Đúng 8 giờ, giờ VN, ngày 27/9/2016 hai ứng viên Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2017-2022 Hillary Clinton (Đảng Dân chủ) và Donald Trump (Đảng Cộng hòa) trực tiếp đối thoại tranh luận trên truyền hình phát trực tiếp tới tất cả các tiểu bang trên toàn liên bang.

Màn tranh luận đối đầu trực diện này được đánh giá là đóng vai trò then chốt trong chặng nước rút cuộc đua vào chiếc ghế quyền lực nhất Nhà Trắng và là cuộc quyết đấu lịch sử với số lượng khán giả ước tính lên tới 100 triệu người trên khắp thế giới.

Đúng 8h, cuộc tranh luận vừa bắt đầu tại khán phòng của Đại học Hofstra, ngoại ô thành phố New York. Màn tranh luận này sẽ kéo dài 90 phút, chia nhỏ làm 6 phần mỗi phần khoảng 15 phút, do Nhà báo Lester Holt làm người điều phối.

Trong mỗi phần, người điều phối sẽ đặt ra câu hỏi, hai ứng viên sẽ có 2 phút cho mỗi người để trả lời trọng tâm vào câu hỏi đó. Sau đó thì họ có thể đối đáp thêm với nhau.

Ba chủ đề chính của cuộc tranh luận gồm "Hướng đi của nước Mỹ", "Đạt được thịnh vượng" và "Bảo vệ nước Mỹ".

Câu hỏi đầu tiên được người điều phối đặt ra cho bà Clinton: “Hãy giải thích vì sao bà lại là sự lựa chọn tốt hơn trong việc tạo công ăn việc làm và tăng nguồn thu nhập cho người lao động Mỹ?”.

Ứng viên Tổng thống Mỹ Cliton bắt đầu bằng một câu hỏi: “Chúng ta sẽ trở thành một quốc gia như thế nào? Tôi muốn đầu tư vào các bạn. Tôi muốn đầu tư vào tương lai”. Bà Clinton khẳng định bản thân có thể giúp cho nền kinh tế trở nên công bằng hơn. Với cách diễn đạt khá điềm đạm, cựu Ngoại trưởng Mỹ một lần nữa khẳng định các chính sách về ngày nghỉ ốm, dịch vụ chăm sóc trẻ em và chia sẻ lợi ích công bằng.

Đến lượt ông Trump phản pháo. Theo ông Trump, nước Mỹ đang mất đi nhiều cơ hội việc làm. Nhiều doanh nghiệp tới Mexico, nơi có mức thuế rẻ hơn để xây dựng nhà máy và tạo ra nhiều việc làm ở nước khác, chứ không phải nước Mỹ. Vì thế, chính sách của ông Trump là giảm mạnh mức thuế doanh nghiệp. Ông Trump cũng bày tỏ mối lo ngại xung quanh vấn đề giao dịch thương mại với Trung Quốc.

Đáp lại, bà Clinton nhấn mạnh: “Nước Mỹ chiếm 5% dân số thế giới, và cần phải giao thương với 95% còn lại. Tuy nhiên, chính sách của ông Trump về thương mại sẽ làm tổn hại tới kinh tế Mỹ”.

Bà Clinton nhận định: “Donald Trump là một người gặp nhiều may mắn trong cuộc sống, và ông ấy được hưởng lợi từ việc đó. Ông ấy vay của cha mình 14 triệu USD và thực sự tin tưởng rằng càng giúp đỡ người giàu, bạn càng trở nên giàu có hơn”. Trong khi đó, cha của bà Clinton chỉ là một người quản lý trong một doanh nghiệp nhỏ
.

.

Trong phần tranh luận, bà Clinton cáo buộc ông Trump gây ra khủng hoảng nhà đất: “Hãy dừng lại 1 giây để nhớ lại thời điểm 8 năm trước, khi thuế ở phố Wall giảm mạnh. Trên thực tế, ông Turmp là một trong những người gây ra cuộc khủng hoảng nhà đất”.

Ông Trump phản bác cáo buộc này: Đó chính là kinh doanh!

Bà Clinton đáp: 9 triệu người đã mất việc làm. Chúng ta không thể quay trở lại áp dụng chính sách thất bại đó. Và kế hoạch giảm thuế của ông Trump sẽ khiến nợ công nước Mỹ tăng thêm 5 nghìn tỷ USD trong vòng 10 năm tới.

Thật mỉa mai khi cử tri đang phải đối mặt với sự lựa chọn giữa hai ứng cử viên không được ưa chuộng nhất trong lịch sử bầu cử Tổng thống Mỹ. Theo số liệu khảo sát được công bố bởi Trung tâm Nghiên cứu Pew, 70% người Mỹ tin rằng các phương tiện truyền thông có tác động tiêu cực tới đất nước này. 50% số người được hỏi có quan điểm tương tự đối với hệ thống ngân hàng và các tổ chức tài chính. Khi phân tích sâu hơn, những ý kiến tiêu cực này phần lớn nằm ở phía các thành viên đảng Cộng hòa.

Theo ước tính, có khoảng 100 triệu lượt người đang xem trực tiếp cuộc tranh luận này. Trong lịch sử, cuộc đối đầu thu hút người dân nhất là cuộc tranh luận giữa Barack Obama và Mitt Romney vào ngày 3/10/2012, thu hút khoảng 46,2 triệu hộ gia đình.

Trong màn đối đầu, ông Trump nhấn mạnh lợi thế của mình trong vai trò một doanh nhân thành đạt: “Đã đến lúc đất nước này cần một người nắm quyền hiểu về đồng tiền”.

Ông cũng cam kết khi trở thành Tổng thống Mỹ sẽ xây dựng những công trình cơ sở hạ tầng hoành tráng và viện dẫn sân bay La Guardia của Mỹ hiện nay không được ưa chuộng như các sân bay của Dubai, Qatar hay Trung Quốc. “Chúng ta không có tiền bởi vì chúng ta không có sáng kiến về việc kiếm tiền như thế nào”, ông nói.

Đáp lại, bà Hillary Clinton đặt câu hỏi: “Phải chăng đó là bởi vì ông không nộp thuế, thưa ông Trump?

Đánh vào vấn đề kê khai thuế của đối thủ, bà Clinton cho rằng ông Trump đang cố che giấu điều gì đó. Trong suốt 40 năm qua, mọi ứng viên tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ đều kê khai chi tiết các khoản hoàn thuế và công khai hồ sơ thuế của mình. "Câu hỏi đặt ra là tại sao Donald Trump lại che giấu nó? Liệu ông ấy có giàu có như chúng ta tưởng? Ông ấy nợ ngân hàng một khoản tiền khổng lồ hay đơn giản là ông ấy không muốn người dân Mỹ biết rằng mình đã không đóng bất kỳ một khoản thuế thu nhập nào?". Bà Clinton tiếp tục khẳng định phải có một điều gì đó thực sự ghê gớm hoặc quan trọng khiến Donald Trump hành động như vậy.

Trong phần tranh luận xung quanh vấn đề chủng tộc, nhà báo Holt, người điều phối cuộc tranh luận đề cập tới vụ việc đang nóng trong dư luận Mỹ: cảnh sát bắn chết người da đen và đặt câu hỏi cho các ứng viên về nạn phân biệt chủng tộc.

Bà Clinton là người trả lời trước: “Thật không may, vấn đề chủng tộc thường quyết định quá nhiều vấn đề. Chúng ta cần phải gây dựng lại niềm tin trong cộng đồng và lực lượng cảnh sát. Chúng ta cần đảm bảo rằng cảnh sát phải được đào tạo tốt nhất, với những kỹ năng tốt nhất. Mọi người đều cần tuân thủ luật pháp”.

Ông Trump cũng thừa nhận: “Chúng ta cần luật pháp và trật tự tại quốc gia này. Những người Mỹ gốc Phi đang sống trong địa ngục bởi quá nhiều nguy hiểm bủa vây. Có thể khi đang đi trên đường, họ bất ngờ bị bắn chết”.

Trong khi đó, ông Trump liên tục nhấn mạnh rằng bà Clinton đang muốn tước quyền kiểm soát súng đạn của những người sở hữu hợp pháp.

Về vấn đề kiểm soát súng đạn, bà Clinton khẳng định: “Chúng ta cần tước súng khỏi tay những người không nên sở hữu chúng. Chúng ta đang phải đối phó với tình trạng bạo lực súng đạn”. Người Mỹ gốc Phi có nguy cơ bị sát hại bởi súng đạn cao hơn hẳn so với các chủng tộc khác, và đây thực sự là một vấn đề. Mặc dù tỉ lệ tội phạm đã giảm đi đáng kể từ những năm 1990 nhưng số lượng các vụ án giết người lại tăng lên tới 10,8% chỉ riêng trong năm 2015.

Về vấn đề chống khủng bố, ông Trump cáo buộc cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton có liên quan tới sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). "Bà đã chiến đấu với IS cả quãng đời trưởng thành của mình", ông nói.

Tuy nhiên, bà Clinton khẳng định, bà có kế hoạch đánh bại IS, bao gồm việc tấn công trực tuyến: “Chúng ta phải đẩy mạnh các cuộc không kích nhằm tiêu diệt IS và hỗ trợ các đồng minh Arab và người Kurd. Quân đội chúng ta đang đạt được nhiều tiến bộ tại Iraq và hy vọng trong vòng 1 năm tới đây, chúng ta sẽ đuổi IS ra khỏi lãnh thổ Iraq”.

Sau khi đáp lời, bà Clinton quay trở lại chỉ trích ông Trump về việc ủng hộ cuộc chiến tại Iraq.

Ông Trump phủ nhận: Điều này sai rồi!

Để đối phó với chủ nghĩa khủng bố, bà Clinton kêu gọi đẩy mạnh công tác tình báo. Theo bà, Mỹ cần hợp tác chặt chẽ với NATO và các đồng minh để mở rộng mạng lưới thông tin. Bà cũng không quên nhắm vào điểm yếu của ông Trump sau hàng loạt phát ngôn phỉ báng người Hồi giáo: “Ông Trump thường xuyên xúc phạm người Hồi giáo nước ngoài và người Hồi giáo tại Mỹ, trong khi điều chúng ta cần làm là hợp tác với họ để chống khủng bố”.

Bà Clinton: “Ông Trump đang tán dương Vladimir Putin

Donald Trump đã nhiều lần gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin là một “nhà lãnh đạo mạnh mẽ” và dùng nhiều từ ngữ mang ý nghĩa khen ngợi. Điển hình là ngày 18/12/2015, trong một cuộc phỏng vấn với NBC, ông Trump cho biết “Tôi cảm thấy không có vấn đề gì đối với Putin. Tôi nghĩ ông ấy là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ. Ông ấy điều hành đất nước với tư cách một nhà lãnh đạo đúng nghĩa, không giống như những gì đang diễn ra tại đất nước này”.

Bước vào phần cuối cùng của phiên tranh luận, câu hỏi được người điều phối đặt ra là: "Bạn có ủng hộ chính sách hiện nay về việc không khai hỏa vũ khí hạt nhân?".

Donald Trump khẳng định: "Tôi chắc chắn sẽ không là người tấn công trước". Vũ khí hạt nhân là mối lo ngại lớn nhất của thế giới hiện nay, chứ không phải là hiện tượng nóng lên toàn cầu. Trung Quốc cần đối phó với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Thỏa thuận hạt nhân Iran là một trong những thỏa thuận tồi tệ nhất trong lịch sử các quốc gia. 400 triệu USD là một phần trong số những gì mà Mỹ phải bỏ ra để dàn xếp thỏa thuận và bà Clinton phải chịu trách nhiệm cho điều đó.

Bà Clinton lập luận: "Tôi muốn trấn an các đồng minh tại Nhật Bản và Hàn Quốc rằng chúng ta có hiệp ước phòng thủ chung và nước Mỹ sẽ tôn trọng điều đó. Tôi thay mặt chính bản thân mình và người dân Mỹ thể hiện thiện chí của chúng ta. Nếu phản đối nó, ông Trump nên cho chúng ta biết giải pháp thay thế của mình là gì.Cũng giống như kế hoạch đối với IS. Ông ấy nói đó là kế hoạch bí mật, nhưng điều bí mật duy nhất ở đây là Trump không hề có kế hoạch gì".

Câu hỏi cuối cùng dành cho 2 ứng viên: Liệu ông/bà có chấp nhận kết quả cuộc bầu cử này?

Bà Clinton nói rằng, bà sẽ chấp nhận dù kết quả có thế nào nhưng kêu gọi sự ủng hộ tối đa của các cử tri, bởi cuộc sống của những người sống xung quanh và gia đình bà phụ thuộc rất nhiều vào kết quả bầu cử lần này.

Trong khi đó ông Trump khẳng định ngắn gọn: “Tôi muốn làm cho nước Mỹ lại trở nên tuyệt vời”.

Cuộc tranh luận vừa chấm dứt lúc 9 giờ 30 giờ Việt Nam.