Toàn cầu hóa và vận hội của Việt Nam
Toàn cầu hóa không phải là một hiện tượng gì mới lạ trong lịch sử phát triển của loài người, có mới đi chăng nữa chỉ là ở chỗ làn sóng toàn cầu hóa thời nay xảy ra với tốc độ cao hơn, cường độ mạnh hơn, và phạm vi rộng lớn hơn rất nhiều so với trước đây mà. Và dân tộc ta đã có ý thức chủ động hòa mình vào làn sóng ấy.
LÀN SÓNG TOÀN CẦU HÓA THỨ NHẤT (1492 – 1760)
Làn sóng toàn cầu hóa thứ nhất được đánh dấu bởi sự kiện Christopher Columbus tình cờ phát hiện ra Châu Mỹ, kéo dài cho đến cuối thế kỷ 18 và đã để lại nhiều hệ quả sâu sắc.
Nếu như trước năm 1500, trình độ phát triển và điều kiện sống của con người trên thế giới (về thu nhập, tuổi thọ v.v.) tương đối đồng đều thì đến cuối thế kỷ 18, thế giới đã bị phân hóa một cách rõ nét. Đặc biệt, sự thăng trầm quyền lực của các quốc gia xảy ra với tốc độ khá nhanh. Trung Quốc là một ví dụ rất tiêu biểu, từ một nước dẫn đầu thế giới về gần như mọi phương diện trở thành một nước rơi vào sự đe dọa thường trực của phương Tây. Cho đến thế kỷ 15, có thể nói Trung Quốc là đại cường quốc của thế giới và là quốc gia đi đầu trong hầu hết mọi lĩnh vực. Trung Quốc lúc bấy giờ chiếm 1/5 dân số thế giới và là một quốc gia (đồng thời cũng là thị trường) thống nhất với diện tích rộng mênh mông.
Một điều hết sức thú vị là quá trình giao lưu về mặt tư tưởng xảy ra song song với tiến trình toàn cầu hóa. Vào đầu thế kỷ 18, các nhà truyền giáo dòng Jesuit đã dịch nhiều tác phẩm triết học của Trung Quốc sang tiếng Pháp và được nhiều nhà khai sáng của Châu Âu như Voltaire, Montesquieu, Diderot rất ngưỡng mộ. Các tư tưởng triết học Trung Hoa cũng được các nhà tư tưởng của trường phái Trọng Nông thời đó để ý. Tương truyền, chính Francois de Quesnay, cha đẻ của học thuyết trọng nông đã trở thành một “tín đồ” trung thành của Đạo Lão và trong tác phẩm “Le despotisme de Chine” (Chủ nghĩa chuyên chế Trung Hoa) năm 1764 của mình, Quesnay dịch hai chữ “vô vi” thành ra “laissez-faire” trong tiếng Pháp để truyền đạt ý tưởng cho rằng nhà nước không nên can thiệp sâu vào đời sống xã hội mà hãy để nền pháp quyền dẫn dắt. Sau đó, tư tưởng “laissez-faire” được phản chiếu lại trong “bàn tay vô hình” của Adam Smith và trở thành viên đá tảng của chủ nghĩa tư bản thị trường tự do cho đến tận ngày nay. Và điều mà dân tộc Trung Hoa đang cố gắng làm mấy chục năm trở lại đây không khác gì là việc trở lại với quan điểm “vô vi trị,” nhưng lần này là dưới sự ảnh hưởng của phương Tây.
Làn sóng toàn cầu hóa thứ nhất thực chất là lịch sử của các cuộc chinh phạt và sự manh nha của chủ nghĩa thực dân. Về mặt kinh tế và quân sự, Trung Hoa đã phải dần lùi bước trước các nước phương Tây với công nghệ giao thông và quân sự ưu việt hơn. Tuy nhiên, ngay trong giai đoạn này, chiến lược chinh phạt đã tự chứng minh tính không bền vững, không chỉ vì sức tàn phá vô cùng to lớn của nó mà trên thực tế, chinh phạt là một “cuộc chơi có tổng bằng không”.
LÀN SÓNG TOÀN CẦU HÓA THỨ HAI (1760 - 1914)
Làn sóng toàn cầu hóa thứ hai được đánh dấu bằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất khởi thủy từ nước Anh vào nửa cuối thế kỷ 18 và kéo dài cho đến thế chiến thứ nhất. Sự xuất hiện của máy hơi nước, và sau đó là đường sắt, điện tín v.v. và cùng với nó là làn sóng toàn cầu hóa thứ hai đã đưa thế giới chuyển sang một quỹ đạo mới. Sức mạnh của động cơ hơi nước đã thay thế rất nhiều cho lao động nặng nhọc, đồng thời năng suất cao hơn cũng có nghĩa là từ nay thế giới có thể duy trì được một dân số lớn hơn.
Bên cạnh những điều thần kỳ mà cuộc cách mạng công nghiệp mang lại cho nước Anh cũng như một số nước công nghiệp khác thì thời kỳ này cũng chứng kiến sự hình thành nên một giai cấp mới – giai cấp vô sản bị bần cùng hóa. Bắt đầu từ đây xuất hiện một sự đối lập giữa một bên là giới chủ tư bản - chủ sở hữu của các tư liệu sản xuất, và bên kia là giai cấp công nhân được tự do bán sức lao động nhưng lại hoàn toàn vô sản. Cuộc đấu tranh giai cấp làm nên một phần lịch sử nhân loại cũng bắt đầu từ đấy.
Chứng kiến sự phát triển vượt bậc của nước Anh trong vòng vài chục năm kể từ khi bắt đầu công nghiệp hóa, các nước Châu Âu khác (và sau đó là Nhật và Mỹ) ý thức được rằng cuộc đua về sức mạnh kinh tế và quyền thống trị thế giới bây giờ mới thực sự bắt đầu. Chính cuộc cách mạng công nghiệp đã làm thay đổi bản chất của cuộc đua này: Cuộc đua giữa những người đi bộ hay ngựa đã chuyển thành cuộc đua của máy móc với tốc độ và công suất lớn gấp hàng ngàn, hàng vạn lần, và do vậy nguy cơ tụt hậu trở nên cấp thiết và hiện thực hơn bao giờ hết. Trên thực tế, nếu như vào đầu thế kỷ 18, dưới tác động của làn sóng toàn cầu hóa thứ nhất, thu nhập bình quân của các nước Tây Âu chỉ cao hơn các nước Đông Âu chừng 20% thì đến năm 1890, khoảng cách này đã lên tới 80%.
Trong cuộc đua này, nước Anh có một thuận lợi cơ bản vì nó có hệ thống thuộc địa rộng đến nỗi mặt trời không bao giờ lặn trên đồng bảng Anh. Cũng như nước Anh, các nước phương Tây khác lao như thiêu thân vào cuộc chiến giành thuộc địa vì thuộc địa rộng lớn đồng nghĩa với việc có nguồn nhân công và nguyên liệu rẻ mạt dồi dào hơn để phục vụ công nghiệp hóa, có thị trường tiêu thụ rộng lớn hơn, có sức mạnh kinh tế và quân sự hùng mạnh hơn... Kết quả là nếu như vào năm 1800, Châu Âu mới kiểm soát 35% lãnh thổ trên thế giới, thì con số này tăng lên 67% vào năm 1878 và 85% vào năm 1914 – năm bắt đầu của thế chiến thứ nhất. Thế giới dường như đã rơi vào ngõ cụt khi một nước, để tránh thân phận thuộc địa, buộc phải thuộc địa hóa kẻ khác. Và đây cũng là chiến lược thống trị của các quốc gia phương Tây, của Nhật và Mỹ trong làn sóng toàn cầu hóa thứ hai.
Và điều gì phải đến đã đến. Châu Âu đã phải nhờ đến bàn tay của thần chiến tranh để giải quyết mâu thuẫn và sự bế tắc của mình. Châm ngòi cho cuộc chiến tranh này là sự tan rã của đế chế Ottoman, và điều này ngay lập tức mở ra cơ hội to lớn cho cuộc xâu xé thuộc địa đã sắp đến hồi kết. Chiến tranh bùng phát, kéo dài gần 5 năm, lấy đi sinh mạng của 38 triệu con người, và tiêu hủy không biết bao nhiêu tài sản vật chất mà các nước phương Tây phải ky cóp chật vật trong suốt mấy thế kỷ trước đó. Mặc dù thế chiến thứ nhất thường được mệnh danh là “cuộc chiến chấm dứt mọi cuộc chiến”, nhưng trên thực tế nó đã không thể mang lại nền hoà bình cho Châu Âu. Có chăng chỉ là một khung cảnh ảm đạm thê lương của một Châu Âu thất thểu và kiệt sức.
GIỮA HAI LÀN SÓNG TOÀN CẦU HÓA (1914 - 1980)
Mâu thuẫn bên trong chủ nghĩa thực dân cũng như giữa người dân thuộc địa với các nước thực dân đã đặt dấu chấm hết cho làn sóng toàn cầu hóa thứ 2. Từ 1914 cho đến 1945, toàn cầu hóa hoàn toàn dừng lại. Siêu lạm phát ở Đức ngay sau chiến tranh, rồi đến cuộc đại khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ năm 1929, sự xuất hiện của chủ nghĩa phát xít ở Đức, rồi ở Ý và Nhật, cuộc chiến tranh thế giới thứ 2..., tất cả đều dẫn tới cùng một đích: sự hủy diệt. Nhưng từ đống tro tàn của thế chiến thứ hai, trong khi cả châu Âu gần như đã hoàn toàn kiệt quệ thì nước Mỹ đã nổi lên và khẳng định mình như là một cường quốc mới với sứ mạng lãnh đạo làn sóng toàn cầu mới.
Thế chiến thứ 2 cũng đã cho thế giới thấy nhu cầu hợp tác và xích lại gần nhau giữa các quốc gia, và một số thể chế toàn cầu đã được hình thành ngay sau chiến tranh như UN, WB, IMF v.v. Tuy nhiên, trong những năm từ 1945 đến 1980, mặc dù làn sóng toàn cầu hóa trên thế giới có nhích lên chút ít nhưng không thể lan xa được do bị chặn đứng bởi bức màn thép và bởi vực thẳm khác biệt về ý thức hệ giữa hai phe xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Hệ quả là thương mại quốc tế trong giai đoạn này chủ yếu diễn ra trong nội bộ của mỗi phe nhưng có thể nói không có sự đột biến lớn lao nào xảy ra trong giai đoạn này. Vào năm 1950, tỉ trọng xuất khẩu so với GDP của toàn thế giới đã giảm xuống chỉ còn 5% - bằng con số của năm 1870! Đa số các nước đang phát triển theo đuổi chính sách hướng nội, thay thế nhập khẩu. Đáng lưu ý là chính trong lúc ấy, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, và Singapore, khi ấy vẫn còn là những nước nghèo đang phát triển, lại chọn một chiến lược khác hẳn: đặt trọng tâm vào xuất khẩu hàng công nghiệp chế tạo và nhờ đó đã có những bước nhảy vượt bậc. Thế giới đã xuất hiện một sự phân cực ngày càng rõ ràng hơn về mức độ giàu nghèo.
LÀN SÓNG TOÀN CẦU HÓA THỨ BA (1980 - ?)
Làn sóng toàn cầu hóa thứ ba chỉ thực sự nổi lên vào những năm 1980, đánh dấu bởi sự gia tăng của công-ten-nơ hóa, sự phát triển vận tải hàng không, cước phí thông tin liên lạc giảm đi một cách nhanh chóng, sự phát triển ứng dụng rộng rãi của công nghệ sinh học và điện tử, và sự xuất hiện và phát triển như vũ bão của Internet!
Nếu thu gọn hệ quả của toàn cầu hóa trong thời đại ngày nay về một vài từ thì những từ đó có lẽ sẽ là tốc độ cao, khoảng cách nhỏ, mật độ cao, cường độ lớn! Không gian vật lý trong đời sống của con người đã được thu nhỏ lại rất nhiều kể từ những nỗ lực khám phá thế giới đầu tiên của Marco Polo, Vasco da Gama, Columbus v.v... hàng trăm năm trước. Nhưng đáng lưu ý hơn, toàn cầu hóa gia tăng tốc độ và vì vậy thu hẹp khoảng cách không chỉ trong không gian vật lý mà còn trong mọi chiều kích của cuộc sống loài người, từ việc ăn, ở, mặc, đi lại, giải trí, tinh thần, tình cảm, thông tin, tôn giáo, văn hóa... Một hệ quả của việc thu hẹp khoảng cách là sự phụ thuộc lẫn nhau được cảm nhận mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chưa bao giờ cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta lại phụ thuộc sâu sắc và trực tiếp vào những quyết định, hành động, sự kiện xảy ra cách xa chúng ta hàng ngàn dặm như ngày nay. Bin Laden vốn chẳng có chút liên hệ gì với chúng ta trở thành một trong những nhân vật được biết tới nhiều nhất ở Việt Nam; dịch SARS khởi phát ở Trung Quốc và lan rộng khắp thế giới; sự kiện Việt Nam không gia nhập được WTO do sự chưa nhất trí với một số đối tác thương mại nước ngoài v.v. Những sự kiện này xảy ra cách chúng ta rất xa, và trong đã số trường hợp độc lập với ý chí của chúng ta, nhưng lại trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của đại bộ phận người dân Việt Nam.
Một lần nữa, thế giới bước vào một bước ngoặt, và khi gia tốc của thế giới tăng lên không ngừng thì chỉ cần chậm chân (chứ chưa nói đến xảy chân) thì tụt hậu và lạc đường là hệ quả tất yếu. Trong khi những năm 1980 được mệnh danh là “một thập niên bị đánh mất” của các nước Châu Mỹ La-tinh, và trong khi phần lớn các nước Châu Phi tiếp tục hứng chịu hậu quả từ nội chiến, những xung đột và chính sách kém cỏi của nhà nước thì hai người khổng lồ Ấn Độ và Trung Quốc đã bừng tỉnh. Hai nước này đã quyết định đưa nền kinh tế ra khỏi quỹ đạo cũ để hòa mình vào trào lưu chung của thế giới. Công cuộc mở cửa nền kinh tế và phát triển theo hướng thị trường hóa đã mang lại cho hai quốc gia này những thành tựu về kinh tế rất đáng khâm phục. Ấn Độ duy trì mức tăng trưởng bình quân 6-7% kể từ đầu những năm 1990, còn ở Trung Quốc là 8-9% trong suốt hơn 20 năm trở lại đây. Đáng lưu ý, điều thần kỳ chỉ này không chỉ xảy ra với Ấn Độ và Trung Quốc mà xảy ra với hầu hết những nước biết tận dụng sức mạnh của toàn cầu hóa. Trong một nghiên cứu gần đây Ngân hàng Thế giới đã phát hiện ra rằng giữa năm 1980 và 1997, thu nhập bình quân đầu người của nhóm nước toàn cầu hóa tăng thêm 70%, trong khi con số này ở nhóm nước có mức độ toàn cầu hóa thấp hơn chỉ là 10%. Hơn thế, ở nhóm nước toàn cầu hóa, tỉ lệ phổ cập tiểu học tăng nhanh hơn, mặt bằng thuế hạ thấp hơn, và hệ thống luật pháp cũng được cải thiện hơn.
TOÀN CẦU HÓA VỚI VIỆT NAM
Toàn cầu hóa là một hiện thực mới ở Việt Nam. Chúng ta mới chỉ thực sự làm quen với toàn cầu hóa trong vòng 20 năm trở lại đây. Nhớ lại là vào cuối thế kỷ 15, khi làn sóng toàn cầu hóa thứ nhất bắt đầu thì dân tộc ta vẫn còn bế tắc dưới thời vua Lê, chúa Trịnh; và đèo Ngang vẫn còn sừng sững trên tiến trình Nam tiến của dân tộc. Trong làn sóng toàn cầu hóa thứ hai, chúng ta, lại một lần nữa, không phải là người trong cuộc. Nếu như dân tộc ta đã không có ý thức về làn sóng thứ nhất thì chúng ta đã chủ động chối bỏ một cách có ý thức làn sóng thứ hai. Rất may là đối với làn sóng toàn cầu hóa thứ ba này, dân tộc ta đã có ý thức hơn và đã chủ động hòa mình vào làn sóng ấy, dám chấp nhận vị mặn chát của nó để đổi lấy sức mạnh của đại dương. Chỉ có tinh thần ấy mới tương xứng với những cơ hội và thách thức to lớn mà toàn cầu hóa đang đem lại cho dân tộc chúng ta.
Nghịch lý của toàn cầu hóa là nó có thể biến mọi điều thành có thể và ngược lại. Nó có thể tước đoạt hoặc gia tăng quyền lực. Nó có thể đồng hóa, làm nghèo đi, đồng thời cũng có thể làm cho các nền văn hóa giao tiếp, xẻ chia, và cùng trở nên phong phú. Nó mở ra triển vọng phát triển, nhưng cũng có thể khiến mọi người ôm giữ chặt hơn “cây ô liu” truyền thống. Toàn cầu hóa có nghĩa là chúng ta vừa lớn lên lại vừa nhỏ lại, vừa mạnh lên đồng thời lại vừa yếu đi... Tuy nhiên, một bài học sâu sắc từ lịch sử là mọi cơ hội và thách thức gắn liền với toàn cầu hóa đều chỉ là những khả năng, và xác suất để những khả năng này trở thành (hay không trở thành) hiện thực phụ thuộc rất nhiều vào sự sáng suốt, thức thời và chuẩn bị của chúng ta. Toàn cầu hóa như thời tiết. Vấn đề không phải là trốn tránh hay cố tình phủ nhận nó, mà là hiểu được những quy luật của nó, từ đó thuận theo, thích nghi, đồng thời hạn chế tác hại của nó.
Toàn cầu hóa là gì? |
[1]Tôi xin chân thành cảm ơn Eli Mazur, đồng nghiệp của tôi trong môn học “Toàn cầu hóa và Việt Nam” tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright vì đã cung cấp cho tôi một số thông tin rất hữu ích được sử dụng trong bài viết này. Tài liệu của môn Toàn cầu hóa và Việt Nam được đăng tạihttp://ocw.fetp.edu.vn/
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Con người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần Bạt