Kỹ thuật của người An Nam

08:07 SA @ Chủ Nhật - 05 Tháng Bảy, 2009

>> Xem thêm:Hình ảnh người Việt Nam đầu thế kỷ 20

Trong ngành xuất bản có chuyện là một số cuốn sách được… mong đợi nhiều hơn so với những cuốn khác. Thời gian vừa qua, việc in trở lại bộ Kỹ thật của người An Nam của Henri Oger là cả một sự kiện của giới nghiên cứu lịch sử và khoa học xã hội Việt Nam, và chắc hẳn thời gian sẽ càng nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của tác phẩm này.

Các đạo quân viễn chinh luôn mang theo mình những người quan tâm tới việc tìm kiếm tri thức hơn là đất đai và của cải đoạt được từ người bản xứ. Công việc “sưu tầm văn hóa” này có khi được thực hiện với chủ đích rõ ràng và có kế hoạch chi tiết như khi Napoléon (lúc còn là tướng Bonaparte) tiến hành chiến dịch Ai Cập từ năm 1798: cùng với các thắng lợi quân sự là nền móng cho ngành Ai Cập học; nhiều nhà khoa học đi cùng đội quân của Napoléon là những người danh tiếng, sau nay tên được đặt cho nhiều đường phố tại Pháp, như Monge hoặc Saint-Hilaire.

Henri Oger cũng là một người quan tâm tới kiến thức nhiều hơn là chuyện quân sự hay hành chính (ông vốn là một viên chức hành chính tại Việt Nam), nhưng sự hẩm hiu của số phận khiến nhà nghiên cứu trẻ tuổi không có được chút vinh quang khoa học nào, thậm chí còn phải chịu đựng sự miệt thị từ các cơ quan khoa học thuộc địa bấy giờ, như Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO, bắt đầu hiện diện tại Đông Dương từ năm 1898).

Cuộc đời ông cũng không mấy may mắn: ngoài thất bại về học vấn (người bạn đồng môn Henri Maspero sau này có được danh tiếng trong khi ông bị lãng quên), năm 1936 dấu vết của ông đột nhiên biến mất . Con người có công lớn trong việc lưu giữ hình ảnh về kỹ nghệ dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ lại mất tích; không ai biết ông còn sống hay đã chết sau năm 1936 .

Lần này, chính EFEO lại là cơ quan trả lại sự công bằng lịch sử cho Henri Oger. 100 năm sau khi bộ sách Technique du people Annamite (Kỹ thuật của người An Nam) được in ra theo một cách thức đầy trắc trở, EFEO đã cùng Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM chủ trì tái bản tác phẩm hiếm có và chỉ còn tồn tại vài bản rải rác trên thế giới (ở lần in năm 1909 chỉ có khoảng 60bản được ấn hành).

Tranh Thầy đồ

Hai nhà khoa học của EFEO, Olivier Tessier và Phillppe Le Failler, làm chủ biên cho bộ sách in ba tập với ba thứ tiếng Pháp-Anh-Việt này.

Không hài lòng với tình trạng có quá nhiều từ điển ngôn ngữ nhưng lại thiếu các tài liệu về phong tục và dân tộc học, chàng thanh niên Oger 24 tuổi đầy tham vọng tri thức đã dành thời gian khảo sát sinh hoạt đời thường và sinh hoạt nghề nghiệp (tiểu thủ công) tại Hà Nội, kết quả là hai tập sách in vào năm 1909, trọng đó đặc biệt quan trọng là khoảng 4.000 tranh vẽ mà Oger yêu cầu họa sĩ thực hiện.

Chịu ảnh hưởng của các trường phái xã hội học Anh và Pháp, Oger đi đến nhận định: “Sau hai năm quan sát, sống cùng với các nghệ nhân An Nam, tác giả của những trang sách này tin là có thể khẳng định rằng không thể bỏ qua vị trí của ngành nghề bản xứ trong sự biến chuyển kinh tế mà chúng ta muốn tạo dấu ấn ở xứ sở này”. Oger hiểu được rằng cái thường nhật tạo nên hồn cốt một dân tộc, một đất nước.

Người đọc ngày nay hẳn có thể phàn nàn về việc Henri Oger sắp xếp bố cục cuốn sách của mình khá tùy tiện, nhiều màu sắc ấn tượng, chủ nghĩa: chẳng hạn ở phần khảo cứu, ngay sau “Nghề in bản xứ”là đến ngay “Nghề thợ cạo”, và ngay sau đó, “Bà bán tương”. Nhưng các bức tranh quý đã miêu tả cặn kẽ từng động tác của người thợ, đồ nghề lao động, chú thích tranh (bằng cả Hán và Nôm) cũng cho biết nhiều điều về từ vựng tiểu thủ công nghiệp Bắc Kỳ đầu thế kỷ 20.

Và điều đáng nói nhất là tinh thần của Henri Oger. Không được sự hậu thuẫn của chính quyền, lại bị các cơ quan nghiên cứu chính danh dè bỉu, toàn bộ những gì Oger có được là tình bạn với nhà thơ Jean Ajalbert để có thể đăng các bài báo về kỹ nghệ trên từ báo Tương lai Bắc Kỳ(Avenir du Tonkin), và hai mươi đồng bạc của hai mươi người hảo tâm, có thiện chí. Chỉ nhờ ngần ấy trợ giúp nhỏ nhoi mà Oger đã hoàn thành được công trình khảo cứu quan trọng, vượt qua được cả những khó khăn to lớn về in ấn. Có lẽ nguyên do xuất phát từ sự quan tâm sâu sắc của Oger và lòng cảm thông mà ông dành cho người lo động Việt Nam, như chính ông đã viết trong sách về nhũng “người nông dân-công nhân” mà ông từng gặp: “Họ đáng được cảm thông sâu sắc”.


(*) Sách do Trung tâm EFEO (viện Viễn đông Bác Cổ Pháp) tại Hà Nội tái bản tháng 5-2009, gồm ba tập (một tập bài viết bằng ba thứ tiếng Pháp, Việt, Anh và hai tập bản vẽ).

Một số hình ảnh từ bộ sách

Kỹ thuật in của người Việt

Bán hàng rong

Bật bông để làm đồ bông

Dệt vải và thêu

Làm hàng mã

Làm hương

Làm đèn lồng và các thiết bị thắp sáng

Vinh quy bái tổ

Hát ca trù

Đẻ rơi

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Gia tài văn hóa của Việt Nam

    05/04/2019Phan NgọcTại sao có một bề dày văn hóa mà Việt Nam chưa bao giờ giàu có cả? Bởi vì, bề dày văn hóa như một kho vàng, tuy nhiên phải vất vả đào bới mới có được và từng cá nhân một phải làm cho chính minh. Nhưng trước hết phải có người chỉ cho anh ta thấy kho vàng đã. Do đó, phải có một chính trị sáng suốt của anh ta, cho anh ta và vì anh ta. Và xây dựng những tổ chức để cùng nhau dào bới...
  • Hình ảnh người Việt đầu thế kỷ 20

    05/06/2009Thái ThanhNếu không có lần tái bản này, chắc chắn sẽ rất ít người có cơ hội tiếp cận cuốn sách quý của Henri Oger về người Việt Nam đầu thế kỷ 20, vì trong lần ra mắt đầu tiên cách đây đúng 100 năm, cuốn sách chỉ được in 60 bản, giờ nằm tản mát ở thư viện nhiều nước trên thế giới.
  • Người Việt đẹp

    27/05/2009Đỗ Bỉnh QuânTrong văn hóa Việt Nam thế kỷ XX không đâu ta trông rõ những biến đổi về sắc đẹp của người phụ nữ như trong hội họa. Cảm nhận của họa sĩ Nguyễn Bỉnh Quân về tinh hoa người Việt đẹp.
  • Y phục người Việt

    29/04/2009Nguyễn Văn Huyên“Ngày xưa, y phục là phản ánh của các đẳng cấp, tôn ty xã hội”. Y phục xác định vị trí của từng người trong nước. Ngày nay, y phục Việt đã mất đi ý nghĩa xã hội của nó. Nhiều giá trị khác nhau của nó đã được đổi mới.
  • Tranh lụa Việt Nam sẽ đi về đâu?

    16/04/2009Hồng NgaTừ xưa tới nay, tranh lụa vẫn được coi là “đặc sản” quý của mỹ thuật VN, thu hút sự chú ý của các nước. Thế nhưng, nhiều năm gần đây, tranh lụa đã bị tranh sơn dầu, sơn mài áp đảo, tự mình lạc lõng trong cuộc sống hiện đại. Số phận tranh lụa sẽ đi về đâu?
  • Vài suy nghĩ về Đương đại trong mỹ thuật Việt Nam

    20/09/2006Vương Duy BiênKhoảnh khắc chuyển giao thiên niên kỷ đầy biến động được báo trướcở nhiều lĩnh vực như kỹ thuật văn hoá, xãhội, khoa học và công nghệ... người ta hy vọng mỗi lĩnhvực đều có những bước ngoặt đầy táo bạo, đột phá, vượttrội... và trong Mỹ thuật cũng vậy, suốt thế kỷ XX đến những năm đầu thế kỷ XXI này, người ta đều có thể thấy ở cácgiai đoạn: Từ Mỹ thuật dân gian đến Mỹ thuật Đông Dương rồi Mỹ thuật hiện đại Việt Nam trong và sau chiến tranh đếnnay... đều có những thành tựu và dấu ấn đáng ghi nhận. Có thểđi đến một nhận xét “chủ quan": NềnMỹ thuật Việt Namtừ cổ đếnkim, đang phát triển đúng quy luật chung: từ dân gian đến chính thống và đến nay phát triển phong phú, đa dạng và hội nhập nhanh chóng.
  • xem toàn bộ