Sân golf và bài toán yên dân

Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group
10:32 CH @ Thứ Bảy - 20 Tháng Chín, 2014

“Khi lấy yên dân làm mục tiêu thì ta sẽ lựa chọn được những yếu tố thích hợp cho sự phát triển. Yếu tố nào không làm phương hại đến nhân dân, không loại bỏ đại bộ phận những người lao động, vừa thoả mãn được sự tiên tiến của đòi hỏi thế giới mà vẫn khuyến khích, dìu dắt được sự phát triển năng lực của người Việt thì là yếu tố thích hợp cho Việt Nam.”

Xã hội ổn định

VN cần cân đối lại việc sử dụng tài nguyên như thế nào trên cơ sở xem xét mục tiêu phát triển lâu dài của mình.

Nhìn một cách tổng thể, giai đoạn hiện nay là giai đoạn có sự cộng hưởng của hai hiện tượng là sự rung chuyển toàn cầu về mặt kinh tế và sự chịu đựng các hậu quả của quan niệm chưa chính xác về phát triển. Bây giờ là lúc chúng ta phải nhận thức lại và có những điều chỉnh căn bản, đấy là một nhiệm vụ đặc biệt của giai đoạn này.

Hiện nay chúng ta mới chỉ dừng lại ở những sửa sai chiến thuật. Quan sát xã hội vẫn chưa thấy được những dấu hiệu rõ rệt thể hiện sự thức tỉnh căn bản. Ví dụ, khái niệm ổn định chính trị dường như vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng. Mà như vậy thì chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện chiến lược xây dựng kinh tế.

Trong tiết mục Táo quân trình diễn vào 30 Tết vừa rồi, tôi thấy có một câu mà dường như rất ít người để ý. Đó là câu: “Năm qua dưới hạ giới có nhiều biến động, vậy mà các táo đã cố gắng sánh bước bên nhau để cùng vượt qua được khó khăn, giữ vững sự ổn định cho thiên đình ta, vì thế cũng nên thưởng cho các táo". Vậy chúng ta xem ổn định chính trị là ổn định thiên đình hay ổn định xã hội?

Tôi nghĩ rằng ổn định xã hội là nội dung khống chế toàn bộ quan niệm về ổn định chính trị. Vấn đề này 600 năm trước Nguyễn Trãi đã nói: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Và, trong một bài viết tôi có chữa lại là “Việc chính trị cốt ở yên dân”. Không yên dân là phi chính trị, không yên dân là đi ngược lại với sự phát triển.

Nếu nội dung của ổn định chính trị không được làm rõ thì hậu quả tất yếu sẽ dẫn đến sự bất cẩn trong các chính sách kinh tế - xã hội. Hiện nay chúng ta đưa ra chính sách và áp đặt năng lực của xã hội vào chính sách. Những chính sách như vậy dễ có nguy cơ tạo ra trạng thái suy thoái tự nhiên.

Mà chính sách là công cụ để tổ chức những xã hội có năng lực cụ thể và khách quan chứ không phải là để thử thách năng lực của xã hội. Chính sách là hệ quả của sự phân loại và dự báo diễn biến năng lực của các bộ phận khác nhau của xã hội.

Cho nên, vấn đề đặt ra là chúng ta phải phân tích năng lực xã hội để từ đó tạo ra các mục tiêu và tạo ra các chính sách. Nhà nước là người lãnh đạo, điều hành, tổ chức để nhân dân có những năng lực thoả mãn các tiêu chuẩn của thế giới.

Từ sân golf và câu chuyện thất nghiệp

Nhìn lại chuyện thu hồi đất để biến thành các sân golf, có thể thấy dường như chúng ta đã không để ý đến điều đó. Bây giờ nếu mở cuộc thi cày ruộng thì làm sao người đánh golf không thua. Nhưng nếu thi đánh golf thì chắc chắn tất cả những người nông dân đều thua.

Trong tình hình khó khăn hiện nay, khi thất nghiệp đang trở thành một vấn đề của xã hội, chúng ta thấy rằng không thể nào không nghĩ đến chuyện thu xếp chỗ trở về cho những người công nhân vãng lai tạo ra toàn bộ nền công nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng họ về đâu? Họ không quay về sân golf được.

Đến ô nhiễm do lạm dụng tài nguyên

Trong chính sách khai thác tài nguyên chúng ta cũng thể hiện đôi sự chưa hợp lý.

Ví dụ, trong khi nhiều nước trên thế giới đã đóng cửa nhiều mỏ khai thác tài nguyên vì lý do gây ô nhiễm môi trường thì chúng ta vẫn cho khai thác một số mỏ tài nguyên. Theo tôi, cần phải xem xét lại thái độ vĩ mô về chuyện này, bởi vì nếu khai thác tài nguyên trên quy mô quá rộng lớn là đào bới đất nước và tạo ra một quy mô gây ô nhiễm trên toàn bộ lãnh thổ.

Xa hơn nữa, chúng ta cần phải nhìn thấy việc Việt Nam có nguy cơ trở thành một bãi thải tất yếu của các vấn đề về môi trường, về công nghệ, về lao động. Sẽ có những dòng di chuyển lao động từ chính các quốc gia bỏ vốn đầu tư vào Việt Nam thông qua các dự án khai thác tài nguyên trên quy mô lớn.

Đấy là một trong những sự dịch chuyển của bốn dòng chảy tiêu cực từ những nền kinh tế phát triển nóng ở gần chúng ta. Dòng chảy thứ nhất là dòng chảy ô nhiễm môi trường, dòng chảy thứ hai là dòng chảy công nghệ lỗi thời, dòng chảy thứ ba là dòng chảy lao động. Và cuối cùng, nghiêm trọng hơn cả là dòng chảy của những kinh nghiệm điều hành đã bị thải loại nhằm kìm hãm chúng ta ở một trạng thái để ba dòng chảy trên có thể đến được Việt Nam.

Từ đó có thể thấy, khi xây dựng chính sách, nhà nước phải có một công nghệ bắt buộc là chính sách này động chạm đến quyền lợi của bao nhiêu người dân, và động chạm theo khuynh hướng nào, làm thế nào để cân đối được quyền lợi của người thụ hưởng với người chịu đựng.

Đối với các dự án kinh tế cũng phải đặt ra các câu hỏi như vậy. Những dự án nào làm phương hại đời sống của nhân dân, những dự án nào không lôi kéo nhân dân vào việc phát triển và hưởng thụ nó là những dự án không thích hợp với những nước như nước chúng ta. Những dự án như thế là phản tiến bộ nếu xét trong bối cảnh chúng ta lấy con người làm mục tiêu của sự phát triển.

Cũng phải biết nói: “không”

Đôi khi vì đã quyết rồi nên chúng ta ngại thay đổi. Nhưng nếu lấy mục tiêu là ổn định xã hội và phát triển đất nước thì chúng ta hoàn toàn có thể quyết định lại.

Khi lấy "yên dân" làm mục tiêu thì chúng ta sẽ lựa chọn được những yếu tố thích hợp cho sự phát triển.

Mỗi một dự án kinh tế, một hành động có chất lượng chính sách đều phải được xem xét một cách nghiêm khắc để tránh xâm phạm đến quyền lợi của nhân dân. Chúng ta hoàn toàn có thể đưa ra những chính sách theo hướng: tôi không cấm anh làm nhưng tôi ra điều kiện để anh làm. Sự khắt khe của những điều kiện sẽ tạo ra một trong những tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư chính xác để đảm bảo cho sự có lợi hay sự vô hại của các dự án đối với xã hội.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là liệu việc đặt ra các điều kiện khắt khe như vậy có phải là một thách thức đối với bộ phận lớn của xã hội là khu vực tư nhân, khu vực các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì họ sẽ khó có thể đáp ứng?

Khó khăn là lúc đẩy nhanh quá trình cải cách và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, từ mô hình tăng trưởng chủ yếu là dựa vào các yếu tố theo chiều rộng (dựa chủ yếu vào xuất khẩu tài nguyên, tăng đầu tư, nhất là đầu tư trong nước) sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu trên cơ sở phát huy nguồn lực và tính năng động của khu vực dân doanh, khai thác lợi thế so sánh, tăng đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (công nghệ và quản lý, chất lượng nguồn nhân lực…) nhằm tạo ra năng lực cạnh tranh mới trong từng doanh nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế.

... Khuyến khích thu hút FDI vào công nghệ cao, dịch vụ, các lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm đất đai. Theo đó, sẽ tiếp nhận FDI một cách có chọn lọc, không phải bằng bất kỳ giá nào như trước đây. - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trong cuộc gặp gỡ báo chí đầu năm 2009.

Tôi cho rằng điều đó hoàn toàn không hề ảnh hưởng đến khu vực này, bởi vì tất cả các doanh nghiệp đứng đắn là những doanh nghiệp không làm những gì mà họ không có khả năng làm. Ngăn chặn con người làm những việc mà họ không có khả năng là một trong những chính sách thông minh nhất mà một nhà nước phải có.

Sự ngăn cản ấy chính là sự ngăn cản năng lực phá hoại của những đối tượng phi năng lực chuyên nghiệp đối với nguồn vốn, tài nguyên, tiêu chuẩn của con người và trên tất cả là phá hoại điều kiện sống của con người.

Trao tiền, trao tài nguyên vào tay những kẻ không có khả năng chính là một trong những biện pháp tự phá hoại nhanh nhất, nó không chỉ phá hoại những điều kiện trước mắt mà phá hoại cả tiềm năng của xã hội. Cần phải ngăn chặn những sự phá hoại như thế. Và đấy chính là bảo vệ những nguồn sống lâu dài của toàn xã hội.

Mọi việc làm đều vì nhân dân

Rõ ràng khi lấy "yên dân" làm mục tiêu thì chúng ta sẽ lựa chọn được những yếu tố thích hợp cho sự phát triển. Yếu tố nào không làm phương hại đến nhân dân, yếu tố nào không loại bỏ đại bộ phận những người lao động, yếu tố nào vừa thoả mãn được sự tiên tiến của đòi hỏi thế giới mà vẫn khuyến khích được, vẫn dìu dắt được sự phát triển năng lực của người Việt thì đấy chính là yếu tố thích hợp cho Việt Nam. Phát triển xã hội là vì con người, chúng ta không gạt bỏ con người vì sự sạch sẽ, đẹp đẽ, ngay ngắn của xã hội được.

Những dự án nào làm phương hại đời sống của nhân dân là những dự án không thích hợp. Ảnh: Citilink.channelvn.net

Nếu không giải quyết được tâm lý ấy, nhận thức ấy thì không có cách gì để chúng ta nói đến tiến bộ xã hội. Và chìa khoá để giải quyết tâm lý ấy nằm ở chính tâm hồn con người, nằm ở sự xót thương nhân dân của những người có trách nhiệm và có lý trí. Nếu có trách nhiệm mà không có lý trí thì anh không làm được như anh muốn, nhưng nếu có lý trí mà không có trách nhiệm thì anh là kẻ đi ngược lại lợi ích của nhân dân.

Nguồn:TuanVietnam
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cảm giác bất an

    11/11/2010Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult GroupBất an là một cảm giác, một trạng thái tâm lý bình thường của con người. Sẽ chẳng có gì là đáng bàn nếu nó xuất hiện ở một hoặc một vài cá nhân. Vấn đề cần nghiên cứu là cộng đồng, hay nói rộng hơn, xã hội sẽ đi về đâu khi bất an trở thành một trạng thái tâm lý phổ biến...
  • Tính minh bạch

    01/07/2016Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult GroupMinh bạch là một trong những nguyên lý quan trọng nhất để khẳng định sự lành mạnh của cả thể chế lẫn xã hội...
  • Lộng hành

    16/11/2015Nguyễn Trần BạtSự lộng hành của các khuynh hướng chính trị luôn ám ảnh nhân loại suốt từ cuối thế kỷ XIX đến nay. Lộng hành chính là kết quả của việc một khuynh hướng chính trị, khuynh hướng tư tưởng, khuynh hướng văn hoá, khuynh hướng tôn giáo không được kiểm soát và không được cân bằng bởi những khuynh hướng khác...
  • Toàn cầu hóa chênh lệch giàu nghèo

    15/04/2014Nguyễn Trần BạtTrên các phương tiện thông tin đại chúng, không chỉ ở Việt Nam mà hầu như trên toàn thế giới, người ta nói rất nhiều về sự nghèo đói và hiện tượng chênh lệch giàu nghèo. Tuy nhiên, ở đây có một điểm cần làm rõ, đó là phải phân biệt sự nghèo đối với khoảng cách chênh lệch giàu nghèo, sự nghèo đói và chênh lệch giàu nghèo với nhận thức về chúng...
  • Tính trễ của cải cách chính trị

    18/08/2010Nguyễn Trần BạtTính trễ của cải cách chính trị là trạng thái không đồng bộ của quá trình cải cách, trong đó hệ thống chính trị có xu hướng bảo lưu các đặc tính đã trở nên lạc hậu trước thực tế đời sống xã hội...
  • Tận nhân lực, tri thiên mệnh

    12/02/2009Thượng Tùng thực hiệnNguyễn Trần Bạt, Chủ tịch InvestConsult Group, thường được nhắc đến như người sáng lập ra công ty tư vấn đầu tiên ở Việt Nam. Có lẽ ông cũng là một trong không nhiều người mạnh dạn rời bỏ môi trường nhà nước từ trước Đổi mới. Ở tuổi 63, người đàn ông này vẫn rất khang kiện, vẫn làm việc miệt mài...
  • Khủng hoảng kinh tế thế giới và những nhiệm vụ của năm 2009

    09/01/2009Nguyễn Trần BạtTrong thời đại đã toàn cầu hoá ngày nay, không quốc gia nào có quyền nói về những hiện tượng phát triển của mình mà không quan tâm, không phân tích hiện tượng tương đương của thế giới. Phải nói rằng, cho đến phút này, giới học giả và chính phủ trên thế giới chưa hình dung được đầy đủ cơ cấu của hiện tượng khủng hoảng kinh tế...
  • Những thay đổi trong quan niệm về phát triển

    14/04/2008Nguyễn Trần BạtTrong những năm gần đây, thế giới đã chứng kiến những bước thay đổi căn bản về quan niệm phát triển. Khi sự phát triển còn ở vào giai đoạn tốc độ thấp, những vấn đề toàn cầu chưa xuất hiện. Ngày nay, khi tốc độ phát triển đã tăng vọt, những biến đổi vũ bão của thế giới đã và đang kéo theo những vấn đề toàn cầu như chênh lệch giàu nghèo, vấn đề sinh thái, an ninh toàn cầu... đòi hỏi nhân loại phải chung sức giải quyết.
  • Cải cách vì mục tiêu phát triển bền vững

    14/04/2008Nguyễn Trần BạtLý do quan trọng nhất khiến chúng ta phải chấm dứt phương pháp lãnh đạo cách mạng, đó là trái đất không còn đủ nguồn năng lượng sống để lãng phí đến mức tiêu dùng cho những cuộc cách mạng. Những thay đổi trong quan niệm về phát triển ở trên đã chứng minh điều đó. Các nhà nước và các chính phủ, hơn ai hết phải nhận ra tầm quan trọng của hoạt động lãnh đạo để tạo ra sự phát triển bền vững và chân chính...
  • Quan hệ giữa phát triển quốc gia và phát triển toàn cầu

    14/04/2008Nguyễn Trần BạtCải cách hiện nay là công việc cần thiết đối với tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, trọng tâm của cuốn sách này là bàn về sự cần thiết phải cải cách đối với các nước thế giới thứ ba, vì thế giới thứ ba là bộ phận lạc hậu và nơi đang tiềm ẩn các nguồn lực hủy hoại chủ yếu hiện nay...
  • Về khái niệm tính đồng bộ và sự cần thiết phải tiến hành đồng bộ các cuộc cải cách

    14/04/2008Nguyễn Trần BạtKhông ít người cho rằng, đồng bộ là bản chất của cuộc sống nhưng tôi thì không. Cuộc sống không đồng bộ, không có cái gọi là sự đồng bộ của cuộc sống, nếu có thì chúng ta phải dùng từ "đồng bộ" để nói đến sự phát triển tự nhiên của cuộc sống. Cuộc sống là đa dạng. Đối với cuộc sống thì đó là tính cân bằng chứ không phải tính đồng bộ...
  • xem toàn bộ