chàng có những chất: ngang ngược, liều lĩnh, bắt nạt, ăn vạ, rượu chè, bất cần đời mà nay quan niệm ấy của mình và dân gian đã bị anh ĐNY làm cách mạng luận lý lật đổ, rồi xoay ngược lại thành "hiện thân bản ngã Việt"?
Nay, để bảo vệ cho quan niệm truyền thống ấy của mình, tôi xin làm công việc khảo tìm và nêu lại những liên hệ "máu thịt" của nhà văn Nam Cao với hình tượng văn học Chí Phèo của ông. Vì, thiết nghĩ muốn biết Chí Phèo có bản ngã gì, tốt hơn hết là tìm hiểu về tư tưởng cha đẻ của gã, tức nhà văn Nam Cao đã ý thức thế nào khi sinh thành ra gã. Và, muốn hiểu đúng về tư tưởng nhà văn Nam Cao, tôi dựa vào những trang hồi ký của nhà văn Tô Hoài. Ông vốn là người có quan hệ bạn bè và tình đồng chí mật thiết với Nam Cao từ khi hai người mới bước vào nghiệp văn, nghiệp cách mạng. Đoạn văn sau đây, tôi trích từ cuốn "Tô Hoài Hồi Ký":
"Trong những ngày nửa lãng mạn, nửa thời thế, có Nam Cao với tôi. Tôi quen Nam Cao vì tôi đến học chữ Pháp ở trường tư của một bà dì họ tôi, Trường Công Thanh ở Thụy Nam Cao dạy ở đấy, và đầu tiên tôi gọi anh bằng ông giáo Tri, ông Trần Hữu Tri. Tôi ít tuổi hơn anh, văn hóa kém anh, nhưng anh thấy tôi đã viết được truyện ngắn đăng báo. Việc đó có thể kích thích anh. Nam Cao đã đỗ bằng "đíp lôm", đã làm phóng viên báo Kịch Bóng từ hồi ở Sài Gòn, thế mà đến nay anh viết vẫn lận đận. Anh đã thử cả các cửa, thơ trào phúng, thơ mơ mộng, lúc truyện ngắn, truyện vui ký tên Nhiêu Khê, Thúy Rư, Nguyệt, Xuân Du, Nam Cao. nhưng chưa biết đứng lại đâu.
Lính Nhật chiếm cái trường tư Công Thanh với cả quãng phố làng Thụy làm chỗ nhốt ngựa. Nam Cao thất nghiệp, lên ở với tôi. Anh mới viết xong một truyện vừa. Truyện Cái Lò Gạch Cõũ. Nhân vật Chí Phèo trong truyện là tên một người thật ở nhà anh. Chuyện từ đời trước, anh viết theo vợ kể. Chi tiết để tô điểm chuyện Chí Phèo thời bấy giờ, tất nhiên là những tai nghe mắt thấy trong bọn chức việc họ hàng anh ở làng mà anh biết.
Truyện viết xong, nhưng cũng như bao lần, anh không tin có ai in. Anh muốn đưa nhà xuất bản Đời Mới. Nhà xuất bản này là một hiệu thuốc chữa bệnh lậu ở phố Hàng Cót, mở thêm xuất bản. Lạ một điều là ở Hà Nội hồi ấy, nhiều nhà lang thuốc kiêm nghề xuất bản sách báo. Có lẽ, vì các nhà thuốc Hồng Khê, Bình Hưng, Lê Huy Phách, Từ Ngọc Liên, Hương Sơn đã sẵn nhà in in nhãn thuốc, bây giờ làm báo, làm sách không tốn kém mấy chỉ thêm danh giá. Nam cao tính: "Cái thằng xuất bản hạng bét này có thể qúy bản thảo." Tuy vậy, cũng chỉ dám đến nhà xuất bản Đời Mới vào lúc nhá nhem tối, bản thảo Cái Lò Gạch Cũ đã quấn sẵn, tròn như cái ống.
Ít lâu, ông Trác Vỹ, chủ nhà xuất bản viết thư mời Nnm cao đến.
Oâng Trác Vỹ nói:
- Tôi sẽ in truyện của ông. Nhưng cái đầu đề Cái Lò Gạch Cũ không ăn khách. Tôi đổi cho ông là Đôi Lứa Xứng Đôi. Tôi nhờ ông Lê Văn Trương văn sĩ trứ danh thay tên và đề lời giới thiệu. Sách đã in sắp xong. Tôi báo để ông mừng.
Chẳng nhớ rồi Trác Vỹ "thí" cho Nam Cao được mấy đồng. Nhưng dù sao thế là đã có sách in, từ nay anh dễ đi chào hàng những quyển khác. Và Chu Ngọc, Thâm Tâm, nhiều bạn rất khen Đôi Lứa Xứng Đôi. Nam Cao không ngờ (Tô Hoài Hồi Ký tr 280-281)."
"Nam Cao, họa sĩ Trần Đình Thọ và tôi được phân công ở lại núi Phia Bioóc ở Bắc Cạn làm báo Cứu Quốc Việt Bắc Chi bộ Đảng mà tôi là bí thư đã kết nạp Nam Cao. Lễ kết nạp trong hốc đá Chỉ có Xuân Thủy, Văn Tân và tôi dự Nước mắt chảy ròng trên gò má cao, hốc hác. Nam Cao trầm giọng: "Tôi thề trung thành với Đảng Nam Cao thường kể lại lúc ấy anh nghĩ gì. Anh nghĩ lại những ngày trôi nổi ở Sài Gòn, ở Hà Nội, những quằn quại của con người dễ mơ mộng và xúc động, cái gì không có cũng thèm muốn, cái gì đương có cũng chán ghét, tất cả đều không nghĩa, cứ "chết mòn" không lối thoát. Bên tai, anh nghe tiếng nói đại diện Đảng như ánh cờ bay lượn trong bóng tối cuộc đời vô vị cũ, như thế, và anh không cầm được nước mắt (tr 359)."
Từ những tiết lộ về thân thế, sự nghiệp, hoàn cảnh (nghe vợ kể chuyện thật ở làng) khi Nam Cao sáng tác ra truyện "Cái Lò Gạch Cõũ" do Tô Hoài kể ở trên, cộng những hiểu biết ít nhiều khác về tư tưởng cộng sản Nam Cao mà tôi thu lượm được ở học đường, đời lính, thì nhà văn Nam Cao quả là một người "Cộng sản chân chính" theo định nghĩa tinh khiết thời vàng son của chế độ này. Ngoài "Cái Lò Gạch Cũ- Chí Phèo", Nam Cao còn viết "Cơn Giông", "Sống Mòn", là những tác phẩm có nội dung cách mạng, muốn thay đổi xã hội thời Pháp thuộc. Có cội gốc tư tưởng, chí hướng cách mạng hòng thay đổi xã hội bất công thời Pháp thuộc như thế, tất ông không thể có nhân sinh quan khác ngoài nhân sinh quan cách mạng. Đã mang nhân sinh quan cách mạng, tranh đấu, đòi thay đổi xã hội đương thời, tất ông phải xây dựng lên những nhân vật mang sắc thái chống đối đương thời mà Chí Phèo là một nhân vật điển hình của ông. Và, hiển nhiên thì nhân vật phải phản ảnh ước mơ của nhà sáng tạo, đó là căn cơ dẫn đến việc ông đã thuần túy thai nghén ra một nhân vật Chí Phèo có những hành động cách mạng đột phá và cương quyết với xã hội thối nát khi ấy. Do vậy, hành động tất yếu của Chí là phải đòi quyền làm "người lương thiện", và phải đâm chết Bá Kiến, kẻ đại diện cho những bất công, những cái ác cần phải đạp đổ tức khắc, theo quan niện và khát vọng tranh đấu của nhà văn Nam Cao, người đang chịu sự giác ngộ của đảng CSVN khi mới khởi nghề viết văn! Và, dĩ nhiên, theo logic trên, Chí Phèo chỉ có thể là đại diện cho mẫu người là "một công dân đang thực hiện nghĩa vụ của mình trong cuộc đấu tranh giai cấp nhằm lật đổ tầng lớp thống trị xã hội!"
Phải thừa nhận rằng, dù thế nào đi chăng nữa thì sau khi tạo ra Chí Phèo, Nam Cao đã thành công rất lớn khi để lại cho nền văn chương Việt Nam một hình tượng văn học độc nhất vô nhị: Chí! Và, như là định mệnh nghiệt ngã cho dân tộc chúng ta, sau khi ông chết đi, khi tên tuổi ông đã vào vị trí trang trọng lịch sử văn học, thì đảng của ông đã đưa xã hội Việt Nam xuống vực thẳm sâu hơn cả thời buổi đen tối ông sinh ra Chí. Hiện nay, Chí nhiều đến nỗi không chỉ mỗi làng Vũ Đại trong truyện của ông, mà khắp cõi VN đâu đâu cũng có Chí, và đang còn sinh sôi vô vàn Chí Chí!
Trở lại việc anh Đỗ Ngọc Yên biện lý và khẳng định Chí Phèo là "hiện thân bản ngã Việt", tôi thấy không những anh sa đà vào luận lý rồi quy kết sai lạc, mà ngay chữ "bản ngã" anh dùng cũng cần phải minh định cho rõ. Theo cách hiểu của Đạo gia, Phật gia, và phái Thông Thiên Học thì "Bản Ngã" được biểu lộ qua ba trạng thái: "Thức", "Ý", Hành" (nhận thức, ý chí, và hành động). Riêng nhà Phật còn phân tách "Bản Ngã" làm hai thể: "lúc Mê" (bản ngã), "lúc Ngộ" (chân tánh hay chân thể). Còn Đạo gia thì quan niệm "Bản ngã" là những: tính nóng nảy, tham lam, keo kiệt, thích xa hoa, ham vui, dễõ buồn Trong khi ấy, theo cách hiểu của Tây phương, thì "Bản Ngã" là Charakterzug, Ego, Eùgo: đặc tính, đặc điểm, tính cách, tư cách.
Minh định nghĩa của "bản ngã" rồi, tôi thấy anh ĐNY đã nhầm lẫn khi bảo "Chí Phèo là người Việt Nam duy nhất trên thế gian này có thể đi lùi để trở về bản ngã", tức lùi về vô minh với việc Đức Phật tu hành đắc đạo cũng để trở về vô minh. Luận điểm ấy quả phản nghịch với việc Đức Phật tu hành để giải thoát bản ngã, tức tu để dứt bỏ vô minh, trở về chân tánh của mình, tức "Ngộ". Mà ở tiểu luận, thì anh ĐNY lại viết: " song con đường dẫn Thích Ca Mâu Ni đến Niết Bàn thật cao siêu và gian truân vất vả. Nhưng âu đấy cũng chỉ là một trong trăm nghìn con đường để tiến tới bản ngã." Đọc xong câu văn trên, tôi thắc mắc rằng anh ĐNY hểu "bản ngã" khác với mình chăng? Xin mời các anh chị đọc lại nguyên văn anh ĐNY viết: "Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tiến tới cõi vĩnh hằng bằng con đường tu luyện từ hữu ngôn đến vô ngôn, đấy là sự tu luyện của trí tuệ, có ý thức rõ ràng về bản ngã, song con đường dẫn Thích Ca Mâu Ni đến Niết Bàn thật cao siêu và gian truân vất vả. Nhưng âu đấy cũng chỉ là một trong trăm nghìn con đường để tiến tới bản ngã. Và cách đi lùi để trở về bản ngã của Chí Phèo cũng là một con đường đắc dụng và độc đáo. Chí Phèo là người Việt Nam duy nhất trên thế gian này có thể đi lùi để trở về bản ngã. Xét cho cùng trong vũ trụ vô thường, thì tiến hay lùi cũng chỉ là các qui ước đầy tính chủ quan của con người. Những thước đo giá trị ấy là đúng, nhưng chỉ có thể áp dụng đối với những người bình thường. Còn đối với bản thể vũ trụ nó hoàn toàn vô nghiã. Nếu lấy con người hiện hữu làm mốc giới và bản thân con người hiện hữu ấy đã chứa sẵn phôi của bản thể vũ trụ, thì sự đạt tới bản ngã xét cho cùng chỉ là Một. Nếu có sự phân biệt nào đấy thì chỉ là các dạng thức và quá trình khác nhau tiến tới bản ngã mà thôi. Con đường đạt tới cõi vĩnh hằng của Phật Thích Ca Mâu Ni không giống Chí Phèo, nhưng không vì thế mà con đường của Chí Phèo là bất khả dụng, hoặc giả là con đường này đắc địa hơn con đường kia, hay một con đường thì trơn tru, sáng sủa, còn con đường kia thì gồ ghề, u tối. Mọi con đường tiến tới bản ngã đều phải vượt qua những lẽ phải thông thường, vượt qua sự ràng buộc của các quan hệ chính trị, kinh tế, xã hội, đạo đức và tôn giáo; rũ bỏ tất thảy những nhiễu nhương thường nhật. Thích Ca Mâu Ni đạt tới cõi vĩnh hằng là sự thắng lợi cuả ý chí tôn giáo, mang nặng tính chất răn đe và nêu gương đạo đức cho người khác. Còn Chí Phèo đạt tới sự thắng lợi của bản ngã tự nhiên lại mang tính chất cảnh báo về giới hạn của hai trạng thái: Tồn tại và ý thức về sự tồn tại đó."
*
Kết luận:
Vì không nhiều thời gian nên tôi không bàn thêm vào những điểm khác trong tiểu luận của anh Đỗ Ngọc Yên. Riêng những phân tích ở phần trên của bài viết, tôi đã chỉ ra những ưu điểm mà anh ĐNY đã giúp bạn đọc liên tưởng đến xã hội hiện tại (CSVN). Đồng thời, tôi cũng trích dẫn lại xuất phát điểm tư tưởng của Nam Cao khi ông sáng tác ra Chí Phèo để chúng ta thấy việc anh ĐNY kết luận: "Chí Phèo - hiện thân bản ngã Việt" là sự ngộ nhận. Và, việc anh bảo Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tu đến Niết Bàn là tiến tới "bản ngã", tức quay lại vô minh, thì có phải là anh đã bị sa đà vào cơn say chữ, rồi lạc bước luận lý không???
Ngày 01.7.2001
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn