Quá khứ và hiện tại
Đời người ai cũng có quá khứ, dĩ vãng và những kỷ niệm ghi trong ký ức một cách tự nhiên - nhớ mãi - không thể nào quên được. Ký ức vui hoặc là kỷ niệm buồn đều tác động tới cuộc sống hiện tại của con người, với từng người. Dĩ vãng, kỷ niệm ấy, quá khứ ấy, có thể nâng cao hoặc hạ thấp giá trị của con người. Quá khứ ấy, kỷ niệm ấy sẽ thành sức mạnh, niềm tự hào hoặc ngược lại. Nói chung và dễ thấy ở quá khứ và dĩ vãng, thường là chuyện buồn, sự đau đáu, man mác, hoài niệm, trăn trở, đặc biệt với tình yêu.
Quá khứ - dĩ vãng là những gì đời người đã trải qua, đã đi qua rồi, chỉ còn để lại trong ký ức nỗi nhớ, niềm bâng khuâng, dằn vặt nào đấy “rũ không ra, thả không buông”. Nếu mọi “sự đời” tất cả đều như thế thì con người ta không thể nào sống yên ổn một cách nhẹ nhõm, thanh thản được. Chẳng ai muốn thế, nhưng “sự đời” nó lại như thế. Chấp nhận hay không chấp nhận là bơi... tự mình. Không ai sống thay cho cuộc sống, cuộc đời, cũng như tình yêu của mình, với người mà mình thực sự yêu thương được.
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Yêu nhau, củ ấu cũng tròn. Ghét nhau, bồ hòn cũng méo”. Ký ức và quá khứ giữ vai trò “ghê lắm” về cái sự yêu, ghét ấy đối với nhau, nhất là trong tình yêu.
Quá khứ nếu chỉ là điều buồn thảm, day dứt, thì đấy là quá khứ, hồi ức nguy hiểm, chỉ huỷ diệt không chỉ ý chí vươn lên của con người mà còn cả với tình yêu. Gọi là: Quá - khứ - tiêu - cực.
Nhằm chế ngự (giảm bớt, làm cho quên đi, mất đi) loại quá - khứ - tiêu - cực, con người cần phải rất tỉnh táo, sáng suốt và dũng cảm, nhân hậu.
Ví dụ: một người vợ (người chồng) trong một lúc nào đó, hoàn cảnh nào đó đã phản bội vợ (chồng) thì sau đó cần phải sống, đối xử như thế nào đấy với vợ (chồng) để xoá đi, chuộc lại cái quá khứ tội lỗi, sai lầm của mình một cách chân thành, hợp với lẽ đời, tự mình tìm lại, lấy lại tình yêu và hạnh phúc cho mình. Nếu không, kết quả sẽ là…xấu.
Người xưa có câu rất dữ dội, nghe mà toát mồ hôi, điếng người:
“Lấy điếm (gái điếm) về làm vợ, không ai lấy vợ để rồi đi làm điếm (ngoại tình)”. Với đàn ông cũng vậy. Nhằm nói về sự chung thuỷ của tình yêu, nghĩa vợ chồng mà xoá bỏ quá khứ.
Quá khứ xa xưa, ai mà chẳng có. Nào mấy ai yêu lần đầu từ buổi “tình yêu trẻ con - tình yêu dại khờ” mà đã nên đầu nền đũa. Cuộc sống, cuộc đời vừa phong phú vừa phức tạp lắm. Xưa đã thế và nay cũng thế. Càng “hiện đại” càng phải tỉnh táo. Quá khứ trước, sau… là việc đã qua rồi. Quan trọng là…bây giờ, là hiện tại.
Hồi còn trẻ, (tôi xin lỗi anh chị là nhân vật tôi sắp kể - chẳng biết giờ anh chị ở nơi đâu, còn sống hay đã mất mà tôi kính trọng tình yêu của anh chị) tôi được chứng kiến tình yêu của hai người hơn tuổi tôi. Anh, là giáo viên, như tôi lúc ấy. Song, tôi là cán bộ của Ty giáo dục (như Sở giáo dục bây giờ). Chị, nguyên là “gái nhẩy” - từa tựa “cave” hiện nay. Tôi đã phải “thèm” tình yêu của chị ý dành cho chồng. Anh ấy đã là một người chồng có người vợ yêu anh…đúng là “hết ý”. Chị đã như, đã là “nước suối ban mai giữa dòng” như câu thơ ở bài thơ “Cô gái sông Hương” của nhà thơ Tố Hữu đã viết từ những năm 40 của thế kỷ XX. Thực lòng, tôi coi chị như người chị. Và anh, đúng là anh tôi. Dù đã chuyển nơi công tác đã ngót nửa thế kỷ, tôi vẫn nhớ anh chị. Quá khứ dù nặng nề đến bao nhiêu, khi tình yêu chân chính đến, quá khứ sẽ bị chôn vùi bởi tình người yêu thương nhân hậu.
Quá khứ sẽ luôn luôn trỗi dậy, khi con người coi thường hoặc không coi trọng quá khứ. Đúng. Quá khứ trở về một cách dữ dội, nguy hiểm lắm. Khi tình yêu - lòng nhân hậu, yêu thương đã đứng ra ngoài, thì quá khứ sẽ tiêu diệt tình yêu. Đấy là sự thật, là chuyện có thật ở trên đời.
Lục lọi và khơi dậy quá khứ vốn không phải là ký ức vui vẻ gì, sẽ chỉ có tác dụng huỷ hoại tình yêu.
Có một chị là học sinh cũ của tôi ở cấp tiểu học khi bỏ chồng (chứ không phải là chồng bỏ) đã ngao ngán kể với tôi:
Khi yêu anh ấy, em đã nói thật là em đã bị phản bội từ mối tình đầu. Anh ấy có chấp nhận thì hãy yêu em và lấy em làm vợ. Thực lòng, em yêu anh ấy và biết ơn anh ấy yêu em, cưới em. Song, anh ấy cứ luôn nói voà lúc vợ chồng có chuyện gì đấy khác ý nhau rằng: “Tôi biết tôi chỉ là thằng đổ vỏ cho đứa đã ăn ốc, thằng ăn của thừa…”. Thầy ạ, sống như thế, làm sao mà sống được. Thà ở vậy cho xong.
Chị ấy - cô học sinh năm xưa của tôi, đâu có phải… ở vậy. Giờ đây, chị có hẳn một gia đình êm ấm và hai đứa con đủ nếp đủ tẻ, khi gặp tôi đều cúi chào tôi là…ông. Tôi nói đùa: “Chào là bác thôi”! Thì cháu lớn 15 tuổi thưa: “Ông là thầy giáo của mẹ con, con phải chào là ông ạ”!
Quá khứ khi đã được chôn vùi bởi tình yêu và lòng nhân hậu của con người, hạnh phúc sẽ hiện ra…
Quá khứ không thể nào bằng hiện tại.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn