Hồ Chí Minh - cuộc đời như một thông điệp
Xem thêm:
Những giá trị tinh thần to lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc là không ai có thể phủ nhận, nhưng cách thức mà chúng ta đang sử dụng để đánh giá, nghiên cứu và học tập những giá trị tinh thần ấy lại rất đáng lo ngại. Không chỉ trong sinh hoạt hàng ngày, mà cả trên không ít phương tiện tuyên truyền, người ta đang vô tình hay hữu ý tìm cách áp đặt vào sự nghiệp của Hồ Chí Minh những điều xa lạ với chính Người.
Những giá trị cơ bản của Hồ Chí Minh chính là giá trị hành vi. Tôi nghĩ rằng những giá trị tinh thần của Hồ Chí Minh cần phải được nghiên cứu thực sự, và từ đó soi rọi nền văn hoá chính trị Việt Nam.
Nói đến Hồ Chí Minh là phải nói đến Đảng Cộng Sản Việt Nam. Theo tôi, Đảng Cộng sản Việt Nam là khối đầu óc của nhân dân, chứ không phải là những thành tựu chính trị, cho dù những thành tựu chính trị đó là có thật và trong đó bao giờ Hồ Chí Minh cũng đóng vai trò hình mẫu, cả với tư cách một nhà hoạt động chính trị lẫn vai trò người đại diện dân tộc... Tại sao người ta phân biệt bộ đội Cụ Hồ với những người lính khác? Và anh bộ đội Cụ Hồ cũng khác nhau ở hai giai đoạn chống Pháp và chống Mỹ. Người bộ đội Cụ Hồ được xem xét thông qua lăng kính Hồ Chí Minh: người ta nhìn, người ta gắn lên anh bộ đội hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu như chúng ta chỉ dừng lại nghiên cứu những bài viết, giải pháp hay những lập luận của Bác Hồ và kết luận rằng đấy là tư tưởng Hồ Chí Minh thì chúng ta đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng. Cần phải nghiên cứu các giá trị văn hoá của Hồ Chí Minh chứ không phải là những bài viết hay câu nói cụ thể. Và các giá trị văn hoá ấy được thể hiện khi rõ ràng, khi kín đáo, nhưng thật là tinh tế. Hồ Chí Minh mặc áo Tôn Trung Sơn, chẳng hạn, không phải tình cờ mà là vì nhu cầu chính trị lúc bấy giờ...
Mỗi hành vi của Hồ Chí Minh là một thông điệp, nói theo cách của Gandhi, "my life is my message". Thật là một cách diễn đạt tài tình. Nhưng chính vì mỗi hành vi của nhà chính trị đều là một thông điệp, nhà chính trị cần phải có các tiêu chuẩn văn hoá trong hành động, trong hành vi. Nếu nhà chính trị không rèn luyện mình để mỗi hành vi của mình là một thông điệp thì đó là một nhà chính trị xoàng. Chúng ta nhớ rằng trong những năm dài kháng chiến, các đồng chí trong Bộ chính trị, các bộ trưởng đi đến đâu cũng được nhân dân yêu quí, sùng bái. Nhân dân kể chuyện về các nhà chính trị bên cạnh Hồ Chí Minh, nhân dân thêu dệt những huyền thoại về họ, dù chưa đủ trình độ và cũng không có tư liệu để có thể hiểu những tư tưởng, những lý luận của Hồ Chí Minh. Ở đây chẳng có gì thần bí, nhân dân hiểu giá trị của Bác Hồ thông qua hành vi, nhân dân yêu Đảng, yêu bộ đội Cụ Hồ cũng vì nhân dân nhìn hành vi. Văn hoá hành vi là bộ phận quan trọng nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh. Là một nhà chính trị kiệt xuất, nhưng Hồ Chí Minh chưa bao giờ xuất hiện ở Việt Nam như một nhà chính trị.
Tất cả những người Việt Nam được tiếp xúc với Hồ Chí Minh đều hâm mộ Người. Vì sao? Vì Hồ Chí Minh là người không lạm dụng, một người nhân ái và cũng là người dũng cảm. Hãy thử nhớ lại vẻ ung dung của Người khi xuống tàu đối đầu với tướng D'Argenlieu, cũng tức là với quân đội Pháp. Những hành vi như thế hấp dẫn toàn nhân loại. Hiểu được điều đó chúng ta sẽ thấy rằng việc diễn dịch tư tưởng Hồ Chí Minh một cách máy móc, giống như cách người ta gỡ từng sợi vải ra khỏi một mảnh vải thổ cẩm được dệt nên một cách tinh xảo từ những nguyên liệu mang bản sắc dân tộc và tinh hoa của nhân loại, sẽ là một sai lầm, thậm chí là một hành động xúc phạm đến Hồ Chí Minh. Trong cuộc đời kỳ lạ của mình, Bác đã thể hiện một cách trọn vẹn nhất, tổng hợp nhất tư tưởng của mình qua việc luôn luôn đưa ra các giải pháp chính trị mềm dẻo và hữu hiệu, với một phong thái ung dung, nhẹ nhàng và giản dị như chính cách Người ăn mặc, đi lại, nói năng. Ở Hồ Chí Minh chúng ta nhận thấy sự kết hợp hài hoà của đạo đức con người, đạo đức cách mạng với chủ nghĩa cộng sản, qua đó Người đưa ra những tiêu chí của đạo đức như là yếu tố cơ bản của một nhà chính trị của nhân dân. Không phải vô cớ mà mỗi khi nói đến Hồ Chí Minh người ta thường liên tưởng, và hoàn toàn có lý, đến những vĩ nhân đại diện cho nhân dân như Gandhi, như Nerhu...
Vì thế, việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh không phải và không thể là việc bổ sung tư tưởng của Người bằng các cương lĩnh chính trị, hay bằng những công trình nghiên cứu rắc rối và vô nghĩa. Cần phải thấy rằng Đảng của Bác Hồ, quân đội của Bác Hồ, cũng giống như chính nền độc lập dân tộc mà chúng ta đang có, là những giá trị của lịch sử chính trị. Sử dụng một cách sai lạc và lãng phí những giá trị này là sai lầm, thậm chí là có tội. Cần phải hiểu bảo vệ Đảng như là bảo vệ quyền lợi dân tộc, thống nhất hai sự bảo vệ này chính là hoà giải dân tộc.
Không nghi ngờ gì nữa, tất cả sự vĩ đại của Hồ Chí Minh là văn hoá. Đó chính là tiền đề để chúng ta nghiên cứu, xây dựng cái gọi là nền văn hoá chính trị. Nền văn hoá chính trị bao giờ cũng phải được xây dựng trên những tiêu chuẩn rất căn bản và phổ biến của con người. Trong một bài viết của mình, tôi đã nói rằng văn hoá là hoà bình bởi văn hoá là kết quả của sự chung sống. Hồ Chí Minh là người khởi xướng và xây dựng nên nền văn hoá hiện đại Việt Nam, đã để cả cuộc đời để xây dựng những tiêu chuẩn văn hoá, chính trị, hệ tư tưởng và cảnh báo nguy cơ của sự suy thoái các giá trị đạo đức. Tầm nhìn Hồ Chí Minh không bao giờ luẩn quẩn trong việc xác định kẻ địch mà tập trung chủ yếu vào việc dự báo các suy thoái của đời sống đạo đức chính trị. Nghiên cứu về Hồ Chí Minh sẽ càng chứng minh cho điều đó. Nó sẽ giúp chúng ta phổ biến các giá trị đạo đức, các giá trị văn hoá hành vi của Hồ Chí Minh. Có thể nói không quá lời rằng chúng ta cần phải triệt để Hồ Chí Minh hoá Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Nói về Hồ Chí Minh cũng không thể không nói về chủ nghĩa yêu nước mà Người là một hiện thân rực rỡ. Muốn xây dựng dân tộc, chúng ta không thể không xây dựng chủ nghĩa yêu nước. Nhiệm vụ cấp bách của chúng ta là làm trong sạch Đảng và khôi phục hình ảnh của Đảng Cộng Sản, Đảng Hồ Chí Minh, trong tâm trí và tình cảm của nhân dân. Hồ Chí Minh không bao giờ nói một cách công khai về nguy cơ này hay nguy cơ kia, nhưng Người nhiều lần cảnh báo về nguy cơ suy thoái chính trị của Đảng cầm quyền, điều mà Người nhận thức một cách sâu xa như là nguy cơ nghiêm trọng nhất.
Hồ Chí Minh là nhà chính trị hiếm hoi đã làm việc ở cương vị cao nhất không nhiệm kỳ và không hề suy thoái chính trị cho đến hơi thở cuối cùng. Cuộc đời Người, những giá trị tinh thần bất tử của Người là tài sản vô giá của dân tộc. Đó không chỉ là một chân trời bao la cho các công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc mà còn cho chúng ta những bài học bổ ích trong việc củng cố nền văn hoá chính trị Việt Nam.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh