Bàn về diễn thuyết

09:14 SA @ Thứ Sáu - 08 Tháng Giêng, 2010

Người ta ở đời ai cũng có lúc cần phải ra nói chỗ công chúng. Dù không phải là nhà chính trị phải bàn bạc ở nơi nghị viện, nhà hộ biện phải chống cãi ở trước tòa án, hay là ông giáo sư phải giảng cho học trò nghe, mà ai ai cũng thường có dịp hoặc phải đọc bài viếng, hoặc phải tặng lời khen, hoặc phải cám ơn, hoặc phải chúc mừng, hoặc phải giới thiệu một người, hoặc phải tự thuật một việc, hoặc phải hiểu dụ cho kẻ dưới, hoặc phải trình bày với người trên, hoặc phải phân giải điều phải điều trái, lẽ thiệt lẽ hơn v.v., nghĩa là phải ra đứng nói ở một chỗ đông người, hết thảy đều nghiêng tai chú mục mà nghe mình, mình phải nói làm sao cho người ta nghe được, khiến người ta cảm lời mình nói, chịu lẽ mình bàn. Đó tức gọi là diễn thuyết hay là biện thuyết. Nói chuyện thường trong một đám dăm ba người gọi là đàm thoại, đàm thoại thời nói thế nào cũng được, không có phương pháp gì, vì những người ngồi đấy thường thường là người quen biết, kẻ bạn thân, không cần phải tu sức lời nói cho lắm; vả lắm khi lại là câu chuyện chung, mỗi người nói một lời, không phải một người nói từ đầu chí cuối để cho cử tọa nghe. Nhưng diễn thuyết là nói chỗ công chúng cho nhiều người nghe, thời tức là một nghệ thuật riêng, có những phép tắc riêng, người diễn thuyết cần phải biết.

Diễn thuyết là thột nghệ thuật riêng, không phải là một khoa học, khoa học với nghệ thuật có khác nhau: khoa học là cái gì có thể truyền dạy, hễ biết thời làm được; nghệ thuật là cái gì không thể truyền dạy hết được, phải cần có tài năng tư cách riêng. Nay diễn thuyết là một nghệ thuật cũng như làm thơ, đánh đàn, nghĩa là tuy có những phép tắc có thể truyền dạy, mà ngoài phép tắc ấy lại phải có một cái tài riêng không phép nào thay được. Ta thường nghe nói: "Người này có tài ngôn ngữ, người kia có tài khẩu biện; anh này mồm mép giỏi, anh kia nói năng hoạt", đó là cái tư cách riêng của người ta dẫu mấy bộ sách dạy về nghệ thuật biện thuyết cũng không thể làm cho người không có tài ấy thành ra có được. Nhưng người đã có tài riêng cũng phải trau dồi tập luyện mới được hoàn toàn. Mà người không có tài riêng lại cần phải học tập hơn nữa, cần phải giảng cứu những phương pháp trong nghề diễn thuyết, ngõ hầu có thể bổ cứu được ít nhiều vậy. Kí giả lâu nay vẫn để tâm về nghệ thuật diễn thuyết thường khảo cứu các sách, suy nghĩ cũng nhiều, nay nhân thấy quốc dân đã nhiều người xu hướng về lối diễn thuyết, muốn đem ý kiến riêng. bàn bạc một đôi lời hoặc có điều dùng được cũng mong tì ích một đôi phần cho một nghệ thuật mới nhóm lên ở nước ta là rất cần trong thời đại bây giờ.

I

Nghề diễn thuyết đời nào cũng là trọng, mà đời này lại là cần lắm nữa. Sự sinh hoạt của người ta, việc giao tế trong xã hội càng ngày càng phiền phức, thời những dịp phải dùng đến lời nói để thông đạt các tư tưởng lại càng nhiều. Văn từ cũng là một cách để thông đạt tư tưởng, những văn từ sánh với diễn thuyết hiệu lực có khi không mạnh bằng. Lời văn truyền đi được xa, nhưng có lẽ cảm không được sâu bằng lời nói. Bài văn dẫu hay đến đâu vẫn là một đám mực đen trên giấy trắng, người đọc phải để ý lắm mới hình dung cảm giác được cái vẻ linh hoạt trong câu thơ câu văn. Đến như diễn thuyết thời người có tài hùng biện, giọng nói gióng giả như tiếng kèn đồng, rập rình như hồi trong trận, thu thập nhân tâm trong giây phút, kích thích huyết khí như điện truyền, mạnh biết bao nhiêu!

Lại còn một lẽ nữa, là đời nay chuộng lấy mau. Đọc một bài văn phải thong thả ngẫm nghĩ mới lí hội được hết ý nghĩa tinh thần, mất nhiều thời giờ hơn là ngồi nghe một bài diễn thuyết, người nói phải đàn diễn tư tưởng mình thế nào cho người nghe không khó nhọc gì mà hiểu được ngay. Chắc rằng diễn thuyết không thể nói thâm trầm như văn chương được, nhưng mau và mạnh hơn văn chương biết bao nhiêu. Bởi thế nên diễn thuyết thật là một cái lợi khí ở đời nay, cái lợi khí ấy người các nước đều biết khéo dùng cả, người nước mình cũng phải nên tập dùng cho bằng người vậy.

Cứ thực thời nghề diễn thuyết ở nước ta xưa nay hầu như không có. Trừ khi ra việc làng là chỗ phải bàn nói ít nhiều, còn người mình cũng không có dịp gì là cần phải tuyên bố ý kiến cho nhiều người nghe. Quan hiểu dụ cho dân thường bằng trát bằng sức. Còn những lối bình văn đọc chúc, đọc tế thời là mốt cách ngâm riêng, không phải là cách nói thường.

Ở các nước thời không thế. Ngay ở nước Tàu về đời Xuân thu Chiến quốc đã có một hạng người gọi là hạng du thuyết, đi khắp các nước chư hầu để đem chính kiến hiến cho các bậc vua chúa, nhiều người vì tài khẩu biện mà đắc dụng với đời. Ở các nước Thái Tây, nhất là Hy Lạp, La Mã đời xưa, nghề biện thuyết lại thịnh hành lắm nữa. Các nhà Tây học ta chắc ai cũng biết Démosthène ở Hy Lạp, Cicéron ở La Mã là hai tay biện sĩ trứ danh của Âu châu đời xưa, dẫu ngày nay cũng vẫn lấy phép biện thuyết của hai ông làm khuôn mẫu vậy.

Đại để ở các nước châu Âu, từ cổ đại đến cận đại bao giờ nghề biện thuyết cũng vẫn thịnh hành, đời nào cũng có những tay biện sĩ có tài, còn lưu danh trong sử sách. Về Cổ đại, ở Hy Lạp, La Mã, nhân cái chế độ cộng hòa, người dân có quyền nghị luận việc nước, nên có nhiều những tay biện sĩ về chính trị. Về Trung cổ, tôn giáo thịnh hành, các học viện giảng cứu về các khoa thần học nhiều, nên có nhiều những tay biện sĩ về tôn giáo. Về cận đại, nhân phong trào tự do dân chủ, nhân chính thể đại biểu lập hiến, mà nghề biện thuyết về chính trị lại thịnh hành hơn xưa; lại nhân các chế độ tư pháp mở mang thay đổi mà nghề biện thuyết ở pháp viện cũng được phát đạt ra nhiều. Nói tóm lại thời các nước văn minh Âu châu, trong khoảng hơn hai nghìn năm, về các môn trong khoa ngôn ngữ, thật đã từng có kinh lịch nhiều. Cho nên bàn về nghề diễn thuyết, không thể không xét các tay biện sĩ Âu châu từ xưa đến nay đã kinh nghiệm về nghề ấy thế nào. Vậy xin chia ra hai phần: trước nói về nghệ thuật biện thuyết ở Âu châu duyên cách và hiện trạng thế nào, sau bàn về nghề diễn thuyết ở nước ta nên mô phỏng Thái Tây mà lập định phương châm thế nào.

II

Về nghề biện thuyết cũng như về văn chương, về triết học, các nước Âu châu vẫn lấy các tiền triết Hy Lạp, La Mã làm mô phạm. Các bậc ấy giải nghĩa thuật biện thuyết là cái "thuật làm cho người ta chịu tin và phục lẽ" (l'éloquence est l’art de persuader et de convaincre), Cicéron trong sách Biện thuyết luận (De Oratore) nói rằng: "Mục đích nhà diễn thuyết có ba điều: một là thuyết minh, hai là khoái trá, ba là cảm động người ta" (Le but de l'orateur ést de prouver, de plaire et de toucher) . Vậy thời nhà diễn thuyết trước phải bày các lẽ của mình cho người nghe, sau phải dùng những lời khôn khéo để cho người thích mà chịu nhận, sau lại phải mượn những giọng hùng hồn để cho người cảm mà phải theo. Nhà diễn thuyết mà khiến được người nghe phục lẽ và cảm theo mình, thế là đạt được mục đích vậy.

Cứ suy đó thời trong thuật diễn thuyết phải có ba mối lớn: một là “lí”, hai là "tính", ba là "tình". Lí là cái lẽ phải công nhiên, mình muốn tỏ bày cho người biết.

Phần này là quan trọng nhất, vì muốn nói phải có lí, nếu nói vô lí thời dẫu nói khéo đến đâu cũng không ai nghe được. Song lí tuy có một mà mỗi người quan sát ra một phương diện riêng. Phương diện riêng ấy là ý kiến riêng của mỗi người.

Nhà diễn thuyết phải lập ý kiến của mình cho chính đáng, nghĩa là tuy là cách quan sát riêng nhưng cũng phải cho thích hợp với lẽ công mới được ý kiến đã định rồi, phải biết suy diễn ra cho rõ ràng, chứng minh vào cho đủ lẽ, đó là về phần lí. Nhưng lẽ phải giữa đời khó lòng khiến cho người đời chú ý. Muốn cho người ta thiết đến phải đem hết tài năng của mình mà làm cho người đẹp ý thuận tình, nghĩa là phô bày cái tính cách mình cho tốt đẹp dễ yêu. Nay thí dụ cho dễ hiểu, người diễn thuyết muốn cho người nghe theo mình khác nào như người mê gái muốn cho gái theo mình, phải sửa sang tiếng nói, cách đứng điệu ngồi cho tốt đẹp dễ thương, mong lấy đẹp lòng mi nhân. Đó là thuộc về tính: tính đây nghĩa là gồm tài năng tư cách riêng của mỗi người, tức là nhân cách, tính cách vậy. Người diễn thuyết có được hai điều kiện về lí và tình đó là đã đạt được ý kiến mình cho người nghe rồi. Những thế cũng chưa đủ, lại phải làm thế nào cho người nghe mà cảm động nữa. Muốn cảm động, phải dụng đến "tình". Tình là "thất tình", là gồm những tình cảm trong lòng người. Dụng tình thời phải trước biểu lộ tình cảm trong lòng mình, sau mới kích động được tình cảm ở lòng người. Nghĩa là muốn cảm động người ta phải tự mình cảm động trước, hoặc làm ra bộ cảm động (đó là một phương thuật, dưới này sẽ bàn tường). Như việc đáng giận, đáng thương, đáng vui, đáng buồn, đáng cảm phục hâm mộ, tự người diễn thuyết phải ra giọng hâm mộ, cảm phục, buồn vui, thương, giận, thời mới khiến người nghe cũng giận, cũng thương, cũng vui, cũng buồn, cũng cảm phục, cũng hâm mộ vậy.

Đó là tôn chỉ thuật biện thuyết. Nay xét đến phương châm phép tắc trong thuật biện thuyết như sau này.

III

Các tiền triết Hy Lạp, La Mã cùng các học giả Âu châu đời nay đều phân biệt trong thuật biện thuyết có ba bộ phận lớn: một là "sáng ý" (invention), hai là “bố cục”, (disposition), ba là “lập từ” (élocution). Lại có một vài nhà thêm hai khoản nữa là "kí ức" (mémoire), và "cử động" (action).

Soạn một bài diễn thuyết, việc thứ nhất chắc là phải định cái chủ ý thế nào, rồi tìm những ý tứ, viện những chứng lẽ để giúp vào cái chủ ý đó, tức cũng như làm văn trước phải cấu tứ vậy. Thế gọi là "sáng ý". Sáng ý nghĩa là nghĩ ra các ý tứ, suy ra các chứng lẽ, tức là tìm tòi cóp nhặt những tài liệu để dựng ra bài diễn thuyết. Những tài liệu này, thời tuy mỗi thể diễn thuyết mỗi khác, không thể gồm mà giải một câu cho hết được. Những nhà diễn thuyết bao giờ cũng phải định cái chủ ý cho chính đáng, cho phân minh, khác nào như lập cái trụ cột cho cả bài diễn thuyết cửa mình; có lẽ nhà diễn thuyết lại cần phải lập ý rõ ràng hơn nhà làm văn nhiều, vì nhà làm văn còn có khi lãng mạn hoài nghi được, chứ nhà diễn thuyết thời dù có nói đông nói tây thế nào, lan man suy diễn đến đâu, rút lại bao giờ cũng phải quy nạp về một lẽ cất yếu, khác nào như câu kết luận trong một bài, khiến cho người nghe khi đứng lên dầu không nhớ được hết cả cũng biết rằng diễn giả định nói cho mình nghe các đại ý như thế. Nhiều người diễn thuyết không lập ý phân minh trước, lúc nói lan man, đến khi đứng dậy người nghe không biết nói những gì. Đã định chủ ý rồi, bấy giờ mới viện lẽ tìm chứng, càng suy diễn được rộng, càng sưu tập được nhiều, càng như thêm vây cánh cho cái chủ ý của mình, nhưng bao giờ cũng phải quay về đó đừng để cho xa lạc mất đầu bài. Những chứng, những lẽ đó, tức là những tài liệu của bài diễn thuyết, mà những tài liệu này thời như trên kia đã nới, tùy mỗi thể mỗi khác. Tỉ như diễn thuyết về tài chính thời phải kê số mục cho nhiều, định tỉ lệ cho đúng, bằng chứng cho rộng, kết luận cho xác; lại như chống cãi trước tòa án thời phải dẫn chứng bên nguyên bên bị, cân nhắc bên lí bên tình, đàn đi hạch lại, phản phúc xoay vần, kiện nghĩa từng điều luật, biện bác từng lời khai, cốt phá cái nghi án của quan chưởng lí và chứng rằng kẻ bị cáo không đáng tội... - Phần "sáng ý" này là phần quan trọng nhất, vì chính là cải khung cái cất của bài diễn thuyết vậy.

Đã "sáng ý" rồi, nghĩa là đã đủ tài liệu rồi, phải xếp đặt cho có thứ tự, phô bày cho có tầng có lớp. Đó là phần "bố cục". Bố cục nghĩa là bày cuộc, như ra trận đặt thế quân, đánh cờ bày thế cờ vậy. Xét các sách "tu từ học" (thétorique) của Hy Lạp, La Mã cũ thời phép bố cục phải theo thứ tự như sau này: trước là “khai mào” (exorde), rồi đến "lập luận" và "phân đoạn" (proposition et division), rồi đến “tự thuật” (narration), rồi đến "dẫn chứng" (preuve ou confirmation), rồi đến "biện bác" (réfetation), sau hết đến “kết luận” (péroraison). Không phải bài diễn thuyết nào cũng phải có bấy nhiêu phần đâu; nhưng bài diễn thuyết hoàn toàn thời đại để phải bố trí theo thứ tự như thế. Khai mào là mấy câu giáo đầu; đại khái như cám ơn người nào hay là hội nào đã mời mình đến nới, chúc mừng ông nào hay vị nào đã chiếu cố lại nghe, hoặc dùng lời khiêm tốn mà nói nhũn rằng mình vô tài, xin người rộng thứ, hoặc kể những nông nỗi khó khăn thuộc về đầu bài mình phải diễn hay là cơ hội lúc bấy giờ v.v… Cách giáo đầu là tùy người tùy cảnh vạn trạng thiên hình, không thể sao nói cho xiết được. Có khi người diễn thuyết đột ngột bắt đầu nói: "Tôi xin vào đầu ngay, không dám theo thói thường dùng lời giáo đầu dềnh dang vô ích để mất thì giờ của các ngài v.v.", ấy thế cũng là một cách giáo đầu giản dị vậy.

- Lập luận hay là mệnh đề, là đề xướng đầu bài lên, và nói qua ý mình định "trị" ra phương diện nào. Phần này không cần nói dài, cất là trình bày vấn đề cho rõ ràng, cho người nghe biết rằng câu hỏi như thế là ý mình định trả lời ra thế nào. Bất tất phải nói ngay câu trả lời, nên để về phần kết luận; chỉ nên chỉ qua ý mình định giải quyết ra phương diện nào mà thôi.

- Vấn đề nào cũng có thể phân ra nhiều đoạn, có phân đoạn thời mới giải thích được rõ ràng, nếu cứ để hồn nhiên thời khó lòng xét đoán được hết các mành mối. Phân đoạn nghĩa là chia đầu bài ra nhiều đoạn rồi dưới cứ trục đoạn mà xét lần.


- Đã là phân đoạn rồi, phải tự thuật, nghĩa là cứ theo từng đoạn mà kể hết các việc các lẽ thuộc về mỗi đoạn. Tự thuật cất lấy rõ ràng. Kể việc thời phải có đầu đuôi, thuyết lí thời phải có mạch lạc.

- Nhưng mà những lẽ việc thuật ra đó, ví cứ nói không, không có chứng cớ, thời có khi người ta cho là tự mình cấu tạo ra, không có giá trị gì. Vậy thời tự thuật xong lại phải dẫn chứng. Dẫn chứng càng rộng càng hay, nhưng cốt phải cho thiết với việc mình nói, lẽ mình bàn. Nếu lẽ đã tự nhiên rõ ràng, việc đã hiển nhiên đích xác rồi, thời bất tất phải dẫn chứng làm chi cho rườm. Nhưng việc còn có thể hồ nghi được, lẽ còn có chỗ chưa xác đáng, thời bao giờ cũng phải dẫn chứng: “nói có sách, mách có chứng”, câu ấy đối với việc diễn thuyết lại là cần lắm, vì có thế mới khỏi cái tệ thanh đàm vu khoát và khiến được người nghe phải phục phải cảm.

- Trong khi dẫn chứng thời chắc là chỉ viện những việc những lẽ giúp được cho cái thuyết của mình, nhưng cũng có khi gặp những lẽ những việc trái lại, thời phải thừa cơ mà biện bác ngay, phá cho tan, diệt cho hết. Bằng không thời cũng phải dự phòng hoặc có người phản đối mình mà tự mình giả thiết ra một cái thuyết trái lại để ra tay mà phản đối lại trước. Như thế là giữ thế thủ mà phải biết dùng thế công vậy.

- Lẽ mình đã phát minh, lẽ mình đã biện bác, thế là cái thuyết của mình đã vững vàng rồi. Bấy giờ phải kết luận, nghĩa là gồm cả đại ý bài diễn thuyết lại bằng mấy câu hùng hồn cảm động, khiến cho người nghe phải kích thích mà lưu tâm chú ý vào lời kết toàn thiện. Dù đầu bài tầm thường giản dị thế nào, đến đoạn sau cùng này cũng phải có mấy câu văn chương cao cảm thời mới nổi. Nói suốt từ đầu tới cuối khác nào như trèo lên ngọn núi, dù cao, dù thấp, đến chỗ kết cũng là nơi tuyệt đỉnh, tới đó phải bao quát được cả con đường đã trải, nhìn rộng được khắp cảnh vật chung quanh vậy.

Bố cục về diễn thuyết cũng như là dàn bài về văn chương. Dàn bài rồi thời phải hành văn, bố cục rồi thời phải “lập từ”; lập từ tức cũng là một cách hành văn. Lập từ nghĩa là đặt lời nói, phô những ý kiến, những sự thực mình vừa kết tập bố trí ở trên ra lời nói, phần này cũng quan trọng lắm, cứ lấy biểu diện mà xét có lẽ lại quan trọng hơn hai phần trên nhiều. Vì dẫu tư tưởng tầm thường, bố trí không khéo, mà đặt lời hay, phô diễn đẹp, thời thế nào cũng nói được, người nghe không sành vị tất đã nhận ra nơi khuyết điểm, người sành bất quá cho là một cách ngụy biện, mà cuộc diễn thuyết không khi nào đến phải thất bại. Chứ như có tư tưởng hay, biết xếp đặt khéo, mà nói ra không đạt thời nguy lắm. Bởi thế nên có người có học vấn, có tri thức mà đến khi lên diễn đàn không khỏi ngập ngừng lúng túng; có kẻ học thức tầm thường mà hễ mở miệng nói là nói hoạt như không, dẫu tế nhận ra từng câu không có ý tứ gì lỗi lạc, nhưng nghe nói dễ dàng trôi chảy như thế, người nghe cũng phải vui tai. Đó là một cái tài đặc biệt, một cái khiếu tự nhiên, người nào có là may, người nào không cũng là một sự thiệt. Người nào có khiếu thông hoạt riêng ấy là người có tư cách về nghề diễn thuyết, nếu biết luyện tập khéo thời dễ trở nên một tay biện sĩ giỏi. Người nào không có khiếu ấy thời có học tập cũng có thể bổ cứu được ít nhiều. Tục truyền rằng Démosthène là tay hùng biện đại danh ở Hy Lạp đời xưa, thuở nhỏ nói ngọng và giọng yếu lắm, thật không có tư cách về nghề biện thuyết; vậy mà ông hết sức tập luyện, ngày đêm chép đi chép lại những bài văn diễn thuyết cũ của các danh nhân thời trước, có khi hàng tháng không ra khỏi cửa nhà; người ta lại nói ông thường ngậm sỏi vào miệng ra đứng ngoài bờ biển, hô hào trước sóng, cho kì tiếng mình át được tiếng sóng, để tập cho quen những tiếng ồn ào ở nơi công chúng. Có kẻ ghen ghét ông nói rằng mỗi bài diễn thuyết của ông như có mùi dầu, có ý chê rằng ông chẳng tài giỏi gì, chẳng quả là chịu khó thức đêm, cặm cụi dưới đèn mà mài rửa từng câu mà thôi. Ông trả lời rằng: "Phải tôi chịu khó thức đêm, nhưng thiết tưởng cái thức đêm của tôi với cái thức đêm của thiên hạ cũng có khác nhau" - Coi chuyện đó thời biết rằng nghề diễn thuyết có tập cũng có hay vậy.

Nay nói về lập từ thời cứ theo các sách Tây, thường chia lời văn diễn thuyết ra làm ba lối: một là văn giản dị (style simple), hai là văn bình hòa (style tempére), ba là văn cao nhã (style sublime). Văn giản dị là văn nói những sự tầm thường, cốt lấy rõ ràng vỡ vạc, không cầu văn chương gì. Văn bình hòa và lối không cao không thấp, vừa phải trung bình, không vụ lấy diễm lệ quá mà thành ra cầu kì, nhưng cũng không để cho sỗ sàng quá mà thành ra bỉ lậu, cốt lấy hòa bình ôn nhã làm đầu. Phàm là văn diễn thuyết nên tập lối này là hơn cả. Đến văn cao nhã là lối cao thượng hùng hồn, dễ cảm động kích thích người ta; lối này phải cho tự nhiên, nếu cố ý làm ra hùng hồn thời không hay. Đại để ba lối đó không phải cách biệt nhau, trong một bài có thể gồm cả ba lối được, phải tùy nghi mà tham dụng, cốt là cho hợp với ý hợp với cảnh vậy.

Sáng ý, bố cục, lập từ là ba phần cốt yếu trong nghệ thuật diễn thuyết. Nhưng nhà diễn thuyết đứng trên diễn đàn khác nào như con hát đứng trên sân khấu. Con hát trước khi ra đóng tuồng phải thuộc cái vai của mình, lại phải tập những dáng bộ thuộc về vai ấy. Nhà diễn thuyết tuy không phải múa may quay cuồng, reo hò dậm dật như con hát nhưng cũng cần phải thuộc bài, cũng cần phải có bộ. Cho nên ngoài ba phần sáng ý, bố cục, lập từ có người lại thêm hai phần kí ức và cử động nữa. Kí ức là nhớ, là thuộc; cử động là bộ, là dáng. Đương khi diễn thuyết, chợt quên đi mất, thật là nguy hiểm; lại trong lúc diễn thuyết, ngời trơ như gỗ, không nhích không động, hay là cứ cắm cổ mà đọc như người tụng kinh, cũng là khó coi quá. Bởi thế nên kí ức và cử động hai phần đều là cần cả.

Nói về kí ức thời có một vấn đề khó giải cho các nhà diễn thuyết, là diễn thuyết có nên viết sẵn trước, hay là để ứng khẩu? Viết sẵn trước thời nên cầm giấy đọc hay là đọc thuộc lòng? Vấn đề này không giải quyết nhất định được, phải để tùy tài của mỗi người: có người có viết sẵn mới nhớ được, có người hễ lâm thời ứng khẩu ngay. Nhưng các nhà làm sách đều khuyên rằng dẫu những nhà có tài ngôn ngữ cũng không nên thi tài quá, và phàm diễn thuyết bao giờ cũng phải sửa soạn trước cho cẩn thận, hoặc là viết sẵn cả bài mà học thuộc lòng trước, hoặc là viết những phần cốt yếu, còn những câu đưa đẩy thời lâm thời ứng khẩu, hoặc chỉ xếp đặt đại ý, rồi đến lúc ra nói mới tùy thời đặt câu; nhưng dù theo cách nào cũng phải thuộc đầu bài cho kĩ, nếu không viết ra thành câu cũng phải sắp sẵn trong trí trước, không nên để cho đến lúc nói phải lúng túng tìm câu hay là mập mờ quên ý. Cách học thuộc lòng tuy là chắc hơn nhất, nhưng cũng nhiều khi gặp sự bất ngờ, như đương nói nửa chừng, quên bẵng đi mất, mà phàm đã quên như thế tất phải ngơ ngác một lúc, không thể đặt liền câu khác mà thay ngay vào được. Cho nên nhà diễn thuyết bao giờ cũng phải tập biết ứng khẩu, và cách hay hơn nhất là vừa thuộc lòng vừa ứng khẩu, thuộc lòng những câu cốt yếu, ứng khẩu những câu đưa đẩy, lợi dụng cả kí ức, cả trí tuệ, hai bên bổ trợ cho nhau. Còn cách dụng kí ức, thời không nên học thuộc lòng từng câu từng chữ, phải nên nhận kĩ mạch lạc ý tứ, câu dẫu có quên còn có thể đổi, mạch mà đã đứt thời khó nối vậy.

Nói đến cử động thời người diễn thuyết phải có cái thái độ hoạt bát, tuy không phải vận động như người mần tuồng, nhưng không nên trơ trơ như cái tượng gỗ. Dù nói gì cũng phải có dáng bộ linh lợi, như nói câu nào có cảm câu ấy, vui thời nét mặt tươi cười, buồn thời nét mặt rầu rầu, tức giận thời dậm chân dằn tay, cảm kích thời hình dung tĩnh túc; cãi lẽ thời hăng hái, phân giải thời ôn tồn, nói đùa thời tủm tỉm, nói mát thời lặng lẽ v.v… Nói tóm lại người diễn thuyết phải dùng cử động để giúp cho lời nói có ý vị, có tinh thần thêm cho lời nói được mạnh mẽ, được cả quyết. Người diễn thuyết chỉ khác cái máy nói là có cử động linh hoạt vậy.

IV

Trở lên là những phương pháp của các học giả Thái Tây đã kinh nghiệm thuộc về thuật biện thuyết. Nay xin nói qua mấy câu về các lối diễn thuyết. Theo các sách cũ Hy Lạp La Mã thời chia diễn thuyết ra ba lối: một là lối "chỉ biện" (genre demonstrutif), hai là lối "nghị biện" (genre délibératif), ba là lối "án hiện" (genre judiciaire). Các học giả giải nghĩa lối chỉ biện là thuộc về hiện tại, vì là chỉ thị những việc hiện thời, như khen chê người này kẻ khác, bình phẩm sự nọ sự kia; nghị biện là thuộc về tương lai, vì là bàn bạc trù tính những việc về sau; án biện là thuộc về quá khứ, vì là biện về những việc đã qua rồi để nghĩ án thế nào. Song cách phân loại này, tùy thuộc về cổ điển, mà xét ra không khỏi hơi miễn cưỡng, không lấy gì làm xác đáng. Theo các học giả đời nay thời chia ra năm lối như sau này: một là diễn thuyết về chính trị (éloquence politique ou de la tribune), hai là diễn thuyết về quân sự (éloquence militaire), ba là diễn thuyết về tôn giáo (éloquence de la chaire), bốn là diễn thuyết về việc án hay lối hộ biện (éloquence du barreau), năm là diễn thuyết về văn học (éloquence académique).

Diễn thuyết về chính trị ngày nay phần nhiều là diễn thuyết ở các nơi nghị viện về các việc chính trị trong nước. Lối này chỉ ở các nước dân chủ hay lập hiến, người dân có quyền cử người thay mặt để tham dự việc nước mới thịnh hành, còn ở những nước quân chủ chuyên chế hay là những nước không có quyền chính trị, thời cổ lai không bao giờ có. Bởi vậy nên đời xưa, trừ Hy Lạp, La Mã theo chính thể cộng hòa, còn suốt trong thế giới không nước nào từng có lối diễn thuyết này. Ngày nay thời khắp các nước âu Mĩ và những nước duy tân ở Á châu đều có nghị viện cả, cho đến những nước còn giữ chính quyền chuyên chế, hay là đã mất quyền tự chủ, hiện cũng đặt những hội tư vấn, viện cố vấn để hỏi han về việc chính trị. Song điều cần thứ nhất cho lối diễn thuyết này thịnh hành được là trong nước phải có quyền ngôn luận tự do.

Nếu nói tất phải dùng lời xu mị, bàn không được biện đến hết lẽ, thời nghề biện thuyết không đời nào phát đạt được. Nay lối diễn thuyết về chính trị ngày nay có khác ở Hy Lạp, La Mã đời xưa nhiều; ở hai nước ấy thời người diễn thuyết đứng ngay chỗ thị tứ, nói trước mặt công dân, nên cách biện thuyết cần phải hùng hồn mạnh bạo mới cảm kích được công chúng; ngày nay thời ông nghị viện bước lên diễn đàn là nói cho các ông nghị viện khác là những người đồng bối mình nghe, và thường khi là nói riêng về một vấn đề gì, trình bày ý kiến riêng của mình, mong cho các bạn đồng viện thuận nhận mà chịu theo, như vậy thời phạm vi có hẹp hơn mà nghị luận lại khó hơn xưa nhiều. Cho nên những tay biện thuyết giỏi về chính trị đời nay toàn là những nhà chính trị trứ danh cả, chưa từng thấy người nào không sành việc nước, chỉ ngôn ngữ giỏi, mà ra nơi nghị trường khiến cho người ta cảm phục được.

Diễn thuyết về quân sự thời ngày xưa quân đội còn ít, các tướng thường có dịp đứng hiểu dụ cho quân sĩ, như vua Napoléon trước khi ra trận hay sau khi khải hoàn thường thân hành diễn thuyết cho ba quân.

Nhưng ngày nay quân đội càng ngày càng nhiều, mỗi một sư đoàn quân đoàn kể hàng mấy nghìn mấy vạn con người, không vị tướng súy nào có tài có sức mà nói cho bấy nhiêu người nghe khắp được. Cho nên ngày nay các bậc tướng tá có việc gì bá cáo cho quân nhân thời thường dùng bằng tướng lệnh. Tướng lệnh tuy là lời viết nhưng chủ để tuyên đọc lên, nên cũng là thuộc về thể diễn thuyết. Tướng lệnh truyền tự quan nguyên súy xuống, chuyển đi khắp các quân, các lữ, các đội phải tuyên đọc cho quân sĩ nghe, khác nào như đem cái can đảm, cái nhuệ khí, cái lòng danh dự, cái chí quyết chiến của ông chủ tướng mà truyền khắp trong ba quân vậy. Người ta nới rằng đạo tướng lệnh của quan Thống tướng Joffre hồi được trận sông Marne, lời hùng hồn, ai đọc cũng phải cảm. Đại để lời văn tướng lệnh phải cho mạnh mẽ, nói thẳng như tên bắn, vắn tắt như lệnh truyền. Tương truyền tướng La Rochejacquelein, hiểu dụ cho quân sĩ có câu rằng: “Ta tiến, theo ta; ta lùi, giết ta; ta chết, báo thù cho ta”. (Si j’avance, suivez-moi; si je recule, tuez-moi; si je meurs, vengez-moi). Ấy lời diễn thuyết cho quân sĩ phải quả quyết mạnh bạo như thế. Nước ta có bài hịch của Đức Trần Hưng Đạo, tức là một bài văn diễn thuyết về quân sự tuyệt bút.

Diễn thuyết về tôn giáo là các bậc sĩ giáo diễn ở các nơi giáo đường, thường thường giảng về thần học, về đạo đức bí này ở các nước Âu châu, nhất là nước Pháp, đời nào cũng thịnh hành lắm. Các độc giả chắc ai cũng biết tên giám mục Bossuet là một tay biện sĩ tuyệt luân vẽ thế kỉ thứ 17 và có lẽ suốt cả cổ kim vậy. Lối này phải cao nghiêm chỉnh túc, hay dẫn chứng các thánh kinh giáo điển; dù bàn về lẽ tôn giáo, dù dạy về đạo sửa mình, dù kích động lòng từ bi bác ái, dù khuyên nhủ kẻ ngoan đạo quy y, bao giờ lời điện cũng phải có một cái dư vận cao xa khiến cho người nghe có cảm giác như Thần minh Thượng đế lâm giáng đâu trên đầu vậy.

Diễn thuyết về việc án là lối biện thuyết ở trước nơi pháp viện, như quan tòa hạch tội, thày kiện chống cãi. Nhưng thường thường là chỉ riêng lối hộ biện, nghĩa là lối biện thuyết của thày kiện, nên tiếng Pháp gọi là éloquence du barreau. Lối này đời nay thịnh hành lắm và có nhiều tay trứ danh lắm. Phần nhiều những nhà chính trị có tiếng đều là những tay thày kiện giỏi cả; có thể nói rằng pháp viện và nghị viện là hai cái trường sở lớn của những tay hùng biện đời nay. Lối này tùy mỗi việc mỗi khác, không thể gồm một câu mà giải thích được và những việc đem ra trước tòa án thời biết bao nhiêu mà kể, nhỏ từ việc láng giềng tranh nhau bức tường, vừa như việc vợ chồng kiện nhau li hôn, lớn đến việc án mạng trộm cướp, nhà hộ biện phải tùy từng việc mà thi cái tài biện thuyết của mình, khi thời bình thường giản dị, khi thời cảm kích phẫn nộ, khi thời đối đáp từng câu, khi thời năn nỉ van vỉ, cốt làm cho quan tòa phải xiêu lòng, người nghe phải cảm động. Nhất là những cuộc hộ biện ở các tòa án đại hình nhiều khi xuất sắc lắm, vì ở các tòa đại hình; ngoài quan tòa lại có người thường làm bồi thẩm, nên nhà hộ biện có thể dùng nhiều thuật khôn khéo để cảm động, chứ ở các tòa khác thời chỉ thuần quan tòa nghe lắm đã quen đi rồi, nhà hộ biện viện luật cãi lẽ mà ít khi có dịp hùng biện được.
Diễn thuyết về văn học là diễn thuyết ở các trường học hội văn. Lối này đời nào cũng thịnh hành, và cốt ở lời đẹp ý hay. Diễn về chính trị cần phải sành sỏi, về việc án cần phải đanh thép, về quân sự cần phải mạnh bạo, về tôn giáo cần phải cẩn nghiêm, mà về học thuật văn chương thời vụ lấy cao nhã làm đầu. Người nói thường là tay bác học năng văn, người nghe cũng phần nhiều là kẻ có học thức cả, nên lối diễn thuyết này phải có văn chương, có triết lý. Không phải tranh quyền lợi gì, không phải định phải định trái chi, không phải phấn khởi kích thích, không phải dẫn dụ khuyên răn, chỉ đem những tư tưởng hay, sự tích lạ, phô diễn ra lời văn đẹp để cho vui tai khoái trí người ta, cho nên ít trọng hùng hồn mà chuộng diễm lệ, ít ưa mạnh bạo mà ưa tinh tế. Như ở nước Pháp thời cho cách nói "lịch sự" không gì bằng những bài diễn thuyết ở hội Hàn lâm (Académie Francaise). Lệ trong Hội hễ ông Hàn nào mới được bầu thời phải đọc bài diễn thuyết cảm ơn Hội và khen ông cũ mình đến thay; Hội lại cử một ông ra đáp lại; hai bài đều soạn từ trước, phải cho văn chương chải chuốt, ý tứ cao xa, thứ nhất là lời khen lời chê điều hòa cho khéo, phẩm bình cho xác đáng mà vẫn phải giữ lệ như nhặn.

Cho nên mỗi lần Hội Hàn lâm làm lễ đón ông hàn mới, các bậc sang trọng ở thành Paris thường coi là một thịnh điển và đua nhau đến nghe diễn thuyết đông lắm. Các bài giảng nghĩa ở những trường Đại học cũng thuộc về lối diễn thuyết này. Có nhiều ông giáo trường Đại học giảng hay lắm, không kém gì diễn thuyết ở Hội Hàn lâm. Người ta nói rằng ông giáo Ernest Lavisse năm xưa dạy khoa Sử học ở trường Đại học Paris, mỗi lần đăng đàn diễn thuyết, người ta nghe lấy làm khoái trá lắm, vì cách bố trí chỉnh tề như đội quân đương trẩy, lợi cổ động hùng tráng như hiệu kèn gọi quân, khiến cho ai nghe cũng phải kích động tấm lòng ái quốc. Như vậy thời lối diễn thuyết này tùy đầu bài, tùy người diễn, cũng có khi hùng hồn, không những là diễm lệ mà thôi.

V

Ấy phương pháp về nghề biện thuyết và các lối diễn thuyết ở các nước Thái Tây đại lược như thế. Coi đó thời biết các nước văn minh lấy nghề này làm trọng là dường nào. Người ta nói diễn thuyết là một lợi khí của văn minh, thật quả như thế. Văn minh truyền bá được mau, nhờ học đường, nhờ báo quán, cũng có nhờ diễn thuyết một phần to, và có lẽ trong ba cái lợi khí đó, diễn thuyết lại là tiện dụng hơn cả. ở một nước mới bắt đầu khai thông như nước ta, ba cái lợi khí đó càng phải cần dùng lắm, để giúp cho việc cải lương trong nước, sự giáo dục quốc dân. Hiện nay báo quán, học đường ta đã có, nghề diễn thuyết ta cũng phải tập mới nên. Đã hay rằng khoa ngôn ngữ là tài riêng của mỗi người, nhưng dẫu người có tài cũng phải tập thời đem ra ứng dụng mới có hiệu lực. Nước ta thiếu gì những người có tài ngôn ngữ giỏi, nhưng ít tập, vả cũng ít có dịp nói, nên không lộ được tài ra. Nay ở các tỉnh lớn đâu đâu cũng có những hội nọ hội kia, tức là những chỗ để cho người mình tập lấy nghề diễn thuyết. Dẫu không có hội sở nào, mà trong đám anh em dăm mươi người ngồi với nhau, cũng có thể mở ra một cuộc diễn thuyết nhỏ được.

Không phải là đã tập đâu được những lối diễn thuyết hùng hồn như ở các nước Âu Tây, nhưng trước hẵng tập lấy cái thói quen bất cứ nói việc gì cũng nới được có đầu có đuôi có liên tiếp, cho vỡ vạc, cho phân minh, tưởng nghề diễn thuyết, không kể cái tài riêng của mỗi người tô điểm thêm vào, rút lại chỉ có thế thôi, và như thế thời người nào dụng tâm cũng có thể học tập được, dẫu không thành một tay hùng biện, cũng đủ tư cách nói được ở chỗ công chúng để đối phó với những cơ hội thông thường ở đời.

Danh sĩ nước Pháp Pascal có nói rằng: “Có người nói giỏi mà viết không hay. Là bởi vào chỗ đám đông, trông thấy nhiều người, như hăng hái người lên, tinh thần thành ra minh mẫn hơn lúc bình thường”.

Người nào như thế thời tập nghề diễn thuyết dễ và mau lắm. Tưởng chỉ phải châm chước mà theo những điều đại cương như trên kia đã nói về sự sáng ý, sự bố cục sự lập từ, v.v… là đủ không cần phải kì khu cho lắm, vì diễn thuyết cũng như làm văn, càng có vẻ tự nhiên càng hay. Đã có tư cách nói được, thời chỉ cốt tập lấy cho có ý kiến chính đáng, tư tưởng dồi dào mà thôi. Nhà diễn thuyết cũng như nhà làm văn, trước khi viết, trước khi nói, phải có tư tưởng, đã tư tưởng chín rồi thời không sợ nói không hoạt, viết không thông. Song, không phải là ai ai cũng có cái khiếu ngôn ngữ tự nhiên như thế. Nhiều người lại trái lại câu của Pascal, làm văn được mà nói không hay, hoặc vì tiếng nhỏ giọng yếu, hoặc vì nói lắp nói ngọng, phần nhiều là vì có tính thẹn cả, ra đến chỗ đông người thời hay bối rối, không có thần trí vững vàng mà nói cho hay được. Những người nào như thế thời có luyện tập cũng có bổ cứu được ít nhiều.

Hiện nay ở nước Pháp, có nhiều nhà bác học chuyên trị về khoa nhân thanh học (laryngologie), tìm được những phép chữa sửa tiếng nói người ta. Nghe đâu những phép ấy ứng dụng ra hiệu nghiệm lắm, nhưng muốn diễn giải cho tường phải là tay chuyên môn mới được, vậy kí giả không thuật lại đây làm gì, vì cũng không thuộc vào phạm vi bài này. Vả những người tiếng nói có tật như ngọng, lắp, chẳng qua là một số ít, còn những người thanh điệu bình thường, chỉ vì không quen nói nên nói không thạo thời là số nhiều. Nay những người ấy thời phải dùng phương pháp gì để luyện tập cho thành nghề diễn thuyết? Thiết tưởng không quen nói thời phải nên nói cho quen. Dù khi nói chuyện tầm thường cũng nên sửa sang lời nói, định kể một việc gì, diễn một ý gì, phải lựa dùng những tiếng cho thích đáng, đừng tưởng rằng câu chuyện thường mà không chú ý, vì cái thói quen nó nhiễm tự việc nhỏ mà đi. Người nói chuyện hoạt là người diễn thuyết giỏi. Vậy muốn tập diễn thuyết phải tập nói chuyện trước.

Hiện nay trong phái Tây học ở nước ta có một thói quen rất phương hại cho tiếng nói nước nhà: là trừ những câu nhật dụng thường đàm, động nói đến sự gì cao kiến một chút, thời dùng tiếng Tây; cũng có khi đương nói chuyện tiếng ta, đem pha ít nhiều câu tiếng Tây vào, thành ra một thứ tiếng bác tạp, rất là khó nghe. Như vậy thời tiếng Việt Nam ta bao giờ cho thành văn được, bao giờ dùng để diễn thuyết được? Thiết tưởng trừ khi giao thiệp với người Tây, còn người mình nói với nhau, chỉ nên dùng tiếng nước mình, không những dùng để nói những câu chuyện thường, phải dùng để nói những chuyện cao xa nữa, dẫu lúc đầu có không đủ tiếng dùng, hơi khó một chút, mà tập mãi thành quen, rồi có ngày thành dung dị. Tạo vật sinh ra mỗi giọng có một thứ tiếng riêng, mình nói một tiếng nước mình dầu vụng dại cũng còn hơn là nói tiếng nước ngoài. Nói thế không phải là khuyên người nước ta không nên dùng tiếng Pháp đâu. Nên ước ao rằng trong nước có nhiều những tay Pháp học cao thâm, để mà đem những tư tưởng học thuật của Pháp ban bố trong quốc dân, chẳng là giúp cho văn minh tiến hóa được nhiều dư? Nhưng muốn truyền bá văn minh học thuật của Pháp không thể dùng tiếng Tây mà truyền bá được, tất phải dùng đến tiếng ta, như vậy mà tiếng ta không chịu luyện tập thời dùng sao cho được việc? Động nói đến vấn đề tiếng Việt Nam là các nhà Tây học ta phàn nàn rằng tiếng Việt Nam nghèo lắm, không đủ dùng, dường như tư tưởng học thức của các bậc ấy cao xa siêu việt quá, nói ra tiếng mình không được? Nhưng giả thiết tiếng Việt Nam nghèo thật, thời lỗi ấy tại ai? Họ chẳng phải tại phái tân học ta đã túy tâm về tiếng Tây quá, đến nỗi nhãng bỏ hẳn tiếng nước mình, không biết bắt chước như người Nhật người Tàu ra công dịch thuật những tân thư ra quốc âm, để giúp cho tiếng nước nhà mỗi ngày một phong phú thêm lên.

Người Nhật Bản hồi mới duy tân cũng phải cái khổ thiếu tiếng như mình; nhưng phái tân học Nhật Bản là những người có chí, trong hại ba mươi năm trời gắng công cùng sức dịch hết những tân danh từ của Thái Tây ra tiếng mình, lúc đầu mới dùng cũng hơi lạ tai khó nghe một chút, không khỏi các nhà cựu học bĩu miệng chê bai, không khỏi những kẻ không biết làm thinh không thiết, nhưng dùng mãi thành quen, dần dần thành một thứ tiếng mới thông dụng suốt trong nước; không những thông dụng trong một nước Nhật Bản, mà vì lẽ đồng văn người Tàu đến sau cũng bắt chước để dịch thuật các sách mới. Vả lại cuộc đời mỗi ngày một thay đổi, thời tiếng nói cũng phải mỗi ngày một mới ra, mới đủ sự cần dùng. Ngay ở các nước Âu Tây, không ngày nào là không đặt ra những danh từ mới để chỉ những tư tưởng mới, sự vật mới. Huống nước ta về đường văn minh học thuật mới chửa có gì cả, nhất thiết như còn phải tân tạo hết, trách chi riêng ta còn chửa được hoàn toàn.

Nhưng phận sự bọn tân học chính là phải giúp công mà gây dựng cho tiếng nước nhà được hoàn thiện, để dùng làm cái lợi khí mà truyền bá những văn minh học thuật mới trong quốc dân. Hoặc giúp bằng văn chương, hoặc giúp bằng lời nói; giúp bằng lời nói tức là lối diễn thuyết. Diễn thuyết có cái sức mạnh thế nào, trên kia đã nói tường. Nay kết luận bài này, chỉ xin nguyện các anh em đồng chí ta nên lưu tâm chú ý mà tập dùng lấy cái lợi khí văn minh đó. Đương buổi bây giờ, phàm cái gì giúp được cho sự khai hóa trong nước, không nên bỏ phí. Tạo vật đã sinh cho người giống mình một thứ tiếng nói riêng, tiếng ấy tuy chưa được tốt đẹp cho lắm, nhưng đã kinh bao nhiêu đời đoàn luyện, cũng đủ dùng cho sự truyền bá tư tưởng trong một nước với nhau, ta họ lại nên khinh thường nhãng hộ mà không biết lợi dụng dư?

(1921)

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Quốc học với quốc văn

    01/07/2019Phạm QuỳnhBàn về quốc học không thể không nói đến quốc văn. Quốc học với quốc văn vẫn có quan hệ với nhau rất mật thiết. Nước ta sở dĩ không có một nền quốc học chân chính, phần nhiều là bởi không có một nền quốc văn xứng đáng.
  • Phạm Quỳnh và quá trình tiếp nhận văn hóa phương Tây ở Việt Nam đầu thế kỷ XX

    25/03/2018Vương Trí NhànKhi một người có hoạt động thực sự trên lĩnh vực văn hoá, trở thành có đóng góp về văn hoá, người đó nhất thiết phải có tình cảm tốt đẹp và sâu sắc với dân tộc, với đất nước. Ấy là niềm tin đến với chúng tôi khi lần giở lại Nam Phong. Nó cũng là nhân tố giúp chúng tôi yên tâm khi tìm hiểu những đóng góp của Phạm Quỳnh...
  • Con người không chỉ cần sống

    09/01/2018William FaulknerBi kịch của đời tôi trước kia là: mọi người đều sợ sự đau khổ về thể xác nhưng thời gian lâu dần thì sự sợ hãi đó cũng trở nên quen hơn, mà mọi người lại tập trung vào sự đau khổ về tinh thần, họ luôn nói rằng: Liệu đến bao giờ mình sẽ bị nổ tung đây?
  • Bài diễn thuyết khi từ giã cõi đời

    23/07/2017Emocito (lceland)Emocito (1780 - 1803) là người lceland. Năm 18 tuổi ông tham gia phong trào đấu tranh cách mạng giành độc lập dân tộc. Nhưng do bị bức hại nên Emocito đã phải chạy sang Nga. Năm 1803 ông về nước, tiếp tục phản đối chủ nghĩa đế quốc của Anh. Năm 23 tuổi Emocito đã hy sinh một cách anh dũng. Đây là bài diễn thuyết Emocito trình bày tại tòa án trước khi bị tòa tuyên án tử hình.
  • Bài diễn thuyết bằng chữ quốc văn

    17/06/2016Phạm QuỳnhBan Văn học Hội Khai Trí chúng tôi muốn nhân ngày giỗ này đặt một cuộc kỉ niệm để nhắc lại cho quốc dân nhớ đến công nghiệp một người đã gây dựng cho quốc âm ta thành văn chương, để lại cho chúng ta một cái "hương hỏa" rất quý báu, đời đời vẻ vang cho cả giống nòi.
  • Barack Obama và giấc mơ đã… trở thành hiện thực

    22/05/2016Một số người sinh ra đã ở trong cung điện. Một số khác được định mệnh cho sung sướng ở trong lâu đài. Nhưng chỉ có vài người "sinh ra" trong trí tưởng tượng, nằm ở bên ngoài những tiền lệ của lịch sử và những niềm hy vọng. Barack Obama là một trong số đó...
  • Bàn phiếm về văn hóa Đông Tây

    26/01/2016Phạm QuỳnhTừ ngày Đông phương và Tây phương giao tiếp nhau thân mật đến cảm hóa lẫn nhau về đường tinh thần, đường tri thức, những bậc đại trí trong thiên hạ để ý nghiên cứu về vấn đề ấy cũng đã nhiều. Nhưng vì cái phạm vi nó to rộng quá, nên chửa ai xem được khắp và xét đến cùng. Đem Đông phương và Tây phương đối nhau, tựa hồ như hai cái khối hồn nhiên đem ra so sánh...
  • Bàn về quốc học

    23/11/2009Phạm QuỳnhQuốc học không phải là một vật có thể giấu giếm đi được hay là cần phải tìm tòi mới ra. Nếu quả có thật thì nó sờ sờ rõ rệt ra đó, ai còn chối được, mà phải đến người nọ nói có, người kia nói không!
  • Trái đất đang quay

    04/11/2009GalileGalile (1564 - 1642) là một nhà vật lý người Italia, ông là người đặt nền móng cho ngành vật lý cận đại. Do ông là người tích cực tuyên truyền cho học thuyết “Mặt trời là vũ trụ” của Copecnic nên ông đã bị triều tính giáo hội bức hại. Ông có hai tác phẩm lớn đó là “Cuộc đối thoại giữa hai hệ thống thế giới có liên quan đến Claudius Ptolemeus và Copecnic” và “Đối thoại về động lực học và sự vận động cục bộ”. Đây là bài diễn thuyết rất có sức thuyết phục về thuyết coi “Mặt trời là vũ trụ” của ông được thực hiện vào năm 1632.
  • Văn minh luận

    21/10/2009Phạm QuỳnhVăn minh là đối với dã man. Chữ “văn minh” là một chữ mới. Tuy trong kinh Dịch đã có câu, nhưng dùng theo nghĩa mới để dịch chữ Tây civilisation thời mới bắt đầu tự người Nhật Bản. Người Nhật dùng trước (đọc là bunmei), người Tàu theo sau, rồi người ta bắt chước, ngày nay thành một chữ rất thông dụng.
  • Diễn văn đọc trước Viện dân biểu Trung Kỳ ngày 1.10.1928

    18/09/2009Huỳnh Thúc KhángĐến kì hội thứ ba này, chúng tôi nghĩ rằng, cái quyền thi hành là tự chính phủ, còn về phần chúng tôi, nhà nước đã cho nhân dân cử ra mà tham chất đôi chút ý kiến về công việc trong xứ, thì thấy những lợi tệ trong nhân dân điều gì, đem bày tỏ cùng chính phủ điều ấy. Ấy là chức trách của chúng tôi, mà thủy chung vẫn đứng trong vòng trật tự cả. Vậy nhân ngày khai hội này, chúng tôi xin đem lòng thành thực bày tỏ mấy điều như sau này:
  • Phạm Quỳnh - Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922-1932

    08/08/2009Cái văn bản Phạm Quỳnh mấy chục năm qua đã thoát hình hài trần thế để được thoả sức yêu cái đẹp thiên giới, nơi đó không còn triết học và thực dụng, không còn lo âu và toan tính, không còn ảo tượng và vỡ mộng. Văn bản đó sẽ để lại trong lòng người những tác phẩm như thế nào đây? Điều đó hoàn toàn là của riêng bạn đọc. Mấy lời giới thiệu phiến diện này cũng chỉ là một trong vô vàn tác phẩm mà thôi.
  • Khái luận về văn minh học thuật nước Pháp

    04/07/2009Phạm QuỳnhVăn minh học thuật một nước là tiêu biểu cho tinh thần nước ấy. Tinh thần ấy phát hiện ra nhiều cách, nhưng rút lại có mấy cái đặc tính nó phân biệt nước ấy với các nước khác, khiến cho nước ấy có một cái hình dạng riêng trong vạn quốc, một cái địa vị riêng trong thế giới.
  • Phạm Quỳnh (1892 - 1945)

    29/06/2009Một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn. Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu...
  • Nguyễn An Ninh – một nhà báo thần tượng

    26/06/2009Lê Minh QuốcKỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và nhân sự kiện NXB Văn Học và trung tâm Nghiên cứu quốc học chuẩn bị xuất bản bộ sách Nguyễn An Ninh - tác phẩm dày 1.300 trang (ảnh), xin giới thiệu bài viết của nhà biên khảo Lê Minh Quốc về thần tượng một thời của thanh niên Việt Nam này
  • Nghĩa vụ của nhà làm báo

    19/06/2009Phạm QuỳnhNhà báo vừa tiêu biểu mà vừa tạo thành ra dư luận trong một nước. Ai nói đến báo là nói đến dư luận, ai hỏi đến dư luận là tìm đế báo, báo với dư luận, dư luận với báo là lần lót, là hình ảnh cho nhau, là tinh thần là hình thức của nhau vậy.
  • Mảnh đất tự do của những nhà giáo dục

    20/11/2008Lương Khải SiêuNhững vị ngồi đây hôm nay có đến quá nửa đang là những nhà giáo dục hoặc trong tương lai sẽ là những người tiến thân bằng con đường giáo dục. Tôi muốn nói với các bạn một chút về những ưu điểm mặc biệt của ngành giáo dục và những cách để làm sao cho mình được thông dụng...
  • Tôi có một ước mơ

    18/11/2008Mục sư Martin Luther King (Mỹ)Bài diễn thuyết này được Martin Luther King đọc vào ngày 28 tháng 8 năm 1963 cho hơn 25 vạn người nghe tại thành phố Wasington. Nơi diễn thuyết là trước cửa nhà tưởng niệm Lincoll...
  • Để trở thành diễn giả có sức thuyết phục

    01/01/1900Hồng HàTheoLarryTracy, tác giả của nhiều cuốn sách The shortcut to persuasive presentations (tạm dịch: Học thuyết cách diễn thuyết có sức thuyết phục) thì mục đích của tất cả các cuộc diễn thuyết là thuyết phục người nghe phải tin vào một vấn đề nào đó. Muốn vậy, bạn có thể làm theo sáu bước dưới đây để đạt được thành công và trở thành một diễn giả giàu sức thuyết phục
  • Ôi, hội thảo !

    27/04/2006Hương LanTại sao chưa ai nghĩ tới một hội thảo về cách thức tổ chức hội thảo và tác phong tham dự hội thảo thế nào cho nghiêm túc, hiệu quả nhỉ? Nên lắm chứ!
  • xem toàn bộ