'Internet: Nền tảng công nghệ cho xã hội tri thức!'
Hơn 10 năm trước, khi Internet xuất hiện và "chào" Việt Nam, GS.TSKH Phan Đình Diệu đã cùng với các nhà khoa học khác đề nghị Chính phủ phê chuẩn việc cần phải tiếp nhận và hòa nhập với thế giới Internet rộng mở. Và bây giờ, lúc Internet đã phát triển rất mạnh mẽ và được coi là không thể thiếu đối với đời sống và sự phát triển của đất nước, GS Phan Đình Diệu lại say sưa bày tỏ mong muốn: Internet tại Việt Nam sẽ làm sao phát triển sâu hơn nữa, xa hơn nữa và rộng hơn nữa.
PV VietNamNet có cuộc trao đổi với GS Diệu về câu chuyện Internet Việt Nam 10 năm ấy và hành trình tiếp theo của Internet với thế hệ trẻ hôm nay...
"Internet là một cơ sở công nghệ, một nền tảng vật chất để xây dựng một xã hội học tập, xã hội tri thức". (Ảnh: Lê Anh Dũng)
Cơ hội chín muồi
Vào những năm 90 - 95, khi Internet từng bước xuất hiện trên thế giới, các nhà khoa học, nhà lãnh đạo và giới công nghệ Việt Nam cũng nhận ra sự hấp dẫn rõ ràng của Internet. Những ưu điểm và lợi ích mở ra trước mắt của Internet là hiển nhiên và đã "chín". Nhiệm vụ của những người làm CNTT lúc ấy (Chương trình quốc gia về CNTT giai đoạn 96-98) là đề xuất với Chính phủ phê duyệt việc tiếp nhận công nghệ Internet và nối mạng với toàn cầu.
Các mốc phát triển Internet tại Việt Nam |
- Internet được sử dụng chính thức ở Việt Nam ngày 19/11/1997 - Tháng 12/2006, ước tính có 4.059.392 thuê bao quy đổi, với số người sử dụng là 14.683.783, tỷ lệ người dùng Internet trên 100 dân đạt 17,67%. Tổng dung lượng kênh kết nối quốc tế của Việt Nam: 7076 Mbps. Tổng số tên miền Việt Nam 34.924. - Tốc độ phát triển thuê bao và số người dùng hàng năm đều có xu hướng tăng, gấp khoảng 1,5 lần so với năm trước. - Đến ngày 26/12/2003, tất cả 64/64 tỉnh, thành phố đã hoàn thành xong chương trình đưa Internet tới các trường Đại học, Cao đẳng và THPT trên địa bàn tỉnh, thành phố. (Số liệu của Bộ BCVT VN) |
"Lúc đó, một số anh em trình bày với lãnh đạo Chính phủ việc đưa Internet vào Việt Nam như thế nào. Những khó khăn thực tế đã được đặt ra, trong đó có khó khăn về kỹ thuật như: trang thiết bị còn thiếu hụt, công nghệ còn non yếu; bảo đảm sự an toàn về thông tin bên trong đi ra, bên ngoài đi vào như thế nào...", GS Diệu - lúc đó là Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia về CNTT - nói.
Ban chỉ đạo lúc đó trực thuộc Chính phủ, mỗi bộ ngành đều có 1 ủy viên tham gia, tổng cộng khoảng 11 ủy viên, trong đó có các bộ: Tài chính, KHCN, BCVT, Công nghiệp, Ngân hàng nhà nước...Có người đồng ý, người không tán thành với việc mở rộng và hòa nhập thông tin của mạng Internet, nhưng đa số đều nhất trí trước tiên, cần phát triển các mạng truyền thông, thông tin ở trong nước.
"Khi chúng tôi giải thích dần dần rằng, nối mạng Internet nghĩa là sẽ tiếp nhận thông tin từ bên ngoài, từ những nền văn hóa và kinh tế tiên tiến trên thế giới; trao đổi và giao lưu thông tin của Việt Nam với thế giới. Và như thế, lợi ích là rất to lớn. Việc chúng ta phải giao lưu với quốc tế là cần thiết, chứ không thể đóng kín mãi được. Còn việc bảo vệ an ninh thông tin từ bên trong thì mình có thể chủ động được, quy định được và can thiệp được bằng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ".
Ngay sau đó, đầu năm 1997, chủ trương về nối mạng Internet được Chính phủ chấp thuận. Giữa năm 1997, những hoạt động nối mạng đầu tiên được tiến hành.
Thực hiện trực tiếp việc nối mạng Internet lúc đó là Tổng cục Bưu điện và Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam. GS Diệu cho biết: "Đảm nhiệm việc nối mạng Internet lúc đó đối với ngành BCVT là rất thuận lợi so với các ngành khác, là bởi vì ngành BCVT từ 10 năm trước đó đã có một cái nhìn xa trong việc tiếp cận công nghệ mới, so với nhiều ngành kinh tế khác còn phát triển chậm chạp thì ngành BCVT đã khá mạnh. Ví dụ, khi đó mạng điện thoại trong nước đã phổ biến tương đối rộng. Tôi nhớ, tỷ lệ lúc đó là 10 điện thoại/100 dân - một tỷ lệ khá cao so với các nước chậm phát triển. Mạng điện thoại phổ rộng như thế sẽ làm cơ sở để đưa Internet tiếp cận người dân dễ dàng hơn".(Internet bắt đầu ở Việt Nam với công nghệ kết nối dial-up, kết nối Internet trực tiếp qua đường điện thoại. PV)
Thời đại của "Xã hội thông tin và Internet"
G.S Diệu cho rằng, trong 10 năm qua, Internet đã phát triển rất nhanh ở Việt Nam. Chính Internet hỗ trợ cho sự tự do giao lưu thông tin giữa con người với nhau. Những thông tin về mọi lĩnh vực: văn hóa, chính trị, kinh tế...có lợi cho sự phát triển của đất nước, giúp phát triển thương mại dịch vụ, phát triển quan hệ quốc tế, phát triển khoa học, tri thức, truyền bá tri thức,...và do đó mở rộng giáo dục đào tạo. Đó chính là cơ sở cho những hình thức giáo dục đào tạo mới.
Với những tệ nạn sinh ra từ Internet cũng cần phải nhanh chóng tìm cách chống lại. Điều quan trọng là phải tìm ra được biện pháp giáo dục đối với thanh thiếu niên. "Tôi cho rằng, nếu thanh thiếu niên có những ham thích về khoa học, văn chương, thơ ca, có những đam mê khác lành mạnh hơn, thì những trò tệ nạn hay suy đồi xuất phát từ Internet ảnh hưởng tới thanh thiếu niên sẽ giảm đi. Với những hành động phạm pháp có tính tổ chức thì phải trị bằng luật pháp. Mức độ xử phạt như thế nào thì còn phải tùy vào sự phát triển của xã hội, không buông lỏng nhưng không khắt khe quá, để giới trẻ không phạm pháp nhưng cũng không bị hạn chế tiềm năng phát triển".
Internet phải đến tận tay từng người dân!
Nếu hình dung, mỗi gia đình có một máy tính kết nối Internet, mỗi người đều có thể tra cứu được bất kỳ thông tin gì mình cần, tổ chức ra những chương trình học về chuyên môn, đặc biệt trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuối, tiểu thủ công nghiệp... Nếu như mang được Internet đến từng gia đình, với mục đích phổ biến kiến thức, nâng cao trình độ nhân dân, thì đó chính là việc quan trọng nhất.
"Tôi hy vọng trong một số năm nữa, Internet tại Việt Nam sẽ đi vào nhiều vùng sâu, vùng xa của đất nước hơn, để Internet có thể phục vụ cho công tác giáo dục. Bởi nó là cơ sở để tiến hành tổ chức giáo dục cộng động. Phổ cập và nâng cao trình độ tri thức của nhân dân thông qua Internet là hiệu quả nhất".
"Tôi đang cổ động cho việc hình thành - trước mắt - một xã hội thông tin, sau đó là một xã hội học tập, xã hội tri thức. Và Internet là một cơ sở công nghệ, một nền tảng vật chất - kỹ thuật để xây dựng một xã hội như vậy. Đó là cách đi nhanh của ta",GS Diệu bày tỏ.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015