Yêu nước
"Tình yêu nước ban đầu là tình yêu những vật tầm thường nhất, yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu dãy phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu…", câu văn ấy từng đọng lại trong tâm hồn một thế hệ học sinh kháng chiến những năm 50, để rồi vì tình yêu ấy mà họ "xếp bút nghiên lên đường chiến đấu". Vì tình yêu nước, nhiều thế hệ trẻ VN đã hiến dâng đời mình cho Tổ quốc, có vậy mới có ngày 30 tháng 4 lịch sử hôm nay.
Đương nhiên, không một dân tộc nào sống trên quả đất này mà lại không yêu đất nước của mình. Nhưng tùy theo sự hình thành quốc gia, dân tộc trên những vùng lãnh thổ khác nhau, trong những điều kiện không giống nhau, tính thường trực và nhạy cảm của lòng yêu nước cũng sẽ không có những biểu hiện như nhau. Arnold Toynbee, nhà sử học lớn nhất của thế kỷ XX, qua nghiên cứu sự hình thành và phát triển của các quốc gia, dân tộc trên thế giới từng đưa ra nhận định: “thành công của con người thường là kết quả sự chống trả đối với thách thức”. Điều kiện hình thành, tồn tại và phát triển của dân tộc ta trong một vị thế địa-chính trị “trứng nằm dưới đá”, triền miên phải đối diện với các thế lực xâm lược luôn lớn hơn mình gấp bội, “sự chống trả đối với thách thức” ấy quả là khốc liệt. Nhưng cũng chính vì thế, lòng yêu nước trở thành một đặc điểm nổi bật trong tính cách VN. Chạm vào điểm nhạy cảm bậc nhất này trong nỗi niềm VN sẽ rung lên những cung bậc hết sức mãnh liệt và đa dạng trong bản giao hưởng tình cảm và hành động VN, đặc biệt là trong thế hệ trẻ, nguồn sinh lực sung sức nhất của dân tộc. Với ngày 30.4.1975, lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc như trỗi dậy, góp phần kết thúc thắng lợi cuộc trường chinh cứu nước gần một phần ba thế kỷ của mấy thế hệ VN, non sông đã quy về một mối. Rồi hơn một phần ba thế kỷ nữa trôi qua, cao trào của bản giao hưởng nỗi niềm dân tộc, sự sục sôi của tình cảm yêu nước trong mọi trái tim VN ở mọi cung bậc khác nhau ấy của đủ mọi tầng lớp xã hội vẫn là nét đẹp nhất của đời sống tinh thần VN.
Từ đỉnh cao chiến thắng, mấy ai lường hết được những gì rồi sẽ xảy ra. Điều ấy là thường tình. Những khó khăn dồn dập, thế nước có lúc chung chiêng bên bờ vực của cuộc khủng hoảng kéo dài, nhưng rồi sức sống VN trỗi dậy, tạo ra bước ngoặt quyết định của Đổi Mới, đưa đất nước bứt lên. Và chính trong bối cảnh ấy, là đồng tác giả của Đổi Mới, các tầng lớp nhân dân đã biểu thị lòng yêu nước của mình trong vô vàn những trạng huống cực kỳ phong phú.
Khi có độ lùi về thời gian để tỉnh táo suy tư về dòng chảy của những sự kiện mới thấy hết ý nghĩa lạ lùng của nó. Chẳng hạn như, sức quật khởi cứu nước dạo nào vào lúc cam go trước Đổi Mới lại biểu hiện ra trong sự “phá rào” để “khoán chui” của người nông dân vừa buông tay súng để nắm lại tay cày, tháo gỡ thế bế tắc, đẩy cuộc sống đi tới. Chính sức năng động tự thân của cuộc sống, một dạng biểu hiện thầm lặng của truyền thống yêu nước, đã “cứu một bàn thua trông thấy” trong nông nghiệp nông thôn để rồi tác động đến công nghiệp và đô thị, khởi động sự nghiệp Đổi Mới do Đảng lãnh đạo, mà nếu không có nó, thì không có được những thành tựu như đã có.
Tuổi trẻ hôm nay đang được thử thách trong một nhiệm vụ mà xem ra cũng gian nan không kém so với cha anh. Họ phải đưa đất nước bứt lên thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu để bước vào quỹ đạo của phát triển mà do một thời “bút nghiên phải xếp lại” đã bị lạc hậu, không những thế, có lĩnh vực đã lạc điệu trong quỹ đạo đó. Người ta ngày càng nhận ra rằng, “xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn to đẹp hơn” khó khăn không kém, thậm chí trên nhiều khía cạnh còn nghiệt ngã hơn nhiều, so với đấu tranh giành lại nước từ tay quân thù.
Khi “sơn hà nguy biến” trước giặc ngoại xâm thì phải bằng súng gươm để hóa giải, nhưng khi đất nước đối diện với nghèo nàn và lạc hậu, với tham nhũng và thoái hóa của một bộ phận không nhỏ cán bộ có chức quyền, thì phải bằng bản lĩnh và trí tuệ của tuổi trẻ để giúp nước. Cuộc chiến đấu này không có gươm súng, không dàn thành trận tuyến nhưng “là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra cái mới mẻ tốt tươi” như Bác Hồ đã chỉ ra. Bác gọi đây là “cuộc chiến đấu khổng lồ” mà muốn giành thắng lợi thì phải “động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.
Trong “lực lượng vĩ đại” đó, tuổi trẻ phải là lực lượng xung kích. Chính vì không dàn thành trận tuyến nên bản lĩnh cá nhân trên từng chỗ đứng của mình có ý nghĩa quyết định sự thành bại.
Biết đánh thức sức mạnh của tình yêu nước trong bầu nhiệt huyết của thanh niên, điểm nhạy cảm nhất trong tâm thức VN, đánh thức tiềm lực trong những trái tim thế hệ trẻ, mới tạo ra được những biến chuyển mang tính đột phá, đưa đất nước bứt lên trong nhịp phát triển của thời đại.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên Cẩn