Trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành

02:02 CH @ Thứ Sáu - 25 Tháng Tư, 2008

Giá cổ phiếu và TTCK Việt Nam đang đứng trước những thử thách cam go, ông Nguyễn Trần Bạt - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Invertconsult Group đặt ra vấn đề điều tra, xem xét trách nhiệm của nhà phát hành cổ phiếu, xử lý những sai phạm trên TTCK.

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về sự sụt giảm nghiêm trọng của TTCK, do những tác động của nền kinh tế thế giới và sự phản ứng quá mức của thị trường Việt Nam, hay chính là nguyên nhân nội tại của TTCK Việt Nam?

Tôi cho rằng, hiện tượng diễn ra của nền kinh tế Việt Nam không phải do hệ quả của sự tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế quốc tế, mà là kết quả “thuần Việt Nam” tất yếu phải xảy ra. Nếu như không có sự xì hơi của quả bóng chứng khoán, thì quả là chúng ta đang sống trong thời đại còn có những câu chuyện thần kỳ.

Theo định nghĩa cổ điển, TTCK là nơi gặp gỡ của các ý tưởng kinh doanh và tiền, là nơi huy động tiền cho các ý tưởng kinh doanh. TTCK có nhiều thứ nhưng suy ra có hai loại hàng hoá: Thứ nhất là loại đã được đầu tư và người ta muốn thu hồi vốn. Thứ hai là bán các ý tưởng kinh doanh, gọi vốn đầu tư phát triển.

Khi tổ chức TTCK đã không xây dựng được một thể chế, cơ cấu kiểm soát chất lượng hàng hóa đem bán trên thị trường. Hầu hết Cty phát hành không được kiểm toán dựa trên các tiêu chuẩn rành mạch, để đánh giá đúng giá trị Cty. Các ý tưởng kinh doanh mới không được xem xét chất lượng. Cho nên có thể nói đó là thị trường phát triển sôi động được nhờ tâm lý đám đông.

Rất nhiều bài bình luận nói rằng sai lầm chỗ này chỗ kia trong điều hành thị trường, nhưng dù sai lầm như thế nào cũng không có tác động đủ lớn khiến thị trường đổ nhanh đến như vậy.
Nguyên nhân chính là do sự bất cẩn trong khâu chuẩn bị cho sự ra đời của một thị trường chuyên nghiệp hiện đại như TTCK. Bên cạnh đó là sự bất cẩn trong việc kiểm soát chất lượng hàng hóa, các loại cổ phiếu trên thị trường và kiểm soát nguồn tiền thu được từ thị trường. Thay vì cơ cấu gọi vốn đầu tư thì thị trường trở thành 1 cơ cấu đầu cơ quanh quẩn trong việc buôn bán các giấy tờ có giá.

Các TTCK thế giới trước khi có trạng thái chuyên nghiệp như ngày hôm nay đã trải qua lịch sử hàng trăm năm. Trải qua giai đoạn chuẩn bị cơ sở pháp lý, chất lượng hàng hoá, văn hoá kinh doanh... cho thị trường. Chúng ta bỏ qua các giai đoạn như vậy tiếp cận luôn giai đoạn đầu cơ.

Vậy trách nhiệm trước hết thuộc quản lý nhà nước, thưa ông?

Gần đây tôi thấy báo chí phê phán rằng có nhiều nhà đầu tư chứng khoán không hiểu biết mà vẫn lao vào đầu tư. Có lẽ rất nhiều người không hiểu rằng bản chất của sự phát triển TTCK là dựa trên tâm lý mù quáng mà nhiều người vẫn gọi là tâm lý đám đông. Nếu không có tâm lý mù quáng thì sẽ không có TTCK.

Sự thận trọng cổ điển của con người không phải là tâm lý tích cực đối với việc phát triển thị trường tài chính. Tính phiêu lưu, tính mạo hiểm là bản chất xã hội học của TTCK. Không thể huy động ra sàn tất cả những người hiểu biết được.

Ở đây chính là Nhà nước phải bảo hộ sự trong sạch và nghiêm minh của môi trường quản lý để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư chứ không phải kêu gọi nhà đầu tư hiểu biết rồi hãy làm. Các nhà đầu tư bao giờ cũng bản năng, Chính phủ phải chịu trách nhiệm bảo vệ nhà đầu tư, bảo vệ bằng cách minh bạch quá trình đưa hàng hóa vào thị trường, bảo vệ tính minh bạch của quá trình sử dụng đồng vốn.

Trên TTCK, quan niệm lời ăn lỗ chịu rất sai lầm. Lời ăn lỗ chịu với điều kiện giấy nợ (cổ phiếu) ấy phải có giá trị, dao động giá cả nằm trong một thị trường lành mạnh.

Chúng ta quên mất mọi cổ phiếu đều là giấy nợ, các nhà phát hành đều là con nợ. Nhưng chưa thấy ai bàn trách nhiệm của con nợ, chưa ai quy án lên con nợ, chưa phân tích trách nhiệm của con nợ, mà bàn biện pháp cứu con nợ.

Ông giải thích rõ hơn và trách nhiệm của các DN phát hành?

Một trong thiếu sót của chúng ta là không xác định được trách nhiệm. Đây là một bãi thử mà ở đó mọi sự mất mát đều không quy nổi trách nhiệm. Không có phương án giải quyết các vấn đề trong trạng thái khủng hoảng. Hàng trăm hiện tượng trên TTCK, như vợ chồng ly hôn chia nhau hàng nghìn tỷ giá trị cổ phiếu.

Một lãnh đạo Cty và là cổ đông chiến lược mua nhà 52 tỷ đồng... Những thông tin như vậy đầy trên mặt báo, nhưng dường như các cơ quan thực thi pháp luật không mấy quan tâm.
Liệu Bộ Công an có bộ phận nào đủ năng lực chuyên nghiệp để điều tra những sai phạm, cơ quan công tố có bộ luật nào về sai phạm, toà án có chuyên gia nào xử những vi phạm trên TTCK? Chúng ta chưa có sự chuẩn bị cần thiết để cứu hộ thị trường lúc này để bảo vệ thị trường cũng như bảo vệ nhà đầu tư.

Tất cả các cổ phiếu rớt thảm hại, cần tổ chức điều tra ngay, trách nhiệm thị trường tới đâu, trách nhiệm của người sản xuất hàng hóa (cổ phiếu) tới đâu? Nếu phát hiện thấy sự giả mạo, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân cần khởi tố. Các DN phát hành cần chứng minh được đã dùng tiền phát hành cổ phiếu đầu tư vào đâu và tài sản còn hay mất.

Trở lại vấn đề chất lượng hàng hóa, nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục đẩy nhanh quá trình CPH các TCty nhà nước lớn, đưa ra thị trường những loại hàng hóa có chất lượng thay vì việc hoãn lại quá trình IPO các DN này. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Tôi cho rằng hoãn IPO các DN nhà nước lớn trong thời điểm này là đúng. Hơn nữa, cần phân biệt quá trình CPH và việc đem bán các hàng hóa đó trên TTCK là hai việc khác nhau. Phát hành chỉ là 1 biện pháp để CPH chứ không phải CPH.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: