Muốn hội nhập, phải thoát khỏi văn hoá làng xã
Việt Nam là một dân tộc ngàn đời nay sống bằng nghề nông trồng lúa nước, cho nên toàn bộ văn hoá VN, xã hội VN, cái hay cái dở của VN đều từ văn hoá làng xã mà ra.
Để làm lúa nước, người VN tụ họp thành làng với tổ chức rất chặt chẽ và khép kín. Nguyên tắc tối thượng của xã hội nông nghiệp lúa nước là ổn định để tồn tại. Muốn ổn định thì tốt nhất là mỗi người phải ngồi yên một chỗ, mọi người hợp lại thành một cộng đồng gắn kết ở yên trong một làng, công việc lặp lại theo mùa, ứng xử sao không mất lòng nhau.
Để tránh xáo trộn thì có gì "đóng cửa bảo nhau"; để khỏi mất lòng nhau thì ứng xử phải khéo léo, không nhất thiết là có sao nói vậy. Quản lý kiểu theo lãnh đạo tập thể, lấy lệ làng làm chuẩn mực...
Đó là hệ giá trị tối ưu mà một xã hội nông nghiệp lúa nước đã xây dựng được cho mình. Song khi bước vào hội nhập, chuyển sang một xã hội đô thị và công nghiệp thì những giá trị ấy không còn thích hợp. Không những không còn thích hợp, nó còn là lực cản cho sự phát triển và nguyên nhân của những sai lầm. Để hội nhập, cần phải thoát ra khỏi những hạn chế của văn hoá làng xã. Muốn vậy, theo tôi, phải có đủ 3 điều kiện.
Thứ nhất là cần tăng cường dân chủ hoá. Dân chủ là mục tiêu đầu tiên mà chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra khi thành lập nước vào năm 1945. Khẩu hiệu "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" mà Đảng ta đề ra là sự cụ thể hoá tuyệt vời của mục tiêu đó. Quyền được thông tin một cách trung thực là hạt nhân của mục tiêu đó - nó là thước đo sự trưởng thành của một xã hội dân sự.
Thế nhưng từ ước muốn đến thực tế vẫn còn là cả một khoảng cách. Một số người lãnh đạo xuất thân từ truyền thống văn hoá làng xã vẫn mang theo vào thời hội nhập thói quen quản lý kiểu vòng vo, đối phó, vẫn giữ thói quen "giấu" thông tin, không nói thật, bao biện để dễ lãnh đạo, cứ sợ dân chúng biết thì khó quản, dân bàn thì việc sẽ rối, dân làm thì không theo đúng ý mình, dân kiểm tra thì... lộ hết bí mật.
Hình như họ rất khó thích nghi được với một thực tế rằng thông tin thế giới và thế giới thông tin đã thay đổi về căn bản. Rằng trong thế giới toàn cầu hoá với mạng internet, thông tin không còn là độc quyền của riêng ai. Thành ra có biết bao chuyện cả thế giới biết rồi, người sử dụng tin học cả nước biết rồi, mà họ vẫn quanh co.
Thứ hai là người lãnh đạo phải quyết đoán và dám chịu trách nhiệm. Ở các nước phương Tây trọng văn hoá cá nhân và cả Đông Bắc Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... đều ít nhiều có phẩm chất trọng động, nên tính quyết đoán của người lãnh đạo rất cao; còn VN ta là nền văn hoá lúa nước, nên bao trùm vẫn là cảnh "phép vua thua lệ làng".
Chính vì thế, mà cá nhân thường ít người đủ bản lĩnh quyết đoán và dám chịu trách nhiệm. Ở phương Tây và Đông Bắc Á, một lãnh đạo mới lên dám phân tích cái sai cái đúng của người tiền nhiệm để tiến lên, còn ở ta thì chuẩn mực là "chín bỏ làm mười", giúp tiền nhiệm "hạ cánh an toàn" cũng chính là giúp mình về sau. Người tiền nhiệm không sai, mình không sai, vậy thì chỉ còn dân chúng là sai.
Trong giáo dục tồn tại bệnh thành tích là vì cha mẹ học sinh "ham thành tích". Cấp dưới thường sai, cấp trên thường đúng, đó là chuyện thường ngày. Biết bao chuyện tày trời xảy ra, nhưng nhiều vị quan chức của ta được báo chí và dân chúng mệnh danh là "không biết tới văn hoá từ chức".
Căn bệnh thiếu tính quyết đoán và không dám chịu trách nhiệm đã dẫn đến cảnh "phép vua thua lệ làng" và thói quen xấu là "trên bảo dưới không nghe". Thực ra, dân chúng của các nền văn hoá nông nghiệp như ở VN đa số đều là người hiền lành, nếu ra những quyết định hợp lý thì họ sẽ rất nghiêm chỉnh tuân theo mà không hề chống đối. Việc toàn dân răm rắp tuân theo lệnh cấm đốt pháo mấy năm trước đây và lệnh buộc đội mũ bảo hiểm hiện nay nói lên rất rõ điều đó.
Thứ ba là phải đảm bảo một hệ thống luật pháp hoàn chỉnh, chặt chẽ và ổn định. Để đảm bảo cho người lãnh đạo quyết đoán và dám chịu trách nhiệm, lại càng cần có một hệ thống luật pháp hoàn chỉnh và chặt chẽ như vậy. Một hiến pháp ra đời đã 15 năm mà vẫn còn biết bao điều luật chưa được cụ thể hoá, chẳng hạn như luật biểu tình.
Đảm bảo được ba điều kiện tối thiểu ấy, tâm và thế của VN sẽ khác hẳn trên trường quốc tế, việc hội nhập của ta mới đảm bảo nhanh chóng và đem lại nhiều thành công.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn