Cuộc tìm kiếm mãi mãi

09:14 SA @ Thứ Năm - 26 Tháng Mười Hai, 2013

Mỗi lần có dịp ra Hà Nội họp hành, thằng con nhỏ tôi lại hỏi giễu: “Bố lại đi thực tế nữa à?”. Còn thằng anh nó thì làu nhàu: “Ngoài sáu chục còn vẽ chuyện đi thực tế, không sợ người ta cười sao?”. Tất nhiên là rất buồn cười rồi. Sống đã trên nửa thế kỷ còn cho là ít ư? Vẫn còn cần đi lấy tài liệu để viết ư?

Người xưa đâu có đi nhiều như bây giờ mà vẫn viết rất hay? Tài họ lớn, đó là một điều chắc. Nhưng cái xã hội mà họ đang sống đã cả trăm năm không thay đổi, nói cho đúng hơn, đã nhiều trăm năm không thay đổi đã thành nếp sống nếp nghĩ từ nhiều đời. Cuộc sống và các mối quan hệ của nó người viết đã thuộc nằm lòng, nghe thoáng một câu chuyện, đọc thoáng một mẩu tin, gặp thoáng một chi tiết xúc động là có thể ngồi viết được rồi. Họ cũng có đi đây đó nhưng là đi chơi, đi tìm cái vui cái lạ cùng với bạn bè chứ không nhằm đi để viết. Viết là sau. Thích thì viết. Viết lúc nào mà chả được. Mọi thứ đã chứa sẵn trong đầu chỉ cần một cái hích nhẹ là chữ nghĩa đã ào ra như sóng. Nhưng ta không thể bắt chước họ được, bắt chước là nguy. Thời của họ khác. Thời của ta khác. Nửa thế kỷ qua dân tộc Việt Nam đã từ trong đêm tối của nô dịch đột ngột bước ra vùng sáng chói loà của hai cuộc kháng chiến vừa khốc liệt vừa kéo dài. Trong thoáng chốc con người Việt Nam đã xé bỏ được lớp kén dày của sự bạc nhược, an phận, ích kỷ trở thành trang hảo hán dám quên thân vì đại nghĩa, gạt bỏ được mọi thiên kiến hủ bại để đoàn kết lại trong một mặt trận kháng chiến.

Chủ thuyết nào, tổ chức chính trị nào đã thay đổi được tinh thần một dân tộc triệt để và nhanh chóng đến vậy? Cũng đã có người nói nếu đất nước mình không theo học thuyết mácxít, không do Đảng Cộng sản lãnh đạo thì tránh được hai cuộc chiến tranh, xã hội phát triển chả thua kém gì những con rồng châu Á. Thật ra từ những thập kỷ đầu của thế kỷ này đã có nhiều phong trào yêu nước và tổ chức chính trị bắt tay làm thử rồi nhưng vẫn không lay chuyển nổi một dân tộc đang chìm sâu trong cơn hôn mê. Đại đa số dân mình là nông dân thất học, lại nghèo đói, lại bị trói chặt trong nhiều định kiến và tập tục hủ lậu, nghe các cụ khăn đóng áo dài, các ông cổ cồn cà vạt thuyết giảng về dân tộc, dân chủ, dân quyền như vịt nghe sấm, một chữ cũng chả hiểu nói gì dám đứng dậy làm theo. Và sợ lắm. Sợ đủ thứ, cái sợ truyền kiếp vì mất hết niềm tin vào bản thân từ nhiều đời. Học thuyết Mác vốn xa lạ với người nông dân Việt Nam nhưng tác động của nó tới đông đảo quần chúng thật mãnh liệt và tức thì. Lần đầu tiên một học thuyết nổi danh dám suy tôn những người thất học và bần cùng là nhân vật chính của lịch sử hiện đại, là chủ nhân ông đích thực của đất nước họ trong hiện tại và tương lai. Rằng họ có sức mạnh dời non lấp biển, có thể đánh thắng mọi kẻ xâm lược và kiến tạo một xã hội công bằng nhất trong lịch sử loài người. Bây giờ nghĩ lại những bài nói buổi đầu về chủ nghĩa Mác vừa buồn cười vừa cảm động. Lý lẽ thì hàm hồ, nông cạn, còn duy tâm nữa nhưng đã từng là lời thiêng giải phóng một dân tộc ra khỏi mọi sự hãi sợ, mọi mặc cảm tự ti trở thành người anh hùng của phong trào giải phóng dân tộc. Tìm hiểu con người Việt Nam hôm nay không thể bỏ qua như năm tháng đầu tiên đó, điểm xuất phát đó vì nó là cái then chốt để hiểu đúng mọi chuyện về sau.

* * *

Đọc lại Vợ nhặt của Kim Lân, Lão Hạc của Nam Cao, cái vui buồn của những thân phận cùng khổ ấy luôn luôn làm tôi gai người như bị cạo cứa vào tận hồn cốt của mình. Mà nào tôi đâu phải là nông dân, cũng chả có kỷ niệm nào liên quan đến cảnh đời của họ. Thằng lưu manh nông thôn đập đầu ăn vạ có tên Chí Phèo, tên lưu manh thành thị, gian trá, lừa đảo có tên là Xuân Tóc Đỏ đều rất xa xôi với tôi mà mỗi lần đọc lại cứ mường tượng như gặp người quen thuộc. Lạ lùng nhỉ? Nghĩ đi nghĩ lại mới hay cả hai kẻ lưu manh ấy cũng là bà con của mình, cùng một máu mủ với mình, là bà con xa, bà con để tiếng xấu nhưng vẫn cứ là bà con. Chả lẽ còn không phải ư? Năm nọ tôi về tỉnh X công tác, nghe anh em nói, có anh Bí thư tỉnh đoàn dám tát một ông Thường vụ tỉnh uỷ ngay giữa cuộc họp. Lại cũng nghe nói, trong một cuộc họp tỉnh uỷ, có hai ông tỉnh uỷ viên chửi tay đôi, lời lẽ tục tĩu, điệu bộ hung hăng khiến những người chứng kiến phải kinh hoàng, Tôi chả ngạc nhiên tý nào cả. Đó là những cán bộ có năng lực trong chức trách của họ, có nhiều đức tính tốt, tuy nhiên căn tu còn non, chưa đạt chánh quả nên gặp việc động chạm tới quyền lợi riêng không kiềm chế được lại để lòi cái đuôi của kiếp trước.

Tôi rất biết ơn tiên tổ đã gìn giữ và truyền lại cho con cháu cái cốt cách vừa cứng cỏi vừa mềm mại, tính kiên nhẫn và cái tài ứng xử để thoát ra mọi hoàn cảnh hiểm nghèo. Nhưng một dân tộc suốt mấy trăm năm, từ thời Lê mạt đến thời thuộc Pháp luôn luôn đắm mình trong bùn trong máu của nội chiến, của ly tán và đói nghèo, không hề được hưởng một cải cách quan trọng nào về kinh tế, về chính trị, về học thuật, đời sau cứ làm theo đời trước, còn tệ hơn đời trước làm sao giữ được nguyên vẹn những đức tính tốt. Võ công hiển hách của vua Quang Trung và công cuộc thống nhất đất nước của vua Gia Long cũng không thể làm sống lại một xã hội quá già nua, quá cũ kỹ, đã mất khả năng tự thay đổi, tự bảo vệ. Tính tốt không phải là thứ quốc bảo cất trong tủ trong rương, lâu lâu lôi ra ngắm, mà phải phát triển, phải biến hoá cùng với sự phát triển của dân tộc, của quốc gia. Sống không cập thời, không đúng thời có tốt mấy cũng thành kẻ hủ lậu. Đã hủ lậu, đã lạc thời tức là tự huỷ hoại chính mình rồi. Gần đây có một số bạn trẻ có khuynh hướng đổ tội mọi chuyện tiêu cực, mọi xấu xa của hôm nay cho chủ nghĩa xã hội. Hình như trước Cách mạng người Việt Nam đẹp hơn nhiều, tốt hơn nhiều so bây giờ. Các bạn ấy còn trẻ có nói cũng chả nên trách. Nhưng có mấy vị đàn anh trí thức của tôi ở Hà Nội cũng nói ngậm ngùi rằng, từ năm phục vụ cách mạng, đi theo Đảng Cộng sản tầm vóc họ như bé lại, tài năng họ như cùn đi và lấy làm tiếc vì sự lựa chọn nông nổi buổi đầu. Chả lẽ các vị ấy không biết đã từng có một bộ phận của giới trí thức, là những người có bằng cấp cao hẳn hoi, cũng có lòng yêu nước thương nòi nhưng không thích cộng tác với những người cộng sản, đã hai lần trực tiếp cầm quyền để xây dựng một xã hội tự do hơn, dân chủ và phồn vinh hơn xã hội cộng sản. Một lần chín năm, thời đang đánh Pháp, một lần hai chục năm, thời ta đang đánh Mỹ. Họ lại được quân đội Pháp và quân đội Mỹ yểm trợ, được nền kinh tế của các nước tư bản nuôi dưỡng, mà rồi có lẽ được việc gì cho tử tế đâu? Rút cuộc thân bại danh liệt còn đắc tội với tổ tông, với đồng bào. Bây giờ đại sự đã thành, nước Việt Nam bước vào thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì rất dễ nói: “Nó phải tay tôi thì còn hay hơn nhiều, tốt hơn nhiều...” Nhưng người cầm bút không được phép hồ đồ như thế, phải công tâm, phải gạt bỏ mọi định kiến và yêu ghét riêng để dựng lại được trung thực như thời kỳ lịch sử đã qua và những người Việt Nam của các thời đó, cái mạnh và cái yêu, cái mới có và cái đã tồn lưu từ nhiều đời người thành đài tưởng niệm tinh thần của dân tộc trong một giai đoạn lịch sử.

Tôi cầm bút đã nhiều năm, viết nhiều tác phẩm nhưng chỉ có một nhân vật văn học được bạn đọc quen thuộc thân thiết là ông Tuy Kiến. Đó là ông nông dân Việt Nam chính hiệu, tham lam, trí trá, hống hách khi có dịp, thích khoe công và hay dỗi vặt. Nhưng ông vẫn là ông nông dân của hôm nay, vì ông còn biết sống cho tập thể, cho mục đích lớn. Gần đây tôi có viết một bài bút ký về người lính chữa cháy, tất nhiên là một ông lính già. Nghĩ là viết chơi, viết cho vui, nào ngờ lại được bạn bè thích đọc. Đọc lại mới hay cái ông lính chữa cháy ấy đúng là người Việt Nam trăm phần trăm, là con người mới nhưng vẫn còn nhiều dấu vết của một người cũ. Vậy thì mấy chục năm qua tôi đã viết về những ai nhỉ? Thì vẫn là viết về đồng đội về bạn bè, về người thân kẻ thuộc, là những người cùng thời với mình mà chính tôi là kẻ sinh ra họ cũng cảm thấy còn xa lạ. Hình như họ sạch sẽ quá, thơm tho quá, như từ khoảng không bước ra chứ không phải từ bùn đất của Việt Nam sinh ra. Họ không có chỗ đứng cụ thể, không có điểm tựa cụ thể, nội lực tự sinh chứ không qua bất kỳ sự gạn lọc nào từ các nguồn nuôi dưỡng. Nó không thuộc cõi người nên không thể bay lên cõi văn chương. Nghĩ mà tiếc cho những năm tháng đã qua, chỉ hiểu đời có một nửa, chỉ biết người có một nửa, cái nửa ai cũng nhìn thấy, còn lại bỏ hẳn cái nửa chỉ nhà văn mới nhìn thấy. Nên bây giờ đã lớn tuổi rồi vẫn cứ phải đi. Đi để tìm lại những cái mình đã đánh mất. Già rồi mà còn đi là vất vả lắm vì có bao nhiêu nhược điểm của tuổi già. Nhưng có đi vẫn hơn không đi. Mỗi chuyến đi đều gợi cho tôi rất nhiều tò mò, rất nhiều thích thú, háo hức như kẻ mới vào nghề. Vì tôi đã có những quan niệm đúng hơn về con người Việt Nam hiện tại, về những nhân vật văn học có khả năng làm bạn với người đọc lâu dài. Khi đã ngộ được cái điều quan trọng ấy thì rơm rác dọc đường, cát bụi chuyến đi đều là vàng mười cả. Một lần về xã Đ tình cờ gặp lại bạn cũ, tuổi Đảng tuổi đời là bậc huynh trưởng của tôi. Nhưng sau nhiều năm hưu nghỉ ở làng ông ấy bây giờ nghĩ ngợi, nói năng, hành động như một người dân lạc hậu, còn thấp hơn thế, phảng phất như có bà con xa với thằng Chí Phèo của cái thuở nào thuở nào. Phải như gặp con người kỳ quái đó chục năm về trước là tôi bỏ ngay, quên ngay nhưng bây giờ thì tôi vồ lấy nuốt lấy. Chỉ vì con người ấy đã minh chứng cho một cách nghĩ của tôi.

Với số đông người Việt Nam khi đứng trong một đội ngũ, dưới một lá cờ đại nghĩa thì mỗi người đều có thể là một anh hùng. Nhưng khi cờ xí đã cuốn lại, ai về nhà nấy, sống cho riêng mình, cho vợ con thì coi chừng, cái hạt mầm Chí Phèo hoặc Xuân Tóc Đỏ vẫn ẩn trú đâu đó trong tiềm thức, trong huyết quản lại tìm dịp dần dà trỗi dậy. Sức mạnh tinh thần của dân tộc Việt Nam vừa được giải phóng đã lập nên những kỳ tích của thế kỷ. Nhưng sức mạnh tinh thần của cá nhân, của gia đình và dòng họ mới có khả năng lưu giữ lâu dài những tính cách đẹp của dân tộc cho nhiều đời con cháu. Chính là tôi đang đi tìm những mẫu người lúc tuổi già, lúc cô đơn lúc túng thiếu và bị bạc đãi vẫn giữ trọn niềm tin và cất cách sống buổi đầu. Chỉ có vinh quang và danh dự của các gia đình và dòng họ mới có thể diệt trừ tận gốc những tính xấu của một thời nhiễu nhương, một thời nô lệ. Những con người đẹp và mới như thế hiện có nhiều lắm, nhưng phải đi và đến mới tìm ra. Cuộc đời của họ phong phú và tiêu biểu, nếu có cách nhìn rộng và đúng thì sẽ là những chất liệu nghệ thuật quý hiếm để xây dựng những nhân vật văn học có sức sống trường cửu. Tất nhiên còn có cái tài của người viết nữa.

Tháng Ba năm 1996 (Chuyện nghề, Sđd)

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nguyễn Khải, nhà văn tài năng nhất của thế hệ chúng tôi

    24/08/2009Nhà văn Nguyên NgọcTrước hết, tôi muốn nói điều này: đấy là người tài năng nhất trong thế hệ của chúng tôi, thế hệ những người cầm bút vậy mà hóa ra vắt qua cả mấy thời kỳ lịch sử quan trọng: một chút thời Pháp thuộc, đầy đủ Cách mạng Tháng Tám, đẫm mình trong hai cuộc chiến tranh lớn, và cả hòa bình nữa...
  • Nhà văn Nguyễn Khải - Tôi chỉ là người của một thời

    26/09/2008Thúy NgaNửa thế kỷ cầm bút, ở thời nào Nguyễn Khải cũng có người đọc của mình. Những ngày nông thôn miền Bắc đổi thay trước cuộc vận động hợp tác hóa nông nghiệp, ông có Xung đột (1957), Mùa lạc (1960), Hãy đi xa hơn nữa (1963).