Văn hóa và Phát triển
I. Khái niệm văn hoá
Muốn nghiên cứu vai trò của văn hoá đối với phát triển, trước tiên phải có một khái niệm chính xác và nhất quán về văn hoá cũng như cấu trúc của nó. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có một sự nhất trí và cũng chưa có định nghĩa nào thoả mãn được cả về định tính lẫn định lượng. Nguyên nhân không phải là khó hiểu.Phần lớn những người nghiên cứu văn hoá, với những định kiến và những hạn chế có tính chất lịch sử, thường qui văn hoá vào những lĩnh vực hạn hẹp cụ thể, tuỳ thuộc vào góc độ tiếp cận của họ, trong khi văn hoá là một lĩnh vực rộng lớn, cực kỳ phong phú và phức tạp. Thêm nữa, cũng giống như tất cả các ngành khoa học xã hội khác, ngành khoa học về văn hoá có lịch sử phát sinh và phát triển xuyên suốt lịch sử loài người. Trong quá trình lịch sử đó, nội dung của khái niệm văn hoá cũng thay đổi theo.
Nhưng văn hoá là những gì còn lại sau những chu trình lịch sử phát triển khác nhau, nhờ đó người ta có thể phân biệt được dân tộc này với dân tộc khác. Văn hoá là một hiện tượng khách quan, là tổng hoà của tất cả các khía cạnh của đời sống. Ngay cả những khía cạnh nhỏ nhặt nhất của cuộc sống cũng mang những dấu hiệu văn hoá. Sáng tác văn chương nghệ thuật là biểu hiện văn hoá, nhưng việc ăn cơm cũng là một thí dụ văn hoá. Rất nhiều thứ mới thoạt nhìn thì giống nhau, nhưng nếu xem xét kỹ thì lại có những điểm riêng biệt. Trong thực tế, không có sự giống nhau tuyệt đối.
Người ta thường phân biệt văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần. Đó là một cách phân chia không thật hợp lý và thấu đáo, phản ánh lối tư duy lưỡng phân điển hình và ảnh hưởng của những định kiến cần phải xoá bỏ, mặc dù nó cũng cho ta một cái nhìn, tuy còn khá thô thiển nhưng bao quát, về những lĩnh vực đời sống của con người. Trên thực tế, rất khó, và ngày càng khó phân biệt rạch ròi đâu là sản phẩm vật chất, đâu là sản phẩm tinh thần. Không có sản phẩm tinh thần nào không được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, và cũng không có sản phẩm vật chất nào lại không mang trong nó những giá trị tinh thần. Thật vậy, những nhà của, đường phố, cầu cống, và ngay cả những vật dụng tầm thường nhất, kể cả những sản phẩm công nghiệp sản xuất hàng loạt, cũng là hiện thân của những giá trị văn hoá, thể hiện bản sắc dân tộc, trí tuệ và tài năng của những người làm ra chúng.
Hiểu được mối liên hệ không thể tách rời của những giá trị văn hoá tinh thần và vật chất là điều vô cùng quan trọng. Đã có thời kỳ, và có lẽ ở chừng mực nào đó cả ngày hôm nay, một số người vẫn chưa chịu hiểu. Liệu chúng ta có thể chỉ sử dụng những giá trị vật chất có nguồn gốc ngoại lai mà không hề bị ảnh hưởng bởi các giá trị tinh thần bao hàm trong đó hay không? Liệu chúng ta có thể trở thành một mắt xích trong hệ thống sản xuất đang trong quá trình toàn cầu hoá vũ bão mà vẫn nguyên vẹn là một người ngoài cuộc về văn hoá hay không? Chúng tôi cho rằng điều quan trọng nhất không phải là khư khư giữ lấy những gì khác người, kể cả những cái khác người đã trở thành lạc hậu, chỉ cốt giữ được "bản sắc", mà là lựa chọn những gì tốt đẹp nhất, cả của ta lẫn của người khác. Bằng cách ấy, chúng ta có thể nắm lấy những cơ hội của tương lai.
Mặc dù có nội dung rộng lớn và phức tạp, văn hoá về cơ bản là một cấu trúc gồm: Tri thức, tín ngưỡng, đạo đức, truyền thống, pháp luật, thẩm mỹ và lối sống. Việc phân tích kỹ lưỡng cấu trúc của văn hoá vượt quá khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi chỉ xin điểm qua ba thành tố quan trọng là tri thức, thẩm mỹ và lối sống.
Tri thức bao gồm những hiểu biết khoa học, kinh nghiệm và sự khôn ngoan tích lũy được trong quá trình lao động sản xuất, đấu tranh và thích ứng với thiên nhiên cũng như với xã hội nhằm duy trì và phát triển cuộc sống của mỗi cá nhân và của cả cộng đồng người. Tri thức có thể nói là bộ phận quan trọng nhất của văn hoá. Nó bao trùm nhiều lĩnh vực: lao động sản xuất (công, nông nghiệp), chính trị, giáo dục, văn học, nghệ thuật, y tế, xây dựng, luật pháp, giao thông, giao tiếp, chinh phục thiên nhiên, chiến đấu bảo vệ tổ quốc... Một lĩnh vực vô cùng quan trọng của tri thức là khoa học, kỹ thuật. Tuy nhiên, có lẽ quyết định nhất là tư tưởng.
Sự nâng cao dân trí, sự tiến bộ của nhân dân đặt ra những đòi hỏi ngày càng cao, ngày càng khắt khe hơn đối với những nhà chính trị. Họ buộc phải có những phẩm chất cao hơn, đặc biệt là phải có trí tuệ cao hơn. Các nhà lãnh đạo, hơn bao giờ hết, phải thực sự là đội ngũ tiên phong, phải xứng đáng là người đại diện cho nhân dân cả về trí tuệ lẫn quyền lợi. Nói cách khác, họ phải phản ánh nguyện vọng và ý chí của nhân dân.
Ngày nay, tri thức đang dần trở thành lực lượng lao động trực tiếp quan trọng nhất. Điều đó dẫn đến những thay đổi lớn lao không chỉ trong quản lý và sản xuất kinh doanh, mà còn làm đảo lộn cuộc sống con người, thay đổi các quan niệm, các thói quen, các thước đo giá trị. Báo chí đang nói rất nhiều về một nền kinh tế tri thức, nhưng theo chúng tôi, như vậy chưa đủ. Ngày nay, đã đến lúc phải nói đến một xã hội tri thức, trong đó tri thức sẽ quyết định các thức đo giá trị không chỉ của mỗi cá nhân mà còn của cả một dân tộc.
Tri thức chỉ có thể trở thành một bộ phận của văn hoá nếu như nó định hướng và được định hướng cho các ứng xử của con người và cộng đồng người. Vai trò định hướng ấy thuộc về đạo đức, mà gốc rễ là cái thiện, một trong ba giá trị phổ quát nhất trong đời sống tinh thần của nhân loại (chân, thiện, mỹ).
C. Mác đã có một định nghĩa rất hay, rằng con người là tổng hoà của các quan hệ xã hội. Con người chỉ có thể là con người xã hội, trong đó các cá nhân, ở những mức độ khác nhau, đều được xã hội hoá. Họ sống, làm việc, hành động theo những qui tắc ứng xử đã hình thành trong xã hội. Như thế, chúng ta có thể nói rằng, mỗi cá nhân đã tiếp nhận một hệ thống các qui luật và các thước đo văn hoá và thể hiện chúng trong những lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Những thước đo này về bản chất là những tiêu chuẩn lý tưởng mang tính chất qui ước mà mỗi cá nhân cần phải tuân theo, nhưng thực tế chỉ có thể được tiếp cận đến mà thôi.
Thẩm mỹngày nay không còn là yếu tố phi sản xuất như người ta quan niệm trước kia. Thẩm mỹ trực tiếp thúc đẩy tâm lý, làm tăng năng suất lao động, và nó còn tham gia nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, vai trò chủ yếu của nó vẫn là làm giàu có cho đời sống tinh thần của con người. Những thước đo thẩm mỹ trong đời sống tinh thần, cũng tương tự như những thước đo đạo đức trong đời sống xã hội, liên quan chặt chẽ với nhau và với truyền thống, trình độ dân trí, mức độ giao lưu quốc tế và nhiều yếu tố khác.
Các giá trị thẩm mỹ không thể hiện trong một lĩnh vực cụ thể của đời sống xã hội mà trong mọi hoạt động xã hội của con người. Nó tham gia cấu tạo nên môi trường văn hoá của con người và có một mối liên hệ mật thiết với lối sống.
Vậy lối sống là gì? Vấn đề là trong cuộc sống, người ta buộc phải tuân thủ những qui tắc nhất định, thành văn hoặc bất thành văn. Trong số đó, có những qui tắc dần dần được cá nhân thừa nhận và trở thành thói quen. Đó là lối sống cá nhân. Có những qui tắc được thừa nhận rộng rãi trong nội bộ một cộng đồng nào đó. Chúng được tuân thủ gần như vô điều kiện, gần như một lẽ đương nhiên. Đó là lối sống cộng đồng.
Lối sốnghình thành và thể hiện không chỉ trong lao động sản xuất, mà cả trong nhiều lĩnh vực khác như hoạt động xã hội, hoạt động chính trị, hoạt động tư tưởng văn hoá, thể dục thể thao... Nó bao gồm nhiều bộ phận nhỏ hơn như cách thức lao động, làm ăn, kinh doanh; các phong tục tập quán; cách thức giao tiếp, ứng xử với nhau; quan niệm về đạo đức và nhân cách... Lối sống của con người luôn luôn thay đổi và không phải bao giờ cũng tích cực.
Giống như tất cả các khía cạnh của đời sống tinh thần, văn hoá và các hiện tượng văn hoá không chỉ được đánh giá tuỳ theo các yếu tố chủ quan, mà còn tuỳ thuộc vào các điều kiện và hoàn cảnh khách quan. Nó có tính giai cấp và tính lịch sử. Ở mỗi thời điểm lịch sử, giá trị của một hiện tượng văn hoá cũng như ảnh hưởng của nó phụ thuộc và những điều kiện và tương quan các điều kiện khách quan. Trong lịch sử Việt Nam hiện đại, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân thực hiện những kỳ tích chưa từng có, đồng thời cũng tạo ra những giá trị tinh thần mới, những giá trị tinh thần sẽ còn lại mãi với thời gian, cho dù thế giới hôm nay đầy biến động, dù vật đổi sao dời.
II. Vai trò của văn hoá đối với sự phát triển
Trong một thời gian dài trước đây, do quan niệm chật hẹp dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa duy vật thô thiển, người ta cho rằng văn hoá là một cái gì đó phái sinh từ kinh tế, rằng văn hoá chỉ là kết quả, là sự phản ánh trình độ phát triển kinh tế mà thôi. Văn hoá bị xem là đứng ngoài kinh tế, do kinh tế làm nền tảng và tài trợ, nghĩa là chỉ thấy quan hệ một chiều trong đó văn hoá giữ vai trò thụ động.
Thực tiễn và những kinh nghiệm cả thành công lẫn thất bại trong quá trình phát triển của nhiều nước trên thế giới đã chỉ ra rằng quan điểm đó là hết sức sai lầm. Thành công về kinh tế không phải bao giờ cũng dẫn đến việc mở mang văn hoá. Những nước phát triển nhanh trong mấy thập kỷ vừa qua, kể cả Nhật Bản, hiện đang đau đầu với hiện tượng suy thoái đạo đức và sự đổ vỡ những giá trị truyền thống. Trong khi đó có những nước phát triển kinh tế chậm hơn lại làm được khá nhiều cho một môi trường văn hoá lành mạnh. Không phải cứ có thu nhập theo đâu người cao là có văn hoá cao. Chính vì lý do đó mà Liên Hợp Quốc đã phải đưa ra chỉ số phát triển con người, căn cứ không chỉ vào mức thu nhập mà còn cả tỷ lệ sống sau khi sinh, tỷ lệ biết đọc, biết viết và số năm đi học.
Văn hoá ngày nay đang trở thành một nhân tố tham gia trực tiếp vào quá trình phát triển kinh tế. Điều này thật ra không có gì mới. Trong bất kể thời kỳ nào, ở quốc gia nào và dưới chế độ nào, con người cũng đóng vai trò quyết định đối với quá trình sản xuất. Mà con người thì trước hết là một thực thể văn hoá. Xem xét thành công của những nước công nghiệp hóa mới (NICs), nhiều nhà nghiên cứu phương Tây cho rằng bí quyết nằm ở ảnh hưởng sâu rộng của Khổng giáo vốn buộc con người hy sinh những lợi ích cá nhân cho mục đích cộng đồng. Có nhà lãnh đạo của một nước Châu Phi thậm chí tuyên bố với dân chúng: "Các vị hãy cho tôi quyền năng của một vị hoàng đế, tôi sẽ cho các ngài sự thịnh vượng".
Vấn đề không đơn giản như thế, nhưng rõ ràng truyền thống đóng một vai trò lớn lao đối với cung cách làm việc, và điều đó đến lượt mình sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động, nhất là trong giai đoạn tích luỹ ban đầu.
Mục đích của phát triển kinh tế là nâng cao chất lượng sống. Nhưng chất lượng sống là gì? Chắc chắn đó không chỉ tính bằng số lượng thịt hay vải mà con người sử dụng, mà cao hơn là đời sống tinh thần và môi trường sống. Những nhu cầu vật chất tuyệt đối quan trọng khi con người còn phải đối mặt với nạn đói, nạn rét, nhưng khi mức sống vật chất càng được cải thiện thì vai trò của những yếu tố văn hoá tinh thần càng tăng lên. Với tư cách là mục tiêu của sự phát triển kinh tế, văn hoá ngày càng có vai trò quyết định đối với nhu cầu xã hội, kích thích sự phát triển sản xuất và khoa học - kỹ thuật. Hơn nữa, đến một mức phát triển nào đó, con người cũng như các dân tộc phân biệt với nhau chủ yếu là qua các giá trị tinh thần.
Cho đến nay, chính sách phát triển của hầu hết các quốc gia chỉ tập trung phần lớn vào các mục tiêu kinh tế, còn văn hoá nằm trong phần "phúc lợi"- các phúc lợi kinh tế, văn hoá, xã hội... Chúng ta không nên phê phán quá mức quan niệm ấy, bởi vì đó là quan niệm thông thường của đại đa số nhân dân và cho phép hướng tới những mục tiêu gần. Nhưng văn hoá trong sự phát triển của một quốc gia nhất thiết phải được hiểu theo nghĩa tổng thể, bao gồm toàn thể các hoạt động và các giá trị sáng tạo còn lại qua lịch sử, thể hiện trên các lĩnh vực lao động, sinh hoạt vật chất và tinh thần. Phát triển phải nhằm đem lại cho con người cuộc sống hạnh phúc trong một xã hội tiến bộ mọi mặt, cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Chỉ với cách quan niệm như thế, chúng ta mới có thể vạch ra chiến lược phát triển xa hơn.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thời đại nào, kinh tế vẫn đóng một vai trò cực kỳ quan trọng, nếu như không nói là quan trọng nhất. Chừng nào những nhu cầu cơ bản của con người như ăn, mặc, ở còn chưa được giải quyết thì con người chưa thể nghĩ đến một xã hội văn minh. Hơn nữa, con người không chỉ ước mơ đủ ăn, đủ mặc và có chỗ trú thân, mà còn muốn được ăn ngon, mặc đẹp, có nhà ở tốt. Hơn nữa, ngay cả việc tăng trưởng kinh tế đơn thuần cũng cần có tác động trực tiếp và gián tiếp của văn hoá. Văn hoá làm tăng chất lượng nhu cầu của con người, cũng làm tăng giá trị sản phẩm, chất lượng sản xuất kinh doanh và thúc đẩy xã hội phát triển.
Những tác động trực tiếp của tri thức trong đời sống kinh tế nhân loại đang không ngừng tăng lên. Từ kinh tế khai thác thiên nhiên, con người đang tiến dần đến một nền kinh tế khai thác chất xám, trong đó phần giá trị của nguyên vật liệu, tiền vốn và sức lao động cơ bắp đang ngày càng giảm bớt. Trong một nền kinh tế như thế, chỉ những quốc gia nào có được một nền giáo dục tốt, đủ sức trang bị những kiến thức cần thiết cho công dân của mình tương xứng với đòi hỏi của tương lai mới có thể có cơ hội hội nhập với thế giới.
Hiện nay, trong xu thế toàn cầu hoá tất yếu, có hai quan điểm trái ngược nhau, một tuyệt đối hoá, một phủ nhận tính đặc thù dân tộc. Theo chúng tôi, cần phải có một thái độ khoa học và thích hợp. Như chúng ta đã thấy, bản sắc dân tộc là có thật và có thật một cách khách quan. Điều đó nằm ngoài ý chí của bất kỳ ai, bất kỳ tổ chức nào. Một chính phủ sáng suốt phải biết phát huy những thế mạnh của tâm lý dân tộc. Tuy nhiên, bản sắc dân tộc cũng có những mặt tiêu cực mà chúng ta không nên khuyến khích, hoặc phải có những phương pháp sử dụng đặc biệt. Nếu tuyệt đối hoá những đặc thù bản sắc sẽ dẫn đến thái độ cực đoan, bảo thủ, khép kín, tự làm nghèo mình đi. Lý do là chưa chắc những gì được chúng ta cường điệu đã đích thực là bản sắc dân tộc. Nếu đó chỉ là ý muốn chủ quan, nó sẽ khiến cho một dân tộc vô tình rơi vào vùng ảnh hưởng của một vài yếu tố hoặc một vài hình mẫu xã hội cực đoan. Việc cường điệu bản sắc dân tộc một cách chủ quan sẽ biến một dân tộc thành dị biệt với nhân loại. Ngày nay, không một dân tộc nào có thể tồn tại và phát triển bên ngoài các nguyên tắc chung của thế giới.
Cách thức mà con người hay các dân tộc lựa chọn để tìm kiếm sự thịnh vượng cho mình là dựa trên những kinh nghiệm văn hoá của nó. Văn hoá là nền tảng, là thông tin cơ bản để mỗi dân tộc lựa chọn cung cách đi ra khỏi quá khứ và hướng về tương lai.
(Tạp chí Thông tin lý luận, Số 9/2000; Tạp chí Khoa học và Tổ quốc, số 14/2003)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh