Gương soi công bằng, dân chủ và văn minh!
Khi chính quyền và người dân chưa ý thức được tầm quan trọng, thiết yếu của không gian công cộng,văn hóa công cộng, chưa chăm chút đầu tư cho không gian công cộng, chưa giáo dưỡng xây dựng lối sống nơi công cộng thì cái xã hội mà ta mong mỏi, công bằng-dân chủ-văn minh, chưa thể hiện hình...
Không gian công cộng xưa kia ở làng quê và phố thị thường gắn với đời sống tâm linh và các hoạt động có tính chu kỳ. Cái đình là ngôi nhà đa chức năng hành chính-thờ cúng-văn hóa. Ngôi Đình là người mẹ nuôi dưỡng văn hóa nghệ thuật cộng đồng. Điêu khắc và trang trí gắn trên kiến trúc của nó làm nên biểu tượng và niềm tự hào văn hóa của dân làng. Sân đình nuôi dưỡng mọi hoạt động từ sân khấu tuồng, chèo tới hát múa, đàn nhạc và lễ hội cùng các trò chơi và các môn thể thao. Có thể nói nó đóng vai trò như cái nhà thờ Gôtích bên châu Âu. Các chùa, đền, miếu cũng là nơi dung dưỡng các môn nghệ thuật gắn với các ước định tâm linh phong phú và rắm rối của người Việt. Các kiến trúc cộng đồng này cùng các hoạt động văn hóa nghệ thuật diễn ra ở các không gian đó quán xuyến toàn bộ đời sống văn hóa của người dân. Sự bình đẳng trong nền dân chủ làng xã là: ở đó các thành viên đều bình đẳng và hưởng thụ văn hóa như nhau, không có sự phân biệt, ngăn cách như nghệ thuật cung đình. Đồng thời cũng chỉ trong các hoạt động văn hóa này người làng mới thoát ra khỏi những phân biệt “đẳng cấp” từ túng, trói buộc họ. Ở nơi này thụ hưởng văn hóa nghệ thuật thì không còn phân biệt kẻ giàu, người nghèo, kẻ có học, người thất học, kẻ có chức vị và người cùng đinh, kẻ lão làng và bọn thiếu niên.
Ngoài ra không gian công cộng còn là các chợ quê, nơi mua bán cũng là nơi gặp gỡ tụ họp, vui chơi và tổ chức các sự kiện văn nghệ. Đặc biệt các chợ phiên có tính chu kỳ là những lần hò hẹn thú vị. Các bức tranh dân gian chợ quê thể hiện sinh động sự đậm đặc văn hóa của không gian này. Văn nghệ ở chợ ít chất tâm linh, nặng tính thế tục hơn. Hầu như không có văn hóa đô thị, lớp quý tộc, giới chủ và thương nhân nhưng ở một vài đô thị Việt Nam xưa cũng đã có các rạp hát, hoặc các khu vực dành cho nghệ thuật biểu diễn. Nghe các bài thơ, bài dân ca hay các câu ca dao như "Qua đình ngả nón trông đình/Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu” mới thấy các không gian công cộng này đã thấm đậm vào tâm hồn, tình cảm con người, trở nên một phần của tình yêu quê hương tổ quốc đến mức nào.
Sang thời thực dân: không gian đô thị được quy hoạch hiện đại và luôn có các điểm nhấn, điểm dừng dành cho tất cả mọi người: đó là các công viên, chỗ đi bộ, chỗ dừng chân của giao thông công cộng, chỗ thưởng thức văn hóa, nơi thực hiện các dịch vụ công. Nhà bảo tàng, nhà hát, các khu công sở, các công trường, vườn hoa ở Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng... đến nay vẫn là những di sản kiến trúc đẹp nhất, vẫn là hình ảnh dễ nhớ của các đô thị Việt Nam. Ta cũng lại thấy, thí dụ như với Hà Nội, các không gian công cộng này từ cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân, Hồ Tây, Hồ Gươm, hàng cây hoa sữa, cơm nguội ... các góc phố, những con đường ... đã trở thành các mô-típ chủ đạo của các bài ca, bức họa về thủ đô "ngàn năm văn hiến". Suốt thời chiến tranh, bao cấp có lẽ ta chỉ bổ xung thêm vào các di sản trên được có một cái công viên Lê Nin và quảng trường Lăng Bác! Ở các đô thị khác tình hình cũng không khá hơn. Tại Sài Gòn, thành phố lớn nhất nước thời kỳ này, đáng chú ý là các công trường nhỏ, các tượng kỷ niệm trên các trục giao thông chính rất tốt về vị trí quy hoạch dù các pho tượng chưa có chất lượng cao.
Thời kì đổi mới: với đô thị hóa và công nghiệp hóa các thành phố phát triển nhanh chưa từng thấy. Trong hai mươi năm đô thị phát triển hơn cả mấy thế kỷ trước gộp lại. Với một quốc gia hầu như chưa có truyền thống văn hóa đô thị như Việt Nam thì đây là một bước ngoặt chưa từng có, thay đổi hoàn toàn lối sống, môi trường sống và các mối quan hệ của con người, thách thức mọi tính toán và dự đoán. Tiếc rằng không gian công cộng bị coi nhẹ, gần như không có mặt trong các quy hoạch. Tỷ lệ diện tích dành cho cây xanh, cơ sở hạ tầng quá thấp và tỷ lệ dành cho không gian văn hóa gần như bằng 0!
Sự thực dụng tưởng như mang lại hiệu quả kinh tế thì lại gây tác hại to lớn về kinh tế, đặt ra những vấn đề môi trường không biết tới bao giờ mới giải quyết nổi. Đồng thời sự thiếu vắng các không gian công cộng quay lại làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng sống, một lần nữa làm cho tăng trưởng mang các giá trị âm.
Hiện nay trong văn hóa công cộng truyền thống và hiện đại đan cài phức tạp. Một mặt các không gian tâm linh như chùa, đền, miếu, nhà thờ, các di tích cúng bái... được “tái sinh” và xây mới nhộn nhịp, nhiều khi đi đôi với sự phục chế, phục dựng sai lạc và xây cất mới kệch cỡm, thiếu thẩm mỹ. Đời sống tâm linh cũng đã biến dạng do gắn với du lịch và kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Mặt khác, nếu không phát triển du lịch thì không cách nào nuôi sống các không gian văn hóa truyền thống. Khi lối sống đã thay đổi, môi trường của các nghệ thuật truyền thống đã mất đi thì du lịch là con đường rộng nhất để di dưỡng được các truyền thống, nuôi cấy chúng vào đời sống hôm nay của Việt Nam và thế giới. Sau nhiều năm chật vật với Festival TP.Huế, có lẽ là thành phố duy nhất ở Việt Nam, đã dần dần thành công với việc xây dựng các không gian công cộng và đan cài văn hóa truyền thống vào đời sống đô thị hiện đại, dù vẫn còn tính thời vụ 2 năm một lần.
Trong khi đó nông thôn mênh mông, cái nôi sinh thành, mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng văn hóa nghệ thuật dân tộc, các không gian văn hóa công cộng đã biến mất tạo một sự sa mạc hóa trong đời sống tinh thần người nông thôn. Xây dựng đời sống văn hóa nông thôn chưa là một thành phần hữu cơ trong các gói giải pháp “tam nông”.Vì thế khó mà hy vọng sớm ngăn chặn được sự sa mạc hóa nêu trên. Mô hình cái đình và cái chợ như là các không gian công cộng cốt lõi ở nông thôn nên được nghiên cứu, "cải biên" họa chăng phục sinh và phát triển được!?
Không gian công cộng là vitamin của đời sống đô thị. Các chất này không chiếm tỷ trọng lớn nhưng lại quyết định sự sống, sức khỏe của cơ thể đô thị. Nếu nói ta hướng tới một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh thì các không gian công cộng chính là những tấm gương soi phản ánh ba phẩm chất ấy. Không gian sống xưa chỉ gồm cái nhà, (nơi ở, nơi làm việc) và mạng giao thông nối các nơi chốn này với nhau. Ngày nay người ta sống bằng ngôi nhà, cái xe, con đường và các không gian công cộng. Đó là nơi người ta thực hiện việc đi lại, mua sắm, giải trí, hưởng thụ văn hóa và thực hiện các dịch vụ công … Giải quyết chỗ ở cho người dân vì thế không thể chỉ bó hẹp trong giải quyết căn hộ, nhà ống hay biệt thự mà bao gồm cả việc giải quyết các không gian công cộng từ nhỏ nhất như vỉa hè, bến xe buýt, sân trường mẫu giáo tới to nhất như nhà Quốc Hội, các công sở, các quảng trường, các công viên, các khu du lịch, danh thắng, các bảo tàng, các khu bảo tồn thiên nhiên... Thời nay, người ta sống ngoài nhà, nơi không gian công cộng, nhiều hơn trong nhà! Và ở đó thay cho tính tâm linh và chu kỳ là tính thế tục và thường nhật.
- Đi "bát phố" trên vỉa hè, vào đường hoa Tết, ra sân vận động, xem pháo hoa trên quảng trường, đợi xe buýt hay xem văn nghệ, ngắm các tác phẩm điêu khắc ở đầu cầu Tràng Tiền chiếu sáng lộng lẫy thì anh bán vé số cũng như vị bộ trưởng, chú bé vô gia cư cũng như nhà tỷ phú. Đó là sự công bằng. Người dân Huế vẫn còn kêu các chương trình Festival trong Đại Nội bán vé quá đắt nên dân Huế không được vào xem dù họ là chủ nhân của Festival, thế là không công bằng. Các thắng cảnh từ núi đồi tới biển xanh đang bị “bán đứng” cho các dự án du lịch, sân golf cao cấp đã cướp đi quyền được ngắm cảnh đẹp tổ quốc của đại đa số người Việt. Chỉ có nhà giàu mới được ngắm mặt trời, hưởng gió mát thì là quá bất bình đẳng!
-Tại một hội nghị khoa học PGS. KTS Tôn Đại đưa ra một loạt ảnh các công sở to quá cỡ cần thiết, uy nghi với kiến trúc lai căng thực dân Tây -Tàu từ trung ương tới địa phương và một loạt hình ảnh nội thất lòe loẹt trưởng giả với những cái ghế to kềnh càng, trạm trổ tùm lum tốn công, tốn gỗ, khó ngồi... trong các ngôi nhà to và xấu nhất nước đó. Tất nhiên, các tòa nhà này chiếm những lô đất vàng nhưng công trường phía ngoài hoang vắng, ít người lai vãng. Phải chăng kiến trúc và nội thất lạc hậu mất dân chủ như vậy là do quan niệm quyền lực của chủ đầu tư chứ không thể là sự yếu kém sơ đẳng của giới kiến trúc!?
Nhà Trắng, Điện Kremlin luôn mở cửa cho dân tham quan. Vòm kính trên nóc nhà Quốc hội Đức luôn rộn bước khách du lịch nhìn xuống nơi các công bộc cao cấp nhất đang hội họp, làm việc. Người ta cố tình tạo ra một không gian dân chủ! Bức tượng Bác rất to và xấu ở Vinh làm nhà điêu khắc Hà Lan G.Hoeweler kinh ngạc nói với tôi rằng: Sao lại làm như vậy, thế là phản lại tư tưởng và tác phong dân chủ, giản dị của Hồ Chí Minh như tôi đã tìm hiểu về Người. Ông Võ Văn Kiệt cũng từng nói với người viết bài này rằng khi đương chức ông không đồng ý xây dựng tượng và quảng trường này và sau đó khi người ta đang làm tượng này ông cũng đã có ý kiến can ngăn. Nếu như có một tượng Bác nhỏ trong vườn quê Bác để ai đến thăm cũng được ngồi bên mà chụp ảnh kỷ niệm thì đẹp biết bao nhiêu. Pho tượng Bác với em bé trước Tòa thị chính TP.HCM là thành công thật sự về nghệ thuật nơi công cộng. Nó trở thành biểu tượng mới của TP.HCM. Ai ai, từ cô dâu chú rể tới khách hội họp, tham quan du lịch đều tới đây chụp ảnh. Bác ở bên họ và Tòa thị chính là của họ. Đó là một không gian dân chủ.
Dự án cao cấp đã cướp đi quyền được ngắm cảnh đẹp Tổ quốc của đại đa số người Việt
Thời gian ta ở nơi công cộng nhiều hơn thời gian ta ở trong nhà nên văn hóa sống, lối sống của người hiện đại bao gồm hơn 50% là văn hóa nơi công cộng. Đó là nơi "tổng hòa các quan hệ" con người. Điều đó chính quyền đô thị chưa nhận thức hết và người dân thì chưa được giáo dục, hướng dẫn, tập huấn. Nhìn các đám đông nơi công cộng ta dễ dàng xác định được độ văn minhcủa một nước, một cộng đồng, một địa phương. Năm 1991, khi tôi ngồi tựa lưng duỗi chân ở một sảnh hoa trong trung tâm văn hóa Hồng Kông. Một anh bảo vệ tới cung kính nhắc: Thưa ông ở đây không được nằm. Tôi lịch sự nói lại là tôi không định nằm và được giải thích: ở Hồng Kông "ngồi" như thế này gọi là nằm!!!
Ở Việt Nam ta thì nay vẫn: Mặc pizama nơi công sở, áo ba lỗ, xà lỏn, đồ ngủ mỏng tang đi đón con ở cổng trường, thói xin - cho nơi công quyền, hạch sách dân, ẩu đả người thi hành công vụ, ăn nhậu trong rạp hát, đái bậy, nhổ bậy ngoài công trường, xả rác mọi lúc mọi nơi, vv và vv. Mẫu giáo đã học hát bài "không hái hoa của chung" nhưng cướp lợn đất ở đường hoa Nguyễn Huệ, bẻ tượng sắt bán ve chai ở Huế, bẻ hoa anh đào, "tàn phá" phố hoa Tết ở Hà Nội ... là chuyện đương nhiên. Cả một thời bao cấp những tưởng đã có văn hóa xếp hàng nhưng đâu đâu hễ tụ họp hơn chục người là cũng đã chen lấn, gây gổ ... như chuyện đương nhiên. Môn giáo dục công dân có vẻ chưa thấm tháp gì.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn