Cường quốc và vai trò lãnh đạo thế giới
1. Lãnh đạo - khoa học xúc tiến sự đồng thuận
Cường quốc toàn cầu là những quốc gia dồi dào về tài nguyên, hùng mạnh về quân sự và quan trọng hơn, có một hệ thống chính trị, một nền văn hoá tiên tiến và một hệ giá trị mang tính phổ quát. Xét trên những tiêu chí như vậy, theo tôi, thế giới ngày nay và có thể trong tương lai, chỉ có ba cường quốc toàn cầu là Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc.
Để tránh lặp lại những sai lầm của quá khứ, để phát triển nhanh và tránh được rủi ro, một cộng đồng hay một quốc gia luôn cần một sự lãnh đạo sáng suốt. Thế giới, với tư cách là một cộng đồng lớn, cũng cần sự lãnh đạo. Trong bối cảnh các định chế quốc tế còn chưa được đổi mới để theo kịp với thực tế cuộc sống, các cường quốc, với tư cách là những cộng đồng tiên tiến phải đóng vai trò lãnh đạo, khai phá, dẫn dắt nhân loại trên con đường phát triển chung.
Trước hết, chúng ta phải phân biệt lãnh đạo với nô dịch. Đây là hai khái niệm khác nhau nhưng thường bị lẫn lộn. Nô dịch là sự áp đặt những tiêu chuẩn của cộng đồng mình lên một cộng đồng khác. Nô dịch bắt con người phải chấp nhận những giá trị mà chính họ không hiểu hoặc chưa có điều kiện để hiểu, cho dù đó là những giá trị vô hại, thậm chí còn mang lại lợi ích cho con người.
Lãnh đạo, trái lại, chính là việc xúc tiến sự đồng thuận nhằm đạt được các mục tiêu chính trị - xã hội, hay nói cách khác, lãnh đạo là việc tìm kiếm sự chấp nhận đối với hệ thống giá trị của mình như những quy tắc lẽ phải của đời sống, nhằm giải quyết những xung đột và điều hoà lợi ích giữa các quốc gia. Khác với nô dịch về mục đích và phương thức tiến hành, lãnh đạo là một hoạt động nghệ thuật và khoa học. Người ta thường nói đến cái gọi là "nghệ thuật lãnh đạo" nhưng nghệ thuật đó phải dựa trên những tiêu chuẩn khoa học, với phương pháp luận khoa học và việc sử dụng những công cụ khoa học.
Cuối thế kỷ XX, trước sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu, nhiều học giả khẳng định rằng, phương Tây đã chiến thắng trong cuộc đấu tranh "ai thắng ai". Nhưng thực chất, không phải phe tư bản chủ nghĩa đã chiến thắng mà Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa đã thất bại bởi chính những sai lầm mang tính chiến lược về nhận thức, trong đó có nhận thức về vai trò và phương pháp lãnh đạo thế giới. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhiều người tưởng rằng thế giới sẽ trở nên yên ổn. Trên thực tế, chúng ta lại thấy xuất hiện những cuộc đối đầu khác không kém phần khốc liệt. Đó là những xung đột về sắc tộc, tôn giáo, và nguy hiểm hơn, phức tạp và khốc liệt hơn là những xung đột về văn hoá - luôn tiềm ẩn nguy cơ không giải quyết được nếu không có giải pháp thích hợp.
Trong xu thế toàn cầu hoá, nhất là với bối cảnh gia tăng của chủ nghĩa khủng bố và các thảm hoạ môi trường, thế giới đòi hỏi một sự lãnh đạo theo một phương thức mới. Một đòi hỏi đặt ra cho các quốc gia là phải ý thức sâu sắc về vai trò, quyền lợi và giá trị của mình trên cơ sở phải tính đến lợi ích chung của cộng đồng. Các cường quốc, trong bối cảnh kinh tế - chính trị mới, phải thực hiện vai trò lãnh đạo của mình, cùng với nỗ lực duy trì và phát triển dân chủ toàn cầu mà không dẫn đến áp đặt, nô dịch.
2. Tham vọng của các cường quốc
2.1. Hoa Kỳ - từ nửa thế giới đến cả thế giới.
Hoa Kỳ không phải là quốc gia đầu tiên và duy nhất có tham vọng lãnh đạo thế giới. Bước sang thế kỷ XXI, rất nhiều quốc gia, thậm chí những quốc gia nhỏ bé, với trình độ phát triển chưa cao, đôi khi cũng le lói tham vọng lãnh đạo. Nhưng xét về mặt tiềm năng và nhiều phương diện khác, trên tư duy địa kinh tế và địa chính trị, có lẽ rất ít quốc gia có đủ thực lực để đảm nhận vai trò lãnh đạo thế giới hơn Hoa Kỳ. Quốc gia này luôn có tham vọng trở thành một xứ sở của hệ giá trị mới, tiến bộ, năng động và sáng tạo. Các cuộc chiến tranh thế giới, sự xung đột quyền lợi và tư tưởng khiến Hoa Kỳ ngày càng tăng cường vai trò của mình trong những sinh hoạt quốc tế.
Sau Đại chiến thế giới lần thứ hai, Hoa Kỳ, thông qua NATO, tập hợp xung quanh mình một loạt các nước đồng minh, và miễn cưỡng cùng với Liên Xô, chia nhau lãnh đạo một phần hai thế giới. Tuy nhiên, chính xác hơn, trong thế đối đầu căng thẳng của Chiến tranh Lạnh, cả hai nước này đều muốn duy trì địa vị của mình với tư cách là kẻ lãnh đạo thế giới. Ngày nay, Hoa Kỳ muốn kiểm soát, chi phối tất cả các yếu tố trong đời sống kinh tế chính trị toàn cầu, kiểm soát hệ thống các lợi ích trên quy mô toàn thế giới, kiểm soát tài nguyên và an ninh toàn cầu. Liệu tham vọng đó có trở thành hiện thực?
2.2. Nga - từ nửa thế giới đến chủ nghĩa Đại Nga.
Không thể phủ nhận rằng, đã có thời, nước Nga từng là một cường quốc thế giới, thậm chí là đối trọng của Hoa Kỳ trong việc chia nhau lãnh đạo một nửa thế giới. Ngày nay, thời thế đã thay đổi, nhưng điều đó không có nghĩa là Nga không còn tham vọng đi tìm lại chiếc vương miện cũ của mình. Trên thực tế, việc phấn đấu khôi phục lại một phần hay nguyên trạng các giá trị toàn cầu trong quá khứ là tâm lý phổ biến ở cường quốc này, hay nói cách khác, sự luyến tiếc vai trò cường quốc cũ đã trở thành tâm lý chính trị, tâm lý dân tộc chủ nghĩa ở nước Nga.
Tâm lý này có cơ sở của nó. Thứ nhất, quyền lực là một khái niệm rất kỳ lạ, luôn luân chuyển trong thế giới loài người. Nước Nga từng nắm giữ quyền lực trong quá khứ, vậy chắc chắn sẽ có cơ hội nắm giữ quyền lực trong tương lai. Thứ hai, một nước lớn như nước Nga, với một nguồn tài nguyên khổng lồ, cộng thêm những kinh nghiệm của một cường quốc, sớm hay muộn cũng tìm kiếm được chỗ đứng của nó. Nhưng đến bao giờ?
2.3 Trung Quốc - thủ lĩnh của thế giới thứ ba.
Trong nhiều thế kỷ, Trung Quốc (trung tâm thiên hạ) đã từng giữ địa vị của quốc gia tiên tiến nhất thế giới, trước khi có các cuộc cách mạng công nghiệp. Nhưng khi thế giới phát triển đến một trình độ cao như hiện nay, vị thế đó đã nằm ngoài khả năng của người Trung Hoa. Nhận thức được tình hình mới, Trung Quốc đã tham gia sáng lập khối không liên kết, tham gia WTO, với tiêu chuẩn của các nước đang phát triển. Các nhà chính trị Trung Hoa hiểu rất rõ khả năng và tiềm lực của dân tộc mình nên đã đưa ra các mục tiêu chính trị khiêm tốn và có tính khả thi. Là một dân tộc thông minh và nhạy cảm, Trung Quốc dừng lại ở tham vọng lãnh đạo thế giới thứ ba hay thế giới các nước đang phát triển.
Trung Quốc trước hết là một cường quốc khu vực, do đó, sự lan toả ảnh hưởng là tất yếu. Minh chứng cho sự lan toả này là thái độ dè dặt của tất cả các quốc gia khu vực trong quan hệ với Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, Trung Quốc đang hay thậm chí đã trở thành một cường quốc toàn cầu. Cho nên, tất cả các chính phủ đều phải xét đến Trung Quốc trong việc hoạch định chính sách đối ngoại và cả chính sách đối nội của mình.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, Trung Quốc luôn theo đuổi mục tiêu là thủ lĩnh của thế giới thứ ba, và bằng cách đó, Trung Quốc thực hiện tham vọng lãnh đạo thế giới.
3. Phương pháp lãnh đạo của các cường quốc
Lựa chọn một phương thức hợp lý, trong sự phức tạp của thế giới đương đại là điều không đơn giản, thậm chí có thể nói là một thách thức lớn không chỉ đối với bản thân các cường quốc mà đối với toàn thể nhân loại.
3.1. Hoa Kỳ.
Đương nhiên, để thực hiện sứ mệnh lãnh đạo thế giới, Hoa Kỳ sẽ phải dựa vào sức mạnh kinh tế, khoa học kỹ thuật và sức mạnh quân sự. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa trên những cơ sở mang tính vật chất như vậy, Hoa Kỳ chỉ có thể lãnh đạo thế giới với chất lượng trung bình, tức là chỉ tạo được cái "uy" trước các dân tộc khác. Để lãnh đạo thế giới với chất lượng cao, hay nói cách khác, để đạt được sự đồng thuận tự nguyện, liệu Hoa Kỳ phải có sức mạnh tinh thần để giành được cái Tín từ phía các cộng đồng khác? Chắc chắn trong tương lai, Hoa Kỳ sẽ sử dụng hệ giá trị của mình như một phương tiện bao trùm trong chiến lược nhằm đạt tham vọng lãnh đạo thế giới.
Vậy Hoa Kỳ có gặp khó khăn trong việc truyền bá hệ giá trị của mình? Câu trả lời, chắc chắn là có. Một mặt, Hoa Kỳ vẫn chưa có phương pháp tiếp cận hiệu quả với các nền văn hoá khác, mặt khác, do những đặc tính bảo thủ cố hữu, các nền văn hoá thường khó tiếp nhận các yếu tố ngoại lai. Trong bối cảnh đó, Hoa Kỳ có khả năng tôn trọng giá trị của các nền văn hoá khác, tìm cách chung sống giữa các nền văn hoá?
3.2. Nga.
Khác với Trung Quốc, nước Nga là một nước hiện đại. Trong lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, nước Nga có thể so sánh với Hoa Kỳ. Do vậy, việc khôi phục lại tinh thần Đại Nga, theo nhận xét của nhiều nhà chính trị, sẽ dễ dàng hơn việc khôi phục tinh thần Đại Hán. Bên cạnh đó, nước Nga là một quốc gia lớn, giầu tài nguyên nên có thể trở thành một cường quốc nguyên - nhiên liệu. Tuy nhiên, cho tới nay, nước Nga vẫn thất bại trong việc tìm đáp số cho bài toán kinh tế của mình.
Gần đây, trong các thủ lĩnh chính trị trên thế giới, Putin là vị thủ lĩnh giành được sự yêu mến của nhân dân nhất và cũng là người được thêu dệt nhiều nhất. Putin là người biết tận dụng những dư âm cuối cùng của chủ nghĩa cường quốc như một liều thuốc nhằm chuyển dần sang một chủ nghĩa mới mà cho đến nay vẫn chưa rõ ràng. Mặc dù Yeltsin và Putin đều đã nhận thức được tình hình thế giới mới, đã thực hiện giải pháp khôn ngoan là nhân nhượng với Hoa Kỳ, nhưng cũng chỉ khôi phục vị thế quốc gia trên trường quốc tế, xây dựng cho nước Nga một cơ chế đối thoại mạnh. Nước Nga vẫn chưa thiết lập được bàn cờ mới cho sự phát triển của mình.
3.3. Trung Quốc.
Phải nói rằng, khôi phục lại tinh thần Đại Hán là một trong những mục tiêu chính trị quan trọng của Trung Quốc. Và Trung Quốc hiểu rất rõ tư tưởng là công cụ để thực hiện tham vọng ấy. Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XVI là một mốc rất quan trọng trong lịch sử đất nước này vì đã giải quyết được hai vấn đề quan trọng:
Thứ nhất: tiếp tục duy trì vai trò của đảng cầm quyền. Người Trung Quốc sẵn sàng thay đổi rất nhiều thứ để duy trì vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản, duy trì tiến trình cải cách, và đặc biệt là duy trì tiến trình khôi phục lại danh dự của nước Trung Hoa. Người Trung Quốc sắp đặt trật tự của các thành tố tư tưởng trong cương lĩnh chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc rất khoa học: chủ nghĩa Marx, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, lý thuyết "Ba đại diện” của Giang Trạch Dân. Điều đó có nghĩa là người Trung Quốc đã sắp đặt các thành tố tham gia vào cương lĩnh chính trị theo chiều dọc của lịch sử. Trung Quốc đã đưa các yếu tố tư tưởng trở thành những yếu tố có giá trị lịch sử và tạo ra một hệ thống tư tưởng theo trục thời gian.
Thứ hai: mở rộng lực lượng. Kết nạp doanh nhân vào Đảng không phải là kết nạp một số đảng viên mà kết nạp một lực lượng. Việc thay đổi lực lượng chính trị của Đảng Cộng sản TQ là sự thay đổi mang tính bản chất, do đó không thể giải thích về lượng được. Bằng cách như vậy, Đảng Cộng sản Trung Quốc không là đại diện cho một tầng lớp mà cho toàn bộ lực lượng, cấu tạo nên xã hội Trung Hoa. Trung Quốc hiện đại biết rõ là chỉ có bằng con đường thức tỉnh các giá trị dân tộc Trung Hoa, họ mới có hy vọng khôi phục lại những giá trị toàn cầu của dân tộc mình.
Về mặt đối ngoại, Trung Quốc luôn sử dụng chính sách linh hoạt và mềm dẻo với phần còn lại của thế giới. Đó là một chính sách rất rõ ràng và nhất quán của Trung Quốc trong nhiều năm nay. Thứ nhất, Trung Quốc luôn sử dụng chính sách đối ngoại làm công cụ cơ bản để giải quyết vấn đề đối nội như việc gắn bó giữa "Cải cách" và "Mở cửa" chẳng hạn. Thứ hai, Trung Quốc cực kỳ thận trọng trong việc xử lý quan hệ với các nước lớn. Trung Quốc quan hệ với Hoa Kỳ để kìm hãm cường quốc kinh tế Nhật Bản trở thành cường quốc chính trị. Giang Trạch Dân chấp nhận việc đưa Ấn Độ trở thành đồng minh trong tam giác Trung - Nga - Ấn để kìm hãm khả năng trở thành cường quốc khu vực của Ấn Độ.
Bằng những phương pháp sáng suốt như vậy, Trung Quốc đã trở thành trung tâm của thế giới thứ ba, trong thời kỳ chiến tranh lạnh, và chắc chắn là trung tâm của các nước đang phát triển, trong thời kỳ toàn cầu hoá.
Kết luận.
Trong quá khứ, Hoa Kỳ, Liên Xô và Trung Quốc, với những cấp độ khác nhau đã thâu tóm quyền lãnh đạo thế giới trong sự tương tác mang tính đối đầu, trong sự co cụm của ý thức hệ hay sự biệt lập về trình độ phát triển. Về mặt bản chất, đó chính là cơ chế lãnh đạo toàn cầu trong trật tự thế giới cũ. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, cả ba quốc gia không còn có thể tiếp tục đảm nhận vai trò lãnh đạo theo kiểu cũ, bởi thế giới đã chuyển sang một trạng thái chính trị mới.
Chúng ta đã ra khỏi một thế giới của những cuộc đấu tranh một mất một còn mà trên thực tế đã huỷ diệt rất nhiều thành quả của nhân loại. Ngày nay, dù muốn hay không, cũng phải cùng nhau chung sống, cùng nhau tồn tại và cùng phát triển. Điều đó có nghĩa là nhân loại đã bắt đầu một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên đối thoại và hợp tác. Thời đại ngày nay, dân chủ trong sinh hoạt chính trị toàn cầu, bao gồm cả khía cạnh dân chủ trong lãnh đạo là một xu thế không thể đảo ngược.
(Tạp chí Khoa học & Tổ Quốc số 5/2003)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất ThịnhCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên Ngọc