Bàn về tiểu thuyết

02:09 CH @ Thứ Sáu - 07 Tháng Mười, 2016

Tiểu thuyết là gì và phép làm tiểu thuyết thế nào?

Mấy năm nay ở nước ta người làm tiểu thuyết, người đọc tiểu thuyết đã thấy nhiều. Phàm buổi sơ đầu, là đâu được tốt. Cho nên người làm tiểu thuyết còn ít thấy hay mà người đọc tiểu thuyết cũng chửa được sành. Lối tiểu thuyết trong văn chương ta thật là chưa có phương châm, chua có định thể vậy. Đương lúc bây giờ, nên giải nghĩa rõ tiểu thuyết là gì, và bàn qua về phép làm tiểu thuyết ở các nước Âu Mĩ thế nào, tưởng cũng có thể giúp cho nghề tiểu thuyết ở nước ta được một đôi phần vậy.

I

Tiểu thuyết là một thể văn chương thịnh hành nhất đời nay. Trong các sách xuất bản ở các nước hiện bây giờ, quá nửa là sách tiểu thuyết. Trong các báo hàng ngày, hàng tuần. hàng tháng, không báo nào là không có một phần tiểu thuyết. Tiểu thuyết thịnh hành như thế thời chắc là người đời ưa tiểu thuyết và lối tiểu thuyết là hợp với tính tình tư tưởng của phần nhiều người ta. Xét lịch sử, lối tiểu thuyết có đã lâu: ở nước Tàu thời thịnh hành từ đời nhà Nguyên; ở nước Pháp thời phôi thai từ thế kỉ thứ 13-14. nhưng định thể như ngày nay là mới bắt đầu từ thế kỉ thứ 19, nghĩa là trong khoảng hơn một trăm năm nay. Cho nên các sách lịch sử văn học Âu châu đều nói rằng "thế kỉ thứ 19 là thế kỉ tiểu thuyết" (le 19 è siècle est le siècle du roman).

Nay gồm các tính cách chung của tiểu thuyết đời nay có thể giải nghĩa tiểu thuyết như thế này: Tiểu thuyết là một truyện viết bằng văn xuôi đặt ra để tả tình tự người ta, phong tục xã hội, hay là những sự lạ tích kì, đủ làm cho người đọc có hứng thú. Như vậy thời phạm vi của tiểu thuyết rộng lắm: phàm sách gì không phải là sách dạy học, sách lý luận, sách khảo cứu, sách thi ca thời là tiểu thuyết cả, mà tiểu thuyết có khi lại gồm được cả các lối kia, vì trong một bộ tiểu thuyết, cũng có chỗ nghị luận, chỗ khảo cứu, chỗ ngâm vịnh chỗ khuyên răn. Cứ nghĩa hai chữ "tiểu thuyết" trong sách Tàu thời lại rộng lắm nữa: phàm sách gì không phải là “chính thư” (nghĩa là sách để học, như kinh, truyện, sử v.v.) đều là tiểu thuyết cả, nhưng tiểu thuyết đây tức là tạp thuyết, có khác với nghĩa tiểu thuyết bây giờ. Tiểu thuyết bây giờ thời như trên kia đã giải phải là một truyện đặt ra và là một truyện có hứng thú; thường thường thời viết bằng văn xuôi, theo lối tự sự, nhẹ lời nói thường, cũng có đôi khi viết bằng lối vận văn, như Truyện Kiều (song ít lắm, có lẽ không đâu có lối tiểu thuyết bằng vận vân giống như các "truyện" ta).

Nói tóm lại thời tiểu thuyết là một truyện bịa đặt mà có thú vị. Ấy cái tính cách chung của tiểu thuyết là thế. Còn thể thức thời thật là thiên hình vạn trạng. Một nhà làm sách khảo về lịch sử lối tiểu thuyết trong văn chương nước Pháp, đã nói rằng: “Lối tiểu thuyết như ông thần “Biến tướng” trong truyện Hy Lạp đời xưa, thay hình đổi dạng đủ cách để làm cho người ta được hứng thú. Hoặc kể chuyện phong tình êm ái mà khiến cho lòng ta phải cảm động; hoặc thuật chuyện anh hùng hào kiệt mà khiến cho trí ta phải mơ màng. Hoặc tả tính tình rất tinh tế, hoặc họa chân cảnh rất xảo kì, đều là làm khoái trá cho tinh thần của ta. Có khi đem ta ra ngoài những nơi kẻ chợ nhà quê mắt đã trông lắm lấy làm nhàm, mà đưa tới những phương xa cõi lạ có chim kêu vượn hót, cây đẹp cỏ thơm. Người ta chẳng qua là một lũ con trẻ lớn, cho nên dẫu là người đa tình đa cảm hay là người hiếu học hiếu kì, đọc tiểu thuyết cũng phải thích, vì tiểu thuyết khéo bày đặt những chuyện vui chuyện lạ cho ai nấy phải mê” (Véribable Protée, le nhuận revêt toutes les formes pour nous séduire. Il emeut notre coeur ou notre imagination avec de douces histoires d’amour et des auentures héroiques. Il charme notre esprit par des minutieuses analyses de l'âme et par des peintures savantes de la réalité. Il nous entraine enfin loin des villes banales et des pays trop connus vers ces lointaines contrees où d'étranges oiseaux chantent sur des arbres merveilleux. Et que l’on son un réveur, que l’on aime la science et la psychologie, que l’on ait une humeur aventureuse, peu importe, le roman, sait toujours conquerir les grancis enfants que nous sommes en offrant à chacun ce qui nghe sa manie ou sa passion).(L. Levrault. Les genres litteraires: le Roman).

Hình thức tiểu thuyết đã bất nhất như thế, thời nghề làm tiểu thuyết cũng không có phép tắc nhất định được. Thi ca có phép tắc của thi ca, diễn kịch có phép tắc của diễn kịch, ai chuyên nghề ấy, phải biết cho sành, mới khỏi lầm lẫn. Những phép tắc của tiểu thuyết thời khó lòng mà giải thích cho tường được; Hoặc nói rằng tiểu thuyết cốt đặt truyện cho khéo, kể ra cho hay, là phép tắc của tiểu thuyết, thời nói thế cũng chưa đủ định phương châm cho nghề tiểu thuyết được. Song tuy tiểu thuyết thiên hình vạn trạng thật, mà không phải là không thể chia ra mấy chủng loại lớn, gồm lại mấy phương pháp chung, duy không nên coi những phương pháp ấy là nhất định, những chủng loại ấy là bất dịch, mà nên cho là biểu cái đại khái mà thôi. Vậy trước xin bàn qua về phương pháp chung của tiểu thuyết, rồi phân ra mấy chủng loại lớn mà xét riêng về mỗi loại như sau này, không dám tự phụ làm sách chỉ nam cho những nhà soạn tiểu thuyết cùng những người đọc tiểu thuyết, nhưng gọi là giải nghĩa qua về một lối văn chương mới nhóm lên ở nước ta bây giờ và sau này chắc là phát đạt to.

II

Tiểu thuyết đã là một chuyện bịa đặt ra, thời phần cốt yếu trong phép làm tiểu thuyết là sự kết cấu. Kết cấu là thế nào? Kếu cấu là tự gây dựng ra, bày vẽ ra, đặt đề ra, xếp các nhân vật, các tình tiết cho có đầu đuôi, có sau trước, có mành mối. có ngành ngọn, nói tóm lại là đặt thành một truyện hiển nhiên như truyện thật, khiến cho người đọc đương lúc đọc mơ màng tưởng tượng như là việc có thực vậy. Tài nhà làm tiểu thuyết phần nhiều là ở cái tài kết cấu đó. Nếu kết cấu không thành truyện thời dẫu văn chương hay đến đâu cũng không cảm được người đọc. Hoặc giả nói rằng nếu kết cấu là chú ý đặt ra một truyện hiển nhiên như truyện thực, thời cứ việc đem sự thực mà tả ra, hà tất phải phí công bịa đặt làm gì; vả đã là truyện đặt tất không phải việc thực, người ta đã biết là không phải việc thực thời ai còn mắc lừa mà cảm được. Đó là lí thuyết của phái tả chân, phái này chỉ chủ tả cho hệt như sự thực, không có đặt đề biến báo một tí gì. Nhưng lí thuyết ấy xét ra không được chính đáng. Phái tả chân tuy tự xưng là tả thực mà hồ dễ đã tả thực được bao giờ, vì nếu cứ lấy sự thực hằng ngày mà thế nào tả ra như thế thời còn có thú vị gì nữa, nếu muốn tả cho có nghĩa lí, có hứng thú mà nhà tiểu thuyết nào là không chủ ý như thế - thời tất phải sửa sang xếp đặt cho có mành mối, có đầu đuôi, sửa sang xếp đặt như thế chẳng là kết cấu thời là gì? Nói tóm lại thời phái tả chân chẳng qua là ghét những nhà hay bịa đặt ra những truyện quái đản bất kinh, nên xướng ra cái chủ nghĩa nên y theo sự thực; chủ nghĩa này không phải là không có lẽ chính đáng, nhưng nếu diễn đến cực đoan thời không khỏi thiên lệch và không hợp với tôn chỉ của tiểu thuyết vậy. Vậy phàm đã gọi là tiểu thuyết, tất phải có kết cấu, kết cấu tức là sửa sang xếp đặt sự thực cho có nghĩa lí, có hứng thú hơn. Kết cấu khéo là bịa đặt ra một truyện huyền mà vẫn căn cứ ở sự thực, khiến cho người đọc vẫn biết rằng truyện không thực mà không thể không tin được, vì những nhân vật, những tình tiết trong truyện, tuy không thực, mà ví có phép gì biến ra thực được, thời tưởng trình bày hành động ra cũng đến thế mà thôi, không khác gì, đó mới là tuyệt khéo. Cho nên các nhà bình phẩm Âu Mĩ khen những tay làm tiểu thuyết tài thường nói là những tay "sáng tạo ra cuộc đời" (créateurs de vie), nghĩa là gây dựng ra những nhân vật cũng hành động như người đời, chẳng khác gì, chỉ khác là có khi thân thiết mãnh liệt hơn phần nhiều người thường mà thôi.

Nay sự kết cấu ấy có phép tắc gì không? Như trên kia đã nói, phàm kết cấu ra một truyện, phải có hai phần, một là nhân vật, hai là tình tiết, nghĩa là người và việc Trong một truyện thời phải có những người hành động, lại phải có những việc của các người ấy làm ra: một người nào, ở trong một cảnh ngộ nào, làm ra những công việc gì, đó là có một bộ tiểu thuyết. Nhưng sở dĩ làm sao mà người ấy lại như thế này mà không như thế khác, tất phải có một cái chủ ý ở trong. Cho nên trước khi kết cấu phải lập ý, nghĩa là định cái chủ não ở đâu, rồi nhân đó mà đặt truyện, thế nào cho trước sau ứng chiếu, thời truyện mới nhất trí. Vậy trước khi làm một bộ tiểu thuyết phải lập ý thế nào đã: định răn lời về một thói xấu nào, định tả thực về một phong tục gì, định hình dung một hạng người nào, định diễn tả một tình cảm gì, bao giờ cũng phải có chỗ dụng tâm lập ý, rồi mới nhân đó kết cấu, không thời thành truyện bông lông không có chủ định. Đã lập ý rồi, phải gây lấy cái hoàn cảnh để làm nơi trường sở cho người hành động. cho việc trình bày ra.

Thế nào gọi là hoàn cảnh? Hoàn cảnh là cái cảnh chung quanh mình, không những là cảnh vật hữu tình ở quanh mình, mà lại là cái khí vị đặc biệt trong cảnh vật ấy nữa. Như định tả một mĩ nhân cao thượng thời hoàn cảnh phải có cái khí vị êm ái thanh cao. Định tả một kẻ vũ phu cục súc thời hoàn cảnh lại phải có cái khí vị thô lỗ tục tằn. Gây cho ra cái không khí khi trong khi đục, khi lạt khi nồng ấy, thật là khó lắm, nhân đó có thể biết được tài nhà tiểu thuyết. Vì không chỉ là tả cái cảnh hữu tình mà thôi, như người con gái đẹp thời ở nơi gác tía lầu son, màn the trướng vóc, kẻ làm lụng thường thời ở chốn nhà tranh vách đất, sân mốc gạch rêu, đó mới là bề ngoài; phải diễn làm sao được cái khí vị riêng của mỗi nơi ấy, khiến cho người đọc đọc được mấy trang đầu biết rằng tác giả định đưa mình vào chốn nào, rồi dần dần hình như tự mình cũng nhiễm lấy cái phong vị ở chốn ấy, thậm chí tưởng như mình cùng với người chủ động trong truyện cũng là một, không khác gì, rồi tự đấy người trong truyện tư tưởng gì, hành động gì, hình như có thiết đến thân mình cả, người vui mình cũng vui, người buồn mình cũng buồn, người khổ mình cũng khổ, người sướng mình cũng sướng; như thế thời thật là tuyệt diệu. Cái thuật này không thể dạy, không thể truyền được, khéo ở tự người làm sách, mỗi người khéo ra một vẻ. Nhưng phàm nhà làm tiểu thuyết có tiếng xưa nay, đều có cái tài gây ra một hoàn cảnh hữu tình vô hình để làm một cách hun đúc thấm nhuần người đọc truyện, khiến cho tự mình sáp nhập với người trong truyện, nên truyện dâu khác hẳn với công việc bình sinh mà cũng dễ cảm được là thế.

Song, cảnh còn là phần ngoài, dẫu khéo đến đâu cũng chẳng qua là cái khung mà thôi, trong khung ấy phải có gì mới được. Như trên kia đã nói, phải có người với việc, phần này mới là phần cốt yếu trong tiểu thuyết. Nay người với việc, bên nào là trọng hơn? Trong hai thuyết “thời thế tạo anh hùng”, “anh hùng tạo thời thế”, cổ lai vẫn còn phân vân, chưa định hẳn thuyết nào là phải. Nếu thuyết “thời thế tạo anh hùng” là phải, thời việc trọng hơn người, việc là chủ động mà người là thụ động, người chẳng qua là cái then máy để cho việc sai khiến mà thôi; nếu thuyết “anh hùng tạo thời thế” là phải, thời người trọng hơn việc, người là chủ động tự mình gây dựng ra các sự nghiệp, tự mình chuyển di được cả thời thế. Song đó là nói những bậc anh hùng hào kiệt trong lịch sử, là những người có nhân cách phi thường, thời hồ hoặc cũng có lẽ chuyển được thời thế, đoạt được vận mệnh thật.

Nhưng người trong tiểu thuyết không nhất thiết là những người siêu quần bạt chúng, lại thường thường là những người bình thường như mọi người. Như vậy thời cái thuyết người làm ra thời thế, người đoạt được vận mệnh có lẽ không được đúng lắm. Nay cứ ý kiến một nhà phê bình văn học có tiếng bên nước Pháp là ông Brunetière, thời quả như thế: ông nói rằng cái yếu pháp của lối tiểu thuyết là người bao giờ cũng bị việc ngoài sai khiến, chứ không tự mình sai khiến được việc ngoài bao giờ, và truyện trong tiểu thuyết tức là truyện việc ngoài khu xử người thế nào và người đối phó lại làm sao. Như truyện Kim Vân Kiều ta cũng là một bộ tiểu thuyết viết bằng vận văn. Xét truyện thời người chủ động trong truyện tức là nàng Kiều, nhưng một thân thế cô Kiều không phải là tự tay cô Kiều gây dựng ra, chẳng qua là bởi việc ngoài, bởi cái cảnh ngộ bất kì nó khu xử, nó đàn áp, mà diễn ra bao nhiêu khúc đoạn trường khổ sở trong một khoảng mười mấy năm trời. Nói tóm lại thời phàm truyện tiểu thuyết là truyện người ta quyết đấu với vận mệnh, thảng hoặc cũng có lúc tạm thời thắng đoạt, nhưng rút cục bao giờ vận mệnh vẫn là mạnh hơn. Mà xét cho rộng, đời người ta chẳng qua cũng là một cuốn tiểu thuyết vì quyết đấu như thế mà thôi, cho nên ai cũng ưa đọc tiểu thuyết, vì tiểu thuyết là cái hình ảnh cuộc đời.

Người ta ở đời ai cũng có cái bụng muốn được sung sướng, nhưng ngoài mình có một cái sức vô hình, vô tri, vô giác mà rất mạnh, rất bạo, nó lôi, nó kéo mình đi, sức mình không thể cưỡng lại được, hoặc cũng có khi ngẫu nhiên nó đưa mình tới nơi mình hi vọng, nhưng thường thường là nó đem vào những chốn nguy hiểm chông gai. Sức ấy tức là vận mệnh. Bởi thế cho nên ta thường nói vận mệnh có lúc hanh lúc kiển, mà người chính là một cái máy ở trong tay vận mệnh. Phàm tiểu thuyết là phải tả vận mệnh khu xử người ta thế nào, người ta đối phó vận mệnh làm sao, tức là cái tả cái bi kịch, hí kịch trăm nghìn tấn gồm lại thành ra một cuộc đời vậy.

Nay đã biết trong tiểu thuyết việc thường khiến người, mà người phải đối lại. thời cách kết cấu về người về việc cũng suy đó mà ra. Vậy trước phải bày ra một cái tình thế, đặt ra một cái cảnh ngộ, cảnh ngộ ấy, tình thế ấy, tức là một hiện tượng của cái sức mạnh vô hình vô trạng là cái vận mệnh, rồi mới đem để một người hay là nhiều người vào giữa tình thế, giữa cảnh ngộ ấy, khiến cho phải dùng hết tâm lực mà đối phó với những sự bất kì, có khi khôn khéo thời tránh được những sự nguy hiểm mà thu hoạch được một chút hạnh phúc ở đời, có khi vụng dại thời mắc phải những việc tai nạn mà mang lấy những điều khốn khó chẳng may.
Việc đời thiên hình vạn trạng, nhà làm tiểu thuyết muốn chọn lấy cảnh ngộ nào cũng được. Nhưng thường thường phải chọn lấy những cảnh nào là cảnh có ý nghĩa chung. Lại lấy Truyện Kiều làm tỉ dụ, thời cảnh ngộ trong Truyện Kiều, tức là cảnh ngộ hiếu với tình xung đột nhau, hai cái đều là hình ảnh cái vận mệnh nó chi phối đời người ta, vì là hai sức mạnh người ta địch lại không nổi, dẫu có thắng được cũng là giày vò thân mình, nhọc nhàn trí mình lắm lắm mới gọi là tạm được mà thôi. Đã tìm được cảnh ngộ xứng đáng rồi, thời bấy giờ tùy ý xếp việc. Thường thường các nhà tiểu thuyết hay có ý lộng xảo, bịa đặt ra những việc rất phiền phức để cho người đọc mê li không biết giải quyết ra thế nào, rồi sau mới ra tay biến báo mà gỡ dần ra. Song tưởng dẫu tài khéo đến đâu cùng cứ nên lấy sự thực làm căn cứ là hơn cả.

Như trên kia đã nói, chắc rằng chuyện trong tiểu thuyết không bao giờ lại hệt như chuyện thực được, vì là truyện kết cấu ra, nghĩa là có sửa sang xếp đặt cho có ý nghĩa, có hứng thú hơn, nhưng dẫu không phải là việc thực mà phải khiến được cho người đọc có cái cảm giác rằng những việc ấy có thể xảy ra như thế được, không có gì là hoang đường kì dị, không có gì là trái ngược với lẽ thường vậy. Trong các việc kết cấu ra như thế, thời có việc do tình thế, cảnh ngộ ở trên suy diễn ra, có việc tự người trong truyện hành động để đối phó với cảnh ngộ, tình thế kia. Bấy nhiêu việc đều phải khuynh hướng về một nơi trung tâm điểm, là cái phần then chốt khu nữa trong truyện (le naeud de l'action ou de l'intrigue), tức là chỗ mọi việc đâu cả vào đấy, chỗ "thắt nút" để rồi cởi gỡ về sau. Vì tác giả đã thắt được cái nút rồi, sau phải ra tay cởi gỡ dần ra, thắt càng chặt gỡ càng khó, truyện càng kì, và người xem càng hứng thú.

Tuy vậy cũng không nên cầu kì lắm, không nên lộ ra rằng mình dụng công gò thắt quá, vì như thế thời mất cả cái thú tự nhiên. Phải làm thế nào cho rõ rằng việc là việc tự nhiên, cứ tuần tự mà tiến lên, đã xuất đầu như thế thời phải thắt buộc như thế, đã thắt buộc như thế thời phải quyết giải như thế, trước sau như có một lẽ tất nhiên, không thể tránh được, nếu đương giữa cái dây nhân quả tất nhiên ấy mà xen vào một việc hoang đường kì dị, hay là một sự gì không ứng chiếu hẳn với trên với dưới, thời truyện mất thú ngay lập tức, vì người đọc truyện tỉnh mất cái mơ mộng làm người trong truyện mà biết rằng người làm truyện dụng ý lừa dối mình. Nói cho dễ hiểu, thời người đặt truyện có thể ví như người cầm một cái dây gài, thắt nút, rồi gỡ ra; lúc mới buộc đầu dây thời được tự do muốn buộc ra thế nào cũng được, nhưng đã định thắt nút theo hình gì thời phải cứ theo như thế mà thắt, thắt rồi lại phải dùng một phương pháp tương đương mà gỡ ra; nghĩa là chỉ được tự do lúc đầu mà thôi, sau phải cứ tuần tự mà suy diễn ra, không được dùng một phương thuật gì ở ngoài hay ở một cơ hội gì ngẫu nhiên mà nửa chừng can thiệp vào để xoay phương hướng đi được.

Có nhiều nhà đặt truyện từ đầu cho đến lúc thắt thời hay lắm, nhưng vì trước không liệu, thắt chặt quá, đến lúc gỡ ra khó, túng kế phải dùng những cách lâm thời, làm cho truyện mất thú; khác nào như người thắt giầy chặt quá, sau cởi không được phải lấy dao cắt, còn thú gì nữa? Vậy trước khi thắt nút, phải định sẵn rồi sau cởi gỡ thế nào. Hễ xem ra khó gỡ được ổn thời nên thắt ra cách khác, vì lúc đầu còn được tự do, rồi sau không thể tùy ý được nữa. Đại để thời từ lúc khởi cho đến lúc thắt, bao nhiêu tình tiết, bao nhiêu công việc phải dồn cả vào một khoảng ấy, dẫu mành mối không thể giải cho hết được, cũng phải tiềm tàng sẵn, để rồi suy diễn ra về sau; đến lúc gỡ thời cứ nhân những mối trước ra mà gỡ ra, không được thêm mối nào ở ngoài nữa. Đó là một thông lệ nhất định. các nhà tiểu thuyết phải chú ý.

Đó là thuộc về việc. Nay nói đến người. Đây là phần tách ra để nói cho dễ, chứ cứ thực thời người với việc không thể rời nhau được, việc có người thời việc mới có ý nghĩa, người có việc thời người mới xuất lộ ra. Vậy việc đã định đặt theo một phương diện nào, thời người cũng phải tả ra một thể cách ấy. Trong một tiếu thuyết, bao giờ cũng có một hay là nhiều người chủ động (héros, héroine), còn là những người phụ thuộc với người chủ động, hay là những người bàng quan, bấy nhiêu người họp lại thành một xã hội con, trong xã hội ấy mỗi người một tính tình, một tư cách, mỗi người một chức nghiệp, một địa vị, bấy nhiêu người cử động như người thật, và dù biết dù không, dù gần hay dù xa, đều khuynh hướng cả vào cái nơi then chốt trong truyện, là chỗ khu nữa như trên kia đã nói.

Kết cấu ra nhân vật cũng như là kết cấu ra tình tiết ở trên, cốt nhất là ở sự tự nhiên. Việc không được là việc hoang đường quái đản, thời người cũng không được là người kì dị khác thường; không phải là không được tả những người lỗi lạc xuất chúng đâu, nhưng người dẫu xuất chúng cũng vẫn là người, nhân cách không bao giờ vượt hẳn ra ngoài thói thường của người đời, không thể biệt lập ra làm một hạng thần thánh nhất thiết không có gì giống người ta; cũng không phải là không tả được những kẻ đại gian ác, nhưng người dẫu gian ác cũng vẫn là người, không thể làm mất hẳn cái nhân tính đi mà tả ra một hạng yêu tinh ma quái được. Rút lại thời phàm kết cấu các nhân vật trong tiểu thuyết, bao giờ cũng phải căn cứ ở cái tính thông thường của loài người, nếu không thời thành ra truyện thần thoại mất.

Làm tiểu thuyết đặt việc đã khó mà tả người lại cùng khó lắm. Tả người thời không có phép nào truyền dạy cho được, mà do ở cái tài riêng của người làm truyện cả. Nhưng có một cái lệ chung, các nhà tiểu thuyết không hề trái bao giờ, là phàm các nhân vật trong tiểu thuyết phải có sinh hoạt như người thường, cử động như người thật, chứ không thể làm như cái tượng gỗ hay là hình bù nhìn được. Mà có lẽ người trong truyện lại phải hoạt động hơn người thường mới được, vì có thế mới thành truyện, nếu không thời có khác gì người thường mà phải tả ra làm chi. Đại khái người trong tiểu thuyết phải tả thế nào cho thành những “mô dạng” (des types), nghĩa là mỗi người có thể làm biểu hiện cho một hạng người trong xã hội, mà mỗi người lại vẫn có một tính cách riêng, tức là các nhân vật kết cấu ra phải có một phần phổ thông giống với nhiều người, và một phần đặc biệt riêng của một người vậy.

Nay cái thuật tả người, tuy không thể dạy được nhưng xét ra cũng không qua hai phép tắc chung như sau này: một là phàm tả người phải tả cả hình dung diện mạo, lại phải tả cả tư cách tính tình; hai là một người đã tả ra tư cách thế nào, thời từ đầu đến cuối truyện cứ phải cử động theo một tư cách như thế, không được sau trước khác nhau, hai phép đó cũng là lẽ cố nhiên, không cần phải giải ai cũng hiểu. Người ta ai cũng có hình dung thái độ riêng, lại ai cũng có tư cách tính tình riêng mặt ngoài thường là biểu hiện lòng trong, mà lòng trong phải có mặt ngoài mới phát lộ ra được. Nếu vẽ được dáng người mà không tả được tính người, hay là tả được tính người mà không vẽ được dáng người, đều là khuyết cả, và kém mất cái vẻ sinh hoạt tự nhiên. Lại tính người là cái phần trời phú bẩm cho, mầm mống tự khi mới sinh thành, rồi sau cứ thế mà phát triển ra; người nào đã bẩm ra tính gì thời chung thân vẫn giữa một tính ấy, hoặc trong khi giao tiếp với người đời có ẩn cái tính tự nhiên của mình đi cũng là không giấu được lâu: thế nào cũng có lúc cái cố tình nó lộ ra. Vậy đã tả một người tính cách thế nào, thời trước sau phải như thế, không thời thành ra hai người mất. Cũng có nhà đặt chuyện khéo đã tả tính cách một người thế nào rồi, mà kể đến việc người ấy là nhất thiết có ý trái với cái tính cách kia cả, nhưng đó là dụng tâm như thế, để chứng rằng người ta ở trong cái xã hội thường hay giả trá, lúc nào cũng muốn dối mình lừa người, nhưng rồi bao giờ cái cố tính nó vẫn lộ ra, không che đậy mãi được, tức như lời tục ngữ Tây nói: "Cái thiên tính đuổi nó đi, nó chạy về xồng xộc" (Chessez le naturel il revient au galop); ấy cũng là một cái xảo thuật của các nhà làm tiểu thuyết vậy:

Ấy phép kết cấu tiểu thuyết đại khái như thế. Đây là nói chung về các lối tiểu thuyết, mỗi lối riêng lại có phép tắc riêng, sẽ bàn qua về sau này. Nói tóm lại thời kết cấu cốt thứ nhất là làm thế nào hình dung được cái vẻ sinh hoạt tự nhiên, khiến cho người đọc trong lúc đọc mơ tưởng như là người thật hành động trước mắt, việc thật trình bày cho mà xem, trong cái thời gian cầm quyển truyện trên tay tưởng hình như mình cũng là một người trong truyện, không khác gì. Muốn gây thành cái ảo tưởng cho người đọc truyện như thế, thời người làm truyện phải có cái tài biến báo lắm mới được, thứ nhất phải là một người có kinh lịch nhiều và có quan sát lắm. Cấu tạo ra một thế giới vốn không thực mà hiển nhiên như thực, nặn đúc ra những nhân vật vốn không có mà hoạt động như có, thật không phải là dung dị vậy.

Cho nên nói người làm tiểu thuyết ngoài cái tài văn chương lại phải có kinh lịch, có quan sát mới được. Có kinh lịch nghĩa là có từng trải việc đời thời mới đặt được ra những người những việc thiết thực với đời và đến lúc kể ra mới có cái giọng thiết tha dễ cảm động người ta. Nhưng có kinh lịch chưa đủ, cốt phải biết quan sát mới được. Ở đời thiếu gì những người lịch duyệt nhiều mà trong những người ấy hồ dễ đã được mấy người cầm bút viết mà biết tả được sự kinh lịch của mình cho có đầu có đuôi, có ý vị. Là vì những người có cái trí quan sát thật là ít lắm. Có cái trí quan sát nghĩa là có con mắt sành sỏi tinh đời, trong những việc phồn tạp ở đời biết nhận lấy việc nào là việc có ý nghĩa, có đặc sắc, mới đem thêu dệt ra mà nhân đấy kết cấu thành truyện. Sau hết nhà làm tiểu thuyết lại còn phải có một tư cách nữa: là phải thuộc tâm lí người ta lắm. Cái cơ quan trong lòng người vận động làm sao, phản phúc thế nào, phải rõ tỏ như trên bàn tay; những tình u uẩn, ý tiềm tàng, phải được khám phá cho vỡ, tiên hậu mới biết được cái lí do muôn việc ở đời và đến khi đặt truyện kết cấu mới không sai, phán đoán mới đúng lẽ. Coi đó thời đủ biết muốn làm một nhà tiểu thuyết có tư cách hoàn toàn, thật không phải là dễ vậy.

III

Truyện đã kết cấu rồi, nghĩa là đã có người có việc xếp đặt có đầu có đuôi rồi, khác nào như làm nhà đã cất thành cái khung nhà, nay còn phải lợp ngói chát vôi, nề hoa kẻ mực, đặt cửa xây thềm, lại phải trang sức ở trong, tô điểm ở ngoài, thời mới thật là thành thân cái nhà. Phần này kể cũng quan trọng chẳng kém gì phần trên. Trong nghề tiểu thuyết thời phần này gọi là phần phô diễn. Kết cấu khéo mà phô diễn vụng thời truyện không có giá trị nữa. Chẳng khác gì như câu chuyện hay mà người kể vụng, nghe mất cả lí thú. ấy sự phô diễn cũng tức là một cách kể chuyện mà thôi. Trong các lối hành văn thời lối văn tiểu thuyết chính là văn tự sự, tự sự nghĩa là kể chuyện. Nhưng cách kể chuyện ở đây có phiền phức hơn cách kể chuyện thường nhiều. Một là chuyện trong tiểu thuyết thường là chuyện dài mà là chuyện rắc rối, tự thuật cho có đầu đuôi, cho rõ mành mối, thật không phải dễ. Hai là cách phô diễn tuy vẫn phải dùng lối văn tự sự nhiều, mà còn tham bác nhiều lối khác nữa, như tả cảnh, tả tình, vấn đáp v.v., có thể nói trong một bộ tiểu thuyết không có lối văn gì là không dùng đến; văn tiểu thuyết thật là gồm cả các lối văn, và người viết tiểu thuyết phải là một người sành làm văn lắm thời mới tùy nghi tham dụng cả các lối được. Song tiểu thuyết đã là một truyện thời văn tiểu thuyết cốt nhất là văn tự sự, văn kể chuyện, còn các lối khác là phụ thuộc mà thôi. Vậy nay ta bàn trước về phép tự sự trong tiểu thuyết thế nào.

Đại khái lối văn tự sự trong sách Tây với văn tự sự trong sách Tàu, sách ta khác nhau xa lắm. Văn Tàu văn ta là lối văn chép sử, việc gì cũng chép lần lượt từ đầu đến cuối, cứ theo thứ tự trước sau, không gián đoạn một khúc nào, không đảo ngược một phần nào, như nói về một người thời phải kể hết lai lịch người ấy, từ đời ông đến đời cha, từ thuở nhỏ đến tuổi lớn, lần lượt như chép gia phả vậy. Lối văn ấy là văn đường thẳng, cứ tuần tự mà lên, lần lượt mà đến, không có li kì xuất sắc được, và cũng không khỏi cái buồn một giọng. Như việc giản dị thời dùng lối ấy còn được khái đến việc hơi phiền phức mà mỗi việc cứ tự thuật theo đường thẳng như thế, việc nào cũng kể từ đầu cho đến cuối, bấy nhiêu việc song song ngang nhau, thời khó biện được mành mối trong truyện thế nào, vì không biết mỗi việc quan hệ với nhau ra làm sao. Bởi thế nên các tiểu thuyết Tàu thường là những truyện ngắn; đến những truyện dài như các truyện Đông châu, Tam quốc, Thủy hử v.v., thời mỗi bộ là gồm nhiều truyện hoặc cùng một ý nghĩa, hoặc cùng nhiều thời đại, chứ không phải là một truyện luôn.
Văn Tây thời thật khác. Văn Tây có cái vẻ đột ngột tự nhiên, kể chuyện gì nói ngay vào việc, không có kể lai lịch dềnh dàng, hoặc cần phải biết việc trước mới hiểu việc sau thời dùng cách gián tiếp mà nói, nói xen vào giữa cho đủ hiểu mà thôi. Bởi thế nên văn Tây vẫn có ý lanh lẹ hoạt bát, vì cứ theo cái điệu trong truyện mà khi hoãn khi gấp, khi gần khi xa, khi mau như đổ dồn vào một chỗ, khi chậm như thủng thẳng không vội gì bao giờ cũng là in với nghĩa truyện, không có cưỡng theo lối chép sử mà sai lạc mất đầu bài. Song cái mới đặc sắc của văn tiểu thuyết Tây là đương dùng lối tự sự lại biết khéo tham bác các lối tả cảnh tả tình, nếu thuần dùng một lối tự sự thời dẫu khéo đến đâu cũng không tránh được cái buồn một giọng như thể văn Tàu. Từ đầu đến cuối toàn một giọng kể chuyện cả, còn gì chán bằng! Vả những việc trong tiểu thuyết không phải là việc trong mộng mà bông lông không có trường sở nào, những người trong tiểu thuyết không phải là người trong mộng mà phảng phất không có tâm lí gì; nên kể đến một việc gì phải tả cái cảnh chỗ xuất hiện ra; nói đến một người nào, phải tả cái tình của người ấy ngu trong lòng. Mà cho dẫu là người là việc trong mộng nữa, cũng phải có những tình những cảnh trong mộng. Bởi thế nên lối tả cảnh tả tình tuy là phụ thuộc cho lối tự sự mà cũng là quan trọng lắm, hai lối này thời trong văn tiểu thuyết Tây rất khéo dùng.
Các học giả Âu Mĩ cho là cái ngoại cảnh có ảnh hưởng đến tính tình công việc người ta sâu xa lắm, cho nên không hề thuật một việc gì mà không tả cái cảnh ở nơi ấy xảy ra, cái tình của người chủ trương việc ấy; cảnh tươi cười hớn hở thời người vui vẻ bảnh bao, cảnh ảm đạm tiêu điều thời người âu sầu ủ dột; hoặc cũng có khi cảnh ở ngoài rực rỡ mà người trong lòng thiết tha, thời lại lợi dụng mà làm văn ra cách khác được, để chứng rằng tạo vật vốn vô tình, đối với người đời hay hờ hững, người đau đớn mà cảnh vật có biết đâu sự đau đớn ấy, hình như nhân đó mà lại bội phần lên. Kể đến những khóe làm văn của các nhà tiểu thuyết đời nay thời thật là thiên biến vạn hóa, không thể sao nói cho cùng được. Vả những khóe ấy, người nào đã thật là có tư cách nhà văn, cũng dễ nhận mà lợi dụng được, không cần phải chỉ dẫn mới biết vậy.

Còn một lối văn nữa, trong tiểu thuyết cũng thường dùng là lối vấn đáp. Tự sự đến chỗ nào quan trọng hay là chỗ nào có ý tứ, thời người làm sách không tự mình thuật nữa, mà để cho chính người trong truyện đối đáp với nhau. Lời văn đây phải lanh lẹ tự nhiên, tính lợi hoạt bát lắm mới được, không khác gì văn diễn kịch. Lại phải chú ý cho người nào nói theo tính cách riêng của người ấy, hình như mỗi câu nói là một nét bút tả cái tâm tính một người vậy. Thường thường trong khi tác giả để cho người trong truyện nói với nhau như thế, thỉnh thoảng lại điểm một vài câu để vẽ hình dung thái độ người đương nói, bấy giờ người đọc truyện có khi mơ màng tưởng như trông thấy nghe thấy người trong truyện ở đâu bên cạnh mình vậy.
Nói tóm lại thời phép làm tiểu thuyết trước hết là kết cấu, sau là phô diễn. Phô diễn tức là hành văn. Văn tiểu thuyết thời chú trọng nhất là lối tự sự mà cũng có tham dụng những lối tả cảnh tả tình, vấn đáp. Bấy nhiêu lối không phải là rời nhau mà thực là liên lạc với nhau, bổ khuyết cho nhau; dù dùng lối nào cũng phải cốt lấy được tự nhiên, cho có linh động, khiến cho người đọc có cái cảm giác như trông thấy người thực việc thực vậy. Văn tiểu thuyết phải là cái "văn sinh hoạt". Phần kết cấu đã ví như cái bộ xương trong tiểu thuyết thời phần văn chương tức là da, là thịt, là máu, là gân; xương là cái cốt ở trong, mà khí sinh hoạt chính ở gân, ở máu, ở thịt, ở da bao bọc, ràng buộc tẩm thấm ở ngoài vậy. Kết cấu vụng mà phô diễn khéo có lẽ người không sành không nhận ngay được; nhưng đặt truyện khéo mà hành văn vụng thời dẫu người không sành cũng biết được ngay, và bộ tiểu thuyết nhân đó mất quá nửa giá trị vậy.

Song đặt chuyện đã là khó mà còn có phép tắc truyện dạy được. Đến làm văn thời toàn là ở cái tài riêng của người ta, thế sao mà định phép tắc cho được. Cho nên những lời bàn tán về phép hành văn tiểu thuyết trên đây chẳng qua cũng là những lời phiếm luận mà thôi, không dám đặt làm phương châm cho các nhà tập văn tiểu thuyết vậy. Một văn sĩ trứ danh nước Pháp đời ưa đã có câu nói rằng: “Văn tức là người” (Le style, c’est l’homme), nghĩa là văn người nào là hình ảnh tính tình người ấy. Như vậy thời văn há là một món có thể dạy được sao? Nhất là văn tiểu thuyết là một lối văn tự do phóng khoáng lại càng khó lòng truyền dạy cho được.

Trở lên là bàn chung về cả các lối tiểu thuyết. Trên kia đã nói rằng thể tiểu thuyết tuy thiên hình vạn trạng mà xét kĩ cũng có thể phân ra mấy loại lớn. Vậy đây xin bàn qua về các loại tiểu thuyết. Cứ lấy ý nghĩa mà chia ra thời tiểu thuyết về lịch sử, tiểu thuyết về triết học, tiểu thuyết về xã hội, tiểu thuyết về tâm lí v.v… tùy cái ý nghĩa trong truyện khuynh hướng về mặt tâm lí, về mặt xã hội, về mặt triết học hay về mặt lịch sử. Các hạng tiểu thuyết ấy thời thường gọi tổng danh là "lý luận tiểu thuyết" (roman à thèses), nghĩa là những truyện đặt ra để chứng giải một cái lí thuyết gì. Cứ lấy hình thức mà chia thời có tiểu thuyết tự sự, nghĩa là người làm sách tự đứng thuật chuyện; tiểu thuyết bằng thư trát vãng lai, nghĩa là theo thể viết thư, người trong truyện viết lẫn cho nhau; tiểu thuyết bằng nhật kí, bằng tự truyện, nghĩa là người chủ động trong truyện tự chép việc mình, hay dùng lối nhật kí mà ghi chép riêng công việc mình, tâm sự mình.

Lại có lối tiểu thuyết tả chân, nghĩa là cứ phỏng sự thực mà tả ra, không có bình phẩm nghị luận gì; lối tiểu thuyết lí tưởng, nghĩa là cứ theo sự tưởng tượng mà kết cấu ra, không câu nệ giống hay không giống sự thực; lối tiểu thuyết ngụ ngôn, nghĩa là đặt những chuyện huyền mà có ngu ý khuyên răn người đời; lối tiểu thuyết cảm hoài, nghĩa là dùng lời văn cao kì như thơ để tả cái lòng cao hứng của mình hay là ta thán sự đời v.v… Xem đó thời biết các lối tiểu thuyết nhiều biết bao nhiêu mà kể. Song nhận cho kĩ, những lối tiểu thuyết ấy không phải chỉ là những loại riêng, cái riêng là mỗi loại có những tính cách đặc biệt không giống với các loại khác. Như một bộ tiểu thuyết có thể vừa tả chân, vừa lý luận, vừa dùng lối thư trát, vừa dùng thể nhật kí, vừa ngụ ý, vừa cảm hoài, không phải là không được. Nay cứ tính chất các tiểu thuyết mà phân loại ra thời có thể chia ra ba loại như sau này: một là tiểu thuyết ngôn tình (romans passionnels), hai là tiểu thuyết tả thực (romans de moeurs) ba là tiểu thuyết truyền kì (romans d'aventures); ba loại này có thể gồm được cả các lối khác. Nay xin bàn qua về mỗi loại như sau này:

1. Tiểu thuyết ngôn tình: - Loại này là loại thịnh hành hơn cả. Tình là cái động cơ rất mạnh của muôn vật ở đời. Trong các tình thời ái tình là tình nam nữ, lại là mạnh hơn nhất. Cho nên tiểu thuyết đời nào, nước nào cũng là thiên tả về ái tình nhiều lắm, và nhất là tiểu thuyết của các nước Âu Mĩ đời nay lại dành cho ái tình một cái địa vị rất là to lớn, rất là tôn trọng. Ngày nay mở một bộ tiểu thuyết Tây, bất cứ vào hạng nào, chắc là trong có nói chuyện tình: tình cao thượng, tình tầm thường, tình sầu, tình thảm, tình trẻ, tình già, tình tà, tình chính, tình trong cảnh gia đình hòa thuận, tình ở ngoài buồng the thầm giấu, tình phất phơ trăng gió, tình thân thiết đá vàng; nhưng thứ nhất là tình dục, là cái bụng trai gái ham nhau, cốt để thỏa cái lòng muốn tự nhiên nó khiến cho muôn loài trong đời đất vì ham nhau mà phải tìm đến với nhau, dẫu vô tri cũng đèo bòng, để diễn ra muôn cuộc vui thú, muôn cảnh éo le, muôn nỗi thảm sầu, trên cái sân khấu lớn là cõi thế gian này. Đọc bộ tiểu thuyết Tây tưởng như ở đời không còn có gì trọng bằng cái tình, không còn có gì mạnh bằng bụng dục nữa; hình như người ta chỉ sống để mà giao hoan với nhau, ngoài việc ấy không còn việc gì nữa, và hễ chưa được thỏa mãn thời trong lòng đau đớn, trong bụng khát khao, trong trí mê mẩn, quay cuồng xuẩn động, bôn tẩu cạnh tranh, cho kì được mới nghe, dù phá tài sản, hoại gia đình, liều danh dự, mất tự do, cho đến vượt cả pháp luật, phạm tội giết người, cũng không nề.

Đó là cái tính cách chung của lối tiểu thuyết ngôn tình ở các nước Âu Mĩ đời nay. Tình vẫn là một sức mạnh trong thế gian, vẫn là một cuộc vui của người đời cuộc vui mà lắm khi lại thành nguồn thảm nữa - nhưng thiên trọng về tình, nhất là tình dục, quá như thế, có phải là chính đáng không? Người ta ở đời phải biết tiết chế cái bụng dục của mình, nếu lấy sự túng dục làm chủ nghĩa, thời chẳng phương hại cho xã hội, bại hoại đến phong tục dư? Tuổi thanh niên là tuổi dễ tin, bọn phụ nữ là người dễ cảm, nay đem những chuyện tình dục phô diễn ra lời văn chương, để làm một món tiêu khiển cho những hạng ấy trong khi ngồi không mơ tưởng, thương hão xót thầm thời chẳng là truyền cho một thứ thuốc độc rất hại về sau này dư? Tiểu thuyết ngôn tình làm hư người ta những thế nào, các nhà giáo dục chẳng đã đồng thanh mà ta thán dư? Đó là những vấn đề muốn giải quyết cho được phải nghị luận nhiều lắm, nay hẵng tạm không bàn đến. Vả chính các văn sĩ Âu châu, thuộc về những vấn đề này, cũng không đồng ý, kí giả lại càng không dám lấy ý riêng mà giải quyết ra phương diện nào. Chắc rằng đã gọi là tiểu thuyết ngôn tình thời tất là phải nói về chuyện tình, nói về chuyện tình dù là ái tình, dục tình, tà tình, dâm tình, cũng không tất nhiên là không chính đáng, nhà tiếu thuyết không tất nhiên là phải đồng thanh nối gót với nhà luân lý, nhà đạo đức; song có điều rằng nói chuyện tình mà chỉ thiên ý tả cái trạng thái thô bỉ của tình nhiều hơn là cái tinh thần cao thượng của tình, thời không khỏi không hại cho phong tục, cho xã hội, cho phụ nữ, cho thanh niên; dẫu ở các nước đã khai thông bên Âu Mĩ cũng còn có hại, phương chi là trong một dân còn bán khai như dân mình. Cho nên đương lúc lối tiểu thuyết còn phôi thai ở nước ta, hoặc có người thấy những tiểu thuyết ngôn tình của Tây hay mà muốn bắt chước thật cũng rất nên răn vậy.
Nay xét về lối tiểu thuyết ngôn tình, cách kết cấu, cách Phô diễn có gì khác lối tiểu thuyết thường không? Cứ phép tắc chung tưởng cũng không khác gì, duy đặt chuyện tình thời thường có hai cách: một là tả một cuộc tình duyên từ lúc mới dan díu, qua lúc đương khăng khít, cho đến lúc sau giải tán hay là quyết liệt ra làm sao; hay là đem cái ái tình ra đối đãi với một nghĩa vụ hay là một tình cảm khác (tình cha mẹ, tình vợ chồng, nghĩa gia tộc, nghĩa quốc gia v.v.) rồi tả hai bên xung đột nhau thế nào, bên nào thắng, bên nào bại. Đại khái các tiểu thuyết ngôn tình, phép kết cấu không ngoài hai cách đó. Còn phép phô diễn, hay là phép hành văn, thời cần phải có ngọn bút sành sỏi và công tế lắm thời mới tả được hết những khóe u ẩn trong người, những vẻ li kì của tình ái; lời văn phải khi thanh thoát, khi đậm đà, khi tỉ tê thánh thót như tiếng gái nói chuyện đêm khuya, khi nồng nàn nóng nả như cuộc tình giao hoan buổi mới, khi thiết tha như lời gắn bó, khi vỡ lở như giọng căm hờn... Tiểu thuyết ngôn tình thường trọng ở văn chương hơn các lối tiểu thuyết khác, vì tình là một vật mập mờ ẩn ước, vô trạng vô hình, phải ngọn bút tuyệt xảo mới diễn tả ra được.

2. Tiểu thuyết tả thực - Loại này tiếng Tây gọi là tiểu thuyết về phong tục (romans de moeurs), nghĩa là cốt tả cái tình trạng trong xã hội theo như thói ăn cách ở của người đời, thứ nhất là người đương thời; cho nên cũng có thể gọi là tiểu thuyết tả thực được, vì cứ theo như cái cảnh tả thực ở trước mắt mà diễn tả ra. Nhưng trong cách diễn tả ấy thường thường bao giờ cũng có ý bao biếm, ý khuyên răn ở đó, dẫu nhà làm sách không lập tâm khen chê răn dạy gì ai, mà cái ý khuyên răn bao biếm giờ cũng có ngụ ở trong. Là bởi lẽ như sau này. Người ta ở trong xã hội người hay thời ít, người dở thời nhiều, dẫu không dở không hay hẳn thời cũng ương cũng dỏm, mà chính người hay nữa vị tất đã khỏi dỏm khỏi ương; người nào đã biết đem con mắt tinh đời mà quan sát người đời, lấy cái trí sáng suốt mà soi thấu sự thế, thời phần nhiều chỉ thấy những cảnh không nực cười thời đáng khóc cả, chưa mấy khi là được thấy những cảnh khiến cho mình phải khâm phục cái con vật tối linh trong trời đất là giống người ta này. Nhà tiểu thuyết tả thực phải là người biết quan sát sự đời như thế, đã biết quan sát sự đời thời tất tả được cái chân tướng cuộc đời, cái chân tướng cuộc đời đã xấu xa bỉ ổi như thế, thời dẫu mình không lập tâm phẩm bình khuyên giới gì mà cứ đem diễn tả ra cho hết cũng đủ khiến cho người ta coi đó mà có cái bụng không bằng lòng về cảnh đời như bây giờ, muốn hi vọng một cõi đời tốt đẹp hơn. Bởi thế nên lối tiểu thuyết tả thực cũng lắm khi giúp được cho phong hóa nhiều, và thứ nhất là tập được cho người ta có con mắt sành mà quan sát sự đời.

Nay trong tiểu thuyết ngôn tình thời tình là chủ động; vậy trong tiểu thuyết tả thực có thể tìm được cái mối chủ động ở đâu không? Tả thực là tả cái tình trạng xã hội, tình trạng xã hội là gồm những sự hành vi của người ta, sự hành vi của người ta thời phồn tạp phiền phức, làm thế nào mà dò được cái mối chủ động ở đâu; và mỗi người hành động là có cái lẽ riêng của người ấy, có cái cớ riêng nó khiến nên, lòng người không bờ không bến thời những cớ nhưng lẽ ấy cũng là vô cùng tận, thể nào mà kể cho xiết? Song xét cho kĩ, cứ tổng quát cả các công việc của người ta hành động trong xã hội, thời có thể nói được rằng ngoài tình dục trên kia đã nói, muôn việc trong xã hội đều là do hai mối chủ động lớn mà ra: một là lòng tham của, hai là tính hiếu danh. Kim tiền với danh dự: lợi và danh thật là hai cái chốt của xã hội, và là hai cái mục tiêu của nhà tiểu thuyết tả thực vật. Đời nào, nước nào, người nào cũng có hai căn tính đó: một là tham của, hai là tham danh. Bởi thế mới diễn xuất ra cái tuồng trăm nghìn tấn là cuộc đời nào Bởi hai căn tính thâm trầm của người ta đó mà xã hội đâu đâu cũng thành những chốn náo nhiệt cạnh tranh, sự cạnh tranh náo nhiệt ấy chính là cái kho tài liệu vô cùng tận cho nhà tiểu thuyết tả thực vậy. Nếu không có hai cái tính tham của tham danh đó thời người ta đều là bậc triết nhân quân tử cả, một xã hội rặt những triết nhân quân tử cả, thời còn gì chán bằng, vì còn có công việc chi nữa? Một xã hội như thế thật là cõi "nát bàn" của nhà Phật vậy.
Lòng tham của, tính hiếu danh là hai cái động lực lớn trong xã hội, nhưng hai cái động lực ấy tùy thời, tùy xứ, tùy cảnh, tùy người mà xuất hiện ra mỗi lúc một khác; có khi lại giả danh nhân nghĩa, mượn tiếng từ bi, mà thay hình đổi dạng, không nhận kĩ, không xét ra. Nhà tiểu thuyết tả thực phải tả được hết những trạng thái bề ngoài của hai cái động lực đó, mà lại suy nguyên cho đến thâm căn, cho rõ rằng người ta ăn ở trên đời dẫu vạn trạng thiên hình mà rút cục lại cũng là không qua một tấc dã tâm là cái lòng hiếu danh tham của đó.

Viết tiểu thuyết tả thực phải có ngọn bút rắn rỏi, thạnh bạo, cất lấy thiết thực, kị sự phù hoa; có khi nghiêm khắc như ngọn bút phẩm bình nhà làm sử, có lúc thống thiết như lời văn ta thán kẻ ưu thời; có khi vô tình như không, như cái máy ảnh vô tư tự nhiên mà phản chiếu cái cảnh thực ở trước mắt; có lúc tàn nhẫn cả quyết như con dao thày ngoại khoa: sấn sổ mà đâm thủng cái ung độc người có bệnh. Văn ngôn tình khó vì nhỏ nhặt mềm mại, văn tả thực khó vì mánh khóe cứng cáp; hai lối cương, nhu có khác nhau mà công phu cũng như một vậy.
3. Tiểu thuyết truyền kì - Truyền kì là chép những chuyện lạ, tuy không phải là những truyện hoang đường mà cũng là những truyện khác thường, không phải hàng ngày trông thấy. Hạng tiểu thuyết này không chủ cảm động, không vụ khuyên răn người ta, mà chỉ cốt là kích thích cái trí tưởng tượng, lòng hiếu kì. Người ta thuở nhỏ thường ham nghe những truyện thần tiên, truyện cổ tích, là vì nó có cái phong vị phiếu điểu li kì, xa xôi man mác; đến tuổi thành niên cũng vẫn còn cái tính đó. Cho nên nghe nói đến những truyện xứ lạ phương xa, kể đến những phong tục các dân tộc ở ngoài, hay là thuật những thủ đoạn khác thường của một người nào, càng nghe càng thích, không hề thấy chán bao giờ. Là bởi người ta ở trong xã hội, kỉ luật rất nghiêm, mỗi người có một địa vị, một chức nghiệp riêng, ai làm việc nấy, ai ngồi chỗ nấy, dẫu có tưởng tượng ra những sự lạ việc kì, mơ màng đến những cõi xa đất thẳm, chung thân dễ cũng không có dịp nào đi tới hay là làm được. Trừ những kẻ giang hồ lãng khách, túc tích bốn phương, còn người đời mấy ai đã thực hành được cái chí tưởng tượng bình sinh? Cho nên ai cũng khao khát những sự khác thường, muốn cùng Telemark gặp tiên trong hang núi, cùng Robinson phiêu bạt ngoài bể khơi, hay là cùng nhà bác học nọ bạt nghiệp những phương xa cõi lạc để khảo cứu về phong tục các man dân, cùng nhà thám hiểm kia vượt qua những cao nguyên sa mạc để tìm tòi các miền đất mới chưa ai đến. Lòng hiếu kì cũng là một căn tính của người ta. Lối tiểu thuyết truyền kì tức là để đối phó với cái tính tự nhiên đó. Nhà làm sách đã nói người ta Chẳng qua là một lũ "con trẻ lớn", cho nên dẫu tuổi nào cũng hay ưa những chuyện lạ tích kì, không khác gì truyện thần tiên, truyện cổ tích của trẻ con vậy. Bởi thế nên lối tiểu thuyết truyền kì nước nào, đời nào cũng thịnh hành.

Phàm chuyện lạ đời xưa hoặc có thiên về hoang đường một đôi chút, nhưng đời nay chuyện lạ không tất nhiên là chuyện hoang đường. Không kể những nơi khoa học chưa khám phá đến, như những cõi đời ở các hành tinh trên bầu trời, những việc lạ thuộc về linh hồn tâm tính người (thôi miên thuật, yêu thuật, v.v.); cứ cách thức sinh hoạt trong xã hội văn minh đời nay, nhờ những sự biến hóa của máy móc, nhờ những phương thuật khéo của khoa học, mà cuộc đời ngày một thay đổi, ngày một mới lạ, thiếu gì những việc dự là tài liệu cho tiểu thuyết truyền kì. Nhà làm truyện cứ căn cứ vào việc thực, dự đoán thêm đôi chút, là đủ đặt ra truyện lạ, khoái trá được người đời. Thí dụ như ngày nay tàu bay đã thành một cơ khí hoàn toàn lắm rồi, nay mai có thể dùng làm một cách giao thông nước nọ san nước kia rất tiện lợi. Nay ví đặt ra một truyện tả về một cuộc du lịch hoàn cầu bằng tàu bay của một đôi vợ chồng mới, cùng nhau giao hoan trên mấy từng mây, qua hết nước nọ sang nước kia, vượt hết núi cao đến bể rộng, tưởng cũng là một tiểu thuyết li kì vậy.

Tiểu thuyết truyền kì thời trọng chuyện hơn văn, mà chuyện phải đặt cho lạ. Đại khái các nhà chuyên lối tiểu thuyết này có hai hạng: một hạng cốt chỉ đặt chuyện cho là vui lấy lạ mà thôi, như tiểu thuyết của Alexandre Dumas cha; một hạng vừa chủ ý làm vui mà lại vừa chủ ý dạy học nữa, đem những khoa thiên văn, địa lí, bác vật, sử kí, mà kết cấu ra những chuyện li kì để nhân đó giúp cho sự học thức phổ thông của người ta, như Jules Verne hay làm tiểu thuyết về cách trí cho các thanh niên học. Lối tiểu thuyết sau ấy thật là có ích cho việc giáo dục lắm. Song đại để thời các tiểu thuyết truyền kì không hay ở văn chương mà chỉ hay ở cách kết cấu. Như những sách của Jules Verne, Alexandre Dumas, lấy phương diện văn chương mà xét thật không có giá trị mấy, vậy mà thiên hạ ưa đọc lắm, vì là chuyện hay. Trong ba loại tiểu thuyết kể trên, có lẽ loại truyền kì là người mình có thể luyện tập, có thể bắt chước được dễ hơn cả, một là vì loại này gần giống với các tiểu thuyết Đông phương ta, hay ưa những việc kì lạ khác thường, hai là loại này không trọng văn chương lắm, vừa thích hợp với trình độ một lối văn còn non nớt như văn ta; thứ hai lại còn được cái hay cái lợi là có thể gián tiếp giúp cho sự phổ thông giáo dục. Dám khuyên các nhà làm tiểu thuyết ta nên chú ý vậy.

Các lối tiểu thuyết kể trên là những trường thiên tiểu thuyết, nghĩa là những truyện dài cả, đem in thành sách, khổ giấy trung bình, thường thường phải được hơn hai trăm đến ba trăm trang, không kể có khi có bộ tiểu thuyết tới hai, ba, bốn, năm quyển mới hết truyện. Nhưng ngoài các lối ấy, có một lối gọi là đoản thiên tiểu thuyết (nouvelle). nghĩa là tiểu thuyết ngắn, thể thức cũng như thường, chỉ có ngắn hơn mà thôi; lại có lối gọi là chí dị" hay là "nhàn đàm tiểu thuyết" (conte), Nhật Bản gọi là “lưu li ngữ” cũng là một thể tiểu thuyết ngắn, nhưng thường thuật những chuyện hư không tưởng tượng, hoặc hoạt kê khôi hài, cất lấy ý tứ thanh thoát, lời văn nhẹ nhàng, cũng có một đôi khi ngụ ý khuyến giới.

Nay đã giải nghĩa tiểu thuyết là gì, đã bàn qua về phép kết cấu, phép phô diễn của các lối tiểu thuyết thế nào, xin kết luận mấy câu về triết lý của tiểu thuyết và ảnh hưởng tiểu thuyết đối với người ta, đối với xã hội thế nào.

Nhà triết học nước Anh Bacon có nói rằng: "Người ta sở dĩ có cái giá trị cao quý hơn muôn vật là không có cái tính cam tâm, không chịu lấy sự hiện tại làm mãn nguyện, bao giờ cũng đứng núi này trong núi nọ, thoát li cái cuộc đời thường của mình mà tưởng tượng ra một cuộc đời khác thú hơn". Ấy triết lý của tiểu thuyết chính là thế. Tiểu thuyết dẫu thuộc về lối tả thực nữa, cũng là đặt ra một chuyện khác với việc thường của mỗi người, khiến cho người ta trong cái khoảng thời gian, hoặc dài hoặc ngắn, cầm quyển truyện trên tay đọc, thoát li được ra ngoài cái đời mình mà cùng với người trong truyện hoặc vui, hoặc buồn, hoặc sướng, hoặc khổ, hoặc đi du lịch những nơi xa đất lạ, hoặc ngồi hồi tưởng những người cũ việc xưa. Tiểu thuyết hay thời người đọc trong lúc đọc tưởng như mình không phải là mình nữa, mà tức là một người trong truyện vậy. Nước ta xưa nay thiếu gì những trai tài gái đẹp ngâm Truyện Kiều mà không những thương cho thân thế cô Kiều, có tác mơ tưởng như mình chính là cô Kiều vậy, mỗi đoạn gian truân của cô là một khúc đoạn trường cho mình, mỗi lời ăn tiếng nói của cô như tự trong thâm tâm mình thổ lộ ra vậy.

Ấy triết lý của tiểu thuyết như thế mà ảnh hưởng của tiểu thuyết lại như thế. ảnh hưởng ấy thật là sâu xa vô cùng. Song trong ảnh hưởng ấy có sự hay mà cũng có sự không hay. Hay là làm một cách tiêu khiển cho người ta trong những khi nghỉ ngơi nhàn hạ; lại một đôi khi có thể gián tiếp giúp cho người ta tập suy xét việc đời thêm mở mang sự học. Không hay là dẫu truyện khéo đến đâu vẫn là truyện huyền, người ta say mê những truyện huyền quá thời có hại đến việc thực; cả đêm cả ngày chỉ sống với những người mơ màng trong truyện, thời tinh thần mê mẩn đi, đối với người thực việc thực không khỏi sai lầm lẫn lạc, thật có hại cho sự sinh hoạt ở đời. Đó là ảnh hưởng đối với người ta; ảnh hưởng đối với xã hội cũng có sự hay sự dở như thế. Theo ý kiến của phần nhiều các văn sĩ Âu châu thời văn chương không tất nhiên có quan hệ với thế đạo. Làm một bộ tiểu thuyết, cốt là đặt cho hay, viết cho khéo, cho người đọc có hứng thú, còn ảnh hưởng về xã hội phong tục thế nào, bất tất phải xét đến. Nay không bàn ý kiến ấy phải hay là trái, nhưng có lẽ ở những nước văn minh lắm thời hoặc có thể nghĩ như thế được, chứ ở những dân còn bán khai như dân ta thời văn chương rất là quan

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Trò chơi văn bản và những tương tác

    27/08/2018Nhã ThuyênMột sự lý thú về kĩ thuật trong tiểu thuyết Việt Nam gần đây (dù không còn xa lạ trong văn chương thế giới): nhà văn trở thành nhân vật trong văn bản, "gây nhiễu" ngoài bản thân các kí tự. Mối quan hệ tương tác giữa nhà văn & văn bản, văn bản này & văn bản khác, nhà văn & người đọc, văn bản & người đọc, đời sống thực & hư cấu... được thiết lập. Tất nhiên, không phải cách thức này có giá ở mọi cuốn sách.
  • J.P.Sartre và câu hỏi: Văn học là gì?

    01/08/2016Thanh ThảoLà một nhà văn tự do và dấn thân, Sartre đã gắn kết hai khái niệm tưởng chừng mâu thuẫn này vào mục đích sáng tạo của nhà văn, bởi người ta có thể hỏi vặn: tự do đôi khi là từ chối dấn thân, và ngược lại, dấn thân có khi là mất tự do?
  • Nhà ký hiệu học Umberto Eco và tiểu thuyết

    16/10/2009Huyền Sâm-Ngọc AnhTên của đoá hồng là sự hội tụ nhiều tư tưởng triết học lớn của nhân loại. Trong đó, triết lý sâu xa nhất mà cuốn tiểu thuyết mang lại, đó là: Chân lý không phải là cái gì sẵn có, vĩnh cửu, mà chính con người là chủ thể làm nên chân lý. Con người, vì vậy cần phải biết “cười vào chân lý”...
  • Trí tưởng tượng mang đôi cánh ướt

    11/10/2008Đỗ Minh TuấnVăn hóa Việt Nam không khuyến khích thái độ cực đoan, mà luôn hướng đến sự dung hòa, giao thoa và cộng sinh giữa các chiều kích, các thế lực và các giá trị. Vì thế, nhà văn Việt Nam ít có những cảm xúc và suy nghĩ cực đoan làm động lực cho một trí tưởng tượng sáng tạo mãnh liệt, đi đến tận cùng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cá tính sáng tạo của nhà văn thường mờ nhạt.
  • “Mỗi cuốn tiểu thuyết hay là một cách lý giải thế giới”

    04/03/2007Ngô ĐứcTôi luôn tìm cách coi bản sắc cá nhân, thậm chí bản sắc dân tộc, chỉ là điều người ta nghĩ ra. Con người luôn tự tạo mới tính cách của mình. Chúng ta không phải là những con người bất biến, có thể có những sự lặp lại và điều lý thú ở chúng ta là sự thay đổi.Điều đó phù hợp với quan niệm của tôi là tất cả chúng ta đều gắn kết với nhau bởimột điều gì đó. Giữa các dân tộc, theo tôi, cũng vậy thôi...
  • Tiểu thuyết: Khoảng cách giữa khát vọng và khả năng thực tế

    24/10/2005Nguyễn HòaMở đầu Diễn đàn "tiểu thuyết Việt nam đang ở đâu", chúng tôi xin giới thiệu bài viết sau đây của nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa...
  • xem toàn bộ