Về sự suy thoái của khoa học
Sự suy thoái thể hiện trên hai khía cạnh: Sự suy thoái của các khái niệm và sự suy thoái của các phương pháp luận logic.
Lý do của sự suy thoái này thật ra rất đơn giản. Khoa học được cấu thành và liên hệ lẫn nhau nhờ các khái niệm và logic. Các khái niệm được hình thành trong những hoàn cảnh lịch sử nhất định và logic tư duy sẽ dẫn nhà khoa học đến những kết luận và khái niệm khác. Nhưng một khi có tính lịch sử, các khái niệm không phải là bất biến. Nội hàm của chúng thay đổi, vai trò của chúng cũng vậy. Sự suy thoái của các khái niệm tạo ra các khái niệm và các kết luận sai. Đồng thời, sự lạc hậu của logic tư duy cũng làm cho người ta rút ra các kết luận các kết luận lạc hậu hoặc sai lầm.
Chúng ta hãy thử lý giải sự suy thoái này.
Trước hết là về sự suy thoái các khái niệm. Theo tôi, trong khoa học cũng có hiện tượng tương tự với cái mà ta thường gọi là quan liêu trong đời sống xã hội. Sự quan liêu khoa học, ta có thể nói như thế. Khi người ta ngủ ngon trên các khái niệm thì người ta chỉ tư duy trên các khái niệm sẵn có. Các khái niệm, một khi được sùng bái, được tuyệt đối hoá, sẽ dần dần xa rời đời sống tự nhiên của con người. Chúng sẽ trở thành những đối tượng tồn tại độc lập và bắt đầu lên tiếng. Chúng đặt ra những tiêu chuẩn, những quy tắc trói buộc tư duy. Cuối cùng, con người trở thành nô lệ cho chúng, những khái niệm tưởng chừng hiền lành do chính họ tạo ra. Đó là hiện tượng suy thoái phổ biến nhất của các khái niệm.
Tiếp theo là sự suy thoái các phương pháp luận. Phương pháp luận khoa học chính là công cụ, hay đúng hơn, là kim chỉ nam cho các thao tác khoa học. Ai cũng biết rằng các kết luận khoa học phụ thuộc không chỉ vào hệ thống các khái niệm được chấp nhận làm cơ sở, vào các thao tác khoa học cụ thể mà còn vào định hướng thực hiện các thao thác ấy. Thậm chí còn hơn thế nữa: giống như chúng ta thấy rõ trong môn điều khiển học, chính tín hiệu điều khiển, còn trong xã hội là tư tưởng, mới là quyết định. Định hướng đúng mới có thể đưa các thao tác, các hành động cụ thể đến một kết quả tốt đẹp. Sự lựa chọn một phương pháp tư duy lô gích, vì thế luôn luôn phải đặt ra. Ở đâu người ta tôn thờ một loại phương pháp tư duy, ở đâu người ta hạn chế sự lựa chọn các công cụ tư duy logic, thì chính ở đó người ta đang hạn chế khả năng của chính mình trong việc tham gia vào quá trình sáng tạo và cạnh tranh. Và nó tạo ra khía cạnh thứ hai của sự suy thoái khoa học: tính đơn điệu của đời sống logic.
Sự suy thoái của khái niệm, suy cho cùng, chính là suy thoái của thông tin.
Thiếu thông tin khiến cho chúng ta không thể theo kịp những thay đổi không ngừng của cuộc sống, và kết quả là những khái niệm của chúng ta lạc hậu. Giống như những mắt xích trong một dây xích, điều đó kéo theo sự suy thoái của nhận thức và của văn hoá nói chung. Cho nên, cần phải có sự cảnh báo đối với đời sống xã hội về việc bổ sung, làm cho các khái niệm gần lại cuộc sống, hay nói cách khác, phải làm tươi mát các khái niệm theo những tiêu chuẩn của cuộc sống.
Vậy nhiệm vụ của chúng ta là làm thế nào để khoa học thông tin có giá trị bổ sung cho các khái niệm.
Thông tin là một trong những giải pháp của nhân loại để chống lại sự suy thoái của các khái niệm và phương pháp luận. Tin học, và đặc biệt là internet, chính là một trong những giải pháp của nhân loại làm ra theo yêu cầu nóng bỏng của cuộc sống để chống lại sự suy thoái theo xu hướng quan liêu hoá các khái niệm. Tất nhiên, giống như tất cả mọi phát minh, sáng chế, hay nói một cách khái quát, giống như mọi thứ trên đời, Internet cũng đặt ra những thách thức mới đối với nhân loại. Nhiều người lo ngại Internet sẽ dẫn đến tình trạng tràn lan của bạo lực và sự đầu độc trẻ em bằng tình dục và ma tuý... Những lo ngại này không phải là không có cơ sở, nhưng trong một xã hội "không chỉ ở Việt Nam", nơi nhiều người dân đang đói hoặc thậm chí không có thông tin, thái độ cảnh giác thái quá sẽ cản trở hiệu quả của một giải pháp vĩ đại mà nhân loại phát minh ra để chống lại sự suy thoái của các khái niệm. Theo tôi, nhân dân càng có nhiều thông tin thì các khái niệm càng gắn bó với cuộc sống và do đó càng có giá trị khoa học cao hơn.
Nhân loại cũng đã sáng tạo ra các giải pháp để chống lại sự suy thoái của khoa học theo xu hướng đơn điệu hoá đời sống tư duy logic của nó. Giải pháp đó chính là dân chủ. Chính việc dân chủ hoá đời sống xã hội, nâng cao tinh thần làm chủ của nhân dân, điều mà Đảng Cộng Sản Việt Nam khởi xướng và đang tiến hành có hiệu quả cùng với chính sách đổi mới, sẽ cho phép chúng ta phát huy tối đa sức sáng tạo của nhân dân trong việc lựa chọn các giải pháp để phát triển. Chính nhờ nền dân chủ mà những logic tư duy cũ nhanh chóng bộc lộ những hạn chế của nó và nhanh chóng nhường chỗ cho logic tư duy mới. Đổi mới là chìa khoá thành công, còn dân chủ là điều kiện tiên quyết cho thành công của quá trình Đổi mới.
Tóm lại, thông tin và dân chủ - đó là hai chìa khoá cơ bản để khắc phục một cách cơ bản tình trạng suy thoái của khoa học.
Nguồn:
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý