Phan Văn Trường - kiến trúc sư của “Yêu sách của nhân dân Việt Nam”
Phan Chu Trinh, tự Hy Mã, đã từng dạy ở Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội nên mặc dù chưa từng gặp nhau trong nước Phan Văn Trường đã chủ động mời Phan chí sĩ, khi đó bị Chính phủ Pháp cắt hoàn toàn trợ cấp, về ở cùng nhà tại số 6 Villa des Gobelins, Paris. Và không phải chỉ để cưu mang vì ân tình với Nghĩa Thục mà chính là để có người đồng chí hướng để tiếp tục bàn chuyện nước, cụ thể và trước hết tính chuyện gây dựng phong trào yêu nước ngay tại Pháp. Thực vậy, ngay sau khi gặp nhau, hai họ Phan đã thành lập Hội đồng bào tương thân tương ái do Phan Văn Trường làm hội trưởng. Tính chất yêu nước của Hội rõ tới mức Hội trưởng Việt Nam quang phục là Cường Để năm 1913 đã phái người sang Paris đưa thư cho Phan Chu Trinh để liên kết hoạt động. Sau vụ Việt Nam quang phục Hội nổ bom tại Hà Nội cũng trong năm 1913, chính quyền Pháp nghi ngờ Phan Văn Trường và Phan Chu Trinh đã có liên hệ với phong trào mang tính bạo động ở Việt Nam nên nhân Chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra đã bắt giam cả hai ông vào tháng 9/1914 với lý do “âm mưu chính trị chống nước Pháp”. Do có sự can thiệp của Hội nhân quyền và của nhiều chính khách thuộc đảng Xã hội nên gần một năm sau, tháng 7/1915, chính quyền Pháp buộc phải thả hai ông. Tuy nhiên Hội đồng bào tương thân tương ái cũng chấm dứt tồn tại phần vì trong thời gian Phan Văn Trường và Phan Chu Trinh bị bắt giam, Hội không có người lãnh đạo nên có thể nói là không hoạt động, phần vì sau khi được trả tự do hai ông cũng tránh công khai cầm chịch hoạt động yêu nước để chính quyền Pháp không dễ dàng có cớ bắt các ông một lần nữa. Tuy vậy, để tiếp tục, và hơn thế nữa, để đẩy mạnh hoạt động yêu nước trong những người Việt Nam tại Pháp cho tương xứng quy mô cả trăm nghìn người được đưa sang Pháp để phục vụ chiến tranh thay vì dưới 100 người khi Hội mới thành lập, hai nhà ái quốc họ Phan quyết định hoạt động này sẽ tiếp tục dưới một hình thái mới và với nhân sự lãnh đạo mới, tất nhiên sẽ do hai ông đích thân chọn lựa nhằm đảm bảo sự cộng tác chặt chẽ với hai ông. Đây chính là xuất phát điểm của cái tên mang lại nền Độc lập cho dân tộc Việt Nam: Nguyễn Ái Quốc.
Sau khi rời Tổ quốc vào ngày 6/5/1911 sang Pháp và sau đó sang nhiều nước khác để tìm đường giúp đồng bào thoát khỏi ách thống trị của thực dân Pháp, chàng trai Nguyễn Tất Thành có liên hệ bằng thư với Phan Chu Trinh mà anh gọi bằng bác vì ông là bạn đồng khóa với thân sinh anh, Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Và chính qua các cuộc trao đổi bằng thư này mà Nguyễn Tất Thành biết đến người bạn tranh đấu chí thiết của Phan tiên sinh là luật sư Phan Văn Trường và ngược lại, luật sư họ Phan cũng biết đến và hơn thế nữa, cùng với Phan Chu Trinh đã phát hiện ở chàng trai này tố chất của một nhà tranh đấu tương lai thể hiện qua sự hăng say học hỏi lẫn sự cuồng nhiệt muốn đóng góp cho dòng giống Lạc-Hồng dù có phải hy sinh bản thân mà danh xưng “Cuồng điệt” (người cháu cuồng nhiệt) của Nguyễn Tất Thành cũng đã nói lên tất cả. Không nghi ngờ gì nữa, Nguyễn Tất Thành chính là người mà hai nhà ái quốc họ Phan đang cần để công khai tổ chức và thúc đẩy các hoạt động yêu nước thay cho hai ông vì lý do đã rõ, nhất là khi Nguyễn Tất Thành lại có mặt trên đất Pháp vào cuối năm 1917 sau khi từ Anh sang. Tuy nhiên sự gắn kết chặt chẽ giữa ba người này không đồng nghĩa với việc ra đời một tổ chức yêu nước mới mà theo nhiều tác giả là Hội người Việt Nam yêu nước. Thực vậy, trong giai đoạn từ cuối 1917 đến 18/6/1919 là ngày Yêu sách của nhân dân Việt Nam gồm 8 điểm được Nguyễn Ái Quốc gửi đến Hội nghị Versailles đã không có bất cứ báo cáo nào của mật thám Pháp về mối liên hệ mang tính chính trị giữa Nguyễn Tất Thành và hai ông Phan. Ngoài ra còn có sự ngộ nhận bắt nguồn từ việc dịch sai cái tên “Groupe des patriotes Annamites” mà Nguyễn Ái Quốc thay mặt. Thực vậy, lẽ ra phải dịch là “Nhóm người Việt Nam yêu nước”, (“nhóm” chỉ là tập hợp nhất thời chứ chưa phải là tổ chức) thì lại dịch là “Hội người Việt Nam yêu nước” và chính cái từ “hội” đã gây lầm tưởng đây là một tổ chức hẳn hoi. Mặc dù vậy, điều quan trọng là với sự góp mặt của Nguyễn Tất Thành, lần đầu tiên những người Việt Nam yêu nước tại Pháp đã gây một tiếng vang lớn trên trường quốc tế, thu hút sự chú ý của nhiều quốc gia đối với số phận đau khổ của cả một dân tộc.
Luật sư - Tiến sĩ Phan Văn Trường (1876-1933) tại Tòa thượng thẩm Paris.
Nếu như không có gì khó khăn khi xác định Yêu sách của nhân dân Việt Nam là kết quả của sự đồng thuận của cả bộ ba ái quốc Phan Văn Trường, Phan Chu Trinh, Nguyễn Tất Thành thì vấn đề đặt ra là ai là người soạn thảo Yêu sách. Trần Dân Tiên trong Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịchcho biết: “Ý kiến đưa ra yêu cầu do ông Nguyễn đề ra và luật sư Phan Văn Trường là người viết vì bấy giờ ông Nguyễn chưa viết được tiếng Pháp”. Báo cáo của mật thám Jean ngày 3/11/1919 cũng cho rằng Nguyễn Ái Quốc “giỏi chữ Hán, còn tiếng Pháp thì ông chưa nắm được bao nhiêu” nên “ông Trường dạy anh học thêm tiếng Pháp”. Như vậy Phan Văn Trường là người soạn thảo Yêu sách và trên thực tế văn bản này mang đậm dấu ấn của ông với nhãn quan của một nhà luật học. Thực vậy, Điểm 2 nêu rõ: “Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu; xóa bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam”; hay Điểm 7 “Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật”. Như vậy có đủ cơ sở để khẳng định rằng tiến sĩ luật học Phan Văn Trường là kiến trúc sư của Yêu sách của nhân dân Việt Nam, một sự kiện tạo nên bước ngoặt trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20.
Tác phẩm của Phan Văn Trường:
Pháp luật lược luận, 1926, Sài Gòn
Conspirateurs Annamites à Paris au La vérité sur l'indo-chine,
nhà in Đông Pháp ấn hành năm 1928.
Nhà xuất bản L'insomniaque (93100 Montreuil - France)
in lại năm 2003, ISBN 2-908744-66-X
nhà in Đông Pháp ấn hành năm 1928.
Nhà xuất bản L'insomniaque (93100 Montreuil - France)
in lại năm 2003, ISBN 2-908744-66-X
Nguồn:
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá