Tinh thần biển tung bay trên những cánh buồm

08:49 SA @ Thứ Sáu - 14 Tháng Tám, 2015

Clipper chở chè

Vào mùa thu hoạch chè xanh, cảng Phúc Châu Trung Quốc vô cùng nhộn nhịp. Đó là những năm cuối thế kỷ 19, nhà Thanh đã mở cửa cảng này cho tàu thuyền nước ngoài vào buôn bán ngoài cảng Quảng Châu đã mở từ lâu. Người tiêu dùng Âu Mỹ nghiện dùng chè xanh Ấn Độ và Trung Hoa, những địa điểm cách xa nguồn sản xuất hàng vạn hải lý, trong khi mọi việc vần chuyển lúc này còn hoàn toàn trông cậy vào những cánh buồm. Làm sao cho tàu buồm chạy nhanh hơn, làm sao cho chè từ Trung Hoa về tới cảng Luân Đôn không chậm hơn. . . ba tháng, đó là mối băn khoăn của các nhà đóng tàu. Một kỹ sư Mỹ tại Baltimore đã nghĩ ra kiểu tàu mũi hẹp, họn tốc độ rất cao, có thể treo tới hơn 35 cánh buồm và có những cột treo tới 6 tầng buồm. Vì nó đi như cắt nước nên người ta gọi nó là clipper từ động từ to clip là cắt. , là xén và tên này đã trở thành tên gọi chung của nhiều thứ tiếng, như người Nga gọi loại tàu buồm này là клипер, người Hà Lan là klipper, người Trung Quốc phiên âm thành 克利伯(khắc lợi bá), cho nên có lẽ chúng ta nên gọi luôn là clipper cho gọn. Cuộc vận chuyển chè biến thành một cuộc đua giữa những chiếc clipper và sôi nổi nhất là cuộc đua vào năm 1866. 10 chiếc clipper với hơn 4 chục thuyễn viên mỗi chiếc khởi hành từ Phúc Châu ngày 28 tháng Năm, cuối cùng tiến vào cảng Luân Đôn ngày 5 tháng Chín 1866 trong tiếng reo hò của hàng vạn người là hai chiếc cùng chia phần vô địch, đó là chiếc Ariel và Taeping. Năm năm sau, chiếc Taeping bỏ xác tại Đảo Đá Lát quần đảo Trường Sa Việt Nam do tai nạn!

Ông bầu Robin vẫn ra khơi ở tuổi 75

Buồm của thời đại nguyên tử

Năm tháng trôi qua, những cánh buồm đã rút vào hậu trường sau khí đã hoàn thành những công việc trọng đại. Chính bằng những cánh buồm no gió đã đẩy con người tới những miến đất lạ, thực hiện các cuộc khai phá trong giai đoạn toàn cầu hóa lần thứ nhất. Chính vẻ đẹp của buổm là nỗi ám ảnh của các nhà văn hóa như Joseph Conrad, một nhà văn vĩ địa của biển cả có lần bình luận rằng. Trên thế gian này có nhiều dạng chuyển động đẹp như nữ vũ công đang múa, những chiến mã đnag tung bờm phia nước kiệu, nhưng đẹp nhất có lẽ là những chiếc clipper tung hết các cánh buồm sải cánh trên đại dương. Và trong thời đại nguyên tử này, buồm không chỉ là một năng lượng sạch đẩy tàu mà cón là một môi trường huấn luyện tốt nhất những phẩm chất cần có của một con người. Chiếc tàu với hơn

1400 mét vuông buồm mang tên nhà bác học Lê Quý Đôn sẽ gia nhập đội tàu Hải Quân Việt Nam vào tháng 10 năm nay là nhằm mục đích này. Buồm vẫn còn là nỗi ám ảnh của nhiều người, trong đó có nhiều người chọn cánh buồm là lẽ sống của đời mình. Robin, một thủy thủ người Anh năm nay đã 76 tuổi là một trong người như vậy. Tên đầy đủ cùa ông khá dài, đó là Sir William Robert Patrick "Robin" Knox-Johnston, nhưng người ta thường gọi thân mật là Robin và trước cái tên ông có chữ Sir vì được phong tước của Hoàng Gia Anh, một danh hiệu cao quý giành cho những ngưới được công chúng yêu mến (ví như nhạc sĩ ca sĩ Elton John cũng được nhận tước này). Ở tuổi 30, sau những kinh nghiệm thu lượm được trong nghiệp thủy thủ đội tàu buôn và hải quân, Robin là người đầu tiên trên thế giới thực hiện chuyến đi buồm vòng quanh thế giới solo chỉ có một mình, không dừng tại cảng nào. Mong muốn truyền tình yêu biển cả cho tuổi trẻ, vào năm 1996, Robin bắt tay vào tổ chức cuộc đua clipper vòng quanh thế giới với tên gọi là "Clipper Round the World Yacht Race" bằng việc lập một công ty mà ông là Chủ tịch. Trong 20 năm qua đã có 9 cuộc đua và cuộc đua 2015-2016 với chiếc clipper mang tên "Danang-Vietnam" là cuộc đua thứ 10. Không chỉ là người tổ chức, Robin vẫn bước ra đại dương như một vận động viên chuyên nghiệp. Tháng Mười một năm ngoái, Robin đã kết thúc chuyến đi solo một mình vượt Đại Tây Dương, giành giải ba sau khi lênh đênh 20 ngày, 7giờ 52 phút và 22 giây trên biển

Các cuộc đua clipper từ năm 1996 tới nay

Như đã nói ở trên,từ khi thành lập đến nay, Clipper Race đã tổ chức được 9 cuộc đua,hai năm một lần chia thành 3 đợt như sau :

- Đợt 1 sử dụng các clipper có chiều dài 60 feet (18 mét). thực hiện vào các năm 96. 98, 2000, 2002

- Đợt 2 dùng các clipper có chiều dài 68 feet (21 mét) vào các năm 2005, 2007, 2009, 2011. Các chiếc clipper 68 này do Dubois thiết kế và được chế tạo tại Thượng Hải Trung Quốc

- Đợt 3 dùng các clipper có chiều dài 70 feet (23 mét) do Tony Castro thiết kế và được chế tạo tại Thanh Đảo Trung Quốc. Clipper này đã được dùng trong cuộc đua năm ngoái 2013-2014 và cuộc đua 2015-2016 sắp tới. Như vậy về chiều dài, các chiếc clipper đua tranh này chỉ bằng khoảng một phần ba ông tổ của nó là những chiếc clipper chở chè tham gia cuộc đua nổi tiếng năm 1866. Ví như chiếc Taeping đã chìm tại Đá Lát có chiều dài là 180 feet ( 55 mét) trong khi chiếc clipper năm nay mang tên Đà Nẵng chỉ có chiều dài 70 feet. Còn về buồm, chúng ta không thể chứng kiến những clipper như một đám mây khổng lồ trôi vào cảng Đà Nẵng sắp tới như với tàu chở chè. Có thể chiếc tàu buồm Lê Quý Đôn sẽ cho bạn cảm giác như vậy khi nó giương hết 30 cánh buồm. Còn chiếc clipper Đà Nẵng chỉ có một cột buồm, thêm chiếc buồm mũi. Nhưng cả một đội clipper tiến vào cảng chẳng kém phần hoành tráng như chúng ta đã thấy trong các cuộc đua buồm từ Hongkong tới Nha Trang trong những năm gần đây.

Đó là phương tiện dùng để đua còn con người tham gia thì sao ?Đây thật sự đã huy động quần chúng với một đội ngũ thủy thủ tự nguyện.. Từ cuộc đua đầu tiên tới nay,đã huy động trên 2 nghìn người thuộc mọi tầng lớp xã hội trong đó hơn một nửa là những người chưa có kinh nghiệm đi biển và hơn 40% là phụ nữ.Không có giới hạn trên về tuổi tác.Ví như trong cuộc đua 2009-2010 đã thuyền viên thuộc 41 nước , đại diện cho 230 ngành nghề khác nhau và có độ tuổi từ 18 tới 69. Sau cuộc đua,nhiều người vẫn tiếp tục duy trì tình yêu biển cả.Họ mua thuyền để lái chơi vào những ngày nghỉ hay tham gia làm những công việc trong ngành hàng hải

Wendy Tuck 50 tuổi sẽ dẫn dắt clipper Đà Nẵng-Việt Nam vòng quanh thế giới và cập cảng Đà Nẵng vào mùa Xuân 2016

Chiếc clipper "Đà Nẵng-Việt Nam"

Vào những ngày này, chị Wendy Tuck đang hối hả tập luyện để cầm đầu toán thủy thủ trên chiếc clipper 70 mang một cái tên rất mới "Danang-Vietnam". Vào tuổi 50, Wendy sẽ là phụ nữ Úc đầu tiên lãnh đạo một chiếc clipper tham gia cuộc đua toàn cầu sau khi đã giành được nhiều giải thưởng danh giá trong suốt những năm qua. Là thuyền trưởng chuyên nghiệp, chị phải dẫn dắt một đội ngũ 23 thuyền viên vượt 4 vạn hải lý vòng quanh thế giới, trong một hành trình chia làm 8 chặng, trong đó có 16 cuộc đua. Đang tập luyện cùng đội ngũ, nhận được tin Đà Nẵng là nhà tài trợ cho con thuyền của mình, Wendy đã chia xẻ với báo giới :' Tôi thật phấn khích khi biết mình là thuyền trưởng với nhà tài trợ này và tôi tôi thật sự mong mỏi được thấy thành phố Đà Nẵng tuyệt vời đó. Tôi thật thú vị khi được học hỏi nhiều hơn về văn hóa Việt Nam thông qua việc tài trợ này. Nó còn giúp cho việc củng cố mối quan hệ giữa Việt Nam và Úc, một thị trường du lịch chủ yếu của đất nước chúng ta "

Vào tháng Hai năm 2016,chúng ta sẽ có dịp đón những chiếc clipper trên đường vòng quanh thế giới ghé thăm Đà Nẵng.Nhưng có lẽ đây không phải là lần đầu tiên những người đi vòng quanh thế giới tới đây.Vào năm 1996,báo Tuổi Trẻ cũng từng chủ trì cuộc đón tiếp một chiếc yacht trên đường vòng quanh thế giới ghé thăm cảng Sài Gòn do luật sư Thụy Điển Lars Hassler cầm đầu.Với hiểu biết hạn hẹp lúc đó,nhiều chuyện dở khóc dở cười đã xẩy ra trước một sự kiện lạ lùng như vậy. Ví như người ta chưa hiểu thế nào là một chiếc yacht vào cảng nên đối xử với nó giống hệt một thương thuyền 1 vạn tấn,tức là một vật thể to hơn nó tới gần 1 nghìn lần.Chẳng hạn,chiếc thuyền Jennifer bắt buộc phải được buộc bằng hai cái phao khổng lồ giữa sông Sài Gòn,không cho nó cập một cái bến nho nhỏ nào đó. Hình ảnh đó được Lars chụp lại và làm minh họa có tính bông đùa trong một cuốn sách kể lại chuyến đi. Biên phòng yêu cầu hồ sơ của Lars phải đóng dấu.May quá, lúc qua Bangkok, anh ta đã nghịch ngợm làm một cái “củ khoai” tại một điểm giống như các anh khắc dấu cho du khách ngồi lê quanh hồ Hoàn Kiếm Hà Nội hôm nay. Hy vọng với sự kiện clipper Đà Nẵng tham gia cuộc đua vòng quanh thế giới lần này, không chỉ hình ảnh Việt Nam du lịch được giới thiệu ra thế giới mà những cánh buồm sẽ nâng tinh thần biển của chúng ta lên thêm một trình độ mới.Đặc biệt,cùng với sự xuất hiện của tàu buồm Lê Quý Đôn,của những du thuyền du nhập hay tự chế,từ các cuộc đua buồm tại các marina Nha Trang Vũng Tàu,những cánh buồm sẽ khích lệ niềm khát khao tự do sáng tạo, ý chí vượt khó, tinh thần cộng đồng làm việc trong đội ngũ, niềm hạnh phúc được hòa đồng với Thiên Nhiên.. . Đó là những thông điệp của cánh buồm mà cha ông chúng ta đã truyền gửi từ xa xưa,khi dựng nên những cánh buồm trên bè tre vượt Thái Bình Dương hay trên những chiếc ghe bầu tiến thẳng ra Hoàng Sa thân yêu !

Bản đồ toàn chuyến đi vòng quanh thế giới của cuộc đua Clipper Race để chúng ta dễ theo dõi

Hành trình gồm 8 chặng đường, mỗi chặng đường có một tên gọi tóm tắt ý nghĩa của chặng đó và trên đường đi tổ chức 16 cuộc đua

1- Chặng 1 : “Theo tín phong tới Brasil” tức là từ London Anh tới Rio de Janeiro Brasil. Cả đoàn tạm biệt London để vượt 4 vạn hải lý và sẽ trở lại đây sau 11 tháng. Chặng vượt Đại Tây Dương này thuận gió. Con đường dài 9. 604 km, lênh đênh trên biển suốt 3 tuần lễ. Có một cuộc tranh đua.

2- Chặng 2 : “Thách thức Nam Đại Tây Dương “ kéo dài từ Rio de Janeiro-Cape Town Nam Phi. Đoạn đường dài 6. 328 km, Có tổ chức một cuộc đua

3- Chặng 3: “Lái xe trượt tuyết trên Biển Nam “ Cape Town Nam Phi-Albany Tây Úc. Chặng đường 8. 972 km, một cuộc đua

4- Chặng 4 : “Qua Mũi Lớn lần thứ hai và vượt qua 3 Đại Dương “ Albany Tây Úc-Sydney-Hobart-Whitsundays-Queensland. Trên chặng dài 8. 071 km này tổ chức 3 cuộc đua, trong đó có giải truyền thống Rolex từ Sydney-Hobart. Đoàn clipper có dịp qua ba Đại dương đó là Ấn Độ Dương, xuống Biển Nam Cực tới mũi Tasmania và vào Thái Bình Dương

5- Chặng 5 :” Những thử thách của châu Á –Thái Bình Dương “ Whitsundays, Queensland Úc-Đà Nẵng Việt Nam-Thanh Đảo Trung Quốc –Chặng đường 11. 241 km này có tổ chức 2 cuộc tranh đua

6- Chặng 6: “Chinh phục Thái Bình Dương mênh mông ” từ Thanh Đảo Trung Quốc –Seattle Hoa Kỳ -Chặng vượt Thái Bình Dương dài 10. 682 km chỉ tổ chức một cuộc đua

7- Chặng 7 : “ Từ bờ nọ sang bờ kia Hoa Kỳ “ Seattle –Panama-Nữu Ước Hoa Kỳ Chặng đường 11. 454 km, có 2 cuộc đua

8- Chặng 8 “Quay về bến” Bờ Đông Hoa Kỳ-Derry (Bắc Ireland)-Londonderry (Bắc Ireland) –Den Helder (Hà Lan) -London Anh.Chặng này dài 7. 876 km tổ chức 3 cuộc đua trong đó có cuộc đua vượt Đại Tây Dương.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nạn lụt thông tin

    23/10/2017Phạm Văn Thiều dịchĐầu năm nay, nhà báo khoa học nổi tiếng James Gleick (*) đã cho ra mắt Thông tin: một lịch sử, một lý thuyết và một nạn lụt - cuốn sách gây xôn xao dư luận. Nhà vật lý lỗi lạc 87 tuổi Freeman Dyson đã có bài giới thiệu súc tích lột tả được những ý tưởng tinh tế và cơ bản nhất của cuốn sách. TTCT trích giới thiệu bài viết này của Freeman Dyson qua bản dịch của phó tổng thư ký Hội Vật lý Việt Nam Phạm Văn Thiều.
  • Người Việt Nam đầu tiên đặt chân đến châu Mỹ

    23/05/2017Nguyễn Hiến LêTừ một người đi tìm vàng ở California, ông đã trở thành ký giả người Việt đầu tiên trên đất Mỹ. Ông là Trần Trọng Khiêm, người làng Xuân Lũng, phủ Lâm Thao, Phú Thọ...
  • Khoa học, đại học và lý tưởng cho tuổi trẻ

    03/04/2016TS Nguyễn Xuân XanhCác bạn sinh viên trẻ hãy chứng tỏ rằng tương lai đất nước này thuộc về các bạn, rằng các bạn sẽ cung cấp cho đất nước này mỗi người mỗi cách những cột trụ vững chắc mới để chống đỡ, thì đất nước mới được vững bền!
  • Hãy bay với hai cánh vào hiện đại

    10/03/2016Trong suốt bài nói chuyện của tôi, và nhất là trong phần kết luận, các bạn sẽ nhận ra rằng tôi nói chuyện phương Tây mà thật ra là tôi nói chuyện Việt Nam. Mở cửa nhìn ra thế giới, chính là để biết mình là gì và biết mình phải làm gì...
  • Đối thoại với Robinson Cruso

    04/05/2015Nguyễn Tất ThịnhTôi đọc lại truyện ‘Robinson Cruso trên đảo hoang’ nhiều lần… Rồi ngẫm nghĩ đi tìm viết những đối thoại này với Ông: ý nghĩa lớn lao hơn chuyện 30 năm ông phải nỗ lực sống cô độc trên đảo hoang, mà mong muốn ‘nhân bản’ , phát triển tiếp tinh thần của Robinson vào cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta…không ở ‘hòn đảo hoang’ mà trong đời sống xã hội…
  • Phác thảo yếu tố Biển trong văn hóa Việt Nam

    28/01/2015Trần Thị Mai AnBài viết này muốn phác thảo một số dấu tích của văn hoá biển trong đời sống con người Việt Nam...
  • Kon-Tiki - một trong những chuyến thám hiểm vĩ đại nhất của nhân loại

    27/06/2014Bùi Quang MinhChuyến thám hiểm lừng danh thế giới Kon-Tiki của Thor Heyerdahl đã trở thành niềm tự hào của đất nước Nauy...
  • Nói chuyện phim "Noah: Đại Hồng Thủy"

    03/04/2014Noah (Đại Hồng Thuỷ – 2014). Đạo diễn: Darren Aronofsky. Diễn viên: Russell Crowe, Jennifer Connelly, Emma Watson, Logan Lerman. Khởi chiếu từ 28/3/2014 tại Việt Nam...
  • Về Uri Geller, nhà tâm linh “lừng danh thế giới”!

    29/03/2014Đại tá, nhà nghiên cứu Đỗ Kiên CườngTại sao Uri Geller trở thành nhà tâm linh nổi danh nhất lịch sử là một vấn đề thú vị cần được giải thích rõ ràng trong lĩnh vực dị thường học. Trong 40 năm qua, đây là chủ đề thu hút sự chú ý chưa từng có của dư luận.
  • Văn học giả tưởng – Một tiến trình lịch sử

    09/06/2013Hà Thủy NguyênTrong dòng chảy văn chương thế giới, có một thể loại hiện nay chưa được xếp vào hàng chính thống, thậm chí còn không được giới hàn lâm đánh giá cao, nhưng lại có tầm ảnh hưởng lớn đến tư duy của nhân loại. Đó là “Fiction literature” (văn học giả tưởng). Đây không phải chỉ đơn thuần là một thể loại, mà còn là một dòng chảy trong suốt tiến trình lịch sử với nhiều lần biến đổi về hình thức và phân nhánh về đề tài...
  • xem toàn bộ